PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY

NHÓM BỐN PHÁP

PHẨM THỨ NHẤT

4. 1. 1. KINH BÀ-LA-MÔN

[100]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn, có sự đáp ứng việc cầu xin (Giáo Pháp) vào mọi lúc, luôn luôn có bàn tay trong sạch, mang thân mạng cuối cùng, là nhà thầy thuốc phẫu thuật vô thượng. Đối với Ta đây, các ngươi là những người con trai chính thống, được sanh ra từ miệng, được sanh ra từ Giáo Pháp, được tạo ra từ Giáo Pháp, là những người thừa hưởng Giáo Pháp, không là những người thừa hưởng tài vật.

Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại bố thí này, tức là bố thí Giáo Pháp.

Này các tỳ khưu, đây là hai loại san sẻ: san sẻ tài vật và san sẻ Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại san sẻ này, tức là san sẻ Giáo Pháp.

Này các tỳ khưu, đây là hai loại tương trợ: tương trợ tài vật và tương trợ Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại tương trợ này, tức là tương trợ Giáo Pháp.

Này các tỳ khưu, đây là hai loại dâng hiến: dâng hiến tài vật và dâng hiến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại dâng hiến này, tức là dâng hiến Giáo Pháp.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Vị nào đã dâng hiến sự dâng hiến Giáo Pháp, không bỏn xẻn, là đức Như Lai, có lòng thương tưởng đến tất cả sanh linh, chúng sinh kính lễ vị ấy, con người như thế ấy, bậc tối thượng của chư Thiên và nhân loại, vị đã đi đến bờ kia của hiện hữu.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 2. KINH BỐN VẬT KHÔNG BỊ KHIỂN TRÁCH

[101]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, bốn vật này là tầm thường, dễ đạt được, và các vật ấy không bị khiển trách. Bốn vật nào?

Này các tỳ khưu, y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ là tầm thường và dễ đạt được trong số các loại y, và vật ấy không bị khiển trách. Này các tỳ khưu, miếng ăn khất thực là tầm thường và dễ đạt được trong số các loại vật thực, và vật ấy không bị khiển trách. Này các tỳ khưu, gốc cây là tầm thường và dễ đạt được trong số các chỗ trú ngụ, và vật ấy không bị khiển trách. Này các tỳ khưu, nước tiểu hôi thối là tầm thường và dễ đạt được trong số các loại dược phẩm, và vật ấy không bị khiển trách.

Này các tỳ khưu, bốn vật này là tầm thường, dễ đạt được, và các vật ấy không bị khiển trách.

Này các tỳ khưu, khi vị tỳ khưu được hài lòng với vật tầm thường và dễ đạt được, Ta nói rằng: ‘Vị này có được một yếu tố của hạnh Sa- môn.’”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Vị hài lòng với vật không bị khiển trách, tầm thường, và dễ đạt được, thì có tâm không có buồn phiền liên quan đến chỗ trú ngụ, y phục, nước uống, vật thực, và không bị ưu phiền về các phương (đi đến).
  1. Và các pháp nào được tuyên bố phù hợp với hạnh Sa-môn, được vượt trội, là dành cho vị tỳ khưu hài lòng, không bị xao lãng này.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 3. KINH DIỆT TRỪ LẬU HOẶC

[102]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, Ta nói về sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không cho người không biết, không cho người không thấy. Và này các tỳ khưu, sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết gì, cho người thấy gì?

Này các tỳ khưu, sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là khổ.’ Sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là nhân sanh của khổ.’ Sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là sự diệt tận khổ.’ Sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ.’ Và này các tỳ khưu, sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy là như vậy.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Đối với vị hữu học đang học tập, có sự hành trì theo đạo lộ ngay thẳng, thứ nhất là trí về sự diệt trừ, sau đó là sự hiểu biết vô thượng.
  1. Kế đó là sự hiểu biết của vị đã được giải thoát, trí giải thoát tối thượng, trí về sự diệt trừ sanh khởi rằng: ‘Các ràng buộc đã được cạn kiệt.
  1. Niết Bàn này, sự giải thoát tất cả trói buộc, không thể nào được chứng đạt bởi kẻ biếng nhác, ngu dốt, không nhận thức.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 4. KINH SA-MÔN VÀ BÀ-LA-MÔN

[103]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, bất cứ các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến diệt tận Khổ,’ này các tỳ khưu, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được Ta công nhận là Sa-môn trong số các Sa-môn, không được Ta công nhận là Bà-la-môn trong số các Bà-la-môn, và hơn nữa không có trường hợp các vị đại đức này, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú mục đích của hạnh Sa-môn hoặc mục đích của hạnh Bà-la-môn.

 Và bất cứ các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến diệt tận Khổ,’ này các tỳ khưu, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta công nhận là Sa-môn trong số các Sa-môn, được Ta công nhận là Bà-la-môn trong số các Bà-la-môn, và hơn nữa các vị đại đức ấy ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú mục đích của hạnh Sa-môn hoặc mục đích của hạnh Bà-la-môn.”

 Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Những người nào không nhận biết về khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và không biết về đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ.
  1. Những người ấy là thấp kém về sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy không thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ đi đến sanh và già.
  1. Và những người nào nhận biết về khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và nhận biết về đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ.
  1. Những người ấy thành tựu sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy có thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ không đi đến sanh và già.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 5. KINH THÀNH TỰU GIỚI

[104]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu nào thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu trí và sự nhận thức về giải thoát, là những vị giáo giới, những vị giảng giải, những vị chỉ dạy, những vị thức tỉnh, những vị khuyến khích, những vị tạo niềm phấn khởi, những vị thuyết giáo đầy đủ và đúng đắn về Diệu Pháp.

Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc lắng nghe các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc đi đến gần các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc hầu cận các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc nhớ đến các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc xuất gia theo các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ.

 Điều ấy có nguyên nhân là gì?

Này các tỳ khưu, đối với người đang phục vụ, đang cộng sự, đang hầu cận các vị tỳ khưu như thế, giới uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, định uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, tuệ uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, giải thoát uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, trí và sự nhận thức về giải thoát uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển.

Và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu như thế ấy còn được gọi là ‘các vị đạo sư,’ còn được gọi là ‘các vị lãnh đạo đoàn xe,’ còn được gọi là ‘các vị từ bỏ ô nhiễm,’ còn được gọi là ‘các vị xua tan bóng tối,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra ánh sáng,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra hào quang,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra cây đèn,’ còn được gọi là ‘các vị cầm cây đuốc,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra nguồn sáng,’ còn được gọi là ‘các bậc Thánh,’ còn được gọi là ‘các vị có mắt.’”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Như vậy là cơ sở tạo ra sự hoan hỷ cho những người đang nhận thức, tức là những vị có bản thân đã được tu tập, của các bậc Thánh có mạng sống đúng theo Pháp.
  1. Các vị ấy, các bậc tạo ra nguồn sáng, các bậc tạo ra ánh sáng, các bậc sáng trí, các bậc có mắt, các bậc từ bỏ ô nhiễm. làm sáng tỏ, làm chói sáng Diệu Pháp.
  1. Thật vậy, những người sáng suốt, sau khi lắng nghe lời dạy của các vị này, sau khi hiểu biết đúng đắn, sau khi biết rõ sự diệt trừ việc sanh ra, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 6. KINH SỰ SANH KHỞI CỦA THAM ÁI

[105]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, đây là bốn sự sanh khởi của tham ái, tại đó tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Bốn sự sanh khởi nào?

Này các tỳ khưu, do nhân y phục tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Này các tỳ khưu, do nhân đồ ăn khất thực tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Này các tỳ khưu, do nhân chỗ trú ngụ tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Này các tỳ khưu, do nhân có hay không có như thế, tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu.

 Này các tỳ khưu, đây là bốn sự sanh khởi của tham ái, tại đó tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến cõi này và cõi khác, con người không vượt qua được luân hồi.

 

  1. Sau khi biết được sự bất lợi như vậy, (biết được) tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị tỳ khưu, đã xa lìa tham ái, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 7. KINH CÓ PHẠM THIÊN

[106]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có Phạm Thiên. Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có chư Thiên đầu tiên. Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có các vị thầy đầu tiên. Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có các bậc đáng được cống hiến.

Này các tỳ khưu, ‘Phạm Thiên’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Này các tỳ khưu, ‘chư Thiên đầu tiên’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Này các tỳ khưu, ‘các vị thầy đầu tiên’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Này các tỳ khưu, ‘các bậc xứng đáng sự cống hiến’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Điều ấy có nguyên nhân là gì?

Này các tỳ khưu, mẹ và cha đối với các con là có nhiều sự hỗ trợ, là những người chăm sóc, là những người nuôi dưỡng, là những người chỉ dạy về thế gian này.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Mẹ và cha được gọi là ‘Phạm Thiên,’ ‘các vị thầy đầu tiên,’ và ‘các bậc xứng đáng sự cống hiến’ của các con, là những người có lòng thương tưởng đến hàng con cháu.
  1. Chính vì thế, đối với mẹ và cha, bậc sáng suốt nên kính lễ và tôn vinh với cơm ăn, nước uống, vải vóc, và giường nằm, với sự xoa bóp, với việc tắm, và việc rửa sạch các bàn chân.
  1. Với việc phục vụ ấy đến mẹ và cha, ngay ở kiếp này các bậc sáng suốt ca ngợi người ấy, sau khi chết vui hưởng ở cõi Trời.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 8. KINH NHIỀU SỰ ÍCH LỢI

[107]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các Bà-la-môn và các gia chủ là có nhiều ích lợi cho các ngươi, họ cung cấp cho các ngươi với những vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng có nhiều sự hỗ trợ cho các Bà-la-môn và các gia chủ là việc các ngươi thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, các ngươi giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Này các tỳ khưu, như vậy Phạm hạnh này được tồn tại nhờ vào nương tựa lẫn nhau nhằm mục đích vượt qua khỏi cơn lũ, nhằm làm chấm dứt khổ một cách đúng đắn.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Những người có nhà (tại gia) và các vị không nhà (xuất gia), cả hai, được nương tựa lẫn nhau, làm thành tựu Diệu Pháp, sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc.
  1. Ở những người có nhà, các vị không nhà thọ nhận y phục, vật dụng cần thiết, chỗ nằm ngồi, (có tác dụng) xua đi các hiểm họa.
  1. Vả lại, nương tựa vào đấng Thiện Thệ, những người tại gia, có sự tầm cầu ngôi nhà, đang có niềm tin vào các bậc A-la-hán, vào bậc có thiền chứng bằng Thánh tuệ.
  1. Ở nơi đây, sau khi thực hành Giáo Pháp, đạo lộ đưa đến chốn an vui, họ có niềm vui, có sự mong muốn các dục, vui hưởng ở thế giới chư Thiên.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 9. KINH DỐI TRÁ

[108]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào là dối trá, ương ngạnh, nói nhiều, lừa đảo, khoác lác, không định tĩnh, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy không phải là những người tận tụy, và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy đã lìa khỏi Pháp và Luật này. Và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy không đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.

Và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào là không dối trá, không nói nhiều, sáng trí, không ương ngạnh, khéo định tĩnh, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy là những người tận tụy, và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy là không lìa khỏi Pháp và Luật này. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Những người dối trá, ương ngạnh, nói nhiều, lừa đảo, khoác lác, không định tĩnh, những người ấy không tiến triển trong Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng.
  1. Các vị không dối trá, không nói nhiều, sáng trí, không ương ngạnh, khéo định tĩnh, thật vậy các vị ấy tiến triển trong Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 10. KINH NGƯỜI VÀ SẮC ĐÁNG YÊU

[109]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, cũng giống như người bị cuốn trôi bởi dòng chảy của con sông có sắc đáng yêu, có sắc khoái lạc. Có người sáng mắt đứng ở bờ sông nhìn thấy người ấy và nói như vầy: ‘Này ông, mặc dầu ông bị cuốn trôi bởi dòng chảy của con sông có sắc đáng yêu có sắc khoái lạc, tuy nhiên nơi đây ở bên dưới có cái hồ nước lớn có sóng, có dòng nước xoáy, có cá dữ, có quỷ sứ. Này ông, sau khi đến nơi ấy, ông phải gánh chịu sự chết hoặc khổ đau gần như chết.’ Này các tỳ khưu, khi ấy người ấy, sau khi lắng nghe lời nói của người đàn ông ấy, thì nỗ lực bằng các cánh tay và các bàn chân lội ngược dòng.

 Này các tỳ khưu, ví dụ này của Ta được tạo ra nhằm làm cho hiểu biết về ý nghĩa. Đây là ý nghĩa ở câu chuyện này:

Này các tỳ khưu, ‘dòng chảy của con sông’ là từ biểu trưng của tham ái. Này các tỳ khưu, ‘có sắc đáng yêu có sắc khoái lạc’ là từ biểu trưng của sáu nội xứ. Này các tỳ khưu, ‘hồ nước lớn ở bên dưới’ là từ biểu trưng của năm sự ràng buộc ở phần dưới. Này các tỳ khưu, ‘có sóng’ là từ biểu trưng của giận dữ và buồn phiền. Này các tỳ khưu, ‘có xoáy nước’ là từ biểu trưng của năm loại dục. Này các tỳ khưu, ‘có cá dữ, có quỷ sứ’ là từ biểu trưng của phụ nữ. Này các tỳ khưu, ‘ngược dòng’ là từ biểu trưng của việc xuất ly. Này các tỳ khưu, ‘nỗ lực bằng các cánh tay và các bàn chân’ là từ biểu trưng của vị đang ra sức tinh tấn. Này các tỳ khưu, ‘người sáng mắt đứng ở bờ sông’ là từ biểu trưng của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Người ước nguyện sự an toàn đối với các trói buộc trong ngày vị lai nên từ bỏ các dục cho dầu có sự khổ đau.

Trong khi nhận biết một cách đúng đắn, người có tâm khéo được giải thoát có thể chạm đến sự giải thoát vào chính thời điểm ấy.

Vị hiểu biết sâu sắc ấy, có Phạm hạnh đã được hoàn mãn được gọi là ‘vị đã đi đến tận cùng thế giới, vị đã đi đến bờ kia.’”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 11. KINH BƯỚC ĐI

[110]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang bước đi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang bước đi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang đứng có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang đứng vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’

 Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang ngồi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang ngồi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang bước đi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang bước đi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang đứng có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang đứng vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang ngồi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang ngồi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

 Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Nếu trong lúc đang đi, hoặc đang đứng, đang ngồi, hoặc đang nằm, vị nào suy tầm sự suy tầm ác xấu, liên hệ đến đời sống gia đình.
  1. Vị ấy thực hành đường lối sai trái, bị mê mẩn ở những sự việc làm cho si mê, vị tỳ khưu như thế ấy không có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.
  1. Còn vị nào, trong lúc đang đi, hoặc đang đứng, đang ngồi, hoặc đang nằm, làm cho sự suy tầm được yên lặng, thích thú trong sự an tịnh các suy tầm, vị tỳ khưu như thế ấy có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 12. KINH GIỚI THÀNH TỰU

[111]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống với giới được thành tựu, với giới bổn Pātimokkha được thành tựu. Các ngươi hãy sống thu thúc trong sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học.

Này các tỳ khưu, trong khi sống với giới được thành tựu, với giới bổn Pātimokkha được thành tựu, trong khi sống thu thúc trong sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, trong khi thọ trì và thực hành trong các điều học, này các tỳ khưu, có việc gì hơn nữa cần phải làm?

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang bước đi có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang bước đi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

 Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang đứng có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang đứng vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang ngồi có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang ngồi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang nằm có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang nằm vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Vị tỳ khưu trong khi ra sức, nên bước đi; trong khi ra sức, nên đứng; trong khi ra sức, nên ngồi; trong khi ra sức, nên nằm; trong khi ra sức, nên co (tay chân) lại; trong khi ra sức việc ấy, nên duỗi (tay chân) ra.
  1. Ở phía trên, ở bề ngang, ở bên dưới, cho đến phạm vi của thế giới, là người quán sát đúng đắn sự sanh và diệt của các pháp, của các uẩn.
  1. Vị có sự an trú như vậy, có sự nhiệt tâm, có hành vi an tịnh, không kiêu hãnh, có sự đúng đắn trong sự vắng lặng của tâm, đang học tập, luôn luôn có niệm, người ta gọi vị tỳ khưu thuộc hạng như thế là ‘vị thường xuyên có bản tánh cương quyết.’

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

4. 1. 13. KINH GIÁC NGỘ VỀ THẾ GIỚI

[112]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu. Đức Như Lai đã không còn bị gắn bó với thế giới. Này các tỳ khưu, nhân sanh khởi của thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu, nhân sanh khởi của thế giới đã được đức Như Lai dứt bỏ. Này các tỳ khưu, sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu, sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai chứng ngộ. Này các tỳ khưu, sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu, sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai tu tập.

Này các tỳ khưu, điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, đã đạt đến, đã được tầm cầu, đã được đeo đuổi bởi tâm ý của thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, bởi vì điều ấy đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’

Và này các tỳ khưu, vào đêm đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu quả vị Chánh Đẳng Giác vô thượng, và vào đêm Ngài Vô Dư Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, điều mà Ngài thuyết giảng, nói ra, chỉ dạy trong khoảng thời gian này, tất cả điều ấy đều là như thế, không sai khác; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’

Này các tỳ khưu, đức Như Lai nói như thế nào làm như thế ấy, làm như thế nào nói như thế ấy. Như vậy, nói như thế nào làm như thế ấy, làm như thế nào nói như thế ấy; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’

Này các tỳ khưu, ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, đức Như Lai là đấng chiến thắng, bậc không bị chế ngự, bậc nhìn thấy tất cả, bậc vận hành quyền lực; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Sau khi biết rõ tất cả thế giới, (biết rõ) đúng theo thực thể về tất cả thế giới, không còn bị gắn bó với tất cả thế giới, không có sự dính líu ở tất cả thế giới.
  1. Đấng Chiến Thắng, bậc sáng trí, có sự giải thoát tất cả trói buộc, vị này đã chạm đến sự an tịnh tối thượng, Niết Bàn, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.
  1. Vị này có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được giác ngộ, không bị khổ sở, sự nghi ngờ đã được cắt đứt, đã đạt đến sự diệt trừ tất cả các nghiệp, đã được giải thoát ở sự tiêu diệt của các mầm tái sanh.
  1. Vị này đây là đức Thế Tôn, bậc Giác Ngộ, vị này là loài sư tử vô thượng, đã chuyển vận bánh xe (Pháp) cao thượng của thế gian luôn cả chư Thiên.
  1. Như thế, chư Thiên và nhân loại, những người nào đi đến nương nhờ đức Phật, sau khi tụ hội lại, họ lễ bái Ngài, bậc vĩ đại, có sự tự tin.
  1. Vị đã được rèn luyện, bậc tối thượng trong số những người đang rèn luyện; vị an tịnh, bậc ẩn sĩ trong số những người đang tu tập sự an tịnh; vị đã được thoát ra, bậc tối cao trong số những người đang tự thoát ra; vị đã vượt qua, bậc cao quý trong số những người đang tự vượt qua.
  1. Chính vì như thế, họ lễ bái Ngài, bậc vĩ đại, có sự tự tin. Ở thế gian luôn cả chư Thiên, không có kẻ nào sánh bằng Ngài.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Nhóm Bốn Pháp được chấm dứt.

*****

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Bà-la-môn, bốn (vật không bị khiển trách), người biết, vị Sa-môn, (thành tựu) giới, tham ái, Phạm Thiên, nhiều sự lợi ích, dối trá, người, bước đi, với (giới) được thành tựu, và thế giới là mười ba.

Nhóm một pháp có hai mươi bảy bài Kinh, nhóm hai pháp được gom lại hai mươi hai bài Kinh, còn nhóm ba pháp có đúng năm mươi bài Kinh, và nhóm bốn pháp là mười ba bài kinh, tập Kinh này là như thế.

Trước đây, sau khi trùng tụng và tập hợp lại một trăm mười hai bài kinh vô thượng, các bậc A-la-hán đã gọi tập Kinh ấy với tên là Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy) nhằm sự tồn tại lâu dài.

PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY ĐƯỢC CHẤM DỨT.

–ooOoo–

[1] Hai kệ ngôn 3 và 4 giống hai kệ ngôn 307, 308 của Pháp Cú, Phẩm Địa Ngục.

[2] Bảy điều dính mắc (saṅga): tham ái, tà kiến, ngã mạn, sân hận, si mê, ô nhiễm, và uế hạnh (ItA. ii, 120).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *