VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

CÁC VỊ TỲ KHEO TRƯỜNG THỌ

Những ví dụ điển hình về bản chất hoà nhã và nhân từ dẫn đến một đời sống trường thọ là một số vị Tỳ kheo sống lâu thời Đức Phật. Chúng ta biết Tôn giả Mahākassapa và Ānanda nhập Vô Dư Niết Bàn (Parinibbāna) ở tuổi một trăm hai mươi, Tôn giả Anuruddha ở tuổi một trăm năm mươi, và Tôn giả Bākula ở tuổi một trăm sáu mươi.

TÔN GIẢ PAÑCASĪLA SAMĀDĀNIYA GIỚI ĐỨC

Ví dụ khác là Tôn giả Pañcasīla Samādāniya: câu chuyện của ngài đã được đề cập ngắn gọn ở một phần trước. Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ngài đắc A-la-hán Thánh Quả cùng với Tứ Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā). Để có thể đắc được những pháp này, ngài đã phải thực hành minh và hạnh (vijjā-caraṇa) cao thượng trong Giáo Pháp của các vị Phật trước: như chúng tôi vừa nói, việc thực hành ấy bao gồm hành thiền minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Chẳng hạn, trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Anomaddassī, Pañcasīla Samādāniya là một người đàn ông nghèo khổ. Tuy nghèo như vậy, ngài luôn thanh tịnh giới hạnh của mình bằng cách thọ trì ngũ giới trong khoảng một trăm ngàn năm, không phạm một giới nào cả. Dựa trên giới đó, ngài phát triển được định lực mạnh mẽ, cũng như minh sát lên đến Hành Xả Trí. Điều này làm cho giới của ngài trong sạch và vô lỗi.

Vậy thì, định và tuệ (minh sát) làm cho giới thanh tịnh như thế nào? Các phiền não (kilesa) là thân y duyên (upanissaya) cho thân hành (kāya-du-ccarita) và khẩu hành (vacī-du-ccarita). Nhưng chúng bị đè nén bởi định mạnh mẽ và đầy năng lực của bậc thiền. Và khi có được định như vậy, người ta cũng có thể có được minh sát trí (vipassanā-ñāṇa). Minh sát trí biết và thấy các hành trong tự thân và thế gian bên ngoài, là vô thường, khổ, và vô ngã. Trí minh sát này đè nén các phiền não và làm cho tâm của một người trong sạch, không cấu uế. Với một nội tâm trong sạch và không cấu uế như vậy, nếu người này thực hành bố thí, trì giới…, những hành động ấy cũng trở nên thanh tịnh và vô nhiễm, điều này có nghĩa rằng chúng là mạnh nhất.

Loại thanh tịnh giới mạnh nhất này là những gì Pañcasīla Samādāniya đã làm trong khoảng một trăm ngàn năm. Vào lúc chết, ngài nhớ lại giới đức không lầm lỗi của mình, và tâm ngài tràn ngập một niềm hoan hỷ và hạnh phúc. ‘Nghiệp giữ giới’ đó đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong một thế giới chư thiên. Và những nghiệp đồng nhất đã làm nhiệm vụ như những sanh nghiệp tương tự, nhờ vậy mà ngài đi hết cõi chư thiên này đến cõi chư thiên khác, và chỉ lên xuống giữa hai cõi chư thiên và nhân loại.

Trong mỗi kiếp sống ở các cõi ấy ngài thành tựu ba pháp:

  • Trường thọ (dīgh-āyu)
  • Tài sản ngũ dục lớn (mahā-bhoga) 
  • Trí tuệ nhạy bén (tikkha-paññā)

Con người luôn luôn mong mỏi những pháp này. Nhưng làm thế nào để thành tựu được chúng?

  • Bằng cách tu tập giới (sīla): ngũ giới, bát giới hay thập giới.
  • Bằng cách tu tập định (samādhi): bốn thiền sắc giới, và bốn thiền vô sắc.
  • Bằng cách tu tập tuệ (paññā): minh sát trí (vipassanā ñāṇa).

Vận hành của nghiệp là như thế, và nó là lý do vì sao Đức Phật nói trong Kinh Dây Trói Buộc:

‘Do vậy, này các Tỷ- kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô.”

Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị ô nhiễm. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh’.

Vì thế, quý vị nên lấy đây làm nguồn cảm hứng để ra sức tinh tấn thực hành tam học (giới, định và tuệ) trong Giáo Pháp của Đức Phật này.

ĀYU-VAḌḌHANA KUMĀRA TRƯỜNGTHỌ

Một ví dụ khác về người sống trường thọ là Āyuvaḍḍhana Kumāra. Đức Phật nói điều này trong Kinh Pháp Cú (Dhamma-Pada):

Thường tôn trọng, kính lễ

Bậc kỳ lão trưởng thượng,

Bốn pháp được tăng trưởng:

Thọ (āyu), sắc (vaṇṇo), lạc (sukha), sức mạnh (bala).

Nếu một người có tâm từ ái và bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, và luôn luôn tôn trọng, kính lễ các bậc lớn tuổi, cao quý hơn mình, cuộc sống của họ sẽ được cải thiện trên bốn phương diện:

  • Tuổi thọ (āyu): thọ mạng của họ gia tăng.
  • Sắc đẹp (vaṇṇo): sắc diện của họ trở nên sáng sủa.
  • Hạnh phúc (sukha): sức khoẻ và sự sung túc của họ cải thiện.
  • Sức mạnh (bala): thể chất và thể lực của họ tăng trưởng.

Chú giải Pháp Cú giải thích thọ mạng với một ví dụ. Giả sử một người đã hoàn thành một thiện nghiệp tạo ra tái sanh làm người với tuổi thọ năm mươi năm. Và trong kiếp sống làm người ấy anh ta luôn luôn kính lễ, tôn trọng những bậc huynh trưởng (người lớn tuổi hơn) và nhân cách cao quý hơn, đó là cao hơn về giới, định và tuệ. Cung kính theo cách này, anh đã hoàn thành hàng tỷ thiện nghiệp. Rồi nếu, khi anh ta hai mươi lăm tuổi, một chướng nghiệp hay đoạn nghiệp bất thiện chín mùi, đe doạ thọ mạng của anh ta, thời những thiện nghiệp ‘cung kính’ ấy sẽ cắt đứt bất thiện nghiệp, và nhờ vậy anh ta sống cho đến hết tuổi thọ của mình. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là Āyuvaḍḍhana Kumāra.

Xưa, có hai vị đạo sĩ tu chung với nhau nhiều năm. Sau đó một người hoàn tục và lấy vợ. Khi vợ anh ta sanh đứa con trai đầu lòng, anh cùng với gia đình đi đến thăm và đảnh lễ vị đạo sĩ kia. Vị đạo sĩ chỉ nói, ‘Cầu mong cho quý vị được sống lâu’, với hai vợ chồng, mà không nói gì với đứa bé. Cha mẹ đứa bé lấy làm lạ, mới hỏi lý do tại sao ông không nói gì, và vị đạo sĩ nói với họ rằng đứa bé chỉ còn sống có bảy ngày nữa mà thôi. Và ông cũng nói thêm rằng ông không biết cách làm thế nào để ngăn cái chết của đứa bé, nhưng Đức Phật là người có thể biết.

Vì thế, hai vợ chồng vội đem đứa bé tới Đức Phật. Khi họ đảnh lễ Đức Phật, ngài cũng nói, Cầu mong cho thí chủ được sống lâu với hai vợ chống, mà không nói gì với đứa bé: và ngài cũng tiên đoán cái chết sắp tới của đứa bé. Và để ngăn cái chết khỏi xảy ra, ngài nói với hai vợ chồng cho dựng một cái rạp lớn ngay lối vào nhà họ. Ngài bảo họ đem đặt đứa bé trên một cái giường đặt giữa rạp, để nghe chư Tăng tụng kinh Paritta (Kinh Bảo Hộ). Rồi, trong bảy ngày, Đức Phật cử tám hoặc mười sáu vị Tỳ-kheo đến đó tụng kinh bảo hộ. Đến ngày thứ bảy, Đức Phật thân hành đến và đi cùng với ngài còn có các vị chư thiên trên toàn cõi thế gian: họ đến để nghe Đức Phật dạy Pháp. Lúc bấy giờ, một ác Dạ Xoa tên Avaruddhaka, đứng ở lối vào căn nhà, chờ có dịp để bắt đứa bé đi. Nhưng vì các vị chư thiên có oai lực hơn đã đến, nên Avaruddhaka phải lùi dần cho đến cuối cùng ông cách xa đứa bé cả hai mươi lý (1 lý = 3 hay 4 dặm). Và suốt đêm đó kinh paritta được tụng liên tục để bảo vệ đứa bé. Qua ngày hôm sau, đứa bé được bế xuống khỏi giường, và cho đảnh lễ Đức Phật. Lần này Đức Phật nói, cầu mong cho thí chủ sống lâu, với đứa bé ấy. Và khi người ta hỏi đứa bé sẽ sống được bao lâu, Đức Phật nói nó sẽ sống đến một trăm hai mươi tuổi. Vì thế đứa bé được đặt tên Āyuvaḍḍhana Kumāra (āyu = tuổi thọ; vaḍḍhana = tăng trưởng; Kumāra = cậu bé). Nếu phân tích kỹ trường hợp này, chúng ta hiểu rằng một thiện nghiệp đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để cho Āyuvaḍḍhana được tái sanh làm người. Chúng ta cũng hiểu rằng một đoạn nghiệp bất thiện mạnh hơn sắp cắt đứt quả của thiện nghiệp tái sanh ấy, vì thế chỉ sau một tuần làm người nữa đứa bé sẽ chết. Nhưng nhờ nghe chư tăng, và sau đó có cả Đức Phật, tụng kinh bảo hộ, nên thiện nghiệp thường kính lễ và tôn trọng các bậc tôn trưởng và giới đức trong quá khứ đã củng cố cho ‘nghiệp tái sanh làm người’ của cậu ta. Nghiệp được củng cố ấy mạnh đến nỗi thọ mạng của nó tăng trưởng từ một tuần theo mong đợi lên đến một trăm hai mươi tuổi. Vận hành của nghiệp là như thế.

Đó là lý do tại sao Đức Phật nói với thanh niên Subha, con trai của Todeyya:

Nghiệp phân biệt các chúng sanh, đó là, có người hạ liệt và người ưu thắng.

Bây giờ, quý vị hãy nghe lời giải thích thứ ba của Đức Phật cho thanh niên Subha.

NGƯỜI HAY NÃO HẠI 

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đát, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn. 

Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến nhiều bệnh hoạn, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đá, hay với cây gậy, hay với cây đao.

NANDA TINH QUÁI

Ví dụ điển hình của việc đi xuống địa ngục do đánh người với tay là trường hợp của da -xoa (yakkha) Nanda. Một lần, Tôn giả Xá-lợi -phất đang ngồi dưới ánh trăng, và chiếc đầu mới cạo của ngài chói sáng dưới ánh trăng. Khi ngài vừa nhập thiền, thì Nanda, một dạ -xoa, do tinh quái và tức bực đã đánh vào đầu ngài. Lực của cú đánh ấy mạnh đến nỗi nếu dạ -xoa này đánh vào một ngọn núi, ngọn núi ấy sẽ tách đôi. Nhưng do Tôn giả Xá-lợi-phất đã được thiền chứng bảo vệ, ngài chỉ cảm thấy một sự xúc chạm nhẹ trên đầu. Tuy nhiên, bất thiện nghiệp ấy đã làm nhiệm vụ như hiện báo nghiệp (nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại). Dạ xoa ấy la lên, ‘Tôi đang bị thiêu cháy! Tôi đang bị thiêu cháy! Và biến mất khỏi mặt đất, ngay lập tức y xuất hiện ở đại địa ngục.

Đây, chúng ta cần phải hiểu rằng điều này không xảy ra do bất kỳ năng lực nào của Tôn giả Xá-lợi-phất: nó chỉ xảy ra do sức mạnh của bất thiện nghiệp mà Nanda đã làm. Vận hành của nghiệp là thế. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói trong Kinh Dây Trói Buộc thứ hai: 

‘Do vậy, này các Tỷ- kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô.”

Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị ô nhiễm. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh’.

Nanda đã không kiểm soát được tâm của mình, không thể kiềm chế được hành động cố ý làm hại Tôn giả Xá-lợi-phất. Kết quả là y bị tái sanh trong địa ngục. Nếu quý vị muốn tránh tái sanh địa ngục, quý vị phải cố gắng kiểm soát tâm của mình, nhờ vậy quý vị có thể tránh được những bất thiện nghiệp.

NGƯỜI BẪY CHIM ĐỘC ÁC

Ví dụ điển hình khác về việc làm hại chúng sanh là trường hợp của Tôn giả Pūtigattatissa. Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa, khi mà thọ mạng của con người lên đến nhiều ngàn năm, ngài là một người bẫy chim (người đánh chim) tên gọi là Sākuṇika. Bất cứ khi nào ngài bắt được nhiều chim, ngài sẽ không giết chúng. Thay vào đó, ngài bẻ cánh và chân của những con chim ấy để chúng không trốn thoát được. Trải qua nhiều ngàn năm ngài đã làm điều này. Và cũng trong kiếp đó, có lần ngài đã đặt vào bát của một vị A-la-hán những vật thực quý giá, sau đó đảnh lễ (ngũ thể đầu địa) dưới chân vị ấy và phát nguyện chứng đắc A-la-hán Thánh Quả.

Vào lúc chết, nghiệp bất thiện hành hạ và giết chim trong nhiều ngàn năm ấy đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong địa ngục, ở đó ngài phải chịu nhiều sự hành hạ qua hàng triệu năm. Tuy nhiên, trong thời Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, nghiệp để bát của ngài chín mùi như sanh nghiệp để tạo ra quả tái sanh làm người trở lại. Do lời nguyện chứng đắc A-la-hán của ngài trong quá khứ, ngài được xuất gia làm Tỳ kheo. Nhưng bất thiện nghiệp não hại và giết quá nhiều chúng sanh ấy đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp để làm yếu đi thiện nghiệp để bát của ngài, vì thế nghiệp này không thể duy trì được sức khoẻ và kiếp sống Tỳ kheo của ngài nữa.

Một hôm, ngài đổ bệnh. Những ung nhọt nổi khắp cùng thân ngài. Những ung nhọt ấy mỗi ngày mỗi lớn hơn, và tiết ra chất mủ hôi hám ướt đẫm cả thân ngài. Từ đó ngài được gọi là trưởng lão ‘Tissa Thối-Thân’ (Pūti- Gatta-Tissa-Thera’). Rồi, sau một thời gian, xương của ngài bắt đầu phân huỷ. Và những vị Tỳ kheo bạn của ngài không thể chăm sóc cho ngài được nữa, bèn bỏ rơi ngài.

Khi Đức Phật khám phá ra sự việc, và với chính tay của mình ngài đã lau sạch sẽ cho Tôn giả Pūtigatta với nước ấm, rồi thay những tấm y dơ cho ngài. Việc làm này đã tạo ra một cảm giác dễ chịu nơi Tôn giả Pūtigatta, và tâm ngài càng lúc càng trở nên an tịnh hơn. Đức Phật lúc đó mới thuyết cho ngài một bài Pháp ngắn, và trong khi lắng nghe Pháp, Tôn giả Pūtigatta có thể quán tính chất vô thường, khổ và vô ngã trong các hành. Cuối thời Pháp, ngài trở thành một bậc Thánh A- la-hán. Tâm ngài thoát khỏi tham, sân, và si. Vận hành của nghiệp là thế. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói trong Kinh Dây Trói Buộc thứ hai:

“Do vậy, này các Tỷ- kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô.”

Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị ô nhiễm. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh’.

Bây giờ, chúng ta sẽ nghe câu trả lời thứ tư của Đức Phật cho thanh niên Subha:

NGƯỜI KHÔNG HAY NÃO HẠI

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đá, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới.

 Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, nếu người ấy sanh trở lại làm Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy không đa bệnh.

 Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến ít bệnh hoạn, này Thanh niên, tức là tánh không hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đá, hay với cây gậy, hay với cây đao.

Thiện nghiệp không làm hại và giết chết các chúng sanh có thể trực tiếp làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh hoặc một kiếp sống lâu dài trên thiên giới, hoặc một kiếp sống làm người trường thọ không có nhiều bệnh hoạn. Nếu một người còn hoàn thành các thiện nghiệp khác, như ba phước nghiệp sự (bố thí, trì giơi, tu thiền) hạnh của họ được tịnh hoá thêm nữa. Và nếu thiền của một người còn bao gồm bốn phạm trú (từ, bi, hỷ và xả), hạnh của họ thậm chí được làm cho thanh tịnh nhiều hơn nữa. Bốn phạm trú (cattāro brahma-vihāra) là:

  • Từ (mettā): ước mong rằng mọi chúng sanh đều được an vui.
  • Bi (karunā): ước mong rằng mọi chúng sanh không phải khổ.
  • Hỷ (muditā): hoan hỷ với hạnh phúc và thành công của người khác.
  • Xả (upekkhā): nhìn mọi chúng sanh với thái độ vô tư.

Khi một người hành bốn phạm trú này cho đến cận định hoặc bậc thiền, những nghiệp ấy có thể làm nhiệm vụ như những sanh nghiệp hay trì nghiệp mạnh mẽ nhất để tạo ra tái sanh: hoặc một đời sống lâu dài trên thiên giới, hoặc một kiếp sống làm người trường thọ và khoẻ mạnh. Lý do là vì khi một người tu tập và hoàn thành những nghiệp như vậy, tâm của họ có khuynh hướng thấy các chúng sanh thoát khỏi hiểm nguy; thoát khỏi khổ thân và khổ tâm; được an vui và hạnh phúc; và có khuynh hướng thấy các chúng sanh được trường thọ…Những nghiệp với thiện ý như vậy (khi chúng chín mùi) có thể tạo ra sức khoẻ và sống lâu trong một kiếp sống làm người. Do đó, nếu quý vị muốn được khoẻ mạnh và sống lâu, hãy thanh tịnh giới của mình, đừng làm hại hay giết hại các chúng sanh, đồng thời cố gắng tu tập bốn phạm trú. Vì như Đức Phật nói:

Này các Tỳ kheo, ước nguyện trong tâm của một người đức hạnh được thành tựu nhờ sự trong sạch của giới.

TÔN GIẢ BĀKULA VÔ BỆNH

Một ví dụ điển hình về giới thanh tịnh cùng với bốn phạm trú như vừa nêu là trường hợp của Tôn giả Bākula.

Một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trước, ngài là một Bà-la-môn đa văn. Với ước nguyện muốn thăng hoa hạnh phúc của mình trong những kiếp sống tương lai, ngài chọn sống đời đạo sĩ ở trong rừng. Tại đó, ngài đạt được sự thiện xảo trong tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế. Và rồi ngài sử dụng ‘thời giờ quý giá’ của mình để hiện tại lạc trú (hưởng hạnh phúc, an lạc của thiền).

Lúc bấy giờ, Đức Phật Anomadassī đã xuất hiện trên thế gian.639Một hôm Bākula có dịp được nghe Đức Phật thuyết pháp, và xin quy y Tam Bảo.

Lần nọ, Đức Phật bị bệnh đau bụng, Bākula đã cúng dường thuốc và trị được bệnh cho ngài. Cúng dường của Bākula đã hoàn thành bốn pháp:

  • Người cúng dường, Bākula, là người giới đức. Hơn nữa, giới của ngài còn được củng cố bằng tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế, vì chúng đè nén những triền cái cho ngài trong một thời gian lâu dài. Và ngài cũng đã quy y Tam Bảo.
  • Người thọ nhận, Đức Phật, được xem là bậc giới đức nhất trong toàn cõi thế gian.
  • Vật cúng dường, thuốc trị bệnh, có được một cách chân chánh, tức là lấy được từ trong rừng.
  • Người cúng dường có một nội tâm hoan hỷ, không ô nhiễm trước lúc cúng dường, trong lúc cúng dường và sau khi cúng dường. Nghĩa là vào lúc đó, tâm ngài thoát khỏi những phiền não. Ngài không tìm kiếm điều gì từ nơi Đức Phật, ngoại trừ các Ba-la-mật. Ngài biết quả của nghiệp này sẽ rất lớn, bởi vì ngài có thiên nhãn thông, biết được những vận hành của nghiệp.

Trong kinh ‘Phân Biệt Cúng Dường’, Đức Phật giải thích rằng nếu một nghiệp được hoàn thành với bốn pháp như vậy sẽ có quả rất lớn, và chắc chắn sẽ tạo ra quả tròn đủ của nó:

  • Khi một người giới đức cúng dường một vật,
  • Kiếm được một cách chân chánh, hay kiếm được đúng pháp, đến một người giới đức
  • Với tấm lòng chân thật, đặt niềm tin nơi quả của nghiệp là rất lớn, vật thí đó sẽ cho quả tròn đủ, Như Lai tuyên bố như vậy.

Cúng dường của Bākula đã hoàn thành bốn điều kiện này, và điều đó có nghĩa là nó sẽ cho quả tròn đủ.

Sau đó, khi Đức Phật bình phục và khoẻ mạnh trở lại, Bākula đã đi đến gặp Đức Phật và phát nguyện rằng:

Bạch Đức Thế Tôn, nhờ thuốc của con mà Như Lai đã bình phục. Do thiện nghiệp này, cầu mong cho bất kỳ kiếp sống nào con sinh ra, sẽ không có một chứng bệnh nào xuất hiện trên thân con dù chỉ trong vài giây.

Do nghiệp mạnh mẽ và trong sạch của ngài, cùng với lời nguyện này, trong bất kỳ kiếp sống nào sanh ra ngài không bao giờ phải nếm mùi bệnh hoạn, dù chỉ trong vài giây. Vận hành của nghiệp là thế.

Đó là lý do tại sao Đức Phật nói trong ‘Dān-Ūpapatti-Suttaṁ’ (‘Kinh Thọ Sanh Do Bố Thí’):

Này các Tỳ kheo, ước nguyện trong tâm của một người đức hạnh được thành tựu nhờ sự trong sạch của giới.

Nếu quý vị muốn hoàn thành những nghiệp cao thượng khi làm việc bố thí hay cúng dường quý vị nên noi theo tấm gương của ngài Bākula.

Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Anomadassī, Bākula đã hoàn thành rất nhiều ba-la-mật, kể cả ba-la-mật thiền, trong khoảng một trăm ngàn năm. Ngài đã duy trì được thiền cho đến lúc chết, vì thế nó trở thành một trọng nghiệp thiện, và ngài được tái sanh trong cõi Phạm Thiên. Ngài cứ luân phiên lúc tái sanh thiên giới, lúc tái sanh cõi nhân loại như vậy trong khoảng một A-tăng-kỳ kiếp, và không bao giờ bị một chứng bệnh nào cả.

Đến thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, Bākula là một gia chủ trong kinh thành Haṁsāvatī. Khi nghe Đức Phật tuyên bố một vị Tỳ-kheo nọ là đệ nhất về sức khoẻ (vô bệnh đệ nhất), ngài đã phát nguyện được trở thành một vị tỳ kheo đệ nhất như vậy trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật tương lai. Cho đến lúc đó ngài đã hoàn thành được nhiều thiện nghiệp, như cúng dường tứ vật dụng đến Đức Phật và Chúng Tăng. Đức Phật Padumuttara thấy rằng Bākula sẽ hoàn thành được những ba-la-mật cần thiết để thành tựu lời nguyện này, và thọ ký rằng điều này sẽ xảy ra trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Gotama. Suốt kiếp sống trường thọ một trăm ngàn năm ấy, Bākula đã hoàn thành nhiều thiện nghiệp như bố thí, trì giới và tu tập thiền chỉ cũng như minh sát cho đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Trước thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Vipassī (Tỳ-bà-thi), ngài tái sanh ở xứ Bandhumatī, ở đây ngài cũng xuất gia đạo sĩ. Khi đức bồ-tát thành Phật, Bākula trong kiếp đó cũng gặp Đức Phật, và quy y Tam Bảo. Tuy nhiên, dù có đức tin nơi Đức Phật, ngài vẫn không thể từ bỏ đời sống đạo sĩ của mình. Mặc dù vậy, ngài cũng lắng nghe những bài Pháp của Đức Phật, và trong khoảng một trăm ngàn năm, ngài đã hành thiền chỉ và thiền minh sát theo những chỉ dẫn của Đức Phật tại nơi trú ngụ của ngài trong rừng. Thêm nữa, với năng lực thần thông, ngài còn đi hái thảo dược ở trong rừng, làm thành thuốc, và dâng cúng cho các vị tỳ kheo bệnh. Khi làm điều này, tư (cetanā) của ngài chỉ là để chữa bệnh cho các Tỳ kheo mà thôi: có lần, ngài đã chữa lành bệnh cho nhiều vị Tỳ kheo do hít phải mùi của những bông hoa độc. Trong kiếp đó, một lần nữa ngài đã duy trì được thiền cho đến lúc chết, điều này có nghĩa rằng ngài lại được tái sanh trong cõi Phạm Thiên. Và trong khoảng chín mươi mốt kiếp, ngài luân lưu hết cõi chư thiên này đến cõi chư thiên khác, với đôi lúc làm người.

Đến thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa,646ngài sanh làm người, và đã hoàn thành được nhiều thiện nghiệp nhờ tu sửa các tu viện cũ kỹ, hư hỏng, và giúp các vị Tỳ kheo bệnh được khoẻ mạnh. Do thiện nghiệp này, và cũng do thiện nghiệp tiền kiếp đã chữa lành bệnh cho Đức Phật Anomadassī, Bākula đã hưởng được sự trường thọ và sức khoẻ hoàn hảo trong mọi kiếp sống.

Trước khi Đức Phật Gotama của chúng ta xuất hiện, ngài tái sanh ở xứ Kosambī, trong gia đình của một viên hội đồng tỉnh. Một hôm, trong khi người vú đang tắm cho ngài ở bến sông Yamunā, thì bị tuột tay đánh rơi ngài xuống nước, và một con cá lớn đã nuốt lấy ngài: nhưng ngài không chết. Mạng sống của ngài được giữ gìn bằng năng lực của sự thanh tịnh trong kiếp cuối; đó là sự thể hiện của trí biến mãn thần biến (ñāṇa -vipphāra iddhi).647 Năng lực thần thông này xuất hiện là do ba -la-mật của ngài quá nhiều đến nỗi ngài không thể chết mà không đắc A-la-hán Thánh Đạo Trí: điều này là chắc chắn đối với cái chết cuối cùng của ngài.

Con cá sau khi nuốt Bākula đã bị một người đánh cá bắt được, và bán cho vợ của một viên hội đồng tỉnh khác ở Bārāṇasī. Khi con cá được mổ ra, người ta phát hiện đứa bé không bị tổn thương gì, và vợ của viên hội đồng đã nhận nuôi đứa bé như con trai của mình. Câu chuyện sau đó lan truyền đến xứ Kosambī, cha mẹ của Bākula đã đi đến Bārāṇasī để đòi lại con của mình. Nhưng người mẹ nuôi từ chối. Trường hợp của họ đã được đưa lên đức vua, và nhà vua ban lệnh cả hai gia đình cùng chia phần nuôi dưỡng Bākula: đó là lý do vì sao tên của ngài được gọi là Bākula (bā = hai; kula = gia đình). Sau khi sống một đời sống vinh hoa, ở tuổi tám mươi, một lần Bākula đi nghe Pháp của Đức Phật chúng ta, và có được niềm tin nơi Tam Bảo, lần này ngài xuất gia làm Tỳ-kheo. Chỉ trong vòng tám ngày sau thọ giới ngài trở thành một bậc Thánh A-la-hán với tứ tuệ phân tích. 

Bākula được Đức Phật tuyên bố là vị đệ tử có sức khoẻ tốt đệ nhất. Ngài cũng là một trong bốn vị Tỳ-kheo có đại thần thông (mah -ābhiññā) 650trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta. Ngài sống đời Tỳ-kheo trong tám mươi năm, và đến tuổi một trăm sáu mươi, ngài nhập Niết Bàn Tối Hậu (Parinibbāna) khi đang ngồi trên giàn thiêu. Sự trường thọ và sức khoẻ hoàn hảo của ngài là do thiện nghiệp mà ngài đã hoàn thành trong những kiếp sống trước, dựa trên giới thanh tịnh.

Đây, tôi muốn bàn thêm một ít về những vận hành của nghiệp. Khi Bākula cúng dường thuốc trị bệnh đến Đức Phật Anomadassī, ước mong được thấy Đức Phật khoẻ mạnh của ngài rất mãnh liệt: tư (cetanā) của ngài rất mạnh. Và khi ngài chữa bệnh cho các vị Tỳ-kheo trong Giáo Pháp của Đức Phật Vipassī cũng vậy, ước mong được thấy họ khoẻ mạnh rất lớn: như vậy tư của ngài trong trường hợp này cũng rất mạnh. Nói chung, ước mong thấy các con người giới đức được khoẻ mạnh là nghiệp chí thiện, nó làm nhiệm vụ như sanh nghiệp hoặc trì nghiệp để giữ cho một người được khoẻ mạnh trong các kiếp sống tương lai.

Quý vị có muốn được tái sanh cõi trời không? Quý vị có muốn được một kiếp người trường thọ và khoẻ mạnh không? Nếu quý vị muốn như vậy, quý vị nên cố gắng là một người không đả thương và giết hại những chúng sanh khác, và cố gắng học theo những gì Bākula đã làm, đó là:

  • Quý vị phải cố gắng làm cho hạnh (caraṇa) của mình được thanh tịnh bằng cách giữ giới.
  • Quý vị phải bố thí thuốc và thuốc trị bệnh đến những người giới đức với tất cả tấm lòng của mình, đó là, bố thí mà không mong đợi người thọ nhận đáp trả điều gì.
  • Quý vị phải tu tập thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassanā) cho đến khi thành công, và phải chắc chắn là mình thông thạo bốn phạm trú (từ, bi, hỷ và xả).

Sở dĩ một người đả thương và sát hại những chúng sanh khác là vì phiền não (tham, sân, si). Chúng không tạo ra tái sanh trên cõi trời, và cũng không tạo ra một kiếp sống làm người trường thọ và khoẻ mạnh: chúng chỉ tạo ra tái sanh trong bốn cõi khổ, và một kiếp sống làm người đoản thọ và lắm phiền muộn. Vận hành của nghiệp là thế. 

Những vận hành của nghiệp như vậy là lý do tại sao Đức Phật nói:

Này các Tỳ kheo, ước nguyện trong tâm của một người đức hạnh được thành tựu nhờ sự trong sạch của giới.

Bây giờ chúng ta hãy nghe lời giải thích thứ năm của Đức Phật cho thanh niên Subha.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *