PHÂN TÍCH ĐẠO II – PAṬISAMBHIDĀMAGGO – XI – GIẢNG VỀ TUỆ

C. PHẨM TUỆ

I. GIẢNG VỀ TUỆ

Sự quán xét về vô thường được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về khổ não được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô ngã được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?

Sự quán xét về vô thường được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về khổ não được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ nhàm chán được tròn đủ. Sự quán xét về vô ngã được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vĩ đại được tròn đủ. Sự quán xét về nhàm chán được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ sắc bén được tròn đủ. Sự quán xét về ly tham ái được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ rộng lớn được tròn đủ. Sự quán xét về diệt tận được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ thâm sâu được tròn đủ. Sự quán xét về từ bỏ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ[2] này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.

Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.

Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?

Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.

Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.

Sự quán xét về vô thường ở thọ … ở tưởng … ở các hành … ở thức … ở mắt … ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô thường ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.

Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.

Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô thường ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về khổ não ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về khổ não ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô ngã ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô ngã ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về nhàm chán ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về nhàm chán ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về ly tham ái ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về ly tham ái ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?

Sự quán xét về diệt tận ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về diệt tận ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về từ bỏ ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?

Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về vô thường ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về khổ não ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ nhàm chán được tròn đủ. Sự quán xét về khổ não ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về vô ngã ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vĩ đại được tròn đủ. Sự quán xét về vô ngã ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về nhàm chán ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ sắc bén được tròn đủ. Sự quán xét về nhàm chán ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về ly tham ái ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ rộng lớn được tròn đủ. Sự quán xét về ly tham ái ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về diệt tận ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ thâm sâu được tròn đủ. Sự quán xét về diệt tận ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Sự quán xét về từ bỏ ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.

Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.  

Sự quán xét về vô thường ở thọ … ở tưởng … ở các hành … ở thức … ở mắt … ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô thường ở lão tử thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? …(như trên)… Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?

Sự quán xét về vô thường ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về vô thường ở lão tử thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. …(nt)… Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.

Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự tác chứng Quả Nhập Lưu. Bốn là gì? Thân cận bậc thiện nhân, lắng nghe Chánh Pháp, tác ý đúng đường lối, thực hành đúng theo ý nghĩa của Pháp. Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự tác chứng Quả Nhập Lưu.

Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự tác chứng Quả Nhất Lai. … đưa đến sự tác chứng Quả Bất Lai. … đưa đến sự tác chứng Quả A-la-hán. Bốn là gì? Thân cận bậc thiện nhân, lắng nghe Chánh Pháp, tác ý đúng đường lối, thực hành đúng theo ý nghĩa của Pháp. Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến sự tác chứng Quả A-la-hán.

Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự thành đạt về tuệ …(như trên)… đưa đến sự tăng trưởng của tuệ …(như trên)… đưa đến sự tiến triển của tuệ …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ vĩ đại …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ phổ thông …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ rộng lớn …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ thâm sâu …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ vô song …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ bao la …(như trên)… đưa đến sự dồi dào của tuệ …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ nhạy bén …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ nhẹ nhàng …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ vi tiếu …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ đổng tốc …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ sắc bén …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ thông suốt. Bốn là gì? Thân cận bậc thiện nhân, lắng nghe Chánh Pháp, tác ý đúng đường lối, thực hành đúng theo ý nghĩa của Pháp. Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến sự thành đạt về tuệ …(như trên)… đưa đến sự tăng trưởng của tuệ …(như trên)… đưa đến trạng thái tuệ thông suốt.

Đưa đến sự thành đạt về tuệ: Sự thành đạt về tuệ là gì? Là sự đạt được, sự thành đạt, sự đạt đến, sự thành tựu, sự chạm đến, sự tác chứng, sự hoàn thành của bốn trí về Đạo, của bốn trí về Quả, của bốn trí phân tích, của sáu thắng trí, của bảy mươi ba trí,[3] của bảy mươi bảy trí.[4] ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến sự thành đạt về tuệ;’ đây là sự thành đạt về tuệ.

Đưa đến sự tăng trưởng của tuệ: Sự tăng trưởng của tuệ gì? Tuệ của 7 vị Hữu Học và của phàm nhân hoàn thiện tăng trưởng, tuệ của vị A-la-hán tăng trưởng. ‘Các sự tăng trưởng đã được tăng trưởng đưa đến sự tăng trưởng của tuệ;’ đây là sự tăng trưởng của tuệ.

Đưa đến sự tiến triển của tuệ: Sự tiến triển của tuệ gì? Tuệ của bảy vị Hữu Học và của vị phàm nhân hoàn thiện đi đến sự tiến triển, tuệ của vị A-la-hán đã đi đến sự tiến triển. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến sự tiến triển của tuệ;’ đây là sự tiến triển của tuệ.

Đưa đến trạng thái tuệ vĩ đại: Tuệ vĩ đại là gì? ‘Nắm giữ các ý nghĩa vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các pháp vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các ngôn từ vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các phép biện giải vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giới uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các định uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các tuệ uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giải thoát uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giải thoát-tri-kiến uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các sự hợp lý và không hợp lý vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các sự an trú và chứng đạt vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các chân lý cao thượng vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các sự thiết lập niệm vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các chánh cần vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các nền tảng thần thông vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các quyền vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các lực vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giác chi vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các Thánh Đạo vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các Quả vị Sa-môn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các thắng trí vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ vĩ đại;’ đây là tuệ vĩ đại.

Đưa đến trạng thái tuệ phổ thông: Tuệ phổ thông là gì? ‘Trí vận hành về các uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông.        ‘Trí vận hành về các giới phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các xứ phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông.   ‘Trí vận hành về các sự sanh khởi tùy thuận phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các trường hợp không đạt        được không tánh phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí       vận hành về các ý nghĩa phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông.   ‘Trí vận hành về  các pháp  phổ thông và khác biệt’ là tuệ  phổ  thông.

‘Trí vận hành về các ngôn từ phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các phép biện giải phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giới uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các định uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các tuệ uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giải thoát uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giải thoát-tri-kiến uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự hợp lý và không hợp lý phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự an trú và chứng đạt phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các chân lý cao thượng phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự thiết lập niệm phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các chánh cần phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các nền tảng thần thông phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các quyền phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các lực phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giác chi phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các Thánh Đạo phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các Quả vị Sa-môn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các thắng trí phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vượt qua các pháp phổ biến đến phàm nhân rồi vận hành về Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối’ là tuệ phổ thông. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ phổ thông;’ đây là tuệ phổ thông.

Đưa đến trạng thái tuệ rộng lớn: Tuệ rộng lớn là gì? ‘Nắm giữ các ý nghĩa rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các pháp rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các ngôn từ rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các phép biện giải rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giới uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các định uẩn nghĩa rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các tuệ uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giải thoát uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giải thoát-tri-kiến uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các sự hợp lý và không hợp lý rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các sự an trú và chứng đạt rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các chân lý cao thượng rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các sự thiết lập niệm rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các chánh cần rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các nền tảng thần thông rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các quyền rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các lực rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giác chi rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các Thánh Đạo rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các Quả vị Sa-môn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các thắng trí rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ rộng lớn;’ đây là tuệ rộng lớn.

Đưa đến trạng thái tuệ thâm sâu: Tuệ thâm sâu là gì? ‘Trí vận hành về các uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giới thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các xứ thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự sanh khởi tùy thuận thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các trường hợp không đạt được không tánh thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các ý nghĩa thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các pháp thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các ngôn từ thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các phép biện giải thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giới uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các định uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các tuệ uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giải thoát uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giải thoát-tri-kiến uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự hợp lý và không hợp lý thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự an trú và chứng đạt thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các chân lý cao thượng thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự thiết lập niệm thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các chánh cần thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các nền tảng thần thông thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các quyền thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các lực thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giác chi thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các Thánh Đạo thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các Quả vị Sa-môn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các thắng trí thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vượt qua các pháp phổ biến đến phàm nhân rồi vận hành về Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối’ là tuệ thâm sâu. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ thâm sâu;’ đây là tuệ thâm sâu.

Đưa đến trạng thái tuệ vô song: Tuệ vô song là gì? Cá nhân nào, do xác định ý nghĩa có sự phân tích về ý nghĩa được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, do xác định pháp có sự phân tích về pháp được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, do xác định ngôn từ có sự phân tích về ngôn từ được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, do xác định phép biện giải có sự phân tích về phép biện giải được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, đối với vị ấy không ai có thể vượt trội về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và về phép biện giải. ‘Và vị ấy là không thể bị vượt trội bởi những người khác’ là tuệ vô song.

Tuệ của phàm nhân hoàn thiện so với tuệ của hạng thứ tám (Đạo Nhập Lưu) là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với phàm nhân hoàn thiện, hạng thứ tám là có tuệ vô song. Tuệ của hạng thứ tám so với tuệ của vị Nhập Lưu là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là  không  kề cận; so với hạng thứ tám, vị Nhập Lưu  là  có  tuệ  vô  song.

Tuệ của vị Nhập Lưu so với tuệ của vị Nhất Lai là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị Nhập Lưu, vị Nhất Lai là có tuệ vô song. Tuệ của vị Nhất Lai so với tuệ của vị Bất Lai là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị Nhất Lai, vị Bất Lai là có tuệ vô song. Tuệ của vị Bất Lai so với tuệ của vị A-la-hán là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị Bất Lai, vị A-la-hán là có tuệ vô song. Tuệ của vị A-la-hán so với tuệ của vị Phật Độc Giác là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị A-la-hán, vị Phật Độc Giác là có tuệ vô song; so với vị Phật Độc Giác và thế gian luôn cả chư Thiên, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác là có tuệ vô song tối thắng. Là vị thiện xảo về các loại tuệ, có trí đã được phân hạng, có sự phân tích đã được đắc chứng, đã đạt đến bốn sự tự tín, là vị rành rẽ về mười lực, là bậc Nhân Ngưu, là bậc Nhân Sư, là người như loài rồng, là người có dòng dõi cao quý, là người cất đi gánh nặng, là vị có trí vô biên, có oai lực vô biên, có danh vọng vô biên, giàu có (về trí tuệ), có tài sản (trí tuệ) lớn lao, có của cải (trí tuệ), là vị lãnh đạo, vị hướng đạo, vị dẫn dắt, vị giúp cho nhận biết, vị giúp cho suy nghiệm, vị giúp cho quan sát, vị tạo niềm tin.

Bởi vì Ngài là đức Thế Tôn, là vị làm sanh lên đạo lộ chưa được sanh lên, là vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi, là vị tuyên thuyết về đạo lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về đạo lộ, là vị hiểu rõ về đạo lộ, là vị thông thạo về đạo lộ, hơn nữa hiện nay các Thinh Văn của Ngài là những người đi theo đạo lộ rồi an trú, là những người tiếp nối.

Bởi vì Ngài là đức Thế Tôn, là vị biết điều đã được biết, thấy điều đã được thấy, là mắt, là trí, là Pháp, là đấng Brahma, là vị nói ra, là vị nói lên, là vị đem lại ý nghĩa, là vị ban phát Bất Tử, là đấng Pháp Chủ, là đức Như Lai. Đối với đức Thế Tôn ấy, không gì là không được biết, không được thấy, không được hiểu, không được tác chứng, không được chạm đến bởi tuệ. Tính luôn cả quá khứ hiện tại vị lai, tất cả các pháp với mọi biểu hiện đều nổi bật ở trí của đức Phật Thế Tôn. Bất cứ điều gì được gọi là cần được biết, tất cả các điều ấy đều được biết. Ý nghĩa thuộc về bản thân, hoặc ý nghĩa thuộc về người khác, hoặc ý nghĩa thuộc về cả hai, hoặc ý nghĩa trong thời hiện tại, hoặc ý nghĩa liên quan đến thời vị lai, hoặc ý nghĩa hời hợt, hoặc ý nghĩa thâm sâu, hoặc ý nghĩa khó hiểu, hoặc ý nghĩa được che đậy, hoặc ý nghĩa cần được biết, hoặc ý nghĩa đã được kết luận, hoặc ý nghĩa không sai trái, hoặc ý nghĩa không ô nhiễm, hoặc ý nghĩa thuần khiết, hoặc ý nghĩa tuyệt đối, tất cả các điều ấy đều xoay chuyển ở bên trong trí của đức Phật. Tất cả các nghiệp về thân đều được xoay chuyển thuận theo trí của đức Phật Thế Tôn. Tất cả các nghiệp về khẩu đều được xoay chuyển thuận theo trí của đức Phật Thế Tôn. Tất cả các nghiệp về ý đều được xoay chuyển thuận theo trí của đức Phật Thế Tôn.

Trí của đức Phật Thế Tôn về thời điểm đã qua là không bị chướng ngại. Trí của đức Phật Thế Tôn về thời điểm chưa đến là không bị chướng ngại. Trí của đức Phật Thế Tôn về thời điểm hiện tại là không bị chướng ngại. Điều cần được biết là đến đâu, trí (của Ngài) là đến thế ấy; trí (của Ngài) là đến đâu, điều cần được biết là đến thế ấy. Trí (của Ngài) có cùng ranh giới với điều cần được biết, điều cần được biết có cùng ranh giới với trí (của Ngài). Sau khi vượt qua điều cần được biết, trí (của Ngài) không vận hành, không có hiện tượng của điều cần được biết vượt qua trí (của Ngài); các pháp ấy có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Giống như hai phần của chiếc hộp được gắn liền khít khao, phần hộp ở bên dưới không vượt quá phần bên trên, phần hộp ở bên trên không vượt qua phần bên dưới; chúng có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Tương tợ y như thế, điều cần được biết và trí của đức Phật Thế Tôn có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Điều cần được biết là đến đâu, trí (của Ngài) là đến thế ấy; trí (của Ngài) là đến đâu, điều cần được biết là đến thế ấy. Trí (của Ngài) có cùng ranh giới với điều cần được biết, điều cần được biết có cùng ranh giới với trí (của Ngài). Sau khi vượt qua điều cần được biết, trí (của Ngài) không vận hành, không có hiện tượng của điều cần được biết vượt qua trí (của Ngài); các pháp ấy có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả các pháp.

Đối với đức Phật Thế Tôn, tất cả các pháp được gắn liền với sự hướng tâm, được gắn liền với sự mong muốn, được gắn liền với tác ý, được gắn liền với sự sanh lên của tâm. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả chúng sanh. Đức Phật biết thiên kiến, biết xu hướng ngủ ngầm, biết tánh hạnh, biết khuynh hướng của tất cả chúng sanh. Ngài nhận biết những chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, có khả năng và không có khả năng. Thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người xoay chuyển ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ loài cá và rùa nào, thậm chí tính luôn loại cá ông cá voi, đều xoay chuyển ở giữa biển cả bao la. Tương tợ như vậy, thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người xoay chuyển ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ loài có cánh nào, thậm chí tính luôn cả Kim-sỉ-điểu thuộc loại Venateyya, đều xoay chuyển ở khoảng không gian của bầu trời. Tương tợ y như thế, ngay cả những vị là tương đương với Sārīputta về tuệ, những vị ấy cũng chỉ xoay chuyển trong phạm vi trí của đức Phật.

Trí của đức Phật xâm nhập, chiếm cứ, và ngự trị tuệ của chư thiên và nhân loại. Ngay cả các vị thông thái dòng Sát-đế-lỵ, các vị thông thái dòng Bà-la-môn, các vị gia chủ thông thái, các vị Sa-môn thông thái, khôn ngoan, biết đến các giáo thuyết của những người khác như là (mũi tên) xuyên qua sợi tóc, nghĩ rằng họ là những người đi đến đập đổ những khuynh hướng tà kiến nhờ vào tuệ đã đạt được. Những người ấy liên tục chuẩn bị câu hỏi rồi đi đến gặp đức Như Lai và chất vấn. Những câu hỏi khó hiểu và che đậy ấy, khi được giảng giải được trả lời bởi đức Thế Tôn, trở thành những sự việc rõ ràng. Và những người ấy trở thành những người hỗ trợ đối với đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn vô cùng rạng rỡ ở tại nơi ấy, tức là về ‘Tuệ.’ Ngài là tối thắng và có tuệ vô song. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ vô song;’ đây là tuệ vô song.

Đưa đến trạng thái tuệ bao la: Tuệ bao la là gì? ‘Chế ngự tham ái’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la. ‘Chế ngự sân’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la. ‘Chế ngự si’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la. ‘Chế ngự sự giận dữ’ … sự căm hận … sự gièm pha … sự hà hiếp … sự ganh tỵ … sự bỏn xẻn … sự xảo trá … sự đạo đức giả … sự bướng bỉnh … sự cống cao … sự ngã mạn … sự cao ngạo … sự kiêu căng … sự buông lung … toàn bộ phiền não … tất cả các ác hạnh … tất cả các hành … ‘Chế ngự tất cả nghiệp dẫn đến hữu’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la.

‘Tham ái là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. ‘Sân là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. ‘Si là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. ‘Sự giận dữ … Sự căm hận … Sự gièm pha … Sự hà hiếp … Sự ganh tỵ … Sự bỏn xẻn … Sự xảo trá … Sự đạo đức giả … Sự bướng bỉnh … Sự cống cao … Sự ngã mạn … Sự cao ngạo … Sự kiêu căng … Sự buông lung … Toàn bộ phiền não … Tất cả các ác hạnh … Tất cả các hành … ‘Tất cả nghiệp dẫn đến hữu là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. Quả đất được gọi là bao la. ‘Đức Phật hội đủ về tuệ ấy có tính rộng lớn tương tợ như quả đất,’ như thế là tuệ bao la. Hơn nữa, điều này là sự đặt tên cho tuệ. ‘Bao la, mẫn tiệp, liên quan đến lãnh đạo’ là tuệ bao la. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ bao la;’ đây là tuệ bao la.

Đưa đến sự dồi dào của tuệ: Sự dồi dào của tuệ là gi? Ở đây, có người chú trọng về tuệ, thực hành về tuệ, có thiên hướng về tuệ, có khuynh hướng về tuệ, có tuệ là ngọn cờ, có tuệ là biểu hiệu, có tuệ là pháp chủ đạo, có nhiều tìm hiểu, nhiều suy xét, nhiều xem xét, nhiều quan sát, có sự việc để quan sát, an trú vào sự việc rõ ràng, thực hành tuệ ấy, chú trọng tuệ ấy, dồi dào tuệ ấy, thuận theo tuệ ấy, xuôi theo tuệ ấy, nghiêng theo tuệ ấy, khuynh hướng về tuệ ấy, có tuệ ấy là chủ đạo. Ví như người chú trọng về đồ chúng được gọi là ‘Người có nhiều đồ chúng;’ người chú trọng về y được gọi là ‘Người có nhiều y;’ người chú trọng về bình bát được gọi là ‘Người có nhiều bình bát;’ người  chú trọng  về  sàng tọa được gọi là ‘Người có nhiều  sàng  tọa;’ tương tợ như thế, có người chú trọng về tuệ, thực hành về tuệ, có thiên hướng về tuệ, có khuynh hướng về tuệ, có tuệ là ngọn cờ, có tuệ là biểu hiệu, có tuệ là pháp chủ đạo, có nhiều tìm hiểu, nhiều suy xét, nhiều xem xét, nhiều quan sát, có sự việc để quan sát, an trú vào sự việc rõ ràng, thực hành tuệ ấy, chú trọng tuệ ấy, dồi dào tuệ ấy, thuận theo tuệ ấy, xuôi theo tuệ ấy, nghiêng theo tuệ ấy, khuynh hướng về tuệ ấy, có tuệ ấy là chủ đạo. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến sự dồi dào của tuệ;’ đây là sự dồi dào của tuệ.

Đưa đến trạng thái tuệ nhạy bén: Tuệ nhạy bén là gì? ‘Làm tròn đủ các giới vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ việc thu thúc các quyền vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ sự tri túc về vật thực vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ sự gắn bó với tỉnh thức vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ giới uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ định uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ tuệ uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ giải thoát uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ giải thoát-tri-kiến uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Thấu triệt các sự hợp lý và không hợp lý vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ sự an trú và chứng đạt vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Thấu triệt các chân lý cao thượng vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các sự thiết lập niệm vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các chánh cần vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các nền tảng thần thông vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các quyền vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các lực vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các giác chi vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập Thánh Đạo vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tác chứng các Quả vị Sa-môn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Thấu triệt các thắng trí vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tác chứng Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ nhạy bén;’ đây là tuệ nhạy bén.

Đưa đến trạng thái tuệ nhẹ nhàng: Tuệ nhẹ nhàng là gì? ‘Làm tròn đủ các giới vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự thu thúc các quyền vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự tri túc về vật thực vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự gắn bó với tỉnh thức vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ giới uẩn … định uẩn … tuệ uẩn … giải thoát uẩn … giải thoát-tri-kiến uẩn vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Thấu triệt các sự hợp lý và không hợp lý vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự an trú và chứng đạt vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Thấu triệt các chân lý cao thượng vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các sự thiết lập niệm vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các chánh cần vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các nền tảng của thần thông vô cùng nhẹ nhàng’ là  tuệ nhẹ  nhàng. ‘Tu tập  các  quyền  vô  cùng  nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các lực vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các giác chi vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập Thánh Đạo vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tác chứng các Quả vị Sa-môn vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Thấu triệt các thắng trí vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tác chứng Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ nhẹ nhàng;’ đây là tuệ nhẹ nhàng.

Đưa đến trạng thái tuệ vi tiếu: Tuệ vi tiếu là gì? Ở đây có người: ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ các giới’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ sự thu thúc các quyền’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ sự tri túc về vật thực’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ sự gắn bó với tỉnh thức’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ giới uẩn’ … định uẩn … tuệ uẩn … giải thoát uẩn … giải thoát-tri-kiến uẩn … thấu triệt các sự hợp lý và không hợp lý … làm tròn đủ sự an trú và chứng đạt … thấu triệt các chân lý cao thượng … tu tập các sự thiết lập niệm … tu tập các chánh cần … tu tập các nền tảng thần thông … tu tập các quyền … tu tập các lực … tu tập các giác chi … tu tập Thánh Đạo … tác chứng các Quả vị Sa-môn’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan thấu triệt các thắng trí’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan tác chứng Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối’ là tuệ vi tiếu. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ vi tiếu;’ đây là tuệ vi tiếu.

Đưa đến trạng thái tuệ đổng tốc: Tuệ đổng tốc là gì? Bất cứ sắc nào thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần hoặc ngoại phần, thô hoặc tế, thấp kém hoặc cao quý, là ở xa hoặc ở gần, về toàn bộ sắc ấy ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô thường’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là khổ não’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô ngã’ là tuệ đổng tốc. Bất cứ thọ nào …(như trên)… Bất cứ tưỏng nào …(như trên)… Bất cứ các hành nào …(như trên)… Bất cứ thức nào thuộc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, nội phần hoặc ngoại phần, thô hoặc tế, thấp kém hoặc cao quý, là ở xa hoặc gần, về toàn bộ thức ấy ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô thường’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là khổ não’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô ngã’ là tuệ đổng tốc. Mắt …(như trên)… Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô thường’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là khổ não’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô ngã’ là tuệ đổng tốc.

Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận sắc là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc. Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Thọ … Tưởng … Các hành … Thức … Mắt … Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận lão tử là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc.

Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp đoạn tận, là pháp biến hoại, là pháp ly tham ái, là pháp diệt tận,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận sắc là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc. Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Thọ … Tưởng … Các hành … Thức … Mắt … Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp đoạn tận, là pháp biến hoại, là pháp ly tham ái, là pháp diệt tận,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận lão tử là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ đổng tốc’ là tuệ đổng tốc.

Đưa đến trạng thái tuệ sắc bén: Tuệ sắc bén là gì? ‘Cắt đứt các phiền não một cách mau lẹ’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu dục tầm đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu sân độc tầm đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu hãm hại tầm đã sanh lên …(như trên)… các pháp ác bất thiện đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu tham ái đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu sân đã sanh lên … si đã sanh lên … sự giận dữ đã sanh lên … sự căm hận đã sanh lên … sự gièm pha … sự hà hiếp … sự ganh tỵ … sự bỏn xẻn … sự xảo trá … sự đạo đức giả … sự bướng bỉnh … sự cống cao … sự ngã mạn … sự cao ngạo … sự kiêu căng … sự buông lung … toàn bộ phiền não … tất cả các ác hạnh … tất cả các hành … tất cả nghiệp dẫn đến hữu’ là tuệ sắc bén. ‘Ở một chỗ ngồi, bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị Sa-môn, bốn phân tích, sáu thắng trí là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ’ là tuệ sắc bén. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ sắc bén’ là tuệ sắc bén.

Đưa đến trạng thái tuệ thông suốt: Tuệ thông suốt là gì? Ở đây, có người có nhiều kinh hoảng về tất cả các hành, có nhiều sợ sệt, có nhiều bất mãn, có nhiều không hứng thú, có nhiều không hứng khởi, tỏ vẻ không hứng thú ở tất cả các hành. ‘Thông suốt, khám phá  tham uẩn chưa  được  thông  suốt  trước  đây,  chưa  được  khám  phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Thông suốt, khám phá sân uẩn chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Thông suốt, khám phá si uẩn chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Thông suốt, khám phá sự giận dữ … sự căm hận … sự gièm pha … sự hà hiếp … sự ganh tỵ … sự bỏn xẻn … sự xảo trá … sự đạo đức giả … sự bướng bỉnh … sự cống cao … sự ngã mạn … sự cao ngạo … sự kiêu căng … sự buông lung … toàn bộ phiền não … tất cả các ác hạnh … tất cả các hành … tất cả nghiệp dẫn đến hữu chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ thông suốt’ là tuệ thông suốt. Đây là 16 tuệ. Cá nhân hội đủ 16 tuệ này đạt đến (tuệ) phân tích.

Có hai hạng người đạt được phân tích: một hạng đã thực tập trước đây, một hạng đã không thực tập trước đây. Người nào đã thực tập trước đây, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây: một hạng đã nghe nhiều, một hạng đã không nghe nhiều. Người nào nghe nhiều, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều: một hạng có nhiều sự thuyết giảng, một hạng không có nhiều sự thuyết giảng. Người nào có nhiều sự thuyết giảng, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng: một hạng đã nương tựa vào vị thầy, một hạng đã không nương tựa vào vị thầy. Người nào đã nương tựa vào vị thầy, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy: một hạng có nhiều sự an trú,[5] một hạng không có nhiều sự an trú. Người nào có nhiều sự an trú, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú: một hạng có nhiều sự quán xét lại, một hạng không có nhiều sự quán xét lại. Người nào có nhiều sự quán xét lại, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú, cả hai đều có nhiều sự quán xét lại: một hạng đạt được sự phân tích của bậc Hữu Học, một hạng đạt được sự phân tích của bậc Vô Học. Người nào đạt được sự phân tích của bậc Vô Học, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú, cả hai đều có nhiều sự quán xét lại, cả hai đều đã đạt được sự phân tích của bậc Vô Học: một hạng đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn, một hạng không đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn. Người nào đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú, cả hai đều có nhiều sự quán xét lại, cả hai đều đã đạt được sự phân tích của bậc Vô Học: một hạng đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn, một hạng là vị Độc Giác Phật. Người nào là vị Độc Giác Phật, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.

Tính luôn vị Độc Giác Phật và thế gian có cả chư thiên, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác là tối thắng, đã đạt đến sự phân tích, là thiện xảo về các loại tuệ, có trí đã được phân hạng, có sự phân tích đã được đắc chứng, đã đạt đến bốn sự tự tín, là vị rành rẽ về mười lực, là bậc Nhân Ngưu, là bậc Nhân Sư …(như trên)… Ngay cả các vị thông thái dòng Sát-đế-lỵ, các vị thông thái dòng Bà-la-môn, các vị gia chủ thông thái, các vị Sa-môn thông thái, khôn ngoan, biết đến các giáo thuyết của những người khác như là (mũi tên) xuyên qua sợi tóc, nghĩ rằng họ là những người đi đến đập đổ những khuynh hướng tà kiến nhờ vào tuệ đã đạt được. Những người ấy liên tục chuẩn bị câu hỏi rồi đi đến gặp đức Như Lai và chất vấn. Những câu hỏi khó hiểu và che đậy ấy, khi được giảng giải được trả lời bởi đức Thế Tôn, trở thành những sự việc rõ ràng. Và những người ấy trở thành những người hỗ trợ đối với đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn vô cùng rạng rỡ ở tại nơi ấy, tức là về ‘Tuệ.’ Ngài đã đạt đến sự phân tích và là vị tối thắng.

Phần Giảng về Tuệ được đầy đủ.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo II“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo II” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *