Kinh Gaddulabaddha Dây Trói Buộc

Sumanā

Đến đây tôi muốn chỉ cho quý vị thấy một bức trang khác do Sumanā vẽ:

Kinh nói rằng trong thời Đức Phật Kassapa, Sumanā thuộc về một gia đình rất giàu, cha nàng mất sớm. Lúc bấy giờ dân chúng, sau nhiều lần thuyết phục, đã được đức Vua cho phép tiếp đãi  Đức Phật và một trăm ngàn vị Tỳ-kheo đệ tử của ngài. Có thể nói đó là một đặc ân  của Senāpati,  một vị tướng trong triều, lần đầu tiên được thỉnh mời Đức Phật và Tăng chúng đến nhà của mình.

Khi Sumanā đi  dạo chơi trở về nàng thấy  mẹ mình đang khóc. Nàng hỏi lý do, mẹ nàng nói như vầy: “Nếu cha con còn sống, gia  đình  chúng ta hẳn là sẽ được đặc ân tiếp đãi Đức  Phật  và Tăng chúng ngày hôm nay rồi.” Sumanā an ủi bà  và nói rằng danh dự ấy chưa phải là của gia đình  họ. Rồi nàng lấy một cái bát vàng bỏ đầy vào đó món cháo sữa rất thơm ngon, đậy nó lại bằng một cái bát khác. Xong nàng bọc quanh hai cái bát ấy với những bông hoa lài và rời nhà cùng với những gia nhân.

Trên đường đến nhà của viên tướng  Senāpati nàng bị những người lính của ông ta chặn lại, nhưng nàng đã khéo thuyết phục để họ  cho nàng đi qua. Khi Đức Phật đi đến, nàng nói rằng nàng muốn cúng dường Đức Phật  một  vòng  hoa lài, và nàng đặt cả hai cái bát ấy vào bát của đức Phật. Đức Phật thọ nhận và đưa món quà đó  cho một thiện nam để mang đến nhà của Senāpati.  Xong nàng quyết định vẽ một bức tranh về một người phụ nữ giới đức với tất cả những chi tiết của nó trên khung vải của thế giới chư thiên và loài người như vầy:

  • Cầu mong trong mỗi kiếp sanh ra con sẽ không phải lo lắng đến sinh kế!
  • Cầu mong mọi người ai cũng yêu mến con giống như những bông hoa lài!
  • Cầu mong tên của con sẽ luôn luôn là Sumanā (hoa lài)!

Khi Đức Phật đến nhà của Senāpati và được người nhà phục vụ món súp đầu tiên, nhưng ngài đậy bát của mình lại và nói rằng ngài đã được cúng dường món cháo sữa rồi. Lúc ấy người thiện nam mang cái bát vàng đựng đầy cháo sữa của Sumanā đến dâng cho Đức Phật và rồi các vị Tỳ-kheo, mỗi  vị nhận tùy theo ý thích. Hoá ra món cháo sữa lại  đủ để phục vụ cho Đức Phật và một trăm ngàn vị Tỳ-kheo. Phép lạ này xảy ra do thiện ý (tư thiện) mãnh liệt của nàng Sumanā. Sau khi Đức Phật và Tăng chúng đã thọ nhận món cháo sữa, Senāpati

cúng dường mọi người những món ăn thượng vị. Cuối bữa ăn Senāpati mới hỏi vị thí chủ dâng món cháo sữa ấy là ai. Sau khi nghe mọi người thuật lại, ông rất lấy làm ngưỡng mộ lòng can đảm của Sumanā. Ông mời Sumanā đến nhà và phong cho nàng làm chánh thiếp  của ông ta. Từ đó về sau,  mỗi kiếp sanh ra nàng đều có tên là Sumanā, và, chỗ nào nàng sanh ra, ngày hôm ấy một trận mưa hoa lài rơi xuống ngập đến đầu gối.

Kiếp cuối cùng, nàng là con gái của đức vua Kosala và em của Pasenadi Kosala. Năm nàng bảy tuổi, Đức Phật lần đầu tiên đến thăm kinh thành Sāvatthi, và nàng có mặt trong buổi lễ dâng cúng ngôi chùa Jetavana (Kỳ Viên) cùng với năm trăm người bạn sinh cùng một ngày với nàng, mang theo các bình đựng hoa và hoa, v.v… để cúng dường  cho Đức Phật. Sau  thời pháp  của Đức  Phật nàng  trở thành bậc thánh nhập lưu (sotāpanna). Nàng được kể trong số những cận sự nữ (upāsikās) có tiếng tăm thời Đức Phật. Một lần nàng đến thăm  Đức Phật, cùng với năm trăm cung nữ  ngự  trên năm trăm cỗ xe ngựa của hoàng gia, và đã hỏi ngài những câu hỏi liên quan đến quả báo của việc bố thí. Vì thế tôi muốn giải thích tóm tắt  những câu  trả lời ấy ở đây.

Sumanā hỏi Đức Phật là không biết, trong trường hợp hai người đệ tử, về đức tin, về giữ giới và trí tuệ đều giống như nhau, song một người thường hay bố thí còn người kia thì không, có sự khác biệt gì không? Đức Phật trả lời rằng nếu hai người cùng sanh trong cõi chư thiên hay trong cõi nhân loại, người có bố thí sẽ được thù thắng hơn   về thọ mạng, dung sắc, sự an lạc, danh giá và  quyền thế. Ngay cả trong kiếp cuối, khi cả hai cùng xuất gia, vẫn có một sự khác nhau giữa hai người, tuy nhiên vào lúc họ trở thành các bậc A-la-hán sự khác biệt ấy chấm dứt, vì không có sự khác biệt giữa A-la-hán thánh đạo trí và A-la-hán thánh quả trí. Đây là lời giải thích của  Đức  Phật  liên  quan đến câu hỏi đề cập ở trên.

Theo chú giải Therīgāthā (Trưởng Lão Ni Kệ), Sumanā gia nhập  Tăng Đoàn (xuất gia) vào  lúc tuổi đã lớn. Thực ra nàng muốn xuất gia sớm, nhưng phải hoãn lại vì còn có bà nội phải  chăm sóc. Sau khi bà nội chết, Sumanā cùng đi với vua Pasenadi đến chùa Kỳ Viên, mang theo những món tứ vật dụng như chăn mền và thảm để dâng cúng chư Tăng. Dịp này Đức Phật thuyết pháp cho nàng và vua Pasenadi, và nàng trở thành bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmī). Lúc đó nàng xin xuất gia, và, vào cuối bài kệ Đức Phật thuyết, nàng đạt đến A-la-hán thánh quả.

Sau khi nghe những câu chuyện đề cập ở trên, tôi hy vọng, quý vị có thể hiểu được là do sự

đa dạng của nghiệp quá khứ mà các chúng sinh có khác nhau, và sự đa dạng của nghiệp thì có gốc trong sự đa dạng của vô minh, tham ái và chấp thủ. Vì thế, sự đa dạng của nghiệp có gốc trong sự đa dạng của vô minh, tham ái và chấp thủ, tạo ra sự đa dạng của các chúng sinh, mà vốn chỉ là một thực   tại cùng tột, hay năm thủ uẩn. Tất cả có mười một loại năm thủ uẩn, đó là năm thủ uẩn thuộc quá khứ, vị lai và hiện tại, bên trong và bên ngoài, thô và tế, hạ liệt hay cao thượng, xa và gần.

Một người hoạ sĩ khéo léo sẽ tạo ra  được các uẩn đẹp đẽ, trong khi một người hoạ sĩ không khéo tay, chỉ tạo ra các uẩn xấu xí, song cho dù các uẩn có là đẹp hay xấu, hạ liệt hay cao thượng, thì  tất cả cũng đều vô thường, khổ và vô ngã như nhau mà thôi. Vì thế trong Kinh Gaddulabaddha thứ hai này Đức Phật dạy chúng ta như sau: 

“Giả sử như, này các Tỳ-kheo, một nghệ nhân hay một người họa sĩ, dùng thuốc nhuộm hay cánh kiến, củ nghệ hay chàm xanh, hay đỏ thẫm, sẽ vẽ ra được hình người đàn ông hay đàn bà với tất cả những đường nét của nó trên một tấm ván đã được khéo đánh bóng hay trên tường hoặc trên khung vải. Cũng vậy, khi kẻ vô văn phàm phu tạo ra bất cứ cái gì, thì chỉ có sắc người ấy tạo ra; chỉ có thọ người ấy tạo ra; chỉ có tưởng người ấy tạo ra; chỉ có các hành người ấy tạo ra; chỉ có thức người ấy tạo ra mà thôi.”

Rồi Đức Phật hỏi:

“Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”

“Vô thường, bạch Đức Thế Tôn.”

“Và cái gì vô thường, là lạc hay khổ?” “Khổ, bạch Đức Thế Tôn.”

“Vậy cái gì về bản chất là vô thường, khổ và không bền vững, có hợp lý chăng để xem nó như: ‘Cái này là của tôi; cái này là tôi; cái này là tự ngã của tôi’ không?”

“Chắc chắn không, bạch Đức Thế Tôn.”

“Thọ là thường hay vô thường?…Tưởng là thường hay vô thường?… Các hành là thường hay vô thường?…Thức là thường hay vô thường?…”

Từ những câu hỏi và trả lời trên chúng ta hiểu rằng tất cả năm thủ uẩn đều vô thường, khổ và vô ngã. Sẽ không hợp lý để xem chúng như là “của tôi” hay “tôi” hay “tự ngã của tôi.” Kế tiếp Đức  Phật dạy cách hành thiền minh sát như vầy: –

“Do đó, này các Tỳ-kheo, bất cứ sắc nào, có thể sắc ấy là trong quá khứ, vị lai hay hiện tại, có thể là ở bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, hạ liệt hay cao thượng, xa hay gần

– mỗi sắc đều phải được xem đúng như nó thực sự là, với chánh trí tuệ – ‘sắc này không phải của ta; sắc này không phải là ta; sắc này không phải tự ngã của ta.’

“Bất cứ thọ nào… “Bất cứ tưởng nào…

“Bất cứ hành nào…

“Bất cứ thức nào, có thể là thức ấy là trong quá khứ, vị lai hay hiện tại, có thể là ở bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, hạ liệt hay cao thượng, xa hay gần – mỗi thức đều phải được xem đúng như nó thực sự là, với chánh trí tuệ – ‘thức này không phải của ta; thức này không phải là ta; thức này không phải tự ngã của ta.’

“Sau khi đã tuệ tri như vậy, này các Tỳ-kheo, vị đa văn thánh đệ tử cảm thấy nhàm chán đối với sắc, cảm thấy nhàm chán đối với thọ, cảm thấy nhàm chán đối với tưởng, cảm thấy nhàm chán đối với các hành, cảm thấy nhàm chán đối với thức. Do cảm thấy nhàm chán như vậy, vị ấy trở nên ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Tong sự giải thoát, trí khởi lên: ‘Ta đã được giải thoát.’ Vị ấy hiểu: ‘Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Những gì cần phải làm đã làm xong. Không còn  tái  sanh trong tương lai nữa.’

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *