TIỂU PHẨM I – CHƯƠNG DÀN XẾP: BỐN SỰ TRANH TỤNG

Tiểu Phẩm I

Chương Dàn Xếp

Bốn sự tranh tụng

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu tranh cãi với các tỳ khưu ni, các tỳ khưu ni cũng tranh cãi với các tỳ khưu. Tỳ khưu Channa sau khi theo phe các tỳ khưu ni cũng tranh cãi với các tỳ khưu và được xem là thuộc phe các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao tỳ khưu Channa sau khi theo phe các tỳ khưu ni lại tranh cãi với các tỳ khưu và được xem là thuộc phe các tỳ khưu ni?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)―

Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này cá­c tỳ khưu, đây là bốn sự tranh tụng: Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội, và sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi rằng: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ hoặc ‘Đây là Luật,’ hoặc ‘Đây không phải là Luật,’ hoặc ‘Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,’ hoặc ‘Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,’ hoặc ‘Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thực hành,’ hoặc ‘Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thực hành,’ hoặc ‘Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ quy định,’ hoặc ‘Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ quy định,’ hoặc ‘Điều ấy là phạm tội,’ hoặc ‘Điều ấy là không phạm tội,’ hoặc ‘Điều ấy là tội nhẹ,’ hoặc ‘Điều ấy là tội nặng,’ hoặc ‘Tội còn dư sót,’ hoặc ‘Tội không còn dư sót,’[5] hoặc ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Ở đây, việc nào là sự xung đột, sự gây gỗ, sự tranh luận, sự tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, sự nói lời thô lỗ, sự cãi vã; việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến tội? – Năm nhóm tội[6] là sự tranh tụng liên quan đến tội, bảy nhóm tội[7] là sự tranh tụng liên quan đến tội; việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến tội.

Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ? – Việc gì thuộc về hội chúng cần phải hoàn thành cần phải thực hiện (tức là) hành sự với lời công bố,[8] hành sự với lời đề nghị, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ hai, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ tư. Việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi là gì? – Có sáu nguyên nhân tranh cãi là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi. Cũng có ba nguyên nhân không tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi và cũng có ba nguyên nhân tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Sáu nguyên nhân tranh cãi nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi? – Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trở nên giận dữ có sự hằn học. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên giận dữ, có sự hằn học, vị ấy sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, sống không tôn kính không phục tùng Giáo Pháp, sống không tôn kính không phục tùng hội chúng, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, ―(như trên)― Giáo Pháp, ―(như trên)― Hội Chúng, ―(như trên)― có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự tranh cãi trong hội chúng. Đó là sự tranh cãi đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư Thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa: Có vị tỳ khưu trở nên đạo đức giả dối trá, ―(như trên)― trở nên đố kỵ bỏn xẻn, ―(như trên)― trở nên mưu mẹo xảo trá, ―(như trên)― trở nên ác dục tà kiến, ―(như trên)― trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi, vị ấy sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, sống không tôn kính không phục tùng Giáo Pháp, sống không tôn kính không phục tùng Hội Chúng, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, ―(như trên)― Giáo Pháp, ―(như trên)― Hội Chúng, ―(như trên)― có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự tranh cãi trong hội chúng. Đó là sự tranh cãi đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư Thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai. Sáu nguyên nhân tranh cãi này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Ba nguyên nhân không tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi?

– Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu tranh cãi do tâm tham lam, tranh cãi do tâm xấu xa, tranh cãi do tâm mê muội rằng: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ hoặc ‘Đây là Luật,’ hoặc ‘Đây không phải là Luật,’ hoặc ‘Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,’ hoặc ‘Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,’ hoặc ‘Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thực hành,’ hoặc ‘Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thực hành,’ hoặc ‘Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ quy định,’ hoặc ‘Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ quy định,’ hoặc ‘Điều ấy là phạm tội,’ hoặc ‘Điều ấy là không phạm tội,’ hoặc ‘Điều ấy là tội nhẹ,’ hoặc ‘Điều ấy là tội nặng,’ hoặc ‘Tội còn dư sót,’ hoặc ‘Tội không còn dư sót,’ hoặc ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Ba nguyên nhân không tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Ba nguyên nhân tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm không tham lam, tranh cãi do tâm không xấu xa, tranh cãi do tâm không mê muội rằng: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ ―(như trên)― hoặc ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Ba nguyên nhân tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách là gì? – Có sáu nguyên nhân khiển trách là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách. Cũng có ba nguyên nhân không tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, và cũng có ba nguyên nhân tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách. Cơ thể (thân) cũng là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, và lời nói (khẩu) cũng là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Sáu nguyên nhân khiển trách nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trở nên giận dữ có sự hằn học. Vị tỳ khưu nào trở nên giận dữ, có sự hằn học, vị ấy sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, sống không tôn kính không phục tùng Giáo Pháp, sống không tôn kính không phục tùng Hội Chúng, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, ―(như trên)― Giáo Pháp, ―(như trên)― Hội Chúng, ―(như trên)― có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự khiển trách trong hội chúng là sự khiển trách đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư Thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa: Có vị tỳ khưu trở nên đạo đức giả dối trá, ―(như trên)― trở nên đố kỵ bỏn xẻn, ―(như trên)― trở nên mưu mẹo xảo trá, ―(như trên)― trở nên ác dục tà kiến, ―(như trên)― trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi, vị ấy sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, sống không tôn kính không phục tùng Giáo Pháp, sống không tôn kính không phục tùng Hội Chúng, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không tôn kính không phục tùng bậc Đạo Sư, ―(như trên)― Giáo Pháp, ―(như trên)― Hội Chúng, ―(như trên)― có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự khiển trách trong hội chúng là sự khiển trách đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư Thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai. Sáu nguyên nhân khiển trách này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Ba nguyên nhân không tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu do tâm tham lam, khiển trách do tâm xấu xa, khiển trách do tâm mê muội với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Ba nguyên nhân không tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Ba nguyên nhân tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu do tâm không tham lam, khiển trách do tâm không xấu xa, khiển trách do tâm không mê muội với sự hư hỏng về giới, với sự hư hỏng về hạnh kiểm, với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Ba nguyên nhân tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Cơ thể (thân) như thế nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Ở đây có vị có màu da tối, có vóc dáng xấu xí, lùn tịt, nhiều bệnh: hoặc là chột mắt, hoặc là chân bị tật, hoặc bị què, hoặc bị liệt nửa thân, các vị khiển trách vị ấy về điều ấy. Cơ thể (thân) như thế ấy là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Lời nói (khẩu) như thế nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Ở đây có vị có giọng nói khó (nghe), có tật cà lăm, có giọng nói khàn khàn, các vị khiển trách vị ấy về điều ấy. Lời nói (khẩu) như thế ấy là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tội là gì? – Sáu nguồn sanh tội là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tội. Có sự phạm tội sanh lên do thân, không do khẩu không do ý. Có sự phạm tội sanh lên do khẩu, không do thân không do ý. Có sự phạm tội sanh lên do thân và do khẩu, không do ý. Có sự phạm tội sanh lên do thân và do ý, không do khẩu. Có sự phạm tội sanh lên do khẩu và do ý, không do thân. Có sự phạm tội sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. Sáu nguồn sanh tội này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tội.

Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ là gì? – Có một nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ là: Hội chúng.

Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu? – Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi có thể là tốt, có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi nào là tốt? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm thiện: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ ―(như trên)― hoặc ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, sự nói lời thô lỗ, sự cãi vã; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được gọi là tốt.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi nào là xấu? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm bất thiện: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ ―(như trên)― ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, sự nói lời thô lỗ, sự cãi vã; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được gọi là xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi nào là không tốt không xấu? – Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu tranh cãi với tâm vô ký: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ ―(như trên)― hoặc ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, ―(như trên)― sự nói lời thô lỗ, sự cãi vã; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được gọi là không tốt không xấu.

Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu? – Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách có thể là tốt, có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách nào là tốt? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu do tâm thiện khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, với sự hư hỏng về hạnh kiểm, với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được gọi là tốt.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách nào là xấu? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu do tâm bất thiện khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được gọi là xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách nào là không tốt không xấu? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu do tâm vô ký khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, với sự hư hỏng về hạnh kiểm, với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được gọi là không tốt không xấu.

Sự tranh tụng liên quan đến tội là xấu (hay) là không tốt không xấu? – Sự tranh tụng liên quan đến tội có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu, không có sự tranh tụng liên quan đến tội là tốt.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tội nào là xấu? – Việc (vị tỳ khưu) có sự vi phạm trong khi nhận biết, trong khi nhận thức rõ, đã cố ý, rồi vượt qua; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tội được gọi là xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tội nào là không tốt không xấu? – Này các tỳ khưu, việc (vị tỳ khưu) có sự vi phạm trong khi không nhận biết, trong khi không nhận thức rõ, đã không cố ý, rồi không vượt qua; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tội được gọi là không tốt không xấu.

Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu? – Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ có thể là tốt, có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ nào là tốt? – Việc hội chúng thực hiện hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ hai, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ tư với tâm thiện; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được gọi là tốt.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ nào là xấu? – Việc hội chúng thực hiện hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ hai, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ tư với tâm bất thiện; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được gọi là xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ nào là không tốt không xấu? – Việc hội chúng thực hiện hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ hai, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ tư với tâm vô ký; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được gọi là không tốt không xấu.

(Một việc có thể) là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, là sự tranh cãi không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là sự tranh cãi, vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi (hay không)? – (Một việc) có thể là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, có thể là sự tranh cãi không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là sự tranh cãi, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi.

Ở đây, việc nào là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi rằng: ‘Đây là Pháp,’ hoặc ‘Đây không phải là Pháp,’ ―(như trên)― hoặc ‘Tội xấu xa,’ hoặc ‘Tội không xấu xa.’ Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, sự nói lời thô lỗ, sự cãi vã; việc ấy là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Ở đây, việc nào là sự tranh cãi không là sự tranh tụng? – Mẹ tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với mẹ, cha tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với cha, anh em trai tranh cãi với anh em trai, anh em trai tranh cãi với chị em gái, chị em gái tranh cãi với anh em trai, bạn bè tranh cãi với bạn bè; việc ấy là sự tranh cãi không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là sự tranh cãi? – Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ; việc ấy là sự tranh tụng không là sự tranh cãi.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi? – Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi.

(Một việc có thể) là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, là sự khiển trách không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là sự khiển trách, vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách (hay không)? – (Một việc) có thể là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, có thể là sự khiển trách không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là sự khiển trách, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách.

Ở đây, việc nào là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách? – Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Ở đây, việc nào là sự khiển trách nào không là sự tranh tụng? – Mẹ khiển trách con trai, con trai khiển trách mẹ, cha khiển trách con trai, con trai khiển trách cha, anh em trai khiển trách anh em trai, anh em trai khiển trách chị em gái, chị em gái khiển trách anh em trai, bạn bè khiển trách bạn bè; việc ấy là sự khiển trách không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là sự khiển trách? – Sự tranh tụng liên quan đến tội, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi; việc ấy là sự tranh tụng không là sự khiển trách.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách? – Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách.

(Một việc có thể) là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội, là sự phạm tội không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là sự phạm tội, vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội (hay không)? – (Một việc) có thể là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội, có thể là sự phạm tội không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là sự phạm tội, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội.

Ở đây, việc nào là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội? – Năm nhóm tội là sự tranh tụng liên quan đến tội, và bảy nhóm tội là sự tranh tụng liên quan đến tội; việc ấy là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội.

Ở đây, việc nào là āpatti (sự phạm tội) không là sự tranh tụng? – Quả vị Nhập Lưu (Sotāpatti), sự thành đạt (samāpatti); việc ấy là āpatti (có tiếp vĩ ngữ āpatti) không là sự tranh tụng.[9]

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là sự phạm tội? – Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách; việc ấy là sự tranh tụng không là sự phạm tội.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội? – Sự tranh tụng liên quan đến tội vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội.

(Một việc có thể) là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, là nhiệm vụ không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là nhiệm vụ, vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ (hay không)? – (Một việc) có thể là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, có thể là nhiệm vụ không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là nhiệm vụ, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ.

Ở đây, việc nào là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ? – Việc nào thuộc về hội chúng cần phải hoàn thành, cần phải thực hiện (tức là) hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ hai, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ tư; việc ấy là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

Ở đây, việc nào là nhiệm vụ không là sự tranh tụng? – Nhiệm vụ của thầy giáo thọ, nhiệm vụ của thầy tế độ, nhiệm vụ của các vị chung thầy tế độ, nhiệm vụ của các vị chung thầy giáo thọ; việc ấy là nhiệm vụ không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là nhiệm vụ? – Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội; việc ấy là sự tranh tụng không là nhiệm vụ.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ? – Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ.

–ooOoo–

[5] Tội không còn dư sót là nhóm tội pārājika. Tội còn dư sót là sáu nhóm tội còn lại (VinA. vii, 1319).

[6] Năm nhóm tội là: pārājika, saṅghādisesa, nissaggiya pācittiya, pācittiya, và dukkaṭa.

[7] Thêm vào thullaccaya và dubbhāsita là bảy.

[8] Hành sự công bố hành xử năm trường hợp: Sự phục hồi, sự đuổi đi, hành sự cạo tóc (bhaṇḍukamma), hình phạt Brahma (Phạm Đàn), và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ năm (xem Parivāra 2 – Tập Yếu 2, TTPV 09, trang 306).

[9] Đây là nghệ thuật chơi chữ: Nghĩa căn bản của từ āpatti là “sự đạt đến,” nghĩa thông dụng là “sự phạm tội, hay tội vi phạm.” Trường hợp hai hợp từ là sotāpatti (sota-āpatti) và samāpatti (sam-āpatti) do được ghép với tiếp vĩ ngữ āpatti. Từ sotāpatti có ý nghĩa là sự đạt đến dòng chảy, sự tiến vào dòng Thánh, tức là quả vị Nhập Lưu; còn từ samāpatti có ý nghĩa là sự đạt đến trọn vẹn, sự tự mình đạt đến, dịch là sự chứng đạt. Do không phải là sự phạm tội nên không liên quan đến sự tranh tụng. Đoạn văn này không thể diễn đạt trọn vẹn sang tiếng Việt (ND).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *