PHÂN TÍCH ĐẠO II – PAṬISAMBHIDĀMAGGO – XI – GIẢNG VỀ LỰC

IX. GIẢNG VỀ LỰC

[Duyên khởi ở Sāvatthī]

Này các tỳ khưu, đây là năm lực. Năm là gì? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các tỳ khưu, đây là năm lực.

Vả lại, có 68 lực là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, lực của sự hổ thẹn (tội lỗi), lực của sự ghê sợ (tội lỗi), lực của sự phân biệt rõ, lực của sự tu tập, lực của sự không sai trái, lực của sự củng cố, lực của sự nhẫn nại, lực của sự chuẩn bị, lực của sự thuyết phục, lực của sự thống lãnh, lực của sự khẳng định, lực của chỉ tịnh, lực của minh sát, mười lực của bậc Hữu Học, mười lực của bậc Vô Học, mười lực của bậc Lậu Tận, mười lực của thần thông, mười lực của đức Như Lai.

Tín lực là gì? ‘Không dao động ở sự không có đức tin’ là tín lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là tín lực. Theo ý nghĩa chấm dứt các phiền não là tín lực. Theo ý nghĩa làm trong sạch phần đầu sự thấu triệt là tín lực. Theo ý nghĩa khẳng định của tâm là tín lực. Theo ý nghĩa thanh lọc của tâm là tín lực. Theo ý nghĩa đắc chứng pháp đặc biệt là tín lực. Theo ý nghĩa thấu triệt hướng thượng là tín lực. Theo ý nghĩa chứng ngộ chân lý là tín lực. Theo ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là tín lực. Điều này là tín lực.

Tấn lực là gì? ‘Không dao động ở sự biếng nhác’ là tấn lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là tấn lực. Với ý nghĩa chấm dứt các phiền não là tấn lực. Với ý nghĩa làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt là tấn lực. Với ý nghĩa khẳng định của tâm là tấn lực. Với ý nghĩa thanh lọc của tâm là tấn lực. Với ý nghĩa đắc chứng pháp đặc biệt là tấn lực. Với ý nghĩa thấu triệt hướng thượng là tấn lực. Với ý nghĩa chứng ngộ chân lý là tấn lực. Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận. Điều này là tấn lực.

Niệm lực là gì? ‘Không dao động ở sự buông lung’ là niệm lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là niệm lực. …(như trên)… Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là niệm lực. Điều này là niệm lực.

Định lực là gì? ‘Không dao động ở sự phóng dật’ là định lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là định lực. …(như trên)… Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là định lực. Điều này là định lực.

Tuệ lực là gì? ‘Không dao động ở vô minh’ là tuệ lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là tuệ lực. …(như trên)… Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là tuệ lực. Điều này là tuệ lực.  

Lực của sự hổ thẹn (tội lỗi) là gì? ‘Do sự thoát ly, (hành giả) hổ thẹn về ước muốn trong các dục’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do không sân độc, hổ thẹn về sự sân độc’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do nghĩ tưởng về ánh sáng, hổ thẹn về sự lờ đờ buồn ngủ’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do không tản mạn, hổ thẹn về sự phóng dật’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do xác định pháp, hổ thẹn về hoài nghi’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do trí, hổ thẹn về vô minh’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do hân hoan, hổ thẹn về sự không hứng thú’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do sơ thiền, hổ thẹn về các pháp ngăn che’ là lực của sự hổ thẹn. …(như trên)… ‘Do Đạo A-la-hán, hổ thẹn về toàn bộ phiền não’ là lực của sự hổ thẹn. Điều này là lực của sự hổ thẹn.

Lực của sự ghê sợ (tội lỗi) là gì? ‘Do sự thoát ly, (hành giả) ghê sợ về ước muốn trong các dục’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do không sân độc, ghê sợ về sự sân độc’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do nghĩ tưởng về ánh sáng, ghê sợ về sự lờ đờ buồn ngủ’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do không tản mạn, ghê sợ về sự phóng dật’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do xác định pháp, ghê sợ về hoài nghi’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do trí, ghê sợ về vô minh’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do hân hoan, ghê sợ về sự không hứng thú’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do sơ thiền, ghê sợ về các pháp ngăn che’ là lực của sự ghê sợ. …(như trên)… ‘Do Đạo A-la-hán, ghê sợ về toàn bộ phiền não’ là lực của sự ghê sợ. Điều này là lực của sự ghê sợ.

Lực của sự phân biệt rõ là gì? ‘Do sự thoát ly, (hành giả) phân biệt rõ về ước muốn trong các dục’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do không sân độc, phân biệt rõ về sự sân độc’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do nghĩ tưởng về ánh sáng, phân biệt rõ về sự lờ đờ buồn ngủ’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do không tản mạn, phân biệt rõ về sự phóng dật’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do sự xác định pháp, phân biệt rõ về hoài nghi’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do trí, phân biệt rõ về vô minh’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do hân hoan, phân biệt rõ về sự không hứng thú’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do sơ thiền, phân biệt rõ về các pháp ngăn che’ là lực của sự phân biệt rõ. …(như trên)… ‘Do Đạo A-la-hán, phân biệt rõ về toàn bộ phiền não’ là lực của sự phân biệt rõ. Điều này là lực của sự phân biệt rõ.

Lực của sự tu tập là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) tu tập sự thoát ly’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, tu tập sự không sân độc’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, tu tập sự nghĩ tưởng về ánh sáng’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ phóng dật, tu tập sự không tản mạn’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ hoài nghi, tu tập sự xác định pháp’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ vô minh, tu tập trí’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ sự không hứng thú, tu tập sự hân hoan’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ các pháp ngăn che, tu tập sơ thiền’ là lực của sự tu tập. …(như trên)… ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, tu tập Đạo A-la-hán’ là lực của sự tu tập. Điều này là lực của sự tu tập.  

Lực của sự không sai trái là gì? ‘Do trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục, không có gì sai trái ở sự thoát ly’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ sân độc, không có gì sai trái ở sự không sân độc’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, không có gì sai trái ở sự nghĩ tưởng về ánh sáng’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ phóng dật, không có gì sai trái ở sự không tản mạn’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ hoài nghi, không có gì sai trái ở sự xác định pháp’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ vô minh, không có gì sai trái ở trí’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự không hứng thú, không có gì sai trái ở sự hân hoan’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ các pháp ngăn che, không có gì sai trái ở sơ thiền’ là lực của sự không sai trái. …(như trên)… ‘Do trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não, không có gì sai trái ở Đạo A-la-hán’ là lực của sự không sai trái. Điều này là lực của sự không sai trái.

Lực của sự củng cố là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc bằng sự không sân độc (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ bằng sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. …(như trên)… ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não bằng Đạo A-la-hán (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. Điều này là lực của sự củng cố.             

Lực của sự nhẫn nại là gì? ‘Do trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) chấp nhận sự thoát ly’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ sân độc, chấp nhận sự không sân độc’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, chấp nhận sự nghĩ tưởng về ánh sáng’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ phóng dật, chấp nhận sự không tản mạn’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ hoài nghi, chấp nhận sự xác định pháp’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ vô minh, chấp nhận trí’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự không hứng thú, chấp nhận hân hoan’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ các pháp ngăn che, chấp nhận sơ thiền’ là lực của sự nhẫn nại. …(như trên)… ‘Do trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não, chấp nhận Đạo A-la-hán’ là lực của sự nhẫn nại. Điều này là lực của sự nhẫn nại.                      

Lực của sự chuẩn bị là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. …(như trên)… ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. Điều này là lực của sự chuẩn bị.

Lực của sự thuyết phục là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. …(như trên)… ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. Điều này là lực của sự thuyết phục.

Lực của sự thống lãnh là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. …(như trên)… ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. Điều này là lực của sự thống lãnh.

Lực của sự khẳng định là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. …(như trên)… ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. Điều này là lực của sự khẳng định.

Lực của chỉ tịnh là gì? Do tác động của sự thoát ly, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Do tác động của sự không sân độc, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Do tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. …(như trên)… Có sự quán xét về từ bỏ, do tác động của hơi thở vào, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Có sự quán xét về từ bỏ, do tác động của hơi thở ra, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh.

Lực của chỉ tịnh: Lực của chỉ tịnh với ý nghĩa gì? ‘Nhờ vào sơ thiền, (hành giả) không rung động đối với các pháp ngăn che’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào nhị thiền, (hành giả) không rung động đối với tầm và tứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào tam thiền, (hành giả) không rung động đối với hỷ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào tứ thiền, (hành giả) không rung động đối với lạc và khổ’ là lực của chỉ tịnh.  

‘Nhờ vào sự chứng đạt không vô biên xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về sắc, đối với sự nghĩ tưởng về bất bình, đối với sự nghĩ tưởng về sự khác biệt’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt thức vô biên xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt vô sở hữu xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘(Hành giả) không rung động không lay động không chao động đối với các sự phóng dật, đối với các phiền não đi cùng với phóng dật, và đối với các uẩn’ là lực của chỉ tịnh. Đây là lực của chỉ tịnh.

Lực của minh sát là gì? Sự quán xét về vô thường là lực của minh sát. …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ là lực của minh sát. Sự quán xét về vô thường ở sắc là lực của minh sát. Sự quán xét về khổ não ở sắc là lực của minh sát. …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở sắc là lực của minh sát. Sự quán xét về vô thường ở thọ … ở tưởng … ở các hành … ở thức … ở mắt … ở lão tử là lực của minh sát. Sự quán xét về khổ não ở lão tử là lực của minh sát. …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử là lực của minh sát.

Lực của minh sát: Lực của minh sát với ý nghĩa gì? ‘Do quán xét về vô thường, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về thường’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về khổ não, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về lạc’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về vô ngã, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về ngã’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về nhàm chán, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về vui thích’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về ly tham ái, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về tham ái’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về diệt tận, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về nhân sanh khởi’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về từ bỏ, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về nắm giữ’ là lực của minh sát. ‘không rung động không chuyển động không chao động đối với vô minh, đối với các phiền não đi cùng với vô minh, và đối với các uẩn’ là lực của minh sát. Đây là lực của minh sát.

Mười lực của bậc Hữu Học, mười lực của bậc Vô Học là gì? ‘(Hành giả) học tập chánh kiến’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. ‘(Hành giả) học tập chánh tư duy’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. ‘(Hành giả) học tập chánh ngữ … chánh nghiệp … chánh mạng … chánh tinh tấn … chánh niệm … chánh định … chánh trí … chánh giải thoát’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. Đây là mười lực của bậc Hữu Học, mười lực của bậc Vô Học.  

Mười lực của bậc Lậu Tận là gì? Ở đây, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tất cả các hành là vô thường được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tất cả các hành là vô thường được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’

Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, các dục tợ như hố than cháy đỏ được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, các dục tợ như hố than cháy đỏ được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’

Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tâm là thuận theo sự viễn ly, là xuôi theo sự viễn ly, là nghiêng theo sự viễn ly, là tồn tại ở sự viễn ly, là hứng thú với sự thoát ly, là được hoàn toàn chấm dứt đối với các pháp đưa đến lậu hoặc. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tâm là thuận theo sự viễn ly, là xuôi theo sự viễn ly, là nghiêng theo sự viễn ly, là tồn tại ở sự viễn ly, là hứng thú với sự thoát ly, là được hoàn toàn chấm dứt đối với các pháp đưa đến lậu hoặc; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’

Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, bốn sự thiết lập niệm là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, bốn sự thiết lập niệm là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’

Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, bốn chánh cần là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. …(nt)… bốn nền tảng của thần thông là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. …(nt)… năm quyền là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. …(nt)… năm lực là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. …(nt)… bảy chi phần đưa đến giác ngộ là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. …(nt)… Thánh Đạo tám chi phần là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, Thánh Đạo tám chi phần là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’ Đây là mười lực của bậc Lậu Tận.  

Mười lực của thần thông là gì? Thần thông do chú nguyện, thần thông do biến hóa, thần thông do ý tạo thành, thần thông do sự can thiệp của trí, thần thông do sự can thiệp của định, thần thông thuộc về bậc Thánh, thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp, thần thông của người có phước báu, thần thông do sự hiểu biết, thần thông với ý nghĩa thành công do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp; đây là mười lực của thần thông.

Mười lực của đức Như Lai là gì? Ở đây, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về điều hợp lý là hợp lý và điều phi lý là phi lý. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về điều hợp lý là hợp lý và điều phi lý là phi lý, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể kết quả các sự thọ nhận về nghiệp ở thời quá khứ hiện tại vị lai tùy theo sự kiện, tùy theo chủng tử. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể kết quả các sự thọ nhận về nghiệp ở thời quá khứ hiện tại vị lai tùy theo sự kiện, tùy theo chủng tử, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể sự thực hành đưa đến tất cả các cõi tái sanh. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể sự thực hành đưa đến tất cả các cõi tái sanh, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể thế giới có vô số bản chất và có các bản chất khác biệt. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể thế giới có vô số bản chất và có các bản chất khác biệt, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. …(như trên)… chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về khuynh hướng khác biệt của các chúng sanh. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về khuynh hướng khác biệt của các chúng sanh, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. …(như trên)… chuyển vận Pháp Luân tối thượng.  

Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể khả năng về các quyền của các chúng sanh khác, của các cá nhân khác. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể khả năng về các quyền của các chúng sanh khác, của các cá nhân khác, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. …(như trên)… chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về phiền não, sự thanh lọc, sự thoát ra của thiền, của giải thoát, của định, và của sự chứng đạt. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về phiền não, sự thanh lọc, sự thoát ra của thiền, của giải thoát, của định, và của sự chứng đạt, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. …(như trên)… chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai nhớ về nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh …(như trên)…; như thế Ngài nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét cá biệt và đại cương. Sự việc đức Như Lai nhớ về nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh …(như trên)… điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. …(như trên)… chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai, bằng thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại …(như trên)… Sự việc đức Như Lai, bằng thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại …(như trên)… điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. …(như trên)… chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Hơn nữa, đức Như Lai, do sự đoạn tận của các lậu hoặc ngay trong kiếp hiện tại, sau khi tác chứng sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của ý, sự giải thoát của tuệ bằng thắng trí của tự thân, đã thể nhập và an trú. Sự việc đức Như Lai, do sự đoạn tận của các lậu hoặc ngay trong kiếp hiện tại, sau khi tác chứng sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của ý, sự giải thoát của tuệ bằng thắng trí của tự thân, đã thể nhập và an trú, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.

Tín lực với ý nghĩa gì? Tấn lực với ý nghĩa gì? Niệm lực với ý nghĩa gì? Định lực với ý nghĩa gì? Tuệ lực với ý nghĩa gì? Lực của sự hổ thẹn (tội lỗi) với ý nghĩa gì? Lực của sự ghê sợ (tội lỗi) với ý nghĩa gì? Lực của sự phân biệt rõ với ý nghĩa gì? …(như trên)… Lực của đức Như Lai với ý nghĩa gì?  

Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự không có đức tin là tín lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự biếng nhác là tấn lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự buông lung là niệm lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự phóng dật là định lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở vô minh. là tuệ lực. ‘Hổ thẹn về các ác bất thiện pháp’ là lực của sự hổ thẹn (tội lỗi). ‘Ghê sợ về các ác bất thiện pháp’ là lực của sự ghê sợ (tội lỗi). ‘Phân biệt rõ các phiền não bằng trí’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Các pháp sanh lên trong trường hợp ấy là có nhất vị’ là lực của sự tu tập. ‘Không có gì sai trái ở điều ấy’ là lực của sự không sai trái. ‘Do điều ấy, (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ‘(Hành giả) chấp nhận điều ấy’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do điều ấy, (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ‘Do điều ấy, (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ‘Do điều ấy, (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ‘Do điều ấy, (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ‘Do điều ấy, tâm được chuyên nhất’ là lực của chỉ tịnh. ‘(Hành giả) quán xét các pháp sanh lên trong trường hợp ấy’ là lực của minh sát. ‘(Hành giả) học tập ở điều ấy’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. ‘Do điều ấy, các lậu hoặc được cạn kiệt’ là lực của bậc Lậu Tận. ‘Được thành công cho vị ấy’ là lực của thần thông. Với ý nghĩa vô lượng là lực của đức Như Lai.

Phần Giảng về Lực được đầy đủ.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo II“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo II” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *