TIỂU BỘ – PHẬT TỰ THUYẾT – TỲ KHƯU INDACANDA DỊCH VIỆT

UDĀNAPĀḶI – PHẬT TỰ THUYẾT – GIỚI THIỆU

Tập Kinh Udānapāḷi – Phật Tự Thuyết thuộc Tiểu Bộ, Tạng Kinh, là tập Kinh thứ ba sau tập Kinh Dhammapadapāḷi – Pháp Cú, và trước tập Kinh Itivuttakapāḷi – Phật Thuyết Như Vậy. Tập này gồm có 80 bài Kinh (sutta) được chia thành 8 phẩm (vagga), mỗi phẩm có đúng 10 bài Kinh. Nội dung của tập Kinh trình bày những lời cảm hứng của đức Phật, đa phần ở thể kệ ngôn (gāthā), được đặt ở cuối bài Kinh theo sau phần văn xuôi giới thiệu. Những lời cảm hứng này đã được đức Phật thốt lên do nỗi vui mừng của Ngài trước những sự việc xảy ra (pītivegasamuṭṭhāpito udāhāro, UdA. 01). Ngoài những tư liệu liên quan đến cuộc sống của đức Phật, còn có nhiều tích chuyện về các vị Thinh Văn đệ tử của Ngài như các vị Sāriputta, Mahāmoggallāna, Mahākassapa, Mahākaccāna, Nanda, Saṅgāmaji, Dabba, v.v… hoặc hàng nam nữ cư sĩ tại gia như là đức vua Pasenadi xứ Kosala, đức vua Udena, bà Visākhā, kỹ nữ Sundarī, v.v… Xét về thể loại (aṅga), tập Kinh Udānapāḷi – Phật Tự Thuyết đã được xếp vào thể loại Udāna là một trong chín thể loại của Giáo Pháp.

Chú Giải Paramatthadīpanī đã được thực hiện bởi Giáo Thọ Sư Ācariya Dhammapāla trong lúc cư ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra, và cũng được tuân thủ theo phương thức thực hiện của phái Mahāvihāra (Đại Tự). Thời điểm thực hiện cũng được xác định vào cuối thế kỷ thứ 5 theo Tây Lịch, sau thời kỳ của Chú Giải Sư Buddhaghosa.

TẠNG KINH – TIỂU BỘ

PHẬT TỰ THUYẾT

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

 

PHẨM GIÁC NGỘ – THỨ NHẤT

1. 1. SỰ GIÁC NGỘ – KINH THỨ NHẤT

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
  1. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh một của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyênsanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.”[1]
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó vị ấy nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”

1. 2. SỰ GIÁC NGỘ – KINH THỨ NHÌ

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
  1. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh giữa của đêm đã khéo léo tác ý nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do sự diệt tận của vô minh (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận củasáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận củathủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”

1. 3. SỰ GIÁC NGỘ – KINH THỨ BA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
  1. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh cuối của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều và nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyêncác hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ(sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ,ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu,sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.

Nhưng chính do sự diệt tận của vô minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của Ma Vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang làm rực sángkhông gian.”

1. 4. KINH CÂY SI

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây si của những người chăn dê và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
  1. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy. Khi ấy, có vị Bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, vị Bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Thưa Ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Vị Bà-la-môn nào có ác pháp đã được ngăn trừ, là vị không làm tiếng ‘hum hum,’ đã thoát khỏi điều ô nhiễm, có bản thân đã được chế ngự, là vị thông thạo các bộ Vệ Đà, sống theo đời Phạm hạnh, vị ấy có thể thuyết giảng một cách đúng đắn lời nói của Phạm Thiên, vị ấy không có sai sót về bất cứ điều gì ở trên thế gian.”

1. 5. KINH CÁC VỊ TRƯỞNG LÃO

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, đại đức Mahāmoggallāna, đại đức Mahākassapa, đại đức Mahākaccāyana, đại đức Mahākoṭṭhita, đại đức Mahākappina, đại đức Mahācunda, đại đức Anuruddha, đại đức Revata, đại đức Ānanda, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị đại đức ấy từ đằng xa đang đi đến, sau khi thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến. Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến.”

Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu xuất thân Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Sau khi lánh xa các ác pháp, các vị nào sống thường xuyên có niệm, có các sự ràng buộc đã được cạn kiệt, đã được giác ngộ, các vị ấy quả thật là các Bà-la-môn ở thế gian.”

1. 6. KINH KASSAPA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa trú ở hang động Pipphali, là người bệnh, bị khổ sở, có bệnh trầm trọng. Rồi sau một thời gian, đại đức Mahākassapa đã thoát khỏi cơn bệnh ấy.
  1. Lúc ấy, điều này đã khởi đến đại đức Mahākassapa khỉ đã thoát khỏi cơn bệnh ấy: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực.”

Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa.

Lúc ấy, đại đức Mahākassapa đã từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị ấy, sau đó vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.

Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa đang đi khất thực trong thành Rājagaha, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Vị không nuôi dưỡng kẻ khác, đã được biết tiếng, đã được rèn luyện, đã đứng vững ở cốt lõi, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sân hận đã được tẩy trừ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”

1. 7. KINH PĀVĀ

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Pāvā, ở bảo tháp Ajakalāpaka, nơi cung điện của Dạ-xoa Ajakalāpaka. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong đêm tối đen mù mịt. Và trời đổ mưa từng hạt. Khi ấy, với ý định làm sanh khởi sự sợ hãi, tê cứng, lông dựng đứng đến đức Thế Tôn, Dạ-xoa Ajakalāpaka đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã gây nên tiếng gào thét hỗn loạn “á-kú-lô pá-kú-lô” ba lần ở nơi không xa đức Thế Tôn (nói rằng): “Này Sa-môn, con yêu tinh này là dành cho ông.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Khi đã đi đến bờ kia đối với các pháp của chính mình, trở thành vị Bà-la-môn, thì vượt qua con yêu tinh ấy và tiếng gào thét (của nó).”

1. 8. KINH SAṄGĀMAJI

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nghe được rằng: “Nghe nói ngài Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi.” Cô ấy đã ẵm lấy đứa bé trai và đã đi đến Jetavana.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji ngồi nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến gặp đại đức Sangāmaji, sau khi đến đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Khi được nói như vậy, đại đức Sangāmaji đã im lặng.

Đến lần thứ nhì, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ nhì, đại đức Sangāmaji đã im lặng. Đến lần thứ ba, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ ba, đại đức Sangāmaji đã im lặng.

Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đặt xuống đứa con trai ấy ở phía trước đại đức Sangāmaji rồi bỏ đi (nói rằng): “Này ông Sa-môn, đây là con trai của ông. Hãy nuôi dưỡng nó.”

  1. Khi ấy, đại đức Sangāmaji đã không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến một nơi không xa, trong khi ngó lại, đã nhìn thấy đại đức Sangāmaji không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Sau khi nhìn thấy, cô ấy đã khởi ý rằng: “Ông Sa-môn này không cần đến đứa con trai,” từ nơi ấy đã quay trở lại, ẵm lấy đứa bé trai rồi ra đi. Đức Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy việc làm trái khuấy của người vợ cũ của đại đức Sangāmaji.
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Chẳng thỏa thích khi nàng đi đến, không sầu muộn lúc nàng bỏ đi;

Sangāmaji đã thoát khỏi sự dính mắc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”

1. 9. KINH ĐẠO SĨ BỆN TÓC

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại làng Gayā, ở đỉnh núi Gayā. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”

Và đức Thế tôn đã nhìn thấy trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Không do nước mà trở nên trong sạch. Nhiều người tắm ở nơi này. Ở người nào có sự chân thật và có Giáo Pháp, người ấy là trong sạch, và người ấy là Bà-la-môn.”

1. 10. KINH BĀHIYA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, Bāhiya Dārucīriya[2] cư ngụ tại Suppāraka, ở bờ biển, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Những ai là các bậc A-la-hán ở thế gian, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo, ta là một vị trong số các vị ấy.”

Khi ấy, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của Bāhiya Dārucīriya, có lòng thương tưởng, có sự mong mỏi điều lợi ích, sau khi bằng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Bāhiya Dārucīriya, đã đi đến gặp Bāhiya Dārucīriya, sau khi đến đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, ngươi hiển nhiên không phải là vị A-la-hán, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo. Thậm chí ở ngươi không có đường lối thực hành ấy, nhờ nó ngươi có thể trở thành vị A-la-hán, hoặc đạt đến A-la-hán đạo.” “Vậy ở thế gian luôn cả chư Thiên có vị nào là bậc A-la-hán hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo?” “Này Bāhiya, ở những xứ sở ở phía bắc có thành phố tên là Sāvatthi. Ở nơi ấy, hiện nay có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy cư ngụ. Này Bāhiya, chính đức Thế Tôn ấy không những là bậc A-la-hán mà còn thuyết giảng Pháp đưa đến phẩm vị A-la-hán nữa.”

Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya bị làm cho chấn động bởi vị Thiên nhân ấy ngay lập tức đã rời khỏi Suppāraka, và đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika; toàn bộ cuộc hành trình chỉ trú lại một đêm. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đang đi kinh hành ở ngoài trời. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: “Thưa các ngài, hiện nay đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy ngụ ở đâu? Chúng tôi có ước muốn diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Bāhiya, đức Thế Tôn đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”

  1. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya với vẻ vội vã đã rời khỏi Jetavana rồi đi vào thành Sāvatthi và đã nhìn thấy đức Thế Tôn, với vẻ đáng mến, khơi dậy niềm tin, có giác quan an tịnh, tâm ý an tịnh, đã đạt đến sự rèn luyện và tịnh lặng tối thượng, loài long tượng đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát, đang đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã cúi xuống đê đầu ở bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này: “Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”

 Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”

Đến lần thứ nhì, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”

Đến lần thứ ba, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”

“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: ‘Trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức.’ Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.

Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”

  1. Khi ấy, với lời giảng Pháp tóm tắt này của đức Thế Tôn ngay khi ấy tâm của Bāhiya Dārucīriya không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Khi ấy, sau khi giáo huấn cho Bāhiya Dārucīriya với lời giáo huấn tóm tắt này, đức Thế Tôn đã ra đi.

Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của Bāhiya Dārucīriya.

Sau đó, đức Thế Tôn sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về cùng với nhiều vị tỳ khưu, sau khi đi ra khỏi thành đã nhìn thấy Bāhiya Dārucīriya đã từ trần, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, hãy mang thi thể của Bāhiya Dārucīriya đặt lên cáng khiêng đi và hỏa thiêu. Và hãy xây dựng bảo tháp cho vị này. Này các tỳ khưu, vị đồng Phạm hạnh của các ngươi đã từ trần.”

“Bạch Ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đặt thi thể của Bāhiya Dārucīriya lên cáng rồi khiêng đi và hỏa thiêu, và sau khi xây dựng bảo tháp cho vị này đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thi thể của Bāhiya Dārucīriya đã được thiêu đốt, và bảo tháp đã được xây dựng cho vị này. Cảnh giới tái sanh của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy là gì?”

“Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya là vị sáng suốt đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya đã viên tịch Niết Bàn.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Nơi nào nước và đất, lửa, gió không bám chắc,

nơi ấy các vì sao không lấp lánh, mặt trời không chói sáng,

nơi ấy mặt trăng không chiếu sáng, nơi ấy sự tối tăm không tìm thấy.

Và vào lúc bậc hiền trí, vị Bà-la-môn tự mình hiểu biết bằng trí tuệ,

khi ấy được giải thoát khỏi sắc, khỏi vô sắc, khỏi hạnh phúc và khổ đau.”

Lời cảm hứng này đã được Thế Tôn nói lên, tôi đã nghe thế ấy.

Phẩm Giác Ngộ là thứ nhất.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Ba chuyện về giác ngộ, cây si, các vị trưởng lão ấy, với vị Kassapa, ở Pāvā, vị Saṅgāmaji, các đạo sĩ bện tóc, với vị Bāhiya, chúng là mười bài Kinh.

–ooOoo–

PHẨM MUCALINDA – THỨ NHÌ

2. 1. KINH MUCALINDA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
  1. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện, có mưa tầm tã trong bảy ngày, có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng thân quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang rồi duy trì ở phía trên đầu của đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy.

Khi ấy, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, tay chắp lại, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Sự sống cách ly là an lạc đối với vị hoan hỷ, đối với vị có Pháp đã được nghe, đối với vị đang xem xét. Sự không oán hận, sự chế ngự đối với các chúng sanh có mạng sống là niềm hạnh phúc ở trên đời.

Việc xa lìa luyến ái, sự vượt qua các dục là niềm an lạc ở trên đời. Điều gì là sự thoát ra khỏi tự mãn về bản ngã, điều ấy chính là sự an lạc tối thượng.”

2. 2. KINH ĐỨC VUA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
  1. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:

“Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.

  1. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến hội trường, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”

“Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”

“Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Khoái lạc ngũ dục nào ở thế gian, và sự an lạc nào thuộc cõi Trời, các điều này có mười sáu phần không giá trị bằng (một phần) an lạc của sự diệt tận tham ái.”

2. 3. KINH GẬY GỘC

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, nhiều đứa trẻ trai đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều đứa trẻ trai đang đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana.

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.

Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà không hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.

2. 4. KINH TÔN VINH

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
  1. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.

Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.

  1. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, hiện nay đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Ở làng, ở rừng, kẻ bị tiếp xúc với lạc và khổ không nên đổ thừa cho bản thân hoặc cho người khác. Các xúc chạm đến tùy theo sự bám víu; đối với người không còn bám víu thì các xúc có thể chạm đến bằng cách nào?

2. 5. KINH NAM CƯ SĨ

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ người làng Icchānaṅgala đã đi đến thành Sāvatthi vì công việc cần làm nào đó. Khi ấy, nam cư sĩ ấy sau khi giải quyết xong công việc cần làm ấy ở Sāvatthi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này nam cư sĩ, đã lâu lắm ngươi mới tạo được cơ hội này, tức là việc đi đến đây.”

“Bạch Ngài, từ lâu nay con có ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, tuy nhiên con bị bận rộn với những công việc cần làm này nọ. Bởi vậy, con đã không thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn được.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả thật là hạnh phúc cho vị ấy, bậc không sở hữu gì, có Pháp đã được thành tựu, có sự nghe nhiều. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tình trạng bị trói buộc vào người (khác).”[3]

2. 6. KINH SẢN PHỤ

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, một cô gái Bà-la-môn trẻ tuổi, vợ của một du sĩ ngoại đạo, là người sản phụ gần đến lúc sanh.

Khi ấy, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Khi được nói như vậy, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”

Đến lần thứ nhì, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Đến lần thứ nhì, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”

Đến lần thứ ba, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.”

  1. Vào lúc bấy giờ, tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi.

Khi ấy, người nam du sĩ ấy đã khởi ý rằng: “Tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi. Có lẽ ta nên đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà rồi ói ra, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của nàng ấy.”

Sau đó, người nam du sĩ ấy đã đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà nhưng không thể làm cho ói ra lẫn không xổ ra được. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, người ấy quằn quại, lăn lộn.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người nam du sĩ ấy bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, đang quằn quại, đang lăn lộn.

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Những người nào không sở hữu gì quả thật là hạnh phúc, chính các bậc hiểu biết sâu sắc là những người không sở hữu gì cả. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tâm tư bị trói buộc vào người (khác).

2. 7. KINH CON TRAI ĐỘC NHẤT

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của người nam cư sĩ nọ lìa đời. Khi ấy, nhiều người nam cư sĩ với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi họ đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các nam cư sĩ ấy điều này: “Này các nam cư sĩ, việc gì mà các người với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày vậy?”

Khi được nói như vậy, nam cư sĩ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của chúng con đã lìa đời. Vì thế, chúng con với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Bị buộc trói vào sự khoái lạc ở các sắc đáng yêu, tập thể chư Thiên và số đông nhân loại bị sầu khổ, bị suy sụp, sa vào quyền lực của Thần Chết.

Còn những người nào ngày và đêm không xao lãng, từ bỏ sắc đáng yêu, thật vậy những người ấy đào bới gốc rễ của sự sầu khổ, mồi nhử của tử thần, khó vượt qua được.”

2. 8. KINH SUPPAVĀSĀ

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kuṇḍiyā, ở khu rừng Kuṇḍadhāna.

Vào lúc bấy giờ, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng:

“Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.”

  1. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
  1. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy[4] nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài). Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”

“Mong rằng Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh. Mong rằng đứa con trai được sanh ra không có bệnh.” Và chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh đã sanh ra đứa con trai không có bệnh.

“Bạch Ngài, xin vâng.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy sau khi thỏa thích, tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi về lại nhà của mình.

  1. Người con trai bộ tộc Koliya đã nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya này, chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, thì có được sự an lạc, không có bệnh, và sanh ra đứa con trai không có bệnh.” Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
  1. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn.’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
  1. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn. Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
  1. Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được một nam cư sĩ thỉnh mời với bữa thọ trai ngày mai. Và nam cư sĩ ấy là người hộ độ của đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Mahāmoggallāna rằng: Này Moggallāna, hãy lại đây. Ngươi nên đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến hãy nói với nam cư sĩ ấy như vầy: ‘Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.’ Vị ấy là người hộ độ của ngươi.”
  1. “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Mahāmoggallāna nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về ba pháp: về của cải, về mạng sống, và về niềm tin, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.” “Này đạo hữu, ta là người bảo đảm cho đạo hữu về hai pháp: về của cải và về mạng sống. Trái lại, chính ngươi là người bảo đảm về niềm tin.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về hai pháp: về của cải và về mạng sống, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.”

 Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna sau khi thuyết phục nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

“Bạch Ngài, nam cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, người ấy sẽ làm sau.”

  1. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm trong bảy ngày. Và nàng đã bảo đứa bé trai đảnh lễ đức Phật và toàn thể hội chúng tỳ khưu.
  1. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã nói với đứa bé trai ấy điều này: “Này cậu bé, sức khoẻ của ngươi có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Thưa ngài Sāriputta, do đâu mà có sức khỏe khá? Do đâu mà mọi việc được tốt đẹp? Con đã sống ở trong cái chậu máu bảy năm.”
  1. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya (nghĩ rằng): “Con trai ta chuyện trò với vị Tướng quân Chánh Pháp,” đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
  1. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc đã nói với Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya điều này: “Này Suppavāsā, con có còn ước muốn một người con trai khác như thế này nữa không?” “Bạch đức Thế Tôn, con cũng còn ước muốn bảy người con trai khác như thế này nữa.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Không khoái lạc dưới hình thức khoái lạc, không đáng yêu dưới hình thức đáng yêu, khổ đau dưới hình thức hạnh phúc chế ngự kẻ bị xao lãng.”

2. 9. KINH VISĀKHĀ

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[5] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.

Khi ấy, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi bà ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với bà Visākhā, Mẹ của Migāra, điều này: “Này Visākhā, bà từ đâu mà đi đến vào lúc giữa ngày?”

 “Bạch Ngài, ở đây con có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Mọi việc thuộc quyền kiểm soát của kẻ khác là khổ, mọi việc có chủ quyền là hạnh phúc. Trong việc chung chúng sầu khổ, bởi vì sự ràng buộc là khó vượt qua.”

2. 10. KINH BHADDIYA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Anupiyā, nơi Ambavana (rừng xoài). Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!”[6] Nhiều vị tỳ khưu đã nghe được đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!” Sau khi nghe được, các vị ấy đã khởi ý rằng: “Chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng đã nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
  1. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ Bạch Ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”

3, Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Bhaddiya với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’”

 “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, sau khi đến đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”

“Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này Bhaddiya, nghe nói ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, trong khi cảm nhận được lợi ích gì khiến ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ vậy?”

“Bạch Ngài, trước đây khi con còn là người thế tục đang cai quản vương quốc, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở, bạch Ngài, trong khi được bảo vệ và được an toàn như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Bạch Ngài, thế mà giờ đây con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, một mình, vẫn không sợ hãi, không khiếp đảm, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, tùy thuận sự bố thí của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch Ngài, trong khi cảm nhận được lợi ích này nên con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Đối với người nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị ấy đã không còn sự sợ hãi, có sự an lạc, không sầu muộn, chư Thiên không đạt được việc nhìn thấy vị ấy.”

Phẩm Mucalinda là thứ nhì.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Mucalinda, đức vua, với gậy gộc, tôn vinh, và với người nam cư sĩ, sản phụ, và con trai độc nhất, nàng Suppavāsā và Bà Visākhā, vị Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā.

–ooOoo–

PHẨM NANDA – THỨ BA

3. 1. KINH VỀ NGHIỆP

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang chịu đựng cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, sanh ra do quả thành tựu của nghiệp cũ, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
  1. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang chịu đựng cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, sanh ra do quả thành tựu của nghiệp cũ, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Đối với vị tỳ khưu có sự từ bỏ tất cả các nghiệp, đang giũ bỏ bụi bặm (ô nhiễm) đã được tạo ra trước đây, không sở hữu, đã đứng vững, tự tại, thì nhu cầu chuyện vãn với người là không có.”

3. 2. KINH NANDA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Nanda, em họ của đức Thế Tôn, con trai của người dì,[7] nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: “Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.”
  1. Sau đó, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: ‘Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.’”
  1. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Nanda với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Nanda, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Nanda, sau khi đến đã nói với đại đức Nanda điều này: “Này đại đức Nanda, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
  1. “Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Nanda nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nanda điều này: “Này Nanda, nghe nói ngươi đã nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: ‘Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường,’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Nanda, tại sao ngươi lại không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, lại không thể duy trì Phạm hạnh, sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường?” “Bạch Ngài, khi con rời khỏi căn nhà, người con gái dòng Sakya mỹ nhân của xứ sở, với những lọn tóc được chải một nửa, đã ngước nhìn con và nói điều này: ‘Công tử ơi, chàng mau mau trở lại.’ Bạch Ngài, con đây trong lúc tưởng nhớ đến điều ấy, con không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, con không thể duy trì Phạm hạnh, con sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.”
  1. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nắm lấy đại đức Nanda ở cánh tay, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, Ngài đã biến mất ở Jetavana và đã hiện ra giữa chư Thiên ở cõi Ba Mươi Ba.
  1. Vào lúc bấy giờ, các tiên nữ với số lượng năm trăm có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu đã đi đến hầu cận Thiên Chủ Sakka. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Nanda rằng: “Này Nanda, ngươi có nhìn thấy năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này không?” “Bạch Ngài, thưa có.”
  1. “Này Nanda, ngươi nghĩ gì về điều ấy? Người nào đẹp hơn, đáng nhìn hơn, và đáng mến hơn, người con gái dòng Sakya mỹ nhân của xứ sở hay là năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này?”

“Bạch Ngài, cũng giống như con khỉ cái bị cháy, bị xẻo lỗ tai và lỗ mũi, bạch Ngài tương tự y như thế người con gái dòng Sakya, mỹ nhân của xứ sở, khi so sánh với năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này thì chẳng được tính, chẳng được một phần, chẳng được phần chia của một phần, chẳng đáng so sánh. Năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này đẹp hơn, đáng nhìn hơn, và đáng mến hơn.”

“Này Nanda, ngươi hãy thỏa thích. Này Nanda, ngươi hãy thỏa thích. Ta là người bảo đảm cho ngươi về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.”

“Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn là người bảo đảm cho con về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu, bạch Ngài, con sẽ thỏa thích thực hành Phạm hạnh ở nơi đức Thế Tôn.”

  1. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nắm lấy đại đức Nanda ở cánh tay, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, Ngài đã biến mất giữa chư Thiên ở cõi Ba Mươi Ba và đã hiện ra ở Jetavana.
  1. Các vị tỳ khưu đã nghe rằng: “Nghe nói đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, thực hành Phạm hạnh vì lý do các tiên nữ. Nghe nói đức Thế Tôn là người bảo đảm cho vị này về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.” Sau đó, các vị tỳ khưu bạn hữu của đại đức Nanda đối xử với đại đức Nanda bằng tiếng xưng hô là kẻ làm thuê và bằng tiếng xưng hô là kẻ thu mua (nói rằng): “Nghe nói đại đức Nanda là kẻ làm thuê, nghe nói đại đức Nanda là kẻ thu mua, vì lý do các tiên nữ mà thực hành Phạm hạnh. Nghe nói đức Thế Tôn là người bảo đảm cho vị này về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.”
  1. Sau đó, đại đức Nanda, trong khi bị khổ sở, trong khi bị hổ thẹn, trong khi chán ghét, một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng ấy của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rõ rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Nanda đã trở thành vị A-la-hán.
  1. Sau đó, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.” Và trí của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Nanda do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.”
  1. Sau đó, đại đức Nanda vào cuối đêm ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Nanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, về việc đức Thế Tôn là người bảo đảm cho con về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu, bạch Ngài, con xin tháo gỡ cho đức Thế Tôn về lời hứa hẹn ấy.” “Này Nanda, sau khi dùng tâm biết được tâm của ngươi, Ta cũng đã biết rằng: ‘Nanda do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.’
  1. Vị Thiên nhân cũng đã thông báo cho Ta về sự việc này: ‘Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.’ Này Nanda, đúng vào lúc tâm của ngươi không còn chấp thủ và được giải thoát khỏi các lậu hoặc thì Ta được tháo gỡ khỏi lời hứa hẹn ấy.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Đối với người nào, bãi lầy đã được vượt qua khỏi, gai nhọn của các dục đã được nghiền nát, là người đã đạt đến sự diệt tận si mê, vị tỳ khưu ấy không xao động ở hạnh phúc hay khổ đau.”

3. 3. KINH YASOJA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị đứng đầu là Yasoja đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Và các tỳ khưu vãng lai ấy, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ này là gì vậy? Ta nghĩ là những người đánh cá tranh giành cá.”

“Bạch Ngài, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị này đứng đầu là Yasoja đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Và các tỳ khưu vãng lai này đây, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ.”

“Này Ānanda, như vậy ngươi hãy bảo các tỳ khưu ấy với lời nói của Ta rằng: ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Bậc Đạo Sư gọi các đại đức.”

“Này đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi các vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Này các tỳ khưu, vì sao các ngươi lại có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ? Ta nghĩ là những người đánh cá tranh giành cá.”

  1. Khi được nói như vậy, đại đức Yasoja đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị này đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Các tỳ khưu vãng lai này đây, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ.”

“Này các tỳ khưu, các ngươi hãy đi đi. Ta đuổi các ngươi đi, các ngươi không được cư trú gần Ta.”

“Bạch Ngài, xin vâng.” Các tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm bình bát và y, ra đi du hành đến xứ Vajjī. Trong khi tuần tự du hành ở xứ Vajjī, các vị đã đi đến sông Vaggumudā, sau khi đến đã làm các chòi lá ở bờ sông Vaggumudā và đã vào mùa (an cư) mưa.

  1. Sau đó, khi đến mùa (an cư) mưa, đại đức Yasoja đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các đại đức, chúng ta đã bị đức Thế Tôn đuổi đi vì mong mỏi sự tốt đẹp, vì tầm cầu sự lợi ích, vì lòng thương tưởng, liên quan đến sự thương xót. Này các đại đức, giờ đây chúng ta hãy sắp xếp sự sinh sống như thế nào để trong khi chúng ta sinh sống như vậy thì đức Thế Tôn có thể hài lòng.”

“Thưa đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy đã nghe theo đại đức Yasoja. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy trong khi sống tách biệt, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, ngay trong thời hạn của mùa (an cư) mưa ấy toàn bộ tất cả đã chứng ngộ ba Minh.

  1. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi ngụ tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đã ra đi du hành đến thành Vesālī. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại đó, nơi thành Vesālī, đức Thế Tôn ngụ tại Mahāvana, ở giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được tâm của các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā, sau khi tác ý đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, phương hướng này đối với Ta như là phát ra ánh sáng. Này Ānanda, phương hướng này đối với Ta như là phát ra hào quang. Là phương hướng mà các tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā cư ngụ. Đi đến (nơi ấy), hướng tâm đến (nơi ấy) là hứng khởi đối với Ta. Này Ānanda, ngươi nên phái sứ giả đi đến các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā (nói rằng): ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.’”

“Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp vị tỳ khưu nọ, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: “Này đại đức, hãy lại đây. Đại đức nên đi đến gặp các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā, sau khi đến hãy nói với các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā như vầy: ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.’”

 “Thưa đại đức, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy đáp lời đại đức Ānanda, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, vị ấy đã biến mất ở Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra, và đã hiện ra phía trước các vị tỳ khưu ấy ở bờ sông Vaggumudā. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với các vị tỳ khưu ấy ở bờ sông Vaggumudā điều này: “Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.”

“Thưa đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo vị tỳ khưu ấy đã thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm bình bát và y, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, các vị ấy đã biến mất ở bờ sông Vaggumudā, và đã hiện ra ở Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra, trước mặt đức Thế Tôn.

  1. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi với trạng thái định kiên cố. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Hiện giờ, đức Thế Tôn đang an trú với loại an trú nào?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Hiện giờ, đức Thế Tôn đang an trú với loại an trú kiên cố.” Toàn bộ tất cả đã ngồi với trạng thái định kiên cố.
  1. Sau đó, lúc đêm đã khuya canh một đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh một đã tàn. Các vị tỳ khưu vãng lai ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.”
  1. Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ nhì, lúc đêm đã khuya canh giữa đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh một đã tàn. Các vị tỳ khưu vãng lai ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã im lặng.

Đến lần thứ ba, lúc đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.”

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi xuất khỏi định ấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, nếu ngươi có thể biết thì không thể khiến ngươi bày tỏ nhiều đến chừng ấy. Này Ānanda, Ta và năm trăm vị tỳ khưu này toàn bộ tất cả đã ngồi với trạng thái định kiên cố.”

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Đối với người nào, gai nhọn của các dục, sự sỉ vả, sự hành hạ, sự giam cầm đã được chiến thắng, người ấy tồn tại, bền vững tựa như ngọn núi, vị tỳ khưu ấy không xao động ở hạnh phúc hay khổ đau.”

3. 4. KINH SĀRIPUTTA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện.

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Cũng giống như ngọn núi đá, không lay động, được thiết lập vững chắc, tương tự như thế vị tỳ khưu do sự diệt tận si mê không xao động tựa như ngọn núi.”

3. 5. KINH KOLITA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahāmoggallāna ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập ở nội phần. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahāmoggallāna ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập ở nội phần.

  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Với niệm hướng đến thân đã được thiết lập, vị tỳ khưu đã thu thúc ở sáu xúc xứ, thường xuyên được định tĩnh, có thể biết được sự diệt tắt (ô nhiễm) của bản thân.”

3. 6. KINH PILINDIVACCHA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Pilindivaccha đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện.”
  1. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Pilindivaccha với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Pilindivaccha, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Pilindivaccha, sau khi đến đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: “Này đại đức, bậc Đạo Sư gọi đại đức.” “Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Pilindivaccha nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: “Này Pilindivaccha, nghe nói ngươi đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện, có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.”
  1. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước đây của đại đức Pilindivaccha rồi đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các vị tỳ khưu, các ngươi chớ có phàn nàn tỳ khưu Vaccha. Này các tỳ khưu, không phải Vaccha có nội tâm sân hận mà đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện. Này các tỳ khưu, tỳ khưu Vaccha có năm trăm kiếp sống không gián đoạn đã được tái sanh ở gia tộc Bà-la-môn. Đối với vị ấy, tiếng xưng hô kẻ hạ tiện ấy đã bị tập nhiễm lâu dài. Vì thế, Vaccha này đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Ở người nào không có xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn, người nào có tham đã lìa, không sở hữu, không mong mỏi, có sự giận dữ đã được xua đi, có bản thân đã được tịch tịnh, người ấy là Bà-la-môn, người ấy là Sa-môn, người ấy là tỳ khưu.”

3. 7. KINH KASSAPA

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa ngụ ở hang động Pipphali, đã thể nhập vào một loại định nọ rồi ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày.
  1. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đại đức Mahākassapa đã ra khỏi định ấy. Rồi khi ra khỏi định ấy, đại đức Mahākassapa đã khởi ý rằng: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực?” Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa. Khi ấy, sau khi từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị, đại đức Mahākassapa vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực.
  1. Vào lúc bấy giờ, Thiên Chủ Sakka có ý muốn dâng đồ ăn khất thực đến đại đức Mahākassapa, nên đã biến thành hình dạng người thợ dệt đang dệt chỉ, và Sujā con gái của Chúa Atula đang cuốn đầy thoi chỉ.
  1. Khi ấy, đại đức Mahākassapa trong khi đi khất thực tuần tự theo từng nhà ở thành Rājagaha đã đi đến gần chỗ ngụ của Thiên Chủ Sakka. Thiên Chủ Sakka đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa từ đằng xa đang đi lại. Sau khi nhìn thấy đã đi ra khỏi nhà, tiếp rước, nhận lấy bình bát tận tay rồi đi vào nhà xới cơm từ nồi để đầy bình bát và dâng đến đại đức Mahākassapa. Phần cơm ấy đã trở thành đồ ăn khất thực có nhiều nước xúp, có nhiều món ăn, có nhiều món ăn có nước xúp và hương vị.
  1. Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã khởi ý điều này: “Người này là ai mà lại có năng lực thần thông này?” Rồi đại đức Mahākassapa đã khởi ý điều này: “Đây là Thiên Chủ Sakka,” sau khi biết được thế ấy, đã nói với Thiên Chủ Sakka điều này: “Này Kosiya, có phải việc này đã do ông làm? Ông chớ có làm như thế này nữa.”
  1. “Thưa ngài Kassapa, chúng tôi cũng cần phước báu; chúng tôi cũng nên làm phước báu.” Sau đó, Thiên Chủ Sakka đã đảnh lễ đại đức Mahākassapa, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi bay lên không trung, và ở bầu trời giữa hư không đã ba lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa! Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa!”
  1. Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người đã nghe được Thiên Chủ Sakka đang bay lên không trung, và ở bầu trời giữa hư không đang thốt lên ba lần lời cảm hứng rằng: “Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa! Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa!”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực, tự chu cấp bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác, chư Thiên mong cầu vị như thế ấy, vị an tịnh, luôn có niệm.”

3. 8. KINH VỊ HÀNH PHÁP KHẤT THỰC

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn ở cây Kareri; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:

“Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực trong khi đi khất thực thỉnh thoảng được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, thỉnh thoảng được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, thỉnh thoảng được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, thỉnh thoảng được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, thỉnh thoảng được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý. Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực đi khất thực được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang. Này các đại đức, giờ chúng ta cũng hãy trở thành các vị hành pháp khất thực. Chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý, chúng ta cũng sẽ đi khất thực, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang.”

  1. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến mái che tròn ở cây Kareri, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
  1. “Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn tại cây Kareri; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực trong khi đi khất thực thỉnh thoảng được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, thỉnh thoảng được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, thỉnh thoảng được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, thỉnh thoảng được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, thỉnh thoảng được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý. Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực đi khất thực được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang. Này các đại đức, giờ chúng ta cũng hãy trở thành các vị hành pháp khất thực. Chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, —như trên— chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý, chúng ta cũng sẽ đi khất thực, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang.’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
  1. “Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực, tự chu cấp bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác, chư Thiên mong cầu vị như thế ấy, nếu vị ấy không bị lệ thuộc vào lời trầm trồ và tiếng tăm.”

3. 9. KINH NGHỀ NGHIỆP

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy: “Này các đại đức, vị nào biết nghề? Vị nào đã học nghề gì? Nghề nào là hạng nhất trong số các nghề?”
  1. Tại nơi ấy, một số vị đã nói thế này: “Nghề huấn luyện voi là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề huấn luyện ngựa là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề đóng xe là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề bắn cung là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề gươm đao là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề ra dấu hiệu là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề kế toán là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề ước lượng là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề khắc chữ là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề thơ ca là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề lý luận là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề quản trị là nghề hạng nhất.” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.
  1. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến mái che tròn ở cây, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
  1. “Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, vị nào biết nghề? Vị nào đã học nghề gì? Nghề nào là hạng nhất trong số các nghề?’ Tại nơi ấy, một số vị đã nói thế này: ‘Nghề huấn luyện voi là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề huấn luyện ngựa là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề đóng xe là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề bắn cung là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề gươm đao là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề ra dấu hiệu là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề kế toán là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề ước lượng là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề khắc chữ là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề thơ ca là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề lý luận là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề quản trị là nghề hạng nhất.’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
  1. “Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Có cuộc sống không nghề nghiệp, nhẹ nhàng, có ước muốn mục đích, có giác quan đã được chế ngự, đã được giải thoát về mọi mặt, phiêu bạt không nhà, không sở hữu, không mong mỏi, sau khi từ bỏ ngã mạn, sống một mình, vị ấy là tỳ khưu.”

3. 10. KINH XEM XÉT THẾ GIAN

  1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
  1. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn đã xem xét thế gian bằng Phật nhãn. Trong khi xem xét thế gian bằng Phật nhãn, đức Thế Tôn đã nhìn thấy các chúng sanh đang bị đốt nóng bởi nhiều sự đốt nóng (khổ đau), và đang bị đốt cháy bởi nhiều sự đốt cháy sanh ra bởi luyến ái, sanh ra bởi sân hận, và sanh ra bởi si mê.
  1. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Bị đốt nóng,[8] bị quấy nhiễu bởi (sáu) xúc, thế gian này nói rằng bệnh là bản ngã, dầu suy nghĩ theo cách này cách kia, nó hình thành theo một cách khác so với cái ấy.

Có sự hình thành theo một cách khác, bị dính mắc vào hữu, bị quấy nhiễu bởi hữu, lại thỏa thích hữu ấy. Thỏa thích cái nào, cái ấy là sự sợ hãi. Bị sợ hãi đối với cái nào, cái ấy là khổ. Quả vậy, Phạm hạnh này được sống nhằm lìa bỏ hữu.

Bất cứ các vị Sa-môn hoặc các Bà-la-môn nào đã nói rằng sự giải thoát khỏi hữu nhờ vào hữu, Ta nói rằng tất cả các vị đó không được giải thoát khỏi hữu.

Bất cứ các vị Sa-môn hoặc các Bà-la-môn nào đã nói rằng sự tách ly khỏi hữu nhờ vào phi hữu, Ta nói rằng tất cả các vị đó không được tách ly khỏi hữu.

Tùy thuận vào sự bám víu, khổ này được hình thành.

Do sự cạn kiệt của mọi chấp thủ, không có sự hình thành của khổ.

Hãy nhìn xem thế gian này, số đông

bị quấy nhiễu bởi vô minh, được hiện hữu, thích thú sự hiện hữu,

không được giải thoát hoàn toàn khỏi hữu.

Bất cứ các hữu nào,

ở mọi nơi, với mọi tính chất,

tất cả các hữu ấy là vô thường,

khổ đau, có tính chất đổi thay.

Tương tự, đối với vị đang nhìn thấy điều này đúng theo bản thể bằng tuệ chơn chánh, hữu ái của vị ấy được dứt bỏ, vị ấy không thỏa thích phi hữu, do sự cạn kiệt của các tham ái một cách trọn vẹn, có sự lìa ái luyến và sự diệt tận không còn dư sót, Niết Bàn.

Đối với vị tỳ khưu đã được tịch tịnh ấy, do không còn chấp thủ, sự hiện hữu lại nữa là không có, Ma Vương đã bị chế ngự, cuộc chiến đã được chiến thắng, bậc tự tại đã vượt qua khỏi tất cả các hữu.”

Phẩm Nanda là thứ ba.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Nghiệp, vị Nanda, và vị Yasoja, vị Sāriputta, và vị Kolita, vị Pilindi, vị Kassapa, vị khất thực, nghề nghiệp, với thế gian, chúng là mười (bài Kinh).

–ooOoo–

 

[1] Bốn bài Kinh từ 1.1 đến 1.4 (132 – 137) được thấy ở Tạng Luật, Đại Phẩm (TTPV 04, 01-07). 

[2] Bāhiya Dārucīriya nghĩa là vị được sanh ra ở vương quốc Bāhiya và chuyên mặc y phục làm bằng vỏ (cīra) của cây cối (dāru).

[3] Chú Giải giới thiệu câu kệ Pháp Cú 62 để làm rõ vấn đề (UdA. 117): ‘Tôi có các con trai, tôi có tài sản,’ (nghĩ thế) kẻ ngu bị sầu khổ. Chính bản thân của mình còn không có, từ đâu mà có các con trai, từ đâu mà có tài sản?

[4] Koliyaputto không phải tên gọi của người chồng. Chánh Tạng chỉ đề cập người chồng là koliyaputto(con trai bộ tộc Koliya) và người vợ là koliyadhītā (con gái bộ tộc Koliya) với tên gọi là Suppavāsā. Chú Giải cho biết thêm hai người này là con của đức vua trị vì bộ tộc này, koliyarājaputtaṃkoliyarājaputtī(UdA. 125).

[5] Tòa nhà này được xây dựng bởi Mẹ của Migāra, tức là nữ cư sĩ Visākhā. Thật ra, Migāra là cha chồng của nữ cư sĩ này. Do được chăm sóc kỹ lưỡng bởi người con dâu giống như mẹ nên ông Migāra đã gọi Visākhā, người con dâu của mình, là “Mẹ của Migāra” Tòa nhà này có 1000 căn phòng, được xây thành 2 tầng, 5oo phòng ở trên, 500 phòng ở dưới (UdA. 158).

[6] Câu chuyện này cũng được thấy ở Tạng Luật, Tiểu Phẩm 2 (TTPV 07, 254-257).

[7] Nanda là em cùng cha khác mẹ của đức Phật, cha là đức vua Suddhodana và mẹ là dì mẫu Mahāpajāpatigotamī (UdA. 168).

[8] đã sanh lên sự đốt nóng (ND).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *