TẬP YẾU I – PHẦN QUY ĐỊNH TẠI ĐÂU: CHƯƠNG PĀRĀJIKA

Tập Yếu I

Phần Quy Định Tại Đâu

Chương Pārājika

Do đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy trong khi biết trong khi thấy, điều pārājika do duyên của sự thực hiện việc đôi lứa đã được quy định tại đâu? Liên quan đến ai? Về sự việc gì? ―(như trên)― Do ai truyền đạt lại?

Do đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy trong khi biết trong khi thấy, điều pārājika do duyên của sự thực hiện việc đôi lứa đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Vesāli. Liên quan đến ai? – Liên quan đến Sudinna Kalandaputta. Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, Sudinna Kalandaputta đã thực hiện việc đôi lứa với người vợ cũ. Ở đấy, có điều quy định, có điều quy định thêm, có điều quy định khi (sự việc) chưa xảy ra không? – Ở đấy, có một điều quy định, có hai điều quy định thêm, không có điều quy định khi (sự việc) chưa xảy ra. Là điều quy định cho tất cả mọi nơi, (hay) là điều quy định cho khu vực? – Là điều quy định cho tất cả mọi nơi. Là điều quy định chung (cho tỳ khưu và tỳ khưu ni), (hay) là điều quy định riêng? – Là điều quy định chung. Là điều quy định cho một (hội chúng), (hay) là điều quy định cho cả hai (hội chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni)? – Là điều quy định cho cả hai. Được gồm chung vào phần nào, được tính vào phần nào trong năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha? – Được gồm chung vào phần mở đầu, được tính vào phần mở đầu. Được đưa ra đọc tụng với phần đọc tụng nào? – Được đưa ra đọc tụng với phần đọc tụng thứ nhì. Là sự hư hỏng nào trong bốn điều hư hỏng? – Là sự hư hỏng về giới. Thuộc về nhóm tội nào trong bảy nhóm tội? – Thuộc về nhóm tội pārājika. Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do bao nhiêu nguồn sanh tội? – Điều ấy sanh lên do một nguồn sanh tội là sanh lên do thân và do ý, không do khẩu. ―(như trên)― Do ai truyền đạt lại? – Được truyền đạt lại theo sự kế tục (của các vị trưởng lão).

Vị Upāli, luôn cả vị Dāsaka, vị Soṇaka, vị Siggava là tương tợ, với vị Moggalliputta là thứ năm, các vị này là ở đảo Jambu huy hoàng.

―(như trên)―

Những vị hàng đầu ấy có đại tuệ, là những vị thông Luật, rành rẽ về đường lối, đã phổ biến Tạng Luật ở hòn đảo Tambapaṇṇi.

Điều pārājika do duyên của việc lấy vật chưa được cho đã được đức Thế Tôn ấy ―(như trên)― quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Rājagaha. Liên quan đến ai? – Liên quan đến Dhaniya, con trai người thợ gốm. Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, Dhaniya con trai người thợ gốm đã lấy các vật chưa được cho là các cây gỗ của đức vua. – Có một điều quy định, có một điều quy định thêm. – Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do ba nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân và do ý, không do khẩu; có thể sanh lên do khẩu và do ý, không do thân; có thể sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. ―(như trên)―

Điều pārājika do duyên của việc đoạt lấy mạng sống con người đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Vesāli. Liên quan đến ai? – Liên quan đến nhiều vị tỳ khưu. Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, nhiều vị tỳ khưu đã đoạt lấy mạng sống lẫn nhau. – Có một điều quy định, có một điều quy định thêm. – Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do ba nguồn sanh tội: ―(như trên)―

Điều pārājika do duyên của việc khoác lác về pháp thượng nhân không có không thực chứng đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Vesāli. Liên quan đến ai? – Liên quan đến các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā. Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā đã khen ngợi về pháp thượng nhân của vị này vị nọ trước các cư sĩ. – Có một điều quy định, có một điều quy định thêm. – Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do ba nguồn sanh tội: ―(như trên)―

Dứt bốn điều pārājika.

*****

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *