TIỂU PHẨM II – CHƯƠNG LIÊN QUAN NĂM TRĂM VỊ: DUYÊN KHỞI CỦA VIỆC KẾT TẬP

Tiểu Phẩm II

Chương Liên Quan Năm Trăm Vị

Duyên khởi của việc kết tập

Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các sư đệ, vào lúc ấy ta đang thực hiện cuộc hành trình đường xa từ Pāvā đi Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu. Này các sư đệ, khi ấy ta đã rời đường lộ rồi ngồi xuống ở gốc cây nọ. Vào lúc bấy giờ, có đạo sĩ lõa thể nọ sau khi nhận được bông hoa Mandārava ở Kusinārā đang thực hiện cuộc hành trình đường xa đi Pāvā. Này các sư đệ, ta đã nhìn thấy vị đạo sĩ lõa thể ấy đang đi lại từ đàng xa, sau khi nhìn thấy ta đã nói với vị đạo sĩ lõa thể ấy điều này: ‘Này đạo hữu, đạo hữu có biết bậc Đạo Sư của chúng tôi không?’ ‘Ồ đạo hữu, đúng vậy, tôi có biết. Hôm nay Sa-môn Gotama đã Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày rồi. Do đó, tôi mới có được bông hoa Mandārava này.’

Này các sư đệ, tại nơi ấy những tỳ khưu nào chưa đoạn tận ái dục, một số các vị đưa tay lên khóc than. Như thân cây bị đốn gãy, các vị ngã xuống lăn qua lăn lại (than rằng): “Đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn quá sớm, đấng Thiện Thệ Vô Dư Niết Bàn quá sớm, bậc Hữu Nhãn biến mất ở thế gian quá sớm.” Còn những tỳ khưu nào có ái dục đã được đoạn tận, các vị ấy có niệm, có sự tỉnh giác thời chấp nhận: “Các Pháp hữu vi là vô thường, bởi vì điều ấy có thể xảy ra ở đây.” Này các sư đệ, khi ấy ta đã nói với các tỳ khưu điều này: “Này các sư đệ, thôi đi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Này các sư đệ, không phải điều ấy đã được đức Thế Tôn khuyến cáo là ngay với tất cả các vật thân yêu vừa ý đều có bản chất đa dạng, có bản chất không thật, có bản chất thay đổi? Này các sư đệ, bởi vì điều ấy có thể xảy ra ở đây, nghĩa là vật gì được sanh lên, tồn tại, rồi bị biến đổi thuận theo pháp thế gian, (nếu nghĩ rằng): ‘Mong sao vật ấy chớ có bị hư hoại,’ sự kiện này không thể có được!”

Này các sư đệ, vào lúc bấy giờ có vị xuất gia lúc đã già tên Subhadda đang ngồi trong tập thể ấy. Này các sư đệ, khi ấy vị xuất gia lúc đã già Subhadda đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Này các vị, thôi đi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Chúng ta được hoàn toàn thoát khỏi vị đại Sa-môn ấy rồi. Và chúng ta đã bị làm khó khăn rằng: ‘Điều này được phép cho các ngươi, điều này không được phép cho các ngươi.’ Giờ đây, điều gì chúng ta thích chúng ta sẽ làm điều ấy, điều gì chúng ta không thích chúng ta sẽ không làm điều ấy.”

Này các sư đệ, vậy chúng ta hãy trùng tụng Pháp và Luật trước khi điều phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.”

– “Thưa ngài, chính vì điều ấy xin vị trưởng lão hãy tuyển chọn các tỳ khưu.” Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã tuyển chọn bốn trăm chín mươi chín vị A-la-hán. Các vị tỳ khưu đã nói với đại đức Mahākassapa điều này: – “Thưa ngài, vị đại đức Ānanda này tuy còn là bậc Hữu Học nhưng không thể nào bị chi phối bởi tham, bởi sân, bởi si mê, bởi sợ hãi. Và vị này thuộc lòng nhiều Pháp và Luật từ đức Thế Tôn. Thưa ngài, chính vì điều ấy xin vị trưởng lão hãy tuyển chọn luôn cả đại đức Ānanda.”

Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã tuyển chọn luôn cả đại đức Ānanda. Sau đó, các vị tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý điều này: – “Vậy chúng ta có thể trùng tụng Pháp và Luật ở nơi nào?” Khi ấy, các vị tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý điều này: “Thành Rājagaha quả là có khu vực khất thực rộng lớn, có nhiều chỗ trú ngụ; hay là chúng ta nên trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, các tỳ khưu khác không được đi đến an cư mùa mưa ở thành Rājagaha?” Sau đó, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng: – “Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định năm trăm vị tỳ khưu này để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, ‘các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.’ Đây là lời đề nghị.

Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định năm trăm vị tỳ khưu này để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, ‘các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.’ Vị nào đồng ý việc chỉ định năm trăm vị tỳ khưu này để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, ‘các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha’ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Năm trăm vị tỳ khưu này đã được hội chúng chỉ định để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, ‘các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.’ Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến thành Rājagaha để trùng tụng Pháp và Luật. Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã bàn bạc điều này: – “Này các đại đức, việc sửa chữa chỗ bị hư hỏng đã được đức Thế Tôn khen ngợi. Này các đại đức, vậy vào tháng thứ nhất chúng ta hãy sửa chữa những nơi bị hư hỏng; vào tháng giữa, chúng ta sẽ tụ họp lại rồi trùng tụng Pháp và Luật.” Sau đó vào tháng thứ nhất, các tỳ khưu trưởng lão đã sửa chữa chỗ bị hư hỏng. Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Ngày mai là đại hội, việc ta sẽ đi đến đại hội khi còn là bậc Hữu Học thật là không thích đáng cho ta!” rồi đã trải qua gần trọn đêm với niệm trú ở thân, và trong đêm vào lúc hừng sáng (mới khởi ý rằng): “Ta sẽ nằm xuống” rồi nghiêng thân hình. Và vào lúc đầu chưa chạm gối, hai chân vừa mới giở lên khỏi mặt đất, và trong khoảng thời gian ấy tâm đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ. Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến đại hội, trong khi (đã) là vị A-la-hán.

Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng: – “Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi đại đức Upāli về Luật.” Đại đức Upāli cũng đã thông báo đến hội chúng rằng: – “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, khi được đại đức Mahākassapa hỏi về Luật tôi sẽ trả lời.” Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli điều này: – “Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ nhất đã được quy định ở đâu?” – “Thưa ngài, ở Vesāli.” – “Liên quan đến ai?” – “Liên quan đến Sudinna con trai của Kalanda.” – “Về sự việc gì?” – “Về việc (thực hiện việc) đôi lứa.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ nhất.

– “Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ nhì đã được quy định ở đâu?” – “Thưa ngài, ở Rājagaha.” – “Liên quan đến ai?” – “Liên quan đến Dhaniya con trai người thợ đồ gốm.” – “Về sự việc gì?” – “Về việc lấy vật không được cho.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điềupārājika thứ nhì.

– “Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ ba đã được quy định ở đâu?” – “Thưa ngài, ở Vesāli.” – “Liên quan đến ai?” – “Liên quan đến nhiều vị tỳ khưu.” – “Về sự việc gì?” – “Về việc tước đoạt mạng người.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ ba.

– “Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ tư đã được quy định ở đâu?” – “Thưa ngài, ở Vesāli.” – “Liên quan đến ai?” – “Liên quan đến các tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā.” – “Về sự việc gì?” – “Về pháp thượng nhân.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ tư. Bằng chính phương thức ấy, (đại đức Mahākassapa) đã hỏi về phần Luật Phân Tích của cả hai phái (tỳ khưu và tỳ khưu ni). Mỗi khi được hỏi, đại đức Upāli đã trả lời.

Sau đó, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng: – “Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi Ānanda về Pháp.” Khi ấy, đại đức Ānanda đã thông báo đến hội chúng rằng: – “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, khi được đại đức Mahākassapa hỏi về Pháp tôi sẽ trả lời.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Ānanda điều này: – “Này sư đệ Ānanda, kinh Brahmajāla (Phạm Võng) đã được thuyết ở đâu?” – “Thưa ngài, ở nhà nghỉ của vua tại Ambalaṭṭhikā, ở khoảng giữa Rājagaha và Nālanda.” – “Liên quan đến ai?” – “Đến du sĩ ngoại đạo Suppiya và thanh niên Brahmadatta.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Ānanda về duyên khởi, đã hỏi về nhân sự của kinh Brahmajāla.

– “Này sư đệ Ānanda, kinh Sāmaññaphala (Sa-môn Quả) đã được thuyết ở đâu?” – “Thưa ngài, ở Rājagaha nơi vườn xoài của Jīvaka.” – “Với ai?” – “Với Ajātasattu con trai của Videhi.” Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Ānanda về duyên khởi, đã hỏi về nhân sự của kinh Sāmaññaphala. Bằng chính phương thức ấy, (đại đức Mahākassapa) đã hỏi về năm bộ Kinh. Mỗi khi được hỏi, đại đức Ānanda đã trả lời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *