TĂNG CHI BỘ IV – CHƯƠNG MƯỜI PHÁP – PHẨM LỢI ÍCH

TĂNG CHI BỘ

CHƯƠNG MƯỜI PHÁP

PHẨM LỢI ÍCH

(I) (1) Ý Nghĩa Gì

  1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jeta-vana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không có hối tiếc, có lợi ích không có hối tiếc.

– Nhưng bạch Thế Tôn, không có hối tiếc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, không có hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.

– Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.

– Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.

– Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có ích lợi an lạc.

– Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.

– Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.

– Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham.

– Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

– Này Ananda, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.

  1. Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham. Nhàm chán ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn tới tối thượng. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp đưa đến tối thượng.

(II) (2) Nghĩ Với Dụng Ý

  1. – Này các Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng không hối tiếc sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không hối tiếc sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người không hối tiếc, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hân hoan sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có không hối tiếc, hân hoan sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người có hân hoan, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hoan hỷ sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ kheo, với người có hân hoan, hoan hỷ sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người có hoan hỷ , không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng thân ta được khinh an”, Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có ý hoan hỷ, thân được khinh an. Này các Tỷ-kheo, với người có thân khinh an, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng ta cảm thọ an lạc”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có thân khinh an, an lạc được cảm thọ. Này các Tỷ-kheo, với người có an lạc, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng tâm ta được Thiền định”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có an lạc, tâm được Thiền định. Này các Tỷ-kheo, với người có tâm Thiền định, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta biết, ta thấy như thật”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người có tâm Thiền định, biết và thấy như thật. Này các Tỷ-kheo, người biết và thấy như thật, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ nhàm chán, ta sẽ ly tham” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người biết và thấy như thật, sẽ nhàm chán và ly tham. Này các Tỷ-kheo, người nhàm chán, ly tham không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ chứng ngộ giải thoát tri kiến”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người nhàm chán, ly tham, chứng ngộ giải thoát tri kiến.
  2. Như vậy, này các Tỷ-kheo, nhàm chán lý tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến; như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham; định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi như thật tri kiến; an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định; khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc; hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an; hân hoan có ý nghĩa hỷ, có lợi ích hỷ; không nuối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan, các Thiện giới có ý nghĩa không nuối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các pháp khiến cho các pháp (khác) tăng thịnh; các pháp khiến các pháp khác viên mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia.

(III) (3) Sở Y

  1. – Này các Tỷ-kheo, với ác giới, với phá giới, không hối tiếc sở y bị diệt. Với không có không hối tiếc, với hối tiếc không đầy đủ, hân hoan sở y bị diệt. Với hân hoan không có, với hân hoan không đầy đủ, hỷ sở y bị diệt. Với hỷ không có, với hỷ không đầy đủ, khinh an sở y bị diệt. Với khinh an không có, với khinh an không đầy đủ, an lạc sở y bị diệt. Với an lạc không có, với an lạc không đầy đủ, chánh định sở y bị diệt. Với chánh định không có, với chánh định không đầy đủ, như thật tri kiến sở y bị diệt. Với như thật tri kiến không có, với như thật tri kiến không đầy đủ, nhàm chán, ly tham sở y bị diệt. Với nhàm chán, ly tham không có, với nhàm chán, ly tham không đầy đủ, giải thoát tri kiến sở y bị diệt. Ví như cây không đủ cành và lá, các mầm non (cũng có nghĩa là vỏ ngoài) của cây ấy không đi đến viên mãn, vỏ trong, giác cây, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với ác giới, với phá giới, không hối tiếc sở y bị diệt. Với không hối tiếc không có, với không hối tiếc không đầy đủ…. giải thoát tri kiến sở y bị diệt.

Này các Tỷ- kheo, với giới có mặt, với giới có đầy đủ, không hối tiếc có sở y. Với không hối tiếc có mặt, với không hối tiếc có đầy đủ, hân hoan có sở y. Với hân hoan có mặt, với hân hoan có đầy đủ, hoan hỷ có sở y. Với hoan hỷ có mặt, với hoan hỷ có đầy đủ, khinh an có sở y. Với khinh an có mặt, với khinh an có đầy đủ, an lạc có sở y. Với an lạc có mặt, với an lạc có đầy đủ, chánh định có sở y. Với chánh định có mặt, với chánh định có đầy đủ, như thật tri kiến có sở y. Với như thật tri kiến có mặt, với như thật tri kiến có đầy đủ, nhàm chán, ly tham có sở y. Với nhàm chán, ly tham có mặt, với nhàm chán, ly tham có đầy đủ, giải thoát tri kiến có sở y. Ví như này các Tỷ-kheo, một cây có đầy đủ cành và lá, các mầm non của cây ấy đi đến viên mãn, vỏ trong, giác cây, lõi cây đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với giới có mặt, với giới có đầy đủ, không hối tiếc có sở y. Với không hối tiếc có mặt, với không hối tiếc có đầy đủ… giải thoát tri kiến có sở y.

(IV) (4) Có Sở Y ( Do Sariputta Thuyết)

(Như kinh 3, chỉ khác ở đây là Tôn giả Sàriputta thuyết).

(V) (5) Có Sở Y (Do Tôn Giả Ananda Thuyết)

(Như kinh 3, chỉ khác ở đây là Tôn giả Ananda thuyết).

(VI) (6) Ðịnh Do Bậc Ðạo Sư Thuyết

  1. Bấy giờ Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có thể có chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể đi trong đất không tưởng đến đất; trong nước không tưởng đến nước; trong lửa không tưởng đến lửa; trong gió không tưởng đến gió; trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, không tưởng đến Thức vô biên xứ; trong Vô sở hữu xứ, không tưởng đến Vô sở hữu xứ; trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tại có thể không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

– Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất; trong nước không tưởng đến nước; trong lửa không tưởng đến lửa; trong gió không tưởng đến gió; trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, không tưởng đến Thức vô biên xứ; trong Vô sở hữu xứ, không tưởng đến Vô sở hữu xứ; trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tại, không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

  1. – Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

– Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tưởng như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước không tưởng đến nước… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

(VII) (7) Ðịnh Do Tôn Giả Sariputta Thuyết

  1. Bấy giờ Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Sàriputta:

– Thưa Hiền giả Sàriputta, có thể có chăng một Tỷ-kheo khi chứng Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong địa đại, không tưởng đến địa đại… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau, tuy vậy, vị ấy vẫn tưởng?

– Này Ananda, có thể như vậy. Một Tỷ-kheo khi chứng Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

2.- Nhưng thưa Hiền giả Sàriputta, như thế nào một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất, … trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

– Này Hiền giả Ananda, một thời ở đây, tôi trú ở Sàvatthi, trong rừng Andha. Tại đây, tôi chứng được Thiền định như sau: Trong đất, tôi không tưởng đến đất, trong thế giới đời sau, tôi không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, tôi vẫn có tưởng.

3- Nhưng trong lúc ấy, Tôn giả Sàriputta tưởng đến gì?

– Một tưởng khác khởi lên trong tôi: “Hữu diệt là Niết-bàn”. Một tưởng khác diệt đi trong tôi: “Hữu diệt là Niết-bàn.” Ví như, này Hiền giả, lửa được đốt cháy từ mảnh đá nhỏ, một ngọn lửa khác khởi lên, một ngọn lửa khác diệt đi. Cũng vậy, này Hiền giả, một tưởng khác khởi lên trong tôi, thưa Hiền giả: “Hữu diệt là Niết-bàn.” Một tưởng khác diệt đi trong tôi: “Hữu diệt là Niết-bàn”. Tuy vậy, trong lúc ấy tôi vẫn có tưởng.

(VIII) (8) Người Có Lòng Tin

  1. – Vị Tỷ-kheo có lòng tin, này các Tỷ-kheo, nhưng không có giới. Như vậy, vị ấy về chi phần này không được viên mãn. Vị ấy cần phải làm cho viên mãn chi phần ấy, nghĩ rằng: “Làm thế nào để ta có lòng tin và có giới nữa? “. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin và có giới, như vậy về chi phần ấy, Tỷ-kheo có viên mãn.
  2. Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới nhưng không có nghe nhiều… có nghe nhiều nhưng không có nói pháp… có nói pháp nhưng không thường tham gia với hội chúng… thường tham gia với hội chúng, nhưng không vô úy thuyết pháp cho hội chúng … có vô úy thuyết pháp cho hội chúng nhưng không trì luật… có trì luật, nhưng không phải là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, nhưng đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, nhưng không có được không khó khăn, không có được không mệt nhọc, không có được không phí sức, … đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, nhưng không do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, vị ấy về chi phần này không được viên mãn.

Vị ấy cần phải làm cho viên mãn chi phần ấy, nghĩ rằng: “Làm thế nào, ta có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, thường tham gia với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, trì luật, là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, và do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta có thể chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát?”

Và này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, nghe nhiều, có thuyết pháp, thường tham gia với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, trì luật, là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy về chi phần này, vị ấy được viên mãn.

Thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tịnh tín một cách phổ biến, và viên mãn trong mọi phương diện.

(IX) (9) Tịch Tịnh Giải Thoát

(Như kinh 8 ở trên, cho đến… là người ở rừng ở các trú xứ vắng…)

…. là người trì luật, nhưng không phải là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng … là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, nhưng đối với các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc, thuộc về vô sắc, vị ấy không cảm giác với thân và an trú, đối với các tịch tịnh giải thoát , vượt khỏi các sắc, thuộc về vô sắc, vị ấy có cảm giác với thân và an trú, nhưng không do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy về chi phần này không viên mãn. Vị ấy cần phải làm cho viên mãn chi phần ấy, nghĩ rằng: “Làm thế nào, ta có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, thường tham gia với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, trì luật, là người ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, đối với các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc, thuộc về vô sắc, ta có cảm giác với thân và an trú; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát? ” Và này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp thường tham gia với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, là vị trì luật, là vị ở rừng, ở các trú xứ xa vắng, đối với các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc, thuộc về vô sắc, vị ấy có cảm giác với thân và an trú; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy về chi phần này, vị ấy được viên mãn.

Thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tịnh tín một cách phổ biến, và viên mãn trong mọi phương diện.

(X) (10) Với Các Minh

(Như kinh trước cho đến: Vị ấy trì luật…) là người trì luật, nhưng không nhớ đến rất nhiều đời sống trước, một đời, hai đời… vị ấy nhớ nhiều đời sống trước với các chi tiết và các đặc điểm, nhớ đến rất nhiều đời sống trước, như một đời, hai đời… vị ấy nhớ nhiều đời sống trước với các chi tiết và các đặc điểm, nhưng không với thiên nhãn siêu nhân… vị ấy rõ biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ…, vị ấy với thiên nhãn siêu nhân… vị ấy rõ biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ, nhưng không do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, về chi phần này, vị ấy không được viên mãn. Vị ấy cần phải làm cho viên mãn chi phần ấy, nghĩ rằng: “Làm thế nào ta có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, thường tham gia với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, là vị trì luật, có thể nhớ đến nhiều đời sống trước như một đời, hai đời… có thể nhớ đến nhiều đời sống trước, với các chi tiết và các đặc điểm,… với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân có thể biết được các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ, do đoạn diệt các lậu hoặc… chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát? ” Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, là vị thuyết pháp, thường tham gia với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, là vị trì luật, nhớ đến nhiều đời sống trước, như một đời, hai đời… có thể nhớ đến nhiều đời sống trước, với các chi tiết và các đặc điểm…. với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân có thể biết được các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ, do đoạn diệt các lậu hoặc… chứng ngộ, chứng đạt và an trú; như vậy về chi phần này, vị ấy được viên mãn.

Thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tịnh tín một cách phổ biến, có viên mãn trong mọi phương diện.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *