– CHƯƠNG 3 –
THIỀN DỰA VÀO 32 PHẦN CỦA THÂN

 

Như đã đề cập trước rằng trong tu tập ‘giới nghiệp xứ’ (dhātu kammaṭṭhāna), thiền dựa vào 4 ‘giới’ (dhātu), mức cao nhất của định có thể đạt được là ‘cận định’ (upacāra samādhi) mà không bao giờ đạt đến ‘thiền an chỉ định’ (appanā samādhi jhāna) – tại sao? Sabhāva dhamm-ārammaṇatta – vì thiền sinh đang lấy trạng thái thực tính siêu lý của ‘sắc’ (rūpa) làm cảnh. Trạng thái thực tính tự nhiên của pháp thì rất sâu sắc và khó. Thiền (jhāna) không thể đạt được do đề mục thiền của bậc tu tiến là trạng thái thực tính pháp này rất sâu sắc và khó. Tuy nhiên, bậc tu tiến có thể đạt mức cao nhất của ‘định dục giới’ (kāmāvacara samādhi), gọi là ‘cận định’ (upacāra samādhi).

Hỏi: ‘Cận định’ (upacāra samādhi) này là thật phải chăng? Nó không phải là ‘cận định’ thật. Phụ Chú giải giải thích rằng, những nhà Chú giải dùng tên này là một phép ẩn dụ. Đất tiếp cận hay gần với nhà được gọi là vùng lân cận (upacāra). Tương tự như vậy, ‘định’ (samādhi) lân cận, tiếp cận hay gần với ‘thiền’ (jhāna) được gọi là ‘cận định’ (upacāra samādhi). Trong tu tiến, tu tập thiền 4 ‘giới’ (dhātu) không bao giờ đạt đến ‘thiền’ (jhāna). Như vậy, ‘định’ (samādhi) được tu tập trong thiền này gần/cận với ‘thiền’ (jhāna) phải chăng? Không nên nói như thế (nếu không có nhà, có thể nào nói có hàng xóm, láng giềng hay chăng?). Mặt khác, đối với bất cứ thiền hay nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) nào có thể dẫn dắt (neyya), đưa đến gần với ‘thiền’ (jhāna) được gọi là ‘cận định’ (upacāra samādhi). Nhưng do ‘cận định’ (upacāra samādhi) thật và ‘cận định’ đạt qua tu tập thiền 4 ‘giới’ (dhātu) có mức độ định giống nhau, nên nó được gọi là ‘cận định’ (upacāra samādhi) là một phép ẩn dụ. Trong giai đoạn tu tập định này, lấy những trạng thái thực tính làm cảnh đề mục của thiền thì ánh sáng xuất hiện. Khi nào ánh sáng này xuất hiện? Ánh sáng này xuất hiện khi ‘định’ (samādhi) đạt đến mức chuẩn của định. Nhưng nhiều thiền sinh có thể thấy một màu xám trước khi ánh sáng xuất hiện. Nếu vị ấy có khả năng quan sát theo 4 ‘giới’ (dhātu) theo màu xám thì dần dần vị ấy có thể thấy màu trắng như mây. Lần nữa, nếu vị ấy có thể quan sát 4 ‘giới’ (dhātu) theo màu trắng ấy, nó sẽ trở nên trong suốt (như thủy tinh hay khối nước đá).

Nếu thiền sinh không có khả năng quan sát theo nó, vị ấy có thể làm gì? Quan sát trạng thái cứng theo màu trắng và kế đến theo toàn thân, sau đó, lần nữa theo màu trắng; lặp lại như vậy. Sau khi nhận ra trạng thái cứng, thêm nữa quan sát trạng thái nhám. Nhận ra 2 trạng thái thực tính này, kế đến quan sát trạng thái thứ ba. Sau đó đến trạng thái thứ tư cho đến tất cả 12 trạng thái được nhận ra theo màu trắng. Rồi sau đó quan sát trạng thái cứng, nhám, nặng, mềm, mịn và nhẹ là ‘địa giới’ (paṭhavī dhātu); trạng thái chảy ra và quến dính lại là ‘thủy giới’ (āpo dhātu); trạng thái nóng và lạnh là ‘hỏa giới’ (tejo dhātu); trạng thái đẩy và chống chịu/nâng đỡ là ‘phong giới’ (vāyo dhātu). Khi tu tập theo 4 nhóm như vậy, thiền sinh sẽ bắt đầu thấy rõ những ‘giới’ (dhātu) rất trong như nước đá hay thủy tinh. Quan sát thêm ‘4 giới’ (dhātu) trong ‘giới trong suốt’ ấy. Nếu không có khả năng nhận ra nó, thì như đã hướng dẫn trước, quan sát trạng thái cứng trên toàn thân rồi chuyển sang quan sát ‘giới (dhātu) trong suốt’. Nếu có khả năng nhận ra như vậy liên tục, phát triển định thêm nữa dựa theo 4 ‘giới’ (dhātu) trong ‘giới trong suốt’ này; đối với những ai có Pāramī[18] quá khứ và cũng đối với những ai cố gắng phá vỡ dạng trong suốt thành những hạt/bọn (kalāpa) nhỏ.

Nhưng nếu thiền sinh mong muốn chuyển sang thiền ‘biến xứ’ (kasiṇa) hay ‘nghiệp xứ’ (kammaṭṭhāna) khác, thì lúc đó vị ấy cần nới lỏng ‘tinh cần’ (viriya) của vị ấy. Đó là vị ấy cần quan sát thấy biết rõ 4 ‘giới’ (dhātu) theo dạng trong suốt với sự ‘tinh cần’ vừa phải. Nếu vị ấy quan sát với ‘cần’ (viriya) vừa phải thì ánh sáng rực rỡ sẽ xuất hiện từ ‘giới trong suốt’. Ánh sáng này rất hữu ích. Tuy nhiên, có vài thiền sinh nhận ra ánh sáng trước khi thấy những ‘giới’ (dhātu) trắng hay trong suốt. Cả hai đều đúng. Nếu ánh sáng trở nên rực rỡ xuất hiện từ ‘giới trong suốt’ thì vị ấy có thể thấy 32 phần của thân bằng sức mạnh của ánh sáng này. Tại sao có thể nói như vậy? Như đã đề cập trước, Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) có nêu rằng một ‘người căn tánh thuần quán’ (suddha vipassanā yānīka) và ‘người căn tánh chỉ tịnh’ (samatha yānīka) mong muốn chuyển sang ‘tịnh kiến’ (diṭṭhi visuddhi) bắt đầu từ ‘sắc nghiệp xứ’ (rūpa kammaṭṭhāna) phải bắt đầu với ‘giới nghiệp xứ’ (dhātu kammaṭṭhāna). Khi đang thiền như vậy, điều gì xảy ra? Athassa yāthāvasarasalakkhaṇato āvibhūtāsu dhātūsu (Vism, XVIII, 5) – nếu trạng thái của 4 ‘giới’ (dhātu) xuất hiện đúng theo thực tính vào lúc tuệ quán, thiền sinh có thể quan sát thêm theo ‘sắc’ (rūpa) hiện diện trong 32 phần của thân như là 44 thứ ‘sắc’ (rūpa) trong tóc, 44 thứ ‘sắc’ (rūpa) trong lông, v.v… đó được kể là esa tāva dvattiṃ sākāre nayo. Bậc tu tiến có khả năng quan sát 44 thứ ‘sắc’ (rūpa) của tóc mà không thấy tóc hay chăng? Như vậy, điều đó có nghĩa vị ấy có thể nhận ra tóc, rồi vị ấy có thể quan sát 44 thứ ‘sắc’ (rūpa) của tóc. 44 thứ ‘sắc’ (rūpa) trong tóc là những chi? Ở đây, thiền sinh được hướng dẫn về việc này vào giai đoạn ‘sắc nghiệp xứ’ (rūpa kammaṭṭhāna) với biểu đồ. Tôi sẽ giải thích thêm về vấn đề này lần nữa trong mục ‘sắc nghiệp xứ’ (rūpa kammaṭṭhāna).

Về việc trình bày trên, nếu bậc tu tiến có thể thấy 32 phần của thân như là tóc, lông, móng, răng, da, v.v…,[19] vị ấy có thể tạm thời tách khỏi ‘sắc nghiệp xứ’ (rūpa kammaṭṭhāna) và thay vào đó là chuyển sang thiền ‘biến xứ’ (kasiṇa). Nếu vị ấy có thể tu tập theo 32 phần của thân , vị ấy phải làm gì (để chuyển sang ‘biến xứ’)? Điều này được đề cập trong Sammoha Vinodani ở trang 242. Trước tiên tu tập theo 32 phần của thân cho rõ, đầy đủ. Tu tập rõ, đầy đủ nghĩa là nếu soi sáng bằng ánh sáng (ánh sáng của tuệ), 32 phần của thân nội phần có thể được thấy rõ. Nếu đã thấy rõ, theo chư Tôn giả thời xưa, tu tập theo 32 phần của thân chủ yếu là một nhóm – Porānakattherā kira `koṭṭhāsamanasikārova pamāna’nti āhaṃsu (Sammoha vinodani). Cho nên, quan sát thấy biết rõ từ tóc đến nước tiểu là một nhóm đầu tiên. Nếu không thành công thì chỉ quan sát theo nhóm năm. Quan sát theo tóc, lông, móng, răng, da; lặp đi lặp lại. Lúc ban đầu nó có thể không được rõ. Nếu nó không được rõ, củng cố định bằng cách thiền dựa vào 4 ‘giới’ (dhātu) lần nữa. Khi ánh sáng trở nên mạnh mẽ thì quan sát theo những thân phần lần nữa. Sau khi thành công, quan sát thêm nữa theo nhóm 5 phần khác của thân; nếu thành công lần nữa thì tiếp theo nhóm năm phần khác của thân v.v… Quan sát theo hình dáng, hình dạng của gan, tim. Điều cần thiết là những pháp đó được rõ ràng với tuệ.

Sau khi được thành công với pháp nội phần (ajjhatta – tức là 32 phần của tự thân vị ấy), quan sát thêm pháp ngoại phần (bahiddhā – tức là 32 phần của thân người khác). Để quan sát pháp ngoại phần, một phương pháp hay là dùng sức mạnh của ánh sáng đã sanh sau khi tu tiến định theo cách 4 ‘giới’ (dhātu), soi sáng trên người đang ngồi phía trước bạn (trong thiền đường). Lúc ban đầu của việc quan sát pháp ngoại phần, tốt hơn là bắt đầu với người ở phía trước. Quan sát thấy biết rõ theo 32 phần của thân của vị ấy bằng sức mạnh của ánh sáng. Khi thành công trong việc quan sát theo pháp nội phần, tức là trong tự thân lần nữa và rồi quan sát theo pháp ngoại phần tức là trong người ở phía trước lần nữa; luân phiên lặp đi lặp lại. Sau khi thành công, chuyển sang người khác. Người ấy có thể đang ngồi bên cạnh bạn (trong thiền đường). Sau khi thành công quan sát theo người đang ngồi bên cạnh bạn, kế đến quan sát theo (thân phần) thiền sinh đang ngồi xung quanh bạn. Khi bạn có khả năng quan sát thuần thục theo 32 phần của thân theo cách này, kế đến nếu bạn trải, kéo ánh sáng đến một quãng xa hơn. Bạn có thể quan sát theo những chúng sanh như bò, trâu, chó, heo, gà và nhân loại dưới ánh sáng. Để quan sát theo như vậy, làm sao nó xuất hiện với tuệ của thiền sinh?

Evameva dvattiṃsa koṭṭhāsa upaṭṭhahanti – nếu bậc tu tiến nhìn vào 32 trụ của một hàng rào từ một phía thì vị ấy có thể thấy tất cả các trụ với một cái nhìn thoáng qua. Tương tự, bởi vì vị ấy có thể thấy từ tóc đến nước tiểu với một cái nhìn thoáng qua, vị ấy chỉ nhìn mà không thầm gán cho là ‘tóc, lông, v.v…’. Theo cách so sánh khác, có một vòng hoa với 32 loại hoa. Bậc tu tiến có thể thấy 32 loại hoa có màu sắc khác nhau với một cái nhìn thoáng qua. Theo cách này, khi 32 phần của thân trở nên rõ ràng với tuệ của thiền sinh, điều chi sẽ xảy ra? Vicarantā tiracchānagatāpi manussāpi sattāti na upaṭṭhahanti – Những chúng sanh nhân loại và bàng sanh này khi chúng đến gần, đối với tuệ của thiền sinh, không thấy đó là chúng sanh. Nếu như vậy, chúng xuất hiện với tuệ của vị ấy ra sao? Koṭṭhāsāti upaṭṭhahanti – Chúng chỉ xuất hiện là 32 phần của thân với tuệ của vị ấy. Khādanīya bhojāniya koṭṭhāsantare pakkhipamānaṃ viya hoti – Khi chúng ăn vật thực, nó có thể trở nên rõ ràng với tuệ của vị ấy rằng chúng đang đặt vật thực vào giữa 32 phần của thân . Nếu vị ấy có khả năng quan sát như vậy thì vị ấy trở nên thuần thục trong thiền dựa vào 32 phần của thân. Điều chi xảy ra kế tiếp?

Koṭṭhāsānaṃ pagunakālato paṭṭhaya tīsu mukhesu ekena mukhena vimuccissati – nếu vị ấy trở nên thuần thục trong thiền dựa vào 32 phần của thân, có ba lối vào Nibbāna. Vị ấy sẽ chắc chắn đạt Nibbāna bằng cách thâm nhập từ một trong những lối vào ấy. Vị ấy sẽ chắc chắn thoát khỏi phiền não (kilesa). Ở đây, không có nghĩa là có ba con đường để đạt đến Nibbāna. Nó chỉ có nghĩa cho giai đoạn tu tiến từ định. Vì có 40 loại thiền (nghiệp xứ – kammaṭṭhāna) vào giai đoạn tu tập định, bậc tu tiến có thể nói rằng có 40 con đường. Nhưng ở giai đoạn ‘quán, minh sát’ (vipassanā) chỉ có một con đường để đạt đến Nibbāna. Nó là con đường từ ‘tịnh kiến’ (diṭṭhi visuddhi) tiến lên đến tuệ ‘minh sát’ (vipassanā ñāṇa) cao hơn. Bây giờ là chỉ ở giữa giai đoạn ‘chỉ tịnh’ (samatha). Ba lối vào là chi?

Kammaṭṭhānaṃ Vaṇṇato va paṭikkūlato và suññato vā upaṭṭhati (Sammoha vinodani) – hoặc là Vaṇṇa, xuất hiện của các màu; hay Paṭikūla, xuất hiện của sự ghê tởm/ chán ghét; hoặc Suñña – xuất hiện trạng thái thực tính của ‘giới’ (dhātu). Suñña – rỗng không, nghĩa là không có ‘người’, hay ‘chúng sanh’, mà chỉ một đống, tập hợp những ‘giới’ (dhātu). Cho nên, nếu vị ấy tu tập theo 32 phần của thân thì 3 con đường có thể được tu tập: 1) Vaṇṇa, thiền dựa vào ‘biến xứ’ (kasiṇa) màu; 2) Paṭikūla, vị ấy có thể thiền dựa vào sự ghê tởm; 3) Suñña rỗng không, vị ấy có thể thiền dựa vào thực tính của những ‘giới’ (dhātu).

Yathā nāma pūve pacitukāma itthī madditvā ṭhapitapiṭṭhato yaṃ yaṃ icchati taṃ taṃ pacati giả sử một người nữ muốn làm vài cái bánh ngọt, trước tiên cô ấy xay nếp, trộn nó với nước và khuấy. Sau khi được khuấy đều, bột rất mịn và dẻo, có thể được làm thành bất cứ loại bánh nào mà cô ta thích. Vì vậy, chiếc bánh có thể là một cái bánh nướng nhân dừa với đường; hoặc là một khối bột nếp nhão; hoặc bất cứ hình dáng, bất cứ loại bánh ngọt. Ví dụ khác: Yathā vā pana same bhūmippadese ṭhapitaṃ udakapūraṃ kumbhaṃ yato yato āviñchanti, tato tatova udakaṃ nikkhamati – khi đặt một cái nồi đầy nước trên nền vị ấy có thể dễ dàng chế nước ra ở bất cứ hướng nào. Nước có thể dễ dàng chảy ra bất cứ hướng nào. Evameva koṭṭhāsānaṃ pagunakālato paṭṭhaya tīsu mukhesu ekena mukhena vimuccissati – cũng vậy, bậc tu tiến có thể thật sự được thoát khỏi ‘phiền não’ (kilesa) bằng bất cứ một trong 3 lối vào sau khi tu tập 32 phần của thân thuần thục.

Ākankhamānassa Vaṇṇato, ākaṅkhamānassa paṭikkūlato, ākaṅkhamānassa suññato kammaṭṭhānaṃ upaṭṭhahissatiyeva – Nếu vị ấy mong muốn tu tập thiền ‘biến xứ’ (kasiṇa) màu, vị ấy có thể làm như vậy. Nếu vị ấy mong muốn tu tập thiền dựa vào sự ghê tởm, chán ghét, vị ấy có thể làm như vậy. Nếu vị ấy mong muốn tu tập thiền dựa vào thực tính của các ‘giới’ (dhātu), vị ấy có thể làm như vậy.

Từ thiền ‘biến xứ’ (kasiṇa) màu, thiền thứ tư (4th jhāna) có thể đạt được. Dựa trên thiền thứ tư, bậc tu tiến có thể phát triển thêm đến ‘thiền vô sắc’ (arūpa jhāna). Tóc thì màu nâu. Tu tập theo ‘biến xứ’ (kasiṇa) nâu bậc tu tiến sẽ đạt thiền thứ tư. Chuyển từ giai đoạn đó sang ‘thiền vô sắc’, bậc tu tiến có thể đạt 8 ‘thiền chứng’ (samāpatti). Răng thì màu trắng. Xương thì màu trắng. Tu tập theo ‘biến xứ’ trắng, có thể đạt được 8 ‘thiền chứng’. Máu thì màu đỏ. Tu tập theo ‘biến xứ’ đỏ, có thể đạt được 8 ‘thiền chứng’. Mỡ và nước tiểu thì màu vàng. Tu tập theo ‘biến xứ’ vàng, có thể đạt được 8 ‘thiền chứng’. Nếu bậc tu tiến mong muốn đạt 8 ‘thiền chứng’ này, vị ấy phải chuyển sang biến xứ màu.

Mặt khác, nếu thiền sinh tu tập thiền bất tịnh thì vị ấy chỉ có thể đạt ‘thiền thứ nhất’ (1st jhāna) do sự ghê tởm/chán ghét được biết bằng tuệ. Không có sự trợ giúp của ‘tầm’ (vitakka) (đưa, đặt tâm áp sát vào cảnh) ‘tâm tu tiến’ (bhāvanā citta) không thể được vững vàng, ổn định theo một cảnh bất tịnh. Cho nên, với ‘tầm’ (vitakka), nó chỉ là khả năng làm cho tâm vững vàng, ổn định theo cảnh đề mục. Vì vậy, chỉ có thể đạt được ‘thiền thứ nhất’ (1st jhāna), với sự hiện diện của ‘tầm’. Còn như sự rỗng không (suñña), đó là thiền dựa vào thực tính của những ‘giới’ (dhātu).

Tu tiến ba con đường này, trước tiên thiền sinh phải chọn một phần của thân. Vị ấy phải tu tập thuần thục theo phần của thân đã chọn đó. Ví dụ, một thiền sinh chọn xương. Vị ấy trước tiên phải có khả năng thấy xương. Thiền sinh thuần thục, thiện xảo trong thiền 32 phần của thân nội phần (ajjhatta) và ngoại phần (bahiddhā), phải quan sát thấy biết rõ theo xương nội phần hay ngoại phần. Thiền sinh tùy chọn theo vị ấy muốn. Nếu thiền sinh nhận thấy thiền theo pháp ngoại phần tốt hơn, thì vị ấy cần phải bắt đầu tu tập theo pháp ngoại phần. Nếu pháp nội phần tốt hơn, thì vị ấy cần phải bắt đầu tu tập theo pháp nội phần. Giả dụ vị ấy chọn phương pháp tu tập theo pháp ngoại phần. Khi ánh sáng trở nên mạnh mẽ do tu tập 4 ‘giới’ (dhātu), quan sát theo 32 phần của thân nội phần và ngoại phần, lần lượt bằng ánh sáng. Sau khi thành công, soi sáng bằng ánh sáng theo xương ngoại phần. Giữ tâm vững vàng theo xương và chú ý theo sự ghê tởm, chán ghét về xương này. Thiền như vậy, 2 mục tiêu có thể được hoàn thành: để có khả năng chuyển sang ‘biến xứ’ (kasiṇa) màu và để được thuần thục theo sự bất tịnh của xương.

Chú ý theo sự bất tịnh của xương, thiền là ‘ghê tởm/chán ghét’ (paṭikula, paṭikula …), nếu bạn thích Pāḷi, hoặc không thì thiền ‘ghê tởm, ghê tởm …’. Giữ tâm tập trung và ổn định vững vàng theo sự ghê tởm về xương hoặc xương thì ghê tởm. Vào lúc ban đầu, bậc tu tiến có thể có khả năng giữ tâm ổn định vững vàng trong 10 hay 20 phút. Quyết định tăng dần. Nói rằng, nếu sau 10 phút thì ‘Mong cho tôi có khả năng tập trung trong 20 phút’ được thành công, rồi ‘Mong cho tôi được khả năng tập trung trong một giờ’ v.v… lâu như bạn mong muốn. Nếu tâm miệt mài chăm chú trong một giờ theo sự ghê tởm về xương, quyết định được khả năng làm như vậy trong 3 hay 4 thời ngồi. Đây bởi vì có một nguyên tắc người mới bắt đầu phải miệt mài nhiều hơn nhưng ít hơn trong việc xem lại ‘‘chi thiền’’ (jhānaṅga). Theo nguyên tắc này, việc xem lại ‘chi thiền’ phải ít hơn vào lúc ban đầu. Chủ yếu tu tập miệt mài trong thiền.

Nếu thành công về khả năng miệt mài trong một giờ đồng hồ lấy sự ghê tởm về xương làm cảnh đề mục trong 3 hay 4 thời ngồi, thì với thời ngồi kế tiếp quyết tâm miệt mài theo cùng cảnh trong một giờ đồng hồ. Sau một giờ đồng hồ, tâm tu tiến đang thiền theo sự ghê tởm sinh khởi nương vào sắc ý vật (hadaya vatthu) trong tim. Nếu bạn quan sát nơi sắc ý vật (hadaya vatthu) thì 5 ‘chi thiền’ (jhānaṅga) hiển rõ.

1)   Vitakka    – tầm là đưa, đặt tâm áp sát vào cảnh.

2)   Vicāra     – tứ là duy trì, giữ tâm theo cảnh.

3)   Pīti          – hỷ là mừng đối với cảnh.

4)   Sukha      – lạc là hưởng sự an vui đối với cảnh.

5)   Ekaggatā – định là nhất tâm theo cảnh.

Nếu 5 ‘chi thiền’ (jhānaṅga) xuất hiện, tu tập thuần thục, thành thạo (vasī) theo thiền định thứ nhất (1st jhāna samādhi). Xem lại 5 ‘chi thiền’ bằng ‘tâm lộ đổng lực ý môn’ (manidvārika javana vīthi citta). ‘Tâm khai ý môn’[20] (manodvārāvajjana citta) có thể quan sát thấy biết rõ 5 ‘chi thiền’. Bậc tu tiến cần phải tu tập để có khả năng quan sát như vậy. ‘đổng lực’ (javana) cũng có thể quan sát những ‘chi thiền’. Quan sát những ‘chi thiền’ bằng ‘đổng lực’ (javana) được gọi là ‘phản khán thuần thục’ (paccavekkhana vasī). Xem lại bằng ‘Tâm khai ý môn’ (manodvārāvajjana citta) được gọi là ‘hướng tâm thuần thục (āvajjana vasī). Vì vậy, có hai cách xem lại. Năm pháp thuần thục là: 1) āvajjana vasī: quan sát những ‘chi thiền’ bằng khai ý môn; 2) samāpajjana: tu tập để có khả năng nhập vào thiền bất cứ lúc nào; 3) adhitthāna vasī: tu tập để có khả năng trú trong thiền trong thời gian dài như bạn xác định trú. Nếu bạn xác định 1 giờ đồng hồ thì được chăm chú miệt mài trong thiền 1 giờ đồng hồ; nếu xác định 2 giờ đồng hồ thì được chăm chú miệt mài trong thiền 2 giờ đồng hồ; 4) vutthāna vasī: tu tập để có khả năng xuất khỏi thiền bất cứ lúc nào; 5) paccavekkhana vasī: quan sát những ‘chi thiền’ bằng tâm đổng lực-javana.

Tu tập 5 pháp thuần thục này thật kỹ. Sau khi thành công trong việc tu tập theo xương ngoại phần thì chuyển sang thiền dựa vào xương nội phần. Hoặc nếu thiền sinh bắt đầu với xương nội phần thì chuyển sang thiền dựa vào xương ngoại phần. Lần lượt thiền theo pháp nội phần và ngoại phần, tu tập 5 pháp thuần thục rồi thiền dựa vào xương ngoại phần từng người một. Nếu 5 ‘chi thiền’ của thiền dựa vào xương của một người xuất hiện thì chuyển sang người thứ hai. Nếu ‘chi thiền’ xuất hiện thì chuyển sang thiền theo người thứ ba và v.v…, liên tiếp từng người một. Nếu tất cả trở thành xương thì vị ấy thuần thục thiền dựa vào xương. Khi có khả năng tu tập thiền dựa vào xương cho đến khi xuất hiện những chi thiền; nếu đang đi bạn chỉ thấy rõ xương; nếu đang ngồi bạn chỉ thấy rõ xương; nếu đang đứng hoặc đang nằm xuống bạn chỉ thấy rõ xương thì việc tu tập được đúng đắn. Đó là đang chuẩn bị một sự thay đổi sang thiền ‘biến xứ’ (kasiṇa). Nếu xương trở nên ổn định vững vàng trong tâm vị ấy, vị ấy có thể chuyển sang thiền ‘biến xứ’ (kasiṇa).

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *