TIỂU BỘ – PHÁP CÚ – 1. PHẨM SONG ĐỐI – TỲ KHƯU INDACANDA DỊCH VIỆT

TẠNG KINH – TIỂU BỘ

PHÁP CÚ

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

 

DHAMMAPADAPĀḶI – PHÁP CÚ – GIỚI THIỆU

Tập Kinh Dhammapadapāḷi – Pháp Cú là tập Kinh được phổ biến rộng rãi nhất với nhiều bản dịch của nhiều dịch giả qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tập Kinh gồm có 423 kệ ngôn (gāthā) được sắp xếp thành 26 phẩm (vagga) theo các chủ đề khác nhau với nội dung cô đọng trình bày những giáo lý căn bản cũng như tiêu chuẩn đạo đức chủ yếu của người tu Phật. Các kệ ngôn này đã được ghi lại số thứ tự theo sự phân loại truyền thống tính theo từng phẩm, thêm vào đó còn được liệt kê theo số thứ tự từ 1 đến 423 được đặt trong ngoặc [] ở đầu mỗi câu kệ để tiện việc trích lục tham khảo.

Chú Giải của tập Kinh này có tên là Dhammapadaṭṭhakathā và đã được thực hiện do công sức của Chú Giải Sư Buddhaghosa. Bài kệ mở đầu của tập Chú Giải cho biết tài liệu này đã được lưu truyền ở hòn đảo Tambapaṇṇī (Sri Lanka ngày nay) và đã được sưu tập lại bằng ngôn ngữ của đảo quốc này do sự yêu cầu của vị trưởng lão tên Kumārakassapa. Chú Giải cung cấp nhiều câu chuyện giải thích các sự kiện có liên quan và còn có thêm phần phân tích một số từ ngữ khó ở kệ ngôn.


 

1. PHẨM SONG ĐỐI

[01] 1. Các pháp (sở hữu tâm) có tâm là sự dẫn đầu, có tâm là chủ đạo, được tạo ra bởi tâm. Nếu (người nào) nói hay làm với tâm xấu xa, do điều ấy khổ đau đi theo người ấy ví như bánh xe (đi theo) bước chân của con vật đang kéo xe.

[02] 2. Các pháp (sở hữu tâm) có tâm là sự dẫn đầu, có tâm là chủ đạo, được tạo ra bởi tâm. Nếu (người nào) nói hay làm với tâm trong sạch, do điều ấy hạnh phúc đi theo người ấy ví như bóng có sự không lìa khỏi (hình).

[03] 3. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào ấp ủ điều ấy, sự thù hận của những người ấy không được lặng yên.  

[04] 4. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào không ấp ủ điều ấy, sự thù hận ở những người ấy được lặng yên.  

[05] 5. Ở thế gian này, các sự thù hận không bao giờ được lặng yên bởi sự hận thù, và chúng được lặng yên bởi sự không thù hận; điều này là quy luật cổ xưa.

[06] 6. Và những kẻ khác không nhận thức được, ở đây chúng ta nên tự kiềm chế. Còn những ai tại nơi ấy nhận thức được (điều ấy), nhờ thế các sự tranh chấp được lặng yên.

[07] 7. Trong khi sống có sự quan sát về tịnh tướng, không thu thúc ở các giác quan, không biết chừng mực về vật thực, lười biếng, có sự tinh tấn thấp kém, Ma Vương quả nhiên ngự trị người ấy, ví như cơn gió (đè bẹp) thân cây yếu ớt.

[08] 8. Trong khi sống có sự quan sát về bất tịnh tướng, khéo thu thúc ở các giác quan, biết chừng mực về vật thực, có niềm tin, có sự ra sức tinh tấn, Ma Vương quả nhiên không ngự trị người ấy, ví như cơn gió (không đè bẹp được) ngọn núi đá.  

[09] 9. Kẻ nào có uế trược chưa lìa, sẽ khoác lên tấm vải ca-sa, (mà) bỏ bê việc rèn luyện và sự chân thật, kẻ ấy không xứng với y ca-sa.

[10] 10. Còn vị nào có uế trược đã được tẩy trừ, khéo định tĩnh trong các giới, gắn bó với việc rèn luyện và chân thật, người ấy quả nhiên xứng với y ca-sa.

[11] 11. Những người có quan niệm về điều vô ích là cốt lõi, và có nhận thức về điều cốt lõi là vô ích, những người ấy không đạt đến điều cốt lõi, có hành xứ là những tư tuy sai trái. 

[12] 12. Và sau khi biết được điều cốt lõi là cốt lõi, và điều vô ích là vô ích, những người ấy đạt đến điều cốt lõi, có hành xứ là những tư tuy đúng đắn.

[13] 13. Giống như mưa xuyên thủng ngôi nhà được lợp (mái) vụng về, tương tự như thế ấy luyến ái xuyên thủng tâm không tu tập.

[14] 14. Giống như mưa không xuyên thủng ngôi nhà được lợp (mái) khéo léo, tương tự như thế ấy luyến ái không xuyên thủng tâm khéo được tu tập.

[15] 15. Kẻ làm ác sầu muộn ở đời này, sầu muộn sau khi chết, sầu muộn ở cả hai nơi. Sau khi nhìn thấy sự ô nhiễm ở việc làm của bản thân, kẻ ấy sầu muộn, kẻ ấy sầu khổ.

[16] 16. Người đã làm việc phước thiện vui sướng ở đời này, vui sướng sau khi chết, vui sướng ở cả hai nơi. Sau khi nhìn thấy sự trong sạch ở việc làm của bản thân, người ấy vui sướng, người ấy thích thú.

[17] 17. Kẻ làm ác bị bứt rứt ở đời này, bị bứt rứt sau khi chết, bị bứt rứt ở cả hai nơi, bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc ác,’ bị đi đến khổ cảnh (kẻ ấy) bị bứt rứt nhiều hơn nữa.

[18] 18. Người đã làm phước thiện hân hoan ở đời này, hân hoan sau khi chết, hân hoan ở cả hai nơi, hân hoan (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc phước thiện,’ được đi đến nhàn cảnh (người ấy) hân hoan nhiều hơn nữa.

[19] 19. Nếu là người dẫu đang nói nhiều về Kinh điển mà là người bị xao lãng, không làm điều ấy, được ví như kẻ chăn bò đang tính đếm đàn bò cho những người khác, không có phần Sa-môn hạnh.

[20] 20. Nếu là người dẫu đang nói ít về Kinh điển mà có sự hành trì thuận pháp đối với Giáo Pháp, sau khi dứt bỏ ái dục, sân hận và si mê, có sự nhận thức đúng đắn, có tâm khéo được giải thoát, trong khi không chấp thủ đời này hoặc đời kế tiếp, người ấy được hưởng phần Sa-môn hạnh. 

Phẩm Song Đối là thứ nhất.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *