PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU II – CHƯƠNG PĀCITTIYA: PHẨM NÓI DỐI – ĐIỀU HỌC VỀ VIỆC ĐÀO ĐẤT

Phân Tích Giới Tỳ Khưu II

Chương Pācittiya: Phẩm nói dối

Điều học về việc đào đất

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Āḷavī, nơi tháp thờ Aggāḷava. Vào lúc bấy giờ, trong khi thực hiện công trình mới các tỳ khưu ở thành Āḷavī tự đào và bảo đào đất. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại tự đào và bảo đào đất, các Sa-môn Thích tử giết hại mạng sống chỉ có một giác quan?” Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ở thành Āḷavī lại tự đào và bảo đào đất?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi tự đào và bảo đào đất, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại tự đào và bảo đào đất vậy? Này những kẻ rồ dại, bởi vì dân chúng nghĩ rằng có mạng sống ở trong đất. Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào tự đào hoặc bảo đào đất thì phạm tội pācittiya.”

Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Đất nghĩa là có hai loại đất: đất màu mỡ và đất không màu mỡ. Đất màu mỡ nghĩa là thuần đất thịt, thuần đất sét, có ít đá, có ít sỏi, có ít mảnh sành, có ít sạn, có ít cát, phần lớn là đất thịt, phần lớn là đất sét, đất chưa được đốt cháy là đất màu mỡ được nói đến. Đống đất thịt hoặc đống đất sét được thấm nước mưa hơn bốn tháng, đây cũng được gọi là đất màu mỡ.Đất không màu mỡ nghĩa là thuần đá, thuần sỏi, thuần mảnh sành, thuần sạn, thuần cát, có ít đất thịt, có ít đất sét, phần lớn là đá, phần lớn là sỏi, phần lớn là mảnh sành, phần lớn là sạn, phần lớn là cát, đã được đốt cháy là đất không màu mỡ được đề cập đến. Đống đất thịt hoặc đống đất sét được thấm nước mưa chưa tới bốn tháng, đây cũng được gọi là đất không màu mỡ.

Đào: là tự mình đào thì phạm tội pācittiya. Bảo đào: là bảo người khác đào thì phạm tội pācittiya. Được ra lệnh một lần, mặc dầu (vị kia) đào nhiều lần (vị ra lệnh chỉ) phạm (một) tội pācittiya.

Đất, nhận biết là đất, vị tự đào, hoặc bảo đào, hoặc làm vỡ ra, hoặc bảo làm vỡ ra, hoặc đốt cháy, hoặc bảo đốt cháy thì phạm tội pācittiya. Đất, có sự hoài nghi, vị tự đào, hoặc bảo đào, hoặc làm vỡ ra, hoặc bảo làm vỡ ra, hoặc đốt cháy, hoặc bảo đốt cháy thì phạm tội pācittiya. Đất, (lầm) tưởng không phải là đất, vị tự đào, hoặc bảo đào, hoặc làm vỡ ra, hoặc bảo làm vỡ ra, hoặc đốt cháy, hoặc bảo đốt cháy thì vô tội.

Không phải đất, (lầm) tưởng là đất, phạm tội dukkaṭa. Không phải là đất, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải là đất, nhận biết không phải là đất thì vô tội.

Vị nói rằng: ‘Hãy tìm vật này, hãy bố thí vật này, hãy mang lại vật này, có nhu cầu về vật này, hãy làm vật này thành đúng phép,’ không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về việc đào đất là thứ mười.

Phẩm Nói Dối là thứ nhất.

–ooOoo–

Tóm lược phẩm này

Nói dối, sự mắng nhiếc, và đâm thọc, câu (Pháp), và hai điều về việc nằm, ngoại trừ với người biết, việc thực chứng, tội xấu, và việc đào xới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *