MỘT VÀI LỜI KHUYÊN & CẢNH GIÁC VỀ GIÁO HUẤN SAI LẦM – LEDI SAYADAW

Một Lời Khuyên Và Cảnh Giác

Nếu những thời kinh được Ðức Phật thuyết giảng trong suốt bốn mươi lăm Hạ (vassas) được súc tích cô đọng và những phần chánh yếu trong Tam Tạng Kinh (Tipitaka) được rút tỉa ngắn gọn lại thì ta còn ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkhiya- dhamma, những pháp cần thiết phải có để thành tựu trạng thái giác ngộ, cũng gọi là 37 Bồ Ðề Phần). Ba mươi bảy pháp cần thiết giúp đưa đến giác ngộ (bodhipakkhiya- dhamma) nầy là phần cốt tủy chánh yếu của Tam Tạng kinh. Bảy giai đoạn thanh lọc (visuddhi), là phần thâu gọn của những phẩm trợ đạo nầy, trở thành sìla (Giới), samàdhi (Ðịnh), và pannà (Tuệ). Những pháp nầy được gọi là adhisìla sàsana (Giáo Huấn của Giới Luật Cao Siêu), adhicitta sàsana (Giáo Huấn Của Tâm Cao Siêu), và adhipannà sàsana (Giáo Huấn Của Trí Tuệ Cao Siêu).

Những pháp nầy cũng được gọi là sikkhàs, những pháp tu học. Khi nói đến sìla (Giới). điều chánh yếu đối với người cư sĩ tại gia là nicca sìla (những giới cần phải thường xuyên hành trì). Những ai tròn đủ nicca sìla là đã có đủ carana (Hạnh). Chính Hạnh (carana) cùng với Minh (vijjà) giúp ta thành tựu Ðạo và Quả. Nếu những vị ấy có thể hành thêm Bát Quan Trai Giới (uposatha sìla) trong những ngày giới thì càng tốt hơn nicca sìla nhiều. Ðối với hàng cư sĩ, nicca sìla (giới thường xuyên) có nghĩa là àjivatthamaka sìla [41]. Những giới nầy phải được nghiêm chỉnh và thật lòng nhiệt thành hành trì.

Nếu, vì còn là phàm nhân (putthujjana) ta vi phạm một giới nào, thì có thể sám hối và xin giới lại, lặp lại lời chú nguyện, xin trong sạch giữ giới từ đây về sau, đến trọn đời. Nếu, trong tương lai lại còn phạm giới nữa thì có thể lặp lại lời chú nguyện, và mỗi lần xin giới như vậy thì giới hạnh được thanh lọc trong sạch trở lại. Sự cố gắng không phải khó. Mỗi khi nicca sìla, giới thường xuyên, bị vi phạm thì nên sám hối và như vậy giới hạnh trở nên trong sạch trở lại. Ngày nay có rất nhiều người giới đức trong sạch.

Tuy nhiên người có tâm định vững chắc trong pháp hành niệm kasina (dùng một hình thể tròn làm bằng đất nhồi rồi gom tâm an trụ vào đó) hay thực hành niệm những ô trược của thân (asubha-bhàvanà) v.v… quả thật hiếm hoi, cũng như người có thể thấu đạt minh sát những hiện tượng vật lý và tâm linh, hay ba đặc tướng của vạn pháp v.v… Thật hiếm hoi có những người thành công như vậy vì ngày nay nhiều Giáo Pháp Sai Lầm (micchàdhamma) đã chín mùi, tạo nhân gây hiểm họa và chướng ngại cho Giáo Pháp.

Những Giáo Huấn Sai Lầm

Giáo Huấn Sai Lầm (micchà-dhamma) tức “những lời dạy rất có thể gây chướng ngại cho Giáo Pháp” (dhammantaràya), có nghĩa là những quan kiến tương tợ như những pháp hành và những giới hạn như không thể thấy hiểm họa của vòng luân hồi samsàra, niềm tin cho rằng thời bây giờ không ai có thể thành tựu Ðạo và Quả, chiều hướng triển hoãn mức độ chuyên cần, chờ cho đến khi ba-la-mật (pàramis) đủ chín mùi, niềm tin cho rằng người thời nay chỉ là dvi-hetuka [42], những người sanh ra với hai nhân thiện, niềm tin cho rằng những vị đại sư thời xưa không còn nữa.

Mặc dầu không đưa đến mục tiêu cùng tột, không có thiện nghiệp (kusala kamma) nào là vô ích. Nếu ta chuyên cần cố gắng, thiện nghiệp (kusala kamma) lúc nào cũng là phương tiện tạo ba-la-mật (pàrami) cho những ai còn thiếu ba-la-mật. Nếu không cố gắng tạo ba-la-mật ắt cơ hội thâu gặt ba-la-mật đã mất. Nếu những người mà ba-la-mật chưa chín mùi ra sức cố gắng thì ba-la-mật của họ sẽ chín mùi. Những người nầy có thể thành đạt Ðạo và Quả trong kiếp tới trong Giáo Huấn của vị Phật hiện tại. Nếu không chuyên cần tinh tấn, cơ hội để làm cho ba-la-mật chín mùi sẽ mất. Nếu những người mà ba-la-mật đã chín mùi chuyên cần tinh tấn, những vị ấy có thể chứng đắc Ðạo và Quả trong kiếp sống nầy. Nếu không cố gắng, cơ hội thành đạt Ðạo và Quả sẽ mất.

Nếu những người sanh ra với hai nhân thiện (dvi-hetuka) chuyên cần tinh tấn, họ có thể trở thành ti-hetuka [43] trong kiếp sống tới. Nếu không chuyên cần cố gắng, họ không thể tiến lên từ trạng thái dvi-hetuka (sanh ra với hai nhân thiện) mà sẽ còn tuột xuống mức ahetuka [44]. Thí dụ như anh kia trù định xuất gia, trở thành tỳ khưu (bhikkhu). Nếu có người nói với anh rằng “chỉ nên dự định xuất gia nếu anh có thể sống suốt đời cuộc sống của một vị tỳ khưu. Nếu liệu làm không được vậy, chớ nên dự định xuất gia như thế”, — đó là dhammantaràya, chướng ngại cho Giáo Pháp.

Ðức Phật dạy: “Như Lai tuyên ngôn rằng chỉ một tác ý thiện khởi sanh đã tạo lợi ích lớn lao” — (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 8)

Làm giảm giá trị một hành động bố thí (dàna) hoặc làm ngã lòng một người phát tâm bố thí, có thể là một punnantaràya, chướng ngại cho hành động tạo thiện nghiệp của người có ý định bố thí. Nếu làm thối chí những người có hành động trì giới, tham thiền, và phát triển trí tuệ thì đó là tạo dhammantaràya, chướng ngại cho Giáo Pháp. Người gây chướng ngại cho những hành động tạo thiện nghiệp sẽ mất quyền lực và ảnh hưởng, tài sản và sự nghiệp và sẽ nghèo đói trong những kiếp tới. Nếu gây chướng ngại cho Giáo Pháp người ấy sẽ có khuyết điểm trong giới đức và phẩm hạnh và kém nhạy cảm hiểu biết, và như vậy, rõ ràng là thấp kém và hèn hạ trong những kiếp vị lai. Do đó hãy coi chừng!

Ðến đây chấm dứt phần trình bày nên xử dụng xứng đáng cơ hội hiếm hoi được sanh làm người, bằng cách loại trừ những Giáo Huấn sai lạc được kể trên và chuyên cần tinh tấn trong đời sống hiện tại nhằm khóa chặt cánh cổng vào bốn cảnh khổ (apàya), — cho những kiếp vị lai trong vòng luân hồi (samsàra) — hoặc nữa, nhằm tích trữ những hột giống tốt giúp ta thoát ra khỏi những khổ đau trong kiếp sống tới hoặc trong Giáo Huấn của vị Phật kế sau đây, do nhờ thực hành vắng lặng (samatha) và minh sát (vipassanà) một cách quyết định, nhiệt thành và chuyên cần.

Ghi chú:

  1. Gặp một vị Phật: Ðiểm nầy không thấy ghi chép trong kinh sách và chú thích được đề cập đến ở phần trên. (Chủ biên Buddhist Publication Society — Kandy)

  2. Ðời sống thường được phân làm ba giai đoạn: thiếu niên, trung niên, và lão niên. Xem “Path of Purification” (Visuddhi Magga – Thanh Tịnh Ðạo) do Ðại Ðức Nànamoli chuyển dịch từ Pàli sang Anh, trang 721.

  3. Giáo Huấn của vị Phật hiện tiền — nơi đây được dịch sang tiếng Việt từ chữ: the present Buddha Sàsana.

  4. Puggala-Pannatti, chương 100f; Anguttara, Tika-nipàta (những số Ba) số 22. (Xem “The Wheel” số 155/158, trang 18)

  5. Vimàna Vatthu.

  6. Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 36.

  7. Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 2: kinh Sàmannaphala Sutta.

  8. Dhammapada Commentary, Chú Giải kinh Pháp Cú — Peta Vatthu.

  9. Vinaya Pitaka, Tạng Luật, Pàràjikà.

  10. Ti-ratana = “Tam Bảo”: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. (Buddha, Dhamma, Sangha)

  11. Ðại Niết Bàn: Sự viên tịch của một vị A-La-Hán được gọi là nhập Ðại Niết Bàn, parinibbàna.

  12. A-Na-Hàm, hay “Bất Lai” là tầng Thánh thứ ba trong Tứ Thánh. Vị Thánh nầy được gọi là Bất Lai vì không bao giờ còn trở lại cảnh Dục Giới (kàma-loka).

  13. Vô Phiên Thiên — cảnh giới hoàn toàn tinh khiết, bao gồm năm cảnh trời thuộc Sắc Giới, cảnh giới mà chỉ có những vị Thánh “Bất Lai” tái sanh vào và nơi đây các Ngài sẽ chứng đắc Ðạo và Quả A-La-Hán và nhập Ðại Niết Bàn.

  14. Apàya-loka là bốn cảnh khổ bao gồm: cảnh a-tu-la, cảnh ngạ quỷ, cảnh thú và cảnh địa ngục

  15. Sunna-kappas — những châu kỳ “hư không”, tức những a-tăng-kỳ không có Phật Giáo, không có Giáo Huấn của một vị Phật.

  16. Atthakkhana: Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, Pàthika-vagga, phẩm Pàthika, bài kinh Dasuttara Sutta; Anguttara Nikàya III, Atthaka-nipàta, Akkhana Sutta, trang 60:-

  • (i) paccantaro, sống một nơi mà Giáo Huấn của một vị Phật, Buddha Sàsana, không được lưu truyền; (ii) Arino, tái sanh vào bốn cảnh giới Phạm Thiên Vô Sắc;

  1. Vitalingo, những người sanh ra đần độn ngu si hay bệnh tật về tâm thần, v.v… ;

  2. Asannasatta, sống trong cảnh giới những vị Phạm Thiên Vô Tưởng, không có thức;

  3. Micchà-ditthi, sanh trưởng giữa những người mang nặng tà kiến; (vi) Peta, trong cảnh ngạ quỉ; (vii) Tirachàna, trong cảnh thú; và (viii) Niraya, trong cảnh địa ngục.

  1. Dhamma Commentary, tích chuyện liên quan đến câu 1 và câu 18.

  2. Dittha-dhamma-sukha-vihàra — Phát sanh đến vị A-La-Hán sự hiểu biết rằng mình đã giải thoát, và Ngài chứng ngộ: “Không còn tái sanh nữa; ta đã sống cuộc sống trong sạch; ta đã hoàn thành viên mãn những gì cần phải làm; ta không còn gì nữa phải làm để chứng ngộ Ðạo và Quả A La Hán.” Như vậy Ngài an trụ thoải mái trong cuộc sống hiện tại.

  3. Panca Sìla, Ngũ Giới. Ðây là những giới căn bản bao gồm mức tối thiểu mà mỗi người, nam hay nữ, cần phải hành trì. Ðó là: cử kiêng không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng những chất say.

  4. Ba phần của nhóm “Giới” trong Bát Chánh Ðạo (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), khi được kể với chi tiết, trở thành Ajìvatthamaka sìla như sau: 1. Con nguyện sẽ không sát hại hay làm tổn thương sanh mạng; 2. Con nguyện sẽ không trộm cắp; 3. Con nguyện sẽ không phạm tà hạnh và dùng các chất say; 4. Con nguyện sẽ không nói dối; 5. Con nguyện sẽ không nói lời đâm thọc, làm cho người nầy hờn giận người kia; 6. Con nguyện không nói lời thô lỗ cộc cằn; 7. Con nguyện không nói lời nhảm nhí; 8. Con nguyện không sinh sống bằng tà mạng.

  1. Atthànga Uposatha Sìla = Tám giới, hay bát quan trai giới, là kiêng cữ: 1. sát sanh, 2. trộm cắp, 3. tà hạnh, 4. nói dối, 5. dùng chất say, 6. ăn sau giờ ngọ, 7. khiêu vũ, hát xướng, đờn kèn, và ca nhạc, đeo tràng hoa, dùng nước hoa, son phấn và trang sức v.v… 8. nằm giường đẹp và cao.

  1. Dasanga Sìla, mười giới, là một hình thức tế nhị của tám giới. Giới số (7) trong Bát Quan Trai Giới chia làm hai, và cộng thêm giới thứ 10 là cữ kiêng, không nhận vàng và bạc.

  2. Bhikkhu Sìla, Tứ Thanh Tịnh Giới, bốn loại giới giúp chư Tăng giới đức trong sạch (catupàrisuddhi-sìla) là:– 1. Kiêng cữ, khép mình trong 227 giới luật của nhà sư (Giới Bổn); 2. Thu thúc lục căn; 3. Giới luật liên quan đến chánh mạng; 4. Giới luật liên quan đến bốn đồ dùng cần thiết (tứ vật dụng: y phục, chỗ ở, vật thực và thuốc men).

  3. Magga-nàna: Trí tuệ của bốn Thánh Ðạo, tức Tu Ðà Huờn Ðạo, Tư Ðà Hàm Ðạo, v.v… Phala-nàna là trí tuệ của bốn Thánh Quả.

  4. Paramatha: chân lý trong ý nghĩa cùng tột; chân lý tuyệt đối, chân đế. Sách Abhidhammattha Sangaha, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, kể ra bốn paramatha dhammas là:Citta, tâm vương; Cetasika, tâm sở; Rùpa, sắc; và Nibbàna, Niết Bàn.

  5. Pathavì (nguyên tố Ðất), Àpo (nguyên tố Nước, hay nguyên tố có đặc tính làm dính liền), Tejo (nguyên tố Lửa) và Vàyo nguyên tố Gió, có đặc tính di động hay nâng đỡ); ta thường gọi là đất, nước, lửa, gió.

  6. Dhammapada Commentary, Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, câu chuyện liên quan đến câu 64.

  7. Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, liên quan đến câu 158, câu chuyện vị tỳ khưu tham ái

  8. Vinaya Pitaka, Tạng Luật, phẩm Mahàvagga.

  9. Dhammapada Commentary, Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, câu chuyện liên quan đến câu 60.

  10. Lạc cảnh, suggati loka, là cảnh người (manusa) và sáu cảnh trời Dục Devaloka.

  11. Khổ cảnh, duggati loka, là cảnh a-tu-la, ngạ quỉ, thú, và địa ngục.

  12. Sukkhavipassaka: (Lời người dịch) Vị hành giả không dựa trên thiền vắng lặng để phát triển tuệ minh sát mà hành thẳng thiền minh sát.

  13. Mười một: từ số 1 đến 11, tức 15 trừ bốn tầng Thiền (Jhàna)

  14. Ðêm được xem là có ba canh.

  15. Nimitta là hình ảnh phát hiện trong tâm khi hành giả thành công tu tập một phương pháp hành thiền. Hình ảnh ấy là bước đầu đưa vào tâm định nên gọi là Chuẩn Bị hoặc Parikamma Nimitta, đề mục sơ khởi. Ðây là hình ảnh trong tâm. Hình ảnh vẫn chưa vững chắc và rõ ràng lắm, phát hiện trong tâm sau đó được gọi là Uggaha-Nimitta. Ðây là hình ảnh trong tâm.

  1. Sammasana-nàna, tuệ thấu đạt, quán sát, nghiên cứu, nắm vững và nhận định rằng tất cả những hiện tượng trong kiếp sống là vô thường, khổ và vô ngã. Vào thời kỳ cuối cùng của tuệ nầy hành giả nhoáng thấy minh sát rõ ràng.

  2. Patibhàga-nimitta, hình ảnh khái niệm. Thiền vắng lặng đến mức gom tâm an trụ thật vững chắc, thấy hình ảnh rõ ràng và không chao động. Ðây cũng là một hình ảnh trong tâm.

  3. Udayabbayanàna, tuệ sanh diệt, là tuệ giác phát sanh do công phu quán sát trạng thái phát sanh và hoại diệt của các pháp hữu vi. Ðây là tuệ giác đầu tiên trong chín tuệ hợp thành giai đoạn thanh lọc Patipadànànadassana-Visuddhi, Tri Kiến Tịnh.

  4. Xem từ trang 147 sách nầy.

  5. Ajivatthamaka sìla. Xem chú thích số 2, trang 158 , sách nầy.

  6. Dvi-hetuka-patisandhi, sanh ra với hai nhân. Câu nầy hàm ý là được sanh ra với hai nhân thiện, tức hai nhân vô-tham (alobha) và vô-sân (adosa). Người sanh ra với hai nhân thiện như vậy không thể thành tựu Ðạo và Quả trong kiếp hiện tiền, vì còn thiếu nhân thiện thứ ba là vô si (amoha).

  7. Ti-hetuka-patisandhi, sanh ra với ba nhân thiện: alobha (vô tham), adosa (vô sân) và amoha (vô si).

  8. ahetuka: một chúng sanh sanh ra không có nhân thiện nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *