Kinh Gaddulabaddha Dây Trói
Buộc Bài Kinh Thứ Hai
Một thời Đức Thế Tôn ở tại Sāvatthi. Tại đó Đức Thế Tôn đã gọi các Tỳ-kheo và nói như vầy:
“Này các Tỳ-kheo, khởi đầu của vòng luân hồi (sansāra) này là không thể khám phá ra được. Điểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, phải lưu chuyển và xoay quanh trong vòng luân hồi (sansāra).
Ví như, này các Tỳ-kheo, có con chó bị trói bằng sợi dây xích và cột vào một cây cột hay cây cột trụ vững chắc. Nếu nó có đi, nó chỉ đi gần cây cột hay cây cột trụ ấy. Nếu nó có đứng, nó chỉ đứng gần cây cột hay cây cột trụ ấy. Nếu nó có ngồi, nó chỉ ngồi gần cây cột hay cây cột trụ ấy. Nếu nó có nằm, nó chỉ nằm gần cây cột hay cây cột trụ ấy.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu xem sắc như vầy: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.’, xem thọ…xem tưởng…xem các hành…xem thức như vầy: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.’Nếu người ấy có đi, người ấy chỉ đi gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy có đứng, người ấy chỉ đứng gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy có nằm, người ấy chỉ nằm gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy có ngồi, người ấy chỉ ngồi gần năm thủ uẩn này.
“Do đó, này các Tỳ-kheo, các ông nên thường xuyên suy xét tâm của mình như sau: ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, và si.’ Này các Tỳ-kheo, do những phiền não của tâm mà chúng sinh bị ô nhiễm; với sự thanh tịnh của tâm các chúng sinh được thanh tịnh.
Trong bài Kinh này cũng vậy, Đức Phật đã giải thích kẻ vô văn phàm phu với một ví dụ về con chó như sau: “Ví như, này các Tỳ-kheo, có con chó bị trói bằng sợi dây xích và cột vào một cây cột hay cây cột trụ vững chắc.” Con chó đó bị trói bằng sợi dây xích và cột vào một cây cột trụ chắc chắn, do đó không thể chạy đi đâu được. Cũng vậy, nếu một kẻ vô văn phàm phu có thân kiến, và tham ái mạnh mẽ, họ không thể nào thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi. Tại sao? Bởi vì anh ta đã bị sợi dây xích thân kiến trói buộc và bị cột vào cột trụ vững chắc là năm thủ uẩn, bởi sợi dây tham ái.
Kẻ vô văn phàm phu xem năm thủ uẩn như vầy: “cái này là tự ngã của tôi,” một hình thức chấp thủ bằng thân kiến. Lại nữa họ xem năm thủ uẩn như vầy: “cái này là của tôi,” một hình thức chấp thủ bằng tham ái. Và họ xem chúng như “cái này là tôi,” một hình hức chấp thủ bằng ngã mạn. Vô minh luôn luôn phối hợp với ba loại chấp thủ này. Vô minh và thân kiến che đậy con mắt trí tuệ của anh ta lại. Chúng khiến cho anh ta không thể thấy được các pháp đúng như chúng thực sự là. Có thể nói thân kiến giống như sợi dây xích cột quanh cổ anh ta. Tham ái giống như sợi dây buộc anh ta vào cây cột trụ năm thủ uẩn. Dưới ảnh hưởng của thân kiến, tham ái và ngã mạn, anh ta thực hiện những nghiệp (kamma) thiện và bất thiện. Nghiệp lực của chúng, cắm rễ trong những phiền não này, có tiềm năng để tạo ra sự hiện hữu mới sau khi chết. Khi đã có sự hiện hữu mới, thì già, đau, chết và sầu, bi, khổ, ưu, và não cũng sẽ xảy ra. Vì thế anh ta không thể thoát khỏi vòng luân hồi.
Bởi lẽ ấy Đức Phật mới nói: ““Do đó, này các Tỳ-kheo, các ông nên thường xuyên suy xét tâm của mình như sau: ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, và si.’ Này các Tỳ-kheo, do những phiền não của tâm mà các chúng sinh bị ô nhiễm; với sự thanh tịnh của tâm các chúng sinh được thanh tịnh.”
Rồi Đức Phật tiếp tục bài Pháp của Ngài như vầy:
“Này các Tỳ-kheo, các ông có thấy bức tranh gọi là ‘Du Hành’ không?
“Thưa có, bạch Đức Thế Tôn.”
“Ngay cả bức tranh gọi là ‘Du Hành’ ấy, với sự đa dạng của nó, cũng do tâm hoạ thành, tuy vậy tâm thậm chí còn đa dạng hơn cả bức tranh gọi là ‘Du Hành’ đó nữa.”
Ở đây bức tranh được gọi là ‘tranh du hành.’ Sở dĩ nó được đặt tên như vậy là vì những người Bà-la-môn Sankhas vẽ nó và mang theo khi đi du hành để thuyết giảng giáo pháp của họ. Sankhas là một phái của những người Bà-la-môn theo dị giáo. Sau khi làm một khung vải, họ vẽ những bức tranh khác nhau mô tả những sanh thú tốt và xấu trên đó để minh hoạ sự thành công và thất bại của kiếp người . Và rồi họ đem nó đi đây đó trong những cuộc du hành của họ. Họ sẽ phô bày nó cho mọi người xem và giải thích “nếu một người làm điều này, thì họ sẽ gặt quả này; nếu một người làm điều kia họ sẽ gặt quả kia.”
Những bức tranh này rất kỳ diệu. Nhưng tâm người thậm chí còn kỳ diệu hơn cả những bức tranh ấy. Đó là vì, trước tiên họ phải nghĩ cách làm thế nào để vẽ những bức tranh này lên khung vải. Và rồi họ phải vẽ những bức tranh như thế này như thế nọ theo ý nghĩ của họ. Nhưng đôi khi có thể họ có ý nghĩ vẽ một viên ngọc sáng hơn cả ánh sáng mặt trời. Mặc dù họ có ý định làm điều đó, nhưng thực sự họ lại không thể làm được. Chính vì lý do ấy tâm còn đa dạng hơn cả bức tranh vẽ trên khung vải. Do đó Đức Phật mới nói: “Ngay cả bức tranh gọi là ‘Du Hành’ ấy, với sự đa dạng của nó, cũng do tâm hoạ thành, như vậy tâm thậm chí còn đa dạng hơn cả bức tranh gọi là ‘Du Hành’ đó nữa.’” “Do đó, này các Tỳ-kheo, các ông nên thường xuyên suy xét tâm của mình như sau: ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, và si.’ Này các Tỳ-kheo, do những phiền não của tâm mà các chúng sinh bị ô nhiễm; với sự thanh tịnh của tâm các chúng sinh được thanh tịnh.
“Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một hạng loại của các hữu tình chúng sinh nào lại đa dạng như hạng loại của các hữu tình chúng sinh trong cõi bàng sanh. Ngay cả những chúng sinh trong cõi bàng sanh ấy cũng do tâm mà bị đa dạng hoá, tuy thế tâm thậm chí đa dạng hơn các chúng sinh trong cõi bàng sanh đó.”
Điểm quan trọng ở đây là sự đa dạng của các sinh vật trong cõi bàng sanh (súc sanh) phản ánh tính đa dạng của các nghiệp quá khứ đã khiến cho chúng phải tái sanh như các con vật ấy. Và sự đa dạng của nghiệp thì lại xuất phát từ sự đa dạng của tham ái (tauhā).
Các con chim cút, gà gô v.v…không tích luỹ các nghiệp đa dạng trong những kiếp sống trước của chúng với ý nghĩ: “Ta sẽ trở thành đa dạng theo cách như thế này, như thế nọ.” Nhưng khi nghiệp lực của một nghiệp quá khứ nào đó chín mùi, nó sẽ tạo ra quả tái sanh làm một loài tương xứng như chim, gà v.v…Và sự đa dạng trong dáng vẻ bề ngoài cũng như lối sống, v.v… của chúng bắt nguồn trong các loài này. Nói cách khác các chúng sinh xuất hiện trong các loài đặc biệt trở thành đa dạng theo cách thích hợp với chủng loại ấy. Như vậy tính đa dạng được hoàn thành trong các chủng loại, và các loài thì lại phản ánh nghiệp (kamma).
Chẳng hạn, nếu trong kiếp quá khứ quý vị đã tích luỹ một thiện nghiệp để trở thành người, thì khi nghiệp lực của nó chín mùi, quý vị sẽ tái sanh trong chủng loại người thích hợp, và năm thủ uẩn được tạo ra tuỳ thuộc vào chủng loại ấy. Đó là lý do vì sao cha mẹ và con cái thường thường giống nhau. Cũng vậy, nếu trong kiếp quá khứ quý vị đã tích luỹ một bất thiện nghiệp để trở thành một con chim cút trong cõi súc sanh, và khi nghiệp lực của nó chín mùi, nghiệp lực ấy sẽ đưa quý vị đến chủng loại thích hợp của chim cút, và tạo ra năm thủ uẩn tuỳ theo loài đó. Bởi thế sự đa dạng được thành tựu do chủng loại, và chủng loại phản ánh nghiệp.
Khi đang tích tạo một thiện nghiệp trong kiếp trước, nếu quý vị có tâm tham muốn các dục lạc để thọ hưởng trong kiếp sau, thì khi nghiệp đó tạo ra quả của nó trong kiếp này, quý vị sẽ có nhiều tham muốn thọ hưởng các dục lạc. Quý vị sẽ là một người có tánh tham. Mối tương quan nhân quả như vậy cũng áp dụng cho một người tánh sân, tánh si, tánh ngã mạn, ganh tỵ hay tật đố.
Lại nữa, trong một kiếp trước, khi đang tích tạo một thiện nghiệp, nếu quý vị có đức tin (saddhā) mạnh mẽ nơi Tam Bảo và tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, v.v… khi nghiệp đó chín mùi và tạo ra quả trong kiếp này quý vị sẽ là một người có đầy đủ đức tin. Quý vị sẽ có một căn tánh đức tin.
Lại nữa, trong kiếp trước, khi đang tích tạo thiện nghiệp, nếu có tâm từ (mettā) mạnh mẽ đi kèm, hoặc được vây quanh bởi một trong các bậc thiền tâm từ (mettā jhānas), thì khi nghiệp đó cho quả trong kiếp kế, quý vị sẽ là một người có đầy đủ lòng từ và có một căn tánh từ ái.
Lại nữa, trong kiếp trước, khi đang tích tạo thiện nghiệp, nếu nó được vây quanh bởi trí tuệ mạnh mẽ như minh sát trí, thì khi nghiệp đó cho quả trong kiếp kế, quý vị sẽ có một căn tánh trí tuệ
và một cái tâm nhạy bén. Còn nếu minh sát trí giống như hành xả trí (saukhārūpekkhađāua) trở thành nghiệp lực để cho quả của nó trong kiếp kế, quý vị sẽ có trí tuệ rất nhạy bén và mạnh mẽ để chứng đắc Niết-bàn (Nibbana). Nếu quý vị thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana), quý vị có thể nhanh chóng thể nhập tứ thánh đế.
Chính vì lý do này Đức Phật đã dạy như sau:
“Do đó, này các Tỳ-kheo, các ông nên thường xuyên suy xét tâm của mình như sau: ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, và si.’ Này các Tỳ-kheo, do những phiền não của tâm mà các chúng sinh bị ô nhiễm; với sự thanh tịnh của tâm các chúng sinh được thanh tịnh.
Trong Trung Bộ Kinh (Majjhimā Nikāya) có một bài Kinh gọi là Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (CūSakammavibhauga Sutta). Tôi muốn giải thích tính đa dạng của Nghiệp và quả của nghiệp quả dựa trên bài Kinh đó.
Một thời Đức Thế Tôn trú tại Sāvatthi (Xá- vệ) trong khu rừng của Jeta (Kỳ-đà), Vườn của ông Anathapindika (Cấp-cô-độc). Rồi thanh niên Subha, con trai của Todeyya, đã đi đến Đức Thế Tôn và nói lên những lời chào hỏi. Sau khi nói những lời chào hỏi thân thiện xong, thanh niên Subha ngồi xuống một bên và hỏi Đức Thế Tôn mười bốn câu hỏi liên quan đến sự đa dạng của Nghiệp và quả của nghiệp.
Tại sao anh ta lại hỏi những câu hỏi này? Theo chú giải Kinh Trung Bộ, cha anh ta, Bà-la- môn Todeyya, là quốc sư của Vua Kosala. Do tính tình vô cùng bỏn xẻn nên sau khi chết đã tái sanh làm một con chó ngay trong căn nhà của mình. Đức Phật xác định điều này cho Subha biết bằng cách kêu con chó đào kho tàng mà cha Subha đã chôn trước khi ông ta chết. Sự việc này đã khơi dậy niềm tin của Subha nơi Đức Phật và giúp anh ta đi đến gần để hỏi về những vậnh hành của nghiệp. Bây giờ quý vị sẽ lắng nghe mười bốn câu hỏi của anh ta:
“Thưa Tôn-giả Goatama, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau tại sao lại có người hạ liệt và người cao thượng? Chúng ta thấy con người có :
- người đoản thọ và (2) người trường thọ,
(3) người hay đau ốm (4) người khoẻ mạnh,
(5) người xấu xí (6) người xinh đẹp,
(7) người không có ảnh hưởng (8) người có ảnh hưởng,
(9) người nghèo khó (10) người giàu sang,
(11) người thuộc gia đình thấp hèn (12) người thuộc gia đình cao quý,
(13) người ngu dốt và (14) người thông minh.
Nguyên nhân của những tình trạng này là gì, thưa Tôn-giả Gotama, giữa con người với nhau lại thấy có thấp hèn và cao thượng?”
Đức Phật đã trả lời những câu hỏi của anh ta theo cách vắn tắt trước:
“Này thanh niên Subha, các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp; họ sinh ra từ nghiệp, bị trói buộc vào nghiệp, có nghiệp là nơi nương tựa của họ. Chính nghiệp phân biệt các chúng sinh thành hạ liệt và cao thượng vậy.”
Kế đó Subha thỉnh cầu Đức Phật giải thích bài Pháp theo chi tiết như sau:
“Tôi không hiểu rõ ý nghĩa lời dạy của Tôn-giả Gotama, lời dạy vắn tắt không có giảng giải ý nghĩa theo chi tiết. Tôi sẽ vô cùng sung sướng, nếu Tôn-giả Gotama dạy Pháp cho tôi để tôi có thể hiểu được chi tiết ý nghĩa của lời Tôn- giả Gotama nói.”
Vì sao Đức Phật lại dạy theo cách đó dể người nghe không thể hiểu được ý nghĩa lời dạy của ngài? Bởi vì những người Bà-la-môn tự kiêu đến mức họ tự xem mình là thông minh nhất trong thiên hạ. Nếu ngay lúc đầu Đức Phật đưa ra những câu trả lời chi tiết liền, có thể họ sẽ nói rằng họ cũng hiểu ý nghĩa lời dạy của Đức Phật là như vậy. Đó là lý do vì sao Đức Phật đã trả lời những câu hỏi theo cách vắn tắt trước. Nhưng khi thanh niên Subha lại thỉnh cầu giảng giải Pháp một cách chi tiết, lúc đó Đức Phật mới đưa ra những câu trả lời theo tuần tự.
Trước khi đi vào giải thích những câu trả lời của Đức Phật. Tôi muốn bàn qua về quy luật của Nghiệp và quả của nghiệp. Điều này sẽ làm cho sự hiểu biết của chúng ta về những câu trả lời của Đức Phật được sâu hơn. Có thể nói quy luật của nghiệp và quả của nghiệp rất thâm sâu và khó thấy rõ đối với hàng phàm phu. Nó là cốt lõi của giáo pháp Đức Phật. Để được là một người Phật tử chân chánh, điều quan trọng nhất là phải hiểu và có niềm tin vững chắc nơi quy luật của nghiệp và quả của nghiệp. Do đó chúng ta phải rất chú ý đến những sự giải thích của nó.
Theo Giáo Lý của Đức Phật, trong một cái búng tay có nhiều triệu tiến trình tâm ý môn sanh và diệt. Trong mỗi tiến trình ý môn này có bảy tốc hành tâm (javanas), và nghiệp được hình thành trong đó. Đặc biệt Tư (cetanā) của những sát-na tốc hành này được gọi là nghiệp. Tuy nhiên theo chương nói về nghiệp duyên (kammapaccaya) của bộ Patthāna thì năng lực (nghiệp lực) của những
tâm hành trong các sát-na tốc hành cũng được gọi là Nghiệp. Trước hết quý vị nên ghi nhớ sự kiện này trong tâm.
Ở đây, nghiệp có bốn loại: Nghiệp được cảm thọ (quả) ngay trong kiếp hiện tại hay còn gọi là hiện báo nghiệp (diIIhadhamma-vedaniya- kamma), nghiệp được cảm thọ vào lúc tái sanh hay còn gọi là sanh báo nghiệp (upapajja-vedaniya- kamma), nghiệp được cảm thọ trong một kiếp nào đó sau kiếp đó hay còn gọi là hậu báo nghiệp (aparapariya-vedaniya-kamma), và nghiệp không còn giá trị hay vô hiệu nghiệp(ahosi-kamma).
“Hiện báo nghiệp” có nghĩa là nghiệp mà quả của nó được cảm thọ trong dòng tương tục danh sắc hiện tại (attabhāva) này. “Sanh báo nghiệp” là nghiệp mà quả của nó được cảm thọ vào kiếp kế kiếp hiện tại. “Hậu báo nghiệp” là nghiệp mà quả của nó được cảm thọ trong một tương tục danh sắc kế tiếp nào đó thay vì ngay kiếp hiện tại hoặc kiếp kế kiếp hiện tại. “Vô hiệu nghiệp” là nghiệp mà thường được nói là có nghiệp nhưng không có quả của nghiệp (trong hiện tại), và sẽ không có quả của nghiệp (trong tương lai).
Trong số này, (1) tư (cetana) thiện hoặc bất thiện của tốc hành tâm thứ nhất trong bẩy tốc hành được goị là “hiện báo nghiệp.” Nó cho quả của nó trong cùng dòng tương tục danh sắc này. Còn nếu nó không cho quả, nó được gọi là “vô hiệu nghiệp” (ahosi kamma), “có nghiệp, nhưng không có quả của nghiệp, tức ngay hiện tại không có quả và cũng sẽ không có quả trong tương lai, chỉ là nghiệp (Kamma) theo tên gọi mà thôi.
Tư (cetana) của tốc hành tâm thứ bảy hoàn thành mục đích của nó được gọi là “sanh báo nghiệp.” Hoàn thành mục đích ở đây có nghĩa là hoàn thành mục đích trong việc bố thí, trì giới… hay trong việc sát sanh, trộm cắp v. v… của nó. Khi tư này có được ưu thế về các điều kiện hay duyên thích hợp và được hỗ trợ của sự lập lại bởi các tốc hành tâm trước (āsevana), nó sẽ cho quả của nó trong tương tục danh sắc kế tiếp. Nếu nó không cho quả, nó trở thành “vô hiêụ nghiệp”, nghiệp chỉ theo tên gọi.
Tư (cetana) của năm tốc hành nằm giữa tốc hành thứ nhất và thứ bảy này được gọi là “hậu báo nghiệp” hay nghiệp được cảm thọ từ kiếp thứ hai đổ đi. Nghiệp này có tiềm lực cho quả trong tương lai khi gặp cơ hội thuận tiện, như tạo ra năm uẩn trong sát-na tục sanh. Bao lâu nó chưa cho quả, tiềm lực này sẽ nằm dưới tương tục danh-sắc của người ấy. Và cho dù vòng luân hồi này có tiếp tục bao lâu chăng nữa, nó sẽ chẳng bao giờ trở thành vô hiệu nghiệp cho đến lúc nhập Vô Dư Niết Bàn (Parinibbāna).
Tư (cetana) của tốc hành thứ nhất, có đủ sức mạnh nhờ không bị (nghiệp) đối nghịch ngăn cản và nhờ có được ưu thế của duyên, và duyên ấy chắc chắn khởi lên như một hành nghiệp thuộc loại thích hợp đi trước, sẽ cho quả của nó trong cùng tương tục danh và sắc này, được gọi là “hiện báo nghiệp.” Vì trong khi tư thuộc tốc hành thứ nhất, có hiệu lực theo cách đã nói, hữu ích cho những gì kết hợp với tính chất đặc biệt của nó trong dòng tương tục tốc hành. Nó lại có ít sức mạnh đối với các phương diện khác. Nó có ít kết quả do thiếu sự lập lại (āsevana). Vì những lý do này nó không phải là loại nghiệp được chờ đợi ngoài dòng tương tục danh sắc hiện tại và chờ đợi nhận được một cơ hội như hai loại nghiệp khác. Nói khác hơn nó cho quả của nó ngay trong hiện tại chỉ như quả đơn thuần, như một bông hoa đơn thuần vậy thôi. Những gì được nói ở đây cần phải hiểu là nó không tạo ra bất kỳ một sự tái sanh trong tương lai nào, cũng giống như bông hoa không sanh ra quả vậy. Ngược lại, hai loại nghiệp kia – sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp – tạo ra quả trong kiếp kế và kiếp sau kiếp kế, có thể tạo ra quả tái sanh và cho quả lớn hơn.
“Nhưng nếu nó không cho quả” : sự cho quả của nghiệp chỉ xảy ra do sự hợp lực đúng lúc của các điều kiện (duyên) thích hợp. Không có sự hợp lực đúng lúc của các điều kiện như vậy nó không thể cho quả của nó trong tương tục danh & sắc đó. Chúng ta hãy lấy việc cúng dường làm ví dụ. Để cho tư thuộc tốc hành tâm thứ nhất tạo ra quả trong tương tục danh & sắc đó, người cúng dường phải là người có giới đức và người thọ nhận phải là một bậc thánh A-la-hán hay thánh Bất-lai (Anahàm) vừa xuất khỏi thiền diệt (diệt thọ tưởng định); vật cúng dường phải có được một cách chân chánh; người cúng dường phải có tư (chủ ý) mạnh mẽ và tâm hoan hỷ trước, trong và sau khi cúng dường; người ấy phải có đủ niềm tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, v. v…Nếu những yếu tố này không thỏa mãn, nó không thể cho quả trong tương tục danh & sắc đó.
Để hiểu rõ hơn, tôi muốn liên hệ ra đây một câu chuyện xảy ra trong thời Đức Phật của chúng ta:
Punna, cha của Uttarā – Nandamātā, là một người rất nghèo của vùng Rājagaha (Vương Xá) và làm công cho phú hộ Sumana. Punna và vợ có đức tin vững mạnh nơi Tôn-giả Xá-lợi-phất. Vào một ngày lễ hội nọ, mặc dù chủ của ông cho nghỉ một ngày, song ông vẫn đi làm việc trong cánh đồng, bở vì ông quá nghèo nên không thể vui thú gì được. Trong lúc ông đang làm việc trên cánh đồng, Tôn-giả Xá-lợi-phất đi đến, ngồi gần cánh đồng của ông ta và nhập vào thiền diệt (nirodhasamāpatti). Punna rất vui sướng khi nhìn thấy Tôn-giả Xá-lợi-phất. Ông đã cúng dường cây tăm xỉa răng và nước uống sau khi ngài xuất thiền. Rồi Tôn-giả Xá-lợi-phất ra đi. Vào lúc đó, vợ của Punna cũng mang thức ăn cho chồng đến và gặp Tôn-giả Xá-lợi-phất. Bà nghĩ trong tâm: “Đôi lúc ta có vật cúng dường thì không có người thọ nhận; nhiều khi có người thọ nhận nhưng do hoàn cảnh khốn khó ta lại không có của cúng dường. Thật may mắn làm sao, hôm nay ta vừa có được ngài Xá-lợi-phất như là người thọ nhận và cũng vừa có vật thực để cúng dường!” Vì thế bà rất vui sướng cúng dường thức ăn mà bà mang theo đến Tôn-giả Xá-lợi-phất. Xong xuôi bà quay trở về nhà để nấu nồi cơm khác và mang ra cho chồng. Chồng bà rất hoan hỷ khi nghe việc bà cúng dường đến Tôn-giả Xá-lợi-phất. Sau bữa ăn, ông nằm xuống nghỉ một lát.
Lúc thức dậy, ông thấy cánh đồng ông cày khi sáng đã biến thành vàng. Ông trình báo sự việc lên đức Vua, vị này đã cho những chiếc xe bò đến để đem số vàng ấy về. Nhưng khi lính của vua chạm tay vào nó và nói rằng vàng này là của đức Vua, nó biến thành đất trở lại. Vì thế mà, vàng đã được gôm lại nhân danh Punna. Đức Vua phong cho ông tước hiệu Bahudhanasetthi, Phú Hộ Đa Sản. Ông xây một căn nhà mới, và, vào ngày khánh thành, ông tổ chức một cuộc đại thí đến Đức Phật và chư Tăng. Khi Đức Phật phúc chúc, ông, vợ ông và con gái Uttarā – Nandamātā đều trở thành thánh nhập lưu (Sotāpanna).
Trong trường hợp này, Punna và vợ ông là những người giới đức. Vật cúng dường của họ có được một cách chân chánh. Tâm họ trong sáng không uế nhiễm khi cúng dường. Họ có niềm tin vững chắc nơi nghiệp và quả của nghiệp. Họ thực sự hoan hỷ trước, trong và sau khi cúng dường. Và yếu tố quan trọng nhất ở đây, người thọ nhận, Tôn- giả Xá-lợi-phất, là một bậc A-la-hán vừa xuất khỏi thiền diệt (diệt thọ tưởng định). Do có sự hợp lực của các điều kiện hay duyên cần thiết, tư thuộc tốc hành thứ nhất của tiến trình ý môn của ông trong lúc cúng dường đã tạo ra một kết quả lớn ngay trong kiếp sống đó. Loại nghiệp này được gọi là hiện báo nghiệp hay nghiệp cảm thọ quả ngay trong hiện tại (diIIhadhamma-vedaniya-kamma).
Mặc dù kết quả này dường như quá lớn thực, song nó lại rất nhỏ so với những quả báo xảy ra trong tương lai như tư thuộc tốc hành thứ bảy và tư thuộc năm tốc hành khác của ông ta sẽ cho. Sanh báo nghiệp (upapajja-vedaniya-kamma), vốn là tư (cetana) chín mùi của tốc hành thứ bảy, sẽ cho kết quả rất kỳ diệu sanh lên cõi trời vào kiếp
kế của ông ta. Và Hậu báo nghiệp (aparapariya- vedaniya-kamma), vốn là tư chín mùi thuộc năm tốc hành kia, sẽ tạo ra kết quả thù thắng và lâu dài khác trong những kiếp sống tương lai. Chính là vì ông đã tích lũy được vô số nghiệp thiện trước, trong và sau cúng dường đó. Nếu quý vị nhớ rằng trong một cái búng tay có hàng triệu tiến trình tâm ý môn sanh lên và diệt, và nghiệp được tạo thành trong bảy tốc hành tâm của mỗi tiến trình ý môn này, quý vị sẽ hiểu lý do tại sao lại có rất nhiều thiện nghiệp đã được ông ta tích lũy đến như vậy.
Nghiệp bốn loại khác ở đây là: trọng nghiệp (garuka-kamma), thường nghiệp (āciuua-kamma), cận tử nghiệp (āsanna-kamma), và tích lũy nghiệp (katattā-kamma).
“Trọng” nghiệp bao gồm nghiệp bất thiện rất bất lợi, đáng khiển trách và nghiệp thiện cực mạnh và lợi ích. Có thể nói trọng nghiệp là một loại nghiệp cực mạnh buộc phải tạo ra tái sanh trong kiếp kế. Không một nghiệp nào khác có thể ngăn được nó làm như vậy. Khi có nhiều trọng nghiệp thì trọng nghiệp thiện hay bất thiện nào nặng nhất sẽ dành ưu tiên trong việc cho quả (chín mùi).
Trọng nghiệp bất thiện gồm:
Giết mẹ;
Giết cha;
Giết một bậc A-la-hán;
Với ác ý làm cho Đức Phật chảy máu;
Làm cho chư tăng đang sống hòa hợp phải chia rẽ;
Chấp thủ tà kiến phủ nhận luật nhân quả (niyata-micchā-diIIhi), cho đến lúc chết cũng không chịu từ bỏ.
Trong số những nghiệp này, người làm bất kỳ nghiệp nào trong năm loại nghiệp đầu dù chỉ một lần cũng gánh chịu trọng nghiệp bất thiện. Nhưng đối với loại cuối – chấp thủ tà kiến phủ nhận luật nhân quả (niyata-micchā-diIIhi), thì chỉ chấp thủ nó cho đến giây phút lâm chung mới trở thành trọng nghiệp bất thiện. Ba ví dụ của loại tà kiến này rất thường được đề cập là:
Vô hành kiến (akiriyadiIIhi) phủ nhận hành vi của các thiện pháp và bất thiện pháp (dhammas).
Vô nhân kiến (ahetukadiIIhi) phủ nhận nhân của các quả hay nói cách khác không tin quả hiện tại là do nhân quá khứ.
Vô quả kiến (natthikadiIIhi) phủ nhận quả của nhân, tức không tin nghiệp sẽ cho ra quả.
Loại tà kiến cố định này nghiêm trọng đến mức nó sẽ khiến cho một người phải chịu khổ trong địa ngục cả một đại kiếp (gồm bốn tiểu kiếp- thành, trụ, hoại và không – tạo thành hệ thống thế gian này) hay hơn thế nữa. Bao lâu nghiệp lực của
tà kiến này chưa dứt, ngay cả khi thế gian này bị tiêu hủy vào cuối của một đại kiếp và các chúng sinh trong cõi dục được tái sanh lên phạm thiên giới (brahma world), người ấy vẫn không thể thoát khỏi địa ngục. Lúc đó, thay vì tái sanh trong cõi người hay cõi chư thiên để tu tập thiền định, người ấy sẽ phải tái sanh vào địa ngục của một hệ thống thế gian khác (địa cầu khác) đang trong giai đoạn trụ.
Tuy nhiên, nếu người ấy từ bỏ tà kiến đó trước giây phút cận tử, nó không còn là một trọng nghiệp bất thiện và họ sẽ không phải gánh chịu quả khổ nữa. Dīghanakha paribbājaka, cháu của Tôn- giả Xá-lợi-phất là một ví dụ. Ông này chấp vào đoạn kiến. Nhưng sau khi nói chuyện với Đức Phật, ông từ bỏ tà kiến ấy. Đó là một trong những lý do vì sao ông trở thành bậc thánh nhập lưu sau khi nghe kinh Trường Trảo –Dīghanakha Sutta.
Trọng nghiệp thiện là tám thiền chứng được duy trì cho đến giây phút cận tử. Chúng được gọi là đại hành nghiệp (mahaggata kamma). Tuy nhiên nếu những thiền chứng này không được duy trì cho đến sát-na cận tử, chúng không còn là trọng nghiệp thiện nữa.
Thường nghiệp (āciuua-kamma) là những gì được làm một cách liên tục, thường xuyên và lập đi lập lại nhiều lần. Khi có những nghiệp làm thường xuyên và những nghiệp làm không thường xuyên, nghiệp làm thường xuyên (thường nghiệp) sẽ chiếm ưu tiên cho quả. Khi có vài thường nghiệp, thì nghiệp làm thường xuyên nhất, dù thuộc hành vi tốt hay xấu, sẽ chiếm ưu tiên cho quả. Một ví dụ cho loại nghiệp này là gia chủ Dhammika. Người này đều đặn làm việc bố thí trong suốt cuộc đời của mình. Vào giây phút cận tử dấu hiệu của thiện nghiệp ấy (nghiệp tướng) đã xuất hiện và ông thấy các vị chư thiên từ thiên giới đi xuống trên những cỗ thiên xa lộng lẫy của họ để đón rước ông.
“Cận tử” Nghiệp là những hình ảnh sinh động được nhớ lại vào lúc sắp chết; những hình ảnh sinh động ấy là nghiệp cận tử. Khi một người sắp chết nhớ đến một nghiệp nào đó (đã làm trong quá khứ), họ sẽ tái sanh theo nghiệp đó. Hoàng- hậu Mallika là một ví dụ điển hình. Mặc dù bà là một Phật tử rất mộ đạo, vào giây phút cận tử của mình bà đã nhớ đến một việc làm sai trái trong kiếp đó và vì thế phải tái sanh vào địa ngục. Tuy nhiên nghiệp bất thiện ấy không phải là một nghiệp nghiêm trọng, vì thế sau vài ngày bà thoát khỏi địa ngục và tái sanh thiên giới.
Nghiệp không gồm trong ba loại nói trên thường được lập đi lập lại gọi là “tích luỹ nghiệp”.
Nghiệp này sẽ tạo ra kiết sanh (thức tái sanh) nếu những loại nghiệp khác thất bại.
Ở đây, trọng nghiệp cho quả trước các nghiệp kia và đó cũng là lý do vì sao nó được gọi như vậy. Khi không có trọng nghiệp, những gì được làm nhiều nhất (thường nghiệp) sẽ cho quả. Khi thường nghiệp không có thì cận tử nghiệp cho quả. Khi cận tử nghiệp cũng không có thời nghiệp nghiệp đã được làm ngay trong kiếp đó hay các kiếp trước, thường gọi là “tích luỹ nghiệp”, sẽ cho quả.
Nghiệp được chia thành bốn loại khác là: sanh nghiệp (janaka), trì nghiệp (upatthambhaka), chướng nghiệp (upapīSaka) và đoạn nghiệp (upaghātaka).
“Sanh” (janaka) nghiệp có cả thiện lẫn bất thiện, Nó tạo ra ngũ uẩn quả vào lúc tái sanh (thời tục sanh) và trong suốt quá trình của một hiện hữu (thời bình nhật). Tất nhiên chỉ nghiệp nào chín mùi đúng vào lúc cận tử mới tạo ra kiết sanh của kiếp kế.
“Trì” (upatthambhaka) nghiệp không thể tạo ra quả, nhưng khi quả đã được tạo ra trong dự phòng của kiết sanh (thức tái sanh) bởi một nghiệp khác, nó củng cố hay làm cho lạc hoặc khổ đã sanh được kéo dài. Chẳng hạn, sau khi một sanh nghiệp thiện tạo ra kiết sanh trong cõi người, trì nghiệp sẽ giúp để kéo dài sự sống của người đó, giữ cho anh ta khoẻ mạnh, đem lại cho anh ta một cuộc sống hạnh phúc, v.v…
“Chướng” (upapīSaka) nghiệp làm thất bại và ngăn cản lạc hoặc khổ đã sanh và không cho phép nó kéo dài khi quả đã được tạo ra trong dự phòng của kiết sanh bởi nghiệp khác. Nó cắt đứt quả của nghiệp khác nhưng không cho quả riêng của nó. Chẳng hạn, khi một chúng sinh sanh vào cõi người do một sanh nghiệp thiện, chướng nghiệp có thể làm cho người này bị bệnh để ngăn không cho anh ta hưởng quả hạnh phúc do sanh nghiệp thiện của anh ta đem lại.
Đoạn (upaghātaka) nghiệp tự nó cũng có cả thiện lẫn bất thiện. Nó cắt đứt nghiệp yếu và làm cho quả riêng của nó sanh lên. Nó cũng giống như môt lực đối nghịch chặn đứng một mũi tên đang bay, làm cho mũi tên này phải rơi xuống vậy. Chẳng hạn, sau khi một chúng sinh được sanh làm chư thiên do nhờ sanh nghiệp thiện, một đoạn nghiệp bất thiện nào đó bất ngờ chín mùi làm cho vị chư thiên này phải chết và đi đến một trong bốn khổ cảnh.
Cách hiểu khác: Khi một nghiệp đã được làm và có sự sanh khởi của danh và sắc do quả của nghiệp đã làm đó, hoặc trong thời tục sinh hoặc trong thời bình nhật, thì nghiệp đó được gọi là
‘sanh nghiệp’. Khi một nghiệp nào đó đã được làm và quả khả ý hay bất khả ý do nghiệp khác sanh ra, nếu sự sanh của nó được thuận tiện và thời gian duy trì của nó được trợ giúp và kéo dài nhờ sự ngăn chận những điều kiện bất lợi can thiệp vào và nhờ sự sanh khởi của những điều kiện vốn sẽ tăng cường cho nó, thì nghiệp đó là ‘trì nghiệp’. Khi một nghiệp nào đó đã được làm và quả thiện hay bất thiện do sanh nghiệp tạo ra bị cản trở bởi nó trong hình thức ốm đau bệnh hoạn hay do tứ đại bất an, thì nghiệp đó là ‘chướng nghiệp’. Nhưng khi một nghiệp nào đó đã được làm và do nghiệp này quả của nghiệp khác bị sụp đổ và bị cắt đứt mặc dù nó được xem là thích hợp để kéo dài lâu hơn bởi tính hiệu quả của nghiệp đã tạo ra nó, thì nghiệp đó được gọi là ‘đoạn nghiệp’.
Chúng ta hãy lấy trường hợp của Đề-bà-đạt- đa (Devadatta) như một ví dụ để giải thích bốn loại nghiệp này: sanh nghiệp thiện của ông khiến ông được sanh ra trong một gia đình hoàng tộc. Nhờ sanh nghiệp thiện này và trì nghiệp giúp đỡ, ông tiếp tục được sống trong hạnh phúc. Sau đó, do những việc làm ác của ông, ông bị Tăng (saugha) sa thải, chướng nghiệp bắt đầu làm việc: mọi người khinh bỉ ông. Tội chia rẽ Tăng là một đoạn nghiệp, nó khiến cho ông phải tái sanh vào địa ngục.
Sự nối tiếp của nghiệp và quả của nghiệp trong mười hai loại nghiệp kể trên, bản chất đích thực của nó như thế nào thì chỉ có Trí về Nghiệp Báo2 (Kammavipākađāua) của Đức Phật mới rõ ràng, đây là một loại trí mà các vị đệ tử không có được. Tuy nhiên sự nối tiếp của nghiệp và qủa cũng có thể nhận biết bởi một người đang hành Minh-sát (Vipassana).
Với kiến thức về quy luật Nghiệp Báo này trong tâm, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thấy xem Đức Phật đã trả lời như thế nào mười bốn câu hỏi của thanh niên Bà-la-môn Subha theo tuần tự.
“Này, thanh niên, hãy lắng nghe và khéo tác ý đến những gì Ta nói.”
“Thưa vâng, Tôn-giả,” thanh niên Bà-la- môn Subha trả lời. Lúc đó Đức Thế Tôn nói như sau:”