TRƯỞNG LÃO NI KỆ – NHÓM BA MƯƠI & BỐN MƯƠI & NHÓM LỚN

TRƯỞNG LÃO NI KỆ

NHÓM BA MƯƠI

71.

  1. “Trong khi vị tỳ khưu ni Subhā đang đi đến khu vườn xoài đáng yêu của Jīvaka, có kẻ vô lại đã cản ngăn nàng. Subhā đã nói với gã ấy điều này:
  1. ‘Này ông, tôi đã làm điều gì xúc phạm đến ông, mà ông đứng cản ngăn tôi? Bởi vì việc người nam đụng chạm đến người nữ xuất gia là không được phép.
  1. Điều học này đã được bậc Thiện Thệ thuyết giảng trong Giáo Pháp khả kính của bậc Đạo Sư. Tôi là người nữ có bản thể thanh tịnh, không nhơ bẩn, tại sao ông đứng cản ngăn tôi?
  1. Ông có tâm bị nhiễu loạn, còn tôi không bị nhiễu loạn, ông có sự luyến ái, còn tôi có sự luyến ái đã được xa lìa, không nhơ bẩn, có tâm ý đã được giải thoát về mọi lãnh vực, tại sao ông đứng cản ngăn tôi?’
  1. ‘Nàng trẻ trung và không xấu xa, việc xuất gia sẽ làm điều gì cho nàng? Nàng hãy quăng bỏ y ca-sa, hãy đến, chúng ta hãy vui thú ở khu rừng đã được trổ hoa.
  1. Các cây cối, vươn lên với bụi phấn của những bông hoa, tỏa ra khắp nơi mùi hương ngọt ngào. Tháng đầu xuân là mùa hoan lạc; nàng hãy đến, chúng ta hãy vui thú ở khu rừng đã được trổ hoa.
  1. Các cây cối với những đỉnh chóp đã được đơm bông tựa như đang di chuyển đến (mỗi khi) được lay động bởi gió. Sẽ có sự hứng thú gì cho nàng, nếu nàng một mình đi sâu vào trong khu rừng?
  1. Nàng không bạn đồng hành muốn đi vào khu rừng lớn, vắng vẻ, có sự kinh hoàng, được lai vãng bởi các bầy thú dữ, bị khuấy động bởi những con voi cái động cỡn với những con voi đực.
  1. Nàng đi tới lui tựa như con búp bê làm bằng vàng, tựa như nàng tiên ở vườn hoa Cittaratha.[14] Ôi tuyệt thế giai nhân, nàng chói sáng với các loại vải Kāsī tinh tế, bóng láng.
  1. Ôi người có đôi mắt dịu dàng của loài nhân điểu, ta có thể chiều theo sự sai bảo của nàng nếu chúng ta chung sống ở bên trong khu rừng, bởi vì không có sanh linh nào đáng yêu hơn nàng.
  1. Nếu nàng sẽ làm theo lời nói của ta, được an vui, nàng hãy đến, hãy ngụ ở trong nhà, với việc cư ngụ ở trong sự an toàn của tòa lâu đài, có những người nữ làm công việc hầu hạ nàng.
  1. Hãy mặc vào các tấm vải Kāsī tinh tế, hãy trưng diện tràng hoa và vật thoa. Ta sẽ tạo ra cho nàng nhiều nữ trang các loại làm bằng vàng, ngọc ma-ni, và ngọc trai.
  1. Nàng hãy ngự lên chiếc giường ngủ vô cùng quý giá, có màn che được giặt sạch bụi bặm, xinh đẹp, được trải lên bằng lớp nệm lông thú, mới tinh, được trang trí bằng gỗ trầm có hương thơm ngát.
  1. Giống như đóa sen xanh kia, được vươn lên từ trong nước, được thân cận với phi nhân, tương tự như vậy với việc thực hành Phạm hạnh, nàng sẽ đi đến tuổi già khi các phần thân thể còn thuộc về riêng mình.’
  1. ‘Đối với ông, ở đây, ở cái thân xác có bản chất tan rã, chứa đầy các vật ghê tởm, làm cho các bãi tha ma phát triển, vật gì được xem là cốt lõi mà sau khi nhìn thấy vật ấy thì ông mất hồn và nhìn đắm đuối?’
  1. ‘Đôi mắt (của nàng) tựa như (cặp mắt) của loài nai cái, tựa như (cặp mắt) của nữ nhân điểu ở trong khu rừng. Sau khi nhìn theo đôi mắt của nàng, niềm thích thú dục tình của ta gia tăng thêm nữa.
  1. (Đôi mắt của nàng) giống như chóp đỉnh của đóa sen xanh ở trên khuôn mặt tựa như vàng không vết bẩn của nàng. Sau khi nhìn theo đôi mắt của nàng, mức độ dục tình của ta gia tăng thêm nữa.
  1. Hỡi người có lông mi dài, hỡi người có cái nhìn trong trắng, cho dầu nàng đi xa, ta (sẽ) nhớ (nàng). Hỡi người có đôi mắt dịu dàng của loài nhân điểu, bởi vì không có cặp mắt nào đáng yêu hơn cặp mắt của nàng.’
  1. ‘Ông muốn đi vào con đường sái quấy, ông muốn tầm cầu mặt trăng làm đồ chơi, ông muốn nhảy qua ngọn núi Meru, (khi) ông đeo đuổi người con của đức Phật.
  1. Thậm chí ở thế gian luôn cả chư Thiên, giờ đây không có sự luyến ái nào có thể hiện hữu ở ta. Ta cũng không biết sự ái luyến ấy là loại nào một khi nó đã bị tiêu diệt tận gốc rễ bởi Đạo Lộ (thánh thiện).
  1. (Sự luyến ái) tựa như (tàn lửa) được văng ra từ chậu than hồng, tựa như bát chất độc đã được làm cho tiêu tán. Ta cũng không biết sự ái luyến ấy là loại nào một khi nó đã bị tiêu diệt tận gốc rễ bởi Đạo Lộ (thánh thiện).
  1. Đối với người nữ nào, (năm uẩn này) chưa được quán xét hay là bậc Đạo Sư chưa được phụng sự, ông hãy đi quyến rũ người nữ như thế ấy. (Nếu quyến rũ) con người đã nhận biết này, ông đây (sẽ) bị khốn khổ.
  1. Bởi vì khi bị mắng nhiếc hay được lễ bái, khi có sự an lạc hay khổ đau, niệm của tôi đều được thiết lập. Sau khi biết rằng: ‘Pháp bị tạo tác là không tốt đẹp,’ tâm của tôi không bám víu vào bất cứ nơi nào.
  1. Tôi đây là nữ đệ tử của bậc Thiện Thệ, có sự di chuyển bằng chiếc xe Đạo Lộ tám chi phần, có mũi tên đã được nhổ lên, không còn lậu hoặc, đã được đi đến căn nhà trống vắng, tôi thỏa thích.
  1. Bởi vì tôi đã nhìn thấy những con búp bê khéo được tô màu, hoặc những con rối bằng gỗ, được buộc chặt bằng những sợi dây và những thanh gỗ, nhảy múa theo nhiều kiểu.
  1. Khi (những) sợi dây và thanh gỗ ấy được lấy ra, được tháo rời, được gỡ bỏ, được phân tán, đã được làm thành mảnh vụn, không thể tìm ra, trong trường hợp ấy thì tâm có thể trú vào cái gì?
  1. Tương tự như thế ấy, các phần thân thể của tôi không vận hành nếu thiếu đi các pháp ấy (đất, nước, v.v…); (cơ thể) không vận hành nếu thiếu đi các phần (tay, chân, v.v…), trong trường hợp ấy thì tâm có thể trú vào cái gì?
  1. Giống như ông đã nhìn thấy bức tranh vẽ (hình người) được bôi màu vàng, được tạo ra ở bức tường, cái nhìn của ông về cái (hình người) ấy đã bị bóp méo, cái tưởng về con người (đứng ở bức tường) là không có ý nghĩa.
  1. Tựa như ảo ảnh được tạo ra ở phía trước, tựa như cái cây bằng vàng ở trong giấc mơ, tựa như sự phô bày hình thức ở giữa đám người, này kẻ mù lòa, ông đi theo cái không thật.
  1. (Con mắt) tựa như viên bi tròn được đặt vào cái hốc, có cái bong bóng ở chính giữa cùng với nước mắt, chất ghèn được tiết ra ở nơi ấy, các phần tử của con mắt được xoay chuyển theo nhiều lối.’
  1. Với tâm ý không luyến tiếc, vị ni có khuôn mặt dễ thương, đã móc lấy (con mắt), và đã không tiếc nuối (nói rằng): ‘Này, ông hãy mang đi con mắt cho ông đi,’ đồng thời đã trao con mắt cho gã đàn ông ấy.
  1. Liền khi ấy sự luyến ái của gã ấy đã ngưng hẳn, và tại nơi ấy gã đã xin vị ni thứ lỗi: ‘Thưa vi ni thực hành Phạm hạnh, có thể tốt lành được chăng? Việc như thế này sẽ không tái diễn.
  1. Sau khi xúc phạm con người như thế này, tựa như đã ôm lấy ngọn lửa cháy bùng, giống như đã cầm lấy nọc độc của con rắn. Còn có thể tốt lành được chăng? Xin hãy thứ lỗi cho tôi.’
  1. Và đã được tự do lìa khỏi gã ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp đức Phật cao quý. Sau khi nhìn thấy tướng trạng phước báu cao quý, con mắt đã trở nên giống như tình trạng trước đây.”

Trưởng lão ni Subhā ngụ ở vườn xoài của Jīvaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão ni Subhā ngụ ở vườn xoài của Jīvaka.

Nhóm Ba Mươi được chấm dứt.

–ooOoo–

15. NHÓM BỐN MƯƠI

72.

  1. Ở thành phố có tên của loài hoa Pāṭaliputta, nơi trong lành nhất ở trên trái đất, có hai vị tỳ khưu ni có đức hạnh, thuộc dòng dõi gia tộc Sakya.
  1. Trong số đó, một vị là Isidāsī, và vị thứ nhì là trưởng lão ni Bodhī; (cả hai) đầy đủ giới hạnh, thích thú việc tham thiền về các loại thiền, có sự nghe nhiều, có các phiền não đã được giũ bỏ.
  1. Hai vị ni ấy, sau khi đi khất thực, sau khi hoàn tất bữa ăn, có các bình bát đã được rửa, ngồi xuống thoải mái ở nơi thanh vắng, đã nói lên những lời này:
  1. ‘Này chị Isidāsī, chị là dễ mến, thậm chí tuổi trẻ của chị cũng chưa phai tàn, sau khi nhìn thấy điều gì xấu xa (ở cuộc sống tại gia) khiến chị gắn bó với việc xuất ly?’
  1. Trong khi được hỏi như vậy ở nơi thanh vắng, vị ni Isidāsī ấy, thiện xảo về việc thuyết giảng Giáo Pháp, đã nói lời nói rằng: “Này Bodhī, hãy lắng nghe tôi đã được xuất gia như thế nào.
  1. Ở tại kinh thành Ujjenī, cha của tôi là thương buôn, thu thúc trong giới hạnh. Tôi là con gái độc nhất, đáng yêu, hợp ý, được cảm tình của ông ấy.
  1. Rồi những người hỏi cưới tôi thuộc gia tộc thượng lưu từ Sāketa đã đi đến, người thương buôn có nhiều châu ngọc (đã phái họ đi đến); cha đã cho tôi làm con dâu của ông ấy.
  1. Đối với mẹ chồng và cha chồng, buổi tối, buổi sáng, sau khi đi đến gặp họ, tôi cúi đầu thể hiện sự tôn kính, rồi đảnh lễ các bàn chân theo như tôi đã được chỉ dạy.
  1. Sau khi nhìn thấy các chị em gái, các anh em trai, người tùy tùng của chồng tôi, ngay cả người yêu quý duy nhất ấy, tôi run rẩy trao cho ghế ngồi.
  1. Với cơm ăn, nước uống, thức nhai, và vật được tích trữ ở tại nơi ấy, tôi chiều chuộng, đem lại, và trao vật thích hợp cho từng người.
  1. Sau khi thức dậy đúng giờ, tôi đi đến gian nhà, rửa sạch các bàn tay bàn chân ở ngưỡng cửa, rồi tôi đi đến bên chồng, với tay chắp lại.
  1. Sau khi cầm lấy cái lược, đồ trang điểm, thuốc thoa, và cái gương nhỏ, tôi tự chính mình trang điểm cho chồng tựa như người nữ tỳ.
  1. Tôi tự chính mình nấu cơm, tự chính mình rửa bát, tôi luôn luôn phục vụ người chồng tựa như người mẹ phục vụ đứa con trai duy nhất.
  1. Người chồng bực bội đối với tôi, (trong khi tôi là) người đã thể hiện sự hy sinh, một mực yêu (chồng), như là người hầu gái, có ngã mạn đã được đè nén, là người dậy sớm, không biếng nhác, có giới hạnh như thế ấy.
  1. Anh ta nói với mẹ và cha rằng: ‘Con sẽ xin phép và con sẽ ra đi. Để sống với nhau, con sẽ không sống với Isidāsī trong cùng một căn nhà.’
  1. ‘Này con trai, chớ nói như vậy. Isidāsī sáng suốt, là người dậy sớm, không biếng nhác. Này con trai, cô ta không làm vừa ý con điều gì?’
  1. ‘Cô ta không gây hại cho con bất cứ điều gì, nhưng con sẽ không sống chung với Isidāsī. Đối với con, cô ta thật là đáng ghét. Đối với con, là đủ rồi. Con sẽ không xin phép và con sẽ ra đi.’
  1. Sau khi lắng nghe lời nói ấy của con trai, mẹ chồng và cha chồng đã hỏi tôi rằng: ‘Con đã phạm tội lỗi gì? Hãy bình tĩnh nói đúng theo sự tình.’
  1. ‘Con cũng đã không phạm tội lỗi nào cả, con cũng không gây hại, con không nói lời hỗn xược. Còn có thể làm điều gì khi chồng ghét bỏ con?’
  1. Họ, với tâm không vui, bị chồng chất khổ đau, đã đưa tôi về lại nhà của cha ruột (nói rằng): ‘Trong khi bảo vệ đứa con trai, chúng tôi tự đánh mất nữ thần Lakkhī (May Mắn) xinh đẹp.’
  1. Rồi cha đã cho tôi vào căn nhà của một người giàu có thuộc gia tộc thứ nhì, với của hồi môn bằng một nửa so với của hồi môn mà người thương buôn (trước đây) đã tiếp nhận tôi.
  1. Tôi cũng đã sống trong căn nhà của ông ấy được một tháng, rồi ông ấy cũng đã đuổi tôi đi, trong khi tôi phục vụ tựa như nữ tỳ, (và tôi) được đầy đủ giới hạnh, không phải là kẻ xấu xa.
  1. Và cha tôi nói với kẻ đang đi đó đây vì việc khất thực, là người huấn luyện (kẻ khác), và là người đã được rèn luyện: ‘Hãy trở thành con rể của ta. Hãy quăng bỏ mảnh vải rách và cái tô xin ăn.’
  1. Người ấy cũng thế, sau khi sống (chung) nửa tháng, thì nói với cha rằng: ‘Hãy trao cho con mảnh vải rách, cái tô xin ăn, và cái chậu, con cũng sẽ đi khất thực trở lại.’
  1. Rồi cha, mẹ, và toàn bộ nhóm thân quyến của tôi nói với người ấy rằng: ‘Ở đây, cái gì chưa được con hài lòng? Hãy nói mau đi, vợ con sẽ làm điều ấy cho con.’
  1. Được bảo như vậy, người ấy nói rằng: ‘Nếu bản thân con có khả năng (tự quyết định), đối với con là đủ rồi. Để sống với nhau, con sẽ không sống với Isidāsī trong cùng một căn nhà.’
  1. Được tự do, người ấy đã ra đi. Còn tôi, đơn độc một mình, suy nghĩ rằng: ‘Ta sẽ không xin phép, ta sẽ ra đi để chết hoặc ta sẽ xuất gia.’
  1. Rồi ni sư Jinadattā, vị ni rành rẽ về Luật, có sự nghe nhiều, đầy đủ giới hạnh, trong khi đi khất thực, đã đi đến nhà của cha.
  1. Sau khi nhìn thấy vị ni ấy, tôi đã đứng dậy và sắp xếp cái ghế của chúng tôi cho vị ni ấy. Khi vị ni ấy đã ngồi xuống, tôi đã đảnh lễ các bàn chân của người và đã dâng cúng vật thực.
  1. Sau khi làm cho (vị ni ấy) được thỏa mãn với cơm ăn, nước uống, thức nhai, và vật được tích trữ ở tại nơi ấy, tôi đã nói rằng: ‘Thưa ni sư, con muốn xuất gia.’
  1. Rồi cha nói với tôi rằng: ‘Này con, con hãy thực hành Phạm hạnh ngay tại đây (ở căn nhà này). Con hãy làm thỏa mãn các vị Sa-môn và các vị có hai lần sanh (Bà-la-môn) với cơm ăn và nước uống.
  1. Khi ấy, tôi chắp hai bàn tay lại, khóc lóc, nói với cha rằng: Bởi vì việc ác đã được tạo ra bởi con, con sẽ thủ tiêu nghiệp ấy.’
  1. Rồi cha nói với tôi rằng: ‘Con hãy đạt lấy quả vị Giác Ngộ và Giáo Pháp cao cả. Con hãy thành tựu Niết Bàn mà bậc Tối Thượng của loài người đã chứng đắc.’
  1. Sau khi đảnh lễ mẹ, cha, và toàn bộ nhóm thân quyến, tôi đã xuất gia; qua bảy ngày tôi đã chạm đến ba Minh.
  1. Tôi biết bảy kiếp sống của mình; đây là quả (của nghiệp) và quả thành tựu của việc ấy (bị chồng hất hủi). Tôi sẽ thuật lại việc ấy cho cô. Cô hãy nhất tâm lắng nghe chuyện ấy.
  1. Ở thành phố Erakaccha, tôi đã là người thợ vàng, có nhiều tài sản. Bị đắm đuối với sự say mê của tuổi trẻ, tôi đây đã gần gũi với vợ của kẻ khác.
  1. Sau khi chết đi từ nơi ấy, tôi đây đã bị nung nấu ở địa ngục thời gian dài. Và sau khi bị nung nấu, từ nơi đó tôi đã được sanh lên và đã nhập thai vào bụng của con khỉ cái.
  1. Khi tôi được bảy ngày tuổi, con khỉ đực khổng lồ chúa bầy đã thiến tôi. Việc ấy là quả của nghiệp của tôi đây, bởi vì đã đi đến với vợ của kẻ khác.
  1. Sau khi chết đi từ nơi ấy, sau khi lìa đời ở khu rừng Sindhava, tôi đã hạ sanh vào bụng của con dê cái chột và què.
  1. Sau khi đã chăm sóc những đứa con trong mười hai năm, tôi đã bị thiến, bị khổ sở vì dòi (ăn), không còn sức khỏe, bởi vì đã đi đến với vợ của kẻ khác.
  1. Sau khi chết đi từ nơi ấy, tôi đây đã được sanh ra bởi con bò cái của người buôn trâu bò. Là con bê, có màu đỏ hung như cánh kiến, tôi đã bị thiến khi được mười hai tháng.
  1. Tôi đã kéo cày, và gồng gánh cỗ xe kéo, mù lòa, bị khổ sở, không còn sức khỏe, bởi vì đã đi đến với vợ của kẻ khác.
  1. Sau khi chết đi từ nơi ấy, tôi đây đã được sanh ra trong bụng của người nữ tỳ ở đường phố; tôi không phải là nữ cũng không phải là nam, bởi vì đã đi đến với vợ của kẻ khác.
  1. Vào năm ba mươi, tôi đã chết đi và đã được sanh làm đứa bé gái ở gia tộc của người kéo xe, khốn khó, có ít của cải, chịu nhiều áp chế từ những người giàu có.
  1. Sau đó, do số tiền lời đã được tích lũy quá nhiều, người điều khiển đoàn xe đã lôi kéo tôi đây, đang than khóc, sau khi đã cưỡng bức tôi lìa khỏi căn nhà.
  1. Rồi vào năm tôi được mười sáu tuổi, sau khi nhìn thấy tôi đã đạt tuổi thành niên, trở thành thiếu nữ, người con trai của ông ấy tên là Giridāsa đã chọn tôi làm vợ.
  1. Anh ta còn có người vợ khác nữa, (cô ấy) có giới hạnh, có đức hạnh, và có danh tiếng. Là người yêu thương chồng, tôi đã gây thù oán với cô ấy.
  1. Việc ấy là quả của nghiệp của tôi đây, là việc họ đã ruồng rẫy tôi rồi ra đi, trong khi tôi phục vụ tựa như nữ tỳ. Dầu vậy, đối với điều ấy, tôi đã thực hiện sự chấm dứt.”

Trưởng lão ni Isidāsī đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão ni Isidāsī.

Nhóm Bốn Mươi được chấm dứt.

–ooOoo–

16. NHÓM LỚN

73.

  1. Ở thành phố Mantāvatī, Sumedhā, người con gái của hoàng hậu chánh cung của đức vua Koñca, đã có được đức tin nhờ vào những vị đang thực hành Giáo Pháp.
  1. Là người có giới hạnh, nói năng khôn khéo, có sự nghe nhiều, đã được dạy dỗ về lời dạy của đức Phật, Sumedhā đã đi đến gặp mẹ cha rồi nói với cả hai người rằng: ‘Xin mẹ cha hãy lắng nghe.
  1. Con thích thú Niết Bàn. Việc đi đến các hữu là không trường tồn, dầu là thuộc về cõi Trời đi nữa; vậy thì có gì với các dục rỗng không, ít khoái lạc, nhiều tai họa?
  1. Các dục là cay đắng, ví như nọc độc của rắn, khiến những kẻ ngu bị mê mẩn. Chúng bị đọa vào địa ngục thời gian dài, bị hành hạ, khổ đau.
  1. Có việc làm ác, có trí xấu xa, thường xuyên không thu thúc về thân, về khẩu, và về ý, (những kẻ ngu) sầu khổ ở đọa xứ.
  1. Những kẻ ngu ấy có ác tuệ, không có ý tứ, bị giam hãm bởi (tham ái) nguyên nhân của Khổ; trong khi (có người) đang thuyết giảng, chúng không hiểu, không giác ngộ các Chân Lý cao thượng.
  1. Thưa mẹ, những kẻ thích thú việc đi đến các hữu, mong mỏi việc sanh về các cõi Trời, những kẻ ấy là nhiều hơn, chúng không biết các Chân Lý đã được thuyết giảng bởi đức Phật cao quý.
  1. Khi việc đi đến các hữu là vô thường, việc sanh về thậm chí ở các cõi Trời cũng là không trường tồn; những kẻ ngu không sợ hãi đối với việc bị sanh lần này lần khác.
  1. Bốn đọa xứ và hai cảnh giới tái sanh (người và Trời) được đạt đến bằng cách này hay cách khác; còn đối với những kẻ đã đi đến đọa xứ thì không có việc xuất gia ở các địa ngục.
  1. Cả hai (mẹ và cha) hãy cho phép con xuất gia theo lời giáo huấn của đấng Thập Lực. Ít bị bận rộn, con sẽ cố gắng cho việc dứt bỏ sự sanh và sự chết.
  1. Có gì với việc đi đến các hữu, với việc được vui thú, với tội lỗi của thân xác không có thực chất? Vì sự diệt tận đối với tham ái ở các hữu, xin mẹ cha hãy cho phép, con sẽ xuất gia.
  1. Sự hiện khởi của chư Phật, lúc không phải thời cơ đã được tránh khỏi, thời cơ đã đạt được, con sẽ không làm hư hỏng các giới và Phạm hạnh cho đến trọn đời.
  1. Khi nào còn là người tại gia thì con sẽ không động đến thức ăn, con dứt khoát sẽ đi đến cái chết.’ Sumedhā nói với mẹ cha như vậy.
  1. Bị khổ đau, mẹ khóc, và người cha của cô gái đã bị tác động toàn diện, (hai người) cố gắng thuyết phục đứa con đã nằm dài xuống nền nhà ở sân thượng của tòa lâu đài.
  1. ‘Này con, hãy đứng dậy. Việc gì phải bị sầu muộn? Con đã được gả về thành phố Vāraṇavatī. Đức vua Aṇīkadatta đẹp trai. Con đã được gả cho ông ta.
  1. Con sẽ là hoàng hậu chánh cung, là vợ của đức vua Aṇīkadatta. Này con, các giới cấm, sự thực hành Phạm hạnh, sự xuất gia là các việc khó làm.
  1. Ở vương quốc, có uy lực, tài sản, vương quyền, của cải, sung sướng. Con còn trẻ, con hãy thọ hưởng sự hưởng thụ các dục. Này con, hãy để cho cuộc hôn lễ của con được tiến hành.’
  1. Khi ấy, Sumedhā nói với mẹ cha rằng: ‘Đừng có những việc như thế. Việc đi đến các hữu là không có thực chất. Đối với con, hoặc là sẽ có sự xuất gia, hoặc là cái chết, và dứt khoát không có đám cưới.
  1. Giống như loài dòi, con bám víu vào cái thân hôi thối, không trong sạch, có mùi mồ hôi, cái thây ma đáng kinh sợ, cái túi da có sự rò rỉ thường xuyên, chứa đầy các chất dơ.
  1. Nó tựa như cái gì? Trong khi con biết rằng xác thân là ghê tởm, bị lấm lem những thịt và máu, chỗ trú của nhiều loại dòi, bữa ăn của những con chim, tại sao thân xác lại được đem cho?
  1. Không bao lâu, khi tâm thức đã lìa, thân xác được đem ra bãi tha ma. Các thân quyến, trong khi ghê tởm, quăng bỏ nó giống như khúc gỗ mục.
  1. Sau khi đã quăng bỏ thân xác ấy ở bãi tha ma làm bữa ăn cho những loài thú khác, mẹ và cha ruột, trong khi ghê tởm, tắm rửa; còn nhóm người công chúng thì sao?
  1. Họ bị dính mắc ở cái thân xác, không có thực chất, sự tập hợp các xương và những sợi gân, cái thân hôi thối, chứa đầy nước miếng, nước mắt, phân, và nước tiểu.
  1. Người nào, sau khi mổ xẻ thân ấy, có thể làm cho cái phần bên trong ra bên ngoài, ngay cả người mẹ ruột, trong khi không chịu nổi mùi của nó, cũng sẽ ghê tởm.
  1. Trong khi suy xét đúng đường lối về (năm) uẩn, (mười tám) giới, (mười hai) xứ là pháp tạo tác, là nền tảng của sự sanh, là khổ đau, tại sao con còn mong muốn đám cưới?
  1. Mỗi một ngày ba trăm cây giáo mới tinh rơi xuống ở thân thể, và dẫu cho sự hành hạ trong một trăm năm cũng vẫn là tốt hơn, nếu như vậy mà có được sự cạn kiệt của khổ đau.
  1. Người nào có thể chấp nhận sự hành hạ sau khi nhận thức lời nói như vầy của bậc Đạo Sư: ‘Trong khi những người ấy đang bị giết chết lần này lần khác, luân hồi là dài đối với họ.’
  1. Các sự hành hạ vô số kể được nhìn thấy ở chư Thiên, ở nhân loại, ở chủng loại các loài thú, ở tập thể của A-tu-la, ở các loài ngạ quỷ, và ở các địa ngục.
  1. Có nhiều sự hành hạ ở các địa ngục dành cho người đã đi đến đọa xứ, dành cho người đang bị áp chế, thậm chí không có sự ẩn náu ở giữa chư Thiên, không có gì vượt trội sự an lạc của Niết Bàn.
  2. Những người nào gắn bó với lời giáo huấn của đấng Thập Lực, ít bị bận rộn, cố gắng cho việc dứt bỏ sự sanh và sự chết, những người ấy đạt được Niết Bàn.
  1. Thưa cha, ngay hôm nay con sẽ xuất ly. Việc gì với các của cải không có thực chất? Các dục đã bị con nhàm chán; chúng được xem là vật đã được mửa ra, đã được làm thành thân cây thốt nốt (bị cụt ngọn).’
  1. Nàng ấy đã nói như thế với cha. Và Aṇīkadatta, người mà nàng ấy được gả cho, đã đi đến theo nghi thức của việc cưới hỏi, vào thời điểm đã được xác định là lễ cưới.
  1. Khi ấy, Sumedhā, sau khi cắt đứt đầu tóc đen nhánh, dầy, rậm, mềm mại bằng con dao, sau đó đã đóng lại (cánh cửa) tòa lâu đài, rồi đã thể nhập tầng thiền thứ nhất.
  1. Và nàng đã thể nhập thiền ấy. Rồi Aṇīkadatta đã đi đến thành phố. Ngay tại tòa lâu đài, Sumedhā (đã) khéo tu tập tưởng về vô thường.
  1. (Trong lúc) Sumedhā bận chú tâm, Aṇīkadatta đã vội vã bước lên, với thân hình được trang điểm với ngọc ma-ni và vàng, với tay chắp lại, thỉnh cầu Sumedhā rằng:
  1. ‘Ở vương quốc, có uy lực, tài sản, vương quyền, của cải, sung sướng. Nàng còn trẻ, nàng hãy thọ hưởng sự hưởng thụ các dục. Sự khoái lạc của các dục ở thế gian là rất khó đạt được.
  1. Vương quốc đã được trao cho nàng. Nàng hãy thọ hưởng các của cải, hãy bố thí các vật thí. Nàng chớ có ủ dột, (khiến) mẹ cha của nàng khổ đau.’
  1. Sumedhā, không có mục đích với các dục, có sự si mê đã xa lìa, nói điều này với Aṇīkadatta: ‘Chớ thích thú ở các dục. Chàng hãy nhìn thấy điều bất lợi ở các dục.
  1. Đức vua Mandhātā của bốn châu lục đã đứng đầu trong số những người thọ hưởng dục lạc, (nhưng vẫn) không được thỏa mãn, đã chết đi, và các điều mong muốn của vị ấy đã không được đầy đủ.
  1. Thần mưa có thể làm cơn mưa bảy loại châu báu ở xung quanh khắp cả mười phương, nhưng không có sự thỏa mãn của các dục. Loài người chết đi, thật sự không được thỏa mãn.
  1. Các dục ví như dao và thớt; các dục ví như đầu rắn độc; chúng thiêu đốt ví như các cây đuốc cỏ; chúng tương tự như bộ xương.
  1. Các dục là không thường còn, không bền vững, nhiều khổ đau, là những chất độc lớn lao, tựa như cục sắt đã được nung nóng, là gốc rễ của tội lỗi, có kết quả khổ đau.
  1. Các dục ví như trái trên cây; ví như miếng thịt, khổ đau; ví như giấc chiêm bao, lừa bịp; các dục ví như vật vay mượn.
  1. Các dục ví như gươm giáo, là bệnh tật, mụt nhọt, tội lỗi, khốn khổ, tương tự hố than cháy rực, là gốc rễ của tội lỗi, sợ hãi, giết chóc.
  1. Các dục có nhiều khổ đau như vậy, đã được nói đến là các chướng ngại. Quý vị hãy đi đi, bản thân tôi không có sự tin tưởng ở việc đi đến các hữu.
  1. Người khác sẽ làm gì cho tôi khi cái đầu của bản thân tôi đang bị thiêu đốt? Khi sự sống và chết đuổi theo sau, thì nên cố gắng cho việc diệt trừ đối với điều ấy.’
  1. Sau khi mở ra cánh cửa, nhìn thấy mẹ cha và Aṇīkadatta ngồi ở nền nhà đang khóc than, tôi đã nói điều này:
  1. ‘Luân hồi là dài lâu cho những kẻ ngu và những kẻ đang khóc lóc lần này lần khác về việc không có khởi đầu và chấm dứt, về cái chết của cha, về sự chết chóc của anh em trai, và về sự chết chóc của bản thân.
  1. Hãy nhớ rằng nước mắt, sữa, máu, sự luân hồi không có khởi đầu và chấm dứt. Hãy nhớ rằng sự chồng chất của những khúc xương của các chúng sanh đang luân hồi.
  1. Hãy nhớ rằng nước mắt, sữa, máu đã được so sánh với bốn biển. Hãy nhớ rằng sự chồng chất của những khúc xương trong một đại kiếp là sánh bằng núi Vipula.
  1. Quả địa cầu, xứ Jambudīpa, được so sánh với kẻ đang luân hồi (ở sự luân hồi) không có khởi đầu và chấm dứt; (trái đất được làm thành) những viên bi nhỏ như hạt táo vẫn không sánh bằng những lần đã lần lượt làm mẹ.
  1. Hãy nhớ rằng cỏ, củi, cành, lá được so sánh với sự (luân hồi) không có khởi đầu và chấm dứt. (Cắt cỏ, củi, cành, lá thành) những mẩu bốn ngón tay vẫn không sánh bằng những lần đã lần lượt làm cha.
  1. Hãy nhớ rằng con rùa mù và lỗ hổng ở cái ách (trôi dạt) ở biển đông sang phía tây. Và hãy nhớ rằng sự gặp gỡ của nó là ví dụ về việc đạt được bản thể nhân loại.
  1. Hãy nhớ rằng hình thể của xác thân tồi tệ, không có thực chất, ví như cục bong bóng nước. Hãy nhìn thấy các uẩn là vô thường. Hãy nhớ rằng các địa ngục là có nhiều tai họa.
  1. Hãy nhớ về những kiếp sống kia kiếp sống nọ đang làm phát triển bãi tha ma lúc này lúc khác. Hãy nhớ đến những nỗi sợ hãi về cá sấu (sự tham ăn). Hãy nhớ về bốn Chân Lý.
  1. Trong khi Bất Tử đang được biết đến, chàng được cái gì với việc uống vào năm vật cay đắng? Bởi vì mọi sự thích thú ở các dục còn đắng cay hơn năm vật cay đắng nữa.
  1. Trong khi sự Bất Tử đang được biết đến, chàng được cái gì với các dục, là những thứ có sự nóng nực? Bởi vì mọi sự thích thú ở các dục là bị cháy rực, bị sôi sục, bị rung chuyển, bị thiêu đốt.
  1. Trong khi là không có kẻ thù, chàng được cái gì với các dục, là những thứ có nhiều kẻ thù? Các dục là có nhiều kẻ thù, ví dụ như các vị vua, ngọn lửa, trộm cướp, nước (lũ), người không yêu thương, v.v…
  1. Trong khi sự Giải Thoát đang được biết đến, chàng được cái gì với các dục, ở những thứ ấy có sự giết hại và trói buộc. Bởi vì do dục không tốt đẹp trong số các dục, chúng sanh chịu đựng những khổ đau do sự giết hại và trói buộc.
  1. Những cây đuốc cỏ, đã được thắp sáng, đốt nóng những người đang nắm lấy và không bao giờ chịu buông ra. Các dục, quả giống như cây đuốc, đốt nóng những người không chịu buông ra.
  1. Chớ từ bỏ sự an lạc lớn lao vì nguyên nhân khoái lạc ít ỏi của các dục. Chớ như con cá Puthuloma đã nuốt vào lưỡi câu về sau bị khốn khổ.
  1. Chỉ còn cách hãy hết lòng kiềm chế đối với các dục, tựa như con chó bị trói buộc vào sợi xích. Quả vậy, các dục sẽ đối xử với ngươi, tựa như hạng người hạ liệt bị đói sẽ đối xử với con chó.
  1. Bị vướng vào ở các dục, chàng sẽ chịu đựng nhiều khổ đau vô hạn lượng và buồn bực ở tâm trí. Hãy buông bỏ các dục không được bền lâu.
  1. Trong khi sự không già đang được biết đến, chàng được cái gì với các dục, ở những thứ ấy có sự già. Ở khắp mọi nơi, tất cả các sự sanh ra đều bị nắm giữ bởi sự chết và bệnh tật.
  1. Cái này là không già, cái này là không chết, cái này là vị thế không già không chết, không sầu muộn, không kẻ thù, không chướng ngại, không lầm lỗi, không sợ hãi, khỏi bị nóng nảy.
  1. Sự Bất Tử này đã được chứng đắc bởi nhiều người. Ngay cả hôm nay, cái này vẫn còn được chứng ngộ (đối với) người nào áp dụng đúng đường lối, và không thể được với người không cố gắng.’
  1. Trong khi không đạt được sự thích thú ở việc đi đến các sự tạo tác, Sumedhā nói như vậy. Trong khi thuyết phục Aṇīkadatta, Sumedhā đã ném nắm tóc xuống nền nhà.
  1. Sau khi đứng lên, Aṇīkadatta ấy đã chắp tay thỉnh cầu mẹ cha của nàng rằng: ‘Quý vị hãy cho phép Sumedhā được xuất gia; nàng sẽ có sự nhìn thấy Giải Thoát và Chân Lý.’
  1. Được mẹ cha cho phép, bị sợ hãi vì sự sầu muộn và lo sợ (luân hồi), nàng đã xuất gia. Trong khi còn là vị ni tu tập sự, sáu Thắng Trí và quả vị cao cả đã được (nàng) chứng ngộ.
  1. Niết Bàn kỳ diệu, phi thường ấy đã thuộc về người con gái của đức vua, như đã được nàng nói rõ về việc làm trong đời sống thuộc thời quá khứ ở vào thời điểm cuối cùng.
  1. Vào thời đức Thế Tôn Koṇāgamana, chúng tôi gồm ba người bạn gái[15] đã dâng cúng trú xá ở tại chỗ cư ngụ mới là tu viện của hội chúng.
  1. Chúng tôi đã tái sanh mười lần, trăm lần, ngàn lần, mười ngàn lần ở các cõi trời, thì ở cõi người có điều gì để nói.
  1. Chúng tôi đã có đại thần lực ở cõi trời, thì ở cõi người có điều gì để nói. Tôi đã là hoàng hậu, là báu vật nữ nhân trong số bảy loại báu vật.
  1. Nhân ấy, nguồn sanh khởi ấy, căn nguyên ấy, sự chăm chỉ ấy trong Giáo Pháp, sự liên kết đầu tiên ấy, việc Niết Bàn ấy là do sự thỏa thích trong Giáo Pháp.[16]
  1. Những người nào tin tưởng vào lời nói của bậc Trí Tuệ Cao Thượng thì thực hành như vậy, họ nhàm chán việc đi đến các hữu, sau khi nhàm chán họ lìa khỏi ái luyến.”

Trưởng lão ni Sumedhā đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão ni Sumedhā.

Nhóm Lớn được chấm dứt.

*****

“Tất cả các câu kệ ấy là năm trăm hai mươi mốt. Các trưởng lão ni là một trăm lẻ một,[17]tất cả các vị ni ấy có sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

TRƯỞNG LÃO NI KỆ ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ.

–ooOoo–

[1] Hai câu kệ 227, 228 tương tợ như câu kệ 70cd và câu kệ 71.

[2] Chú Giải cho biết rằng lời nói này là của Ma Vương (ThigA., 191).

[3] Hai câu kệ 234, 235 giống hai câu kệ 58, 59.

[4] Các câu kệ 236-239 tương tự như các câu kệ 1293-1296 của Therī Apadānāpāḷi – Thánh Nhân Ký Sựtập 3 (TTPV tập 41, trang 213).

[5] Đây là cuộc đối thoại của Rohiṇī và người cha (ThigA., 206).

[6] Các câu kệ 288 – 290 tương tự các câu kệ 248 – 251.

[7] Sau khi quán xét về sự thành tựu của bản thân, trưởng lão ni Cāpā đã thốt lên lời cảm thán thuật lại cuộc trao đổi giữa nàng với chồng là Upaka lúc hai người vẫn còn ở đời sống tại gia. Upaka là vị đạo sĩ lõa thể mà đức Phật đã gặp trên đường đi đến Migadāya để hóa độ năm vị đạo sĩ Koṇḍañña. Sau khi từ giã đức Phật, Upaka đã gặp và say đắm Cāpā. Hai người nên duyên vợ chồng và có một đứa con trai. Sau khi Upaka xuất gia theo đức Phật, Cāpā đã gởi con cho ông ngoại rồi cũng xuất gia trở thành tỳ khưu ni và đã chứng đắc quả vị A-la-hán. Trong câu chuyện trên, Upaka được vợ gọi là Kāḷa, màu đen, vì màu da của Upaka sạm đen (ThigA., 209-215). Hai câu kệ 291 và 292 là lời của Upaka nói về bản thân.

[8] Câu kệ 310 giống câu kệ 186.

[9] Chú Giải ghi rằng Vāseṭṭhī là một vị tỳ khưu ni trưởng lão (ThigA., 216). Ở đây, được dịch theo nghĩa là một nữ Bà-la-môn, vợ của người đàn ông Sujāta này.

[10] Hai dòng cuối của câu kệ 320 giống câu kệ 186.

[11] Đây là lời của nữ Bà-la-môn, vợ của Bà-la-môn Sujāta và là mẹ của Sundarī, nói với người đánh xe. Bình bát đầy (puṇṇapattaṃ) là vật biếu cho người đem đến tin vui (ThigA., 234).

[12] Việc này tức là việc thọ nhận vàng bạc (ND).

[13] Ba câu kệ 361 – 363 là lời của đức Phật, câu kệ 364 là của các vị kết tập (ThigA., 229).

[14] Tên một vườn hoa ở cõi trời Đạo Lợi.

[15] Là Sumedhā và hai người bạn gái là Dhanañjanī và Khemā (ThigA., 267).

[16] Bốn câu kệ 517 – 520 được trích từ Therī-Apadānapāḷi – Thánh Nhân Ký Sự tập 3 (TTPV 41, các trang 02-05).

[17] Con số đếm được chỉ là 73. Nếu tính luôn 30 vị ni đã được trưởng lão ni Paṭācārā chỉ dạy và 500 vị ni ở Nhóm Sáu thì tổng số sẽ là 601 vị trưởng lão ni (ND).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Trưởng Lão Ni Kệ“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Trưởng Lão Ni Kệ” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *