TIỂU PHẨM II – CHƯƠNG LIÊN QUAN NĂM TRĂM VỊ: PHẦN GIẢNG VỀ CÁC ĐIỀU HỌC NHỎ NHẶT VÀ ÍT QUAN TRỌNG

Tiểu Phẩm II

Chương Liên Quan Năm Trăm Vị

Phần giảng về các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng 

Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với các tỳ khưu trưởng lão điều này: – “Thưa các ngài, vào thời điểm Vô Dư Niết Bàn đức Thế Tôn đã nói với tôi như vầy: ‘Này Ānanda, khi ta không còn, hội chúng nếu muốn có thể bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.’” – “Này sư đệ Ānanda, vậy ngươi có hỏi đức Thế Tôn: ‘Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?’ không?” – “Thưa các ngài, tôi đã không hỏi đức Thế Tôn: ‘Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?’”

Một số trưởng lão đã nói như vầy: – “Giữ lại bốn điều pārājika, các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.” Một số trưởng lão đã nói như vầy: – “Giữ lại bốn điều pārājika, giữ lại mười ba điều saṅghādisesa, các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.” Một số trưởng lão đã nói như vầy: – “Giữ lại bốn điều pārājika, giữ lại mười ba điều saṅghādisesa, giữ lại hai điều aniyata, các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.” Một số trưởng lão đã nói như vầy: – “Giữ lại bốn điều pārājika, giữ lại mười ba điều saṅghādisesa, giữ lại hai điều aniyata, giữ lại ba mươi điều nissaggiya pācittiya, các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.” Một số trưởng lão đã nói như vầy: – “Giữ lại bốn điều pārājika, giữ lại mười ba điều saṅghādisesa, giữ lại hai điều aniyata, giữ lại ba mươi điều nissaggiya pācittiya, giữ lại chín mươi hai điều pācittiya, các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.” Một số trưởng lão đã nói như vầy: – “Giữ lại bốn điều pārājika, giữ lại mười ba điều saṅghādisesa, giữ lại hai điều aniyata, giữ lại ba mươi điều nissaggiya pācittiya, giữ lại chín mươi hai điều pācittiya, giữ lại bốn điều pāṭidesanīya, các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.”

Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng: – “Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Có các điều học của chúng ta có liên quan đến hàng tại gia và hàng tại gia cũng biết rằng: ‘Điều này là được phép đối với các Sa-môn Thích tử, điều này là không được phép.’ Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: ‘Các điều học đã được Sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo Sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học tập các điều học. Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã Vô Dư Niết Bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.’ Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng không nên quy định thêm điều chưa được quy định, không nên bỏ đi điều đã được quy định, nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đây là lời đề nghị.

Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Có các điều học của chúng ta có liên quan đến hàng tại gia và hàng tại gia cũng biết rằng: ‘Điều này là được phép đối với các Sa-môn Thích tử, điều này là không được phép.’ Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: ‘Các điều học đã được Sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo Sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học tập các điều học. Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã Vô Dư Niết Bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.’ Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định, không bỏ đi điều đã được quy định, thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đại đức nào đồng ý việc không quy định thêm điều chưa được quy định, không bỏ đi điều đã được quy định, thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định, không bỏ đi điều đã được quy định, thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã nói với đại đức Ānanda điều này: – “Này sư đệ Ānanda, đây là tội dukkaṭa cho ngươi về việc ngươi đã không hỏi đức Thế Tôn rằng: ‘Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?’ Ngươi hãy trình báo tộidukkaṭa ấy.”

– “Thưa các ngài, vì không lưu ý nên tôi đã không hỏi đức Thế Tôn rằng: ‘Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?’ Tôi không nhìn thấy tội dukkaṭa ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa cho ngươi về việc ngươi đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn rồi may. Ngươi hãy trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Thưa các ngài, không phải vì không kính trọng mà tôi đã đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn rồi may. Tôi không nhìn thấy tội dukkaṭa ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa cho ngươi về việc ngươi cho phép phụ nữ đảnh lễ nhục thân của đức Thế Tôn trước tiên; trong khi họ khóc lóc nhục thân của đức Thế Tôn đã bị lấm lem bởi nước mắt. Ngươi hãy trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Thưa các ngài, (nghĩ rằng): ‘Những người nữ này không nên ở lại vào ban đêm,’ nên tôi đã cho phép phụ nữ đảnh lễ nhục thân của đức Thế Tôn trước tiên. Tôi không nhìn thấy tộidukkaṭa ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa cho ngươi về việc trong khi được ra dấu hiệu rõ ràng, trong khi được làm biểu hiện rõ rệt bởi đức Thế Tôn, ngươi đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: ‘Xin đức Thế Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại.’ Ngươi hãy trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Thưa các ngài, vì tâm đã bị Ma Vương ám ảnh nên tôi đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: ‘Xin đức Thế Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ Tôn hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại.’ Tôi không nhìn thấy tội dukkaṭa ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa cho ngươi về việc ngươi đã nỗ lực cho sự xuất gia của phụ nữ trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố. Ngươi hãy trình báo tội dukkaṭa ấy.”

– “Thưa các ngài, (nghĩ rằng): ‘Bà Mahāpajāpatī Gotamī này là dì ruột của đức Thế Tôn, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, khi người mẹ ruột qua đời bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa’ nên tôi đã nỗ lực cho sự xuất gia của phụ nữ trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố. Tôi không nhìn thấy tội dukkaṭa ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin trình báo tội dukkaṭa ấy.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Purāṇa đi du hành ở Dakkhiṇāgiri[1] cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu. Khi ấy, trong lúc Pháp và Luật đang được trùng tụng bởi các tỳ khưu trưởng lão, đại đức Purāṇa sau khi trú ở Dakkhiṇāgiri theo như ý thích đã đi đến thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc, chỗ các tỳ khưu trưởng lão, sau khi đến đã thân thiện chào hỏi các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. Khi đại đức Purāṇa đã ngồi xuống một bên, các tỳ khưu trưởng lão đã nói với đại đức Purāṇa điều này: – “Này đại đức Purāṇa, Pháp và Luật đã được trùng tụng bởi các vị trưởng lão. Ngươi hãy hành theo sự trùng tụng ấy.” – “Này các đại đức, Pháp và Luật đã được các vị trưởng lão trùng tụng một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi chỉ ghi nhận chính những gì tôi đã được nghe từ miệng và đã được thọ lãnh từ miệng của đức Thế Tôn thôi.”

[1] Dakkhiṇāgiri là tên của ngọn núi ở phía nam thành Rājagaha và cũng có nghĩa Việt là ‘ngọn núi ở phía nam’ (ND).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *