KINH TRUNG BỘ III – KINH KHẤT THỰC THANH TỊNH

KINH TRUNG BỘ

KINH KHẤT THỰC THANH TỊNH – Piṇḍapātapārisuddhi Sutta

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).

Rồi Tôn giả Sāriputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sāriputta đang ngồi một bên

—Này Sāriputta, các căn của Ông rất sáng suốt, sắc da của Ông thanh tịnh trong sáng. Này Sāriputta, Ông nay đang phần lớn an trú với loại an trú nào?

—Bạch Thế Tôn, con nay đang phần lớn an trú với Không trú.

—Lành thay, lành thay! Này Sāriputta, Ông nay đang phần lớn an trú với sự an trú của bậc Ðại nhân. Này Sāriputta, sự an trú của bậc Ðại nhân tức là không tánh. Do vậy, này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo ước mong rằng: “Mong rằng tôi nay phần lớn an trú với sự an trú không tánh”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: “Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?”

Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: “Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Trên con đường ta đã đi … ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Trên con đường ta đã đi …, ta đi khất thực trở về, đối với các tiếng do tai nhận thức, … đối với các hương do mũi nhận thức, … đối với cácvị do lưỡi nhận thức, … đối với các xúc do thân nhận thức, … đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên dục, tham, sân, si hay hận tâm không?”

Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Trên con đường ta đã đi …, ta đi khất thực trở về, đối với các tiếng do tai nhận thức, … đối với các hương do mũi nhận thức, … đối với các vị do lưỡi nhận thức, … đối với các xúc do thân nhận thức, … đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si, hay hận tâm”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Trên con đường ta đã đi…, ta đi khất thực trở về, đối với các tiếng do tai nhận thức, … đối với các hương do mũi nhận thức, … đối với các vị do lưỡi nhận thức, … đối với các xúc do thân nhận thức, … đối với các pháp do ý nhận thức, không có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa? Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo, trong khi suy tư được biết như sau: “Ta chưa đoạn tận năm dục trưởng dưỡng”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận năm dục trưởng dưỡng. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Ta đã đoạn tận năm triền cái chưa?” Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: “Ta chưa đoạn tận năm triền cái”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận năm triền cái. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Ta đã đoạn tận năm triền cái ”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: “Ta có liễu tri năm thủ uẩn chưa?” Này Sāriputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: “Ta chưa có liễu tri năm thủ uẩn”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tán liễu tri năm thủ uẩn. Nhưng nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo ấy được biết như sau: “Ta đã liễu tri năm thủ uẩn”, thời này Sāriputta, vị Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Ta đã tu tập bốn niệm xứ chưa?” Này Sāriputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết: “Ta chưa tu tập bốn niệm xứ”, thời này Sāriputta, vị Tỷ-kheo cần phải tinh tấn tu tập bốn niệm xứ. Nhưng nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: “Ta đã tu tập bốn niệm xứ ”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: “Ta đã tu tập bốn chánh cần chưa? ” … “Ta đã tu tập bốn như ý túc chưa?” … “Ta đã tu tập năm căn chưa?” … “Ta đã tu tập năm lực chưa?” … “Ta đã tu tập bảy giác chi chưa?” … Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành chưa?” Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: “Ta chưa tu tập Thánh đạo Tám ngành”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập Thánh đạo Tám ngành. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú trong hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: “Ta đã tu tập Chỉ và Quán chưa? ” Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: “Ta chưa tu tập Chỉ và Quán ”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập Chỉ và Quán. Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Ta đã tu tập Chỉ và Quán ”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: “Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa? ” Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: “Ta chưa chứng ngộ minh và giải thoát”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập minh và giải thoát. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: “Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát ”, thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

Này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ đã làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời gian tương lai sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Và này Sāriputta, những Sa-môn, Bà-la-môn nào trong thời hiện tại, làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Vậy này Sāriputta, các Ông cần phải học tập như sau: “Sau khi suy tư, suy tư, chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh”. Này Sāriputta, các Ông phải tu tập như vậy.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Sāriputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *