TƯƠNG ƯNG BỘ IV – CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ – PHẨM DUYỆT HỶ TIÊU TẬN

TƯƠNG ƯNG BỘ IV

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ

PHẨM DUYỆT HỶ TIÊU TẬN

152. Duyệt Hỷ Tiêu Tận

—Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo thấy mắt vô thường là vô thường, thấy vậy là chánh tri kiến. Do thấy chơn chánh, vị ấy nhàm chán. Do duyệt hỷ tiêu tận (nandi) nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo thấy tai vô thường là vô thường … thấy mũi vô thường là vô thường … thấy lưỡi vô thường là vô thường … thấy thân vô thường là vô thường …

Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo thấy ý vô thường là vô thường, thấy vậy là chánh tri kiến. Do thấy chơn chánh, vị ấy nhàm chán. Do duyệt hỷ tiêu tận nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.

153. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (2)

(Như kinh trên, chỉ khác là thế vào các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc, các pháp).

154. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (3)

—Này các Tỷ-kheo, hãy như lý tác ý mắt, và hãy như thật chánh quán con mắt là vô thường. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý con mắt và như thật chánh quán con mắt là vô thường, Tỷ-kheo nhàm chán đối với con mắt. Do duyệt hỷ tiêu tận nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, hãy như lý tác ý tai … mũi … lưỡi … thân …

Này các Tỷ-kheo, hãy như lý tác ý và như thật chánh quán ý là vô thường. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý và như thật chánh quán ý là vô thường, Tỷ-kheo nhàm chán đối với ý. Do duyệt hỷ tiêu tận nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.

155. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (4)

(Như kinh trên chỉ thế vào các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc và các pháp)

156. Trong Vườn Xoài Jiivaka (1)

Một thời Thế Tôn ở Rājagaha, tại vườn xoài Jiivaka.

Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

—Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có tâm định tĩnh, sự vật như thật hiển hiện. Và sự vật gì như thật hiển hiện?

Mắt vô thường như thật hiển hiện. Các sắc vô thường như thật hiển hiện. Nhãn thức vô thường như thật hiển hiện. Nhãn xúc vô thường như thật hiển hiện. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy vô thường như thật hiển hiện.

Tai … Mũi … Lưỡi … Thân …

Ý vô thường như thật hiển hiện. Các pháp vô thường như thật hiển hiện. Ý thức vô thường như thật hiển hiện. Ý xúc vô thường như thật hiển hiện. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy vô thường như thật hiển hiện.

Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Tỷ-kheo có tâm định tĩnh, sự vật như thật hiển hiện.

157. Trong Vườn Xoài Jiivaka (2)

158. Kotthika (1)

Rồi Tôn giả Mahà Kotthika đi đến Thế Tôn …

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp từ Thế Tôn, con sẽ sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

—Cái gì vô thường, này Kotthika, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Này Kotthika, cái gì là vô thường?

Mắt là vô thường, này Kotthika, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Các sắc là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Nhãn thức là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Nhãn xúc là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.

Tai … Mũi … Lưỡi … Thân …

Ý là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Các pháp là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Ý thức là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Ý xúc là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.

Cái gì vô thường, này Kotthika, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.

159–160. Kotthika (2) (3)

(Hai kinh này giống kinh trên chỉ khác là một kinh nói đến khổ, một kinh nói đến vô ngã)

161. Tà Kiến

Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn …

Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, thấy như thế nào, tà kiến được đoạn trừ?

—Tỷ-kheo do biết và thấy mắt là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ. Do biết và thấy nhãn thức là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; do biết và thấy cảm thọ ấy là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ … Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; do biết và thấy cảm thọ ấy là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ.

Này các Tỷ-kheo, do biết như vậy, do thấy như vậy nên tà kiến được đoạn trừ.

162. Thân Kiến

(Như kinh trên, chỉ thế thân kiến cho tà kiến … ).

163. Ngã Kiến

(Như kinh trên, chỉ thế vào ngã kiến).

164. Do Dục Niệm

Sáu Mươi Lược Thuyết

(18 kinh) (1)

—Này các Tỷ-kheo, cái gì vô thường, ở đấy, các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Và này các Tỷ-kheo, cái gì là vô thường? (Như kinh 161, chỉ khác, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo).

165. Do Dục Niệm (2)

(Như kinh trên, chỉ thế tham (ràga) cho dục niệm).

166. Do Dục Niệm (3)

(Như kinh trên, chỉ thế dục và tham cho dục niệm)

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *