TIỂU BỘ – PHÁP CÚ – 14. PHẨM ĐỨC PHẬT – TỲ KHƯU INDACANDA DỊCH

14. PHẨM ĐỨC PHẬT

[179] 1. Chiến thắng của vị nào không bị hạ thấp, chiến thắng của vị nào không một ai ở thế gian đạt đến, vị ấy là đức Phật, có hành xứ không bị giới hạn, không dấu vết, vậy ngươi sẽ dẫn dắt Ngài đi theo lối nào?

[180] 2. Tham ái, tấm lưới bẫy, sự vướng mắc của vị nào là không còn để dẫn dắt đi bất cứ đâu, vị ấy là đức Phật, có hành xứ không bị giới hạn, không dấu vết, vậy ngươi sẽ dẫn dắt Ngài đi theo lối nào?

[181] 3. Các vị nào chuyên chú tham thiền, sáng trí, thích thú ở sự an tịnh của việc xuất ly, chư Thiên cũng mong mỏi các vị ấy, các bậc Chánh Đẳng Giác, có niệm.

[182] 4. Sự đạt được thân người là khó, mạng sống của loài người là khó, (cơ hội) lắng nghe Chánh Pháp là khó, sự hiện khởi của chư Phật là khó.

[183] 5. Không làm mọi điều ác, thành tựu việc thiện, thanh lọc tâm của mình, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.

[184] 6. Nhẫn nại, chịu đựng là sự khổ hạnh tối thượng. Chư Phật nói Niết Bàn là tối thượng. Kẻ có sự hãm hại người khác đương nhiên không phải là bậc xuất gia, kẻ ức hiếp người khác không phải là Sa-môn.

[185] 7. Không phỉ báng, không giết hại, sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha, sự biết đủ về vật thực, chỗ nằm ngồi thanh vắng, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.  

[186] 8. Không phải do trận mưa tiền vàng mà sự thỏa mãn ở các dục được tìm thấy. Bậc sáng suốt đã biết rằng: ‘Các dục là khổ đau, có ít khoái lạc.’ 

[187] 9. Vị ấy không tầm cầu sự thích thú ở các dục, dầu là của cõi Trời. Người đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác thích thú sự diệt trừ tham ái. 

[188] 10. Bị đe dọa bởi nỗi sợ hãi, loài người đi đến nhiều nơi nương nhờ: những ngọn núi, những khu rừng, những ngôi chùa, những cội cây, và những bảo tháp.

[189] 11. Nơi nương nhờ ấy quả thật là không an toàn, nơi nương nhờ ấy là không tối thượng, Sau khi đi đến nơi nương nhờ ấy không được thoát khỏi mọi khổ đau. 

[190] 12. Người nào đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Tăng Chúng, (người ấy) thấy được bốn Chân Lý cao thượng bằng trí tuệ chân chánh.

[191] 13. (Người ấy) thấy được Khổ, sự sanh lên của Khổ, sự vượt qua khỏi Khổ, và Thánh Đạo tám chi phần đưa đến sự yên lặng của Khổ.

[192] 14. Nơi nương nhờ ấy quả nhiên là an toàn, nơi nương nhờ ấy là tối thượng. Sau khi đi đến nơi nương nhờ ấy được thoát khỏi mọi khổ đau. 

[193] 15. Người ưu việt là điều khó đạt được, vị ấy không được sanh ra ở mọi nơi. Nơi nào bậc sáng trí ấy sanh ra, gia tộc ấy thành đạt hạnh phúc.

[194] 16. Sự hiện khởi của chư Phật là an vui. Việc thuyết giảng Chánh Pháp là an vui. Sự hợp nhất của Tăng Chúng là an vui. Sự khắc khổ của các vị hợp nhất là an vui.

[195] 17. Đối với người đang cúng dường đến các đối tượng xứng đáng sự cúng dường như là chư Phật hoặc là các vị Thinh Văn đang vượt qua chướng ngại, hoặc đã vượt qua sầu muộn và than vãn, …

[196] 18. … đối với người đang cúng dường đến các vị đã đạt Niết Bàn không còn hãi sợ như thế ấy, không thể nào ước định phước báu (của người ấy) là thế này (hay thế kia), bởi bất cứ ai (hoặc bằng bất cứ cách thức gì).

Phẩm Đức Phật là thứ mười bốn.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *