PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I – CHƯƠNG SAṄGHĀDISESA – ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT VỀ VỊ XẤU XA SÂN HẬN

Phân Tích Giới Tỳ Khưu I

Chương 3: Saṅghādisesa

Điều học thứ nhất về vị xấu xa sân hận

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, phẩm vị A-la-hán đã được đại đức Dabba Mallaputta[4] chứng ngộ vào lúc bảy tuổi. Vị ấy đã đạt được tất cả những gì vị đệ tử cần phải đạt đến. Và đối với vị ấy, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Khi ấy, đại đức Dabba Mallaputta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Phẩm vị A-la-hán đã được ta chứng ngộ vào lúc bảy tuổi. Ta đã đạt được tất cả những gì vị đệ tử cần phải đạt đến. Và đối với ta, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Vậy ta nên thực hiện việc phục vụ gì cho hội chúng?” Rồi điều này đã khởi đến cho đại đức Dabba Mallaputta: “Hay là ta nên phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng?”

Sau đó vào buổi tối, đại đức Dabba Mallaputta đã xuất khỏi thiền tịnh và đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Dabba Mallaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Phẩm vị A-la-hán đã được ta chứng ngộ vào lúc bảy tuổi. Ta đã đạt được tất cả những gì vị đệ tử cần phải đạt đến. Và đối với ta, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Vậy ta nên thực hiện việc phục vụ gì cho hội chúng?’ Bạch ngài, rồi điều này đã khởi đến cho con: ‘Hay là ta nên phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng?’ Bạch ngài, con muốn phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng.” – “Này Dabba, tốt lắm, tốt lắm! Chính vì điều ấy ngươi hãy phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Đại đức Dabba Mallaputta đã đáp lại đức Thế Tôn.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các vị tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy chỉ định Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, Dabba cần được yêu cầu. Sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định đại đức Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định đại đức Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định đại đức Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Đại đức Dabba Mallaputta đã được hội chúng chỉ định là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Và khi đã được chỉ định, đại đức Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu có cùng sở hành. Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên về Kinh (nghĩ rằng): “Các vị sẽ tụng đọc Kinh với nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu rành rẽ về Luật (nghĩ rằng): “Các vị sẽ xác định về Luật với nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên giảng Pháp (nghĩ rằng): “Các vị sẽ thảo luận về Pháp với nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên về thiền (nghĩ rằng): “Các vị sẽ không quấy rầy lẫn nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên nói chuyện thế tục, sinh hoạt có nhiều sự năng động về thân (nghĩ rằng): “Các đại đức này cũng sẽ yên ổn với thú vui ấy.” Còn các tỳ khưu đi đến vào buổi tối, vị ấy thể nhập vào hỏa giới và phân bố chỗ trú ngụ cho các vị ấy bằng chính ánh sáng ấy. Cho nên, các tỳ khưu cố ý đi đến vào buổi tối (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến sự kỳ diệu về thần thông của đại đức Dabba Mallaputta.” Sau khi đi đến gặp đại đức Dabba Mallaputta, các vị ấy nói như vầy: – “Này đại đức Dabba, hãy phân bố chỗ trú ngụ cho chúng tôi.” Đại đức Dabba Mallaputta nói với các vị ấy như vầy: – “Các đại đức thích chỗ nào? Tôi sẽ phân bố chỗ nào?” Các vị ấy cố ý đề cập các chỗ xa xôi: – “Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở Corapapāta (khe núi Kẻ Cướp). Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở sườn núi Isigili, chỗ tảng đá Đen. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở sườn núi Vebhāra, hang Sattapaṇṇa (Thất Diệp). Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở Sītavana (Hàn Lâm), động Sappasoṇḍika. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở hẻm núi Gotama. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở hẻm núi Tinduka. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở hẻm núi Tapoda. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở khu vườn Tapoda. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở vườn xoài của Jīvaka. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở Maddakucchi, nơi vườn nai.”

Đối với các vị ấy, đại đức Dabba Mallaputta đã thể nhập vào hỏa giới và đi ở phía trước với ngón tay đang được thắp sáng. Chính nhờ ánh sáng ấy, các vị ấy đi theo sát ở phía sau đại đức Dabba Mallaputta. Đại đức Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ cho các vị ấy như vầy: – “Đây là giường, đây là ghế, đây là nệm, đây là gối, đây là chỗ tiêu, đây là chỗ tiểu, đây là nước uống, đây là nước rửa, đây là gậy chống, đây là qui định của hội chúng: ‘Giờ này có thể đi vào. Giờ này có thể đi ra.’” Sau khi đã phân bố chỗ trú ngụ cho các vị ấy, đại đức Daba Mallaputta quay trở về lại Veḷuvana.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka[5] chỉ là các vị mới tu và phước báu ít ỏi. Các vị ấy thường nhận được những chỗ trú ngụ kém thuộc về hội chúng và những bữa ăn tồi. Vào lúc bấy giờ, dân chúng ở Rājagaha mong muốn cúng dường đến các tỳ khưu trưởng lão thức ăn được chuẩn bị hoàn hảo gồm có bơ lỏng, dầu ăn, phần ăn thượng hạng, và thường dâng đến các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka vật bình thường theo khả năng gồm có cơm tấm và món thứ hai là cháo chua. Các vị ấy khi đi thọ thực về sau bữa ăn thường hỏi các tỳ khưu trưởng lão rằng: – “Này các đại đức, các vị đã có thức gì ở tại nhà ăn? Các vị đã có thức gì?” Một số trưởng lão trả lời như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi có bơ lỏng, có dầu ăn, có phần ăn thượng hạng.” Các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi đã không được gì cả, chỉ là vật bình thường theo khả năng gồm có cơm tấm và món thứ hai là cháo chua.”

Vào lúc bấy giờ, có vị gia chủ là người có bữa ăn ngon thường cúng dường đến hội chúng bữa ăn gồm bốn phần là bữa ăn thường lệ. Vị ấy cùng vợ và các con thường hiện diện và phục vụ ở nhà ăn. Họ dâng các vị này cơm, dâng các vị kia canh, dâng các vị nọ dầu ăn, và dâng các vị khác phần ăn thượng hạng. Vào lúc bấy giờ, bữa ăn vào ngày hôm sau của vị gia chủ có bữa ăn ngon đã được sắp xếp cho các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka. Hôm ấy, vị gia chủ có bữa ăn ngon đã đi đến tu viện bởi công việc cần làm nào đó. Vị ấy đã đi đến đại đức Dabba Mallaputta, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Dabba Mallaputta rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Dabba Mallaputta đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị gia chủ có bữa ăn ngon đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Dabba Mallaputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, vị gia chủ có bữa ăn ngon đã nói với đại đức Dabba Mallaputta điều này: – “Thưa ngài, bữa ăn vào ngày mai ở nhà chúng tôi đã được sắp xếp cho vị nào?” – “Này gia chủ, bữa ăn vào ngày mai ở nhà gia chủ đã được sắp xếp cho các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka.”

Khi ấy, vị gia chủ có bữa ăn ngon đã không được hài lòng (nghĩ rằng): “Tại sao các tỳ khưu tồi lại thọ thực ở nhà của chúng ta?” rồi đã đi về nhà và dặn dò người tớ gái rằng: – “Này con, hãy xếp đặt chỗ ngồi ở nhà kho cho các vị đến thọ thực vào ngày mai và hãy phục vụ các vị ấy với cơm tấm và món thứ hai là cháo chua.” – “Thưa ông chủ, xin vâng.” Người tớ gái ấy đã đáp lại vị gia chủ có bữa ăn ngon.”

Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka (bàn bạc rằng): – “Này các đại đức, hôm qua bữa ăn của vị gia chủ là người có bữa ăn ngon đã được sắp xếp cho chúng ta. Vào ngày mai, vị gia chủ có bữa ăn ngon cùng vợ và các con sẽ hiện diện và phục vụ chúng ta. Họ sẽ dâng các vị này cơm, sẽ dâng các vị kia canh, sẽ dâng các vị nọ dầu ăn, và sẽ dâng các vị khác phần ăn thượng hạng.” Do chính tâm vui mừng ấy, ban đêm các vị đã không ngủ được như ý.

Sau đó vào buổi sáng, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã mặc y, cầm y bát, đi đến nhà của vị gia chủ có bữa ăn ngon. Cô tớ gái ấy đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã xếp đặt chỗ ngồi ở nhà kho và nói với các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka điều này: ­- “Thưa các ngài, xin hãy ngồi.” Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka khởi ý điều này: ‘Chắn hẳn đến giờ này bữa ăn vẫn chưa hoàn tất nên chúng ta mới được cho ngồi ở nhà kho như thế này!’ Sau đó, cô tớ gái ấy đã trở lại với cơm tấm và món thứ hai là cháo chua (nói rằng): – “Thưa các ngài, xin hãy thọ thực.” – “Này chị gái, chúng tôi là các vị thọ nhận bữa ăn thường lệ.” – “Tôi biết các ngài đại đức là các vị thọ nhận bữa ăn thường lệ. Tuy nhiên, chính ngày hôm qua tôi đã được vị gia chủ dặn dò rằng: ‘Hãy xếp đặt chỗ ngồi ở nhà kho cho các vị đến thọ thực vào ngày mai và hãy phục vụ các vị ấy với cơm tấm và món thứ hai là cháo chua.’ Thưa các ngài, xin hãy thọ thực.”

Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka (bàn bạc rằng): – “Này các đại đức, hôm qua vị gia chủ có bữa ăn ngon đã đi đến tu viện gặp Dabba Mallaputta. Chắc chắn rằng chúng ta đã bị Dabba Mallaputta ly gián với vị gia chủ!” Chính vì tâm bực bội ấy, các vị ấy đã không thọ thực được như ý. Sau đó, khi trở về từ chỗ thọ thực sau bữa ăn, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã đi đến tu viện, bỏ bê y bát, rồi ngồi xuống ôm đầu gối bằng y hai lớp ở phía bên ngoài cổng ra vào của tu viện, im lặng, xấu hổ, rút vai lại, mặt cúi xuống, trầm ngâm, không nói năng.

Khi ấy, tỳ khưu ni Mettiyā đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka điều này: – “Tôi xin chào các ngài đại đức.” Khi được nói như thế, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã không đáp lại. Đến lần thứ nhì, ―(như trên)― Đến lần thứ ba, tỳ khưu ni Mettiyā đã nói với các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka điều này: – “Tôi xin chào các ngài đại đức.” Đến lần thứ ba, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã không đáp lại. – “Có phải tôi làm phật lòng các ngài đại đức? Tại sao các ngài đại đức không nói chuyện với tôi?” – “Này cô ni, bởi vì cô vẫn dửng dưng như thế trong khi chúng tôi bị Dabba Mallaputta làm tổn hại.” – “Thưa các ngài đại đức, tôi làm được điều gì?” – “Này cô ni, nếu cô chịu làm thì ngay trong ngày hôm nay đức Thế Tôn có thể trục xuất Dabba Mallaputta.” – “Thưa các ngài đại đức, tôi làm được điều gì? Tôi có thể làm điều gì?” – “Này cô ni, cô hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy nói với đức Thế Tôn như vầy: ‘Bạch ngài, điều này là không đúng đắn, không hợp lý. Bạch ngài, chính ở quốc độ nào không có sự sợ hãi, không có tai họa, không có sầu khổ thì chính ở quốc độ ấy có sự sợ hãi, có tai họa, và có sầu khổ. Từ nơi nào gió lặng đi thì từ nơi ấy có bão tố. Con nghĩ rằng nước đã bùng cháy lên rồi; con đã bị ô nhục bởi ngài đại đức Dabba Mallaputta.’” – “Thưa các ngài đại đức, xin vâng.” Rồi tỳ khưu ni Mettiyā nghe theo các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, tỳ khưu ni Mettiyā đã nói với đức Thế Tôn điều này:

– “Bạch ngài, điều này là không đúng đắn, không hợp lý. Bạch ngài, chính ở quốc độ nào không có sự sợ hãi, không có tai họa, không có sầu khổ thì chính ở quốc độ ấy có sự sợ hãi, có tai họa, và có sầu khổ. Từ nơi nào gió lặng đi thì từ nơi ấy có bão tố. Con nghĩ rằng nước đã bùng cháy lên rồi; con đã bị ô nhục bởi ngài đại đức Dabba Mallaputta.”

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Dabba Mallaputta rằng: – “Này Dabba, ngươi có nhớ ngươi là kẻ đã làm việc như thế, giống như điều tỳ khưu ni này vừa nói không?” – “Bạch ngài, con như thế nào thì đức Thế Tôn biết mà.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn ―(như trên)― Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã hỏi đại đức Dabba Mallaputta rằng: – “Này Dabba, ngươi có nhớ ngươi là kẻ đã làm việc như thế, giống như điều tỳ khưu ni này vừa nói không?” – “Bạch ngài, con như thế nào thì đức Thế Tôn biết mà.” – “Này Dabba, các vị (dòng dõi) Dabba không phủ nhận như thế. Nếu ngươi có làm, hãy nói: ‘Có làm;’ nếu ngươi không làm, hãy nói: ‘Không làm.’” – “Bạch ngài, từ khi con được sanh ra, con không bao giờ nhận thấy mình là kẻ tầm cầu việc đôi lứa ngay cả trong lúc ngủ mơ, huống gì là tỉnh thức.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy các ngươi hãy trục xuất tỳ khưu ni Mettiyā và hãy tra hỏi các tỳ khưu này.” Nói xong điều ấy, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào trú xá.

Sau đó, các tỳ khưu ấy đã trục xuất tỳ khưu ni Mettiyā. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: – “Này các đại đức, chớ có trục xuất tỳ khưu ni Mettiyā, cô ta không làm sai điều gì. Vì chúng tôi nổi giận, không hài lòng, có ý định loại trừ nên xúi giục cô ta thôi.” – “Này các đại đức, có phải các vị bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta về tội pārājika không có nguyên cớ?” – “Này các đại đức, đúng vậy.” Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka lại bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta về tội pārājika không có nguyên cớ?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi bôi nhọ Dabba Mallaputta về tội pārājika không có nguyên cớ, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng ―(như trên)― “Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại bôi nhọ Dabba Mallaputta về tội pārājika không có nguyên cớ vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào xấu xa, sân hận, bất bình vị tỳ khưu (khác) rồi bôi nhọ về tội pārājika không có nguyên cớ (nghĩ rằng): ‘Chắc là ta có thể loại vị ấy ra khỏi Phạm hạnh này.’ Sau đó vào lúc khác, trong khi được hỏi hay trong khi không được hỏi và sự tranh tụng ấy thật sự không có nguyên cớ, vị tỳ khưu (dầu có) thú nhận lỗi lầm (cũng) phạm tội saṅghādisesa.”

Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Vị tỳ khưu: là vị tỳ khưu khác.

Xấu xa, sân hận: bị nổi giận, không được hài lòng, không được thỏa mãn, có tâm giận dữ, nảy sanh lòng cay cú.

Bị bất bình: là bị bất bình do sự nổi giận ấy, do sự sân hận ấy, do sự không được hài lòng ấy, do sự không được thỏa mãn ấy.

Không có nguyên cớ nghĩa là không được thấy, không được nghe, không bị nghi ngờ.

Về tội pārājika: về bất cứ điều nào thuộc về bốn điều.

Bôi nhọ: hoặc là buộc tội, hoặc là bảo người buộc tội.

Chắc là ta có thể loại trừ vị ấy ra khỏi Phạm hạnh này: Ta có thể loại trừ (vị ấy) ra khỏi trạng thái tỳ khưu, ta có thể loại trừ (vị ấy) ra khỏi pháp Sa-môn, ta có thể loại trừ (vị ấy) ra khỏi giới uẩn, ta có thể loại trừ (vị ấy) ra khỏi đức tính khắc khổ.

Sau đó vào lúc khác: đã bôi nhọ trong giây phút nào, thì khi đã trải qua giây phút ấy, khoảng thời gian ấy, thời điểm ấy.

Trong khi được hỏi: đã bôi nhọ với sự việc nào thì đang được hỏi về sự việc ấy.

Trong khi không được hỏi: không được bất cứ ai đề cập đến.

Sự tranh tụng nghĩa là có bốn sự tranh tụng: Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

Và vị tỳ khưu (dầu có) thú nhận lỗi lầm: Tôi đã nói điều rỗng không, tôi đã nói điều dối trá, tôi đã nói điều không thật, tôi đã nói điều tôi không biết.

Tội saṅghādisesa: ―(như trên)― cũng vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’

Đối với vị đã không thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã thấy ngươi phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không nghe rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghe ngươi phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không nghi ngờ rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghi ngờ ngươi phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã thấy và đã nghe ngươi phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã thấy và đã nghi ngờ ngươi phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã thấy, đã nghe, và đã nghi ngờ ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không nghe rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghe và đã nghi ngờ ―(như trên)― “Ta đã nghe và đã thấy ―(như trên)― “Ta đã nghe, đã nghi ngờ, và đã thấy ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không nghi ngờ rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghi ngờ và đã thấy ―(như trên)― “Ta đã nghi ngờ và đã nghe ―(như trên)― “Ta đã nghi ngờ, đã thấy, và đã nghe ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghe ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghi ngờ ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghe và đã nghi ngờ ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã nghe rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghi ngờ ―(như trên)― “Ta đã thấy ―(như trên)― “Ta đã nghi ngờ và đã thấy ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã nghi ngờ rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã thấy ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― “Ta đã nghe ngươi phạm tộipārājika, ―(như trên)― “Ta đã thấy và đã nghe ngươi phạm tội pārājika, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, (nhưng) hoài nghi về việc đã thấy, không tin việc đã thấy, không nhớ việc đã thấy, quên đi việc đã thấy, ―(như trên)― (nhưng) hoài nghi về việc đã nghe, không tin việc đã nghe, không nhớ việc đã nghe, quên đi việc đã nghe, ―(như trên)― (nhưng) hoài nghi về việc đã nghi ngờ, không tin việc đã nghi ngờ, không nhớ việc đã nghi ngờ, quên đi việc đã nghi ngờ, nếu buộc tội vị ấy rằng: “Ta đã nghi ngờ và đã thấy ―(như trên)― Ta đã nghi ngờ và đã nghe ―(như trên)― Ta đã nghi ngờ, đã thấy, và đã nghe ngươi phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị thấy là đã phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không nghe rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” ―(như trên)― Đối với vị đã không nghi ngờ rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghi ngờ là đã phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã không thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị thấy và đã bị nghe ―(như trên)― Ngươi đã bị thấy và đã bị nghi ngờ ―(như trên)― Ngươi đã bị thấy, đã bị nghe, và đã bị nghi ngờ là đã phạm tội pārājika,―(như trên)― Đối với vị đã không nghe rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghe và đã bị nghi ngờ ―(như trên)― Ngươi đã bị nghe và đã bị thấy ―(như trên)― Ngươi đã bị nghe, đã bị nghi ngờ, và đã bị thấy ―(như trên)― Đối với vị đã không nghi ngờ rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghi ngờ và đã bị thấy ―(như trên)― Ngươi đã bị nghi ngờ và đã bị nghe ―(như trên)― Ngươi đã bị nghi ngờ, đã bị thấy, và đã bị nghe là đã phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesatheo từng lời nói.

Đối với vị đã thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghe ―(như trên)― nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghi ngờ ―(như trên)― nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghe và đã bị nghi ngờ là đã phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ―(như trên)― thì phạm tộisaṅghādisesa theo từng lời nói.

Đối với vị đã nghe rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” ―(như trên)― Đối với vị đã nghi ngờ rằng: “Vị (tỳ khưu ấy) đã phạm tội pārājika,” nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị thấy ―(như trên)― nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghe ―(như trên)― nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị thấy và đã bị nghe là đã phạm tội pārājika, ngươi không phải là Sa-môn, ―(như trên)― thì phạm tội saṅghādisesatheo từng lời nói.

Đối với vị đã thấy vị (tỳ khưu) đang phạm tội pārājika, (nhưng) hoài nghi về việc đã thấy, không tin việc đã thấy, không nhớ việc đã thấy, quên đi việc đã thấy; ―(như trên)― (nhưng) hoài nghi về việc đã nghe, không tin việc đã nghe, không nhớ việc đã nghe, quên đi việc đã nghe; ―(như trên)― (nhưng) hoài nghi về việc đã nghi ngờ, không tin việc đã nghi ngờ, không nhớ việc đã nghi ngờ, quên đi việc đã nghi ngờ, nếu cho người buộc tội vị ấy rằng: “Ngươi đã bị nghi ngờ và đã bị thấy ―(như trên)― “Ngươi đã bị nghi ngờ và đã bị nghe ―(như trên)― “Ngươi đã bị nghi ngờ, đã bị thấy, và đã bị nghe là đã phạm tội pārājika,ngươi không phải là Sa-môn, ngươi không phải là Thích tử, không còn lễ Uposatha, lễPavāraṇā, hay là hành sự của hội chúng với ngươi nữa,” thì phạm tội saṅghādisesa theo từng lời nói.

Có sự ghi nhận là trong sạch về vị không trong sạch. Có sự ghi nhận là không trong sạch về vị trong sạch.Có sự ghi nhận là không trong sạch về vị không trong sạch. Có sự ghi nhận là trong sạch về vị trong sạch.

Vị không trong sạch là người đã vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là trong sạch, khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa.

Vị không trong sạch là người đã vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là trong sạch, khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì phạm tội saṅghādisesa.

Vị không trong sạch là người đã vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là trong sạch, khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội dukkaṭa với tội nói lời mắng nhiếc (tội pācittiya thứ nhì).

Vị không trong sạch là người đã vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là trong sạch, khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội nói lời mắng nhiếc.

Vị trong sạch là người không vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là không trong sạch, khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì phạm tội dukkaṭa.

Vị trong sạch là người không vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là không trong sạch, khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì vô tội.

Vị trong sạch là người không vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là không trong sạch, khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội dukkaṭa với tội nói lời mắng nhiếc.

Vị trong sạch là người không vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là không trong sạch, khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội nói lời mắng nhiếc.

Vị không trong sạch là người đã vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là không trong sạch, khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì phạm tội dukkaṭa. ―(như trên)― khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì vô tội. ―(như trên)― khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội dukkaṭa với tội nói lời mắng nhiếc. ―(như trên)― khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội nói lời mắng nhiếc.

Vị trong sạch là người không vi phạm bất cứ tội pārājika nào. Nếu trong khi có sự ghi nhận vị ấy là trong sạch, khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. ―(như trên)― khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định loại trừ, rồi nói lời (buộc tội) thì phạm tội saṅghādisesa. ―(như trên)― khi chưa thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội dukkaṭa với tội nói lời mắng nhiếc. ―(như trên)― khi đã thỉnh ý (để buộc tội), có ý định lăng mạ, rồi nói lời (mắng nhiếc) thì phạm tội nói lời mắng nhiếc.

Vị có sự ghi nhận là không trong sạch về vị trong sạch, vị có sự ghi nhận là không trong sạch về vị không trong sạch, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều học thứ nhất về vị xấu xa sân hận.

–ooOoo–

 

[1] Tu viện này được cho xây dựng bởi người phú hộ tên Ghosita (Vin.A. iii, 574).

[2] Channa (Xa-nặc) là người đánh xe hầu cận của thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).

[3] Chỉ có giác quan “thân” (kāyindriyaṃ) để nhận biết sự xúc chạm (Sđd. 575).

[4] Ngài Dabba là con trai của vua xứ Malla (Vin.A. iii, 578).

[5] Hai vị này là hai trong sáu vị đứng đầu nhóm Lục Sư. Thứ tự được trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở Sāvatthī, Mettiya và Bhummajaka ở Rājagaha, Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā (VinA. iii, 614).

[6] Chung sự đọc tụng giới bổn Pātimokkha đang được hiện hành (Vin.A. iii, 608).

[7] Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 07, chương Kosambī thứ X.

[8] Được gọi là “vị thường trú” (āvāsika) nghĩa là có chỗ trú ngụ (āvāso) thuộc về các vị ấy; chỗ trú ngụ được gọi trú xá (vihāra). Tại nơi ấy những vị thường trú nào có trách nhiệm làm mới, sửa chữa những chỗ cũ kỹ, v.v… thì được gọi là āvāsika còn vị chỉ thuần túy cư ngụ thôi thì gọi là nevāsika. Ở đây, các vị này là các vị āvāsika (VinA. iii, 613).

[9] Ngài Buddhaghosa cho biết rằng hai tỳ khưu này (và luôn cả bốn vị còn lại đứng đầu nhóm Lục Sư) đều đã được xuất gia với hai vị Tối thượng Thinh Văn này, đã sống nương nhờ tròn đủ 5 năm, và có học thuộc lòng các tiêu đề mātikā (VinA. iii, 614).

Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I

–ooOoo–

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *