7. KINH NGƯỜI HẠ TIỆN

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Vào lúc bấy giờ, ở chỗ ngụ của Bà-la-môn Aggikabhāradvāja lửa đã được đốt lên, vật cúng tế đã được đưa lên. Khi ấy, đức Thế Tôn trong khi đi khất thực tuần tự theo từng nhà ở thành Sāvatthi đã đi đến gần chỗ ngụ của Bà-la-môn Aggika-bhāradvāja. Bà-la-môn Aggikabhāradvāja đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đằng xa đang đi đến, sau khi thấy đã nói đức Thế Tôn điều này:

“Này gã trọc đầu, ngay tại chỗ đó. Này gã Sa-môn, ngay tại chỗ đó. Này người hạ tiện, hãy đứng ngay tại chỗ đó.”

Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bà-la-môn Aggika-bhāradvāja điều này: “Này Bà-la-môn, phải chăng ngươi biết về người hạ tiện hoặc các pháp tạo thành người hạ tiện?”

“Thưa Ngài Gotama, tôi quả không biết về người hạ tiện hoặc các pháp tạo thành người hạ tiện. Thật tốt lành thay, xin Ngài Gotama hãy thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi, theo đó tôi có thể biết về người hạ tiện hoặc các pháp tạo thành người hạ tiện.”

“Này Bà-la-môn, chính vì điều ấy ngươi hãy lắng nghe, ngươi hãy khéo chú ý, Ta sẽ giảng.”

“Thưa Ngài, xin vâng,” Bà-la-môn Aggikabhāradvāja đã đáp lại đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này:

116. Kẻ nào giận dữ, có sự thù hằn, ác độc và có sự gièm pha, có kiến thức bị hư hỏng, có sự xảo trá, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

117. Ở đây, kẻ nào hãm hại các sanh mạng, đơn sanh hoặc lưỡng sanh, kẻ nào không có lòng trắc ẩn đối với sanh mạng, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

118. Kẻ nào hủy diệt, vây hãm các làng mạc và các thị trấn, được biết tiếng là kẻ áp bức, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

119. Nếu ở làng hay ở rừng, kẻ lấy vật thuộc sở hữu của những người khác, vật không được cho theo lối trộm cắp, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

120. Kẻ nào, thật sự sau khi vay nợ, trong khi bị quở trách liền trốn chạy (bảo rằng) ‘Tôi không có nợ nần gì với ngươi,’ có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

121. Kẻ nào quả thật vì lòng ham muốn đồ lặt vặt, đã giết hại người đang đi trên đường rồi đoạt lấy đồ lặt vặt, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

122. Kẻ nào vì nguyên nhân bản thân, vì nguyên nhân người khác, vì nguyên nhân tài sản, và kẻ nào khi được hỏi trực diện mà nói lời dối trá, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

123. Kẻ nào bị bắt gặp ở nơi những người vợ của thân quyến hoặc của bạn bè, bằng vũ lực hoặc do thương yêu nhau, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

124. Kẻ nào trong khi có khả năng mà không phụng dưỡng mẹ hoặc cha già nua, đã qua thời tuổi trẻ, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

125. Kẻ nào hành hạ, chọc giận bằng lời nói đến mẹ hoặc cha, hoặc anh em trai, chị em gái, và mẹ vợ, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

126. Kẻ nào trong khi được hỏi về điều lợi ích lại chỉ dạy điều không lợi ích, và chỉ bảo theo lối giấu diếm, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

127. Kẻ nào sau khi làm việc ác lại ước muốn rằng: ‘Chớ ai biết ta (làm),’ kẻ có hành động được giấu diếm, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

128. Kẻ nào quả thật đã đi đến nhà người khác và đã thọ dụng vật thực tinh khiết, (nhưng) không khoản đãi lại khi người ấy đi đến (nhà mình), có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’

129. Kẻ nào lừa gạt vị Bà-la-môn hoặc vị Sa-môn, hoặc luôn cả người nghèo khổ bằng lời dối trá, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

130. Kẻ nào chọc giận bằng lời nói và không bố thí đến vị Bà-la-môn hoặc vị Sa-môn vào thời điểm của bữa ăn đến gần, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

131. Ở đây, kẻ nào nói về diều không có thật, bị si mê bao trùm, ham muốn đạt được đồ vật nhỏ nhặt, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

132. Kẻ nào đề cao bản thân và khi dễ người khác, là hạ liệt do sự ngã mạn của mình, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

133. Kẻ chọc giận (người khác) và keo kiệt, có ước muốn xấu xa, bỏn xẻn, xảo trá, không hổ thẹn (tội lỗi), không ghê sợ (tội lỗi), có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

134. Kẻ nào chê bai đức Phật, hay đệ tử của Ngài, vị xuất gia hoặc người tại gia, có thể biết kẻ ấy là ‘người hạ tiện.’ 

135. Kẻ nào thật sự chưa trở thành bậc A-la-hán mà tự nhận bậc A-la-hán, là kẻ cướp ở thế gian tính luôn cõi Phạm Thiên, kẻ ấy quả là tệ nhất trong số người hạ tiện. Những kẻ này quả đã được gọi là những người hạ tiện, chúng đã được Ta giảng giải cho ngươi. 

136. Không phải do dòng dõi mà trở thành hạ tiện, không phải do dòng dõi mà trở thành Bà-la-môn, do hành động mà trở thành hạ tiện, do hành động mà trở thành Bà-la-môn. 

137. Ngươi hãy biết việc ấy với điều này nữa, giống như ví dụ này của Ta: Có gã nấu thịt chó để ăn, con trai của một kẻ thuộc giai cấp nô lệ, được biết tiếng là Mātaṅga. 

138. Vị Mātaṅga ấy đã đạt đến danh vọng tối cao, là điều khó đạt được. Nhiều Sát- đế- lỵ và Bà-la-môn đã đi đến phục vụ cho người ấy. 

139. Vị ấy đã leo lên Thiên xa, con đường lớn không bụi bặm, đã lìa khỏi sự luyến ái ở các dục, và đã đi đến thế giới Phạm Thiên.

140. Dòng dõi sanh ra đã không cản ngăn được vị ấy trong việc sanh ra ở thế giới Phạm Thiên. Đã được sanh ra ở gia tộc các vị thầy trì tụng (Vệ Đà), những người Bà-la-môn là thân quyến của chú thuật.

141. Chính họ thường xuyên được nhìn thấy ở các hành động ác xấu. Họ bị chê trách ngay trong thời hiện tại và (đi đến) khổ cảnh trong thời vị lai. Dòng dõi sanh ra không ngăn chặn họ thoát khỏi khổ cảnh hoặc khỏi sự chê trách.

142. Không phải do dòng dõi mà trở thành hạ tiện, không phải do dòng dõi mà trở thành Bà-la-môn, do hành động mà trở thành hạ tiện, do hành động mà trở thành Bà-la-môn. Khi được nói như vậy, Bà-la-môn Aggikabhāradvāja đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Thưa Ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, hoặc mở ra vật đã bị che kín, hoặc chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được Ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Con đây xin đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin Ngài Gotama hãy ghi nhận con là người cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.” 

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Kinh Tập“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Kinh Tập” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *