TƯƠNG ƯNG BỘ I – CHƯƠNG III: TƯƠNG ƯNG KOSALA: PHẨM THỨ HAI

TƯƠNG ƯNG BỘ I

CHƯƠNG III: TƯƠNG ƯNG KOSALA

PHẨM THỨ HAI

1. Bện Tóc (S.i,77)

1. Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi, Pubbàràma (Ðông Viên), tại lâu đài Migàramàtu (Lộc Tử Mẫu giảng
đường).

2. Lúc bấy giờ, Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, và đến ngồi tại mái hiên
phía cửa ngoài.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
3. Lúc bấy giờ, bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ với thân
đầy lông, với móng tay dài, lớn như cây lau, mang các dụng cụ khất sĩ đang đi ngang qua, cách Thế Tôn không xa bao nhiêu.

4. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào phía một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy và nói lên ba lần tên của mình: “Thưa chư Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala”.

5. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y
và bảy vị du sĩ ấy đã đi qua không lâu liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

6. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?

7. Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ, trong khi còn sống thọ hưởng các dục, bị con cái trói
buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, sử dụng
vàng và bạc, thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường
hướng đến A-la-hán quả.

8. Thưa Ðại vương, chính phải cọng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời
gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với
ác tuệ.

9. Thưa Ðại vương, chính phải cùng chung một nghề mới biết được sự thanh tịnh của một người, phải
trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ,
không phải với ác tuệ.

10. Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải
trong một thời gian dài không thể không khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí
tuệ, không phải với ác tuệ.

11. Thưa Ðại vương, chính phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời
gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác
tuệ.

12. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như
sau: ” Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ… … không phải không với ác tuệ”!

13. Bạch Thế Tôn, có những người trinh thám này của con, những người trinh sát, sau khi đi trinh sát
một nước, họ đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết.

14. Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau
khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, họ được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.

15. Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy mới nói lên bài kệ:
Không phải do sắc tướng,
Biết rõ được con người,
Không phải nhìn thoáng qua,
Ðặt được lòng tin cậy.
Dưới bộ áo đạo đức,
Với hình tướng tự chế,
Những kẻ sống buông thả,
Sống phây phây đời này.
Như bông tai bằng đất,
Giả dạng bông tai thật,
Như nửa tiền bằng đồng ,
Ðược sơn phết lớp vàng.
Một số sống che đậy,
Ẩn kín dưới bề ngoài,
Nội thân thật bất tịnh,
Mặt ngoài giả mỹ diệu.

II. Năm Vua (S.i,79)

1. Trú ở Sàvatthi.

2. Một thời, năm vị vua, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đang thọ hưởng, được cung cấp
và được đoanh vây với năm dục công đức. Câu chuyện sau đây được khởi lên giữa các vị ấy: “Dục lạc
nào tối thượng?”

3. Ở đây, có người nói: “Sắc là dục tối thượng”; có người nói: “Tiếng là dục tối thượng”; có người nói:
“Hương là dục tối thượng”; có người nói: “Vị là dục tối thượng”; có người nói: “Xúc là dục tối thượng”.
Và các vua ấy không thể thuyết phục nhau về vấn đề này.

4. Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với các vua ấy: Chư Tôn giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến hãy hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

5. Thưa vâng, Tôn giả. Các vua ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala.

6. Rồi năm vua ấy, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

7. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, năm vua chúng con đang thọ hưởng, được cung cấp, được đoanh vây với năm dục công đức, câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: “Dục nào là tối thượng?”. Có người nói: “Sắc là dục tối thượng”. Có người nói: “Tiếng là dục tối thượng”. Có người nói: “Hương là dục tối thượng”. Có người nói: “Vị là dục tối thượng”. Có người nói: “Xúc là dục tối thượng”. Bạch Thế Tôn, dục nào là tối thượng?

8. Thưa Ðại vương, tùy theo cùng độ ưa thích mà Ta nói rằng dục ấy là tối thượng trong năm dục
công đức. Và thưa Ðại vương, các sắc ấy đối với một số người được ưa thích, các sắc ấy đối với một số
người không được ưa thích. Thưa Ðại vương, nếu một ai ưa thích đối với các sắc pháp, tâm viên ý mãn,
không có muốn các sắc pháp nào khác hơn, các sắc pháp nào tốt đẹp hơn các sắc pháp ấy, thời đối với vị này, các sắc pháp ấy là tối thượng, đối với vị này, các sắc pháp ấy là vô thượng.

9. Thưa Ðại vương,các tiếng ấy… … Các hương ấy … … Các vị ấy… … Thưa Ðại vương, các xúc ấy đối
với một số người được ưa thích, các xúc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Ðại vương,
nếu một ai ưa thích đối với xúc pháp, tâm viên ý mãn, không có ý muốn các xúc pháp nào khác hơn, các xúc pháp nào tốt hơn các xúc pháp ấy, thời đối với vị này, các xúc pháp ấy là tối thượng, các xúc pháp ấy là vô thượng.

10. Lúc bấy giờ, có cư sĩ Candanangalika đang ngồi trong hội chúng ấy. Rồi cư sĩ Candanangalika từ
chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y lên một bên vai, chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, một tư tưởng khởi lên nơi con. Bạch Thiện Thệ, một tư tưởng khởi lên nơi con.

11. Thế Tôn nói: Này Candanangalika, hãy nói lên tư tưởng ấy.

12. Rồi cư sĩ Candanangalika trước mặt Thế Tôn tán thán với một bài kệ thích nghi:
Giống như hoa sen đỏ,
Nực thơm mùi hương dịu,
Sáng sớm tinh sương nở,
Với hương hoa ứ đọng.
Hãy xem Angira,
Chói hào quang chiếu diệu,
Như mặt trời sáng chói,
Giữa hư không bao la.

13. Rồi năm vị vua ấy đắp năm áo lên trên mình cư sĩ Candanangalika.

14. Nhưng cư sĩ Candanangalika đắp năm áo ấy lên trên thân Thế Tôn.

III. Ðại Thực: Ăn nhiều (S.i,81)

1. Trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn bữa ăn thịnh soạn.

2. Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3. Rồi Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên
bài kệ:
Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.

4. Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Sudassana đứng sau lưng vua Pasenadi nước Kosala.

5. Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi thanh niên Sudassana: Này Bạn, hãy đi đến và học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn và trong khi dọn ăn cho ta, hãy đọc lên bài kệ ấy. Ta sẽ cấp thường nhật cho ông một trăm đồng tiền vàng.

6. Thưa vâng, Ðại vương.
Thanh niên Sudassana vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn, và
trong khi dọn cơm cho vua Pasenadi nước Kosala, đọc lên bài kệ này: “Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng, Chừng mực, cảm thọ mạnh, Già chậm, tuổi thọ dài.”

7. Rồi vua Pasenadi nước Kosala tuần tự hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika.

8. Vua Pasenadi sau một thời gian, thân thể được khỏe mạnh, tự tay thoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng sau đây: “Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”

IV,V. Hai Lời Nói Về Chiến Tranh (Si,82)

Trú ở Sàvatthi.

1. Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, triệu tập bốn binh chủng gây chiến với vua Pasenadi
nước Kosala và tiến đánh Kàsi.

2. Vua Pasenadi nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha triệu tập bốn
binh chủng gây chiến với ta và tiến đánh Kàsi.”

3. Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi triệu tập bốn loại binh chủng dàn trận ở Kàsi, chống vua
Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha.

4. Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, tấn công vua Pasenadi nước Kosala. Trong cuộc
chiến trận, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha chiến thắng vua Pasenadi nước Kosala. Bị
chiến bại, vua Pasenadi nước Kosala lui về tại kinh đô Sàvatthi.

5. Rồi một số Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Ði khất thực ở
Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ
Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

6. Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh
chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala, tiến đánh Kàsi. Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước
Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu con bà Videhi nước Magadha gây chiến với ta, tiến đánh Kàsi”. Rồi
vua Pasenadi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kàsi chống vua Ajàtasattu,
con bà Videhi nước Magadha. Bạch Thế Tôn, rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua
Pasenadi nước Kosala xáp chiến nhau. Trong cuộc chiến trận ấy, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước
Magadha chiến thắng vua Pasenadi nước Kosala. Bạch Thế Tôn, bị chiến bại, vua Pasenadi nước Kosala
rút lui về kinh đô của mình là Sàvatthi.

7. Này các Tỷ-kheo, vua Ajàtasattu, con bà Videbi nước Magadha là ác hữu, là ác bạn lữ, là ác giao du. Và này các Tỷ-kheo, vua Pasenadi nước Kosala là thiện hữu, là thiện bạn lữ, là thiện giao du. Và này
Tỷ-kheo, hôm nay, trong đêm này, vua Pasenadi nước Kosala trải một đêm đau khổ của người bại trận.

Thắng trận sanh thù oán,
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh, hưởng an lạc.

8. Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với vua
Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi.

9. Vua Pasenadi nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu
tập bốn loại binh chủng, gây chiến ta và tiến đánh Kàsi.”

10. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kàsi chống vua
Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha.

11. Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến với nhau.
Trong cuộc chiến ấy, vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước
Magadha và bắt sống vua ấy.

12. Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: “Tuy vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha
làm hại ta, dầu ta không làm hại ai; nhưng vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta hãy tịch thu toàn bộ tượng
binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước
Magadha và chỉ tha cho vua ấy mạng sống”.

13. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi tịch thu toàn bộ tượng binh… … và chỉ tha cho vua ấy mạng
sống.

14. Rồi một số lớn vị Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, mang theo y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực.
Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn sau khi
đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

15. Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại
binh chủng, gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi. Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi
nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh
chủng, gây chiến với ta và tiến đánh Kàsi”. Rồi bạch Thế Tôn, vua Pasendi nước Kosala, sau khi triệu
tập bốn loại binh chủng, dàn trận chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi, nước Magadha. Rồi Bạch Thế
Tôn ,vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến với nhau.
Trong cuộc chiến ấy, vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước
Magadha và bắt sống vua ấy. Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: “Tuy vua Ajàtasattu, con
bà Videhi nước Magadha làm hại ta, dầu ta không làm hại ai; nhưng vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta
hãy tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasatu,
con bà Videhi nước Magadha và chỉ tha cho vua ấy mạng sống.” Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi
tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasattu con bà Videhi nước Magadha, và tha cho vua ấy mạng sống.

16. Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ:
Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người,
Khi người khác cướp hại,
Bị hại, lại hại người.
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác đã chín muồi,
Người ngu chịu khổ đau.
Sát người, bị người sát,
Thắng người, bị người thắng,
Mắng người, người mắng lại,
Não người, người não lại,
Do nghiệp được diễn tiến,
Bị hại, lại hại người.

VI. Người Con Gái (S.i,86)

1. Nhân duyên ở Sàvatthi.

2. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3. Rồi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala và báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala:
“Thưa Ðại vương, hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ được một người con gái”.

4. Khi được nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.

5. Rồi Thế Tôn, sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:
Này Nhân chủ, ở đời,
Có một số thiếu nữ,
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức,
Khiến nhạc mẫu thán phục.
Rồi sinh được con trai,
Là anh hùng, quốc chủ,
Người con trai như vậy,
Của người vợ hiền đức,
Thật xứng là Ðạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc.

VII. Không Phóng Dật (S.i,86)

1. Ở tại Sàvatthi.

2… Ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, có một pháp nào có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?

3. Thưa Ðại vương, có một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời
này và hạnh phúc đời sau.

4. Bạch Thế Tôn, pháp ấy là gì, có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời
này và hạnh phúc đời sau?

5. Bất phóng dật, thưa Ðại vương, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. Thưa Ðại vương, cũng như con voi, trong tất cả loài hữu tình có chân, tóm thâu tất cả đặc tướng của chân trong bàn chân của nó; và bàn chân của voi được xem là đệ nhất về phương diện to lớn trong tất cả loại chân. Cũng vậy, thưa Ðại vương, bất phóng dật là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. 

6.
Ai ước nguyện tuổi thọ,
Không bệnh, có diệu sắc,
Ðược sanh lên Thiên giới,
Sanh các nhà quý tộc,
Phải liên tục tăng thượng,
Tinh tấn, không dừng nghĩ.
Người hiền triết tán thán,
Hạnh lành không phóng dật,
Ðối với những người lành,
Làm các hạnh công đức,
Người hiền không phóng dật,
Ðược cả hai lợi ích,
Lợi ích trong đời này,
Lợi ích cả đời sau.
Kẻ anh hùng được gọi,
Là bậc chơn hiền trí,
Nếu biết nắm chụp lấy,
Hạnh phúc cho chính mình.

VIII. Không Phóng Dật (S.i,87)

1. Trú ở Sàvatthi.

2. Rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
— Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con ngồi yên tĩnh một mình, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Pháp
được Thế Tôn khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho
ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du”.

3. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, pháp được Ta khéo giảng. Và pháp ấy giảng
cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du.

4. Một thời, thưa Ðại vương, Ta ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca) tại một thị trấn của các vị Sakka.

5. Rồi thưa Ðại vương, Tỷ-kheo Ananda đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta và ngồi xuống một bên. Ngồi
xuống một bên, thưa Ðại vương, Tỷ-kheo Ananda bạch với Ta: “– Bạch Thế Tôn, quá phân nửa đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.”

6. Khi được nói vậy, thưa Ðại vương. Ta nói với Tỷ-kheo Ananda:” — Này Ananda, không phải vậy. Này Ananda, không phải vậy. Thật sự, này Ananda, toàn phần đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Từ một Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này Ananda, chúng ta hy vọng rằng vị ấy sẽ tu trì Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành của vị thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.

7. Và Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du làm cho sung mãn Thánh đạo
Tám ngành?

8. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả
ly, tu tập chánh tư duy…, tu tập chánh ngữ…, tu tập chánh nghiệp…, tu tập chánh mạng…, tu tập chánh tinh tấn…, tu tập chánh niệm…, tu tập chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly. Như vậy, này Ananda, là vị Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

9. Và chính theo pháp môn này, này Ananda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm
hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.

10. Này Ananda, chính vì Ta y cứ, làm bạn với thiện, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi
sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị bệnh được giải thoát khỏi bệnh;
các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ ưu, não. Và chính theo pháp môn này, này Ananda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.”

11. Do vậy, này Ðại vương, cần phải học như sau: “Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”. Như vậy, này Ðại vương, Ðại vương cần phải học. Này Ðại vương, để Ðại vương có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, Ðại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp.

12. Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các nữ cung
nhân sẽ suy nghĩ: “Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú
không phóng dật, y cứ không phóng dật.”

13. Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các vị Sát-đế-lỵ chư hầu sẽ suy nghĩ: “Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật.”

14. Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các dân chúng ở thị trấn và quốc độ sẽ suy nghĩ: “Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật. Vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật.”

15. Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời tự ngã được
che chở, hộ trì, nội cung được che chở hộ trì, kho tàng được che chở, hộ trì.

16. Người ước mong tài sản,
Phải liên tục tăng thượng,
Người hiền trí tán thán,
Hạnh lành không phóng dật.
Ðối với những người lành,
Làm các hạnh công đức.
Người hiền không phóng dật,
Ðược cả hai lợi ích,
Lợi ích trong đời này,
Lợi ích cả đời sau.
Kẻ anh hùng được gọi
Là bậc chơn hiền trí,
Nếu biết nắm chụp lấy
Hạnh phúc cho chính mình.

IX. Không Con ( S.i,89)

1. Nhân duyên ở Sàvatthi.

2. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, vào buổi trưa đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi
xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên: Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?.

3. Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung, và con đến để xem tài sản của
vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói
đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua
ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.

4. Thật như vậy, thưa Ðại vương! Thật như vậy, thưa Ðại vương! Một kẻ không phải Chân nhân, thưa
Ðại vương, dầu cho có được tài sản lớn không đem lại an lạc cho mình, không đem lại an lạc cho cha
mẹ, không đem lại an lạc cho vợ con, không đem lại an lạc cho các người phục vụ, cho các người làm
công hoan hỷ, không đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, không thiết
trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến
Thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay
trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt.
Sự việc là như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm,
không đưa đến thọ hưởng.

5. Ví như, thưa Ðại vương, một hồ nước tại chỗ vắng người, với nước trong sáng, với nước mát lạnh,
với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Nhưng không có người đến gánh
nước, hay uống nước, hay tắm, hay sử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Ðại
vương, nước ấy không được thọ dụng chơn chánh sẽ đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng. Cũng vậy, thưa Ðại vương, một kẻ không phải Chân nhân, dầu cho có được tài sản lớn, không đem lại an lạc cho mình… … Sự việc là như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.

6. Và bậc Chân nhân, thưa Ðại vương, có được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho
cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng,
có khả năng thăng lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới. Các tài sản của người ấy
được thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa không cướp đoạt, hay trộm cắp không cướp đoạt, hay không bị lửa đốt, hay không bị nước cuốn trôi, hay không bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là
như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến
tổn giảm.

7. Ví như, thưa Ðại vương, một hồ nước không xa làng mạc hay thị trấn, với nước trong sáng, với nước
mát lạnh, với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Và có người đến gánh
nước, hay uống nước, hay tắm, hay xử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Ðại
vương, nước ấy được thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm. Cũng vậy,
thưa Ðại vương, một bậc Chân nhân khi được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình… … Sự việc là vậy,
các tài sản được sử dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm.

8.
Như nước trong tươi mát,
Nằm tại chỗ không người,
Không người uống, người dùng,
Ði đến chỗ tổn giảm;
Cũng vậy là tài sản,
Kẻ hạ liệt có được,
Không tự mình thọ hưởng,
Lại không cho một ai.
Kẻ trí tuệ sáng suốt,
Tài sản thâu hoạch được,
Biết thọ dụng, phục vụ,
Với bà con, đoàn thể,
Trở thành như ngưu vương,
Nuôi dưỡng và giúp đỡ,
Vô tội khi bị chết,
Ðược sanh lên Thiên giới.

X. Không Có Con (S.i,91)

1. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, giữa trưa, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi
xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên: Thưa Ðại vương, Ðại vương đi đâu lại giữa trưa như thế này?.

2. Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung. Và con đến để xem tài sản
của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không
nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của vị triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm
chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ cũ kỹ
và hư nát, có gắn tán che bằng lá.

3. Thật như vậy, thưa Ðại vương. Thật như vậy, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, vị triệu phú gia
chủ ấy thuở xưa, đã bố thí đồ ăn khất thực cho một vị Bích-chi Phật tên là Tagarasikkhi. Vị ấy nói: “
Hãy bố thí cho vị Sa-môn”. Nói xong, vị ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi bỏ đi. Nhưng về sau, vị ấy hối
tiếc, nói rằng: “Tốt hơn, các người phục dịch hay làm công ăn đồ ăn khất thực này”. Và hơn nữa, vị ấy
đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh, vì tài sản của người ấy.

4. Thưa Ðại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy có bố thí đồ ăn khất thực cho vị Ðộc Giác Phật tên là
Tagarasikkhi. Do kết quả hành động ấy, vị ấy được sanh bảy lần lên thiện thú, Thiên giới. Do kết quả dư hưởng còn lại, vị ấy được làm nhà triệu phú bảy lần ở Sàvatthi này.

5. Thưa Ðại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy sau khi bố thí về, lại hối tiếc nói rằng: “Tốt hơn, các
người phục vụ hay làm công ăn đồ ăn khất thực này”. Do kết quả của hành động ấy, tâm của vị ấy
hướng về các món ăn không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về các đồ mặc không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về các xe cộ không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về sự thọ hưởng năm dục công đức không được tốt đẹp.

6. Thưa Ðại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh, vì
tài sản của người ấy. Do kết quả hành động của vị ấy, vị ấy bị nung nấu ở địa ngục nhiều năm, nhiều
trăm năm, nhiều trăm ngàn năm. Do kết quả dư hưởng còn lại, gia tài không con bảy lần phải nhập vào
công khố của vua. Thưa Ðại vương, đối với người triệu phú gia chủ này, các công đức cũ bị đoạn diệt và công đức mới chưa được chứa cất thêm. Và nay, thưa Ðại vương, người triệu phú gia chủ đang bị nung nấu trong địa ngục Mahàroruva.

7. Bạch Thế Tôn, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàroruva?
8. Thưa Ðại vương, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàroruva.
9. 
Lúa, tài sản, vàng bạc,
Hay mọi vật sở hữu,
Nô tỳ và lao công,
Các mạng sống tùy thuộc,
Vị ấy phải ra đi,
Không đem theo được ai,
Tất cả phải bỏ lại,
Khi ra đi một mình.

10.
Chỉ có các hành động,
Về thân, miệng và ý.
Mới thật thuộc vị ấy,
Mang theo khi ra đi,
Nghiệp ấy theo vị ấy,
Như bóng không rời hình.

11.
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Làm hậu cứ cho người.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *