VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP 

ĐẠO VÀ QUẢ

Có bốn Đạo Trí (Magga-Ñāṇa) cùng với bốn Quả Trí (Phala-Ñāṇa) tương ứng. Chúng là những tốc hành tâm (javana) siêu thế, vốn chỉ lấy Niết-bàn làm đối tượng. Như đã nói ở trước, tốc hành tâm là các hành (saṅkhāras): chúng thực hiện Nghiệp (kamma). Trong khi mỗi hành sanh lên rồi liền diệt, thì nghiệp lực (kamma-satti) vẫn tồn tại trong cùng tương tục danh sắc đó. Tiềm lực này có thể cho yếu tố tư (cetanā) của các hành ấy khả năng chín mùi như một nghiệp quả (kamma-vipāka) trong tương lai: hoặc trong kiếp này hoặc trong kiếp khác. Một Đạo Trí làm nhiệm vụ như hiện báo nghiệp, với quả của nó phát sanh trong sát-na tâm kế như Quả Trí (Phala Ñāṇa) tương ứng của nó: Chẳng hạn, Nhập Lưu Thánh Quả Trí là quả nghiệp của Nhập Lưu Thánh Đạo Trí.

Tuy nhiên, nghiệp của một Tâm Đạo là độc nhất vô nhị. Vì sao? Hãy lấy tư của một tâm hiệp thế: dù đó là tư của dục giới (như tư bất thiện của sát sanh, trộm cắp, tà dâm…, hay tư thiện của bố thí, trì giới, tu thiền), hoặc đó là tư thiện của sắc giới, vô sắc giới, thì tư ấy vẫn có nghiệp lực. Tiềm lực này có thể chín mùi để tạo ra tái sanh vào một hiện hữu mới. Nó cũng có thể chín mùi để tạo ra những quả tốt hoặc xấu trong quá trình của một hiện hữu. Nhưng tư của Tâm Đạo không vận hành theo cách đó. Bởi vì nó lấy Niết-bàn siêu thế làm đối tượng (Vô Vi Giới-Asaṅkhata-Dhātu), nó đoạn diệt các phiền não, đoạn diệt nghiệp lực của tư (cetanā) theo từng giai đoạn: với A-la-hán Thánh Đạo Trí, tất cả phiền não sẽ bị đoạn trừ, nghiệp lực của tư (cetanā) cũng sẽ bị đoạn trừ hoàn toàn. Tư của vị A-la-hán lúc đó là tư duy tác thuần tuý. Nó được xem là kỳ diệu nhất.

Khi chúng ta hành thiền định (jhāna), những nghiệp thiền này sẽ đè nén phiền não trong một thời gian lâu dài: một giờ, hai giờ v.v…Và khi chúng ta hành thiền minh sát cao thượng, những nghiệp thiền minh sát cũng đè nén phiền não như vậy. Đây là những gì Đức Phật gọi là tâm giải thoát (ceto-vimutti) có hạn kỳ (sāmāyika).[283]Nhưng sau một thời gian những phiền não này sẽ xuất hiện lại. Đúng không? Ngay cả những nghiệp minh sát cao thượng mà chúng ta vừa bàn đến, như Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa) chẳng hạn: nó được xem là một thiện nghiệp cao thượng nhất, và khi nó sanh, sẽ không có phiền não. Nhưng như đã nói, người ta có thể tiến đến mức minh sát trí ấy trong Giáo Pháp của nhiều vị Phật, tuy nhiên những vẫn sẽ quay trở lại, và họ sẽ phải bị tái sanh vô số lần.

Tại sao phiền não sanh trở lại? Bởi vì chúng chỉ bị đè nén mà thôi. Thực sự chúng vẫn hiện hữu như những lực ngủ ngầm hay tuỳ miên (anusaya). Vì vậy, thiền định và thiền minh sát chỉ giải thoát tạm thời khỏi các phiền não và sự giải thoát này được gọi là giải thoát hiệp thế (lokiyo vimokkho).

Tuy nhiên, các Nghiệp Đạo (Magga Kammas) không đè nén phiền não: bởi vì các Nghiệp Đạo lấy Vô Vi Giới làm đối tượng, chúng huỷ diệt những phiền não. Khi một phiền não, như tà kiến chẳng hạn, đã bị huỷ diệt bằng Nhập Lưu Thánh Đạo Trí, tà kiến ấy sẽ không khởi lên trở lại trong tương tục danh-sắc của chúng ta. Trong quảng đời còn lại, trong kiếp kế, và ngay cả nếu chúng ta có phải tái sanh trong bảy kiếp khác, phiền não ấy cũng không bao giờ khởi.

Khi chúng ta tiến từ một Đạo Trí này đến một Đạo Trí khác, càng lúc càng nhiều các kiết sử, triền cái, phiền não, v.v…bị huỷ diệt: từ những phiền não rất thô đến những phiền não rất vi tế. Cuối cùng, tất cả những phiền não bị huỷ diệt hoàn toàn không còn tàn dư. Vào lúc sanh khởi của A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa), sẽ không còn bất cứ loại phiền não nào khởi lên trở lại nữa.

BỐN ĐẠO TRÍ

Kế đến chúng ta sẽ bàn về việc các Đạo Trí giải thoát một người khỏi các phiền não theo từng giai đoạn như thế nào, cho đến khi họ hoàn toàn giải thoát khỏi các phiền não vào lúc đắc A-la-hán Thánh Quả.

NHẬP LƯU

Đạo Trí thứ nhất, Nhập Lưu Thánh Đạo Trí (Sot-Āpatti-Magga-Ñāṇa), huỷ diệt ba kiết sử (saṁyojana): thân kiến (sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlabbata-parāmāsa). Bậc Thánh Nhập Lưu giờ đây có niềm tin bất động nơi Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo). Bậc Thánh Nhập Lưu giờ đây có niềm tin bất động nơi tam học (giới, định, tuệ), có niềm tin bất động nơi các kiếp quá khứ, có niềm tin bất động nơi các kiếp tương lai, có niềm tin bất động nơi các kiếp quá khứ và tương lai, và có niềm tin bất động nơi pháp duyên sanh.835Điều này có nghĩa rằng bậc Thánh Nhập Lưu không thể còn chấp giữ một tà kiến nào về những vận hành của nghiệp nữa.

Hơn nữa, cùng với sự sanh khởi của Nhập Lưu Thánh Đạo là sự sanh khởi của Bát Thánh Đạo (Ariya Aṭṭhaṅgika Magga): điều đó có nghĩa rằng Chánh Ngữ (Sammā -Vācā), Chánh Nghiệp Sammā-Kammantā), và Chánh Mạng (Sammā-Ājīva) đã sanh.[284] Điều này có nghĩa bậc Thánh Nhập Lưu không thể nào còn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và không thể nào còn uống rượu và bia. Vị ấy cũng không thể nào còn bỏn xẻn, ích kỷ (macchariya).

Những tâm tham và sân có thể dẫn đến một sự tái sanh bất hạnh như vậy đã được đoạn trừ: vị ấy không thể nào còn tạo tác những nghiệp bất thiện thuộc loại có thể dẫn đến tái sanh bất hạnh nữa.

Vả lại, Nhập Lưu Thánh Đạo Trí còn làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp để cắt đứt tất cả những bất thiện nghiệp (đã làm trước đây trong kiếp này, và vô lượng kiếp quá khứ) nào có thể chín mùi vào lúc chết để tạo ra một tái sanh bất hạnh: đó có thể là một sanh báo nghiệp bất thiện, hoặc một hậu báo nghiệp. Những nghiệp như vậy sẽ hoàn toàn trở thành vô hiệu lực nghiệp.

Tuy nhiên, Nhập Lưu không phải là cứu cánh của sự tu tập. Bậc Thánh Nhập Lưu vẫn còn là một vị hữu học (sekha), và Đức Phật nói vị ấy phải không tự mãn với địa vị Nhập Lưu của mình, mà một nỗ lực phải được thực hiện trong kiếp này để đạt đến A-la-hán Thánh Quả.

Như vậy phận sự của vị Nhập Lưu là gì? Là làm như trước: Tức là vị ấy phải quán năm uẩn như không có thường, lạc, ngã, và tịnh. Rồi khi ba-la-mật của vị ấy chín mùi, vị ấy có thể tiến tới Đạo Trí thứ hai.

Tuy nhiên, nếu một người chết như một bậc Thánh Nhập Lưu, duy nhất chỉ một thiện nghiệp có thể tạo ra tái sanh: hoặc trong cõi người hoặc trong một cõi chư thiên nào đó. Dù cho sanh ở đâu, người ấy vẫn phải quán năm uẩn như không có thường, lạc, ngã, và tịnh trở lại. Và chắc chắn vị ấy sẽ đắc A -la-hán Thánh Quả trong tối đa bảy kiếp, hoặc như một con người, hoặc như một vị chư thiên hay Phạm thiên. Nhanh chậm như thế nào tuỳ thuộc vào nỗ lực và Ba-la-mật của người ấy. 

NHẤT LAI

Đạo Trí thứ hai, Nhất Lai Thánh Đạo Trí (Sakad-Āgāmi-Magga-Ñāṇa), không huỷ diệt phiền não mà chỉ làm yếu thêm hai kiết sử tham dục và sân, kể cả hối hận. Với Nhất Lai Thánh Đạo, người ta không thể nào còn vướng vào tà hạnh trong các dục, nói lời vu khống, nói lời thô ác, hoặc ác ý, sân hận. Và bậc Thánh Nhất Lai chắc chắn sẽ đạt đến A-la-hán Thánh Quả trong hai kiếp, hoặc như một con người, chư thiên, hay Phạm thiên. Nhanh chậm thế nào tuỳ thuộc vào nỗ lực và ba-la-mật của vị ấy.

Và cũng vậy, dù sinh trong nhân giới, hay thiên giới, phận sự của bậc Thánh Nhất Lai (Sakad -Āgami) là quán các hành như không có thường, lạc, ngã và tịnh. Rồi, khi ba-la-mật của vị ấy chín mùi, vị ấy có thể tiến đến Đạo Trí thứ ba.

BẤT LAI

Đạo Trí thứ ba, Bất Lai Thánh Đạo Trí (An-Āgāmi-Magga-Ñāṇa), huỷ diệt những dục tham, và sân còn lại, kể cả hối hận. Vị Thánh Bất Lai không thể nào còn phạm vào dục hạnh, hay nói lời vu khống, lời thô lỗ, hay ác ý, sân hận.

Sở dĩ được gọi Thánh Bất Lai (An-Āgāmi) là vì Bất Lai Thánh Đạo Trí làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp để cắt đứt tất cả nghiệp (đã làm trước đó trong kiếp này, và trong những kiếp quá khứ vô tận) có thể chín mùi vào lúc chết để tạo ra tái sanh trong cõi dục giới: hoặc sanh báo nghiệp thiện, hoặc hậu báo nghiệp thiện. Tất cả những nghiệp ấy sẽ trở thành vô hiệu lực. Bậc Thánh Bất Lai sẽ không bao giờ còn quay trở lại cõi người hay nhữngcõi trời dục giới.

Vào lúc chết của bậc Thánh Bất Lai, chỉ một nghiệp thiền (jhāna) mới có thể tạo ra tái sanh: trong Phạm Thiên giới. Và vị ấy chắc chắn sẽ đắc A-la-hán Thánh Quả như một vị Phạm Thiên trong một kiếp sau. Nhanh như thế nào tuỳ thuộc vào nỗ lực và ba-la-mật của vị ấy. Và cũng vậy, phận sự của vị Thánh Bất Lai là quán các hành như không có thường, lạc, ngã, và tịnh. Rồi khi ba -la-mật của vị ấy chín mùi, vị ấy có thể tiến đến Thánh Đạo Trí thứ tư. Và cũng vậy, phận sự của bậc Thánh Bất Lai là quán các hành như không có thường, lạc, ngã và tịnh. Rồi, khi ba-la-mật của vị ấy chín mùi, vị ấy có thể tiến đến Đạo Trí thứ tư.

A-LA-HÁN

Đạo Trí thứ tư, A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa’), huỷ diệt mọi tham ái đối với sắc hữu và vô sắc hữu (rūpa -bhava, arūpa -bhava- tham muốn tái sanh cõi sắc giới và vô sắc giới), hôn trầm- thuỵ miên (thina-middha), mạn (māna), trạo cử (uddhacca), và vô minh (avijjā). Vị A-la-hán không thể nào còn dự phần vào những chuyện nhảm nhí hay tham muốn. Tóm lại, A-la-hán Thánh Đạo Trí đã huỷ diệt hoàn toàn tham (lobha), sân (dosa), và si (moha), huỷ diệt hoàn toàn vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā).

Như đã nói ở trên, để có nghiệp, cần phải có vô minh và tham ái: không có vô minh và tham ái, không có nghiệp. Vì thế những hành động của vị A-la-hán không tạo ra nghiệp: không tạo ra bất thiện nghiệp cũng không tạo ra thiện nghiệp; không tạo ra hiện báo nghiệp, cũng không tạo ra sanh báo nghiệp, và hậu báo nghiệp. Tư (cetanā) của vị A-la-hán là duy tác (kiriya) thuần tuý.

A-la-hán Thánh Đạo Trí làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp nhằm cắt đứt những nghiệp còn lại nào có thể chín mùi vào lúc chết để tạo ra bất kỳ một loại tái sanh nào. Tất cả những nghiệp như vậy sẽ trở thành vô hiệu lực. Vào lúc chết của một vị A-la-hán, không có sự tái sanh, dù ở bất cứ nơi đâu. Không trong cõi dục giới, không trong cõi sắc giới, và cũng không trong cõi vô sắc giới: và ở đây chúng ta phải nhớ rằng một vị Phật cũng là một bậc A-la-hán.

SỰ KHÔNG VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

Vị A-la-hán được gọi là một bậc vô học (a-sekha), hay một vị đã tinh thông, bởi vì vị ấy đã hoàn tất tam học: giới (sīla), định (samādhi), và tuệ (paññā). Khi tam học được hoàn tất, tâm một người được tịnh hoá khỏi các phiền não. Có thể nói tam học là toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật (Buddhāna Sāsanaṁ).

Đức Phật giải thích điều này trong một bài kệ:

Sabba-pāpassa a-karaṇaṁ, Không làm mọi điều ác,
Kusalassa upasampadā, Tích tạo các điều thiện,
Sa-citta-pariyodapanaṁ, Giữ cho tâm thanh tịnh:
etaṁ Buddhāna Sāsanaṁ. Đây Lời Dạy Chư Phật.

Chư Phật dạy người ta không làm điều ác. Đó là giới học và cũng là thiện nghiệp (kusala kamma). Và chư Phật dạy người ta tịnh hoá tâm của mình. Đó là định học, và tuệ học: định là thiện nghiệp, và tuệ cũng là thiện nghiệp. Như chúng tôi đã giải thich nhiều lần, việc thoát khỏi khổ đòi hỏi một người phải hoàn thành ba loại thiện nghiệp này qua nhiều kiếp sống. Rồi, khi ba-la-mật của một người chín mùi, tâm họ được tịnh hoá theo từng giai đoạn bằng bốn Thánh Đạo Trí: chúng được xem là mạnh mẽ nhất trong tất cả thiện nghiệp, bởi vì chúng huỷ diệt tất cả những bất thiện nghiệp và thiện nghiệp vốn có thể tạo ra tái sanh. Khi tâm của một người được tịnh hoá bằng Đạo Trí cùng tột, A-la -hán Thánh Đạo Trí, những hành động của họ không còn bất kỳ một tiềm lực nghiệp nào nữa: những hành động của họ lúc đó chỉ là duy tác thuần tuý (kiriya).

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng nhờ hoàn thành những thiện nghiệp qua nhiều kiếp sống, cuối cùng một người huỷ diệt được nghiệp. Và chúng ta cũng có thể nói rằng nhờ những vận hành của thiện nghiệp mà một người thành tựu sự không vận hành của nghiệp. Lúc đó kể như họ đã làm xong những gì cần phải làm (kataṁ karaṇīyaṁ).

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *