TẬP YẾU I – PHẦN QUY ĐỊNH TẠI ĐÂU: CHƯƠNG PĀRĀJIKA

Tập Yếu I

Phần Quy Định Tại Đâu

Chương Pārājika

Do đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy trong khi biết trong khi thấy, điều pārājika thứ nhất đã được quy định tại đâu? Liên quan đến ai? Về sự việc gì? Ở đấy, có điều quy định, có điều quy định thêm, có điều quy định khi (sự việc) chưa xảy ra không? Là điều quy định cho tất cả mọi nơi, (hay) là điều quy định cho khu vực? Là điều quy định chung (cho tỳ khưu và tỳ khưu ni), (hay) là điều quy định riêng? Là điều quy định cho một (hội chúng), (hay) là điều quy định cho cả hai (hội chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni)? (Điều ấy) được gồm chung vào phần nào, được tính vào phần nào trong năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha? Được đưa ra đọc tụng với phần đọc tụng nào? Là sự hư hỏng nào trong bốn sự hư hỏng? Thuộc về nhóm tội nào trong bảy nhóm tội? Sanh lên do bao nhiêu nguồn sanh tội trong sáu nguồn sanh tội? Thuộc về sự tranh tụng nào trong bốn sự tranh tụng? Được làm lắng dịu bởi bao nhiêu cách dàn xếp trong bảy cách dàn xếp (tranh tụng)? Ở đấy, điều gì gọi là Luật? Ở đấy, điều gì gọi là Thắng Luật? Ở đấy, điều gì gọi là giới bổn Pātimokkha? Ở đấy, điều gì gọi là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha? Điều gì là sự phạm tội? Điều gì là sự thành tựu? Điều gì là sự thực hành? Điều pārājika thứ nhất đã được đức Thế Tôn quy định vì bao nhiêu lợi ích? Những ai học tập (điều ấy)? Những ai có việc học tập đã học tập xong? (Điều ấy) được tồn tại ở đâu? Những ai duy trì (điều ấy)? Là lời dạy của ai? Do ai truyền đạt lại?

Do đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy trong khi biết trong khi thấy, điều pārājika thứ nhất đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại Vesāli.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến Sudinna con trai của Kalanda.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, Sudinna Kalandaputta đã thực hiện việc đôi lứa với người vợ cũ.

Ở đấy, có điều quy định, có điều quy định thêm, có điều quy định khi (sự việc) chưa xảy ra không? – Ở đấy, có một điều quy định, có hai điều quy định thêm, không có điều quy định khi (sự việc) chưa xảy ra.

Là điều quy định cho tất cả mọi nơi, (hay) là điều quy định cho khu vực? – Là điều quy định cho tất cả mọi nơi.

Là điều quy định chung (cho tỳ khưu và tỳ khưu ni), (hay) là điều quy định riêng? – Là điều quy định chung.

Là điều quy định cho một (hội chúng), (hay) là điều quy định cho cả hai (hội chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni)? – Là điều quy định cho cả hai.

(Điều ấy) được gồm chung vào phần nào, được tính vào phần nào trong năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha?

Được gồm chung vào phần mở đầu, được tính vào phần mở đầu.

Được đưa ra đọc tụng với phần đọc tụng nào? – Được đưa ra đọc tụng với phần đọc tụng thứ nhì.

Là sự hư hỏng nào trong bốn sự hư hỏng? – Là sự hư hỏng về giới.

Thuộc về nhóm tội nào trong bảy nhóm tội? – Thuộc về nhóm tội pārājika.

Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do bao nhiêu nguồn sanh tội? – Điều ấy sanh lên do một nguồn sanh tội là sanh lên do thân và do ý, không do khẩu.

Là sự tranh tụng nào trong bốn sự tranh tụng? – Là sự tranh tụng liên quan đến tội.

Trong bảy cách dàn xếp (sự tranh tụng), điều ấy được làm lắng dịu bởi bao nhiêu cách dàn xếp? – Điều ấy được làm lắng dịu bởi hai cách dàn xếp: Hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.

Ở đấy điều gì gọi là Luật? Ở đấy điều gì gọi là Thắng Luật? – Sự quy định gọi là Luật. Sự phân tích gọi là Thắng Luật.

Ở đấy điều gì gọi là giới bổn Pātimokkha? Ở đấy điều gì gọi là Tăng thượng giới bổnPātimokkha? – Sự quy định gọi là giới bổn Pātimokkha. Sự phân tích gọi là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha.

Điều gì là sự phạm tội? – Việc không tự kiềm chế là sự phạm tội.

Điều gì là sự thành tựu? – Việc tự kiềm chế là sự thành tựu.

Điều gì là sự thực hành? – ‘Tôi sẽ không làm việc như thế,’ sau khi thọ trì vị ấy học tập về các điều học cho đến trọn đời, tận hơi thở vào cuối cùng.

Điều pārājika thứ nhất đã được đức Thế Tôn quy định vì bao nhiêu lợi ích? – Điềupārājika thứ nhất đã được đức Thế Tôn quy định vì mười lợi ích: Nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc kiềm chế những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, (và) nhằm sự hỗ trợ Luật.

Những ai học tập (điều ấy)? – Các bậc Thánh hữu học và các thiện nhân phàm phu học tập (điều ấy).

Những ai có việc học tập đã học tập xong? – Các bậc A-la-hán có việc học tập đã học tập xong.

(Điều ấy) được tồn tại ở đâu? – Được tồn tại ở các vị có sự ưa thích việc học tập.

Những ai duy trì (điều ấy)? – Những vị nào rành rẽ,[1] những vị ấy duy trì.

Là lời dạy của ai? – Là lời dạy của đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

 Do ai truyền đạt lại? – Được truyền đạt lại theo sự kế tục (của các vị trưởng lão).

Vị Upāli, luôn cả vị Dāsaka, vị Soṇaka, vị Siggava là tương tợ, với vị Moggalliputta là thứ năm, các vị này là ở đảo Jambu huy hoàng.

Từ nơi ấy, vị Mahinda,[2] và vị Iṭṭhiya, vị Uttiya, luôn cả vị Sambala, và bậc thông thái tên Bhadda, các vị hàng đầu ấy có tuệ vĩ đại từ hòn đảo Jambu đã đi đến nơi đây.

iii. Các vị ấy đã giảng dạy Tạng Luật ở Tambapaṇṇi.[3] Các vị ấy đã giảng dạy năm bộ Nikāya và bảy bộ Vi Diệu Pháp.

Sau đó, vị Ariṭṭha thông minh, và vị Tissadatta thông thái, vị Kāḷasumana có lòng tự tin, và vị trưởng lão tên Dīgha, và vị Dīghasumana thông thái.

Thêm nữa, là vị Kāḷasumana, trưởng lão Nāga và vị Buddha-rakkhita, và vị trưởng lão Tissa thông minh, và vị trưởng lão Deva thông thái.

Thêm nữa là vị Sumana thông minh và nắm vững về Luật. Vị Cūḷanāga nghe nhiều học rộng, khó công kích giống như con voi vậy.

vii. Và vị tên Dhammapālita ở xứ Rohaṇa đã được tôn vinh trọng thể. Đệ tử của người có tên Khema là vị đại tuệ, là bậc thông Tam Tạng đã sáng ngời ở trên đảo như chúa của các vì sao nhờ vào trí tuệ.

viii. Và vị Upatissa thông minh, vị Phussadeva là đại Pháp sư. Thêm nữa là vị Sumana thông minh, vị có tên Puppha nghe nhiều học rộng.

Vị Mahāsīva là đại Pháp sư, rành rẽ về mọi vấn đề trong Tam Tạng. Thêm nữa là vị Upāli thông minh và nắm vững về Luật.

Vị Mahānāga là bậc đại tuệ, rành rẽ về truyền thống của Chánh Pháp. Thêm nữa là vị Abhaya thông minh, rành rẽ về mọi vấn đề trong Tam Tạng.

Và trưởng lão Tissa thông minh, và nắm vững về Luật. Đệ tử của người có tên Puppha là bậc đại tuệ, nghe nhiều học rộng, trong khi hộ trì Giáo Pháp đã thiết lập vững vàng ở hòn đảo Jambu.

xii. Và vị Cūḷābhaya thông minh, nắm vững về Luật. Và vị trưởng lão Tissa thông minh, rành rẽ về truyền thống của Chánh Pháp.

xiii. Và vị Phussadeva thông minh, và nắm vững về Luật. Và vị trưởng lão Sīva thông minh, rành rẽ về mọi vấn đề về Luật.

xiv. Những vị hàng đầu ấy có đại tuệ, là những vị thông Luật, rành rẽ về đường lối, đã phổ biến Tạng Luật ở hòn đảo Tambapaṇṇi.

Do đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy trong khi biết trong khi thấy, điều pārājika thứ nhì đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Rājagaha.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến Dhaniya, con trai người thợ gốm.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, Dhaniya con trai người thợ gốm đã lấy các cây gỗ của đức vua là những vật chưa được cho.

– Có một điều quy định, có một điều quy định thêm.

Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do bao nhiêu nguồn sanh tội? – Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do ba nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân và do ý, không do khẩu; có thể sanh lên do khẩu và do ý, không do thân; có thể sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. ―(như trên)―

Điều pārājika thứ ba đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Vesāli.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến nhiều vị tỳ khưu.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, nhiều vị tỳ khưu đã đoạt lấy mạng sống lẫn nhau.

– Có một điều quy định, có một điều quy định thêm.

Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do bao nhiêu nguồn sanh tội? – Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do ba nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân và do ý, không do khẩu; có thể sanh lên do khẩu và do ý, không do thân; có thể sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. ―(như trên)―

Điều pārājika thứ tư đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Vesāli.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā đã khen ngợi về pháp thượng nhân của vị này vị nọ đến các cư sĩ.

– Có một điều quy định, có một điều quy định thêm,.

Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do bao nhiêu nguồn sanh tội? – Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do ba nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân và do ý, không do khẩu; có thể sanh lên do khẩu và do ý, không do thân; có thể sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. ―(như trên)―

Dứt bốn điều pārājika.

*****

Tóm lược phần này

Bốn điều pārājika là: việc đôi lứa, và vật chưa được cho, việc đoạt (mạng sống) của con người, và pháp thượng nhân, sự việc nên được chia chẽ, không còn nghi ngờ.

–ooOoo–

[1] yesaṃ vattatī ti yesaṃ vinayapiṭakañ ca aṭṭhakathā ca sabbā paguṇā ti attho (VinA. vii, 1303) = ‘Yesaṃ vattati’ có nghĩa là ‘đối với những vị nào mà toàn bộ Tạng Luật và Chú Giải là được rành rẽ.’

[2] Sau kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ ba (thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch), Ngài Mahinda và bốn vị được kể tên kế tiếp –Iṭṭhiya, Uttiya, Sambala, và Bhadda– theo lệnh ngài Moggalliputtatissa từ Ấn Độ (Jambudīpa) đã đi đến Tích Lan (Tambapaṇṇi) để hoằng khai Giáo Pháp (ND).

[3] Tức là đảo Tích Lan (Ceylon), nay là nước Sri Lanka (ND).

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *