TẬP YẾU II – TĂNG THEO TỪNG BẬC: NHÓM NĂM

Tập Yếu II

Tăng Theo Từng Bậc

Nhóm Năm

Năm loại tội. Năm nhóm tội. Năm sự việc đã được rèn luyện.[107] Năm nghiệp vô gián.[108] Năm hạng người được xác định.[109] Năm tội vi phạm liên quan đến sự cắt bớt.[110] Vị vi phạm tội với năm biểu hiện.[111] Năm loại tội vi phạm do duyên nói dối.[112]

Vị không thuận theo hành sự với năm biểu hiện: hoặc là không tự mình thực hiện hành sự, hoặc là không thỉnh mời vị khác, hoặc không trao ra sự tùy thuận hay (bày tỏ) sự trong sạch, hoặc là phản đối trong khi hành sự đang được thực hiện, hoặc là có quan điểm là không đúng pháp về hành sự đã được thực hiện.

Vị thuận theo hành sự với năm biểu hiện: hoặc là tự mình thực hiện hành sự, hoặc là thỉnh mời vị khác, hoặc là trao ra sự tùy thuận hay (bày tỏ) sự trong sạch, hoặc là không phản đối trong khi hành sự đang được thực hiện, hoặc là có quan điểm là đúng pháp về hành sự đã được thực hiện.

Năm việc được phép đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực: đi không phải xin phép, vật thực dâng chung nhóm, vật thực thỉnh sau, không phải xác định, không phải chuyển nhượng bữa ăn.[113]

Vị tỳ khưu, dầu là ác tỳ khưu luôn cả vị có pháp bền vững, không được tin tưởng và bị nghi ngờ khi có năm yếu tố: hoặc là có sự lai vãng với đĩ điếm, hoặc là có sự lai vãng với góa phụ, hoặc là có sự lai vãng với gái lỡ thời, hoặc là có sự lai vãng với người vô căn, hoặc là có sự lai vãng với tỳ khưu ni.

Năm loại dầu ăn: là dầu mè, dầu hạt mù tạt, dầu có chứa mật ong, dầu cây eraṇḍa, dầu từ mỡ thú.[114]

Năm loại mỡ thú: mỡ gấu, mỡ cá, mỡ cá sấu, mỡ heo rừng, mỡ lừa.[115]

Năm sự suy sụp: suy sụp về thân quyến, suy sụp về của cải, suy sụp vì bệnh hoạn, suy sụp về giới, suy sụp về kiến thức.

Năm sự thành tựu: thành tựu về thân quyến, thành tựu về của cải, thành tựu về vô bệnh, thành tựu về giới, thành tựu về kiến thức.

Năm trường hợp đình chỉ việc nương nhờ ở thầy tế độ: thầy tế độ rời đi, hoặc hoàn tục, hoặc từ trần, hoặc chuyển qua nhóm khác, hoặc sự ra lệnh (đuổi đi) là thứ năm.[116]

Năm hạng người không nên cho tu lên bậc trên: người chưa đủ hai mươi tuổi, người có phần cơ thể (bàn tay, v.v…) bị cắt đứt, người không thành tựu về thân thể, người đã làm sai trái trong hành động, người không có đầy đủ (y bát).

Năm loại vải quăng bỏ: loại ở bãi tha ma, bỏ ở ngoài cửa tiệm, bị chuột gặm, bị mối nhấm, bị lửa cháy.

Năm loại vải quăng bỏ khác nữa: loại bị bò nhai, bị dê nhai, y nơi bảo tháp, loại thuộc về lễ đăng quang (của đức vua), vải dành cho tôi tớ.

Năm sự lấy trộm: lấy đi theo cách trộm cắp, lấy đi bằng bạo lực, lấy đi có tính toán, lấy đi bằng cách che giấu, lấy đi theo lối (tráo) thăm.[117]

Năm hạng cướp lớn hiện hữu được biết đến ở thế gian.[118]

Năm vật không được phân tán.[119]

Năm vật không được phân chia.[120]

Năm loại tội sanh khởi do thân không do khẩu không do ý.

Năm loại tội sanh khởi do thân và do khẩu không do ý.

Năm loại tội đưa đến việc sám hối.

Năm loại hội chúng.[121]

Năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha.[122]

Trong các quốc độ vùng biên giới có thể cho tu lên bậc trên với nhóm có vị thứ năm là vị nắm vững về Luật.[123]

Năm sự thuận lợi trong việc thành tựu Kaṭhina.[124]

Năm loại hành sự.[125]

Năm loại tội vi phạm (khi được nhắc nhở) đến lần thứ ba.[126]

Vị lấy vật không được cho phạm tội pārājika với năm biểu hiện.[127]

Vị lấy vật không được cho phạm tội thullaccaya với năm biểu hiện.

Vị lấy vật không được cho phạm tội dukkaṭa với năm biểu hiện.

Năm vật không đúng phép không nên thọ dụng: vật chưa được cho, vật không được biết rõ, vật chưa làm thành được phép, vật chưa được thọ lãnh, và vật chưa được làm thành đồ thừa.

Năm vật đúng phép nên thọ dụng: vật đã được cho, vật đã được biết rõ, vật đã được làm thành được phép, vật đã được thọ lãnh, và vật đã được làm thành đồ thừa.

Năm sự bố thí không có phước báu được xem là có phước báu thuộc về thế gian: bố thí chất say, bố thí đến hội hè (nhảy múa), bố thí người nữ, bố thí bò đực (vào giữa đàn bò), bố thí tranh ảnh (gợi cảm).

Năm điều đã được sanh lên khó trừ diệt: tham ái đã được sanh lên khó trừ diệt, sân đã được sanh lên khó trừ diệt, si đã được sanh lên khó trừ diệt, sự nói huyên thuyên đã được sanh lên khó trừ diệt, tâm vẩn vơ đã được sanh lên khó trừ diệt.

Năm điều lợi ích trong việc quét chổi: làm lắng dịu tâm của bản thân, làm lắng dịu tâm của người khác, chư thiên được hoan hỷ, tích lũy nghiệp đưa đến chốn an vui, khi thân hoại chết đi được sanh về nơi tốt đẹp, cõi trời, trần thế.

Năm điều lợi ích khác nữa trong việc quét chổi: làm lắng dịu tâm của bản thân, làm lắng dịu tâm của người khác, chư thiên được hoan hỷ, lời giáo huấn của bậc Đạo Sư đã được thực hành, người đời sau thực hành xu hướng theo quan điểm đúng đắn.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố: vị không đưa ra sự giới hạn cho lời nói của mình, vị không đưa ra sự giới hạn cho lời nói của người khác, sau khi không đưa ra sự giới hạn cho lời nói của mình, sau khi không đưa ra sự giới hạn cho lời nói của người khác, vị bảo thực hiện (hành sự) sai pháp với sự không khẳng định.

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị đưa ra sự giới hạn cho lời nói của mình, vị đưa ra sự giới hạn cho lời nói của người khác, sau khi đưa ra sự giới hạn cho lời nói của mình, sau khi đưa ra sự giới hạn cho lời nói của người khác, vị bảo thực hiện (hành sự) đúng pháp với sự khẳng định.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về tội, vị không biết về nền tảng của tội, vị không biết về nguồn sanh tội, vị không biết về sự đoạn diệt của tội, vị không biết về sự thực hành đưa đến sự đoạn diệt của tội.[128]

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về tội, vị biết về nền tảng của tội, vị biết về nguồn sanh tội, vị biết về sự đoạn diệt của tội, vị biết về sự thực hành đưa đến sự đoạn diệt của tội.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về sự tranh tụng, vị không biết về nền tảng của tranh tụng, vị không biết về nhân sanh của tranh tụng, vị không biết về sự đoạn diệt của tranh tụng, vị không biết về sự thực hành đưa đến sự đoạn diệt của tranh tụng.[129]

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về sự tranh tụng, vị biết về nền tảng của tranh tụng, vị biết về nhân sanh của tranh tụng, vị biết về sự đoạn diệt của tranh tụng, vị biết về sự thực hành đưa đến sự đoạn diệt của tranh tụng.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về sự việc, vị không biết về duyên khởi, vị không biết về điều quy định, vị không biết về điều quy định thêm, vị không biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc.[130]

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về sự việc, vị biết về duyên khởi, vị biết về điều quy định, vị biết về điều quy định thêm, vị biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về lời đề nghị, vị không biết cách thực hiện với lời đề nghị, vị không thiện xảo về phần (cần trình bày) trước tiên, vị không thiện xảo về các phần kế tiếp, và vị không biết về thời điểm.

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về lời đề nghị, vị biết cách thực hiện với lời đề nghị, vị thiện xảo về phần (cần trình bày) trước tiên, vị thiện xảo về các phần kế tiếp, và vị biết về thời điểm.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về sự phạm tội hay không phạm tội; vị không biết tội nhẹ hay nặng; vị không biết tội còn dư sót hay không còn dư sót; vị không biết tội xấu xa hay không xấu xa; vị không khéo được kế thừa theo tuần tự từ các vị thầy, không khéo chú ý, và không khéo suy xét.

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về sự phạm tội hay không phạm tội; vị biết tội nhẹ hay nặng; vị biết tội còn dư sót hay không còn dư sót; vị biết tội xấu xa hay không xấu xa; vị khéo được kế thừa theo tuần tự từ các vị thầy, khéo chú ý, và khéo suy xét.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về sự phạm tội hay không phạm tội; vị không biết tội nhẹ hay nặng; vị không biết tội còn dư sót hay không còn dư sót; vị không biết tội xấu xa hay không xấu xa; đối với vị này hai bộ giới bổnPātimokkha không khéo được truyền thừa với chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo được ứng dụng, không khéo được xác định theo từng điều học theo từng từ ngữ.

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về sự phạm tội hay không phạm tội; vị biết tội nhẹ hay nặng; vị biết tội còn dư sót hay không còn dư sót; vị biết tội xấu xa hay không xấu xa; đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha khéo được truyền thừa với chi tiết, khéo được phân tích, khéo được ứng dụng, khéo được xác định theo từng điều theo từng từ ngữ.

Vị nắm vững về Luật bị xem là ‘ngu dốt’ khi có năm yếu tố khác nữa: vị không biết về sự phạm tội hay không phạm tội, vị không biết tội nhẹ hay nặng, vị không biết tội còn dư sót hay không còn dư sót, vị không biết tội xấu xa hay không xấu xa, và vị không khéo léo về sự phán quyết trong tranh tụng.

Vị nắm vững về Luật được xem là ‘thông thái’ khi có năm yếu tố: vị biết về sự phạm tội hay không phạm tội, vị biết tội nhẹ hay nặng, vị biết tội còn dư sót hay không còn dư sót, vị biết tội xấu xa hay không xấu xa, và vị khéo léo về sự phán quyết trong tranh tụng.

Năm hạng (hành pháp) sống ở rừng: là vị sống ở rừng do bản tánh ngu khờ do bản tánh si mê; là vị sống ở rừng có ước muốn xấu xa bị thúc giục bởi ước muốn; là vị sống ở rừng do điên khùng do mất trí; là vị sống ở rừng (nghĩ rằng): ‘Được chư Phật và chư Thinh Văn của đức Phật ngợi khen;’ và cũng có vị sống ở rừng chính vì ham muốn ít, chính vì tự biết đủ, chính vì sự từ khước, chính vì sự tách ly, chính vì lợi ích của điều này.

Năm hạng (hành pháp) đi khất thực: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) mặc y paṃsukūla: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) ngụ ở gốc cây: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) ngụ ở mộ địa: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) ngụ ở ngoài trời: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) chỉ sử dụng ba y: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) đi khất thực theo từng nhà: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) về oai nghi ngồi (không nằm): ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) ngụ chỗ ở theo chỉ định: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) một chỗ ngồi (khi thọ thực): ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) không ăn vật thực dâng sau: ―(như trên)― Năm hạng (hành pháp) thọ thực trong bình bát: là vị thọ thực trong bình bát do bản tánh ngu khờ do bản tánh si mê; là vị thọ thực trong bình bát có ước muốn xấu xa bị thúc giục bởi ước muốn; là vị thọ thực trong bình bát do điên khùng do mất trí; là vị thọ thực trong bình bát (nghĩ rằng): ‘Được chư Phật và chư Thinh Văn của đức Phật ngợi khen;’ và cũng có vị thọ thực trong bình bát chính vì ham muốn ít, chính vì tự biết đủ, chính vì sự từ khước, chính vì sự tách ly, chính vì lợi ích của điều này.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố không nên sống không nương nhờ: vị không biết về lễ Uposatha, vị không biết về hành sự của lễ Uposatha, vị không biết về giới bổn Pātimokkha, vị không biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị chưa đủ năm năm.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố được sống không nương nhờ: vị biết về lễ Uposatha, vị biết về hành sự của lễ Uposatha, vị biết về giới bổn Pātimokkha, vị biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị năm năm hoặc hơn năm năm.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: vị không biết về lễ Pavāraṇā, vị không biết về hành sự của lễ Pavāraṇā, vị không biết về giới bổn Pātimokkha, vị không biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị chưa đủ năm năm.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố được sống không nương nhờ: vị biết về lễ Pavāraṇā, vị biết về hành sự của lễ Pavāraṇā, vị biết về giới bổn Pātimokkha, vị biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị năm năm hoặc hơn năm năm.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: vị không biết về sự phạm tội hay không phạm tội, vị không biết tội nhẹ hay nặng, vị không biết tội còn dư sót hay không còn dư sót, vị không biết tội xấu xa hay không xấu xa, vị chưa đủ năm năm.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố được sống không nương nhờ: vị biết về sự phạm tội hay không phạm tội, vị biết tội nhẹ hay nặng, vị biết tội còn dư sót hay không còn dư sót, vị biết tội xấu xa hay không xấu xa, vị năm năm hoặc hơn năm năm.

Vị tỳ khưu ni có năm yếu tố không nên sống không nương nhờ: vị không biết về lễ Uposatha, vị không biết về hành sự của lễ Uposatha, vị không biết về giới bổn Pātimokkha, vị không biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị chưa đủ năm năm.

Vị tỳ khưu ni có năm yếu tố được sống không nương nhờ: vị biết về lễ Uposatha, vị biết về hành sự của lễ Uposatha, vị biết về giới bổn Pātimokkha, vị biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị năm năm hoặc hơn năm năm.

Vị tỳ khưu ni có năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: vị không biết về lễ Pavāraṇā, vị không biết về hành sự của lễ Pavāraṇā, vị không biết về giới bổn Pātimokkha, vị không biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị chưa đủ năm năm.

Vị tỳ khưu ni có năm yếu tố được sống không nương nhờ: vị biết về lễ Pavāraṇā, vị biết về hành sự của lễ Pavāraṇā, vị biết về giới bổn Pātimokkha, vị biết về cách đọc tụng của giới bổn Pātimokkha, vị năm năm hoặc hơn năm năm.

Vị tỳ khưu ni có năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: vị không biết về sự phạm tội hay không phạm tội, vị không biết tội nhẹ hay nặng, vị không biết tội còn dư sót hay không còn dư sót, vị không biết tội xấu xa hay không xấu xa, vị chưa đủ năm năm.

Vị tỳ khưu ni có năm yếu tố được sống không nương nhờ: vị biết về sự phạm tội hay không phạm tội, vị biết tội nhẹ hay nặng, vị biết tội còn dư sót hay không còn dư sót, vị biết tội xấu xa hay không xấu xa, vị năm năm hoặc hơn năm năm.

Năm điều bất lợi ở vị không được hoan hỷ (do đã tạo nghiệp bất thiện): ngay cả bản thân cũng khiển trách lấy bản thân, các bậc trí quở trách sau khi đã xem xét, tiếng đồn xấu xa lan rộng, bị mê mờ khi từ trần, khi thân hoại chết đi bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục.

Năm điều lợi ích ở vị được hoan hỷ (do đã tạo nghiệp thiện): chính bản thân không khiển trách bản thân, các bậc trí ngợi khen sau khi đã xem xét, tiếng đồn tốt đẹp lan rộng, không bị mê mờ khi từ trần, khi thân hoại chết đi được sanh về nơi tốt đẹp, cõi trời, trần thế.

Năm điều bất lợi khác nữa ở vị không được hoan hỷ (do đã tạo nghiệp bất thiện): những người chưa có đức tin không an trú vào đức tin, làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin, lời giáo huấn của bậc Đạo Sư đã không được thực hành, người đời sau không thực hành xu hướng theo quan điểm đúng đắn, tâm của vị ấy không được an trú.

Năm điều lợi ích ở vị được hoan hỷ (do đã tạo nghiệp thiện): những người chưa có đức tin an trú vào đức tin, làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, lời giáo huấn của bậc Đạo Sư đã được thực hành, người đời sau thực hành xu hướng theo quan điểm đúng đắn, tâm của vị ấy được an trú.

Năm điều bất lợi cho vị thường tới lui các gia đình: vị vi phạm trong việc đi không xin phép, vi phạm việc ngồi ở chỗ kín đáo, vi phạm việc ngồi ở chỗ được che khuất, vi phạm trong khi giảng Pháp quá năm sáu câu cho người nữ, và sống có nhiều tầm cầu về ái dục.

Năm điều bất lợi của vị tỳ khưu thường tới lui các gia đình: vị trong khi sống quá nhiều thời gian thân cận các gia đình có sự nhìn thấy người nữ thường xuyên, trong khi có sự nhìn thấy có sự xúc chạm, trong khi có sự xúc chạm có sự thân mật, trong khi có sự thân mật có sự ô nhiễm, điều này được dự đoán cho vị tỳ khưu có tâm bị khởi dục: hoặc là sẽ hành Phạm hạnh không được hoan hỷ, hoặc là sẽ vi phạm tội có ô nhiễm nào đó, hoặc là sẽ từ bỏ sự học tập và sống đời tầm thường.

Năm loại mầm giống: mầm giống từ rễ, mầm giống từ thân, mầm giống từ mắt chồi, mầm giống từ phần ngọn, mầm giống từ hạt là loại thứ năm.[131]

Trái cây nên được thọ dụng với năm cách làm thành được phép đối với Sa-môn: đã được hoại bởi lửa, đã được hoại bởi dao, đã được hoại bởi móng tay, không có hột, và hột đã được lấy ra là cách thứ năm.[132]

Năm cách làm cho trong sạch: sau khi đọc tụng phần mở đầu, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ nhất. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ nhì. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ ba. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, sau khi đọc tụng hai điều aniyata, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ tư. (Đọc tụng) một cách đầy đủ là cách thứ năm.[133]

Năm cách làm cho trong sạch khác nữa: sự đọc tụng giới bổn, lễ Uposatha với lời bày tỏ sự trong sạch, lễ Uposatha với sự chú nguyện, lễ Pavāraṇā, luôn cả lễ Uposatha hợp nhất là thứ năm.

Năm điều lợi ích cho vị nắm vững về Luật: Giới uẩn của bản thân khéo được gìn giữ khéo được hộ trì, là nơi nương tựa của các vị thường hay có sự ăn năn, là vị phát biểu ở giữa hội chúng với sự tự tin, là vị khuất phục những kẻ đối nghịch một cách khéo léo đúng theo Pháp, là vị thực hành vì sự tồn tại của Chánh Pháp.

Năm sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha sai Pháp.

Năm sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha đúng Pháp.

Dứt Nhóm Năm.

*****

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Tội vi phạm, các nhóm tội, đã được rèn luyện, và (nghiệp) vô gián, các hạng người, và luôn cả việc cắt bớt, vị vi phạm, và các nguyên do.

Vị không thuận, và thuận, các việc được phép, không tin tưởng, và dầu ăn, mỡ thú, sự suy sụp và thành tựu, các trường hợp đình chỉ (sự nương nhờ), và với hạng người.

Mộ địa, và đã bị (bò) nhai, sự trộm cắp, được gọi là kẻ cướp, đã không phân tán, đã không phân chia, do thân, do thân và khẩu.

Sự sám hối, ở nơi hội chúng, việc đọc tụng, vùng biên địa, và với Kaṭhina, các loại hành sự, cho đến lần thứ ba, các tội pārājika, tội thullaccaya, và tội dukkaṭa.

Không được phép, và được phép, không phước báu, khó trừ diệt, chổi quét, và các điều khác, lời nói, và luôn cả tội nữa.

Sự tranh tụng, sự việc, lời đề nghị, tội vi phạm, và cả hai phần, các tội nhẹ nặng này, các vị hãy biết rõ tối và sáng.

Vị ở rừng, và khất thực, mặc y paṃsukūla, ở cội cây, và mộ địa, ở ngoài trời, và (chỉ ba) y, (khất thực) theo tuần tự, vị (thọ oai nghi) ngồi.

Chỗ ở theo chỉ định, với vị ngăn vật thực dâng sau, và luôn cả vị chỉ thọ trong bát, lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, phạm tội và không tội, những điều này là tối và sáng, các điều ấy của các tỳ khưu ni là tương tợ.

Hoan hỷ, không hoan hỷ, tương tợ như thế là hai điều khác nữa, về vị thường tới lui các gia đình, mất quá nhiều thời gian, mầm giống, và được phép cho Sa-môn.

Sự làm cho trong sạch, và luôn cả các điều khác, theo Luật, và sai Pháp, và đúng Pháp đã được đề cập đến tương tợ, được chấm dứt là năm cách làm cho trong sạch.

–ooOoo–

[107] Năm sự việc đã được rèn luyện: Sự hạn chế, sự khống chế, sự kềm chế, sự tránh xa, sự không làm, sự không hành động, sự không vi phạm, sự không vượt qua lằn ranh, sự cắt đứt mối liên hệ với năm nhóm tội (Parivārapāḷi – Tập Yếu tập 1, TTPV 08, trang 317).

[108] Năm nghiệp vô gián: là giết cha, giết mẹ, giết vị A-la-hán, làm (đức Phật) chảy máu, và chia rẽ hội chúng (ND).

[109] Năm hạng người được xác định: là năm hạng người đã thực hiện năm nghiệp vô gián ở trên (Sđd. 1334).

[110] Năm tội vi phạm liên quan đến sự cắt bớt: là năm tội pācittiya 87, 89, 90, 91, 92 liên quan đến việc cắt bớt vật làm quá kích thước là chân giường, tọa cụ, y đắp ghẻ, y tắm mưa, và y có kích thước y của đức Thiện Thệ (Sđd.).

[111] Vị vi phạm tội với năm biểu hiện: là vị vô liêm sỉ, không có trí tuệ, bản chất xấu xa, lầm tưởng là được phép trong điều không được phép, lầm tưởng là không được phép trong điều được phép (Sđd.).

[112] Năm loại tội vi phạm do duyên nói dối: là tội pārājika, thullaccaya, dukkaṭa, saṅghādisesa, vàpācittiya (Sđd.).

[113] Năm việc được phép đối với vị tỳ khưu hành pháp (đầu đà) khất thực: ‘Đi không phải xin phép’ là không phải báo cho vị tỳ khưu hiện diện khi đi đến các gia đình trước hay sau bữa ăn, hai điều ‘vật thực dâng chung nhóm’ và ‘vật thực thỉnh sau’ là không phải phạm tội đối với hai điều học pācittiya 32 và 33 của tỳ khưu, về ‘không phải xác định’ là không phải bận tâm xác định trường hợp được phép trong trường hợp vật thực dâng chung nhóm, ‘không phải chuyển nhượng bữa ăn’ là không phải thực hiện việc ấy khi nhận phần vật thực thỉnh sau (Sđd.).

[114] Năm loại dầu ăn được thấy ở điều học pācittiya 39 (Pācittiyapāḷi Bhikkhuvibhaṅga – Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2, TTPV 02, trang 247).

[115] Năm loại mỡ thú: Xem Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương VI, trang 7.

[116] Năm trường hợp đình chỉ nương nhờ ở thầy tế độ: Xem Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương I, trang 157.

[117] Câu chuyện lấy trộm theo lối tráo thăm được thấy ở điều pārājika thứ nhì ở phần các câu chuyện dẫn giải (Pārājikapāḷi – Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 1, TTPV 01, trang 131).

[118] Năm hạng cướp lớn: Xem điều pārājika thứ tư về khoe khoang pháp thượng nhân (Sđd. 197-199).

[119] Năm vật không được phân tán: Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương VI, các trang 203-205.

[120] Năm vật không được phân chia: (Sđd. 207-209).

[121] Năm loại hội chúng: Hội chúng tỳ khưu với nhóm bốn vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm năm vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm mười vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm hai mươi vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm trên hai mươi vị (Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương IX, trang 255).

[122] Năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha: Gồm bốn cách đọc tóm tắt và cách đọc tụng chi tiết là cách thứ năm (Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương II, trang 271).

[123] Việc tu lên bậc trên ở các xứ vùng biên giới: (Sđd., chương V, trang 513).

[124] Năm sự thuận lợi trong việc thành tựu Kaṭhina: Xem Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương VII, trang 111.

[125] Năm loại hành sự: là hành sự khiển trách, hành sự chỉ dạy, hành sự xua đuổi, hành sự hòa giải, và hành sự án treo gồm có ba được tính gộp chung thành một (VinA. vii, 1334).

[126] Năm loại tội vi phạm khi được nhắc nhở đến lần thứ ba: gồm có giới pārājika thứ 3 của tỳ khưu ni đề cập 3 loại tội là pārājika, thullaccaya, dukkaṭa, và tội saṅghādisesa của tỳ khưu về việc chia rẽ hội chúng và pācittiya về tội không chịu từ bỏ tà kiến ác (Sđd.).

[127] Vấn đề này và hai vấn đế kế tiếp liên quan đến tội pārājika thứ nhì về trộm cắp (ND).

[128] Vị không biết về tội (như pārājika, saṅghādisesa, v.v…), vị không biết gốc của tội (là thân và khẩu), vị không biết nguồn sanh tội (do thân không do khẩu không do ý, v.v…), vị không biết sự đoạn diệt của tội (là sự sám hối), vị không biết sự thực hành đưa đến sự đoạn diệt của tội là bảy cách dàn xếp (VinA. vii, 1337-1338).

[129] Nhóm năm về sự tranh tụng: Sự tranh tụng tức là bốn sự tranh tụng. Nguồn sanh khởi của sự tranh tụng có 33: sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi có 12, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách có 14, sự tranh tụng liên quan đến tội có 6, và sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ có 1. Nhân sanh sự tranh tụng là nguồn sanh khởi sự tranh tụng: sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi sanh lên nương vào 18 sự việc làm chia rẽ hội chúng, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách sanh lên do bốn điều hư hỏng, sự tranh tụng liên quan đến tội sanh lên do bảy nhóm tội, và sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ sanh lên với bốn hành sự của hội chúng. Không biết sự đoạn diệt của sự tranh tụng: là không xác định được quan điểm theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo Sư. Không biết sự thực hành đưa đến sự đoạn diệt của sự tranh tụng là không biết các sự tranh tụng được giải quyết bằng các cách dàn xếp nào (VinA. vii, 1338).

[130] Không biết về sự việc: là không biết về sự việc của tội pārājika, của tội saṅghādisesa, … của bảy nhóm tội. Không biết về duyên khởi: là không biết các tội đã được quy định ở đâu. Không biết về sự quy định: là không biết sự quy định ban đầu của mỗi điều học. Không biết về sự quy định thêm: là không biết sự quy định thêm về sau. Không biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc: là không biết sự việc theo phương thức liên hệ đến lời nói và liên hệ đến sự xác định (Sđd.).

[131] Năm loại mầm giống: Đã được thấy ở điều học pācittiya 11 của tỳ khưu (Pācittiyapāḷi Bhikkhuvibhaṅga – Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2, TTPV 02, trang 109).

[132] Năm cách làm thành được phép đối với Sa-môn: Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương V, trang 15.

[133] Năm cách làm cho trong sạch: tương tợ với năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha (Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương II, trang 271).

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *