ĐẠI PHẨM II – CHƯƠNG Y PHỤC: TỤNG PHẨM VISĀKHĀ

Đại Phẩm II

Chương Y Phục

Tụng Phẩm Visākhā

Vào lúc bấy giờ, đức vua xứ Kāsi đã gởi đến Jīvaka Komārabhacca tấm mền len trị giá nửa kāsi[2] (hoặc) tương đương với nửa kāsi. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy tấm mền len trị giá nửa kāsi ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tấm mền len này của con trị giá nửa kāsi (hoặc) tương đương với nửa kāsi đã được đức vua xứ Kāsi gởi đến. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lãnh tấm mền, điều ấy sẽ đem lại sự lợi ích và sự an lạc lâu dài cho con.” Đức Thế Tôn đã thọ lãnh tấm mền len.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm mền len.”

Vào lúc bấy giờ, có các y đủ loại phát sanh đến hội chúng. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Loại y nào đã được đức Thế Tôn cho phép, loại nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại y: loại bằng sợi lanh, loại bằng bông vải, loại bằng tơ lụa, loại bằng sợi len, loại bằng gai thô, loại bằng chỉ bố.”

Vào lúc bấy giờ, những vị tỳ khưu nào chấp nhận y của gia chủ, những vị ấy trong lúc ngần ngại không chấp nhận loại vải dơ bị quăng bỏ (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn cho phép chỉ một loại y chứ không phải hai.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị chấp nhận y của gia chủ chấp nhận luôn cả loại vải dơ bị quăng bỏ. Này các tỳ khưu ta ngợi khen sự biết đủ với cả hai loại ấy.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã không chờ đợi. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những vị tỳ khưu không chờ đợi đã nói như vầy: – “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không chờ đợi?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép không chia phần cho các vị không chờ đợi nếu không muốn.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã chờ đợi. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những tỳ khưu chờ đợi đã nói như vầy: – “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không đi vào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đã chờ đợi cho dầu không muốn.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma trước để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã đi vào sau. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma trước đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những vị tỳ khưu đi vào sau đã không nhặt được. Những vị ấy đã nói như vầy: – “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã đi vào sau?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép không chia phần cho các vị đi vào sau nếu không muốn.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Các vị đã đi vào bãi tha ma cùng một lúc để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số vị tỳ khưu đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Một số vị tỳ khưu đã không nhặt được. Những vị tỳ khưu không nhặt được đã nói như vầy: – “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không nhặt được?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đi vào cùng một lúc cho dầu không muốn.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Các vị đã thỏa thuận với nhau rồi đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số vị tỳ khưu đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Một số vị tỳ khưu đã không nhặt được. Những vị tỳ khưu không nhặt được đã nói như vầy: – “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không nhặt được?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đi vào sau khi đã thỏa thuận cho dầu không muốn.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng cầm y đi đến tu viện. Trong khi không gặp được vị có trách nhiệm tiếp nhận nên họ mang về. Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị tiếp nhận y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được tiếp nhận hay chưa được tiếp nhận.

Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị tiếp nhận y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu là các vị tiếp nhận y sau khi thọ lãnh y bỏ ngay tại chỗ ấy rồi ra đi. Y bị mất. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị cất giữ y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được cất giữ hay chưa được cất giữ.

Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị cất giữ y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu là các vị cất giữ y cất giữ y ở mái che, ở gốc cây, ở hốc cây nimba. Các y bị gặm nhấm bởi các con chuột và loài mối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định nhà kho chứa đồ thuộc loại nào mà hội chúng thích, (có thể) là trú xá, nhà một mái, tòa nhà dài, khu nhà lớn, hoặc hang động.

Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là nhà kho chứa đồ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Vào lúc bấy giờ, y ở trong nhà kho chứa đồ của hội chúng không được bảo quản. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị quản lý nhà kho là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được bảo quản hay không được bảo quản. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quản lý nhà kho. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bãi nhiệm vị quản lý nhà kho. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên bãi nhiệm vị giữ nhà kho; vị nào bãi nhiệm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, trong nhà kho chứa đồ của hội chúng y được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép hội chúng chia phần theo sự hiện diện.”

Vào lúc bấy giờ, toàn thể hội chúng trong lúc chia phần y đã gây ra cảnh náo động. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị chia y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (y) đã được phân chia hay chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị chia y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Sau đó, các tỳ khưu là các vị chia y đã khởi ý điều này: “Y nên được chia như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trước tiên phân loại, phỏng định giá trị, làm cho đồng đều (giá trị), đếm số tỳ khưu, gom lại thành nhóm, rồi xác định phần chia về y.”

Khi ấy, các tỳ khưu là các vị chia y đã khởi ý điều này: “Phần chia về y có nên được cho đến các sa di hay không?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép cho các sa di một nửa của phần chia về y.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng) với phần chia của bản thân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trao cho phần chia của bản thân đến vị đang (chuẩn bị) vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng).”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng) với phần chia nhiều hơn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trao cho phần chia nhiều hơn khi vật đền bù được trao lại.”

Sau đó, các tỳ khưu là các vị chia y đã khởi ý điều này: “Phần chia về y nên được trao cho như thế nào, theo thứ tự đi đến hay là theo thâm niên?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép bốc thăm để làm hoan hỷ các vị không được phần.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhuộm y với phân bò và đất sét đỏ. Y có màu sắc xấu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại thuốc nhuộm: thuốc nhuộm từ rễ cây, thuốc nhuộm từ thân cây, thuốc nhuộm từ vỏ cây, thuốc nhuộm từ lá cây, thuốc nhuộm từ bông hoa, thuốc nhuộm từ trái cây.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhuộm y với nước lạnh. Y có mùi hôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép nồi nhuộm loại nhỏ để nấu thuốc nhuộm.” Thuốc nhuộm bị tràn ra. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc vòng đế tròn (ở bên trong nồi thuốc nhuộm).”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không biết thuốc nhuộm đã được nấu hay chưa được nấu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép nhỏ giọt vào trong nước hoặc ở bề lưng của móng tay.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu khi đổ thuốc nhuộm ra, cái nồi bị xoay tròn. Cái nồi bị bể. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép cái môi múc thuốc nhuộm, cái gàu có cán.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không có cái thùng để nhuộm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chậu nhuộm, lu nhuộm.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu vò nhồi y trong cái đĩa, trong bình bát. Y đã bị thủng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép máng nhuộm.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu trải y ra ở nền đất. Y bị lấm bụi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thảm cỏ.” Thảm cỏ bị mối ăn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép sào máng y, dây treo y.” Các vị treo cao lên ở giữa. Thuốc nhuộm chảy ra hai bên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc ở các góc (y).” Góc (y) bị sờn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép sợi chỉ ở các góc (y).” Thuốc nhuộm chảy ở một bên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép nhuộm bằng cách đảo y trở qua rồi đảo y trở lại, và không được bỏ đi khi nước chưa ngừng nhỏ giọt.”

Vào lúc bấy giờ, y bị cứng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngâm trong nước.”

Vào lúc bấy giờ, y bị thô nhám. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đập bằng bàn tay.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc các y ca-sa màu ngà voi chưa được cắt. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên mặc các y chưa được cắt; vị nào mặc thì phạm tội dukkaṭa.”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Dakkhiṇāgiri. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ngắn ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, ngươi có nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha của chúng ta được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ngắn ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau không?” – “Bạch ngài, thưa có.” – “Này Ānanda, ngươi có khả năng tạo nên các y có kiểu mẫu như thế cho các vị tỳ khưu không?” – “Bạch Thế Tôn, con có khả năng.”

Sau đó, khi đã ngự tại Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đại đức Ānanda sau khi tự mình tạo nên các y cho nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin Thế Tôn hãy nhìn xem các y con đã tự mình tạo nên.” Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, Ānanda thật sáng trí. Này các tỳ khưu, Ānanda có đại trí tuệ bởi vì vị ấy hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ của điều đã được ta nói ra một cách vắn tắt. Vị ấy làm được dải nối theo chiều dọc (của y), vị ấy làm được dải nối theo chiều ngang (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc các dải điều bên (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc các dải điều kế (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc hai dải điều biên (của y), (như thế y) sẽ được cắt ra, sần sùi khi được ráp lại, phù hợp với Sa-môn, không còn được mong mỏi bởi những kẻ đối nghịch. Này các tỳ khưu, ta cho phép y hai lớp đã được cắt ra, thượng y đã được cắt ra, y nội đã được cắt ra (rồi ráp lại).”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Vesāli. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ôm đồm với các chiếc y đang đi đường xa giữa Rājagaha và Vesāli, các vị đã làm cuộn y ở trên đầu, các vị đã làm cuộn y ở vai, các vị đã làm cuộn y ở hông. Sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Những kẻ rồ dại này đã xoay xở được nhiều y thật nhanh chóng, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, (và) nên quy định sự giới hạn về y?”

Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Vesāli. Tại nơi đó ở Vesāli, đức Thế Tôn ngụ tại điện thờ Gotamaka. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào thời điểm tuyết rơi, đức Thế Tôn đã ngồi ở ngoài trời vào ban đêm chỉ với một y; đức Thế Tôn đã không có cảm giác lạnh. Khi canh đầu đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ nhì; đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh giữa đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ ba; đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh cuối đã qua, hừng đông đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ tư; đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Những vị nào là con trai của các nhà danh giá xuất gia ở trong Pháp và Luật này thường bị ảnh hưởng bởi sự lạnh và khiếp sợ sự lạnh, những vị ấy có thể tồn tại với ba y, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, nên quy định sự giới hạn về y cho các tỳ khưu, (và) nên cho phép ba y?”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ở đây trong khi đi trên đoạn đường xa giữa Rājagaha và Vesāli, ta đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ôm đồm với các chiếc y đang đi ngược chiều, các vị đã làm cuộn y ở trên đầu, các vị đã làm cuộn y ở vai, các vị đã làm cuộn y ở hông, sau khi nhìn thấy ta đã khởi ý điều này: ‘Những kẻ rồ dại này đã xoay xở được nhiều y thật mau mắn, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, (và) nên quy định sự giới hạn về y?’

Này các tỳ khưu, ở đây trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào thời điểm tuyết rơi, ta đã ngồi ở ngoài trời vào ban đêm chỉ với một y; ta đã không có cảm giác lạnh. Khi canh đầu đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta. Ta đã trùm lên y thứ nhì; ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh giữa đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta. Ta đã trùm lên y thứ ba; ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh cuối đã qua, hừng đông đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta. Ta đã trùm lên y thứ tư; ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi ấy, ta đã khởi ý điều này: ‘Những vị nào là con trai của các nhà danh giá xuất gia ở trong Pháp và Luật này thường bị ảnh hưởng bởi sự lạnh và khiếp sợ sự lạnh, những vị ấy có thể tồn tại với ba y, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, nên quy định sự giới hạn về y cho các tỳ khưu, (và) nên cho phép ba y?’ Này các tỳ khưu, ta cho phép ba y gồm có y saṅghāṭi hai lớp, thượng y một lớp, và y nội một lớp.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép ba y,” rồi đi vào làng với ba y nọ, mặc ở tu viện với ba y khác, và đi xuống tắm với ba y khác nữa. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại sử dụng y phụ trội?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên cất giữ y phụ trội, vị nào cất giữ thì nên được hành xử theo Pháp.”[3]

Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội được phát sanh đến đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda có ý định dâng y ấy đến đại đức Sāriputta. Và đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không được cất giữ y phụ trội.’ Và y phụ trội này đã được phát sanh đến ta. Và ta có ý muốn dâng y này đến đại đức Sāriputta mà đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa. Vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này Ānanda, bao lâu nữa Sāriputta sẽ đi đến đây?” – “Bạch Thế Tôn, ngày thứ chín hoặc ngày thứ mười.”

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép cất giữ y phụ trội tối đa mười ngày.”

Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội phát sanh đến các tỳ khưu. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên thực hành như thế nào đối với các y phụ trội?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung y phụ trội.”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesāli theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bāraṇasī. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó ở Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, nơi vườn nai.

Vào lúc bấy giờ, y nội của vị tỳ khưu nọ bị rách. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép ba y gồm có y saṅghāṭi hai lớp, thượng y một lớp, và y nội một lớp. Và y nội này của ta bị rách, hay là ta nên đắp thêm miếng vá, như thế xung quanh sẽ là hai lớp và ở giữa là một lớp?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đắp thêm miếng vá. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đang đắp thêm miếng vá, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này tỳ khưu, ngươi làm gì vậy?” – “Bạch Thế Tôn, con đắp thêm miếng vá.” – “Này tỳ khưu, thật tốt thay, thật tốt thay! Này tỳ khưu, thật tốt thay việc ngươi đắp thêm miếng vá!”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép khi vải còn mới hoặc được xem như mới thì y saṅghāṭi là hai lớp, thượng y là một lớp, và y nội là một lớp. Khi các lớp vải đã bị sờn bởi thời gian thì y saṅghāṭi là bốn lớp, thượng y là hai lớp, và y nội là hai lớp. Nên thực hiện việc nỗ lực (tìm kiếm) vải dơ bị quăng bỏ hay (được bỏ rơi) ở các cửa tiệm theo như nhu cầu. Này các tỳ khưu, ta cho phép (đắp) miếng vá, (dùng) chỉ mạng, (đắp chồng) lớp nữa, miếng vá nhỏ, và việc may lại cho chắc chắn.”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi bà Visākhā mẹ của Migāra đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà bằng bài Pháp thoại.

Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Vào lúc bấy giờ, khi trải qua đêm ấy có đám mây lớn khắp cả bốn châu đã đổ mưa xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, trời mưa ở Jetavana như thế nào thì trời mưa ở bốn châu như thế ấy. Này các tỳ khưu, hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn, có các y đã được cất đi, rồi để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.”

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra sau khi cho chuẩn bị sẵn sàng vật thực hảo hạng loại cứng loại mềm rồi đã bảo người tớ gái rằng: – “Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’” – “Thưa bà, xin vâng.” Rồi người tớ gái nghe theo bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến tu viện và nhìn thấy các vị tỳ khưu, có các y đã được cất đi, đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa. Sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa” rồi đã đi đến gặp bà Visākhā mẹ của Migāra, sau khi đến đã nói với bà Visākhā mẹ của Migāra điều này: – “Thưa bà, không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.”

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra là người sáng trí, kinh nghiệm, thông minh đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là các ngài đại đức có các y đã được cất đi, và để cho thân thể ướt đẫm nước mưa! Cô gái đần độn này đây đã nghĩ rằng: ‘Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa,’” nên đã bảo người tớ gái lần nữa rằng: – “Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’”

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy sau khi làm cho mát mẻ các phần thân thể, có cơ thể khoẻ khoắn, đã cầm lấy các y rồi đi vào trú xá của mình.

Sau đó, người tớ gái ấy đã đi đến tu viện, trong khi không nhìn thấy các vị tỳ khưu (nên nghĩ rằng): “Không có các tỳ khưu nơi tu viện, tu viện thì trống không” rồi đã đi đến gặp bà Visākhā mẹ của Migāra, sau khi đến đã nói với bà Visākhā mẹ của Migāra điều này: – “Thưa bà, không có các tỳ khưu nơi tu viện, tu viện thì trống không.”

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra là người sáng trí, kinh nghiệm, thông minh đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là các ngài đại đức sau khi làm cho mát mẻ các phần thân thể, có cơ thể khoẻ khoắn, nên đã cầm lấy các y rồi đi vào trú xá của mình. Cô gái đần độn này đây đã nghĩ rằng: ‘Không có các tỳ khưu nơi tu viện, tu viện thì trống không,’” nên đã bảo người tớ gái lần nữa rằng: – “Này em, hãy đi. Sau khi đi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, hãy sẵn sàng y bát. Đã đến thời điểm của bữa ăn.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy đã đáp lời đức Thế Tôn.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại Jetavana rồi hiện ra ở cổng nhà của bà Visākhā mẹ của Migāra. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì trong khi các cơn lũ đang dâng tới mức đầu gối, trong khi các cơn lũ đang dâng lên tới hông thế mà không một vị tỳ khưu nào có các bàn chân hoặc các y bị ướt!” nên mừng rỡ phấn chấn, rồi đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, bà đã ngồi xuống một bên.

Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, con thỉnh cầu đức Thế Tôn tám điều ước muốn.” – “Này Visākhā, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.” – “Bạch ngài, các điều ấy là hợp lý, các điều ấy không bị chê trách.” – “Này Visākhā, hãy nói đi.” – “Bạch ngài, con muốn dâng vải choàng tắm mưa đến hội chúng, dâng bữa ăn dành cho vị vãng lai, dâng bữa ăn dành cho vị xuất hành, dâng bữa ăn dành cho vị bị bệnh, dâng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, dâng dược phẩm dành cho vị bị bệnh, dâng cháo hàng ngày, dâng vải choàng tắm đến hội chúng tỳ khưu ni đến trọn đời.”

– “Này Visākhā, trong khi thấy rõ sự hữu dụng gì mà bà lại thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn?” – “Bạch ngài, ở đây con đã bảo người tớ gái rằng: ‘Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’ Khi ấy, người tớ gái ấy đã đi đến tu viện và nhìn thấy các vị tỳ khưu, có các y đã được cất đi, đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa. Sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): ‘Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa’ rồi đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: ‘Thưa bà, Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.’ Bạch ngài, sự trần truồng là không tinh khiết, ghê tởm, bị lên án. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng vải choàng (tắm) mưa đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu vãng lai không rành rẽ đường xá, không rành rẽ khu vực, đi khất thực trong lúc đang mệt nhọc. Vị ấy sau khi thọ thực bữa ăn dành cho vị vãng lai của con được rành rẽ đường xá, được rành rẽ khu vực, sẽ đi khất thực trong khi không còn mệt nhọc. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị vãng lai đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu là vị xuất hành, trong khi tìm kiếm vật thực cho mình sẽ bị trễ đoàn lữ hành, hoặc sẽ đến nơi (mà vị ấy) có ý muốn đi đến vào lúc trời tối, sẽ phải đi đường xa trong lúc đang mệt nhọc. Vị ấy sau khi thọ thực bữa ăn dành cho vị xuất hành của con sẽ không bị trễ đoàn lữ hành, sẽ không đến nơi (mà vị ấy) có ý muốn đi đến vào lúc trời tối, sẽ đi đường xa trong khi không mệt nhọc. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị xuất hành đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không nhận được các thức ăn thích hợp, bệnh tình sẽ trầm trọng, hoặc sẽ chết đi. Trong khi vị ấy thọ dụng bữa ăn dành cho vị bị bệnh của con, bệnh tình sẽ không trầm trọng, sẽ không chết đi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị bị bệnh đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu là vị chăm sóc bệnh trong khi tìm kiếm thức ăn cho mình sẽ đem lại bữa ăn của vị bệnh lúc mặt trời đã lên (cao), sẽ làm lỡ bữa ăn. Vị ấy sau khi thọ dụng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh của con sẽ đem lại thức ăn của vị bệnh lúc đúng thời, sẽ không làm lỡ bữa ăn. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không nhận được các loại dược phẩm thích hợp, bệnh tình sẽ trầm trọng, hoặc sẽ chết đi. Trong khi vị ấy thọ dụng dược phẩm dành cho vị bị bệnh của con, bệnh tình sẽ không trầm trọng, sẽ không chết đi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng dược phẩm dành cho vị bị bệnh đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, ở Andhakavinda trong khi thấy rõ mười điều lợi ích, đức Thế Tôn đã cho phép (thọ dụng) cháo. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng cháo hàng ngày đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, các tỳ khưu ni tắm trần truồng với các cô điếm ở một bãi tắm của sông Aciravatī. Bạch ngài các cô điếm ấy đã chế giễu các tỳ khưu ni rằng: ‘Các bà đại đức ơi, các bà được cái gì với việc thực hành Phạm hạnh trong lúc còn trẻ trung vậy? Chớ không phải là các dục lạc nên được hưởng thụ hay sao? Khi nào trở nên già cả, khi ấy các bà sẽ thực hành Phạm hạnh, như thế các bà sẽ vớ được cả hai điều lợi.’ Bạch ngài, khi bị các cô điếm chế giễu các tỳ khưu ni ấy đã mắc cở. Bạch ngài, sự trần truồng của phụ nữ là không tinh khiết, ghê tởm, bị lên án. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng tỳ khưu ni vải choàng tắm đến trọn đời.”

– “Này Visākhā, trong khi thấy rõ lợi ích gì mà bà lại thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn?” – “Bạch ngài, ở đây các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ở các phương sẽ đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Các vị ấy sau khi đi đến gặp đức Thế Tôn sẽ hỏi rằng: ‘Bạch ngài, vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần. Cõi tái sanh của vị ấy là gì? Cảnh giới kế tiếp của vị ấy là gì?’ Đức Thế Tôn sẽ tuyên bố vị ấy ở quả vị Nhập Lưu, hoặc ở quả vị Nhất Lai, hoặc ở quả vị Bất Lai, hoặc ở phẩm vị A-la-hán. Con sẽ đi đến gặp các vị ấy và hỏi rằng: ‘Thưa các ngài, có phải vị đại đức ấy trước đây đã đi đến Sāvatthi?’ Nếu các vị trả lời con rằng: ‘Vị tỳ khưu ấy trước đây đã đi đến Sāvatthi,’ trường hợp ấy, con sẽ đi đến kết luận là: ‘Chắc chắn rằng vị đại đức ấy đã thọ dụng hoặc là vải choàng (tắm) mưa, hoặc là bữa ăn dành cho vị vãng lai, hoặc là bữa ăn dành cho vị xuất hành, hoặc là bữa ăn dành cho vị bị bệnh, hoặc là bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, hoặc là dược phẩm dành cho vị bị bệnh, hoặc là cháo hàng ngày của con.’ Trong khi nhớ lại điều ấy, sự hân hoan sẽ được sanh khởi ở con đây, do sự hân hoan mà hỷ sẽ được sanh khởi, do tâm có hỷ mà thân sẽ khinh an, do thân được khinh an con sẽ cảm giác sự an lạc, do có sự an lạc tâm sẽ được định, điều ấy sẽ có ở con là sự tu tập về Căn Quyền, sự tu tập về Lực, sự tu tập về Giác Chi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ lợi ích này mà con thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn.”

– “Này Visākhā, thật tốt lắm, thật tốt lắm! Này Visākhā, thật tốt thay trong khi thấy rõ lợi ích này mà bà thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn. Này Visākhā, ta cho phép bà tám điều ước muốn.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng những lời kệ này:

Trong khi bố thí cơm nước, người nữ nào được hân hoan, được thành tựu về giới, là đệ tử của đấng Thiện Thệ, sau khi chế ngự sự bỏn xẻn, rồi dâng cúng vật thí, (là yếu tố) dẫn đến cõi trời, xua tan sầu muộn, đem lại sự an lạc.

Sau khi đạt tuổi thọ của cõi trời, cô ấy đi vào đạo lộ không bợn nhơ, không nhiễm ô. Với ước muốn về phước báu, cô ấy có được sự an lạc, không có bệnh, vui hưởng dài lâu ở hội chúng nơi Thiên đình.”

Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vải choàng tắm mưa, bữa ăn dành cho vị vãng lai, bữa ăn dành cho vị xuất hành, bữa ăn dành cho vị bị bệnh, bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, dược phẩm dành cho vị bị bệnh, cháo hàng ngày, vải choàng tắm đến hội chúng tỳ khưu ni.”

Dứt tụng phẩm Visākhā.

–ooOoo–

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích một kāsi trị giá một ngàn (VinA. v, 1119).

[3] Liên quan đến tội nissaggiya pācittiya thứ nhất (ND).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *