VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

KẾT LUẬN

Chúng tôi sẽ kết luận bằng cách tóm tắt lại mười hai loại nghiệp. Trước tiên chúng ta bàn về những vận hành của nghiệp theo thời gian cho quả, nghĩa là theo cách khi nào thì nghiệp sẽ cho quả. Phần này chúng ta bàn đến bốn loại:

  • Hiện báo nghiệp (diṭṭha-dhamma-vedanīya-kamma): nghiệp có hiệu lực hay cho quả trong cùng kiếp sống của cá nhân ấy (atta-bhāva).
  • Sanh báo nghiệp (upapajja-vedanīya-kamma): nghiệp có hiệu lực hay cho quả trong kiếp sống kế.
  • Hậu báo nghiệp (apar-āpariya-vedanīya-kamma): nghiệp có hiệu lực hay cho quả trong một kiếp nào đó sau kiếp kế (từ kiếp thứ hai đổ đi).
  • Vô hiệu nghiệp (ahosi-kamma): nghiệp không còn hiệu lực. Nó chính là hiện báo nghiệp hay sanh báo nghiệp được xem như không còn tồn tại nữa, hay là nghiệp chỉ theo tên gọi. Sau khi một người Bát Niết Bàn (Parinibbāna), tất cả nghiệp (hiện báo-, sanh báo-, và hậu báo nghiệp) đều trở thành vô hiệu, bởi vì (sau sự kiện này) họ không còn tái sanh lại nữa.
  • Kế tiếp chúng ta bàn về những vận hành của nghiệp theo thứ tự cho quả, nghĩa là theo cách nghiệp nào sẽ có hiệu lực hay cho quả trước. Ở đây, chúng ta cũng bàn về bốn loại nghiệp:
    • Trọng nghiệp (garuka-kamma): có sáu trọng nghiệp bất thiện: giết mẹ, giết cha, giết một bậc Thánh A-la-hán, với ác ý làm cho một vị Phật chảy máuphá hoà hợp Tăng, cố chấp một tà kiến (phủ nhận những vận hành của nghiệp). Những trọng nghiệp này chắc chắn sẽ đưa đến tái sanh trong địa ngục ngay kiếp sau. Đó là lý do vì sao chúng cũng được gọi là vô gián nghiệp. Về trọng nghiệp thiện, có tám: bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc giới. Nếu các thiền này được duy trì cho đến lúc chết, chúng chắc chắn sẽ đưa đến tái sanh trong Phạm Thiên giới.
    • Thường nghiệp (āciṇṇa-kamma): đó là những bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp được làm thành thói quen, được làm thường xuyên, và liên tục. Chẳng hạn, một người đồ tể giết các chúng sanh thành thói quen, và một tên trộm ăn cắp thành thói quen, một người hộ Tăng đặt bát thành thói quen, và một người hành thiền chỉ và thiền minh sát thành thói quen.
    • Cận tử nghiệp (āsanna-kamma): đó là một nghiệp bất thường mà vào lúc chết được nhớ lại một cách sinh động. Chẳng hạn, một người giới đức bất chợt có thể nhớ đến một hành động bất thiện nào đó một cách sinh động vào lúc chết, và một người không giới đức bất chợt có thể nhớ đên một hành động thiện bất thường nào đó một cách sinh động vào lúc chết.
    • Tích luỹ nghiệp (katattā-kamma): đó là bất kỳ nghiệp nào khác đã được hoàn thành, như mười bất thiện nghiệp đạo (sát sanh, trộm cắp, tà dâm…), hay mười thiện nghiệp đạo (tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm…).

Cuối cùng, chúng ta bàn đến những vận hành của nghiệp theo nhiệm vụ của quả, nghĩa là theo cách nghiệp làm nhiệm vụ. Và cũng có bốn loại:

  • Sanh nghiệp (janaka-kamma): đó là bất thiện nghiệp tạo ra danh – sắc của một súc sanh, ngạ quỷ, hay một chúng sanh trong địa ngục vào lúc tái sanh, và trong thời bình nhật của chúng sanh ấy, hay thiện nghiệp tạo ra danh-sắc của một con người, một chư thiên vào lúc tái sanh và thời bình nhật của chúng sanh ấy.
  • Trì nghiệp (upatthambhaka kamma): đó là bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp củng cố cho một sanh nghiệp. Chẳng hạn, thiện nghiệp cho một chúng sanh tái sanh làm người có thể được củng cố để người đó được khoẻ mạnh, và sống một cuộc sống không có khó nhọc. Cũng vậy, bất thiện nghiệp đã cho một chúng sanh tái sanh như một con vật có thể được củng cố thêm để con vật ấy bệnh hoạn, và sống một cuộc sống khó khăn.
  • Chướng nghiệp (upapīḷaka kamma): đó là một bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp làm thất bại và cản trở quả của nghiệp khác. Chẳng hạn, thiện nghiệp cho một chúng sanh tái sanh làm người có thể bị chướng nghiệp làm mất tác dụng để người ấy phải gặp nhiều vấn đề với sức khoẻ, tài sản, hoặc gia đình và bè bạn…Đối với nghiệp bất thiện đã cho một chúng sanh làm một con vật cũng vậy, có thể bị chướng nghiệp làm mất tác dụng để con vật ấy được hưởng những thoáng thoải mái và an vui hơn.
  • Đoạn nghiệp (upaghātaka-kamma): đó là bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp cắt đứt nghiệp yếu hơn. Chẳng hạn, thiện nghiệp cho một chúng sanh làm người có thể bị cắt đứt khiến người ấy phải chết trước khi hết thọ mạng. Nếu đó là một bất thiện nghiệp, người ấy có thể tái sanh làm một con thú, một ngạ quỷ hay tái sanh trong địa ngục; còn nếu đó là thiện nghiệp, người ấy có thể tái sanh trong thiên giới hay Phạm Thiên giới.

Đến dây kết thúc phần tóm tắt của chúng tôi về mười hai loại nghiệp mà Đức Phật thường dùng để giải thích về nghiệp. Kế tiếp, chúng ta sẽ bàn đến những vận hành của sự thành tựu (thường dịch là thuận lợi) và thất bại (thường dịch là bất lợi).

THÀNH TỰU VÀ THẤT BẠI

Để giải thích những vận hành của nghiệp, chúng ta đã bắt đầu bằng việc luận bàn về hai bài ‘Kinh Dây Trói Buộc’ (‘Gaddula-Baddha Suttaṁ’). Trong hai bài kinh đó, Đức Phật đã giải thích lý do tại sao các chúng sanh không thể tìm được lối giải thoát khỏi khổ: do chấp thủ vào năm uẩn xem đó như tự ngã, họ cứ liên tục tạo ra các uẩn mới hết kiếp này sang kiếp khác. Các uẩn sanh vào sát-na tục sanh, và chúng được quyết định bởi nghiệp chín mùi vào lúc chết trong kiếp trước. Trong bài ‘Kinh Dây Trói Buộc’ thứ hai, Đức Phật cũng bàn về sự đa dạng của nghiệp và sự đa dạng của quả tạo ra sự đa dạng của các chúng sanh trong những cõi giới khác nhau như thế nào. Và sự đa dạng của nghiệp quá khứ đó cũng tạo ra một sự đa dạng của quả suốt kiếp sống trong những cõi giới ấy ra sao.

Chúng ta có được sự hiểu biết này nhờ những gì Đức Phật gọi là Như Lai Lực Thứ Hai (Tri tam thế nghiệp báo lực) của Ngài. Chúng ta sẽ nghe lại sự giải thích của Đức Phật về trí ấy: 

Lại nữa, này Xá-lợi-phất (Sāriputta), Như Lai như thật tuệ tri quả báo (Vipāka) của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại đã được làm, theo sự kiện có thể xảy ra (ṭhāna) và theo nhân (hetu).

Và, này Xá-lợi-phất (Sāriputta), quả báo của bất cứ nghiệp quá khứ, vị lai, và hiện tại nào đã được làm Như Lai như thực tuệ tri đúng theo theo sự kiện có thể xảy ra và theo nhân. Như vậy, này Xá-lợi-phất, đây là một Như Lai Lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình tư thế Ngưu Vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.

Đức Phật nói về sự kiện có thể xảy ra (ṭhānaso) và nhân (hetuso) của quả (vipāka). Nhân của quả là nghiệp đã hoàn thành. Và chúng ta đã bàn đến sự đa dạng của nghiệp cũng như sự đa dạng của quả theo mười hai loại nghiệp ở trên rồi. Bây giờ, chúng ta sẽ bàn đến sự kiện có thể xảy ra (ṭhānaso) dựa vào đó nghiệp tạo ra quả của nó. Điều này có nghĩa là gì?

Như chúng ta đã bàn luận ở trên, những vận hành căn bản của nghiệp là bất thiện nghiệp (bắt nguồn từ vô minh, ái, và thủ) tạo ra quả khổ, trong khi thiện nghiệp (cũng bắt nguồn từ vô minh, ái và thủ) tạo ra quả an vui. Nhưng không phải trong mọi trường hợp bất thiện nghiệp và thiện nghiệp đều tạo ra quả của chúng: chúng chỉ tạo ra quả tuỳ theo những tình huống. Những tình huống ấy là sự kiện có thể hoặc không thể xảy ra mà dựa vào đó nghiệp tạo ra quả của nó; nếu những tình huống không có mặt, nghiệp không tạo ra quả của nó. Như vậy, mặc dù Đức Phật tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta là chủ nhân của nghiệp tốt hoặc xấu của chúng ta, song sự chín mùi của nghiệp ấy vẫn dựa vào các điều kiện. Cũng như sự hoàn thành của nghiệp tốt hoặc xấu cần phải có một vài điều kiện như thế nào, sự chín mùi của nghiệp ấy cũng cần có một vài điều kiện như vậy.

Để giải thích phương diện thuộc về Như lai Lực Thứ Hai của Đức Phật này, Kinh Điển Pāḷi nói đến bốn loại thành tựu (sampatti, thường dịch thuận lợi), và bốn loại thất bại, hay bất lợi (vipatti). Sự thành tựu hay thuận lợi ngăn nghiệp xấu, và cho phép nghiệp tốt hoạt động, trong khi sự thất bại hay bất lợi thì ngăn nghiệp tốt và cho phép nghiệp xấu hoạt động.

THÀNH TỰU hay THUẬN LỢI

Bốn loại thành tựu (sampatti) là:

  • Sanh thú thành tựu (gati-sampatti): đó là được tái sanh trong một sanh thú an vui, như sanh trong cõi trời hoặc cõi người.
  • Sanh y thành tựu (upadhi sampatti): đó là có một thân hình và diện mạo đẹp đẽ, mẫu mực, và không hư khuyết.
  • Thời kỳ thành tựu (kāla sampatti): đó là tái sanh trong thời kỳ có sự cai trị sáng suốt và con người hiền thiện.
  • Sở hành thành tựu (payoga sampatti): đó là có những năng lực chính đáng, điều này Đức Phật cũng gọi là nghiệp thành tựu (kammanta sampatti), thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, và ý nghiệp thiện: thân không những không sát sanh mà còn có hành động từ ái và bi mẫn đối với các chúng sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu bia; khẩu không nói dối, không nói lời chia rẽ, mà nói năng một cách nhã nhặn, từ hoà, không nói chuyện phù phiếm; ý không tham muốn, không ôm ấp oán thù, và giữ chánh kiến.

Bốn loại thành tựu này có thể ngăn không cho một số nghiệp bất thiện tạo ra quả của chúng, và ngược lại bốn sự thành tựu này còn có thể cho phép một số thiện nghiệp tạo ra quả của chúng. Nói khác hơn, dựa vào sự thành tựu, một số bất thiện nghiệp không tạo ra quả của chúng, và một số thiện nghiệp tạo ra quả của chúng.

THẤT BẠI hay BẤT LỢI

Bốn loại thất bại là:

  • Sanh thú thất bại (gati-vipatti): đó là tái sanh trong một ác thú: như sanh trong một địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc A-tu-la.
  • Sanh y thất bại (upadhi vipatti): đó là có một thân hình và diện mạo không đẹp đẽ, thô kệch, và hư khuyết.
  • Thời kỳ thất bại (kāla vipatti): đó là tái sanh trong một thời kỳ đen tối, với sự cai trị hôn ám và con người xấu xa, đồi bại.
  • Sở hành thất bại (payoga vipatti): đó là có những phương tiện tà vạy, điều này Đức Phật cũng gọi là nghiệp lầm lỗi và ác hại (kammanta-sandosa-byāpatti), tức thân nghiệp, khẩu nghiệp,và ý nghiệp hợp theo mười bất thiện nghiệp đạo (sát sanh, trộm cắp….chấp giữ tà kiến).

Bốn loại thất bại này có thể ngăn không cho một số thiện nghiệp tạo ra quả của chúng và ngược lại cho phép một số bất thiện nghiệp tạo ra quả của chúng. Nói cách khác, dựa vào sự thất bại này, một số bất thiện nghiệp tạo ra quả của chúng, và một số thiện nghiệp không thể tạo ra quả của chúng được.

NHỮNG VẬN HÀNH CỦA THÀNH TỰU VÀ THẤT BẠI

Bây giờ chúng tôi sẽ giải thích bốn loại thành tựu và bốn loại thất bại theo tuần tự. Trước tiên, bốn loại thành tựu này ngăn không cho một số nghiệp bất thiện tạo ra quả của chúng như thế nào, trong khi bốn loại thất bại cho phép chúng ra sao.

SỰ THÀNH TỰU NGĂN NHỮNG NGHIỆP BẤT THIỆN

  • SANH THÚ THÀNH TỰU NGĂN NHỮNG NGHIỆP BẤT THIỆN

Có một số nghiệp xấu sau khi đã làm sẽ không chín mùi (hay cho quả), do bị sanh thú thành tựu (gati sampatti) ngăn lại.

Nghiệp bất thiện của một người có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong một ác thú: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…Đó là sanh thú thất bại (gati vipatti). Dựa vào sự thất bại đó, một số bất thiện nghiệp của cô ta hay anh ta được phép tạo ra quả của chúng. Nhưng nhờ một thiện nghiệp nào đó cô ta hay anh ta được tái sanh trong một thiện thú: cõi người hay cõi trời. Đó là sanh thú thành tựu (gati sampatti). Dựa vào sự thành tựu ấy, những bất thiện nghiệp bị ngăn lại, và những thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.

ĐAO PHỦ TAM BADṬHIKA

Một ví dụ điển hình là đao phủ Tambadāṭhika, mà câu chuyện của ông ta đã được đề cập ở một phần trước. Ông có thâm niên năm mươi lăm năm hoàn thành bất thiện nghiệp chặt đầu tội nhân theo thói quen. Nếu vào lúc chết ông tái sanh vào một đoạ xứ, như địa ngục, thì sanh thú thất bại ấy sẽ cho phép những nghiệp bất thiện của ông ta tạo ra quả của chúng. Nhưng, vào lúc chết, một thiện nghiệp thuộc nghiệp đắc Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa) đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong thế giới chư thiên: sanh thú thành tựu. Dựa vào sự thành tựu ấy, những bất thiện nghiệp của ông bị ngăn lại, chỉ những thiện nghiệp được phép cho quả. 

  • SANH Y THÀNH TỰU NGĂN NHỮNG BẤT THIỆN NGHIỆP

Có một số nghiệp xấu sau khi đã làm, không chín mùi, do bị sanh y thành tựu chặn lại.

Một người có thể sanh ra với sự khiếm khuyết về tứ chi và có một diện mạo xấu xí, không xinh đẹp: đó là sanh y thất bại (upadhi-vipatti, sanh y bất lợi). Dựa vào sự thất bại ấy, một số nghiệp bất thiện của người ấy được phép tạo ra quả của chúng. Nhưng do một thiện nghiệp nào đó, cô ta hay anh ta có được tứ chi lành lặn và một diện mạo xinh đẹp, tươi sáng giống như Phạm Thiên (Brahma): đó là sanh y thành tựu (upadhi sampatti). Dựa vào sự thành tựu này, những nghiệp bất thiện của người ấy bị chặn lại và những thiện nghiệp được phép cho quả.

Chú giải giải thích rằng nếu một người như vậy có bị sanh làm tôi tớ, nô lệ, họ sẽ không phải làm công việc của một người giữ voi, một người giữ ngựa, hay một người giữ bò. Do sự xinh đẹp của anh ta, người chủ sẽ nghĩ: ‘Không nên để một người như vậy làm công việc nhơ bẩn.’ Và họ mặc cho anh ta áo quần đẹp đẽ, và cho anh ta làm công việc của một người giữ kho, hay một công việc gì khác tương tự như vậy. Nếu đó là một người nữ, họ sẽ không bắt cô ta làm công việc lo liệu thức ăn (cắt cỏ) cho voi,…: mà họ cho cô ta những quần áo và đồ trang sức thích hợp với cô ta, và có khi còn cho cô ta làm ái thiếp…

Chú giải đưa hình ảnh Hoàng Hậu Sāmā ra làm ví dụ. Thời đức Vua Bhātiya, có lần người ta bắt được một số người phạm tội ăn thịt bò, và họ bị đưa lên cho vua xét xử. Do không có tiền nộp phạt, họ bị bắt làm công việc của những người lau nhà trong hoàng cung. Tuy nhiên, một trong số những người con gái của họ nhờ xinh đẹp, nên được Đức Vua đưa vào hậu cung và phong cho làm ái thiếp. Do ảnh hưởng của thiện nghiệp này, cô ta và gia đình được sống một cuộc sống an vui.

THỜI KỲ THÀNH TỰU NGĂN ĐƯỢC NHỮNG BẤT THIỆN NGHIỆP

Một người có thể bị tái sanh vào thời kỳ hôn quân cai trị, và con người xấu xa: đó là thời kỳ thất bại (kāla vipatti). Dựa vào sự thất bại ấy, một số thiện nghiệp của anh ta hay cô ta không được phép cho quả. Nhưng do một thiện nghiệp nào đó, cô ta hay anh ta được tái sanh vào một thời kỳ có sự cai trị anh minh, và con người hiền thiện, chẳng hạn, như khi loài người bắt đầu xuất hiện vào lúc khởi đầu của một kiếp,557Khi có một vị Chuyển Luân Vương, hay khi có một Đức Phật: đó là thời kỳ thành tựu (kāla-sampatti). Dựa vào sự thành tựu này, những bất thiện nghiệp bị ngăn lại, và những thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.

Kế đến chúng ta sẽ bàn về việc tái sanh vào thời kỳ hôn quân cai trị và thời kỳ anh minh cai trị, vào thời kỳ mà con người xấu xa và con người hiền đức có ý nghĩa như thế nào, và cách người xấu và tốt ảnh hưởng đến hạnh kiểm của chúng ta ra sao, đặc biệt những là những người đồng sự, thầy tổ, và các nhà lãnh đạo.

BẠN TỐT VÀ BẠN XẤU

Một lần, Tôn-giả Ānanda suy xét về vấn đề làm thế nào để một người có thể thành công trong đời phạm hạnh (brahma-cariya). Ngài xác định rằng sự thành công trong đời phạm hạnh (tu tập giải thoát) một nửa tuỳ thuộc vào bạn tốt (thiện bạn hữu), và một nửa tuỳ thuộc vào nỗ lực cá nhân. Nhưng khi Tôn-giả trình bày điều này với Đức Phật, Đức Phật đã sửa lại như vầy:

Không phải vậy, này Ānanda, không phải vậy, này Ānanda!

Toàn bộ đời phạm hạnh, chỉ là thế này, đó là: thiện bạn hữu (kalyāṇa-mittatā), thiện kết hợp (kalyāṇa-sahāyatā), thiện giao du (kalyāṇa-sampavaṅkatā).

Với một thiện bạn hữu, này Ānanda, điều này được chờ đợi nơi vị Tỳ-kheo: đó là vị ấy với một thiện bạn hữu, với một thiện kết hợp, với một thiện giao du, Bát Thánh Đạo sẽ được tu tập, Bát Thánh Đạo sẽ được thực hành thường xuyên.

Đây là nguyên tắc của thiện bạn hữu. Khi chúng ta có những người bạn tốt, những sự giao du tốt, những sự kết hợp tốt, chúng ta có thể thực hành Bát Thánh Đạo (Ariya aṭṭhaṅgika Magga): đó là, những phước nghiệp sự, tam học (giới, định, và tuệ), minh và hạnh,…Nói chung, dựa vào thiện bạn hữu, chúng ta có thể thực hành những thiện pháp này, để hoàn thành những thiện nghiệp. Tuy nhiên, dựa vào bạn xấu ác, thì việc hành những pháp này sẽ là điều bất khả.[226] Nếu chúng ta có những bạn xấu, chúng ta sẽ thực hành những pháp ác, và như vậy chúng ta chỉ hoàn thành những bất thiện nghiệp mà thôi.

Nguyên tắc này cũng áp dụng cho người cai trị và chính phủ của một quốc gia: nếu người cai trị có đức hạnh, và chính phủ làm việc phù hợp với Pháp (dựa trên Chánh Kiến) chúng ta có thể nói đó là một nhà cai trị và chính phủ anh minh. Được sinh vào một thời kỳ như vậy là thời kỳ thành tựu (kāla sampatti).

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *