PHẬT SỬ – LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT: Lịch Sử Đức Phật Sumedha

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

Lịch Sử Đức Phật Sumedha

  1. Sau (đức Phật) Padumuttara, có bậc Lãnh Đạo tên Sumedha là đấng Hiền Triết tối thượng của toàn thể thế giới, có oai lực nỗi bật, khó thể đạt đến.
  1. Có cặp mắt an tịnh, khuôn mặt đầy đặn, (thân hình) cao lớn, ngay thẳng, hùng dũng, là người tầm cầu lợi ích cho tất cả chúng sanh, (vị ấy) đã giúp cho nhiều người thoát khỏi sự trói buộc.
  1. Khi đã thành tựu toàn vẹn quả vị Giác Ngộ tối thượng, đức Phật đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp ở tại thành phố Sudassana.
  1. Trong việc thuyết giảng Giáo Pháp của vị ấy, đã có ba sự lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
  1. Hơn nữa vào lần khác, đấng Chiến Thắng ấy đã thuần phục Dạ-xoa Kumbhakaṇṇa. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín chục ngàn koṭi (chín trăm tỷ) vị.
  1. Hơn nữa vào lần khác, bậc có danh tiếng vô hạn đã giảng giải về bốn Chân Lý. Đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục ngàn koṭi (tám trăm tỷ) vị.
  1. Bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm có tâm thanh tịnh như thế ấy.
  1. Vào lúc đấng Chiến Thắng ngự đến thành phố Sudassana, khi ấy một trăm koṭi (một tỷ) vị tỳ khưu là các bậc Lậu Tận đã tụ hội lại.
  1. Hơn nữa vào lần khác, lúc tiến hành lễ (dâng y) Kaṭhina cho các vị tỳ khưu ở tại Devakūṭa, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín chục koṭi vị.
  1. Hơn nữa vào lần khác, lúc đấng Thập Lực đi du hành, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám chục koṭi vị.
  1. Vào lúc bấy giờ, ta là người thanh niên Bà-la-môn tên Uttara. Tài sản đã được tích lũy trong nhà của ta là tám mươi koṭi (tám trăm triệu).
  1. Sau khi đã cúng dường toàn bộ tất cả đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng (tỳ khưu), ta đã đi đến nương nhờ vị ấy và đã hứng thú với việc xuất gia.
  1. Trong khi thể hiện sự tùy hỷ (phước báu), đức Phật ấy cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong ba chục ngàn kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
  1. Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
  1. Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
  1. Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy thọ thực món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
  1. Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề, bậc Vô Thượng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
  1. Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
  1. Kolita và Upatissa sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng ấy.
  1. Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’
  1. Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) nam thí chủ hộ độ hàng đầu. Uttarā và Nandamātā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
  1. Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại vui mừng (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
  1. Họ thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, và nở nụ cười. Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên chắp tay cúi lạy (nói rằng):
  1. Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
  1. Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
  1. Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
  1. Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
  1. Sau khi học tập toàn bộ Kinh và luôn cả Luật tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
  1. Trong khi sống không xao lãng trong Giáo Pháp ấy vào lúc ngồi, đứng, đi kinh hành, sau khi làm toàn hảo các thắng trí, ta đã đi đến thế giới của Phạm Thiên.
  1. Thành phố có tên là Sudassana, vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên là Sudatta, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha tên là Sudattā.
  1. Vị ấy đã sống ở giữa gia đình trong chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Sucandanaka, Koñca, và Sirivaḍḍha.
  1. Có ba lần mười sáu ngàn (bốn mươi tám ngàn) phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sumanā. Con trai tên là Punabbasumitta.
  1. Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
  1. Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Sumedha, đã chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) ở tại công viên Sudassana tuyệt vời.
  1. Saraṇa và Sabbakāma đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha tên là Sāgara.
  1. Rāmā và luôn cả Surāmā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Cây Nīpa vĩ đại.”
  1. Uruvela và luôn cả Yasava đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Yasodharā và Sirimā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
  1. Cao tám mươi tám ratana (22 mét), bậc Đại Hiền Triết chiếu sáng tất cả các phương tợ như mặt trăng ở giữa tập thể các vì sao.
  1. Giống như viên ngọc ma-ni của vị Chuyển Luân Vương chiếu sáng một do tuần, tương tợ y như thế, ngọc quý của vị ấy tỏa sáng một do-tuần ở xung quanh.[7]
  1. Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
  1. (Giáo Pháp) này đã được hưng thịnh nhờ vào các vị A-la-hán tốt lành, đã thành tựu tam minh, sáu thắng trí, và năng lực như thế ấy.
  1. Tất cả các vị ấy đều có danh tiếng vô hạn, đã được giải thoát, không còn tái sanh. Sau khi thị hiện ánh sáng của trí tuệ, tất cả các vị có danh tiếng lớn lao ấy đã Niết Bàn.
  1. Đức Phật, đấng Chiến Thắng cao quý Sumedha đã Niết Bàn tại tu viện Medha. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.

Lịch sử đức Phật Sumedha là phần thứ mười một.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *