PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI – CHƯƠNG NISSAGGIYA: PHẨM THIẾU NỮ

Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni

Chương Nissaggiya: Phẩm Thiếu Nữ

Điều học thứ nhất 

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tiếp độ thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi. Các cô ấy không có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng không cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi.

 

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tiếp độ thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi vậy? Này các tỳ khưu, thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi không có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, ―(như trên)― có khuynh hướng không cam chịu (các cảm thọ) … chết người (thuộc về cơ thể đã sanh khởi). Này các tỳ khưu, thiếu nữ đã đủ hai mươi tuổi có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, ―(như trên)― có khuynh hướng cam chịu (các cảm thọ) … chết người (thuộc về cơ thể đã sanh khởi). Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ thiếu nữ chưa đủ hai mươi tuổi thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Chưa đủ hai mươi tuổi nghĩa là chưa đạt đến hai mươi tuổi.

Thiếu nữ nghĩa là sa di ni được đề cập đến.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa đủ hai mươi tuổi, nhận biết là chưa đủ hai mươi tuổi, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Khi chưa đủ hai mươi tuổi, có sự hoài nghi, vị ni tiếp độ thì phạm tội dukkaṭa. Khi chưa đủ hai mươi tuổi, (lầm) tưởng là đã tròn đủ, vị ni tiếp độ thì vô tội.

Khi đã tròn đủ hai mươi tuổi, (lầm) tưởng là chưa đủ hai mươi tuổi, phạm tội dukkaṭa. Khi đã tròn đủ hai mươi tuổi, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi đã tròn đủ hai mươi tuổi, nhận biết là đã tròn đủ thì vô tội.

Vị ni (lầm) tưởng là đã tròn đủ rồi tiếp độ (thiếu nữ) chưa đủ hai mươi tuổi, vị ni nhận biết là đã tròn đủ rồi tiếp độ (thiếu nữ) đã tròn đủ hai mươi tuổi, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhất.

–ooOoo–

Điều học thứ nhì 

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Các vị ni ấy ngu dốt, không có kinh nghiệm, không biết việc đúng phép hay không đúng phép.

 

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

 

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, Ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến thiếu nữ mười tám tuổi. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Thiếu nữ mười tám tuổi ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu ni, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch chư đại đức ni, tôi tên (như vầy) thuộc về đại đức ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm.” Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

 

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) thuộc về đại đức ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi. Đây là lời đề nghị.

 

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) thuộc về đại đức ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Hội chúng ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi. Đại đức ni nào đồng ý việc ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

 

Sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đã được hội chúng ban cho đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ mười tám tuổi. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

 

Thiếu nữ mười tám tuổi ấy nên được nói rằng: “Cô hãy nói như vầy: Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự giết hại mạng sống không vi phạm trong hai năm. ―(như trên)― Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự ăn sái thời không vi phạm trong hai năm.” Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách các tỳ khưu ni ấy bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tròn đủ hai mươi tuổi nghĩa là đã đạt đến hai mươi tuổi.

Thiếu nữ nghĩa là vị sa di ni được đề cập đến.

Hai năm: (thời hạn) hai năm.

Chưa thực hành việc học tập nghĩa là việc học tập chưa được ban cho hoặc là việc học tập đã ban cho bị hư hoại.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya.

Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tộidukkaṭa.

Vị ni tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ hai.

–ooOoo–

Điều học thứ ba

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (nhưng) chưa được hội chúng chấp thuận. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: – “Này các cô ni tu tập sự, hãy đi đến. Hãy nhận biết việc này, hãy bố thí vật này, hãy mang lại vật này, có sự cần dùng với vật này, hãy làm vật này thành đúng phép.” Các cô ni ấy đã nói như vầy: – “Này các ni sư, chúng tôi không phải là các cô ni tu tập sự. Chúng tôi là các tỳ khưu ni.”

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (nhưng) chưa được hội chúng chấp thuận?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (nhưng) chưa được hội chúng chấp thuận, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (nhưng) chưa được hội chúng chấp thuận vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, Ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự chấp thuận về việc tiếp độ đến thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi ấy đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu ni, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch chư đại đức ni, tôi tên (như vầy) thuộc về đại đức ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (giờ) thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận về việc tiếp độ.” Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) thuộc về đại đức ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (giờ) thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận về việc tiếp độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự chấp thuận về việc tiếp độ đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) thuộc về đại đức ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (giờ) thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận về việc tiếp độ. Hội chúng ban cho sự chấp thuận về việc tiếp độ đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Đại đức ni nào đồng ý việc ban cho sự chấp thuận về việc tiếp độ đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

 

Sự chấp thuận về việc tiếp độ đã được hội chúng ban cho đến cô ni tên (như vầy) là thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách các tỳ khưu ni ấy bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (nhưng) chưa được hội chúng chấp thuận thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tròn đủ hai mươi tuổi nghĩa là đã đạt đến hai mươi tuổi.

Thiếu nữ nghĩa là vị sa di ni được đề cập đến.

Hai năm: (thời hạn) hai năm.

Đã thực hành việc học tập nghĩa là đã thực hành việc học tập về sáu pháp.

Chưa được chấp thuận nghĩa là sự chấp thuận về việc tiếp độ bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai chưa được ban cho.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya.

Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tộidukkaṭa.

Vị ni tiếp độ thiếu nữ tròn đủ hai mươi tuổi đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (và) đã được hội chúng chấp thuận, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ ba.

–ooOoo–

Điều học thứ tư

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tiếp độ khi chưa đủ mười hai năm (thâm niên). Các vị ni ấy ngu dốt, không có kinh nghiệm, không biết việc đúng phép hay không đúng phép. Các vị ni đệ tử cũng ngu dốt, không có kinh nghiệm, không biết việc đúng phép hay không đúng phép. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ khi chưa đủ mười hai năm (thâm niên)?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tiếp độ khi chưa đủ mười hai năm (thâm niên), có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ khi chưa đủ mười hai năm (thâm niên) vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ khi chưa đủ mười hai năm (thâm niên) thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Chưa đủ mười hai năm (thâm niên) nghĩa là chưa đạt đến mười hai năm (tỳ khưu ni).

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Vị ni tiếp độ khi tròn đủ mười hai năm (thâm niên), vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tư.

–ooOoo–

Điều học thứ năm

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) tiếp độ khi chưa được hội chúng chấp thuận. Các vị ni ấy ngu dốt, không có kinh nghiệm, không biết việc đúng phép hay không đúng phép. Các vị ni đệ tử cũng ngu dốt, không có kinh nghiệm, không biết việc đúng phép hay không đúng phép.

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) lại tiếp độ khi chưa được hội chúng chấp thuận?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) tiếp độ khi chưa được hội chúng chấp thuận, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) lại tiếp độ khi chưa được hội chúng chấp thuận vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, Ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đến vị tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên). Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Vị tỳ khưu ni đã tròn đủ mười hai năm (thâm niên) ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu ni trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch chư đại đức ni, tôi tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ.” Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Hội chúng nên xác định vị tỳ khưu ni ấy rằng: “Vị tỳ khưu ni này có kinh nghiệm, có liêm sỉ.” Nếu là vị ni ngu dốt không có liêm sỉ thì không nên ban cho. Nếu là vị ni ngu dốt có liêm sỉ thì không nên ban cho. Nếu là vị ni có kinh nghiệm không có liêm sỉ thì không nên ban cho. Nếu là vị ni có kinh nghiệm có liêm sỉ thì nên ban cho. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị ni này tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đến vị ni tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị ni này tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ. Hội chúng ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đến vị ni tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên). Đại đức ni nào đồng ý việc ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đến vị ni tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đã được hội chúng ban cho đến vị ni tên (như vầy) là tỳ khưu ni tròn đủ mười hai năm (thâm niên). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách các tỳ khưu ni ấy bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tròn đủ mười hai năm (thâm niên) khi chưa được hội chúng chấp thuận mà tiếp độ thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tròn đủ mười hai năm (thâm niên) nghĩa là đã đạt đến mười hai năm (tỳ khưu ni).

Chưa được chấp thuận nghĩa là sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai chưa được ban cho.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị ni tiếp độ thì phạm tội pācittiya.

Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tộidukkaṭa.

Vị ni tiếp độ khi tròn đủ mười hai năm (thâm niên) và được hội chúng chấp thuận, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ năm.

–ooOoo–

Điều học thứ sáu

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī đi đến hội chúng và thỉnh cầu sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ. Khi ấy, hội chúng tỳ khưu ni đã xác định tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī rằng: “Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô được ban phép tiếp độ” rồi đã không ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ. Tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī đã trả lời rằng: “Tốt thôi!” Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu ni đã ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đến các tỳ khưu ni khác. Tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Chằng lẽ chính tôi là kẻ ngu dốt, chính tôi là kẻ không có liêm sỉ hay sao? Bởi vì hội chúng ban cho sự chấp thuận về việc ban phép tiếp độ đến các tỳ khưu ni khác mà không ban cho đến chính tôi.”

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Caṇḍakāḷī khi được nói rằng: ‘Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô được ban phép tiếp độ’ đã trả lời: ‘Tốt thôi!’ sau đó lại tiến hành việc phê phán?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī khi được nói rằng: ‘Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô được ban phép tiếp độ’ đã trả lời: ‘Tốt thôi!’ sau đó lại tiến hành việc phê phán, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī khi được nói rằng: ‘Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô được ban phép tiếp độ’ đã trả lời: ‘Tốt thôi!’ sau đó lại tiến hành việc phê phán vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào khi được nói rằng: ‘Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô được ban phép tiếp độ’ đã trả lời rằng: ‘Tốt thôi!’ sau đó lại tiến hành việc phê phán thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô được ban phép tiếp độ: ‘Này ni sư, vẫn chưa phải lúc cho cô ban phép tu lên bậc trên.’ Khi đã trả lời rằng: ‘Tốt thôi!’ sau đó lại tiến hành việc phê phán thì phạm tội pācittiya.

Vị ni phê phán (hội chúng) đang hành động theo thói thường vì ưa thích, vì sân hận, vì si mê, vì sợ hãi; vị ni bị điên; ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ sáu.

–ooOoo–

Điều học thứ bảy

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có cô ni tu tập sự nọ đã đi đến gặp tỳ khưu ni Thullanandā và cầu xin sự tu lên bậc trên. Tỳ khưu ni Thullanandā đã nói với cô ni tu tập sự ấy rằng: – “Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô.” Rồi không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ. Sau đó, cô ni tu tập sự ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ lại không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ rồi không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ lại không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô,’ vị ni ấy sau đó không có trở ngại gì vẫn không tiếp độ và cũng không ra sức cho việc tiếp độ thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm.

Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô: như thế thì ta sẽ ban phép tu lên bậc trên cho cô.

Vị ni ấy sau đó không có trở ngại gì: khi không có sự nguy hiểm.

Không tiếp độ: không tự mình tiếp độ.

Không ra sức cho việc tiếp độ: không chỉ thị cho người khác. Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ,” khi vừa buông bỏ trách nhiệm thì phạm tội pācittiya.

Khi có sự nguy hiểm, vị ni tầm cầu nhưng không đạt được, vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ bảy.

–ooOoo–

Điều học thứ tám

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có cô ni tu tập sự nọ đã đi đến gặp tỳ khưu ni Thullanandā và cầu xin sự tu lên bậc trên. Tỳ khưu ni Thullanandā đã nói với cô ni tu tập sự ấy rằng: – “Này cô ni, nếu cô sẽ hầu cận ta hai năm, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô.” Rồi không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ. Sau đó, cô ni tu tập sự ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ hầu cận ta hai năm, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ lại không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ hầu cận ta hai năm, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ rồi không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ hầu cận ta hai năm, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ lại không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ hầu cận ta hai năm, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô,’ vị ni ấy sau đó không có trở ngại gì vẫn không tiếp độ và cũng không ra sức cho việc tiếp độ thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm.

Này cô ni, nếu cô sẽ hầu cận ta hai năm: Nếu cô sẽ phục vụ hai năm (tròn đủ).

Như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô: như thế thì ta sẽ ban phép tu lên bậc trên cho cô.

Vị ni ấy sau đó không có trở ngại gì: khi không có sự nguy hiểm.

Không tiếp độ: không tự mình tiếp độ.

Không ra sức cho việc tiếp độ: không chỉ thị cho người khác. Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ,” khi vừa buông bỏ trách nhiệm thì phạm tội pācittiya.

Khi có sự nguy hiểm, vị ni tầm cầu nhưng không đạt được, vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tám.

–ooOoo–

Điều học thứ chín

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā tiếp độ cô ni tu tập sự là người thân cận với đàn ông, thân cận với thanh niên, là kẻ nhẫn tâm, là nguồn gây sầu khổ (cho người khác). Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự là người thân cận với đàn ông, thân cận với thanh niên, là kẻ nhẫn tâm, là nguồn gây sầu khổ (cho người khác)?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā tiếp độ cô ni tu tập sự là người thân cận với đàn ông, thân cận với thanh niên, là kẻ nhẫn tâm, là nguồn gây sầu khổ (cho người khác), có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự là người thân cận với đàn ông, thân cận với thanh niên, là kẻ nhẫn tâm, là nguồn gây sầu khổ (cho người khác) vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ cô ni tu tập sự là người thân cận với đàn ông, thân cận với thanh niên, là kẻ nhẫn tâm, là nguồn gây sầu khổ (cho người khác) thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Đàn ông nghĩa là người nam đã đạt đến hai mươi tuổi.

Thanh niên nghĩa là người nam chưa đạt đến hai mươi tuổi.

Thân cận nghĩa là thân cận bằng thân và khẩu không được đúng đắn.

Nhẫn tâm nghĩa là đề cập đến sự giận dữ.

Nguồn gây sầu khổ (cho người khác) nghĩa là người làm sanh khởi khổ đau, đem đến sự buồn rầu cho những người khác.

Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Vị ni trong lúc không biết rồi tiếp độ, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ chín.

–ooOoo–

Điều học thứ mười

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được cha mẹ và người chồng cho phép. Cha mẹ và người chồng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được chúng tôi cho phép?” Các tỳ khưu ni đã nghe được cha mẹ và người chồng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được cha mẹ và người chồng cho phép?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được cha mẹ và người chồng cho phép, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được cha mẹ và người chồng cho phép vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ cô ni tu tập sự chưa được cha mẹ hoặc người chồng cho phépthì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Cha mẹ nghĩa là đề cập đến các bậc sanh thành.

Người chồng nghĩa là đã được đám cưới với người đó.

Chưa được cho phép: không có hỏi ý.

Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Vị ni trong lúc không biết rồi tiếp độ, vị ni sau khi xin phép rồi tiếp độ, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười.

–ooOoo–

Điều học thứ mười một

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā (nghĩ rằng: “Ta sẽ tiếp độ cô ni tu tập sự” rồi đã triệu tập các vị tỳ khưu trưởng lão lại, sau khi nhìn thấy nhiều vật thực loại cứng loại mềm lại giải tán các vị tỳ khưu trưởng lão (nói rằng): – “Thưa các ngài đại đức, tôi sẽ không tiếp độ cho cô ni tu tập sự lúc này.” Rồi đã triệu tập Devadatta, Kokālika, Kaṭamorakatissaka con trai của Khaṇḍadevī, và Samuddadatto rồi tiếp độ cô ni tu tập sự. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ni sư Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự với việc ban cho sự thỏa thuận từ các vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa?”[1] ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā tiếp độ cô ni tu tập sự với việc ban cho sự thỏa thuận từ các vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại tiếp độ cô ni tu tập sự với việc ban cho sự thỏa thuận từ các vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ cô ni tu tập sự với việc ban cho sự thỏa thuận từ các vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Với việc ban cho sự thỏa thuận từ các vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa: với tập thể đã bị cách ly.

Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Vị ni tiếp độ với tập thể không bị cách ly, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười một.

–ooOoo–

Điều học thứ mười hai

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tiếp độ hàng năm, chỗ trú ngụ không đủ đáp ứng. Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ hàng năm khiến chỗ trú ngụ không đủ đáp ứng?” Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ hàng năm?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tiếp độ hàng năm, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ hàng năm vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ hàng năm thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Hàng năm: mỗi năm.

Tiếp độ: cho tu lên bậc trên.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Vị ni tiếp độ cách năm, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười hai.

–ooOoo–

Điều học thứ mười ba

Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tiếp độ hai người trong một năm; theo như thế ấy chỗ trú ngụ không đủ đáp ứng. Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi tương tợ y như thế phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ hai người trong một năm; theo như thế ấy chỗ trú ngụ không đủ đáp ứng?” Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ hai người trong một năm?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni tiếp độ hai người trong một năm, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại tiếp độ hai người trong một năm vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ hai người trong một năm thì phạm tội pācittiya.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Trong một năm: trong (thời hạn) một năm.

Tiếp độ hai người: cho tu lên bậc trên hai người.

Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ hai người” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, ni sư tế độ phạm tội pācittiya, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.

Vị ni tiếp độ một người trong một năm,[2] vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười ba.

Phẩm Thiếu Nữ là thứ tám.

–ooOoo–

Tóm lược phẩm này

Hai điều về thiếu nữ, và (chưa được chấp thuận) bởi hội chúng, mười hai năm (thâm niên), và do vị được chấp thuận, thôi đi (chưa phải lúc), (dâng) y, hai năm (hầu cận), vị ni thân cận, và (chưa cho phép) bởi chồng, các vị đang chịu hành phạt parivāsa, hàng năm, và với việc tiếp độ hai người.”

–ooOoo–

[1] Các vị tỳ khưu có tên ở trên có liên quan đến tội saṅghādisesa thứ 10 và 11 của tỳ khưu về việc chia rẽ hội chúng và xu hướng theo kẻ đã chia rẽ hội chúng (ND).

[2] Tổng hợp điều học này và điều học trước thì hai năm chỉ có thể tiếp độ một người (ND).

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *