VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

SỰ THÀNH TỰU CHO PHÉP CÁC THIỆN NGHIỆP

Đó là những gì bây giờ chúng ta sẽ bàn đến: bốn loại thành tựu cho phép những thiện nghiệp tạo ra quả của chúng như thế nào?

SANH THÚ THÀNH TỰU CHO PHÉP NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những thiện nghiệp đã làm chín mùi sau khi đi đến một sanh thú thành tựu (gati sampatti).

Bất thiện nghiệp của một người có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong một ác thú: địa ngục, ngạ quỷ, hay súc sanh. Đó là sanh thú thất bại. Dựa trên sanh thú thất bại ấy, một số thiện nghiệp của anh ta bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng do một thiện nghiệp nào đó, anh ta có thể được tái sanh vào một thiện thú: cõi người, hay cõi trời. Đó là sanh thú thành tựu. Dựa vào sự thành tựu này, hết thiện nghiệp này đến thiện nghiệp khác được phép tạo ra quả của chúng. Lúc thì nó tạo ra tái sanh trong cõi người, lúc thì nó tạo ra tái sanh trong cõi trời. Có thể nói trong một thời gian dài những thiện nghiệp sẽ không để cho một người như vậy cúi đầu xuống thấp hơn thiện thú (nghĩa là họ sẽ chỉ tái sanh các cõi vui của trời và người trong một thời gian dài).

TÔN GIẢ PAÑCASĪlA SAMĀDANIYA

Một ví dụ điển hình là Tôn giả Pañcasīla Samādaniya. Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Anomadassi, ngài đã thọ trì ngũ giới trong một trăm ngàn năm, không phạm một giới nào cả. Dựa trên giới ấy, ngài phát triển định tâm mạnh mẽ, và thực hành thiền minh sát cho đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa). Kết quả, ngài được tái sanh lên thiên giới, đi hết cõi trời này đến cõi trời khác, và chỉ lên xuống giữa hai cõi trời và người này thôi.

SANH Y THÀNH TỰU CHO PHÉP NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những thiện nghiệp đã làm chín mùi sau khi có được sanh y thành tựu (upadhi-sampati). Một người có thể bị khiếm khuyết chân tay, và có một diện mạo không hấp dẫn, xấu xí, khó coi giống như chằng tinh: đó là sanh y thất bại. Dựa vào sự thất bại này, một số thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng do một thiện nghiệp nào đó, anh ta hay cô ta có được chân tay lành lặn, và một diện mạo đáng yêu, xinh đẹp và rạng rỡ giống như Phạm Thiên: đó là sanh y thành tựu. Dựa vào sự thành tựu này, các thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.

Chú giải giải thích rằng nếu một người như vậy sanh trong một gia đình hoàng gia, mặc dù người này có các bào huynh lớn tuổi hơn, người ta cũng sẽ nói: ‘Chàng ta có nhiều phước báu và may mắn; nếu chiếc dù của chàng ta được dương lên, chắc chắn thế gian sẽ an vui, hạnh phúc.’Và tất nhiên anh ta sẽ là người được họ làm lễ quán đảnh (xức dầu phong vương), để kế thừa sự nghiệp của cha mình. 

Những ví dụ điển hình về một người có sanh y thành tựu như vậy có thể kể đến các vị Chyển Luân Vương, như Vua Đại Thiện Kiến (Mahāsudassana).

THỜI KỲ THÀNH TỰU CHO PHÉP NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những thiện nghiệp đã làm chín mùi sau khi có được thời kỳ thành tựu (kāla sampatti).

Một người có thể bị sinh ra trong thời kỳ hôn quân cai trị, và con người thì xấu xa, bạc ác, nhu nhược: đó là thời kỳ thất bại. Dựa vào sự thất bại này, một số thiện nghiệp của anh ta bị ngăn không cho tạo ra quả. Nhưng do một thiện nghiệp nào đó, anh ta có thể được sinh vào thời kỳ có sự cai trị anh minh, và con người hiền thiện, chẳng hạn như khi con người mới bắt đầu xuất hiện lúc khởi đầu của một kiếp, khi có một vị Chuyển Luân Vương, hay một vị Phật: đó là thời kỳ thành tựu (kāla sampatti). Dựa vào sự thành tựu đó, những thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.

TÔN GIẢ MAHĀSOṆA

Chú giải đưa ra một ví dụ về việc thời kỳ thất bại ngăn không cho thiện nghiệp tạo ra quả của chúng như thế nào, và rồi khi thời kỳ thất bại chuyển sang thời kỳ thành tựu, những thiện nghiệp ấy được phép tạo ra quả của chúng ra sao. Đó là trường hợp của Tôn giả Mahāsoṇa. Câu chuyện xảy ra ở Tích Lan cổ xưa, khi có rất nhiều tình trạng bất ổn do một băng đảng gọi là Brahman Tissa gây ra. Nạn đói và sự xâm lược đã khiến đức vua phải đi lánh nạn. Hầu hết các vị Tỳ-kheo lúc ấy đều chạy qua Ấn-Độ, tuy nhiên một số vị Tỳ-kheo cao niên nhất vẫn ở lại. Hai trong số đó là Tôn giả Isidatta và Tôn giả Mahāsoṇa. 

Trên con đường nay đây mai đó, các vị sống nhờ vào các loại trái cây và ngó sen do mọi người dâng cúng. Và tại một ngôi làng nọ, người con gái của một gia đình có tín tâm đã thỉnh các vị tới nhà thọ thực. Do không có thức ăn thích hợp, cô đã giã một số vỏ cây và lá cây làm thành vật thực, và chia thành ba nhúm. Một nhúm cô đặt vào bát của Trưởng lão Isidatta, một nhúm cô bỏ vào bát của Trưởng lão Mahāsoṇa. Rồi, khi cô chìa tay ra tính đặt nhúm thứ ba vào bát của Trưởng lão Isidatta, tay của cô lại chuyển sang đặt nó vào bát của Tôn giả Mahāsoṇa. Lúc đó Tôn giả Isidattta nói, ‘Trong thời kỳ Phiến Loạn Brahman Tissa, nghiệp còn tạo ra những nhúm thức ăn bằng vỏ và lá cây như quả của nó như vậy, nếu gặp thời kỳ thành tựu và nơi chốn thành tựu (desa-kāla-sampati) nó sẽ tạo ra một quả to lớn biết dường nào!’ gia đình tín chủ lúc đó đã thỉnh hai vị đến một nơi trú ngụ nọ và chăm sóc hai vị trong suốt thời kì phiến loạn: bao lâu còn bị thời kỳ thất bại.

Khi tướng cướp Brahman Tissa chết, đức vua từ nơi lánh nạn trở về, Tăng Chúng cũng từ nước ngoài quay trở lại, và năm trăm vị Tỳ-kheo đưa Tôn giả Mahāsoṇa đến tu viện Maṇḍalārāma.

Đêm hôm đó, các vị chư thiên mách bảo cho bảy trăm gia đình cư trú trong ngôi làng ấy rằng ngày hôm sau họ nên để bát cúng dường Tăng chúng: mỗi người cúng một lượng thực phẩm đáng giá một kahāpana, và một miếng vải dài chín hắc tay. Và hôm sau, khi các vị Tỳ-kheo đi khất thực, họ được mời ngồi và thọ nhận món cháo sữa. Vị Tỳ-kheo cao niên nhất của tu viện Maṇḍalārāma này là Tôn giả Tissabhūti. Một người cận sự nam có tên tuổi đến đảnh lễ ngài và hỏi, ‘Bạch ngài, vị nào là Trưởng lão Mahāsoṇa?’ Lúc bấy giờ Tôn giả Mahāsoṇa, vì là một vị Tỳ-kheo thấp hạ hơn, nên ngồi ở cuối hàng. Vị Tỳ-kheo Trưởng lão đưa tay chỉ ngài, và nói: ‘Vị ấy được gọi là Mahāsoṇa đấy, này cư sĩ.’

Người cận sự nam đảnh lễ Tôn giả Mahāsoṇa, và muốn thỉnh bát của ngài. Nhưng Tôn giả tự nghĩ: ‘Làm thế nào người này lại biết ta? Có lẽ ai đó đã nói một điều gì chăng,’ và ngài không đưa bát ra. Là một vị Tỳ kheo nhỏ hạ ngài không muốn được đặc chọn như thế.

Vị Tỳ kheo trưởng lão, Tôn giả Tissabhūti thấy vậy nói với ngài: ‘Hiền giả Soṇa, cũng như đệ không biết tại sao, chúng tôi cũng đâu biết tại sao. Các vị chư thiên đã khiến cho phước chín mùi (trổ quả) đối với những người có phước đấy. Hãy đưa bát ra đi, và giúp cho các huynh đệ của mình trong đời phạm hạnh.’ Nghe thế Tôn giả Mahāsoṇa đưa bát của mình ra. Người cận sự nam nhận bát, đem đi và bỏ đầy vào đó những món thức ăn đáng giá một kahāpaṇa, và đặt miếng vải vào một chân bát, ông mang nó đến trao tận tay Tôn giả Mahāsoṇa. Và một người cận sự nam khác cũng làm như như vậy, rồi người khác, và người khác nữa…cứ nối nhau làm như vậy cho đến khi một mình Tôn giả Mahāsoṇa nhận đủ bảy trăm phần ăn. Ngài đem chia nó với các vị Tỳ kheo khác.

Sau đó, khi Tôn-giả Mahāsoṇa trở lại kinh đô Anurādhapura, ngài đi bát cùng với Chúng Tỳ-kheo Tăng, và nhận được rất nhiều vật thực cũng như sự cung kính.

Như vậy, khi gặp thời kỳ thất bại, ngay cả vỏ của loại trái cây madhuka, và ngó sen trắng cũng khó kiếm, nhưng khi gặp thời kỳ thành tựu, thì lại được rất nhiều.

TÔN GIẢ VATTABBAKANIGRODHA

Chú giải đưa ra một ví dụ khác cũng vào thời phiến loạn Brahman Tissa ở Tích Lan ngày xưa. Đó là trường hợp của vị Trưởng-lão Vattabbaka Nirodha, lúc bấy giờ còn là một Sa-di. Cũng giống như Tôn-giả Mahāsoṇa, vị này và thầy tế độ của mình không rời khỏi nước Tích Lan. Trên con đường rày đây mai đó, họ sống nhờ vào những loại trái cây mà thỉnh thoảng họ có được, và cuối cùng họ tìm được một tu viện bỏ hoang trong xứ của những người ăn lá cây. Tại đó, họ ở lại, và được những người cư sĩ hộ độ các loại củ, rễ, trái, và lá cây để sống qua ngày. Khi tình trạng rối loạn qua đi, vị sa-di được thọ đại giới (làm Tỳ-kheo), và trở thành Tôn-giả Vattabbaka Nirodha, ngài nhận được rất nhiều tứ vật dụng và lòng kính trọng.

Như vậy, khi gặp thời kỳ thất bại (kāla-vipatti), các loại trái cây, củ, rễ, và lá cũng còn khó có, do nhiều thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng khi thời kỳ thất bại chuyển sang thời kỳ thành tựu, Tôn-giả Vattabbaka Nirodha đã nhận được rất nhiều tứ vật dụng, do thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng vậy.

SỞ HÀNH THÀNH TỰU CHO PHÉP NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những thiện nghiệp đã làm chín mùi sau khi có sở hành thành tựu (payoga sampatti).

Hạnh hay hành vi cư xử của một người có thể là xấu. Người này có thể là người sát sanh, trộm cắp, tà dâm,…, hay nói khác hơn, người này có thể tạo tác mười bất thiện nghiệp đạo. Đó là sở hành thất bại. Dựa trên sự thất bại này, một số thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng rồi người này cố gắng làm những hạnh tốt. Anh ta có thể thọ trì ngũ giới, bát giới, thập giới…và anh ta tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm,…: mười thiện nghiệp đạo mà chúng ta đã nói đến nhiều lần. Đó là sở hành thành tựu. Dựa trên sự thành tựu này những thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.

Anh ta có thể được tái sanh vào thời kỳ có sự cai trị anh minh và một vị vua giới đức: đó là thời kỳ thành tựu. Rồi, nhờ những hạnh lành của anh ta, đức vua giới đức sẽ cảm thấy hài lòng, và nghĩ: ‘Con gái ta thật thích hợp cho người này.’ Vua sẽ cho gởi cho anh ta những vật trang điểm để trang điểm. Nghĩ: ‘Chúng sẽ thích hợp cho anh ta’, vua sẽ tặng anh ta các món quà đặc biệt khác như xe ngựa, súc vật để kéo (xe), ngọc ngà, vàng, bạc,…Và nếu anh ta trở thành một vị sư, anh ta sẽ rất nổi tiếng và xuất chúng.

TÔN GIẢ CŪḶASUDDHAMMA

Đây cũng vậy, chú giải đưa ra một ví dụ từ Sri-Lanka. Thời đó có một vị vua gọi là Kūṭakaṇṇa. Ông là người hết lòng với Tôn giả Cūḷasuddhamma. Một hôm đức vua cho triệu mời mẹ của vị Tỳ kheo, lúc bấy giờ đang trú ngụ ở một tu viện kế bên, đến. Đức Vua hỏi mẹ của vị Tỳ kheo là ngài thích gì. Bà nói (ngài thích) một loại nấm Kanda. Đức Vua cho người mang nấm tới và cùng đi đến tu viện. Nhưng khi vua cúng dường nấm cho vị Tỳ kheo, ông không thể thấy được mặt của ngài. Khi trở về ông hỏi hoàng hậu: ‘Ngài Trưởng-lão trông giống như thế nào nhỉ?’ Hoàng hậu trả lời: ‘Bệ hạ, là đàn ông, mà còn không thể nhìn thấy ngài; làm sao thiếp có thể thấy được chứ? Đức Vua nói: ‘Trong vương quốc của trẫm, thậm chí trẫm còn không thể ngước nhìn người con trai của một gia chủ có trả thuế (bali-kāra-gahapati-putta); ôi vĩ đại thay là Giáo Pháp của Đức Phật!’ Và ngài vỗ tay vì sung sướng.

Tại sao Đức Vua lại không thể thấy được mặt của Tôn giả Cūḷasuddhamma? Bởi vì lòng kính trọng cực kỳ của vua đối với ngài vậy; bởi vì Tôn giả Cūḷasuddhamma là một bậc xuất chúng (mahesakkha), một con người đáng kính nhất. Và theo những vận hành của nghiệp, người ta không nên ngước nhìn vào mặt một người như vậy.

QUAN CẬN THẦN VÔ TỘI

Điều đó đã kết thúc phần giải thích của chúng tôi về bốn loại thất bại (sanh thú, sanh y, thời kỳ, và sở hành thất bại) ngăn một số thiện nghiệp không cho tạo ra quả của chúng như thế nào, trong khi bốn loại thành tựu cho phép chúng ra sao.

Để giải thích việc này, chú giải đưa ra một ví dụ. Giả sử đức vua nổi giận với một vị quan cận thần, và ra lệnh cách chức ông ta, tống giam vào ngục. Quyến thuộc của viên quan này biết vua làm điều đó vì nóng giận, nên không nói gì. Khi cơn giận của đức vua đã dịu đi, họ mới cho vua biết rằng quan cận thần không có tội. Đức vua truyền lệnh thả quan cận thần và phục hồi chức vụ cho ông ta. Sau đó, viên quan này nhận được quà cáp từ khắp nơi gởi về không dứt: nhiều đến nỗi mà người ta không thể giải quyết hết những món quà ấy.

Đây, trước tiên vị vua nổi giận với viên quan cận thần, nên cách chức và bỏ tù ông ta: điều này giống như khi một bất thiện nghiệp nào đó khiến cho một phàm nhân tái sanh trong địa ngục. Quyến thuộc của quan cận thần không tuyên bố sự vô tội của ông ta liền vì lúc đó đức vua đang giận: điều này giống như khi những thiện nghiệp không thể tạo ra qủa của chúng do người kia đang ở trong địa ngục. Rồi cơn giận của đức vua dịu xuống, quyến thuộc của vị quan cận thần cho vua biết rằng vị ấy vô tội, và viên quan này được phóng thích khỏi nhà tù, phục hồi lại chức vụ: điều này cũng giống như khi người kia thoát khỏi địa ngục và được tái sanh lên cõi trời. Khi viên cận thần lấy lại được sự quý mến của vua, và được phục hồi lại chức vụ, ông đã nhận được nhiều quà đến nỗi không thể giải quyết chúng: điều này giống như, khi người kia đã thoát khỏi địa ngục, và tái sanh lên cõi trời, lúc đó tất cả thiện nghiệp của anh ta tập trung lại, và tạo ra quả của chúng. Người ấy đi từ tái sanh an vui này đến tái sanh an vui khác, lên xuống giữa hai cõi nhân thiên, mỗi lần như vậy lại đạt được bốn loại thành tựu. Và điều này cứ tiếp tục cho đến cả trăm ngàn kiếp. Cuối cùng, thiện nghiệp của anh ta sẽ giúp tạo ra những nghiệp siêu thế, và anh ta đạt được sở hành thành tựu tối thượng, đó là A-la-hán Thánh Quả.

Đến đây kết thúc phần giải thích của chúng tôi về những điều có thể xảy ra và không thể xảy ra của nghiệp: các loại có thể xảy ra dựa vào đó nghiệp tạo ra quả của nó. Sanh thú thành tựu, sanh y thành tựu, thời kỳ thành tựu và sở hành thành tựu ngăn nghiệp xấu, và cho phép nghiệp tốt, trong khi sanh thú thất bại, sanh y thất bại, thời kỳ thất bại ngăn nghiệp tốt, và cho phép nghiệp xấu.

Kế tiếp chúng ta sẽ bàn đến một bài kinh trong đó Đức Phật giải thích bảy loại thiện nghiệp và quả của chúng, bảy loại bất thiện nghiệp và quả của chúng. Cho tới đây, chúng tôi đã giải thích các phương diện có tính kỹ thuật về những vận hành của nghiệp, với sự giải thích của Đức Phật, và những ví dụ chúng tôi đưa ra, hy vọng sẽ giúp cho sự hiểu biết của quý vị về bài kinh này được dễ dàng hơn. Bài kinh đó là ‘Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt’ (‘Cūḷa-Kamma-Vibhaṇga Sutta’).

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *