PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY

NHÓM HAI PHÁP

PHẨM THỨ NHẤT

2. 1. 1. KINH TỲ KHƯU – THỨ NHẤT

[28]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống khổ sở, có sự buồn phiền, thất vọng, bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, khổ cảnh là điều chờ đợi. Với hai pháp nào? Cửa vào các giác quan không được canh phòng và không biết chừng mực về vật thực. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống khổ sở, có sự buồn phiền, thất vọng, bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, khổ cảnh là điều chờ đợi.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, ở đây các giác quan này của vị tỳ khưu nào là không được canh phòng, …
  1. … vị không biết chừng mực về vật thực, không thu thúc ở các giác quan, vị ấy đi đến khổ đau, khổ đau ở thân, khổ đau ở tâm.
  1. Với thân đang bị đốt nóng, với tâm đang bị đốt nóng, vị như thế ấy sống khổ sở, dầu cho là ngày hay đêm.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 2. KINH TỲ KHƯU – THỨ NHÌ

[29]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống an lạc, không có buồn phiền, không có thất vọng, không có bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, nhàn cảnh là điều chờ đợi. Với hai pháp nào? Cửa vào các giác quan được canh phòng và biết chừng mực về vật thực. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống không có buồn phiền, không có thất vọng, không có bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, nhàn cảnh là điều chờ đợi.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, ở đây các giác quan này của vị tỳ khưu nào là khéo được canh phòng, …
  1. … vị biết chừng mực về vật thực, và thu thúc ở các giác quan, vị ấy đi đến an lạc, an lạc ở thân, an lạc ở tâm.
  1. Với thân không bị đốt nóng, với tâm không bị đốt nóng, vị như thế ấy sống an lạc, dầu cho là ngày hay đêm.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 3. KINH LÀM CHO BỨT RỨT

[30]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, có hai pháp làm cho bứt rứt. Hai pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây có người đã không làm việc tốt, đã không làm việc thiện, đã không che chở cho kẻ bị sợ hãi, đã làm điều ác, đã làm việc tàn bạo, đã làm việc sái quấy. Người ấy bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã không làm việc tốt,’ bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm điều ác.’ Này các tỳ khưu, hai pháp này làm cho bứt rứt.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Sau khi làm uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi làm uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi,
  1. sau khi không làm hành động thiện, sau khi làm nhiều việc bất thiện, do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy sanh vào địa ngục.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 4. KINH KHÔNG LÀM CHO BỨT RỨT  

[31]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, có hai pháp không làm cho bứt rứt. Hai pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây có người đã làm việc tốt, đã làm việc thiện, đã che chở cho kẻ bị sợ hãi, đã không làm điều ác, đã không làm việc tàn bạo, đã không làm việc sái quấy. Người ấy không bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc tốt,’ không bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã không làm điều ác.’ Này các tỳ khưu, hai pháp này không làm cho bứt rứt.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi từ bỏ uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi,
  1. sau khi không làm hành động bất thiện, sau khi làm nhiều việc thiện, do sự hoại rã của thân, người có trí tuệ ấy sanh vào cõi Trời.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 5. KINH GIỚI ÁC XẤU

[32]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Với hai pháp nào? Giới ác xấu và kiến ác xấu. Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp này bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Với giới ác xấu và với kiến ác xấu,

người nào thành tựu hai pháp này,

do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy sanh vào địa ngục.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 6. KINH GIỚI HIỀN THIỆN

[33]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp được sanh vào ở cõi Trời như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Với hai pháp nào? Giới hiền thiện và kiến hiền thiện. Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp này bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Với giới hiền thiện và với kiến hiền thiện,

người nào thành tựu hai pháp này,

do sự hoại rã của thân, người có trí tuệ ấy sanh vào cõi Trời.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 7. KINH KHÔNG CÓ NHIỆT TÂM

[34]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi không có khả năng về việc giác ngộ, không có khả năng về Niết Bàn, không có khả năng về việc chứng đắc sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi có khả năng về việc giác ngộ, có khả năng về Niết Bàn, có khả năng về việc chứng đắc sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Người không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, biếng nhác, có sự tinh tấn thấp kém, nhiều dã dượi buồn ngủ, người vô liêm sỉ, không có sự tôn trọng, vị tỳ khưu như thế ấy không có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.
  1. Và người có niệm, chín chắn, có thiền, có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, và không xao lãng, sau khi cắt đứt sự trói buộc với sanh và lão có thể chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng ngay tại nơi đây.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 8. KINH DỐI GẠT NGƯỜI – THỨ NHẤT

[35]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, Phạm hạnh này được thực hành không nhằm mục đích dối gạt dân chúng, không nhằm mục đích phỉnh phờ dân chúng, không nhằm mục đích các quả báu về lợi lộc, tôn vinh, tiếng tăm, không vì (ý nghĩ): ‘Mong rằng dân chúng biết đến ta.’ Này các tỳ khưu, thật ra Phạm hạnh này được thực hành nhằm mục đích thu thúc và nhằm mục đích dứt bỏ.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Đức Thế Tôn ấy đã thuyết giảng về Phạm hạnh, có sự tiêu diệt các điều bất hạnh, nhằm mục đích thu thúc, nhằm mục đích dứt bỏ, đưa đến việc thể nhập Niết Bàn.
  1. Đạo lộ này được các bậc đại nhân, được các bậc đại ẩn sĩ theo đuổi. Những ai thực hành đạo lộ theo như đức Phật đã thuyết giảng, có sự thực hành theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư, sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 9. KINH DỐI GẠT NGƯỜI – THỨ NHÌ

[36]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, Phạm hạnh này được thực hành không nhằm mục đích dối gạt dân chúng, không nhằm mục đích phỉnh phờ dân chúng, không nhằm mục đích các quả báu về lợi lộc, tôn vinh, tiếng tăm, không vì (ý nghĩ): ‘Mong rằng dân chúng biết đến ta.’ Này các tỳ khưu, thật ra Phạm hạnh này được thực hành nhằm mục đích biết rõ và nhằm mục đích biết toàn diện.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Đức Thế Tôn ấy đã thuyết giảng về Phạm hạnh, có sự tiêu diệt các điều bất hạnh, nhằm mục đích thu thúc, nhằm mục đích dứt bỏ, đưa đến việc thể nhập Niết Bàn.
  1. Đạo lộ này được các bậc đại nhân, được các bậc đại ẩn sĩ theo đuổi. Những ai thực hành đạo lộ theo như đức Phật đã thuyết giảng, có sự thực hành theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư, sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 1. 10. KINH TÂM HỶ

[37]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống có nhiều an lạc và tâm hỷ, và động lực của vị này được khởi sự nhằm diệt trừ các lậu hoặc. Với hai pháp nào? Với sự chấn động ở các trường hợp đáng bị chấn động và với sự nỗ lực đúng đường lối khi đã bị chấn động. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp này, ngay trong đời hiện tại sống có nhiều an lạc và tâm hỷ, và động lực của vị này được khởi sự nhằm diệt trừ các lậu hoặc.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Và bậc sáng suốt bị chấn động ở các trường hợp đáng bị chấn động. Vị tỳ khưu có nhiệt tâm, chín chắn, nên quán xét đúng đắn bằng trí tuệ.
  1. Vị có sự an trú như vậy, có nhiệt tâm, có hành vi an tịnh, không kiêu căng, được gắn bó với sự vắng lặng của tâm, có thể đạt được sự diệt trừ khổ.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Phẩm thứ nhất.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Và hai vị tỳ khưu, làm cho bứt rứt, không làm cho bứt rứt, hai khác nữa, không có nhiệt tâm, và hai về dối gạt, với thiện tâm; chúng là mười.

–ooOoo–

PHẨM THỨ NHÌ

2. 2. 1. KINH SUY TẦM

[38]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, ở đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, có hai suy tầm thường xuyên khởi lên là: sự an toàn và sự tách ly. Này các tỳ khưu, đức Như Lai, bậc có sự ưa thích không hãm hại, thích thú không hãm hại. Này các tỳ khưu, ở đức Như Lai ấy đấy, bậc có sự thích thú không hãm hại, thích thú không hãm hại, chính sự suy tầm này thường xuyên khởi lên: ‘Với oai nghi này, ta không hãm hại bất cứ vật gì, dầu là di động hay bất động.’ Này các tỳ khưu, đức Như Lai, bậc có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly. Này các tỳ khưu, ở đức Như Lai ấy đấy, bậc có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly, chính sự suy tầm này thường xuyên khởi lên rằng: ‘Cái gì bất thiện, cái ấy được dứt bỏ.’
  1. Này các tỳ khưu, bởi thế chính các ngươi hãy sống có sự ưa thích không hãm hại, thích thú không hãm hại. Này các tỳ khưu, khi các ngươi đây sống có sự ưa thích không hãm hại, thích thú không hãm hại, chính sự suy tầm này sẽ thường xuyên khởi lên cho các ngươi: ‘Với oai nghi này, chúng ta không hãm hại bất cứ vật gì, dầu là di động hay bất động.’ Này các tỳ khưu, hãy sống có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly. Này các tỳ khưu, khi các ngươi đây sống có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly, chính sự suy tầm này sẽ thường xuyên khởi lên cho các ngươi: ‘Cái gì bất thiện, cái ấy được dứt bỏ.’”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Ở đức Như Lai, bậc Giác Ngộ có sự chịu đựng điều không thể chịu đựng, có hai suy tầm khởi lên ở Ngài: an toàn là suy tầm thứ nhất đã được nói lên, kế đó tách ly là thứ nhì đã được giảng giải.
  1. Bậc Đại ẩn sĩ, vị xua tan bóng tối, đã đi đến bờ kia, vị ấy đã đạt đến sự thành đạt, có quyền lực, không còn lậu hoặc, vượt qua sự bất bình đẳng, đã được giải thoát trong việc diệt trừ tham ái, vị ấy quả thật là bậc hiền trí, mang thân mạng cuối cùng, từ bỏ Ma Vương, Ta nói đã đi đến bờ kia của sự già.
  1. Giống như người đứng ở đỉnh đầu của ngọn núi đá, cũng giống như người có thể nhìn thấy dân chúng ở xung quanh, tương tự như thế ấy sau khi bước lên tòa lâu đài làm bằng Giáo Pháp, bậc Trí Tuệ, đấng Toàn Nhãn, bậc đã xa lìa sầu muộn quan sát dân chúng bị rơi vào sầu muộn, bị ngự trị bởi sanh và già.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 2. KINH THUYẾT GIẢNG

[39]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, có hai sự thuyết giảng Giáo Pháp của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri là theo trình tự. Hai sự thuyết giảng nào? ‘Các ngươi hãy nhìn thấy ác là ác,’ đây là sự thuyết giảng Pháp thứ nhất. ‘Sau khi nhìn thấy ác là ác, các ngươi hãy nhàm chán, hãy xa lìa sự luyến ái, hãy giải thoát,’ đây là sự thuyết giảng Giáo Pháp thứ hai. Này các tỳ khưu, hai sự thuyết giảng Giáo Pháp này của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri là theo trình tự.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Hãy nhìn xem lời nói theo trình tự của đức Như Lai, bậc Giác Ngộ, có lòng thương tưởng đến tất cả sanh linh. Và hai pháp đã được giảng giải.
  2. Các ngươi hãy nhìn thấy điều này là ác, và các ngươi cũng hãy xa lìa sự luyến ái ở điều ấy, sau đó với tâm đã được xa lìa luyến ái, các ngươi sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 3. KINH MINH

[40]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, vô minh đi trước trong việc thành tựu các pháp bất thiện, theo sau là không hổ thẹn (tội lỗi), không sợ hãi (tội lỗi). Này các tỳ khưu, minh đi trước trong việc thành tựu các pháp thiện, theo sau là hổ thẹn (tội lỗi), sợ hãi (tội lỗi).”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Bất cứ những khổ cảnh nào ở đời này hoặc đời sau, tất cả đều có gốc rễ ở vô minh, với sự tích lũy bởi ước muốn và tham lam.
  1. Bởi vì có ước muốn xấu xa, không hổ thẹn (tội lỗi), không có sự tôn trọng, cho nên người tạo ra việc ác; do việc ấy đi đến đọa xứ.
  1. Vì thế, trong khi xa lìa sự mong muốn, tham lam, và vô minh, trong khi làm sanh khởi minh, vị tỳ khưu từ bỏ mọi cảnh giới khổ đau.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Tụng Phẩm thứ nhất.

2. 2. 4. KINH THẤP KÉM VỀ TUỆ

[41]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các chúng sinh ấy vô cùng thấp kém, là những người thấp kém về tuệ cao thượng. Những người ấy ngay trong đời hiện tại sống khổ sở, có sự buồn phiền, thất vọng, bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, khổ cảnh là điều chờ đợi. Này các tỳ khưu, các chúng sinh ấy không thấp kém, là những người không thấp kém về tuệ cao thượng. Những người ấy ngay trong đời hiện tại sống không có buồn phiền, không có thất vọng, không có bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, nhàn cảnh là điều chờ đợi.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sự thấp kém về tuệ, hãy nhìn thế gian luôn cả chư Thiên đã được xác lập ở danh và sắc, nghĩ rằng: ‘Đây là sự thật.’
  1. Bởi vì tuệ là tối thượng ở thế gian, cái này dẫn đến sự thấu triệt, nhờ nó mà nhận biết đúng đắn sự diệt tận của sanh và hữu.
  1. Chư Thiên và nhân loại yêu mến các vị ấy, các bậc Chánh Đẳng Giác, có niệm, có tuệ vi tiếu, mang thân xác cuối cùng.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 5. KINH PHÁP TRẮNG

[42]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, hai pháp trắng này hộ trì thế gian. Hai pháp nào? Hổ thẹn (tội lỗi) và ghê sợ (tội lỗi). Này các tỳ khưu, nếu hai pháp trắng này không hộ trì thế gian, ở đây không được nhận biết là ‘Mẹ,’ hoặc là ‘Dì,’ hoặc là ‘Mợ,’ hoặc là ‘Vợ của thầy,’ hoặc là ‘Vợ của các bậc đáng kính.’ Thế gian hỗn độn như là dê và cừu, gà và heo, chó nhà và chó rừng. Này các tỳ khưu, bởi vì hai pháp trắng này hộ trì thế gian, cho nên được nhận biết là ‘Mẹ,’ hoặc là ‘Dì,’ hoặc là ‘Mợ,’ hoặc là ‘Vợ của thầy,’ hoặc là ‘Vợ của các bậc đáng kính.’”

 Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Đối với những người nào hổ thẹn (tội lỗi) và ghê sợ (tội lỗi) thường xuyên không được biết đến, những người ấy, bị lệch khỏi gốc rễ trắng, đi đến sanh và tử.
  1. Còn đối những người nào hổ thẹn (tội lỗi) và ghê sợ (tội lỗi) luôn luôn được thiết lập đúng đắn, Phạm hạnh được tăng tiến, những người ấy được an tịnh, đã được cạn kiệt sự hiện hữu lại nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 6. KINH KHÔNG SANH

[43]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác. Này các tỳ khưu, nếu không có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác ấy thì ở đây việc thoát ly khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác không được biết đến. Này các tỳ khưu, bởi vì có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác, cho nên việc thoát ly khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác được biết đến.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Cái sanh—hiện hữu—phát khởi—làm ra—tạo tác là không bền vững, gắn liền với già và chết, cái ổ của bệnh tật, dễ tiêu hoại, có thức ăn và tham ái là nguồn sanh khởi, không xứng đáng để thích thú.
  1. Sự ra khỏi cái ấy là an tịnh, vượt ngoài suy luận, bền vững, không sanh, không phát khởi, không sầu, xa lìa luyến ái, là chỗ tựa, sự tịch diệt các pháp khổ, sự yên lặng các pháp tạo tác, an lạc.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 7. KINH BẢN THỂ NIẾT BÀN

[44]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, đây là hai bản thể của Niết Bàn. Hai bản thể nào? Bản thể Niết bàn còn dư sót và bản thể Niết Bàn không còn dư sót.
  1. Và này các tỳ khưu, cái nào là bản thể Niết bàn còn dư sót?

Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được hoàn mãn, có việc cần làm đã làm, có gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, đã hiểu biết đúng đắn và đã được giải thoát. Đối với vị ấy, năm giác quan vẫn tồn tại, thông qua trạng thái không bị hủy hoại của chúng vị ấy tiếp nhận đối tượng thích ý hoặc không thích ý, và cảm thọ hạnh phúc hay khổ đau. Cái có cho vị ấy là sự diệt trừ tham, sự diệt trừ sân, sự diệt trừ si. Này các tỳ khưu, cái này gọi là bản thể Niết bàn còn dư sót.

  1. Và này các tỳ khưu, cái nào là bản thể Niết bàn không còn dư sót?

Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được hoàn mãn, có việc cần làm đã làm, có gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, đã hiểu biết đúng đắn và đã được giải thoát. Này các tỳ khưu, đối với vị ấy, ngay ở nơi đây tất cả những gì được cảm thọ là không được thích thú, sẽ trở thành mát lạnh. Này các tỳ khưu, cái này gọi là bản thể Niết bàn không còn dư sót. Này các tỳ khưu, đây là hai bản thể của Niết Bàn.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Hai bản thể Niết bàn này đã được giảng giải bởi đấng Hữu Nhãn, bậc không bị lệ thuộc, bậc tự tại: Một bản thể, tại đây, ở thời hiện tại, còn dư sót, có sự diệt tận lối dẫn đến các hữu, hơn nữa là (bản thể Niết bàn) không còn dư sót ở thời vị lai, lúc các hữu được diệt tận toàn bộ.
  1. Các vị nào biết được vị thế không còn tạo tác này, có tâm đã được giải thoát, có sự diệt tận lối dẫn đến hữu, có sự chứng đắc về cốt lõi của Giáo Pháp, các vị ấy thích thú ở sự diệt trừ, các vị như thế ấy đã dứt bỏ tất cả các hữu.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 8. KINH THIỀN TỊNH

[45]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống có sự ưa thích thiền tịnh, thích thú thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm ở nội phần, không bỏ bê việc tham thiền, hội đủ pháp minh sát, là những người thường lai vãng các khu vực trống vắng. Này các tỳ khưu, đối với các vị sống có sự ưa thích thiền tịnh, thích thú thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm ở nội phần, không bỏ bê việc tham thiền, hội đủ pháp minh sát, là những người thường lai vãng các khu vực trống vắng, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Những vị nào có tâm an tịnh, chín chắn, có niệm, và có thiền, thấy rõ pháp một cách đúng đắn, không có sự mong mỏi về các dục.
  1. Trong khi thích thú ở việc không xao lãng, có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi ở việc xao lãng, không thể đi đến sự thấp kém, các vị ở gần Niết Bàn.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 9. KINH LỢI ÍCH CỦA VIỆC HỌC TẬP

[46]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống, có việc học tập là sự lợi ích, có tuệ là tối thượng, có giải thoát là cốt lõi, có niệm là chủ đạo. Này các tỳ khưu, đối với các vị sống có việc học tập là sự lợi ích, có tuệ là tối thượng, có giải thoát là cốt lõi, có niệm là chủ đạo, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Vị có việc học tập đã được đầy đủ, có pháp không bị hư hoại, có tuệ là tối thượng, có nhìn thấy sự diệt trừ và chấm dứt của sự sanh, vị ấy quả thật là bậc hiền trí, mang thân mạng cuối cùng, từ bỏ ngã mạn, Ta nói đã đi đến bờ kia của sự già.
  1. Do đó, luôn luôn thích thú việc tham thiền, định tĩnh, có nhiệt tâm, có nhìn thấy sự diệt trừ và chấm dứt của sự sanh, sau khi khuất phục Ma Vương cùng với đạo quân binh, này các tỳ khưu, các ngươi hãy trở thành những vị đã đi đến bờ kia của sanh tử.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 10. KINH TỈNH THỨC

[47]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nên tỉnh thức, nên sống có niệm, có sự nhận biết rõ, định tĩnh, hoan hỷ, thành tín, và tại nơi ấy nhìn thấy rõ thời điểm thích hợp cho các thiện pháp. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu tỉnh thức nên sống có niệm, có sự nhận biết rõ, định tĩnh, hoan hỷ, thành tín, và tại nơi ấy nhìn thấy rõ thời điểm thích hợp cho các thiện pháp, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Hỡi những người tỉnh thức, hãy lắng nghe điều này. Các vị nào đang ngủ, xin các vị hãy thức dậy. Tỉnh thức là tốt hơn ngủ. Không có nỗi sợ hãi cho người tỉnh thức.
  1. Người nào tỉnh thức, và có niệm, có sự nhận biết rõ, định tĩnh, hoan hỷ, thành tín, đang cân nhắc suy xét pháp một cách đúng đắn vào thời điểm thích hợp, có trạng thái tập trung, người ấy có thể tiêu diệt bóng tối.
  1. Do đó, đương nhiên nên duy trì sự tỉnh thức. Vị tỳ khưu có nhiệt tâm, chín chắn, đạt được thiền, sau khi cắt đứt sự trói buộc với sanh và lão, có thể chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng ngay tại nơi đây.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 11. KINH KẺ SANH ĐỌA XỨ

[48]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, hai hạng người này là những kẻ sanh đọa xứ, những kẻ đi địa ngục, sau khi không dứt bỏ điều này. Hai hạng nào? Kẻ không có Phạm hạnh tự nhận là có Phạm hạnh, và kẻ nào bôi nhọ vị đang thực hành Phạm hạnh trọn vẹn thanh tịnh bằng điều phi Phạm hạnh không có nguyên cớ. Này các tỳ khưu, hai hạng người này là những kẻ sanh đọa xứ, những kẻ đi địa ngục, sau khi không dứt bỏ điều này.”

 Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Kẻ có lời nói không thật đi đến địa ngục, hoặc thậm chí người nào, sau khi làm, đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai hạng người có nghiệp hạ liệt ấy, sau khi chết, là giống như nhau ở cảnh giới khác.
  1. Có nhiều kẻ, cổ quấn y casa, (hành) theo pháp ác, không tự chế ngự, những kẻ xấu xa ấy, do các nghiệp ác, bị sanh vào địa ngục.
  1. Hòn sắt cháy rực tựa như ngọn lửa được ăn vào là tốt hơn so với kẻ có giới tồi, không tự chế ngự, ăn đồ ăn khất thực của xứ sở.”[1]

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

2. 2. 12. KINH TÀ KIẾN

[49]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, chư Thiên và nhân loại bị xâm nhập bởi hai tà kiến, một số chấp chặt, một số chạy quá mức, và những vị có mắt nhìn thấy.
  1. Và này các tỳ khưu, một số chấp chặt nghĩa là thế nào?

Này các tỳ khưu, có sự ưa thích ở hữu, chư Thiên và nhân loại thích thú ở hữu, vui thích ở hữu. Đối với các vị ấy, trong khi Giáo Pháp về sự diệt tận của hữu đang được thuyết giảng, tâm của họ không hướng đến, không tin tưởng, không trú vào, không thiên về. Này các tỳ khưu, một số chấp chặt nghĩa là như thế.
 

  1. Và này các tỳ khưu, một số chạy quá mức nghĩa là thế nào?

Trái lại, trong khi bị khổ sở, trong khi bị hổ thẹn, trong khi chán ghét bởi vì hữu, một số thỏa thích phi hữu (nói rằng): ‘Này ông, khi tự ngã này, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị tiêu diệt, bị hoại diệt, không hiện hữu sau khi chết đi. Điều này là an tịnh, điều này là hảo hạng, điều này là đúng như vậy.’ Này các tỳ khưu, một số chạy quá mức nghĩa là như thế.

  1. Và này các tỳ khưu, những vị có mắt nhìn thấy nghĩa là thế nào?

Ở đây, vị tỳ khưu nhìn thấy hiện hữu là hiện hữu, sau khi nhìn thấy hiện hữu là hiện hữu vị ấy thực hành đưa đến nhàm chán, đưa đến xa lìa luyến ái, đưa đến tịch diệt đối với hiện hữu. Này các tỳ khưu, những vị có mắt nhìn thấy nghĩa là như thế.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Những người nào sau khi thấy được hiện hữu là hiện hữu, và có sự vượt qua hiện hữu, họ được giải thoát ở hiện hữu như thế nhờ vào sự diệt tận tham ái ở hữu.
  1. Với sự hiểu biết toàn diện về hiện hữu, vị ấy quả thật đã xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu. Do sự không hình thành của hiện hữu, vị tỳ khưu không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Phẩm thứ nhì.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Hai bài Kinh về giác quan, hai làm cho nóng này, hai bài Kinh khác về giới, không ghê sợ tội lỗi, và hai về dối gạt, với đáng bị chấn động; chúng là mười.

Suy tầm, sự thuyết giảng, minh, tuệ, với pháp (trắng) là thứ năm, không sanh, bản thể, thiền tịnh, học tập, và với tỉnh thức, đọa xứ, và với tà kiến nữa, hai mươi hai bài Kinh đã được giảng giải.

NHÓM HAI PHÁP.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *