Kinh Gaddulabaddha Dây Trói Buộc
Hỏi Đáp Bài Kinh Thứ Hai
Câu Hỏi Thứ 6:
“Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà tánh không nóng giận và cáu kỉnh; ngay cả khi bị chỉ trích nhiều, người ấy cũng không chống đối, không nổi giận, thù nghịch, và không bộc lộ sự nóng giận, thù ghét và bất mãn. Do nghiệp này được thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy tái sanh thiện thú, thiên giới, còn nếu người ấy không tái sanh thiện thú, thiên giới, mà thay vào đó trở lại thân làm người, thời chỗ nào người ấy sanh ra người ấy được xinh đẹp. Đây là con đường đưa đến xinh đẹp, này thanh niên, tức là, không nóng giận và cáu kỉnh; ngay cả khi bị chỉ trích nhiều, người ấy cũng không chống đối, không nổi giận, thù nghịch, và không bộc lộ sự nóng giận, thù ghét và bất mãn.”
Trong trường hợp này tôi sẽ liên hệ câu chuyện của Tôn-giả Subhūti.
Thời Đức Phật Padumuttara ngài thuộc một gia đình giàu có và được gọi là Nanda. Sau đó ngài xuất gia từ bỏ gia đình sống đời không gia đình của một ẩn sĩ, và là người lãnh đạo của bốn mươi bốn ngàn vị ẩn sĩ. Họ sống trong khu rừng gần một ngọn núi lớn. Họ cùng nhau thực hành thiền chỉ (samatha) và mọi người ai cũng thiện xảo trong tám thiền chứng (bát thiền) và ngũ thông.
Một hôm Đức Phật và một ngàn vị A-la- hán, bằng đường hư không, đến thăm chỗ ẩn cư của họ. Các vị ẩn sĩ sung sướng đến nỗi, chỉ trong vòng vài phút, với năng lực thần thông của mình, họ đã gôm hái những bông hoa để làm những chỗ ngồi bằng hoa cho Đức Phật và các vị A-la-hán. Đức Phật và Thánh chúng nhập vào diệt thọ tưởng định, một định chứng diệt tạm thời tâm và sắc do tâm tạo trong một thời gian đã được định trước, trên những chỗ ngồi bằng hoa ấy suốt bảy ngày. Nanda đứng sau lưng Đức Phật cầm một cây lọng bằng hoa che cho ngài trong bảy ngày. Quý vị thấy, sự kiên trì của ngài trong lúc tích tạo thiện nghiệp to lớn như thế nào! Trong suốt bảy ngày không xê dịch. Không nằm xuống. Không dùng tí vật thực nào, thậm chí cũng không đi vệ sinh. Tâm của ngài khéo tập trung, vì, chúng ta biết ngài đã tinh thông bát thiền và ngũ thông vậy. Với tâm định ngài đã đứng đằng sau Đức Phật giữ cây lọng hoa che cho ngài suốt bảy ngày. Quý vị có thể tưởng tượng là sẽ có nhiều bao nhiêu thiện nghiệp không. Ngay cả trong một cái búng tay đã có nhiều triệu tiến trình ý môn thiện sanh lên và diệt. Như vậy những thiện nghiệp khởi lên trong tiến trình tâm của Nanda trong bảy ngày ấy là không thể tính kể. Đó là những thiện nghiệp dục giới. Trong mỗi tiến trình tâm ấy năm tốc hành tâm giữa mạnh hơn cả. Năm tốc hành này có tiềm năng tạo ra quả thù thắng ở cõi dục trong thời gian rất lâu trong những kiếp sống sau kiếp kế. Còn về kiếp kế của ngài, thiện nghiệp thiền sẽ cho quả của nó và làm cho ngài được tái sanh trong cõi Phạm Thiên, vì đó là một trọng nghiệp.
Khi Đức Phật và các vị A-la-hán xuất khỏi định chứng, đó là thời gian thích hợp nhất để cúng dường đến chư vị. Các vị ẩn sĩ liền cúng dường trái cây và những bông hoa, có được một cách chân chánh từ trong rừng, đến Đức Phật và Tăng Chúng. Đức Phật yêu cầu một trong những vị Tỳ-kheo A- la-hán, tinh thông trong thiền tâm từ (mettā jhāna), và trong việc thọ nhận vật thí để thuyết tùy hỷ Pháp (anumodana), hay hồi hướng phước.
Cuối thời pháp tất cả các vị ẩn sĩ đều chứng đắc A-la-hán, tuy nhiên sự chú ý của Nanda lúc ấy lại đang gắn chặt vào dáng vẻ uy nghi của vị Tỳ- kheo thuyết pháp. Do đó ngài không đắc một thánh đạo và thánh quả nào cả. Sau đó, khám phá ra những phẩm chất mà vị pháp sư đã đạt đến. Nanda quyết định mình cũng sẽ đạt đến sự nổi tiếng tương tự như thế.
Có thể nói giới đức của Nanda lúc ấy trong sạch và chói sáng như hạt ngọc trai, và nhất là nó lại được vây quanh bởi tám thiền chứng và ngũ thông. Vật thí có được một cách chân chánh. Ngài
có lòng tịnh tín nơi Phật, Pháp và Tăng trước, trong và sau khi cúng dường. Ngài có đức tin lớn tin rằng quả của nghiệp là vô cùng vì ngài hiểu rõ sự vận hành của nghiệp với thiên nhãn thông của mình. Những người thọ nhận (Đức Phật và chư vị A-la-hán) là phước điền vô thượng của thế gian và sự cúng dường được làm vào thời điểm thích hợp nhất (sau bảy ngày các ngài không ăn uống gì nên rất cần vật thực). Sau khi quyết định có được sự nổi tiếng tương tự, ngài đã nhận được lời thọ ký từ Đức Phật Padumuttara xác định rằng ngài sẽ trở thành một vị Tỳ-kheo đệ nhất tinh thông thiền tâm từ và thọ nhận vật phẩm cúng dường trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Mặc dù không thay đổi được đời sống ẩn sĩ của mình, Nanda rất thường đi đến diện kiến Đức Phật Padumuttara và nghe Pháp. Ngài đã thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) theo sự chỉ dẫn của Đức Phật. Đặc biệt ngài chú trọng đến thiền tâm từ và dựa trên thiền tâm từ này ngài đã hành vipassanā cho đến hành xả trí (saukhārūpekkhađāua).
Ở đây tôi muốn giải thích thêm một chút về pháp duyên khởi. Sau khi cúng dường hoa quả đến Đức Phật và Tăng chúng vừa xuất khỏi diệt thọ tưởng định (nirodhasamāpatti), ngài nguyện trở thành một vị Tỳ-kheo, tinh thông trong thiền tâm từ và tinh thông trong việc thọ nhận vật phẩm cúng dường. Theo lời dạy của Đức Phật, thân và tâm của chúng ta chỉ bao gồm danh & sắc chơn đế. Nếu chúng ta biết thân này như là danh-sắc chơn đế, thì cái biết đó đúng. Đây là minh sát trí, là chánh kiến, sammāditthi. Nhưng nếu chúng ta thấy chúng như một người đàn ông, đàn bà, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo Ni, thì điều đó sai, cái biết này gọi là vô minh hay si mê. Vì thế, trong trường hợp này, kiến chấp của ngài về một vị Tỳ-kheo tinh thông trong thiền tâm từ và tinh thông trong việc thọ nhận vật phẩm cúng dường là vô minh hay si mê. Do vô minh, ngài nguyện trở thành một vị Tỳ-kheo tinh thông trong thiền tâm từ và tinh thông trong việc thọ nhận vật phẩm cúng dường; đây là tham ái. Dính mắc vào kiếp sống của một vị Tỳ-kheo là thủ. Vô minh, ái, và thủ được gọi là phiền não luân (kilesavaIIa), những phiền não tạo ra vòng tái sanh luân hồi.
Do vô minh, ái và thủ ngài tích tạo thiện nghiệp bằng cách cúng dường hoa quả đến Đức Phật và Tăng Chúng, những người được xem là phước điền vô thượng của thế gian. Những thiện nghiệp này gọi là hành (saukhāra). Mà các hành thì vô thường vì ngay khi sinh lên chúng liền diệt. Nhưng chúng để lại một nghiệp lực trong tiến trình tâm vật lý hay danh & sắc của ngài. Nghiệp lực này được gọi là Kamma (nghiệp) trong phần nói về
nghiệp duyên (kammapaccaya) của bộ Patthāna (Bộ Vị Trí, một trong bảy bộ Luận của Tạng Diệp Pháp). Các hành (saukhāras) và Nghiệp (Kamma) này được gọi là nghiệp luân (kammavaIIa), nghiệp tạo ra vòng luân hồi.
Như vậy có cả thảy năm nhân quá khứ: vô minh (avijjā), ái (tauhā), thủ (upādāna), hành (saukhāra) và nghiệp (kamma). Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả những đoạn nói về sự chín mùi của nghiệp.
Nhưng nghiệp của ngài được vây quanh bởi thiền tâm từ mạnh mẽ. Vì sao các thiền tâm từ của ngài lại mạnh mẽ và đầy năng lực như vậy? Bởi vì ngài chỉ chú trọng đến thiền tâm từ mà thôi. Đây là một trong những lý do. Dựa trên thiền tâm từ ngài thực hành Minh Sát (Vipassana) và nhờ sự hỗ trợ của thiền tâm từ mà minh sát trí của ngài trở nên trong sáng, rõ ràng, thâm sâu và mạnh mẽ hơn. Ngược lại, nhờ minh sát trí này mà thiền tâm từ của ngài cũng trở nên vững chắc, mạnh mẽ và đầy năng lực. Theo bộ Patthāna, thì đây là thân y duyên (upanissaya paccaya), một duyên hỗ trợ mạnh mẽ. Tại sao? Ngài nhập vào thiền tâm từ. Xuất khỏi thiền, ngài liền quán các pháp thiền (jhāna dhammas) của nó như vô thường (anicca), khổ(dukkha) hoặc vô ngã (anattā). Rồi ngài nhập vào thiền tâm từ trở lại. Xuất thiền, ngài quán các pháp thiền của nó kể như vô thường (anicca), khổ (dukkha) hoặc vô ngã (anattā)…Ngài cứ lập đi lập lại phương thức này nhiều lần như vậy. Do sự thực hành lập đi lập lại này, thiền tâm từ và thiền minh sát của ngài trở nên vững chắc, mạnh mẽ và đầy năng lực. Đây là lý do khác.
Lại nữa, thiền tâm từ này còn là đối nghịch trực tiếp của sân hận. Đó là lý do vì sao tâm của ngài thường không có sân hận. Ngài đè nén được sân hận trong một thời gian dài nhờ hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana). Thêm vào đó, ngài là chuyên gia trong lĩnh vực thần thông, điều này cũng giúp đè nén các phiền não gồm luôn sân hận. Theo cách này minh sát trí của ngài cũng đè nén không chỉ sân hận mà cả các phiền não khác nữa. Vì thế, có thể nói tâm của ngài đã được tịnh hoá và nhờ sự trong sạch này ước nguyện của ngài chắc chắn sẽ thành tựu. Trong kiếp đó ngài thực hành thiền chỉ và thiền minh sát khoảng một trăm ngàn năm. Sức mạnh ý chí của ngài rất mãnh liệt. Nhờ sức mạnh ý chí, vốn là Kamma (nghiệp), này mọi ước nguyện của ngài có thể trở thành hiện thực.
Trong thời Đức Phật chúng ta, ngài là con của phú hộ Sumana, và là em của trưởng giả Cấp-
cô-độc (Anathapiuaika). Do đẹp người và có nhân cách tốt, ngài được gọi là Tu-bồ-đề (Subhūti), tức Mỹ Diện. Đây là kết quả của thiện nghiệp tiền kiếp không bị vây quanh bởi sân hận và các phiền não khác của ngài.
Vào ngày (trưởng giả Cấp-cô-độc) dâng cúng Kỳ Viên tịnh xá (Jetavana) ngài chú ý nghe bài Pháp của Đức Phật một cách kính cẩn và có được niềm tin nơi Pháp. Ngài là con của một người đệ tử tín tâm của Đức Phật, và đã xuất gia từ bỏ gia đình sống đời không gia đình. Sau khi xuất gia, ngài tinh thông Giới Luật (Vinaya). Và sau khi nhận một đề tài thiền từ nơi Đức Phật, ngài sống một mình trong rừng. Ở đó ngài phát triển tuệ giác và đắc A-la-hán Thánh Quả dựa trên thiền tâm từ. Ngài là người thuyết pháp không phân biệt và giới hạn (một ai), được Đức Phật tuyên bố là tối thắng trong các vị Tỳ-kheo sống ở trú xứ xa xôi và sống trong an tịnh (arauavihāri), và là một trong những vị Tỳ-kheo xứng đáng (thọ lãnh) của cúng dường. Thực ra, thiền tâm từ mạnh mẽ và đầy năng lực của ngài đã làm cho ngài sống trong yên tịnh và xa rời mọi phiền não từ thời lâu xa về trước.
Kinh nói rằng khi ngài đi khất thực trong làng, ngài thường nhập thiền tâm từ trước cửa của mỗi nhà, vì vậy mà mọi vật phẩm cúng dường cho ngài đều được phước báu cao nhất. Trên bước đường vân du, ngài đến kinh thành Rajagaha, ở đó đức Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) hứa xây cho ngài một nơi trú ngụ. Nhưng đức vua đã quên mất lời hứa, và Tôn-giả Tu-bồ-đề phải hành thiền ngoài trời. (Vì lý do này) trời không có mưa, đức vua khám phá ra nguyên nhân và tức tốc cho dựng một thảo am cho ngài. Ngay khi Tôn-giả Tu-bồ-đề đi vào thảo am và hạ mình ngồi xuống giường cỏ, trời bắt đầu đổ mưa. Tâm ngài thạnh tịnh với thiền tâm từ và trí siêu thế đến mức ngay cả chư thiên cũng giúp bảo vệ ngài khỏi bị mưa làm ướt. Như vậy quý vị thấy, với sự thanh tịnh của tâm các chúng sinh được thanh tịnh, đúng như lời Đức Phật dạy.
Kế tiếp, quý vị lắng nghe câu trả lời thứ bảy:
Câu Trả Lời 7
“Ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà, là người hay tật đố, bất mãn, và ghen tỵ đối với lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, tôn sùng, và đảnh lễ mà người khác nhận được. Do nghiệp này, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy tái sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn nếu lúc thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục, mà thay vào đó trở
lại thân người thời chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy là người quyền thế nhỏ (không có ảnh hưởng). Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến quyền thế nhỏ, tức là, tật đố, bất mãn, và ghen tỵ đối với lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, tôn sùng, và đảnh lễ mà người khác nhận được.”
Loại bản tính ghen tỵ này tạo ra rất nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Giữa những người đàn ông hay đàn bà bị ghen tỵ và tật đố áp đảo này, không có chánh hạnh do pháp (dhamma) hướng dẫn; mà ở đó chỉ có sự giày vò và ngấu nghiến lẫn nhau.
Trong trường hợp này tôi muốn giải thích câu chuyện của Trưởng-lão Lossaka Tissa. Vào thời Đức Phật Kassapa (Ca-diếp), ngài là một vị Tỳ-kheo trong giáo pháp của Đức Phật. Ngài được một người đàn ông giàu có trong vùng hộ độ và cai quản ngôi chùa do phú ông này xây dựng. Một hôm có một vị Tỳ-kheo là bậc A-la-hán đi đến ngôi chùa này. Phú hộ, người dâng cúng ngôi chùa, mến mộ uy nghi của vị Tỳ-kheo mới nên thỉnh cầu ngài trú ngụ trong chùa và hứa sẽ chăm sóc ngài. Vị A- la-hán đồng ý, nhưng vị trụ trì (tức Lossaka Tissa) khởi lên lòng ghen tỵ và tật đố. Vì thế Lossaka Tissa nói với người hộ độ rằng vị Tỳ-kheo (A-la- hán) đó là người lười biếng, vô tích sự. Một số vật thực, người hộ độ ấy gởi dâng cho vị A-la-hán, đã bị Lossaka Tissa ném vào đống lửa. Đây là nghiệp bất thiện do lòng ghen ghét và tật đố của ngài tạo ra. Vị A-la-hán, đọc được những ý nghĩ của Lossaka Tissa, nên bỏ đi đến một nơi khác. Lossaka nhìn thấy vị A-la-hán bay trong hư không với năng lực thần thông của mình thì kinh cảm. Ngay lúc đó ngài bị tâm hối hận dày vò. Do ác nghiệp này, những thiện nghiệp của ngài không thể ưu tiên cho quả, mà sau khi chết ngài tái sanh vào địa ngục. Khi thoát khỏi địa ngục, ngài trở thành một Dạ-xoa (Yakkha), không bao giờ có đủ vật thực để ăn, trong năm trăm kiếp. Năm trăm kiếp kế ngài phải làm thân chó chịu đói khổ y như vậy. Nói chung mỗi kiếp sinh ra ngài phải chịu đựng nhiều quả xấu và chẳng bao giờ có đủ vật thực để ăn.
Đến thời Đức Phật của chúng ta, ngài sanh làm con của một ngư dân ở Kosala và được đặt tên là Losaka. Trong ngôi làng ngài ở có một ngàn gia đình sinh sống. Vào cái ngày ngài nhập thai những gia đình này phải bị nạn đói và chịu những bất hạnh khác do ác nghiệp của ngài. Do đó dân làng đuổi gia đình của ngài đi. Khi vừa biết đi mẹ ngài đã đặt vào tay ngài cái chén mẻ và bắt ngài phải tự đi xin ăn. Ngài lang thang khắp nơi không người chăm sóc, lượm từng hạt cơm rơi như một con quạ. Một hôm, khi ngài được bảy tuổi, Tôn-giả Xá-lợi- phất nhìn thấy ngài và, cảm thấy xót thương cho
thân phận của ngài, đã cho ngài xuất gia. Nhưng ngài luôn luôn không may mắn; ngài đi khất thực chỗ nào, ngài cũng chỉ nhận được chút đỉnh thức ăn và không bao giờ có được một bữa ăn no đủ. Đúng thời ngài trở thành một bậc A-la-hán. Vì sao? Vì ngài đã hoàn thành đầy đủ các Ba-la-mật, pāramīs, để đạt đến A-la-hán thánh quả trong hơn hai mươi ngàn năm trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa vậy. Mặc dù giờ đây ngài đã thành một bậc A-la-hán ngài cũng không hề nhận được vật thực đầy đủ. Khi những thí chủ cúng dường vật thực vào bát ngài, vật thực ấy liền biến mất, bởi vì trong quá khứ ngài đã từng quăng bỏ vật thực, do người hộ tăng gởi cho vị A-la-hán, vào trong lửa vì tật đố, bất mãn, và ghen tỵ đối với lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, tôn sùng, và đảnh lễ mà người khác nhận được.
Khi đến thời ngài nhập Vô-dư-niết-bàn (Parinibbāna), Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) quyết định sẽ làm mọi cách để cho ngài có một bữa ăn thích hợp. Tôn giả cùng đi với Losaka đến Sāvatthi để khất thực, nhưng không người nào lưu ý đến họ. Tôn giả bèn đưa Losaka trở về chùa, và sau khi một mình đi khất thực, gởi những gì ngài xin được cho Losaka, nhưng những người được ngài giao phó, đã ăn hết mọi thứ. Buổi trưa, Tôn- giả Xá-lợi-phất (Sariputta) khám phá ra sự việc này, ngài liền đi đến cung điện của đức vua, và sau khi đã nhận được một tô đầy catumadhura (món ăn tứ vị), là một loại thức ăn gồm mật ong, bơ lỏng, bơ và đường trộn chung với nhau, đưa nó cho Losaka. Ngài đã yêu cầu Losaka ăn hết tô thức ăn trong khi ngài phải cầm (cái tô ấy) sợ rằng vật thực biến mất. Đêm đó Tôn-giả Losaka nhập Vô-dư- Niết-bàn (Parinibbāna), sự diệt tối hậu. Một điện thờ đã được dựng lên để tôn trí tro tàn của ngài. Vì thế Đức Phật mới nói trong kinh Dây Trói Buộc (Gaddulabaddha Sutta) như vầy:
“Do đó, này các Tỳ-kheo, các ngươi phải luôn luôn quán xét tâm của mình như thế này: ‘trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, si.’ Do những phiền não của tâm mà các chúng sinh bị ô nhiễm; với sự thanh tịnh của tâm các chúng sinh được thanh tịnh.”
Tiếp đến, quý vị hãy nghe câu trả lời thứ tám:
Câu Trả Lời 8:
“Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà, là người không tật đố, bất mãn, và ghen tỵ đối với lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, tôn sùng, và đảnh lễ mà người khác nhận được. Do nghiệp này, thành đạt như vậy, thành tựu
như vậy, vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy tái sanh vào thiện thú, thiên giới. Còn nếu vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy không tái sanh thiện thú, thiên giới, mà trở lại thân làm người, thời chỗ nào người ấy sanh ra người ấy có quyền thế lớn (có ảnh hưởng lớn). Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến quyền thế lớn, tức là không tật đố, bất mãn, và ghen tỵ đối với lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, tôn sùng, và đảnh lễ mà người khác nhận được.”
Tôi muốn giải thích với một ví dụ. Trong trường hợp này Tôn-giả Uruvela Kassapa là một ví dụ điển hình.
Thời Đức Phật Padumuttara ngài là một gia chủ. Một hôm ngài nhìn thấy Đức Phật tuyên bố một vị Tỳ-kheo, Tôn-giả Sīhaghosa, là tối thắng trong các vị đệ tử có đông đồ chúng. Ngài rất lấy làm sung sướng và nguyện cho mình cũng được danh dự như vậy trong giáo pháp của một vị Phật tương lai. Ngài đã tích tạo nhiều thiện nghiệp để thực hiện ước nguyện ấy.
Trong trường hợp này, chúng ta thấy, ngài không tật đố, bất mãn, và ghen tỵ đối với lợi dưỡng, tôn trọng, cung kính, tôn sùng, và đảnh lễ mà Tỳ-kheo Sīhaghosa nhận được, mà thực sự có tâm hoan hỷ. Toàn thân ngài thấm đẫm với niềm hỷ lạc. Thái độ của tâm này đã đem lại lợi ích cho ngài. Chính tâm này đã làm cho ngài càng lúc càng đạt đến những giai đoạn hiện hữu (tái sanh) cao hơn.
Nói về nguyên tắc duyên khởi, nếu ngài biết rằng vị Tỳ-kheo thực sự chỉ là danh & sắc chơn đế, thì đây là cái biết đúng, chánh kiến (sammādiIIhi). Vì là một thực tại tối hậu, nên chỉ có danh & sắc chơn đế mà thôi. Không có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni ở đây. Nếu ngài thấy có một vị Tỳ-kheo với đồ chúng lớn, thì đây là vô minh. Do vô minh ngài nguyện cho mình cũng có được cái vinh dự như vậy trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật tương lai; đây là tham ái, là sự dính mắc vào hiện hữu (hữu ái). Ngài chấp chặt vào kiếp sống của một vị Tỳ-kheo; đây là thủ. Thực sự ra trong trường hợp này tham ái lập đi lập lại nhiều lần nên gọi là thủ vậy thôi. Ngài đã dính mắc nhiều vào kiếp sống của một vị Tỳ-kheo đó. Ngài đã tích tạo nhiều thiện nghiệp để đạt đến mục đích ấy; đây là các hành (saukhāras). Ngài đã giữ giới và làm cho giới được trong sạch. Ngài cúng dường vật thực và các loại vật dụng thiết yếu khác đến Đức Phật và chư Tăng. Ngài thực hành thiền chỉ và thiền minh sát cho đến hành xả trí (saukhārūpekkhađāua). Nhưng những thiện nghiệp này là vô thường. Ngay khi chúng vừa sanh lên, chúng liền diệt. Tuy nhiên, chúng để lại sức mạnh của nghiệp (nghiệp lực)
trong tiến trình danh & sắc hay tiến trình tâm vật lý của ngài. Như vậy có tất cả năm nhân quá khứ, vô minh (avijjā), tham ái (tauhā), thủ (upādānā), các hành (saukhāras) và nghiệp (kamma).
Sau đó, ngài sanh làm em cùng cha khác mẹ với Đức Phật Phussa, cha ngài là đức Vua Mahinda. Ngài còn có hai người anh khác. Cả ba cùng đi dẹp một cuội nổi loạn ở vùng biên giới. Và, để thưởng công cho họ, đức vua đã cho phép họ được tiếp đãi Đức Phật và một ngàn vị A-la-hán trong ba tháng. Họ chỉ định ba vị đại thần của mình làm tất cả mọi công việc phục vụ cho Đức Phật và Tăng chúng, những người được xem là phước điền vô thượng của thế gian. Bản thân họ thì giữ mười giới và cận kề bên Đức Phật để nghe Pháp, thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) khi có cơ hội. Trong thời Đức Phật của chúng ta, ba vị đại thần được chỉ định đó (tái sanh) làm Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra), gia chủ Visākha, và Tôn-giả Ratthapāla.
Sau khi đã đi lại giữa các cõi nhân thiên, trong kiếp cuối, ba anh em tái sanh trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Kassapa. Cả ba cùng tinh thông ba tập Vệ-đà và từ bỏ đời sống gia chủ. Họ chọn sống cuộc đời ẩn sĩ.
Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa) là anh cả trong ba anh em, Tebhatika Jatilas, sống tại Uruvela. Ngài sống trên bờ sông Nerađjara với năm trăm người đệ tử. Xa xuống hạ lưu sông là Nadī Kassapa, người em kế của ngài, sống với ba trăm người đệ tử và Gayā Kassapa, với hai trăm đệ tử.
Đức Phật, sau mùa hạ đầu của ngài tại Isipatana, đã đến thăm Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa) và nghỉ lại qua đêm trong nơi thờ ngọn lửa thiêng (của Bà-la-môn), bất chấp lời cảnh báo của Kassapa nói rằng nơi đó có một con mãng xà (nāga) hung dữ cư ngụ. Đức Phật, với năng lực thần thông của mình, đã đánh bại con mãng xà đầu tiên này và rồi đến một con khác, cả hai con đều đã phải ói ra lửa và khói. Kassapa lấy làm hài lòng với sự thi triển thần thông này, nhận cúng dường Đức Phật thức ăn hàng ngày. Trong khi Đức Phật ở tại một khu rừng gần đó trong ba tháng và phô diễn thần thông nhiều lần, chờ đợi cho tới lúc Kassapa sẵn sàng chấp nhận cuộc đàm luận. Cuối cùng Đức Phật quyết định làm cho Kassapa kinh ngạc bằng cách tuyên bố rằng Kassapa không phải là một bậc A-la-hán, và ông ta cũng không phải đang đi theo con đường dẫn đến quả vị A-la-hán. Nghe như vậy Kassapa đã thừa nhận sự thất bại của mình và cung kính thỉnh cầu được xuất gia. Đức Phật yêu cầu ông thông báo quyết định của mình cho những người đệ tử của
ông biết để cho họ được tự do chọn lựa. Tất cả mọi người trong họ đều cắt tóc và ném nó cùng với những dụng cụ tế lễ của họ xuống dòng sông và xin được xuất gia. Nadī Kassapa (Na-đề Ca-diếp) và Gayā Kassapa (Già-da ca-diếp) hai người em của ông từ dưới hạ lưu nhìn thấy những vật dụng này đã đi đến để hỏi thăm chuyện gì xảy ra, và khi biết chuyện, họ cũng xin xuất gia cùng với những đệ tử của họ. Tại Gayāsīsa Đức Phật đã thuyết cho họ nghe bài pháp nói về lửa4 (Āditta-pariyāya Sutta) và tất cả trong họ đều đắc A-la-hán.
Từ Gayāsīsa Đức Phật đi đến kinh thành Vương Xá (Rajagaha) cùng với ba anh em Kassapa và đệ tử của họ. Và trước mặt đức vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) cùng với quần thần tụ tập, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa) đã tuyên bố lòng trung thành của ông đối với Đức Phật.
Sở dĩ ông được gọi là Ưu-lâu-tần-loa Ca- diếp (Uruvela Kassapa) một phần là vì để phân biệt ông với các vị tên Kassapa (Ca-diếp) khác, và một phần cũng vì ông xuất gia tại Uruvela (Ưu- lâu-tần-loa). Đầu tiên ông có một ngàn người đệ tử và sau khi được Đức Phật cho xuất gia tất cả những người đệ tử của ông cũng ở lại với ông, và mỗi người trong họ đã cho xuất gia thêm nhiều người khác nữa, vì thế hội chúng của họ trở nên rất đông.
Tôn giả Belatthasīsa, thầy tế độ của Tôn-giả Ananda, là đệ tử của Ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa).
Về sau, trước hội chúng các vị Tỳ-kheo, Tôn-giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đã được Đức Phật tuyên bố là tối thắng trong những vị Tỳ-kheo có đông đồ chúng nhất. Vì thế Đức Phật nói: “Chính nghiệp phân biệt các chúng sinh thành có hạ liệt và cao thượng.”
Bây giờ chúng ta hãy nghe tiếp câu trả lời thứ chín.
Câu Trả Lời 9:
“Ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà, không bố thí đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, thuốc xức, giường nằm, chỗ ở, và đèn thắp cho các vị Sa-môn hay Bà-la- môn. Do nghiệp này, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy tái sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn nếu lúc thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục, mà thay vào đó trở lại thân người thời chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy nghèo hèn. Đậy là con đường,
này thanh niên, đưa đến nghèo hèn, tức là không bố thí đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, thuốc xức, giường nằm, chỗ ở, và đèn thắp cho các vị Sa-môn hay Bà-la-môn.”
Trong trường hợp này, do keo kiệt và bỏn xẻn, người ta không bố thí hay cúng dường gì cả mặc dù họ có rất nhiều tài sản để có thể làm được việc đó. Do sự bỏn xẻn này, họ tái sanh vào một trong bốn khổ cảnh, hay làm người nghèo hèn.
Tôi muốn liên hệ lại câu chuyện của ông Bà-la-môn Toddeya là cha của thanh niên Subha trong bài Kinh này. Ông là một Bà-la-môn Mahāsāla, đã đề cập trong danh sách những Bà-la- môn nổi tiếng tụ tập với nhau tại Icchānankala và Manasākata. Nơi cư ngụ thường xuyên của ông ở Tudigama, vì vậy tên của ông ta được gọi là Toddeya. Ông làm giáo sỹ cho đức vua Pasenadi Kosala và, mặc dù giàu nứt đố đổ vách, ông ta lại là người đại hà tiện. Dù Đức Phật và Tăng chúng ở tại Sāvatthi, ông chẳng bao giờ cúng dường chút gì. Ông luôn luôn khuyên răn con trai ông, thanh niên Subha, đừng cho ai thứ gì và hãy ky cóp tài sản giống như con ong gom góp từng giọt mật, hay giống như con mối gom góp từng chút đất để làm thành một gò mối vậy. Do sự bỏn xẻn này, sau khi chết, ông tái sanh làm một con chó ngay trong ngôi nhà của ông, đây là con có mà Subha rất thích.
Khi Đức Phật đến thăm nhà Subha, con chó ra sủa ầm ĩ, Đức Phật mắng nó, gọi nó bằng tên Toddeya. Subha vô cùng tự ái (khi Đức Phật gọi con chó bằng tên của cha anh ta), nhưng Đức Phật đã chứng minh nhân thân của con chó bằng cách làm cho nó chỉ cho Subha biết chỗ cha anh ta đã chôn giấu tài sản của ông. Cuối kiếp đó con chó tái sanh vào địa ngục.
Quý vị cũng nên nhớ ở đây là trong câu chuyện của Losaka Tissa. Mặc dù ông thoát khỏi địa ngục, chỗ nào ông sanh ra ông phải bị nghèo hèn, do sự ghen ghét và bỏn xẻn của ông. Vì thế quý vị thấy chính do những phiền não của tâm mà các chúng sinh bị ô nhiễm.
Bây giờ, hãy nghe câu trả lời thứ mười:
Câu Trả Lời 10:
“Ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà biết bố thí đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, thuốc xức, giường nằm, chỗ ở, và đèn thắp cho các vị Sa-môn hay Bà-la-môn. Do nghiệp này, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, vào lúc thân hoại mạng chung, người ấy tái sanh thiện thú, thiên giới. Còn nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không tái sanh thiện thú, thiên giới, mà trở lại thân làm người, thời chỗ
nào người ấy sanh ra, người ấy có nhiều tài sản. Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến nhiều tài sản, tức là, biết bố thí đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, thuốc xức, giường nằm, chỗ ở, và đèn thắp cho các vị Sa-môn hay Bà-la- môn.”
Trong trường hợp này, ví dụ điển hình là Tôn-giả Sīvalī Thera. Vào thời Đức Phật Padumuttara, ngài quyết định sẽ trở thành tối thắng trong số những người thọ nhận vật phẩm cúng dường, giống như Tôn-giả Sudassana, đệ tử của Đức Phật Padumuttara. Để thành tựu mục đích này ngài đã đặt bát cho Đức Phật và chư Tăng gồm một trăm ngàn vị Tỳ-kheo trong bảy ngày. Quả của nghiệp (cúng dường) này thực sự là rất lớn. Vì sao?
Vào thời đó, thọ mạng của con người là một trăm ngàn năm, đa số mọi người đều giữ ngũ giới và đã tu tập thanh tịnh giới của họ. Ngài hiểu rằng nguyện ước của một người giới đức chắc chắn sẽ thành công do sự trong sạch của nó. Ngài đã thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) cho đến hành xả trí (saukhārūpekkhāđāua), trí minh sát về xả đối với các hành. Đây là cách thực hành tự nhiên đối với một người sẽ đạt đến A-la-hán thánh quả với tứ tuệ phân tích. Vì thế sự cúng dường của ngài được vây quanh bởi giới, định và tuệ minh-sát (Vipassana). Hơn nữa những người thọ nhận phẩm vật cúng dường của ngài lại là Đức Phật và Tăng Chúng, được xem như phước điền vô thượng ở thế gian. Những phẩm vật cũng có được một cách chân chánh. Ngài có lòng tịnh tín trước khi cúng dường, trong khi cúng dường và sau khi cúng dường. Bởi vì trước đó ngài đã hiểu pháp duyên khởi do thực hành thiền Minh-sát (Vipassana), ngài cũng có niềm tin rằng quả của nghiệp ngài đang làm sẽ là rất lớn.
Vì những lý do này, cúng dường của ngài thánh thiện tới mức nguyện ước của ngài chắc chắn sẽ thành tựu. Thực vậy, Đức Phật Padumuttara đã nói lên lời tiên đoán xác định (thọ ký) rằng ngài sẽ là bậc tối thắng trong số những vị Tỳ-kheo thọ nhận vật phẩm cúng dường trong thời Đức Phật Gotama của chúng ta.
Thời Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī Buddha) ngài là một gia chủ gần kinh thành Bandhumati. Dân chúng trong vùng thi tài với đức Vua trong việc cúng dường đến Đức Phật và Tăng Chúng, và khi họ cần đến mật ong, sữa đông và đường, Sīvalī đã cung cấp đủ những món này cho sáu mươi ngàn vị Tỳ-kheo.
Thời Đức Phật Atthadassī, ngài là một vị vua có tên là Varuna, khi Đức Phật nhập Vô-dư
Niết-bàn (Mahā-parinibbāna), ngài đã thực hiện một cuộc đại cúng dường đến cây Bồ-đề, và về sau ngài chết dưới gốc cây đó. Sau khi chết, ngài tái sanh cõi Tha Hoá Thiên (Nimmānarati). Ngài làm vua cõi nhân loại ba mươi bốn lần với tên Subhāhu. Theo giải thích của Apadāna, cha ngài trong kiếp chót là Liccavi Mahāli. Mẹ ngài là công chúa Suppavāsā, con gái của vua Koliya. Như vậy thực sự ngài được sanh ra trong một gia đình rất giàu.
Tuy nhiên trong kiếp chót, ngài phải nằm trong bào thai của Supavāsā, mẹ ngài trong bảy năm, bảy tháng, và suốt bảy ngày lâm bồn, bà không thể nào sanh đứa bé. Nghĩ rằng mình sẽ chết, bà nói với chồng: ‘Trước khi thiếp chết thiếp muốn cúng dường Đức Phật một món quà’ và bà gởi chồng đem món quà ấy đến cho Đức Phật. Đức Phật nhận vật cúng dường, và đọc lời chúc phúc cho bà ta. Do nhờ lời chúc phúc này bà liền sanh em bé. Khi chồng về đến, bà xin chồng thiết lễ trai tăng đến Đức Phật và Tăng Chúng trong bảy ngày.
Từ lúc sinh ra Sīvalī đã rất thông minh. Trong ngày lễ trai Tăng, Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta), được phép của công chúa Suppavāsā, đã xuất gia cho ngài. Sīvalī trở thành bậc Tu-đà- hoàn (Sotāpanna) khi lọn tóc đầu tiên được cắt xuống, và bậc Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī), với lọn tóc thứ hai. Sau khi xuất gia, ngài rời nhà ngay ngày hôm đó và sống trong một thảo am hẻo lánh. Quán tưởng đến cái khổ của sự chậm trễ trước khi sinh của mình, ngài thực hành Minh-sát (Vipassana), đắc các minh sát trí và trở thành bậc A-la-hán với tứ tuệ phân tích. Điều này xảy ra là vì ngài đã tích tạo đủ các Ba-la-mật (Parami) và đã hành thiền chỉ (Samatha) và thiền minh sát (vipassana) đến hành xả trí (Saukhārūpekkhađāua) trong lúc hoàn tất việc hành thiền khi đi khất thực và khi trở về chùa trong thời kỳ giáo pháp của các Đức Phật trước.
Vậy thì, cái gì là nhân duyên khiến cho có sự chậm trễ trong việc sinh của Tôn-giả Sīvalī?
Một thời đức Bồ-tát (Bodhisatta) là vua xứ Ba-la-nại (Bārāuasī). Vua nước Kosala tuyên chiến, đã giết ngài và bắt hoàng hậu làm vợ của ông ta. Con trai của vua (Bārāuasī) nhờ một ống cống đã thoát khỏi cuộc thảm sát, sau đó quay trở lại với một đạo binh hùng mạnh đế chiến đấu. Mẹ ngài, nghe được dự định này, đề nghị ngài nên vây hãm thành phố. Ngài đã làm theo lời mẹ, và đến ngày thứ bảy vua Kosala bị bắt và đầu của ông ta được đem đến cho thái tử.
Chính vị thái tử này đã trở thành Sīvalī trong thời Đức Phật của chúng ta. Sự bao vây kinh thành là lý do khiến ngài phải ở lại trong bụng mẹ
bảy năm, và khiến cho bà phải lâm bồn khó khăn trong bảy ngày. Người mẹ trong kiếp đó nay là công chúa Suppavāsā, con gái của vua Koliya.
Câu chuyện này đã được Đức Phật liên hệ lại để giải thích cho các vị Tỳ-kheo rõ lý do Suppavāsā phải mang thai lâu. Do sự việc này, Đức Phật nói:
“Do đó này các Tỳ-kheo, các ngươi phải nên thường xuyên quán xét tâm mình như vầy. ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, si’ Do những phiền não của tâm, các chúng sinh bị ô nhiễm. Với sự thanh tịnh của tâm, các chúng sinh được thanh tịnh.”
Sau đó trước hội chúng, Tôn-giả Sīvalī đã được Đức Phật công bố là tối thắng trong những người thọ nhận phẩm vật cúng dường. Kinh nói rằng khi Đức Phật đến thăm Khadiravaniya- Revata, người em út của Tôn-giả Xá-lợi-phất, ngài phải đưa Tôn-giả Sīvalī cùng đi với ngài bởi vì con đường sẽ đi qua rất khó khăn và đồ ăn thức uống lại khan hiếm.
Một lần khác, Sīvalī cùng đi với năm trăm vị Tỳ-kheo khác đến Núi Hi-mã-lạp-sơn (Himalayas) để thử sự may mắn của mình. Các vị chư thiên đã dâng cúng cho họ thật dồi dao. Ở Gandhamadana, một vị chư thiên tên là Nagadatta đã cúng dường cháo sữa cho các vị trong bảy ngày.
Đây là quả của nghiệp bố thí trong tiền kiếp của ngài.
Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến câu trả lời thứ mười một.