TIỂU PHẨM II – CHƯƠNG TỲ KHƯU NI: TỤNG PHẨM THỨ NHẤT

Tiểu Phẩm II

Chương Tỳ Khưu Ni

Tụng Phẩm Thứ Nhất

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự trong lãnh thổ của dòng Sakya ở thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”

– “Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.”

Đến lần thứ nhì, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia ―(như trên)―.”

 – “Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia ―(như trên)―.”

Đến lần thứ ba, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”

– “Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.”

Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố’ nên khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, trong khi khóc lóc, đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, khi đã ngự tại thành Kapilavatthu theo như ý thích đức Thế Tôn đã ra đi du hành đi về phía thành Vesāli. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Vesāli. Tại nơi đó, ở Vesāli, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra.

Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nhờ người cạo tóc, khoác y phục màu ca-sa cùng với nhiều người nữ dòng Sakya đã ra đi về hướng Vesāli, tuần tự đã đi đến Vesāli, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở bên ngoài cổng ra vào. Đại đức Ānanda đã nhìn thấy bà Mahāpajāpatī Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở bên ngoài cổng ra vào, sau khi nhìn thấy đã nói với bà Mahāpajāpatī Gotamī điều này: – “Này bà Gotamī, tại sao bà lại có hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở bên ngoài cổng ra vào vậy?” – “Thưa ngài Ānanda, như thế này bởi vì đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”

– “Này bà Gotamī, chính vì điều ấy nên bà hãy ở ngay tại đây trong chốc lát chờ tôi thỉnh cầu đức Thế Tôn về việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, bà Mahāpajāpatī Gotamī này với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở bên ngoài cổng ra vào (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.’ Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”

– “Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.”

Đến lần thứ nhì, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia ―(như trên)―.”

– “Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia ―(như trên)―.”

Đến lần thứ ba, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia ―(như trên)―.”

– “Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.”

Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố; có lẽ ta nên thỉnh cầu đức Thế Tôn việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố bằng một phương thức khác?’ Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, người nữ sau khi xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán hay không?”

– “Này Ānanda, người nữ sau khi xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả phẩm vị A-la-hán.”

– “Bạch ngài, nếu người nữ ―(như trên)― có khả năng chứng ngộ ―(như trên)― luôn cả phẩm vị A-la-hán nữa; bạch ngài, bà Mahāpajāpatī Gotamī có nhiều công đức đối với đức Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời. Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”

– “Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpatī Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà:

Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên một trăm năm nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu là việc hỏi ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp ―(như trên)― không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni đã trải qua mùa (an cư) mưa nên hành lễ Pavāraṇā ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp ―(như trên)― không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vi phạm tội nghiêm trọng nên thực hành hình phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp ―(như trên)― không được vi phạm cho đến trọn đời.

Cô ni tu tập sự đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp ―(như trên)― không được vi phạm cho đến trọn đời.

 Tỳ khưu ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng nhiếc gièm pha tỳ khưu. Đây cũng là pháp ―(như trên)― không được vi phạm cho đến trọn đời.

Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpatī Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà.”

Sau đó, đại đức Ānanda đã học tám Trọng Pháp từ đức Thế Tôn rồi đã đi đến gặp bà Mahāpajāpati Gotamī, sau khi đến đã nói với bà Mahāpajāpatī Gotamī điều này: – “Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận tám Trọng Pháp thì chính điều ấy sẽ là sự tu lên bậc trên đối với bà:

Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên một trăm năm nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. ―(như trên)― Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận tám Trọng Pháp này thì chính điều ấy sẽ là sự tu lên bậc trên đối với bà.”

– “Thưa đại đức Ānanda, cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu, sau khi nhận được tràng hoa sen, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa đủ loại nên thọ lãnh bằng hai tay rồi đặt lên ở đỉnh đầu; thưa đại đức Ānanda, cũng tương tợ như vậy, tôi thọ nhận tám Trọng Pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã thọ nhận tám Trọng Pháp. Người dì của đức Thế Tôn đã được tu lên bậc trên.”

– “Này Ānanda, nếu người nữ không đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, Phạm hạnh có thể sẽ được tồn tại lâu dài, Thánh Pháp có thể tồn tại một ngàn năm. Này Ānanda, bởi vì người nữ đã xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, giờ đây Phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, này Ānanda, giờ đây Thánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.[1]

Này Ānanda, cũng giống như những gia đình có nhiều người nữ, ít người nam thường dễ bị các kẻ cướp, các kẻ trộm đột nhập; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào người nữ đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như trong thửa ruộng lúa đang phát triển, có loại bệnh gọi là mốc trắng xuất hiện, như thế ruộng lúa ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào người nữ đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như trong ruộng mía đường đang phát triển, có loại bệnh gọi là rệp cây xuất hiện, như thế ruộng mía ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào người nữ đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như người đàn ông chính vì phòng xa nên củng cố bờ đê của cái hồ lớn để không có sự tràn ra của nước; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, tám Trọng Pháp do ta chính vì phòng xa đã quy định cho các tỳ khưu ni cho đến trọn đời không được vi phạm.”

Tám Trọng Pháp của các tỳ khưu ni.

*****

Sau đó, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã ở đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, con thực hành như thế nào đối với các người nữ dòng Sakya này?”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpatī Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu được ban phép tu lên bậc trên đến các tỳ khưu ni.”

Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã nói với bà Mahāpajāpatī Gotamī điều này: – “Bà chưa được tu lên bậc trên, chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: ‘Các tỳ khưu ni nên được cho tu lên bậc trên bởi các tỳ khưu.’”

Sau đó, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này: – “Thưa đại đức Ānanda, các tỳ khưu ni này đã nói với tôi như vầy: ‘Bà chưa được tu lên bậc trên, chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: ‘Các tỳ khưu ni nên được cho tu lên bậc trên bởi các tỳ khưu.’”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói như vầy: ‘Thưa đại đức Ānanda, các tỳ khưu ni này đã nói với tôi như vầy: Bà chưa được tu lên bậc trên, chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: Các tỳ khưu ni nên được cho tu lên bậc trên bởi các tỳ khưu.’”

– “Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpatī Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, chính vào lúc ấy bà đã được tu lên bậc trên.”

Sau đó, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này: – “Thưa đại đức Ānanda, con thỉnh cầu đức Thế Tôn một điều ước muốn. Thưa đại đức, tốt đẹp thay đức Thế Tôn có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp là tính theo thâm niên đối với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni.”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói như vầy: ‘Thưa đại đức Ānanda, con thỉnh cầu đức Thế Tôn một điều ước muốn. Thưa đại đức, tốt đẹp thay đức Thế Tôn có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp là tính theo thâm niên đối với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni.’”

– “Này Ānanda, việc đức Như Lai có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến người nữ là điều không có cơ sở và không hợp lý. Này Ānanda, bởi vì các ngoại đạo này có giáo lý được thuyết giảng tồi còn không thực hành sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến người nữ; vậy điều gì khiến Như Lai lại cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến người nữ?” Sau đó, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến người nữ; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.”

Sau đó, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có những điều học của các tỳ khưu ni là (được quy định) chung với các tỳ khưu, bạch ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?”

– “Này Gotamī, những điều học nào của các tỳ khưu ni là (được quy định) chung với các tỳ khưu, các tỳ khưu học tập như thế nào các ngươi hãy học tập những điều học ấy như thế ấy.”

– “Bạch ngài, có những điều học của các tỳ khưu ni là không (được quy định) chung với các tỳ khưu, bạch ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?”

– “Này Gotamī, những điều học nào của các tỳ khưu ni là không (được quy định) chung với các tỳ khưu, các ngươi hãy học tập những điều học ấy như đã được quy định.”

Sau đó, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, lành thay xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Pháp một cách vắn tắt để con sau khi nghe Pháp ấy có thể sống một mình, cách ly, không bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm.”

– “Và này Gotamī, các Pháp nào mà bà có thể biết rằng các pháp này đưa đến tham ái mà không đưa đến sự xa lìa tham ái, đưa đến sự ràng buộc mà không đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc, đưa đến sự tích lũy mà không đưa đến sự không tích lũy, đưa đến sự ham muốn nhiều mà không đưa đến sự ham muốn ít, đưa đến sự bực bội mà không đưa đến sự hoan hỷ, đưa đến sự tụ hội mà không đưa đến sự đơn độc, đưa đến sự biếng nhác mà không đưa đến sự khởi công tinh tấn, đưa đến sự khó nuôi dưỡng mà không đưa đến sự dễ nuôi dưỡng; này Gotamī, bà có thể xác định dứt khoát rằng: ‘Điều này không phải là Pháp, điều này không phải là Luật, điều này không phải là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.’

Này Gotamī, các Pháp nào mà bà có thể biết rằng các pháp này đưa đến sự xa lìa tham ái mà không đưa đến tham ái, đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc mà không đưa đến sự ràng buộc, đưa đến sự không tích lũy mà không đưa đến sự tích lũy, đưa đến sự ham muốn ít mà không đưa đến sự ham muốn nhiều, đưa đến sự hoan hỷ mà không đưa đến sự bực bội, đưa đến sự đơn độc mà không đưa đến sự tụ hội, đưa đến sự khởi công tinh tấn mà không đưa đến sự biếng nhác, đưa đến sự dễ nuôi dưỡng mà không đưa đến sự khó nuôi dưỡng; này Gotamī, bà có thể xác định dứt khoát rằng: ‘Điều này là Pháp, điều này là Luật, điều này là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.’”

Vào lúc bấy giờ, giới bổn Pātimokkha không được đọc tụng cho các tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi đến chỗ ngụ của các tỳ khưu ni và đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này sẽ hưởng lạc với những bà này.”

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.”

Các tỳ khưu ni không biết: “Giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng như vầy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: ‘Các vị nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha như vầy.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không sửa chữa tội đã vi phạm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không sửa chữa tội đã vi phạm; vị ni nào không sửa chữa thì phạm tội dukkaṭa.”

Các tỳ khưu ni không biết: “Tội đã vi phạm nên được sửa chữa như vầy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: ‘Các vị nên sửa chữa tội đã vi phạm như vầy.’”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, khi nhìn thấy vị tỳ khưu trên đường đi, ở ngõ cụt, nơi giao lộ, các tỳ khưu ni để xuống bình bát ở mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi sửa chữa tội đã vi phạm. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Sau khi đã làm mích lòng hồi đêm, giờ đây họ xin lỗi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni; vị nào ghi nhận thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.”

Các tỳ khưu ni không biết: “Tội nên được ghi nhận như vầy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: ‘Các vị nên ghi nhận tội như vầy.’”

Vào lúc bấy giờ, hành sự cho các tỳ khưu ni đã không được thực hiện. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, khi gặp vị tỳ khưu trên đường đi, ở ngõ cụt, nơi giao lộ, các tỳ khưu ni có hành sự đã được hoàn tất để xuống bình bát ở mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, bày tỏ sự hối lỗi, trong khi nghĩ rằng: ‘Chắc là nên được thực hiện như vầy.’ Dân chúng tương tợ y như thế phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Sau khi đã làm mích lòng hồi đêm, giờ đây họ xin lỗi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni; vị nào thực thi thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni.”

Các tỳ khưu ni không biết: “Hành sự nên được thực hiện như vầy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: ‘Các vị nên thực hiện hành sự như vầy.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni ở giữa hội chúng đã nảy sinh ra xung đột, đã nảy sinh ra gây gỗ, đã đưa đến tranh cãi, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí mồm miệng. Họ không thể giải quyết sự tranh tụng ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu giải quyết sự tranh tụng của các tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giải quyết sự tranh tụng của các tỳ khưu ni. Trong khi sự tranh tụng ấy đang được xét xử, các vị được biết rằng các tỳ khưu ni cần thiết cho hành sự cũng có vi phạm tội. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: – “Thưa các đại đức, tốt lành thay chính các ngài đại đức hãy thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni, chính các ngài đại đức hãy ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: ‘Các tỳ khưu nên giải quyết sự tranh tụng của các tỳ khưu ni.’” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu xác định hành sự của các tỳ khưu ni rồi bàn giao lại cho các tỳ khưu ni, và các tỳ khưu ni được thực hiện hành sự cho các tỳ khưu ni; (cho phép) các tỳ khưu xác định tội của các tỳ khưu ni rồi bàn giao lại cho các tỳ khưu ni, và các tỳ khưu ni được ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, vị tỳ khưu ni học trò của tỳ khưu ni Uppalavanṇṇā trong khi học tập về Luật đã theo đức Thế tôn bảy năm. Cô ấy có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Rồi vị tỳ khưu ni ấy đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn có ý định đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Trong khi học tập về Luật, ta đã theo đức Thế Tôn bảy năm. Ta có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Thật khó khăn cho người nữ để đi theo bậc Đạo Sư cho đến trọn đời; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu giảng về Luật cho các tỳ khưu ni.”

Tụng phẩm thứ nhất.

*****

[1] Về vấn đề Thánh Pháp (saddhamma) có thể tồn tại một ngàn năm, ngài Buddhaghosa giải thích như sau: “Nói đến 1000 năm là đề cập đến sự diệt tận các lậu hoặc với sự thành đạt về bốn Tuệ Phân Tích. Từ đó về sau là 1000 năm của sự diệt tận các lậu hoặc do thuần túy Minh Sát, 1000 năm của đạo quả Bất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhập Lưu. Như vậy, Pháp Thành sẽ tồn tại 5000 năm” (Sđd. 1291).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *