VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

LÀ NGƯỜI KHÔNG ÔM LÒNG ĐỐ KỴ

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tâm đố kỵ, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, người này không tật đố, không ghen tỵ, không ôm lòng đố kỵ. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy ảnh hưởng lớn (quyền thế lớn).

Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến có ảnh hưởng lớn, đó là không có tâm đố kỵ, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, người này không tật đố, không ghen tỵ, không ôm lòng đố kỵ.

URUVELAKASSAPA HOAN HỶ

Một ví dụ điển hình của không -đố kỵ dẫn đến có ảnh lớn là Tôn-giả Uruvela Kassapa. Ngài là một trong ba vị đạo sĩ thờ lửa đã cùng với các đệ tử của mình xuất gia dưới Đức Phật.

Trong Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, ngài là một gia chủ. Một hôm đi nghe pháp, ngài thấy Đức Phật

tuyên bố Tỳ kheo Sīhaghosa là đệ tử tối thắng trong lãnh vực có đông đồ chúng (mahā-parivārāna). Khi ngài nghe rằng vị Tỳ kheo này đã nhận được nhiều quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, và cúng dường, Uruvela Kassapa chẳng những không cảm thấy tỵ hiềm, ghen tị, và ôm lòng đố kỵ đối với việc đó, mà ngược lại, toàn thân của Uruvela Kassapa còn tràn ngập một niềm hoan hỷ và hạnh phúc đối với vị ấy: đây là những gì chúng ta gọi là muditā (hỷ). Thái độ của tâm này có lợi ích rất lớn đối với Uruvela Kassapa. Nó đã giúp ngài đạt đến những trạng thái tái sanh cao hơn sau đó. Và ở lần tái sanh cuối cùng của ngài, nó đã giúp ngài đạt đến A-la-hán Thánh Quả.

Thực vậy, niềm hoan hỷ của Uruvela Kassapa đối với Tỳ kheo (Sīhaghosa, người được tuyên dương là tối thắng trong lãnh vực có đông đồ chúng) mãnh liệt đến nỗi ngài đã phát nguyện có được danh dự như vậy trong Giáo Pháp của một Đức Phật tương lai. Cho đến ngày ấy ngài đã hoàn thành rất nhiều thiện nghiệp:

  • Ngài đã thanh tịnh giới hạnh của mình, bằng cách giữ ngũ giới.
  • Cúng dường Đức Phật và Tăng Chúng.
  • Ghi nhớ Những Lời Dạy của Đức Phật, học pháp một cách thấu đáo, với sự thận trọng và tôn kính; bàn luận những điểm gút mắc trong Kinh, Chú Giải,…
  • Thực hành thiền minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Ngang đây tôi muốn phân tích điều này theo nguyên lý duyên sanh (paṭicca samuppāda) cho quý vị hiểu. Nếu Uruvela Kassapa biết rằng Tỳ kheo Sīhaghosa được tạo thành bởi danh và sắc, thì đó là Chánh Kiến, vì theo thực tại (yathā-bhūta), chỉ có danh và sắc chân đế: không có cái gì được xem là một vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni. Như vậy, do vô minh (avijjā), ngài đã nhìn Tôn -giả Sīhaghosa như một vị Tỳ kheo với đông đồ chúng. Dựa trên vô minh ấy, ngài nguyện trở thành một vị Tỳ kheo với đông đồ chúng trong Giáo Pháp của Đức Phật tương lai: đó là tham ái (taṇhā) hay khát khao có được kiếp sống làm một vị Tỳ kheo như vậy. Tham ái lập đi lập lại là thủ (upādāna). Để đạt được mục đích ấy, ngài đã hoàn thành nhiều thiện nghiệp, bằng cách cúng dường, thanh tịnh giới, học hỏi Pháp, và thực hành thiền chỉ cũng như thiền minh sát; tất cả những thứ này là thiện hành (saṅkhāra). Nhưng những thiện hành ấy là vô thường. Ngay khi chúng sanh lên, chúng liền diệt. Tuy nhiên, trong tương tục danh sắc của vị ấy, nghiệp lực (kamma satti) vẫn tồn tại.

Cả thảy có năm nhân quá khứ cho tái sanh:

  1. vô minh……….(avijjā)
  2. aí………………(taṅhā)
  3. thủ…………..(upādāna)
  4. hành…………. .(saṅkhāra)
  5. hữu (nghiệp lực)……..(bhava)

Rồi một số thiện nghiệp (thiện hành) trong đó làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, một số như trì nghiệp, và một số như chướng nghiệp: hầu hết tất cả thiện nghiệp ấy đều là những hậu báo nghiệp (aparāpariya-vedanīya -kamma), sẽ được cảm thọ quả trong những kiếp sống tương lai. Và, thực sự như vậy, trong những kiếp sống tương lai ngài có được ảnh hưởng hay quyền thế rất lớn. 

Trong một kiếp sau đó, Uruvela Kassapa sanh làm em cùng cha khác mẹ của Đức Phật Phussa: cha của họ là Đức Vua Mahinda. 697Ngài cũng có hai người em khác. Một lần, ba anh em dẹp tan được những biến loạn trên vùng biên giới. Đức Vua đã cho phép họ được hộ trì Đức Phật và Tăng Chúng trong ba tháng như một phần thưởng. Lúc đó Tăng Chúng gồm một trăm ngàn vị Tỳ kheo: một phước điền vô thượng ở thế gian. Họ đã chỉ định ba vị quan cận thần của họ đảm trách mọi công việc. Riêng bản thân họ thì giữ mười giới, ở cận kề bên Đức Phật, nghe ngài dạy Pháp, và hành thiền chỉ và minh sát bất cứ khi nào họ có thể. 

Những nghiệp này tạo ra những kết quả thù thắng, và ba anh em lúc thì tái sanh làm chư thiên, lúc tái sanh làm người, qua nhiều kiếp sống. Trong kiếp chót của họ, họ tái sanh trong một gia đình Bà-la -môn, thuộc dòng họ Kassapa (Ca-diếp). Họ học tinh thông ba tập Vệ -Đà (Vedas), và trở thành những đạo sĩ bện tóc thờ lửa, mỗi người có một số đệ tử đi theo. Họ hành pháp khổ hạnh (atta-kilamatha: tự hành hạ thân xác), và thờ ngọn lửa thiêng. 

Uruvela Kassapa là người lãnh đạo, Ngài sống tại Uruvela trên bờ sông Nerañjara, cùng với năm trăm người đệ tử. Xa xuống phía cuối sông người em của ngài, Nadī Kassapa (Na-đề Ca-diếp) sống với ba trăm người đệ tử. Và phía dưới hạ lưu sông, Gayā Kassapa (Già-da Ca-diếp), sống với hai trăm người đệ tử: như vậy, ba anh em có cả thảy một ngàn đạo sĩ thờ lửa.

Không lâu sau khi thành đạo, Đức Phật đến thăm Uruvela Kassapa.699Tại đây Đức Phật đã hỏi Kassapa xem ngài có thể ở lại trong phòng thờ lửa được không. Kassapa cảnh báo Đức Phật không nên ở đó, vì có một con rồng (nāga) rất hung dữ có thể phun ra lửa và khói. Nhưng bằng mọi cách Đức Phật đã ở lại đó. Với năng lực thần thông của mình, Đức Phật trước tiên trấn áp con rồng ấy và sau đó trấn áp một con rồng khác ở kế bên. Uruvela Kassapa rất khâm phục năng lực thần thông của Đức Phật. Ông thỉnh Đức Phật lại và hứa sẽ cung cấp thức ăn cho ngài mỗi ngày. Đức Phật ở lại trong một khu rừng gần đó trong ba tháng. Trong thời gian ở đây, ngài đã phô diễn năng lực thần thông của mình nhiều lần, và mỗi lần như vậy Kassapa đều bị ấn tượng. Nhưng ông vẫn nghĩ mình là một bậc A-la-hán, còn Đức Phật không phải, do đó ông không cố gắng học bất cứ điều gì từ Đức Phật. Đức Phật có thể đọc được tâm Kassapa, nhưng vẫn phải chờ cho đúng thời: ngài đã chờ cho đến khi Kassapa phải sẵn sàng để chịu học hỏi nơi ngài.

Cuối cùng, khi thấy đã phải thời, Đức Phật nói với Kassapa rằng ông không phải là một bậc A-la-hán, và ông cũng không biết con đường để đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Kassap rất lấy làm kinh ngạc. Nhưng bởi vì lúc này ông đã có đức tin nơi Đức Phật, ông nghĩ điều đó có lẽ đúng. Ông khiêm tốn thỉnh cầu Đức Phật cho xuất gia. Đức Phật yêu cầu ông nói quyết định này cho những đệ tử của ông biết và để họ tự quyết định: tất cả mọi người đều quyết định trở thành Tỳ kheo như ông. Cả năm trăm người đều cắt bỏ bện tóc của họ, và ném chúng xuống dòng Sông Nerañjara, cùng với những vật dụng thờ lửa. Sau đó Đức Phật cho họ xuất gia. Nhìn thấy tóc và những vật dụng trôi xuống dòng sông, Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp vội đi đến để hỏi thăm xem chuyện gì xảy ra, và rồi họ và những người đệ tử của họ cũng được cho xuất gia. Sau đó họ cùng du hành với Đức Phật. Tại Gayāsīsa Đức Phật dạy cho họ bài kinh ‘Bị Bốc Cháy’ (‘āditta-Suttaṁ’), qua bài kinh ấy tất cả một ngàn vị Tỳ kheo đều đắc A-la-hán Thánh Quả. 

Từ Gayāsīsa, Đức Phật và các vị A-la-hán mới này du hành đến Rājagāha (Vương Xá). Lúc bấy giờ, trước mặt đức Vua Tần-bà- sa-la và đông đảo quần chúng, Uruvela Kassapa đã tuyên bố mình là đệ tử của Đức Phật.

Sở dĩ Uruvela Kassapa được gọi như vậy là vì ông xuất gia tại Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), và để phân biệt ông với các vị Ca-diếp khác. Khi Uruvela Kassapa còn là một đạo sĩ thờ lửa, ngài có một ngàn đệ tử. Và khi ngài xuất gia dưới Đức Phật, tất cả mọi người đều theo ngài. Chẳng hạn, một trong những đệ tử của ngài là Belaṭṭhasīsa. Vị này đã theo gương Uruvela Kassapa xuất gia làm Tỳ kheo, và sau đó trở thành thầy tế độ của Tôn-giả Ānanda. Nhiều vị đệ tử của Uruvela Kassapa cũng đã cho những người khác xuất gia như thế. Theo cách này, đồ chúng của ngài ngày càng trở nên đông hơn. Vì lẽ đó, khi Đức Phật tuyên bố các vị Tỳ kheo tối thắng, ngài đã tuyên bố Tôn -giả Uruvela Kassapa là vị Tỳ kheo tối thắng trong lãnh vực có đông đồ chúng.

Quý vị muốn có được ảnh hưởng lớn như vậy không? Nếu muốn, quý vị phải cố gắng để là một người đàn bà hay đàn ông không có tâm tị hiềm, đố kỵ, ghen tỵ với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường. Thay vào đó quý vị phải hoan hỷ. Những vận hành của nghiệp là vậy.

Đó là lý do vì sao Đức Phật nói với thanh niên Subha, con trai của Toddeya. 

Nghiệp phân loại các chúng sanh, đó là có người hạ liệt và người ưu thắng.

Bây giờ chúng ta sẽ nghe lời giải thích thứ chín của Đức Phật cho Subha.

NGƯỜI KHÔNG BỐ THÍ (CÚNGDƯỜNG)

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, giường nằm, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy là người nghèo khổ.

Đây là con đường, này thanh niên đưa đến nghèo khó, đó là không bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, giường nằm, nhà cửa, đèn đuốc.

Đây, phải hiểu là mặc dù một người có đủ điều kiện để làm việc cúng dường, nhưng họ không làm vì bỏn xẻn, vì ích kỷ (macchariya): thậm chí người này có thể là người giàu có, nhưng họ không bao giờ thực hiện bất kỳ một cúng dường nào. Nghiệp bủn xỉn như vậy sẽ tạo ra tái sanh trong một ác thú (địa ngục, ngạ quỷ…), và nếu có tái sanh làm người, người này cũng sẽ là người nghèo khổ.

BÀ LA MÔN TODEYA KEO KIỆT

Một ví dụ điển hình của thói ích kỷ, keo kiệt dẫn đến một tái sanh bất hạnh là cha của người thanh niên mà Đức Phật đang nói đến ở đây, thanh niên Bà-la-môn Subha. Ông là giáo sĩ bà -la-môn, cố vấn cho đức Vua Pasenadi xứ Kosala, và là người cực kỳ giàu có.

Bà-la-môn Todeyya, trong quá khứ, đã hoàn thành nhiều thiện nghiệp, và một trong những thiện nghiệp ấy đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, khiến ông được giàu có trong kiếp này. Mặc dù hiện tại ông rất giàu, nhưng ông cực kỳ ích kỷ và bỏn xẻn. Ông thường nói với Subha là hãy ky cóp tài sản giống như con ong, gom góp từng giọt, từng giọt mật, hay giống như con kiến, gom góp từng hạt cát, để làm thành một ổ kiến. Vì vậy, mặc dù Đức Phật và Tăng Chúng luôn trú tại Sāvatthi, Todeyya chẳng bao giờ cúng dường thứ gì. Và (như đã nói ở trước) do sự dính mắc quá mức vào tài sản của mình, Todeyya lúc chết đã tái sanh làm một con chó ngay trong căn nhà của ông. 

Khi con chó chết, nó tái sanh vào địa ngục. Một nghiệp bỏn xẻn đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh như một con chó, và lúc này một nghiệp bỏn xẻn khác có tính đồng nhất đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp để cắt đứt quả của sanh nghiệp, và làm cho quả riêng của nó khởi lên: tái sanh vào địa ngục.

Quý vị có muốn tránh bị tái sanh làm chó không? Quý vị có muốn tránh bị tái sanh vào địa ngục không? Nếu muốn, quý vị phải cố gắng để là một người đàn bà hay người đàn ông không bỏn xẻn, keo kiết hay ích kỷ. Và quý vị phải cố gắng để loại bỏ bất kỳ sự dính mắc nào mà quý vị có thể có vào tài sản của quý vị bằng cách thực hành thiền chỉ và thiền minh sát.

Hãy nhớ đến câu chuyện Trưởng Lão Lossaka Tissa đố kỵ. Ngài không chỉ ghen tỵ thôi, mà còn ích kỷ nữa: ngài không muốn chia xẻ thiện ý của người hộ độ cho mình với người khác. Hậu quả là, dù thoát khỏi địa ngục, mỗi kiếp tái sanh làm người ngài luôn luôn nghèo khổ. Vận hành của nghiệp là thế.

Đó là lý do vì sao Đức Phật nói trong kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ hai:

‘Do vậy, này các Tỷ- kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô.”

Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh.’

Bây giờ chúng ta hãy nghe lời giải thích thứ mười của Đức Phật cho thanh niên Subha.

NGƯỜI THƯỜNG HAY BỐ THÍ, CÚNG DƯỜNG

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông thường hay bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, giường nằm, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được giàu sang.

Này thanh niên, đây là con đường đưa đến giàu sang, đó là, thường hay bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, giường nằm, nhà cửa, đèn đuốc.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *