Kinh Gaddulabaddha Dây Trói Buộc
Mahāpaduma Paccekabuddha
Thời Đức Phật Kassapa ngài là một vị Tỳ- kheo. Ngài đã tích tạo các ba-la-mật (pāramīs) để chứng đắc Paccekabuddha (Độc Giác Phật) trong hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trước. Lại nữa, trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa, là một vị Tỳ-kheo, ngài còn hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) trong khoảng hai mươi ngàn năm. Tuy nhiên vào lúc thân hoại mạng chung, ngài tái sanh làm một vị Trưởng Khố của xứ Bārānasī và trong kiếp này ngài đã phạm tội tà dâm. Sau khi chết, do bất thiện nghiệp này, ngài tái sanh vào địa ngục. Sau đó, khi thoát khỏi địa ngục ngài tái sang làm con gái của một viên trưởng khố. Trong thời gian mang thai, mẹ nàng (ngài lúc này là người con gái) phải chịu đựng những cảm giác nóng như thiêu đốt, và bản thân nàng cũng chịu
đựng cùng một loại cảm giác đó khi ở trong bào thai người mẹ do nàng đang trực tiếp thoát khỏi địa ngục. Nàng luôn luôn nhớ tới cái khổ này. Mặc dù nàng rất xinh đẹp, nhưng do nghiệp bất thiện đời trước, ngay cả cha mẹ nàng cũng cảm thấy ghét nàng. Sau đó nàng kết hôn, và cũng do nghiệp bất thiện đời trước, người chồng không quan tâm gì tới nàng, dù nàng xinh đẹp, thông minh và tỏ ra nhẫn nại đối với anh ta.
Do cảm thấy ghét nàng, người chồng chẳng những không quan tâm tới nàng mà còn đi với những phụ nữ khác đến nơi hội chợ. Một hôm nàng khóc lóc nói với chồng như thế này: “Thưa phu quân, dù một người phụ nữ có là con của một vị chuyển luân vương chăng nữa, cô ta cũng vẫn phải sống phục tùng những ước muốn của chồng. Những điều chàng làm đã khiến thiếp đau khổ đủ để xé nát trái tim này rồi. Vì thế nếu chàng không muốn ngó ngàng gì tới thiếp nữa, xin chàng hãy trả thiếp về với cha mẹ thiếp. Nếu chàng thương thiếp, chàng phải lo lắng cho thiếp. Chàng không nên làm những hành động xấu xa như vậy.” Bằng những lời này nàng đã van xin chồng đưa nàng đi dự hội, và người chồng bảo nàng hãy chuẩn bị. Nàng nghe lời chồng chuẩn bị, nhưng đến ngày hội, lại nghe rằng người chồng đã đi trước rồi, nàng liền cùng với những đứa hầu đi theo, mang theo đồ ăn thức uống mà nàng đã chuẩn bị. Trên đường đi nàng gặp Đức Phật Độc Giác vừa xuất khỏi diệt thọ tưởng định (nirodhasamāpatti), một định chứng diệt tạm thời tâm và sắc do tâm tạo trong một thời gian ấn định trước, nhưng không quá bảy ngày. Ngài có một ước muốn mãnh liệt muốn trợ giúp cho cô. Nàng bước xuống xe, lấy đồ ăn bỏ đầy tô, và cúng dường nó đến cho đức Độc Giác Phật (Paccekabuddha). Rồi, khi ngài đã thọ nhận xong, nàng phát nguyện và vẽ một bức tranh như vầy:
Bạch ngài, mỗi kiếp con sanh ra trong tương lai, cầu mong cho con được tái sanh trong hoa sen!
- Cầu cho mỗi kiếp con sanh ra trong tương lai, con có một mầu da đẹp như hoa sen!
- Cầu cho mỗi kiếp con sanh ra trong tương lai, con được là người nam!
- Cầu mong cho mọi người ai thấy con cũng yêu mến con!
- Cầu mong cho con chứng được Pháp (Dhamma) mà ngài chứng!
Tại sao nàng lại ao ước được sanh ra như vậy? Nàng đã nếm trải những mùi khổ đau trong bụng mẹ. Vì thế nàng mong ước được tái sanh trong một bông hoa sen. Nàng bị dính mắc nhiều vào màu hoa sen, vì thế nàng mong ước có được màu da như hoa sen. Nàng ghê tởm đời sống của một người nữ, bởi vì nàng đã chịu đựng nhiều khổ đau khi làm người nữ. Vì thế nên nàng nguyện làm người nam. Nàng đã bị mọi người, kể cả cha mẹ
nàng, nhìn với sự ghét bỏ. Do đó nàng nguyện được mọi người, ai đã thấy nàng đều yêu mến. Cuối cùng nàng nguyện chứng được Pháp mà đức Độc Giác Phật (Paccekabuddha) đã chứng, bởi vì nàng đã hoàn thành các Ba-la-mật để đạt đến sự chứng đắc ấy. Như vậy nàng đã tạo ra hình ảnh của một con người hoàn thiện, hoàn hảo đến mọi chi tiết của nó trên khung vải của vòng luân hồi (sansāra).
Sau khi cúng dường và phát nguyện xong, những quả nghiệp bất thiện trước đây liền biến mất và chồng nàng, chợt nhớ đến nàng, cho người đi đưa nàng đến, và từ đó trở đi không chỉ chồng nàng mà mọi người ai cũng đều rất mực yêu mến nàng. Hết kiếp sống đó nàng tái sanh làm một thiên nam trong đoá sen trên thiên giới và được gọi là thiên tử Mahāpaduma (Đại-liên-hoa). Ngài cứ luân lưu lên xuống nhiều lần ở thế giới chư thiên như vậy. Cho đến kiếp cuối, theo đề nghị của Thiên Vương Đế Thích (Sakka), ngài sanh vào đoá sen trong vườn thượng uyển của đức Vua Bārānasī, mà hoàng hậu của vua vốn không có con. Hôm ấy hoàng hậu nhìn thấy đóa hoa sen trong vườn thượng uyển của đức Vua Bārānasī, và có một sự trìu mến lạ lùng đối với nó, hái lấy bông hoa bà phát hiện có một đứa bé nằm trong đó như thể đang nằm trong một hộp đựng nữ trang. Bà nhận lấy đứa bé và nuôi dưỡng nó trong một cuộc sống hết sức xa hoa. Mọi người ai nhìn thấy ngài đều rất yêu mến. Ngài sống trong cung điện với hai mươi ngàn phụ nữ hầu hạ. Đức vua ra tuyên bố là bất cứ một cung nữ nào có thể làm cho hoàng tử Mahāpaduma ăn được sẽ nhận lãnh một ngàn đồng tiền thưởng. Vì lý do đó mà có rất nhiều trò tiêu khiển trong hoàng cung để mua vui cho ngài. Khi ngài lên mười ba tuổi ngài trở nên ghê tởm những trò giải trí này.
Một hôm, trong lúc đang chơi ngoài cổng cung điện, ngài nhìn thấy một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) và ngài đã cảnh báo Đức Phật là không nên đi vào trong thành vì ở đó họ ép tất cả mọi người đã vào phải ăn uống (rượu). Đức Phật Độc Giác đã lánh đi. Khi Đức Phật đi rồi cậu bé cảm thấy hối hận, vội vàng cỡi voi đi đến chỗ trú của ngài để xin sám hối. Trên đường đi ngài lại leo xuống voi và đi bộ. Gần đến chỗ trú ngụ của Đức Phật Độc Giác, ngài gạt hết đám người tùy tùng ra và đi vào một mình. Nhìn thấy cốc của Đức Phật trống không, ngài ngồi xuống phát triển tuệ giác và trở thành một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha). Tất cả mọi lậu hoặc đã đoạn tận. Tâm giải thoát vĩnh viễn đã thành tựu. Do đó Đức Phật nói:
“Bởi thế, này các Tỳ-kheo, các người phải thường xuyên suy quán tâm của mình như vầy: ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, sân và si.’ Do những phiền não của tâm mà các chúng sinh bị ô nhiễm; với sự thanh tịnh của tâm, các chúng sinh được thanh tịnh.”