37 PHẨM TRỢ ĐẠO – CHƯƠNG VII – THẤT GIÁC CHI – LEDI SAYADAW

Thất giác chi
(Bojjhanga)

Ngài Ledi Sayadaw

 

Catusaccadhamme sutthu bujjhatì’ti sambodhi; sambodhiyà ango sambojjhango.

Sự giải thích danh từ như trên có nghĩa là: bởi vì sambodhi, chứng ngộ đầy đủ Bốn Chân Lý, nên gọi là “Giác Ngộ”. Sambodhi ở đây là Tuệ Giác thông hiểu Ðạo Siêu Thế (lokuttara-magga-nàna). Một thành phần của Ðạo Tuệ như thế được gọi là Yếu Tố của sự Giác Ngộ (Giác Chi).

Loài chim đầu tiên được sanh ra khỏi bụng mẹ dưới hình thức một cái trứng. Khi trứng nở, chim được sanh ra lần thứ nhì. Cuối cùng, khi đủ lông đủ cánh, chim thoát ra khỏi ổ và có thể bay đi bất luận đâu mà nó thích. Trường hợp của người hành thiền cũng cùng thế ấy. Trước tiên, do nhờ vững vàng trong pháp Niệm Thân, hoặc nhờ thành công thực hành thiền Vắng Lặng (samatha), tâm của hành giả thoát ra khỏi trạng thái loạn động đã theo mình từ quá khứ vô tận của vòng luân hồi. Thứ đến, khi thành đạt tuệ minh sát (vipassanà) thông hiểu Sắc, Danh và các Uẩn (rùpa, nàma, khandhà) hành giả thoát ra khỏi những hình thức thô kịch của vô minh. Cuối cùng, khi bảy yếu tố của sự giác ngộ, hay Thất Giác Chi (bojjhanga) phát triển và trở nên thuần thục, nó đủ trưởng thành để thành đạt Ðạo Tuệ Siêu Thế (lokuttara-magga-nàna), và như thế, đã thoát ra khỏi trạng thái phàm tục (puthujjana), tiến đến trạng thái Thánh Nhân (ariya), Siêu Thế (lokuttara) hay Niết Bàn.

Có bảy Yếu Tố của sự Giác Ngộ (Thất Giác Chi) là:

1. Niệm Giác Chi (sati-sambojjhanga),
2. Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya-sambojjhanga)
3. Tinh Tấn Giác Chi (vìriya-sambojjhanga),
4. Phỉ Giác Chi (piti-sambojjhanga),
5. Khinh An Giác Chi (passaddhi-sambojjhanga),
6. Ðịnh Giác Chi (samàdhi-sambojjhanga)
7. Xả Giác Chi (upekkhà-sambojjhanga)

Tâm sở “Niệm” (sati-cetasika), được gọi bằng nhiều tên khác nhau satipatthàna, satindriya, sati-bala, sammà-sati magganga (niệm xứ, niệm căn, niệm lực, chánh niệm), là Sati-sambojjhanga, Niệm Giác Chi. (yếu tố “Niệm” của sự Giác Ngộ).

Tâm sở “Tuệ” (pannà-cetasika) được gọi bằng nhiều tên khác nhau: vìmamsiddhipàda, pannindriya, pannà-bala, sammà-ditthi magganga (trạch quán như ý túc, tuệ căn, tuệ lực, chánh kiến), tất cả đều là dhammavicaya-sambojjhanga (Trạch Pháp Giác Chi, yếu tố “Trạch Pháp” của sự Giác Ngộ) — Năm Thanh Tịnh thuộc về Trí Tuệ, ba Quán Niệm về Tuệ Giác, mười Tuệ Minh Sát [1], cũng được gọi là dhammavicaya-sambojjhanga, Trạch Pháp Giác Chi. Cũng như hột bông vải được xay, đánh ra v.v… tạo thành vải, tiến trình quán niệm Ngũ Uẩn (khandhà) lặp đi lặp lại dưới ánh sáng của Tuệ Minh Sát (vipassanà-nàna) được gọi là Dhammavicaya-sambojjhanga, “Trạch Pháp Giác Chi”.

Tâm sở “Tinh Tấn” (vìriya-cetasika) được gọi bằng những danh từ khác nhau sammappadhàna, vìriyindriya, vìriya-bala, và sammà-vayàma magganga (tấn như ý túc, tấn căn, tấn lực, và chánh tinh tấn), tất cả đều là “Tinh Tấn Giác Chi”.

Niềm vui và hạnh phúc phát sanh khi tiến trình (thật sự) thấy và hiểu biết được tăng trưởng do nhờ sự thực hành Tứ Niệm Xứ, Satipatthàna, tức pháp Niệm Thân, được gọi là Piti-sambojjhanga, “Phỉ Giác Chi”.

Tiến trình thân và tâm trở nên an tĩnh và vắng lặng khi những chao động tinh thần, những suy tư và nghĩ ngợi lắng đọng, được gọi là Passaddhi-sambojjhanga, “Khinh An Giác Chi”. Ðó là tâm sở (cetasika) nhẹ nhàng an tĩnh của thân và tâm (kàya-passaddhi, citta-passaddhi).

Những yếu tố thuộc về Ðịnh được gọi là samàdh-indriya, samàdhi-bala, và sammà-samàdhi magganga (định căn, định lực, và chánh định) tất cả đều là samàdhi-sambojjhanga, Ðịnh Giác Chi, những yếu tố “Ðịnh của sự Giác Ngộ”. Luân phiên thay đổi nhau Tạm Ðịnh, Cận Ðịnh và Toàn Ðịnh, hoặc tám tầng Thiền liên hợp với Thiền Vắng Lặng (samatha), Tâm Tịnh (citta-visuddhi) và tâm Ðịnh Hư Không (sunnatà-samàdhi) v.v… liên hợp với những Thanh Tịnh thuộc về Trí Tuệ, cũng được gọi samàdhi-sambojjhanga, “Ðịnh Giác Chi”. Tâm Ðịnh nằm trong tuệ Minh Sát (vipassanà-nàna), hoặc tuệ giác của Ðạo và của Quả được gọi là Tâm Ðịnh Hư Không (sunnatà-samàdhi), tâm Ðịnh Vô Ðiều Kiện (animitta-samàdhi) và tâm Ðịnh Không Ham Muốn (appanihità-samàdhi).

Khi thực hành với một đề mục hành thiền (kamma-tthàna) không đúng theo phương pháp hoặc không đúng theo hệ thống, cần phải sử dụng nhiều công phu vật chất và tinh thần. Nhưng khi đã hành đúng phương pháp và hệ thống ắt sẽ không cần phải nhiều tinh tấn như vậy. Tình trạng không còn phải cố gắng nhiều được gọi là tatramajjhattatà cetasika, tâm sở Xả. Và đó là upekkhà-sambojjhanga, “Xả Giác Chi”, yếu tố Xả của sự Giác Ngộ.

Khi có đầy đủ và đồng đều bảy sambodhi, đặc tánh cá biệt của sự Giác Ngộ, hành giả thọ hưởng trạng thái hoan hỷ thỏa thích và hạnh phúc của bậc sa-môn (samana, một nhà sư), trong Giáo Huấn của Ðức Phật — loại hạnh phúc và hoan hỷ thỏa thích mà không có bất luận lạc thú trần gian nào có thể sánh.

Do đó kinh Dhammapada, Pháp Cú, có lời dạy:

“Vị tỳ khưu đã rút vào nơi ẩn trú đơn độc và đã lắng tâm an tĩnh, kinh nghiệm phỉ lạc siêu trần vì đã chứng ngộ Giáo Pháp (Dhamma).”

“Mỗi khi suy niệm về tình trạng sanh-diệt của các Uẩn (khandhà) vị ấy kinh nghiệm phỉ lạc và hạnh phúc. Ðối với ‘những ai hiểu biết’, (suy niệm ấy) là trạng thái Bất Diệt.” (câu 373 và 374)

Có những đoạn trong kinh điển và những câu chuyện liên quan đến tình trạng cơ thể đau khổ và những chứng bệnh trầm trọng đã được chữa trị khi bệnh nhân nghe đọc tụng kinh Thất Giác Chi. Tuy nhiên những khổ đau và tình trạng bệnh hoạn ngặt nghèo ấy chỉ có thể được chữa trị khi người nghe hay biết đầy đủ ý nghĩa của những “chi” (hay yếu tố) ấy của sự Giác Ngộ rồi phát sanh Ðức Tin (Saddhà) rộng lớn và rõ ràng nơi lời kinh.

Khi bảy Chi này của sự Giác Ngộ được hấp thụ đầy đủ một cách quân bình, hành giả có thể an tâm chắc chắn rằng sẽ không còn khuyết điểm nào của mình trong pháp Niệm Thân (kàyagatà sati), không có khuyết điểm nào trong tuệ giác chứng ngộ Vô Thường và Vô Ngã (anicca và anattà-sannà), cũng không có khuyết điểm trong sự tinh tấn (vìriya) của thân hay của tâm. Bởi vì tâm của hành giả an tĩnh tập trung vào ba yếu tố sati, dhammavicaya, vìriya — niệm giác chi, trạch pháp giác chi, và tinh tấn giác chi — hành giả kinh nghiệm phỉ lạc trong sự hiểu biết rằng giờ đây mình có thể chứng ngộ ánh sáng Niết Bàn mà trong vòng luân hồi (samsàra) vô tận không bao giờ phát sanh đến mình, dầu trong giấc mơ. Do trạng thái tâm phỉ và lạc (sukha) ấy, trạng thái gom tâm vào đề mục của hành giả, tức tâm định (samàdhi) của hành giả, an tĩnh nhẹ nhàng và kiên cố (passaddhi, an khinh) và tâm Xả (upekkhà) khởi sanh, không còn lo âu và cố gắng chú niệm (sati), không lo âu và cố gắng Trạch Pháp (dhammavicaya) tức chứng ngộ anicca và anattà (vô thường và vô ngã), và không cần phải tinh tấn (vìriya).

Tất cả những điều được đề cập ở phần trên, liên quan đến giai đoạn mà những Yếu Tố của sự Giác Ngộ đều nhất trí đồng phát sanh và tương trợ lẫn nhau và những cơ năng tương đương đều viên mãn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng dầu còn ở giai đoạn thực hành thông thường, từ lúc sự “Chú Niệm hướng về Thân” được củng cố, những đặc tính như “niệm” cũng được xem là Bojjhanga (Niệm Giác Chi).

Trong kinh Bojjhanga Samyutta Ðức Phật dạy:

Satisambojjhangam bhàveti, vivekanissitam, viràganissitam, nirodhanissitam, vossaggaparinàmim; dhammavicayasambojjhangam … upekkhà-samboj-jhangam bhàveti, vivekanissitam viràganissitam nirodhanissitam vossaggaparinàmim.

“Vị ấy phát triển Niệm Giác Chi … Xả Giác Chi, tùy thuộc nơi (hay căn cứ trên) sự không luyến ái, tùy thuộc nơi tình trạng không tham ái, tùy thuộc nơi tình trạng chấm dứt, rồi tiến đến tột điểm là buông xả.”

Ðiều này có nghĩa là, trong diễn tiến thông thường (nơi đây được diễn đạt bằng những danh từ “Vị ấy phát triển …”), tiến trình củng cố Niệm Thân, có nghĩa là củng cố Thất Giác Chi. Sự phân biệt và tình trạng phát triển đến mức cao độ được diễn đạt bằng những chữ “tùy thuộc nơi tình trạng không luyến ái …….” [2]

Ðoạn kinh Pàli được trích dẫn ở trên có nghĩa là:

Ta phải thực hành các yếu tố “Niệm Giác Chi, v.v … vốn tùy thuộc nơi tình trạng không có mặt tất cả những loại sinh hoạt và lo âu, không có mặt dục vọng và tham ái, vắng mặt tình trạng khổ đau dính liền theo những kiếp sống trong vòng luân hồi và tùy thuộc sự buông xả những tầng lớp nằm phía dưới kiếp sinh tồn (upadhi) [3].

Ghi chú:

[1] Xem chú thích trong Chương V.

[2] Ðược giải thích trong Bản Chú Giải BojjhangaVibanga.

[3] Bốn tầng lớp nằm phía dưới kiếp sinh tồn là: 1. dục lạc (kàmapadhi), 2. những ô nhiễm tinh thần (kilesàpadhi), 3. nghiệp (kammapadhi) và 4. ngũ uẩn (khandhùpadhi).

-ooOoo-

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *