VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

CHUYỂN LUÂN VƯƠNG

Một ví dụ về chính phủ anh minh và khi người cai trị là một vị Chuyển Luân Vương, sẽ ngăn được những bất thiện nghiệp không cho chín mùi như thế nào. Trong Kinh ‘Mahā-Sudassana’, Đức Phật tả lại việc có lần Ngài làm Vua Chuyển Luân có tên là Mahāsudassana. Thọ mạng của ngài lúc đó là ba trăm ba mươi sáu ngàn tuổi. Đối với một vị vua như vậy Luân Báu (cakka-ratana, một thứ vũ khí bằng bánh xe báu) sẽ xuất hiện, và nó giúp vua thiết lập được một đại đế chế cai trị theo pháp (Dhamma). Tại sao một bánh xe như vậy lại xuất hiện cho một vị vua như vậy? Bởi vì nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Đức Phật giải thích rằng sở dĩ Luân Báu xuất hiện cho Đức Vua Mahāsudassana là vì thiện nghiệp bố thí trong quá khứ và hiện tại của vua, vì thiện nghiệp tiết chế (giữ ngũ giới) trong quá khứ và hiện tại của vua, vì thiện nghiệp giữ bát quan trai giới trong quá khứ và hiện tại của vua, và nhất là vì sự cai trị đúng theo Pháp (Dhamma) của vua. Nghiệp quá khứ cũng giải thích cho sắc đẹp, tuổi thọ, sức khoẻ thù thắng của vua, cũng như sự hâm mộ mà vua nhận được từ thần dân của ngài. Trong một phần tư cuộc đời còn lại, một vị Chuyển Luân Vương bao giờ cũng thực hành bốn phạm trú (cattāro brahma-vihārā), đó là thực hành thiền tâm từ (mettā), bi (karunā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā): như vậy, đối với Đức Vua Mahāsudassana, thời gian một phần tư cuộc đời của ngài là tám mươi bốn ngàn năm. Do việc thực hành đó, một vị Chuyển Luân Vương lúc chết sẽ tái sanh trong Phạm Thiên giới.

VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH CỦA MỘT NHÀ CAI TRỊ TỐT

Đức Phật cũng bàn về nguyên tắc này với Đức Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của Xứ Kosala. Ngài nói vua nên tu tập để có được những thiện bạn hữu, thiện giao du, và thiện kết hợp. Và sau khi đã có những thiện bạn hữu, vua nên sống không dễ duôi trong các thiện pháp (appamādo kusalesu dhmmesu): bố thí, giữ giới và tu thiền.

Kế tiếp Đức Phật giải thích tấm gương mà Đức Vua nêu lên này sẽ ảnh hưởng đến thần dân của đất nước như thế nào: những thê thiếp của vua, những quan lại trong triều, những binh lính, và tất cả thần dân trong kinh thành và ở ngoại biên sẽ thấy được Đức Vua là người chuyên cần trong các thiện pháp ra sao, và chắc chắn họ cũng sẽ có được nguồn cảm hứng để chuyên cần trong các thiện pháp như vua đã làm. Đức Phật giải thích rằng khi mọi người chuyên cần làm các điều thiện theo cách này, vua, các thê thiếp của vua, và tài sản cũng như quốc độ của vua sẽ được khéo bảo vệ.

Sanh vào thời kỳ của những vị vua đức hạnh như vậy là có được thời kỳ thành tựu (kāla sampatti), bởi vì vào thời kỳ như vậy, mọi người được dạy không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say, và họ cũng được dạy biết tiết độ trong ăn uống. Và nhờ thấy người cai trị của họ là người có giới đức, họ cũng cố gắng để trở thành những người giới đức; thấy người cai trị của họ thực hành bố thí, trì giới…họ cũng sẽ cố gắng thực hành những thiện pháp ấy. Theo đó, dựa vào thời kỳ thành tựu và có những phương tiện (sở hành) thành tựu, một số những bất thiện nghiệp sẽ không tạo ra quả của chúng được.

SỰ SA ĐOẠ CỦA KIẾP NGƯỜI

Trong Kinh Chuyển Luân Vương Sư Tử Hống ‘Cakka-Vatti-Sīha-Nāda Sutta’, Đức Phật mô tả thời kỳ thành tựu có thể trở thành thời kỳ thất bại do vua không cai trị đúng pháp như thế nào. Đức Phật giải thích rằng có một dòng các vị Chuyển Luân Vương, dưới sự cai trị của các Vua này người dân được thịnh vượng và sống ấm no hạnh phúc.

Nhưng sau bảy thế hệ, điều này thay đổi. Đời vua thứ bảy đã không hỏi các hiền thần về những phận sự quân vương (vương pháp), mà cai trị theo tư ý của mình. Lúc đó, do không giúp đỡ những người dân cần được giúp đỡ, nên tình trạng nghèo đói phát sanh trong nước. Kết quả là, ngày càng nhiều ác pháp xuất hiện: trộm cắp, sử dụng hung khí, đoạt mạng sống (sát sanh), nói dối, nói lời thô ác, nói chuyện phù phiếm, tham lam, sân hận, tà kiến, loạn luân, tà hạnh trong các dục, bất kính đối với các bậc cha mẹ, sa-môn, Bà-la-môn, và các vị trưởng tộc. Tất cả những ác pháp này phát sanh do vua (nhà cai trị) không chuyên cần trong các thiện pháp: vua không còn là một người bạn lành của dân chúng. Đây là những gì mà chú giải Vi-diệu-pháp nói đến như bị sanh vào thời kỳ chính phủ hôn ám, và con người xấu xa, hiểm ác, nhu nhược, một thời kỳ thất bại (kāla vipatti).

Sự sa đoạ này vẫn tiếp diễn. Và vào thời kỳ những ác pháp này phát sanh, thọ mạng của con người càng ngày càng giảm đi, và con người cũng ngày càng trở nên ít xinh đẹp hơn. Cũng vậy, chất lượng của đồ ăn suy giảm: những thức ăn giàu dưỡng chất ngày càng trở nên khó kiếm. Sự sa đoạ này xảy ra qua hơn nhiều ngàn năm.

Đức Phật giải thích rằng sự sa đoạ sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn toàn không còn lại chút đạo đức nào nữa, và thọ mạng của con người lúc đó chỉ còn mười tuổi. Lúc bấy giờ, mọi người nhìn nhau như kẻ thù, và sẽ đoạt mạng sống lẫn nhau. Nhưng một số người sẽ chạy thoát vào những nơi hoang vu, sống nhờ vào các loại rễ, và trái cây. Nhận thức được rằng tất cả những ác pháp này xuất hiện là do tình trạng vô đạo đức gây ra, những người này sẽ thọ trì giới,… trở lại. Khi họ giữ giới trở lại như vậy, thọ mạng của con người sẽ dần dần tăng lên cho tới nhiều ngàn năm, và con người cũng trở nên xinh đẹp hơn. Theo đó, dựa vào giới,…thời kỳ thất bại một lần nữa sẽ trở thành thời kỳ thành tựu. Rồi thọ mạng của con người sẽ giảm lại. Khi thọ mạng của con người còn tới mức tám mươi ngàn năm tuổi, một vị Chuyển Luân Vương sẽ xuất hiện trở lại, và Đức Phật cuối cùng của kiếp địa cầu này, Đức Phật Di-Lạc (Metteya) xuất hiện. Như vậy một vị Phật được xem là Người Bạn Lành Tối Thượng (Tối Thượng Thiện Bạn Hữu).

TỐI THƯỢNG THIỆN BẠN HỮU

Đức Phật giải thích điều này cho Ngài Ānanda:

Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu làm thế nào toàn bộ Phạm hạnh này lại là thiện bạn hữu, thiện giao du, thiện kết hợp. Do (lấy) Ta như thiện bạn hữu, này Ananda, các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ananda, các Ông cần phải hiểu làm thế nào toàn bộ Phạm hạnh này chỉ có vậy: đó là thiện bạn hữu, thiện giao du, thiện kết hợp.

Khi có một Đức Phật Giác Ngộ Tối Thượng xuất hiện, các chúng sanh có thể thực hành dưới sự chỉ dẫn của ngài. Nếu Ba-la-mật của họ đã được phát triển đầy đủ, họ có thể đắc các Thánh Đạo và Thánh Quả, như vậy họ sẽ thoát khỏi sanh, già và chết, ngay trong kiếp đó. Trong thời Đức Phật chúng ta, con số những người thành tựu được những lợi ích tối thượng như vậy là rất nhiều, và con số các vị chư thiên, Phạm Thiên thành tựu nó cũng không thể tính kể. Đó là lý do vì sao Đức Phật giải thích rằng sự xuất hiện của một vị Phật là vì hạnh phúc của số đông (bahujana hitāya), vì sự an lạc của số đông (bahujana sukhāya), vì lòng bi mẫn cho đời (lok-ānukampāya), vì sự lợi ích (atthāya), vì hạnh phúc (hitāya), và an lạc (sukhāya) của các hàng chư thiên và con người (Deva-manussānaṁ).

Nếu một Vị Phật không xuất hiện, không thể có sự giải thoát khỏi sanh, già, và chết. Nhiều người có đủ Ba-la-mật để hoàn thành thiện nghiệp của một Thánh Đạo Trí, nhưng một mình họ không thể làm được điều đó: họ cần nhận được sự chỉ dẫn từ một vị Phật Chánh Đẳng Giác, hay từ một vị đệ tử đa văn và thành thạo của Đức Phật.

TÔN GIẢ KIỀU-TRẦN-NHƯ

Một ví dụ điển hình là Tôn-giả Kiều-trần-như (Aññāsikoṇḍañña). Khi Đức Phật của chúng ta sanh ra đời thì ngài Aññāsikoṇḍañña vẫn còn trẻ. Và ngài là người đầu tiên chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo Trí và Nhập Lưu Thánh Quả Trí trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta: đó là khi Đức Phật giảng dạy bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma- Cakka-Ppavattana). Kiều Trần Như đã thực hành như một vị đạo sĩ trong nhiều năm nhưng ngài vẫn không thể đắc được một Đạo Quả Trí nào. Chỉ đến khi có sự giúp đỡ của Đức Phật điều này mới trở thành khả dĩ.

TÔN GIẢ XÁ-LỢI-PHẤT VÀ TÔN GIẢ MỤC-KIỀN-LIÊN

Cũng vậy, Tôn-giả Xá-lợi-phất và Tôn-giả Mục-kiền- liên đã hành đạo trong nhiều năm, nhưng không có kết quả. Tôn-giả Xá-lợi-phất chỉ đắc Nhập Lưu khi được Tôn-giả A-sà-chí (Assaji) giải thích Pháp cho ngài. Và Tôn-giả Mục-kiền-liên cũng đắc Nhập Lưu chỉ khi được Tôn-giả Xá-lợi-phất lập lại lời giải thích ấy cho nghe. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các vị đệ tử khác của Đức Phật: nói chung các vị không thể học Pháp, hành Pháp, và đắc một Đạo Quả nào nếu không có sự trợ giúp của một thiện bạn hữu (kalyāṇa-mitta).

VUA A-XÀ-THẾ

Ở đây cũng vậy, Vua A-xà-thế là một ví dụ điển hình.

Khi vua kết hợp với Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa, ông đã làm nhiều việc ác. Chính dưới ảnh hưởng của Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa mà vua đã khởi lên ước muốn giết cha mình là Đức Vua Tầ-bà-sa-la, để đoạt ngôi. Rồi, khi người cha giao vương quốc cho vua, thì cũng vậy, một lần nữa chính dưới ảnh hưởng của Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa mà Vua A-xà-thế đã giam cha mình vào ngục thất, hành hạ, và giết chết. Và sau đó, cũng do ảnh hưởng của Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa mà vua đã sắp đặt để một người lính đi giết Đức Phật, và khi sự việc bất thành vua lại cho một con voi đi giết Đức Phật. Như vậy, đối với Vua A-xà-thế, Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa không phải là một người bạn tốt (thiện bạn hữu). 

Tuy nhiên, sau đó Vua A-xà-thế đã làm được rất nhiều việc tốt dưới ảnh hưởng của Đức Phật. Điều đó xảy ra như thế nào? Điều này xảy ra do sự kết thân của vua với Jīvaka Komārabhacca. Jīvaka là lương y chăm sóc sức khoẻ cho hoàng tộc, Đức Phật và Chúng Tăng. Và ông còn là một bậc Thánh Nhập Lưu (Sot-Āpanna). Một đêm nọ, theo lời yêu cầu của Vua A-xà-thế, ông đã đưa vị này đến Vườn Xoài (Amba-Vanna) của mình. Đức Phật đang cư trú tại đó cùng với một Hội Chúng lớn các vị Tỳ kheo. Đức Phật đã dạy cho Vua A-xà-thế bài Kinh Sa Môn Quả. Sau khi nghe xong bài kinh ấy, Vua A-xà-thế có được niềm tin mãnh liệt nơi Đức Phật. Ông xin quy y Đức Phật, Giáo Pháp và Chúng Tăng, và thú tội giết cha với Đức Phật. Từ ngày đó trở đi, Vua A-xà-thế đã mở rộng lòng mến mộ đối với Tam Bảo như một người cận sự nam (upāsaka, người nam có giới đức và phục vụ Tam Bảo). Và khi Hội Đồng (kết tập Tam Tạng) Lần Thứ Nhất triệu tập, nó đã được tổ chức tại Thành Vương Xá (Rājagaha), dưới sự bảo trợ của Vua A-xà-thế. Như vậy, đối với vua A-xà-thế, lương y Jīvaka là một người bạn lành. Và thông qua ông, vua A-xà-thế được gặp Đức Phật, người Bạn Lành Tối Thượng.

CẬN SỰ NAM GAVE SĪ

Ví dụ khác là cận sự nam tên gọi Gavesī. Ông là cận sự nam của Đức Phật Kassapa, và là người lãnh đạo của một nhóm năm trăm nam cư sĩ. Nhưng ông không giữ ngũ giới: ông chỉ quy y Tam Bảo. Và những người cư sĩ theo ông cũng làm y như vậy, nghĩa là họ cũng chỉ thọ Tam Quy.

Rồi một hôm, Gavesī quyết định là ông muốn vượt trội hơn những người theo ông. Vì thế, ông tuyên bố kể từ nay trở đi ông sẽ giữ ngũ giới. Khi những người theo ông nhận ra rằng ông đang giữ ngũ giới, họ cũng thọ trì ngũ giới. Vì thế ông quyết định giữ phạm hạnh (Brahma-cārī: hạnh trong sạch không dâm dục). Và họ cũng theo gương ông giữ phạm hạnh. Rồi ông quyết định giữ hạnh không ăn phi thời (virataṁ vikālabhojana): và họ cũng theo ông không ăn phi thời. Sau đó ông đi đến Đức Phật Kassapa và xin xuất gia Tỳ kheo, để được thọ giới cao hơn (upasampadā), những người theo ông cũng làm y như vậy. Cuối cùng, ông ra sức tinh tấn, với ý định sẽ đắc A-la-hán Tháh Quả ngay trong kiếp này, và những người theo ông cũng ra sức tinh tấn như vậy. Rốt cuộc là, tất cả mọi người trong họ đều đắc A-la-hán, thoát khỏi sanh, già, và chết tương lai.

Theo cách đó, Gavesī là một người bạn lành (kalyāṇa-mitta) đối với năm trăm người theo ông. Và tất nhiên, tất cả những điều này trở thành khả dĩ chỉ khi có sự hiện diện của người bạn lành tối thượng, Đức Phật Kassapa: họ bắt đầu bằng việc thọ trì Tam Quy (ti-saraṇa).

Câu chuyện trên đã kết phúc phần giải thích của chúng tôi về việc những người khác có thể gây ảnh hưởng trên cách cư xử của chúng ta như thế nào: đó là bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt các vị thầy tổ và người lãnh đạo của chúng ta. Rất nhiều nơi trong Kinh Điển, Đức Phật giải thích rằng những bạn lành như vậy là yếu tố cần thiết cho việc hoàn thành thiện nghiệp của một người; và với những bạn lành như vậy chắc chắn một số bất thiện nghiệp sẽ bị ngăn lại không thể tạo ra quả của chúng được.

Chúng tôi sẽ giải thích tiếp phần bất thiện nghiệp có thể bị ngăn chặn bởi sở hành thành tựu (payoga-sampatti) như thế nào.

SỞ HÀNH THÀNH TỰU NGĂN NHỮNG BẤT THIỆN NGHIỆP

Hạnh hay hành vi cư xử của một người có thể là xấu, Chẳng hạn như người đó có thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói chuyện phù phiếm, vô ích, ý tham, ý sân và chấp giữ tà kiến. Đó là mười bất thiện nghiệp đạo mà chúng ta đã đề cập đến vài lần ở trước, và điều này được xem như sở hành thất bại (payoga-sampatti). Dựa vào sự thất bại ấy, một số bất thiện nghiệp của anh ta hay cô ta được phép tạo ra quả của chúng. Nhưng nhờ kết hợp với những người bạn tốt như Đức Phật và các vị Thánh Đệ Tử của ngài, cô ta hanh anh ta có đức tin nơi Tam Bảo, tin nơi những vận hành của nghiệp, và hoàn thành được nhiều thiện nghiệp.571Theo cách đó, cách cư xử của anh ta hay cô ta trở nên tốt hơn, và điều này được xem là sở hành thành tựu (payoga sampatti). Dựa vào sự thành tựu này, những bất thiện nghiệp bị ngăn lại và thay vào đó những thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng. Cô ta hay anh ta có thể tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm…, làm cho giới được thanh tịnh, và dựa trên giới thanh tịnh đó, cô ta hay anh ta có thể thành công trong thiền chỉ và thiền minh sát.

Giả sử người con trai của gia đình hiền lương nọ (kula-putta) đã hoàn thành nhiều bất thiện nghiệp trong kiếp trước. Nhưng kiếp này anh ta hoàn thành được nhiều thiện nghiệp: như thanh tịnh giới, và dựa trên giới đó, anh ta thực hành thiền chỉ và thiền minh sát thành công, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo Trí hay Bất Lai Thánh Đạo Trí, dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo. Sự thực hành ấy là sở hành thành tựu (payoga-sampatti), và nó ngăn được những nghiệp bất thiện nào mà (nếu không có nó) có thể đã tạo ra sanh thú thất bại (gati-vipatti): nói chung một sự thực hành như vậy sẽ ngăn được những nghiệp tạo ra tái sanh trong một cõi khổ. Những nghiệp tạo ra tái sanh bây giờ chỉ là những thiện nghiệp, vì sở hành thành tựu (payoga sampatti) của anh ta chỉ tạo ra an vui, hạnh phúc, như sanh thú thành tựu chẳng hạn. Vào lúc chết anh ta có thể tái sanh trong một cảnh giới chư thiên do một thiện nghiệp thuộc dục giới cho quả, hay trong một Phạm thiên giới do thiện nghiệp thiền như trong trường hợp của Pukkusāti này.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *