Vấn Đáp Thiền Pa Auk 

Câu Hỏi 161 đến Câu Hỏi 169

Câu Hỏi 161: Sayadaw nghĩ sao về việc hồi hướng phước đến những người đã chết? Việc hồi hướng ấy có hiệu quả như thế nào? 

Trả  Lời Câu Hỏi 161:  Trong Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt  (Si gālovāda Sutta) của Trường Bộ (Dīgha Nikāya) có đề cập rằng con cái phải có bổn phận làm các việc công đức và hồi hướng đến cha mẹ đã quá vãng của mình.

Trong một bài Kinh thuộc Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) có nói rằng mọi người, ngoại trừ vị A-la-hán, đều phải đi đến một trong năm sanh thú sau khi chết. Năm sanh thú đó là: thiên, nhân, ngạ quỷ, súc sanh, và Địa ngục thú. Trong số đó chỉ một loại ngạ quỷ duy nhất thuộc ngạ quỷ thú gọi là paradattūpajīvika-peta là có thể nhận được lợi ích từ việc chia phước hay hồi hướng phước của những người khác. ‘Paradattūpajīvika-peta’ có nghĩa là tha thí hoạt mạng ngạ quỷ, tức ngạ quỷ trông đợi sự nuôi mạng của nó từ việc chia phước của người khác.

Sau khi chết, nếu một người đi đến cõi trời (thiên thú) hay cõi người (nhân thú) họ hưởng được các dục lạc theo thiện nghiệp đã thành thục của họ. Nếu một người đi đến cõi súc sanh (súc sanh thú) hay Địa ngục (địa ngục thú) hay trở thành bất kỳ loại ngạ quỷ nào ngoại trừ Paradattūpajīvika-peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ), họ phải chịu khổ theo nghiệp bất thiện đã chín mùi của họ. Trong trường hợp này, người ta không được lợi ích gì từ việc chia phước hay hồi hướng phước do thân bằng quyến thuộc hoặc bạn bè của họ trong kiếp trước làm. Tất nhiên những người làm việc phước ấy vẫn có được những lợi ích cho bản thân họ.

Ngạ quỷ paradattūpajīvika nhận được lợi ích từ việc chia phước của người khác theo một trong hai cách: một là hưởng lạc trong ngạ quỷ giới; hai là thoát khỏi ngạ quỷ giới. Họ sẽ được loại nào tuỳ thuộc vào nghiệp của họ và vào sức mạnh của việc phước. Tôi sẽ giải thích điều này bằng hai ví dụ.

Thuở xưa Nandaka là một vị tướng của Đức Vua Piṅgala. Ông chấp giữ tà kiến về sự đoạn diệt (đoạn kiến cho rằng chết là hết). Con gái ông tên Uttara, là một bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông qua đời, ông trở thành một Paradattūpajīvika-peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ). Uttara cúng dường thực phẩm đến một vị Tỳ-kheo A-la-hán đang đi khất thực. Cô chia phước ấy đến Nandaka, người cha đã quá cố của mình. Nandaka lúc bấy giờ là một Paradattūpajīvika-peta, hoan hỷ với phước đó bằng cách nói lên lời ‘sādhu.’ Nhờ sức mạnh của tâm thiện này, ông hưởng được các dục lạc thù thắng như những dục lạc của cõi chư thiên trong sáu tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng ông lại tái sanh vào Địa Ngục do tà kiến của mình, sau khi chết ở ngạ quỷ giới.

Trường hợp khác là những quyến thuộc trong tiền kiếp của Đức Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la). Thời Đức Phật Vipassī (Tỳ-bà-thi), họ là những người nấu ăn trong bếp của nhà vua. Họ có trách nhiệm sửa soạn vật thực cho Đức Phật Vipassī (Tỳ-bà-thi) và một trăm ngàn vị Tỳ-kheo. Tuy nhiên họ đã ăn những vật thực ấy trước khi dâng đến Đức Phật và chư Tỳ-kheo. Do nghiệp bất thiện này họ phải đi đến Địa Ngục sau khi chết. Sau một thời gian dài ở trong Điạ Ngục, họ thoát ra khỏi đó và trở thành Paradattūpajīvika-peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ) trong ngạ quỷ giới.

Khi Đức Phật Kakusandha (Câu-lư-tôn Phật) xuất hiện trên thế gian, họ đi đến hỏi Đức Phật xem khi nào thì họ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật Kakusandha bảo họ hãy hỏi Đức Phật kế, Konāgama Buddha (Câu-na-hàm Phật). Họ đã phải chờ một thời gian dài cho đến khi Đức Phật Konāgama xuất hiện trên thế gian để hỏi ngài cũng câu hỏi ấy. Đức Phật Konāgama nói họ hãy hỏi Đức Phật kế, Đức Phật Kassapa (Ca-diếp). Một lần nữa họ phải chờ trong một thời gian lâu dài cho đến khi Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian và cũng hỏi cùng câu hỏi đó. Đức Phật Kassapa nói với họ rằng họ sẽ thoát khỏi ngạ quỷ giới trong thời kỳ của Đức Phật Goatam (Đức Phật hiện nay của chúng ta). Vì thế họ lại chờ cho đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong một thời gian lâu dài khác.

Vào thời Đức Phật Gotama của chúng ta, Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la), quyến thuộc trước đây của những ngạ quỷ này, dâng cúng ngôi chùa Trúc Lâm (Veḷuvana) đến Đức Phật và chư Tăng. Tuy nhiên sau khi dâng xong nhà vua lại không chia phước đến những quyến thuộc của ngài. Những ngạ quỷ này không nhận được phần phước hồi hướng mà họ đã khao khát trong một thời gian dài như vậy. Do ước muốn thoát khỏi cái khổ của ngạ quỷ giới qúa mãnh liệt, họ kêu la một cách khủng khiếp trong vườn thượng uyển của đức Vua Bimbisāra suốt cả đêm. Vua Bimbisāra sợ đến mức sáng hôm sau ông phải đi gặp Đức Phật sớm. Đức Phật kể cho ông nghe câu chuyện về các ngạ quỷ này và cách thức để giúp họ. Sau đó đức Vua cúng dường tứ vật dụng đến Đức Phật và chư Tăng và chia phước đến các ngạ quỷ này. Lý do tại sao đức Vua phải làm một việc phước mới vì rằng chỉ có phước mới làm đem chia thì các ngạ quỷ Paradattūpajīvika mới có được lợi ích. Các ngạ quỷ rất vui sướng khi Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la) chia phước cho họ và họ nói lên lời Sādhu (lành thay) để hoan hỷ với phước báu ấy. Vì lẽ nghiệp lực bất thiện của họ đã gần cạn kiệt, họ thoát khỏi ngạ quỷ giới và đi lên cõi chư thiên theo sự hoan hỷ của họ.

Chúng ta phải hiểu hai loại quả do hồi hướng phước hay chia phước tạo ra này. Nói chung thì viêc thực hiện các thiện nghiệp, như bố thí, trì giới, thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana), để hồi hướng phước phước đến những thân quyến và bạn bè đã quá vãng của chúng ta là điều rất đáng làm.

Câu Hỏi 162: Một bậc Thánh Tu-đà-hoàn (Sotāpanna) tối đa còn bảy lần sanh trong cõi cư thiên và nhân loại. Nếu trong suốt những lần tái sinh ấy họ không chuyên cần hành thiền, liệu họ có đạt được sự giải thoát cuối cùng không?

Trả Lời Câu Hỏi 162: Đối với các vị, việc không hành thiền chuyên cần trong bảy lần sanh này là điều không thể có, vì các vị đã tuệ tri Tứ Thánh Đế với Nhập Lưu Thánh Đạo Trí rồi vậy.

Câu Hỏi 163: Tại sao có một số người hành thiền trở nên ngơ ngơ và thụ động một cách không bình thường? Họ có nên tiếp tục hành thiền không? Triệu chứng ban đầu của tình trạng không bình thường này là gì? Làm thế nào để người ta có thể ngăn ngừa nó?

Trả Lời Câu Hỏi 163: Có lẽ do nghiệp đời trước mà họ bị ngơ ngơ và thụ động như vậy, đặc biệt là khi trí tuệ (vô si) không có mặt trong paṭisandh-citta (kiết sanh thức), và bhavaṅga-citta (tâm hữu phần) của họ, hoặc ngay cả khi trí tuệ có mặt nhưng rất yếu. Họ vẫn nên hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) cho đến mức có thể, theo phương pháp đúng đắn. Mặc dù họ không thể đắc thiền hay Đạo Quả trong kiếp này, nỗ lực của họ trong thực hành có thể giúp họ hành thièn tốt hơn và trở thành Thánh Nhân trong một kiếp tương lai nào đó.

Khả năng khác, có thể là họ không hành đúng theo giáo pháp của Đức Phật. Bởi vì họ không biết rằng phận sự của họ trong lúc hành thiền là phải luôn luôn chánh niệm trên đối tượng thiền, mà họ lại để cho tâm phóng đi lung tung vô định. Do không canh phòng tâm như vậy, đôi khi vấn đề có thể xảy ra. Cách để ngăn ngừa là nên đi theo con đường hành thiền đúng đắn. Tốt hơn hết là họ nên hành thiền dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư có đủ khả năng.

Vẫn còn một khả năng khác, đó là về tâm trí họ không phải không bình thường. Nhưng vì họ đang hành thiền một cách chuyên cần và hết lòng đến nỗi những người không hiểu thiền, phán đoán theo cái vẻ ngơ ngơ thụ động bề ngoài của họ, lầm tưởng là họ mất bình thường vậy thôi. Thực ra thái độ hết lòng trong thiền và buông bỏ mọi lo lắng là thái độ đáng khuyến khích. Ngay cả Đức Phật cũng từng khen ngợi sự yên lặng cao quý và ngăn cấm các vị Tỳ-kheo tham dự vào những cuộc nói chuyện vô ích. Vì thế, ai hiểu lầm những người hành thiền như vậy nên nghiên cứu lý thuyết về thiền và cũng nên hành thiền đi đã. Chớ nên vội vã đi đến kết luận chỉ do xét đoán vẻ bề ngoài của người khác.

Câu Hỏi 164: Nuôi gà để lấy trứng bán có phải là một chánh mạng (cách sinh nhai chân chánh) và chánh nghiệp không?

Trả Lời Câu Hỏi 164: Nếu nuôi gà chỉ vì lòng bi mẫn (sợ chúng bị người khác giết hại), không trông đợi thu trứng và bán trứng, thì đó là tốt. Nhưng nếu nuôi để thu gom và bán trứng, đó không phải là chánh mạng hay chánh nghiệp. Vì đôi khi vẫn có sự sống (có trống) trong những quả trứng ấy, dù rất hiếm.

Câu Hỏi 165: Có phải các bậc A-la-hán là những người chỉ lo việc giải thoát của riêng mình (chứ không có ước nguyện giúp đỡ người khác)?

Trả Lời Câu Hỏi 165: Tích cực giúp người khác hay không còn tuỳ vào ước nguyện riêng của các bậc A-la-hán ấy. Thực ra hầu hết các bậc A-la-hán đều tích cực giúp đỡ người khác, như Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) và Tôn-giả Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) chẳng hạn. Nhưng cũng có một số vị sống một mình trong rừng như Tôn-giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña) không có những việc làm tích cực giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, ngay cả đối với những vị A-la-hán như thế cũng vẫn đem lại lợi ích cho người khác rất nhiều, bởi vì các bậc A-la-hán là phước điền vô thượng của thế gian này vậy. Khi các ngài đi khất thực, những người bố thí gặt hái được phước báu thù thắng từ việc dâng cúng vật thực cho các ngài. Ngay cả Tôn-giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña), sống trong rừng không đi ra ngoài khất thực, thì những chú voi và chư thiên dâng cúng vật thực cho ngài cũng được lợi ích rất lớn.

Trong hàng Thánh Đệ Tử của Đức Phật, bậc A-la-hán là cao tột nhất. Một trong Ba Ngôi Báu mà chúng ta quy y hay nương tựa vào là các bậc Thánh Tăng của Đức Phật. Thánh Tăng gồm Bốn Đôi (bốn cặp người), hay nói cách khác, Thánh Tăng gồm bốn loại Thánh đệ tử đã đạt đến bốn Đạo và bốn Quả, đó là, Sotāpanna (Tu-đà-hoàn), Sakadāgāmī (Tư-đà-hàm), Anāgāmī (A-na-hàm), và Arahant (A-la-hán). Bốn đôi trở thành tám khi Đạo và Quả được tính riêng ra. Các ngài là phước điền vô thượng của thế gian. Bậc A-la-hán là tối thượng trong số đó. Bởi thế, ngay cả chỉ kính lễ các ngài hoặc nói lời tán dương một bậc A-la-hán người ta cũng có được lợi ích rất lớn. Như vậy cho dù một bậc A-la-hán không tích cực giúp đỡ tha nhân, ngài cũng vẫn đem lại lợi ích cho các chúng sinh ở đời rồi, huống nữa là nếu các ngài làm.

Tôi sẽ nêu ra đây một vài ví dụ về các bậc A-la-hán đã tích cực giúp đỡ tha nhân và thực hành vì an lạc và hạnh phúc của các chúng sinh như thế nào: Trong Kinh Điển Pāḷi có nhiều bài Kinh, chẳng hạn như Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (Mahāhatthipadopama, được thuyết giảng bởi Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta). Đôi khi trong một bài Pháp do Tôn-giả thuyết, có cả hàng trăm hay hàng ngàn người trở thành các bậc Thánh Nhân (đắc Đạo Quả). Ngài dạy Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga), được xem là rất quan trọng đối với thiền. Đặc biệt, mỗi khi ngài đi khất thực, ngài đứng nhập vào diệt tận định (nirodhasamāpatti), định chứng diệt thức và sắc do tâm tạo, trước cửa nhà của gia chủ và chỉ nhận vật thực sau khi xuất thiền. Chính vì muốn các ông những người bố thí được lợi ích lớn và thù thắng mà ngài đã thực hành theo cách này.

Tôn-giả Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) đã đi lên các cõi trời và hỏi các vị chư thiên ở đó về những thiện nghiệp khiến cho họ được tái sanh thiên giới. Sau đó ngài trở về cõi nhân loại và thuyết giảng cho mọi người biết rằng nếu họ muốn được tái sanh thiên giới họ phải thực hiện những thiện nghiệp như vầy như vầy. Có khi ngài đi xuống Địa ngục và hỏi các chúng sinh ở đó xem do nghiệp bất thiện nào khiến cho họ phải tái sanh nơi địa ngục. Rồi trở về cõi nhân loại ngài thuyết giảng cho mọi người hiểu rằng nếu họ không muốn tái sanh vào Địa Ngục họ phải ngăn ngừa những nghiệp bất thiện như vầy như vầy. Theo cách này ngài đã làm cho nhiều người tránh điều ác và chỉ thực hiện các điều lành.

Tôn-giả Puṇṇa Mantānīputta là bậc thuyết pháp đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Do cách trình bày thiện xảo của ngài, trong nhiều buổi thuyết pháp, rất đông người nghe đắc Thánh Quả hoặc tín tâm trong thiền của họ được thúc đẩy. Chẳng hạn, Tôn-giả Ananda trở thành bậc Thánh Nhập Lưu sau khi nghe một thời Pháp do Tôn-giả Puṇṇa Mantānīputta thuyết.

Tôn-giả Mahākaccāna (Ma-ha Ca-chiên-diên), được xem là đệ nhất trong số những người diễn giải đầy đủ lời dạy tóm tắt của Đức Phật. Tôn-giả thường xuyên thyết giảng ở một trú xứ xa xôi và vô số người đã nhận được những lợi ích lớn của Pháp do Tôn-giả giảng. Một trong những lời dạy nổi tiếng của Tôn-giả được ghi lại trong Nettippakaraṇa, một tác phẩm diễn giải về Pitakas (Thánh Tạng). Tác phẩm giải thích chi tiết một bài Kinh sâu sắc và rất giá trị đối với người học Phật để hiểu rõ nhứng lời dạy của Đức Phật.

Một điểm rất quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ ở đây là các bậc A-la-hán luôn truyền bá và giữ gìn Giáo Pháp của Đức Phật. Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta vẫn còn có thể được nghe và thực hành Pháp (Dhamma) trong khi Đức Phật nhập Niết-bàn (Nibbana) đã hơn hai ngàn năm trăm năm rồi. Tôi muốn giải thích thêm một chút về điều này:

Sau khi năm vị Tỳ-kheo được nghe Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta) và trở thành các bậc A-la-hán, Yasa và năm mươi bốn người bạn đã xuất gia cũng trở thành các bậc A-la-hán kế tiếp. Như vậy, có cả thảy sáu mươi vị A-la-hán, kể cả Đức Phật, trên thế gian. Lúc bấy giờ Đức Phật ra lệnh cho các vị lên đường đi truyền bá Giáo Pháp với những lời như vầy: “Này các Tỳ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi mọi cạm bẫy của chư thiên và nhân loại. Các ông cũng đã được giải thoát khỏi mọi cạm bẫy của chư thiên và nhân loại. Hãy đi, này các Tỳ-kheo! Vì lợi ích của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mẫn đối với số đông, vì lợi ích, vì an lạc và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại. Chớ đi hai người một đường. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng Giáo Pháp, Pháp chí thiện ở đoạn đầu, ở đoạn giữa và ở đoạn cuối, pháp đầy đủ về ý nghĩa và văn cú, hiển lộ cho thấy đời phạm hạnh là hoàn toàn trong tính toàn diện và hoàn hảo của nó. Có những chúng sinh chỉ có ít bụi trong mắt. Nếu họ không có cơ hội nghe Pháp này, họ sẽ hoang phí kiếp người của họ; nếu họ được nghe Pháp, họ sẽ hiểu nó.” Như vậy, các vị A-la-hán đó đã gánh vác công việc hoằng pháp từ Đức Phật và làm hết sức mình để truyền bá pháp (Dhamma) ở bất cứ chỗ nào họ đi.

Kể từ đó, khi Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi ngài nhập Vô Dư Niết-bàn, các bậc A-la-hán, hết thế hệ này sang thế hệ khác, đã tiếp nối công việc hoằng pháp này không ngừng nghỉ. Cuộc Kết Tập Tam tạng lần thứ nhất do năm trăm vị A-la-hán, lần thứ hai do bảy trăm vị A-la-hán và lần thứ ba do một ngàn vị A-la-hán là những ví dụ điển hình ở đây. Các ngài thậm chí không nài gian khổ để truyền bá Giáo Pháp đến những quốc gia khác. Giới định tuệ trong sạch của các ngài đôi lúc chói sáng làm xúc động mọi người khiến họ phát khởi đức tin và tìm đến nương tựa nơi đạo Phật. Không có những nỗ lực liên tục của các ngài như thế ngày nay chúng ta thậm chí không thể nào được nghe đến danh xưng Phật, Pháp, Tăng huống nữa là thực hành thiền Minh Sát (Vipassana). Những việc làm rạng rỡ của các ngài nhằm thúc đẩy sự an lạc và hạnh phúc của các chúng sinh là không thể tả hết được. Những đóng góp có giá trị to lớn của các ngài trong việc bảo vệ giáo pháp của Đức Phật vượt xa ngoài những lời tán dương. Hiểu được những sự kiện lịch sử này, liệu quý vị vẫn còn muốn nói rằng các bậc A-la-hán là những người chỉ lo cho sự giải thoát riêng của mình nữa không?

Thực ra chỉ trích một Bậc Thánh là tạo một bất thiện nghiệp. Nó sẽ ngăn sự tiến bộ trong thiền của một người nếu họ không biết sám hối. Tôi muốn liên hệ ra đây một câu chuyện để chứng minh điều này.

Chuyện được đề cập trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) như vầy: Xưa, có một vị Trưởng-lão và một Tỳ-kheo trẻ đi khất thực trong một ngôi làng nọ. Ở nhà đầu tiên họ chỉ được một muỗng cháo nóng. Vị Trưởng-lão đang bị đau bụng gió. Vị ấy nghĩ ‘Muỗng cháo nóng này thật là tốt cho ta; Ta sẽ uống nó trước khi nó nguội đi’. Người nhà mang một cái ghế gỗ ra để tại ngưỡng cửa, và ngài ngồi trên ghế húp phần cháo nóng đó. Vị Tỳ-kheo trẻ lấy làm ghê tởm và nói ‘Ông già này đã để cho cơn đói thắng mình và làm những gì lẽ ra ông phải cảm thấy hổ thẹn để làm’.

Vị Trưởng-lão cứ tiếp tục đi khất thực, và về đến chùa vị ấy mới hỏi vị Tỳ-kheo trẻ ‘Này hiền giả, ông đã được chỗ đứng nào trong Giáo Pháp này chưa?’ — ‘Có đấy, thưa Ngài, tôi là một bậc nhập lưu.’ — ‘Vậy thì, này hiền giả, đừng cố gắng để đắc những đạo quả cao hơn nữa; một bậc lậu tận (A-la-hán) đã bị ông xỉ vả đấy.’ Vị Tỳ-kheo liền thỉnh xin ngài Trưởng-lão tha thứ và nhờ đó thoát khỏi chướng ngại để đắc các quả chứng cao hơn do tội chỉ trích một bậc A-la-hán gây ra.

Nếu quý vị đã chỉ trích các bậc A-la-hán cho rằng các ngài chỉ lo giải thoát riêng cho mình, quý vị chẳng những không biết đến những sự kiện lịch sử về những đóng góp to lớn của họ mà còn làm tổn hại đến sự giải thoát của quý vị nữa. Vì lợi ích lâu dài của quý vị, tôi đề nghị quý vị nên từ bỏ quan niệm sai lầm ấy đi.

Câu Hỏi 166: Trong thiền, tình trạng như thế nào được gọi là rơi vào hữu phần (bhavaṇga)?

Trả Lời Câu Hỏi 166: Trường hợp rơi vào hữu phần được cảm nhận một cách rõ ràng, đặc biệt khi người ta đạt đến giai đoạn cận định (upacāra Samādhi) nhưng không duy trì được định của mình. Vào lúc đó người ta sẽ để ý thấy rằng có một sự trống rỗng của tâm hay có một khoảng thời gian người ta không biết gì cả. Chính vì trong khoảng thời gian ấy không có những tiến trình tâm xảy ra mà chỉ có những tâm hữu phần nối tiếp nhau sanh và diệt mà thôi. Tâm hữu phần khởi lên giữa hai tiến trình tâm và bắt đối tượng cận tử trong kiếp trước của một người thay vì đối tượng hiện tại. Tất nhiên người ta không thể nhận ra đối tượng (của tâm hữu phần) trừ phi họ đã hành thiền phân biệt duyên khởi thành công. Vì lẽ không nhận thức được đối tượng nên người ta cảm giác rằng họ không biết gì cả. Hiện tượng này gọi là rơi vào hữu phần. Nó chẳng phải sự diệt của hoạt động tâm cũng chẳng phải là Niết-bàn (Nibbana).

Theo Vi Diệu Pháp của Đức Phật, sau mỗi tiến trình tâm, tâm hữu phần thường thường xuất hiện. Đối với Đức Phật, hai tâm hữu phần khởi lên giữa các tiến trình tâm; đối với Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta), mười sáu tâm hữu phần. Đối với những người khác thì vô số tâm hữu phần khởi lên giữa hai tiến trình tâm. Mặc dù lúc nào cũng có rất nhiều tâm hữu phần sanh lên và diệt đi như vậy, người ta vẫn thường không nhận ra chúng. Chỉ khi tâm của họ hoàn toàn yên tĩnh và tập trung, đặc biệt ở giai đoạn cận định, họ sẽ nhận ra sự khởi lên nối tiếp nhau của những tâm hữu phần này, đây là sự rơi vào hữu phần (bhavaṇga).

Khi hành giả kinh nghiệm sự rơi vào hữu phần, hành giả không nên thích thú hay chán nản, vì đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình hành thiền. Tất cả cái hành giả cần làm là tiếp tục giữ chánh niệm trên đối tượng thiền của mình. Khi hành giả đạt đến giai đoạn an chỉ định, các thiền chi sẽ đủ mạnh để duy trì định của hành giả trong một thời gian lâu, không rơi vào hữu phần.

Câu Hỏi 167: Sayadaw vui lòng giải thích chi tiết cho chúng con biết vì sao người ta không thể phân biệt các thiền chi và hành Minh-sát (Vipassana) lúc đang ở trong định (samādhi)? Thế nào là Minh-sát (Vipassana) thực hành ngoài định? Có phải duyệt xét các thiền chi là một loại Minh-sát (Vipassana) thực hành ngoài định không?

Trả Lời Câu Hỏi 167: Có ba loại định (samādhi), đó là sát-na định (khaṇika-samādhi), cận định (upacāra-samādhi), và an chỉ định (appanā-samādhi hay jhāna-samādhi). An chỉ định sâu hơn cận định, và cận định sâu hơn sát-na định. Chỉ khi xuất khỏi an chỉ định hay cận định người ta mới có thể duyệt xét các thiền chi hoặc hành Minh-sát (Vipassana). Vì sao? Vì các thiền chi và các đối tượng của Minh-sát không phải là đối tượng của cận định và an chỉ định vậy.

Khi một người hành thiền chỉ (samatha), như niệm hơi thở (ānāpānasati) chẳng hạn, đối tượng của cận định và an chỉ định là tợ tướng của hơi thở (ānāpānasati-nimitta) chứ không phải là các thiền chi. Người ta không thẻ tập trung trên các thiền chi để đắc cận định hay an chỉ định được. Sau khi hành giả tập trung tâm trên tợ tướng hơi thở trong một thời gian đủ lâu, vào lúc hành giả bắt đầu duyệt xét các thiền chi, hành giả kể như đã xuất khỏi cận định hay an chỉ định rồi. Vào lúc đó định của hành giả chỉ là sát-na định. Đó là lý do vì sao hành giả không thể duyệt xét các thiền chi khi đang ở trong cận định hay an chỉ định.

Khi hành giả đang hành Minh-sát (Vipassana), đối tượng của hành giả là danh-sắc chơn đế và những tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Sự tập trung trên những đối tượng này chỉ là sát-na định, chứ không phải cận định hay an chỉ định, bởi vì những đối tượng này luôn luôn sanh và diệt. Nói chung hành giả không thể đắc cận định hay an chỉ định bằng cách tập trung trên những đối tượng của vipassana. Đó là lý do vì sao trong lúc đang ở trong cận định hay an chỉ định người ta không thể hành Minh-sát (Vipassana) được.

Hành Minh-sát (Vipassana) ngoài định có nghĩa là sau khi xuất khỏi cận định hay an chỉ định hành giả phân biệt danh-sắc chơn đế và quán chúng như vô thường, khổ và vô ngã. Việc quán này được thực hiện ngoài samātha jhāna (thiền định). Nhưng vào lúc đó hành giả vẫn có sát-na định, vipassanā jhāna. Như vậy cận định hay an chỉ định đi trước là một hỗ trợ mạnh mẽ giúp hành giả phân biệt và quán các đối tượng minh sát một cách rõ ràng. Theo cách này, samātha jhāna chỉ hỗ trợ cho vipassanā jhāna.

Vipassanā hay Minh sát là quán các hành như vô thường, khổ và vô ngã. Vì thế, nếu một người chỉ duyệt xét các thiền chi, họ không phải đang hành minh sát. Để hành Minh-sát (Vipassana), người ta phải phân biệt không chỉ các thiền chi mà còn tất cả các tâm hành khác trong bậc thiền đó theo tiến trình tâm. Chẳng hạn, người ta phải phân biệt ba mươi bốn tâm hành thông thường trong sơ thiền. Đây là giai đoạn ban đầu của thanh tịnh kiến và là nền tảng của Minh-sát (Vipassana). Kế người ta phải quán chúng như vô thường, khổ và vô ngã.

Câu Hỏi 168: Kể từ khi con đến đây hằng đêm con ngủ không yên giấc và nằm mơ rất nhiều. Thậm chí bây giờ con sợ phải đi ngủ, vì ngủ làm cho con mệt hơn không ngủ. Trong khi hành thiền con bị sự buồn ngủ này quấy rầy. Thiền của con lúc lên lúc xuống thay vì ổn định một cách vững chắc. Vị thầy trợ giúp của con có khuyên con nên hành thiền tâm từ (mettā bhāvanā). Con đã thử và bây giờ đã ngủ được khá hơn. Con muốn hỏi là một người không đắc bất cứ bậc thiền nào hành thiền tâm từ như thế nào?

Trả Lời Câu Hỏi 168: Đức Phật dậy mười một lợi ích của việc thực hành thiền tâm từ trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) như vầy:

‘Này các Tỳ-kheo, khi từ tâm giải thoát được tu tập, được phát triển, được thực hành thường xuyên, làm thành cỗ xe, làm thành nền tảng, được thiết lập, được củng cố vững chắc, và thọ trì một cách đúng đắn, mười một lợi ích có thể trông đợi. Thế nào là mười một? Vị ấy ngủ trong tình trạng thoả mái, thức dậy trong tình trạng thoải mái; không có những ác mộng; vị ấy thân ái đối với loài người; vị ấy thân ái đối với các hàng phi nhân; được chư thiên bảo vệ, lửa, thuốc độc và vũ khí không làm hại được vị ấy; tâm dễ đắc định; sắc diện tươi sáng; khi chết không bối rối; và nếu không thể nhập các đạo quả cao hơn (A-la-hán Thánh Quả) vị ấy sẽ tái sanh Phạm Thiên Giới sau khi chết.’ (AN. V, 342)

Tuy nhiên, chỉ sau khi đã tinh thông năm trăm hai mươi tám cách rải tâm từ đề cập trong Vô Ngại Giaỉ Đạo (Paṭisambhidāmagga) hành giả mới kinh nhiệm được những lợi ích này. Nếu hành giả chưa đạt đến một bậc thiền tâm từ nào, hành giả chỉ có thể hưởng được phần nào lợi ích từ việc hành thiền tâm từ mà thôi. Đối với cả hai loại hành giả, những hành giả có đắc thiền và những hành giả không, thủ tục tu tập thiền tâm từ là như nhau, song mức độ thực hành có khác tuỳ theo ước nguyện của họ. Chẳng hạn, sau khi rải tâm từ cho chính mình theo bốn cách trong vài phút, hành giả rải tâm từ đến một người đáng kính cùng phái (nam hay nữ) với mình. Nếu hành giả nhắm đến việc đắc thiền tâm từ, hành giả phải tu tập tâm từ đối với người đó cho đến khi đạt đến tam thiền. Chỉ sau đó hành giả mới chuyển sang một người đáng kính khác. Nhưng nếu mục đích của hành giả chỉ là để an tịnh tâm, hành giả có thể chuyển sang một người đáng kính cùng phái khác khi tâm đã được an tịnh, nhẹ nhàng. Theo cách này hành giả tu tập tâm từ đối với mười người đáng kính cùng phái với hành giả, tuần tự từng người một, rồi đến mười người thân, mười người không thân không thù, mười người thù cùng phái với hành giả theo tuần tự từng người một như trên.

Kế tiếp hành giả phải phá bỏ ranh giới giữa bản thân, những người thân (kể cả những người đáng kính), những người không thân không thù, những người thù bằng cách tu tập tâm từ đối với mỗi hạng người một cách liên tục. Sau đó, hành giả phải rải tâm từ đến các loại chúng sinh khác nhau trong những vùng được mở rộng dần dần ra, cho đến vũ trụ vô biên. Rồi hành giả rải tâm từ đến các chúng sinh theo tuần tự mười hướng trong vũ trụ vô biên. Một hành giả đã đạt đến (bậc) thiền tâm từ có thể hành tất cả những thủ tục ấy một cách triệt để. Họ thấy những đối tượng này rất rõ và phát triển tâm từ mạnh mẽ đến độ định của họ sâu lắng tới tam thiền. Tuy nhiên, đối với một người không đắc thiền thì chỉ có thể thực hành theo sự tưởng tượng với những ước nguyện tốt đẹp mà thôi. Dẫu sao, người ấy cũng tích luỹ được những thiện nghiệp trong pháp hành này và có được một cái tâm bình yên, tâm này giúp cho người ấy loại trừ được sự lo âu, kích động và có một giấc ngủ ngon lành.

Câu Hỏi 169:  Trong việc hành thiền, chướng ngại lớn nhất đối với người nữ là gì?

Trả Lời Câu Hỏi 169: Trong việc hành thiền, mỗi người khác nhau có những chướng ngại khác nhau. Chúng ta không thể nói những chướng ngại nào là đặc biệt đối với nữ giới, còn nam giới thì không. Giống như người nam, người nữ cũng có trí tuệ nhạy bén. Như chúng ta thấy trong hàng đệ tử của Đức Phật, không chỉ người nam trở thành những vị thượng thủ đệ tử, v. v…, mà cũng có những người nữ trở thành các bậc thượng thủ đệ tử, v.v…như vậy. Bất kể quý vị là nam hay nữ, muốn đạt đến những thành tựu trong thiền quý vị phải thực hành một cách chuyên cần để vượt qua năm triền cái (năm chướng ngại tinh thần, tham dục, sân hận, hôn trầm thuỵ miên, trạo cử hối quá, và hoài nghi) như nhau.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *