Kinh Gaddulabaddha Dây Trói Buộc

Hỏi và Đáp 

Câu Hỏi 101: Người ta nói rằng Niết-bàn (Nibbana) là thường, lạc, ngã, tịnh. Điều đó có  đúng hay không?

Trả Lời Câu Hỏi 101: Không, đúng thực thì Niết-bàn (Nibbana) là thường và có sự tịnh lạc, nhưng Niết-bàn không có ngã.

Trong Pháp Cú (Dhammapada) Đức  Phật nói: ‘Sabbe sankhārā anicca; sabbe sankhārā dukkha; sabbe dhamma anatta.’ Nghĩa là: ‘Tất cả hành là vô thường; tất cả hành là khổ, và tất cả  Pháp là vô ngã.’ Các hành gồm sắc, tâm, tâm sở, trong khi các pháp (Dhamma) bao gồm thêm Niết- bàn (Nibbana) và những khái niệm. Hành giả phải đặc biệt lưu ý chỗ Đức Phật nói rằng tất cả pháp là vô ngã chứ không chỉ tất cả hành là vô ngã. Vì thế tất cả hành là vô thường, khổ và vô ngã, trong khi Niết-bàn (Nibbana) là thường, tịnh lạc và vô ngã.

Câu Hỏi 102: Có phải trong cõi phạm thiên có cả các vị phạm thiên nam lẫn phạm thiên nữ không?

Trả Lời Câu Hỏi 102: Tất cả các vị Phạm thiên đều vô tính (không có giới tính) vì họ không có sắc tính (bhava -sắc quyết định nam tính hay nữ tính), nhưng bề ngoài của họ đều là nam giới.

Câu Hỏi 103: Một người mới hành thiền không có một thiền chứng nào nên hành thiền tâm từ như thế nào?

Trả Lời Câu Hỏi 103: Hành giả phải tưởng tượng ra khuôn mặt tươi cười của người hành giả kính trọng và cùng phái tính với hành giả . Kế đó hành giả mở rộng tâm từ đến người ấy theo bốn cách như sau: ‘Cầu mong cho con người hiền thiện này thoát khỏi thù nghịch; cầu mong con người ấy thoát khỏi khổ tâm; cầu mong con người ấy thoát khỏi khổ thân; cầu mong con người ấy được an  vui.’ Sau khi đã mở rộng theo cách này bốn hay năm lần, hành giả nên chọn một cách mà  mình thích nhất và mở rộng tâm từ của mình đến người ấy theo cách đó một cách liên tục, với tâm đặt trên khuôn mặt tươi cười của người ấy. Hành giả phải thực hành trong vài tuần, vài tháng hay thậm chí phải vài năm cho đến khi đắc thiền. Sau đó hành  giả nên thực hành như những gì tôi đã nói trong bài pháp trước. Tuy nhiên, sẽ không dễ để hành giả thành công trong việc đắc thiền tâm từ này, bởi vì hình ảnh của người hành giả chọn thường thường không ổn định, và thỉnh thoảng sẽ biến mất.

Câu Hỏi 104: Liệu việc hành thiền tâm từ có làm cho người ta có khuynh hướng về  thực hành bồ tát đạo không?

Trả Lời Câu Hỏi 104: Điều đó tuỳ thuộc vào ước muốn của hành giả. Nếu hành giả muốn hành bồ tát đạo hành giả có thể hành như vậy, hoặc nếu hành giả muốn trở thành một bậc thanh văn đệ tử hành giả cũng có thể trở thành một vị thanh văn đệ tử, giống như Tôn-giả Tu-bồ-đề (Subhuti), nàng Uttarā, Hoàng hậu Sāmavāti và Khujjuttarā là những người thiện xảo trong thiền tâm từ vậy.

Câu Hỏi 105: Sayadaw có kiểm tra lại những vị thiền sư dạy phương pháp Pa-Auk, và thông báo công khai (cho mọi người biết) vị nào có đủ tư cách và vị nào không đủ tư cách để dạy thiền hay không? Điều này rất quan trọng đối với chúng con, bởi vì kiến thức của chúng con rất là hạn chế, chúng con không thể và cũng sẽ chẳng bao giờ có thể biết được ai là người đáng tin cậy. Nếu Sayadaw không muốn làm sáng tỏ điều này, thì sẽ chẳng có ai khác có thẩm quyền làm được điều đó, và sự bối rối, lẫn lộn không hiểu những lời dạy nào là đúng và sai sẽ càng lúc càng trở nên trầm trọng hơn. Xin Sayadaw,  vì Giáo Pháp của Đức Phật và  vì lợi ích của hàng Phật tử, hiện nay cũng như các thế hệ tương lai, xem xét lại việc đó.

Trả Lời Câu Hỏi 105: Tôi đã nói, và  tôi cũng đang cố gắng nói riêng cho một số vị rằng  việc thực hành của họ là sai. Tuy nhiên, một số trong họ lắng nghe và một số không chịu nghe lời khuyên của tôi. Chẳng hạn, có một lần tôi nói với một vị Tỳ-kheo ngoại quốc đang dạy thiền rằng pháp hành của vị ấy sai, nhưng từ đó về sau vị ấy chẳng bao giờ đến gặp tôi nữa. Tôi có  thể  làm được gì cho vị ấy chứ? Thông báo công khai về sự bất tài của họ cũng không tốt, vì người ta có thể nghĩ rằng tôi ganh tỵ với những thành tựu của họ. Đấy là lý do vì sao rất khó cho tôi để nói rằng họ không nên dạy, đặc biệt khi những người khác lại muốn họ dạy. Vì thế tốt hơn hết cho quý vị là hãy  tự mình thẩm sát tính  đáng tin cậy của những lời  họ dạy. Không đơn giản chấp nhận những lời dạy của họ chỉ vì họ đã học nơi tôi, và tuyên bố rằng họ đã hoàn tất khoá thiền.

Câu Hỏi 106: Một vị sư hay tu nữ nhận tiền có thể đắc đạo quả nhập lưu được không?

Trả Lời Câu Hỏi 106: Theo giáo lý Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravāda), nếu một vị Tỳ- kheo là Tỳ-kheo thực nhận tiền, vị ấy không thể  nào đạt đến đạo quả nhập lưu được. Tuy nhiên có một số vị Tỳ-kheo nhận tiền nói rằng họ đã đạt đến đạo quả nhập lưu. Nếu họ là Tỳ-kheo thực thì đó là điều không thể có. Liên quan tới điều này tôi muốn giải thích cho quý vị hiểu một số giới luật của Theravāda. Đối với một người muốn trở thành Tỳ- kheo thực, họ phải thành tựu năm yếu tố.

Thứ nhất – Giới tử hợp lệ (vatthusampatti), nghĩa là giới tử (người xin thọ giới) phải không có những lầm lỗi. Người ấy không phạm vào tội giết cha, giết mẹ, giết một bậc A-la-hán, cố ý làm cho Đức Phật bị thương, phá hoà hợp Tăng, hành dâm với một Tỳ-kheo Ni hay Sa-di Ni, người ấy còn phải không có tà kiến cố định (tức  không  tin nghiệp và quả của nghiệp) và ít nhất phải đủ 20 tuổi.

Yếu tố thứ hai – Tăng chúng hợp lệ (Purisasampatti), nghĩa là khi vị ấy thọ giới phải có ít nhất năm vị Tỳ-kheo thực nếu (tăng sự  thực  hiện) ở ngoài Ấn-độ, và ít nhất mười Tỳ-kheo thực nếu ở trong Ấn-độ, kể cả vị thầy tế độ, để  thực  hiện Tăng sự. Nếu một, hai hoặc ba trong số các vị Tỳ-kheo ấy đã phạm pārājika (tội bất cộng trụ), hoặc nếu một hay vài trong số các vị Tỳ-kheo ấy khi thọ giới không hợp với giới luật, thì tăng sự kể như không có giá trị.

Yếu tố thứ ba – Ranh giới hợp lệ (Sīmāsampatti), nghĩa là ranh giới (sīmā) phải hợp luật. Nếu ranh giới không hợp luật, chẳng hạn, phòng hành uposatha được nối với bất cứ toà nhà nào bên ngoài ranh giới với các loại dây (dây thép, dây điện), ống nước v.v…, thì tăng sự kể như  không giá trị. Và khoảng cách giữa các vị Tỳ-kheo tham dự tăng sự phải nằm trong tầm một cánh tay (hatthapasa).

Yếu tố thứ tư – Tuyên ngôn hợp lệ (đattisampatti), nghĩa là một trong các vị Tỳ-kheo phải đọc tuyên ngôn để thông báo cho số vị còn lại biết rằng giới tử thỉnh cầu được tu lên bậc trên (upasampada-tu tỳ kheo) với vị (…) là thầy tế độ. Sau đó còn phải được tiếp theo bởi ba lần thông báo. Nếu tuyên ngôn và thông báo tụng không  đúng thứ tự hay không tụng đầy đủ, tăng sự kể như không hợp lệ.

Yếu tố thứ năm – Tăng sự hợp lệ (kammavācasampatti), nghĩa là tuyên ngôn tăng sự phải được đọc đúng theo văn phạm. Nếu văn phạm dùng sai, tăng sự kể như không hợp lệ và giới tử không thể trở thành một vị Tỳ-kheo thực thụ. 

Khi năm yếu tố vừa đề cập được thành tựu, thì tăng sự kể như hợp lệ và giới tử trở thành  một  vị Tỳ-kheo thực thụ. Nếu một vị Tỳ-kheo thực này nhận tiền và thực hành thiền chỉ và thiền minh sát, vị ấy không thể đạt đến đạo quả nhập lưu được.  Còn nếu một vị Tỳ-kheo nhận tiền nhưng vẫn đắc đạo quả nhập lưu, thì chắc chắn vị ấy không phải là một vị Tỳ-kheo thực.

Ngày nay trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravāda) không còn Tỳ-kheo Ni (Bhikkhuni) và Sa-di ni (sāmanerī) nữa, vì thế chúng tôi không thể nói về họ. Tuy nhiên,  chúng tôi có hình thức ‘silashins’; mà chúng ta có thể gọi họ là tu nữ9. Nhiều vị Trưởng-lão (Mahāthera) nói rằng vì họ mặc y nên họ phải giữ thập giới, vì thế họ cũng không nên nhận tiền. Nhưng nếu họ muốn nhận tiền họ có thể làm điều đó theo ý muốn của  họ.

Câu Hỏi 107: Nếu một người, sau khi đã thọ ngũ giới hoặc bát giới, phạm vào một giới  trong số đó, họ nên thú tội như thế nào? Họ có thể xin thọ giới lại được không? Họ có thể thọ giới làm Tỳ-kheo được không? Nếu họ hành thiền họ có thể đắc thiền hay đạo quả được không?

Trả Lời Câu Hỏi 107: Không cần thiết phải thú tội, người ấy chỉ cần xin giới lại mà  thôi.  Đương nhiên người ấy có thể thọ giới làm Sa-di hoặc Tỳ-kheo, và có thể đạt đến đạo quả A-la-hán, giống như Angulimāla, người đã giết rất nhiều người, và sau đó thọ giới làm Tỳ-kheo và đắc A-la- hán vậy.

Câu Hỏi 108: Nếu một vị Tỳ-kheo phạm bất cộng trụ (pārājika) và trở thành một người cư sĩ, vị ấy có thể thọ trì ngũ giới hoặc bát giới được không? Nếu vị ấy hành thiền vị ấy có thể đắc thiền hay đạo quả không?

Trả Lời Câu Hỏi 108:  Được,  vị ấy có thể  thọ trì ngũ giới hoặc bát giới, và nếu hành thiền vị ấy vẫn có thể đắc thiền hay đạo quả được như thường.

Câu Hỏi 109: Nếu một vị Tỳ-kheo hay Tỳ- kheo Ni, sau khi đã phạm một tội sanghadisesa (tội tăng tàn), thú tội đó với một vị Tỳ-kheo hay Tỳ- kheo Ni khác, nhưng vẫn chưa thi hành hình phạt parivāra (biệt trú) hay mānatta (tự hối). Liệu người như vậy có thể đắc thiền hay đạo quả không? 

Trả Lời Câu Hỏi 109: Không. Nhưng nếu người ấy đã thi hành hình phạt parivāra (biệt trú) hay mānatta (tự hối) rồi, thì người ấy có thể đắc thiền hay đạo quả được.

Câu Hỏi 110: Nếu một vị Tỳ-kheo hay Tỳ- kheo Ni, sau khi đã phạm một tội tăng tàn, thú tội đó với một vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo Ni khác, nhưng xả y (hoàn tục) mà không chịu hình phạt tự hối (mānatta). Người như vậy có thể thọ trì ngũ  giới hay bát giới được không? Nếu người ấy hành thiền người ấy có thể đắc thiền hay  đạo  quả không?

Trả Lời Câu Hỏi 110:  Được,  vị ấy có thể  thọ trì ngũ giới hay bát giới, và có thể đắc  thiền  hay đạo quả. Nhưng nếu người ấy thọ giới xuất gia lại, tội tăng tàn đã phạm trước vẫn còn hiệu lực và vị ấy phải chịu hình phạt tự hối (mānatta), hay cả hai parivāra (biệt trú) và mānatta (tự hối).

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *