VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

ĐÃ LÀM XONG NHỮNG GÌ CẦN PHẢI LÀM

Chắc quý vị còn nhớ trước tiên Đức Phật giải thích rằng vị đa văn Thánh Đệ Tử thực hành minh sát trên mười một loại của năm uẩn, quán chúng đúng theo thực tại với Chánh Trí Tuệ như: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.’ Thấy chúng là rỗng không theo cách này, vị đa văn Thánh Đệ Tử trở nên nhàm chán đối với năm uẩn:

Thấy như vậy, này các Tỳ kheo, vị đa văn Thánh Đệ Tử

  • với chính sắc này đã được nhàm chán;
  • với chính thọ này đã được nhàm chán;
  • với chính tưởng này đã được nhàm chán;
  • với chính các hành này đã được nhàm chán;
  • với chính thức này đã được nhàm chán;
  • Do nhàm chán, vị ấy ly tham; do ly tham, vị ấy được giải thoát. 
  • Trong giải thoát, trí khởi lên: ‘Ta đã được giải thoát.’
  • Vị ấy biết ‘Sanh đã tận; đời phạm hạnh đã thành (đã được sống); những gì cần làm đã làm xong; vượt qua điều này không có gì thêm nữa.’

Trong ngôn ngữ của pháp hành, nó có nghĩa là gì?

  • Vị ấy ly tham (virajjati): ở đây, Đức Phật đang nói tới Đạo Trí.
  • Do ly tham, vị ấy được giải thoát (virāgā, vimuccati): ở đây, Đức Phật đang nói tới Quả Trí.

Trong giải thoát, trí (ñāṇa) khởi lên: ‘Ta đã giải thoát (vimuttaṁ)’: ở đây, Đức Phật đang nói đến Trí Phản Khán hay Trí Suy Xét (Paccavekkhaṇa-Ñāṇa). Sau sự sanh khởi của các Đao&Quả Trí, luôn luôn có Phản Khán Trí: duyệt lại những gì đã thành tựu.

Vị ấy biết: ‘Sanh đã tận; phạm hạnh đã thành; những gì cần làm đã làm xong, vượt qua điều này không còn gì thêm nữa (n-āparaṁ itthattāya):Trong bài kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ nhất, Đức Phật giải thích sự việc này theo một cách khác. Ở đó ngài nói:

[1] Vị ấy được giải thoát khỏi sắc (parimuccati rūpamhā);

[2] Vị ấy được giải thoát khỏi thọ (parimuccati vedanāya)

[3] Vị ấy được giải thoát khỏi tưởng (parimuccati saññāya)

[4] Vị ấy được giải thoát khỏi hành (parimuccati saṅkhārehi).

[5] Vị ấy được giải thoát khỏi thức (parimuccati viññāṇamha);

Vị ấy được giải thoát khỏi sanh, khỏi già&chết, khỏi sầu, khỏi bi, khỏi khổ, khỏi ưu, và khỏi não (parimuccati jātiyā jarāmaṇena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi).

‘Vị ấy được giải thoát khỏi khổ’ Ta tuyên bố (Parimuccati dukkhasmā’ti vadāmi).

Đây là A-la-hán Thánh Quả.

Quả vị này có cao quý không? Có, quả vị này rất cao quý! Nó được xem là cao quý nhất, là hạnh phúc cao tột hay an lạc tối thượng nhất (parama sukha). Cũng vì lý do này mà chư Phật xuất hiện ở đời. Đó là lý do tại sao chư Phật giảng dạy Pháp cao thượng (Buddhānaṁ sāmukkaṁsikā Dhamma-desanā). Pháp chỉ được tìm thấy trong Giáo

Pháp của chư Phật Chánh Đẳng Giác. Chính vì điều này mà chư Phật giảng dạy Tứ Thánh Đế. Bởi vì chỉ có tuệ tri Tứ Thánh Đế người ta mới có thể thành tựu được sự giải thoát vĩnh viễn, hay phi thời giaỉ thoát (a-sāmāyikaṁ): đó là, giải thoát siêu thế (lokuttaro vimokkho), mà A-la-hán Thánh Đạo và Thánh Quả Trí là cao nhất.

Bây giờ tôi sẽ hỏi quý vị: phận sự của vị Thánh A-la-hán là gì? Trong khi chờ đến thời để nhập Bát-Niết-Bàn vị A-la-hán vẫn giữ Giới Luật, học và giảng dạy Pháp như Đức Phật đã dạy,[296] nhờ vậy những người khác có thể có cơ hội học Pháp, và tự mình chứng đắc một Đạo Quả nào đó: đó là những phận sự của bậc A-la-hán.

HAI LOẠI BÁT NIẾT BÀN

Đức Phật nói về hai loại Bát-Niết-Bàn (parinibbāna):

  • Niết-bàn giới hữu dư y (sa-upādisesā Nibbāna dhātu): ở đây, như chúng tôi đã để cập, bốn Đạo Trí lấy Vô-Vi Giới (Asaṇkhata-Dhātu) làm đối tượng. Khi lấy Niết-Bàn làm đối tượng như vậy, chúng huỷ diệt các phiền não theo từng giai đoạn. Và với Đạo Trí thứ tư, A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa), có sự diệt không còn dư tàn của các phiền não: đó là, các phiền não mãi mãi không còn khởi lên nữa. Vì vậy, loại Bát-Niết-Bàn (parinibbāna) này cũng được gọi là phiền não Bát Niết-bàn (kilesa-Parinibbāna).Với phiền não Niết-bàn có sự đoạn tận của dục tham (rāga-kkhayo), sự đoạn tận của sân (dosa-kkhaya), và sự đoạn tận của si (moha-kkhayo).Điều đó có nghĩa là năm nhân khiến cho có sự tái sanh trong tương lai đã bị đoạn diệt:vô minh, các hành, ái, thủ, và sự hiện hữu của nghiệp lực đã chấm dứt không còn hiện hữu, vì vậy tư của vị A-la-hán chỉ là duy tác (kiriya).[300] Tất cả những nghiệp đã hoàn thành trước A-la-hán Thánh Quả, có sức mạnh hay tiềm lực để tạo ra một hiện hữu mới trở thành vô hiệu lực.[301] Nhưng các uẩn của vị A-la-hán không diệt; chúng vẫn tồn tại. Nếu vị A-la-hán là một con người hay một vị chư thiên dục giới, thời vẫn có thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, và thọ. Vị A-la-hán là người thì vẫn có thức được an trú trong cõi người, trong cõi dục, và thân vẫn cảm thọ những thọ khổ, thọ lac, và thọ xả. Nhưng do tất cả phiền não đã được đoạn trừ, tâm vị ấy không còn cảm nghiệm những cảm thọ ưu (domanassa-vedanā).
  • Niết-Bàn giới vô dư y (an-upādisesā Nibbāna dhātu): trong Niết Bàn này các uẩn diệt hoàn toàn. Vì vậy, nó cũng được gọi là ngũ uẩn Bát-Niết-Bàn (khandha-Parinibbāna). Nhưng nếu vị A-la-hán đó là một con người, thì vẫn còn lại một loại sắc uẩn, đó là sắc do thời tiết sanh (utuja-rūpa), hay tử thi: nếu tử thi này được hoả thiêu, có thể sẽ còn lại xá-lợi (dhātu). Để ngăn ngừa những sự hiểu lầm, có lẽ chúng ta nên bàn về sự kiện Bát-Niết-Bàn của vị A-la-hán.
  • Năm quả thể hiện sự tái sanh hiện tại giờ đây đã diệt. Đối với vị A-la-hán là người hay chư thiên dục giới thì đó là sự diệt không còn dư tàn của thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, và thọ. Ở đây cũng vậy, ‘sự diệt không còn dư tàn’ có nghĩa là (diệt rồi) không còn sanh thêm nữa. Thức của vị A-la-hán sanh lên, trụ và diệt, và rồi không còn sanh thêm nữa. Sự kiện này có nghĩa rằng tất cả những cảm thọ khổ (khổ thân và khổ tâm), những cảm thọ lạc, và những cảm thọ trung tính, đã diệt không còn dư tàn. Sự diệt không còn dư tàn của những phiền não và nghiệp lực là nhân, và sự diệt không còn dư tàn của năm uẩn là quả.

Phiền não Bát Niết-Bàn của Đức Phật chúng ta xảy ra tại Uruvelā, bên bờ Sông Ni-Liên-Thiền (Nerañjarā) dưới cội cây Bồ-Đề: tại đó, ngài đã chứng Niết Bàn Giới Vô Vi với bốn Thánh Đạo và Bốn Thánh Quả của ngài. Ngài tiếp tục sống trong bốn mươi lăm năm để giảng dạy Pháp (Dhamma). Nhiều lần ngài cũng phải chịu đựng sự đau đớn và không thoải mái của thân, do những vẫn đề tiêu hoá. Và khi Đề-bà- đạt-đa (lăn đá) khiến một mảnh đá văng vào chân, Ngài cũng phải chịu cái đau rất lớn của thân. 

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, ngài kham nhẫn cái đau, chánh niệm và tỉnh giác, không bị khổ tâm. Rồi khi Đức Phật của chúng ta tám mươi tuổi, giữa hai hàng cây Sala ở Kusināra, ngũ uẩn Bát-Niết-Bàn của ngài xảy ra.

Chỉ với sự chứng đắc ngũ uẩn Bát-Niết-Bàn một người mới có thể chấm dứt mọi khổ đau, do không có sự tái sanh của các uẩn nữa: vị A-la-hán đạt đến Bát-Niết-Bàn với thức không an trú (apatiṭṭhita).

Để ngăn những sự hiểu lầm, tôi sẽ nói qua về thức an trú (patiṭṭhita) và thức không an trú (apatiṭṭhita).

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *