VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

LÀ NGƯỜI PHẪN NỘ, CÁU KỈNH

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông hay phẫn nộ, nhiều phật ý. Bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, tức tối. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải bị xấu sắc.

Đây là con đường, này Thanh niên, đưa đến xấu sắc, đó là phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, tức tối.

PAÑCAPĀPĪ CAU CÓ

Một ví dụ điển hình của phẫn nộ dẫn đến xấu sắc là Pañcapāpī.653 Cô là con gái của một người đàn ông nghèo ở Bārāṇasī. Tay, chân, miệng, mắt và mũi của cô rất ư là xấu, đó là lý do vì sao cô lại được gọi là Pañcapāpī (người có năm khuyết điểm). Nhưng bù lại cô có một thứ rất tốt, đó là sự xúc chạm của cô. Xúc giác của cô cực kỳ dễ chịu. Đó là do nghiệp thiện cô đã hoàn thành trong môt kiếp trước.

Trong một kiếp qúa khứ, cô cũng là con gái của một người đàn ông nghèo ở kinh thành Bārāṇasī. Ngày nọ, một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) đi khất thực ở Bārāṇasī để xin một ít đất sét về vá lại bức vách hư nơi ngài trú ngụ.654Khi nhìn thấy Pañcapāpī đang nhào đất sét (vì nhà cô làm đồ gốm), ngài dừng lại trước cửa nhà và đứng yên lặng. Cô đoán ra điều ngài muốn, và ném cho ngài một cái nhìn giận dữ. Mặc dù vậy, cô vẫn cúng dường cho ngài một cục đất sét. Việc cúng dường này là một thiện nghiệp, nhưng phối hợp với phẫn nộ. Mặc dù nó làm nhiệm vụ như một sanh nghiệp để tạo ra tái sanh làm người, song sự phẫn nộ của cô ta đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp khiến cho cô nhìn rất xấu. Đồng thời nghiệp cúng dường mang tính đồng nhất cũng làm nhiệm vụ như trì nghiệp khiến cho xúc giác của cô vô cùng êm dịu. Cuối cùng thì nghiệp ấy vẫn cho những kết quả tốt.

Một hôm cô tình cờ chạm vào người Baka, vua của xứ Bārāṇasī. Sự xúc chạm của cô êm dịu đến nỗi đức vua phải điên cuồng với sự thèm muốn. Ngài đã cải dạng thành dân thường để đến viếng nhà cô, và xin cưới cô làm vợ. Nhưng đức vua ngại không dám tấn phong cô làm chánh cung hoàng hậu, vì cô quá xấu; e rằng mọi người sẽ chế giễu mình. Vì thế đức vua khéo sắp đặt cho tất cả đàn ông trong xứ được chạm vào xúc giác của cô, và bọn họ cũng nổi điên với sự thèm muốn như ngài. Sau đó, vua đã có thể an toàn tấn phong cô làm chánh cung hoàng hậu. Tuy nhiên những bà hoàng hậu khác trở nên ganh tỵ, và bí mật cho người bắt cô thả trôi sông trên một chiếc thuyền. Pavariya, vua nước láng giềng, đã cứu được cô và tuyên bố cô thuộc quyền sở hữu của ông. Hai vị vua chuẩn bị chiến tranh nhằm chiếm hữu cô, nhưng sau đó đã đồng ý để Pañcapāpī mỗi tuần sống với một vị vua. Vận hành của nghiệp là thế, đó là lý do tại sao Đức Phật nói với thanh niên Subha:

Nghiệp phân biệt các chúng sanh, nghĩa là, có người hạ liệt và người ưu thắng.

SUPPABUDDHA LĂNG MẠ

Một ví dụ điển hình khác về sự phẫn nộ đưa đến xấu sắc là Suppabuddha, người hủi nghèo ở kinh thành Rājagaha. Ông thực hành tam học dưới sự chỉ dẫn của Đức Phật. Ông đã làm trong sạch hạnh (caraṇa) của mình bằng giới, lắng nghe Pháp với tâm cung kính và thực hành thiền chỉ và thiền minh sát thuần thục. Một hôm, khi đang nghe Đức Phật giảng Pháp, ông trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (sot-Āpanna): một bậc Nhập Lưu, nhưng là người hủi. Ông bị hủi như thế nào? Loại nghiệp nào là nguyên nhân khiến ông bị như thế?

Các vi Tỳ-kheo đã hỏi Đức Phật câu hỏi này, và được Đức Phật giải thích: Trong một tiền kiếp trước, Suppabuddha là con trai của một viên trưởng khố, một thương gia rất giàu

Rājagaha. Một hôm, ông cùng với đoàn tuỳ tùng đi đến một khu vườn khả ái. Ông mong đợi được khoe khoang sự giàu có của mình, và có được nhiều người cung kính. Nhưng khi đi gần đến khu vườn khả ái ấy, ông nhận ra rằng chẳng có người nào chú ý đến ông: mọi người đang tập trung vào Đức Phật Độc Giác Tagarasikhī. Suppabuddha đã tích tạo rất nhiều bất thiện nghiệp trên đường đi bởi vì ông cảm thấy thất vọng. Ông phẫn nộ khi thấy mọi người không ai để ý tới ông, mà chỉ cung kính Đức Phật Độc Giác, mà vị này thì chỉ mặc mỗi một tấm y bá-nạp. Vì thế khi Suppabuddha tiến đến gần Đức Phật Độc Giác, ông đã nhổ nước miếng vào ngài, và nói: ‘Cái đồ hủi này, ăn mặc rách rưới như người hủi mà đi đây đi đó! Rồi ông xoay lưng phía trái, và bỏ đi.

Sau khi lăng mạ Đức Phật Độc Giác như vậy, cả ngày hôm đó và hôm sau, ông cứ nhớ đi nhớ lại cảnh ấy với sự tức tối. Kiêu hãnh vì là con của một vị trưởng khố, ông đã hoàn thành hàng tỷ bất thiện nghiệp theo cách này. Vào lúc chết, một trong những nghiệp ấy đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, và tạo ra tái sanh trong địa ngục. Ở địa ngục, ông đã trải qua những khổ đau khủng khiếp trong hàng triệu năm.

Đến thời Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, một thiện nghiệp đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh như một con người. Nhưng hạnh phúc làm người của ông bị chướng ngại bởi ‘những chướng nghiệp làm người hủi’, và ông trở thành một người bất hạnh nhất ở kinh thành Rājagaha. Những vận hành của nghiệp như vậy là lý do khiến Đức Phật phải nói trong ‘Kinh Kokālika’: 

‘Phàm con người đã sanh, Sanh với búa trong miệng, Kẻ ngu khi nói bậy,Tự chặt đứt lấy thân.’

Tuy nhiên, trong kiếp này, Suppabuddha đã đạt được phước báu của Bậc Thánh Nhập Lưu. Ông đi đến Đức Phật, đảnh lễ và xin quy y Tam Bảo. Trên đường trở về thành Vương Xá, một dạ-xoa dưới lốt con bò đã húc ông chết. Đây cũng chính là dạ-xoa đã giết chết Tambadāṭhika, người đao phủ, Pukkusāti, và đạo sĩ Bāhiya Dārucīriya, mà chúng tôi đã đề cập ở trước.Tại sao dạ-xoa lại giết chết bốn người này?

GÁI ĐIẾM BÁO THÙ

Bốn người đàn ông bị dạ-xoa này giết từng là bốn quý tử của những thương gia giàu có trong một kiếp quá khứ. Dạ xoa giết họ dưới lốt một con bò là một nữ dạ-xoa (yakkhinī): trong tiền kiếp đó là một cô gái điếm và bị bốn cậu ấm này dụ đưa đến lạc viên. Sau khi hành lạc với cô ta xong, họ đã giết chết và lấy hết nữ trang của cô, kể cả tiền mà họ đã trả cho cô ta. Vào lúc chết, cô thề sẽ báo thù. Và cô đã giết chết họ trong hơn một trăm kiếp.

Như vậy, Suppabuddha, trong vô lượng kiếp quá khứ đã tích tạo không biết bao nhiêu là nghiệp bất thiện. Lăng mạ một vị Phật Độc Giác, và sau đó nhớ đến sự kiện này với tâm sân hận, cũng như đã tham gia vào vụ giết hại cô gái điếm. Chỉ với hai hành động này thôi, ông đã hoàn thành vô số bất thiện nghiệp: một số trong đó sẽ chín mùi như những sanh nghiệp, một số như trì nghiệp, một số như chướng nghiệp, và một số như đoạn nghiệp. Đoạn nghiệp là những nghiệp được cảm thọ quả trong một kiếp về sau nào đó (aparāpariya-vedaniiya-kamma: hậu báo nghiệp): một đoạn nghiệp hiện tại đã cắt đứt sanh nghiệp thiện tạo ra tái sanh làm người của ông ta. Nhưng nó không thể làm cho quả riêng của nó phát sanh, bởi vì tất cả những bất thiện nghiệp tạo ra tái sanh trong bốn ác đạo đã trở thành vô hiệu lực như kết quả của Nhập Lưu Thánh Đạo Trí. Tuy nhiên, ở đây đoạn nghiệp đã cho phép sanh nghiệp thiện khác tạo ra tái sanh trong cung trời Đâu-Suất (Tāvatiṁsā). Vận hành của nghiệp là thế.

Bây giờ, chúng ta hãy nghe lời giải thích thứ sáu của Đức Phật cho thanh niên Subha.

LÀ NGƯỜI KHÔNG PHẪN NỘ, CÁU KỈNH.

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy đẹp sắc (pasadika: hoan hỷ)

Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến đẹp sắc, tức là không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

TÔN GIẢ SUBHŪTI TỪ BI

Một ví dụ điển hình của sự thân thiện đưa đến đẹp sắc là Tôn giả Tu-bồ-đề (Subhūti).Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, ngài sanh trong một gia đình giàu có và được gọi là Nanda. Về sau ngài trở thành một đạo sĩ, người lãnh đạo tinh thần của bốn mươi-bốn ngàn vị đạo sĩ (isi). Họ sống trong một khu rừng gần một ngọn núi lớn, tu tập thiền chỉ, và tất cả đều thiện xảo trong tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế.

Một hôm Đức Phật và một trăm ngàn vị A-la-hán đến thăm họ bằng đường hư không. Các vị đạo sĩ rất hoan hỷ, chỉ trong ít phút, họ dùng năng lực thần thông của mình đi gôm những bông hoa và trải làm chỗ ngồi cho khách. Sau khi ngồi trên chỗ đã soạn, các vị khách nhập vào diệt tận định (nirodha-samāpatti), một định chứng diệt tạm thời tâm và sắc do tâm tạo. Và trong bảy ngày đó, Nanda đứng đằng sau Đức Phật cầm một tán dù bằng hoa che cho ngài. Ở đây, quý vị thấy sự kiên nhẫn của ngài to lớn biết dường nào! Trong suốt thời gian ngài tích tạo những thiện nghiệp, ngài đã không nhúc nhích trong bảy ngày! Ngài không nằm xuống nghỉ, không ăn uống, không đi vệ sinh. Và tâm ngài hoàn toàn tập trung. Sở dĩ ngài làm được điều này là do ngài đã thuần thục trong tám thiền chứng, và năm thần thông hiệp thế. Với tâm định ngài đứng đằng sau Đức Phật, cầm một tán dù bằng hoa, che cho Đức Phật trong suốt bảy ngày.

Quý vị thử tưởng tượng con số những thiện nghiệp đã phát sanh xem! Ngay cả trong một cái búng tay đã có nhiều ngàn triệu tiến trình ý môn sanh lên và diệt, mỗi tiến trình với bảy tốc hành tâm, mỗi tốc hành tâm đều có tư (cetanā) hay sự cố ý vốn tạo thành nghiệp (kamma). Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng thiện nghiệp phát sanh trong những tiến trình ý môn của Nanda là không thể tính kể.

Nghiệp của các tiến trình tâm ấy là thiện pháp dục giới (kām-āvācāra kusala dhamma). Và năm tốc hành tâm giữa trong số bảy tốc hành đó được xem là mạnh nhất, chúng tạo thành những hậu báo nghiệp (aparāpariya-vedanīya-kamma), sẽ được cảm thọ trong một kiếp tương lai nào đó sau kiếp kế cho đến lúc Bát-Niết-Bàn (sự diệt tối hậu) của một người. Những nghiệp như vậy có thể tạo ra quả thù thắng nhất ở cõi dục trong một thời gian rất dài.

Khi Đức Phật và các vị A-la-hán xuất khỏi diệt tận định, đó là thời gian thuận lợi nhất để cúng dường đến các vị. 

Và các vị đạo sĩ đã cúng dường các loại trái cây cũng như bông hoa có được một cách chân chánh từ trong rừng, đến Đức Phật và Chúng Tăng. Kế đó Đức Phật đã yêu cầu một trong số các vị tỳ-kheo, thuần thục trong việc thọ nhận của cúng dường, và thuần thục trong thiền tâm từ, để thuyết pháp khích lệ (anumodanātuỳ hỷ pháp).

Cuối bài pháp khích lệ, các vị đạo sĩ đều trở thành Thánh A-la-hán, ngoại trừ Nanda. Vì sao? Bởi vì tâm vị ấy đang gắn chặt vào sự lỗi lạc của vị tỳ-kheo thuyết pháp. Do đó, vị ấy không đắc một Đạo Quả nào.

Khi khám phá ra những đức tính nổi bật của vị tỳ kheo ấy, Nanda quyết định rằng mình cũng sẽ đạt được địa vị kiệt xuất như vậy. Sự quyết định của ngài được kèm theo bởi năm yếu tố:

  • Giới của ngài trong sạch và toả sáng giống như một viên ngọc trai, nhất là được kèm theo bởi tám thiền chứng và thần thông.
  • Những vật cúng dường của ngài có được một cách chân chánh.
  • Thiền của ngài đã đè nén các phiền não tham, sân và ngã mạn, nhờ vậy tâm ngài được trong sạch và vô nhiễm trước, trong và sau khi cúng dường: ngài không mong đợi điều gì từ Đức Phật và Tăng Chúng.
  • Vì ngài có thiên nhãn thông nên ngài thấy rõ và hiểu rõ những vận hành của nghiệp: điều đó có nghĩa là ngài có đức tin đầy đủ nơi quả của nghiệp (ngài tin rằng quả của nghiệp ấy sẽ là rất lớn).
  • Người thọ nhận ở đây là một phước điền vô thượng, bởi vì ngoài Đức Phật các vị còn lại đều là Thánh A-la-hán. Hơn nữa cúng dường còn được làm ở thời gian thuận lợi nhất, vì các vị vừa xuất khỏi diệt tận định (nirodha-samāpatti).
  • Với những yếu tố này, chắc chắn quyết định của Nanda sẽ trở thành sự thật. Và quả thực như vậy, Đức Phật Padumuttara đã thọ ký rằng Nanda, trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Gotama, sẽ là một vị Tỳ-kheo tinh thông thiền tâm từ và xuất chúng trong việc thọ nhận của cúng dường.
  • Trong kiếp ấy Nanda, dù có đức tin nơi Đức Phật, vẫn không trở thành một vị Tỳ-kheo, vì vị ấy quá dính mắc vào đời sống đạo sĩ của mình. Tuy nhiên, ngài thường xuyên đi đến viếng thăm Đức Phật và nghe Pháp. Ngài đã thực hành thiền chỉ và thiền minh sát dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Ngài chú trọng việc hành thiền tâm từ, và dựa trên thiền đó, ngài phát triển minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa). Nhờ thiện xảo trong thiền, ngài có thể duy trì thiền của mình cho đến lúc chết, điều này có nghĩa rằng một trong những thiện nghiệp thiền của ngài đã trở thành trọng nghiệp làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong cõi Phạm Thiên.
  • Đây, tôi muốn bàn thêm một ít về những vận hành của nghiệp trong liên quan với pháp duyên sanh (paṭicca samuppāda). Sau khi Nanda cúng dường trái cây và bông hoa đến Đức Phật và Tăng Chúng, ngài quyết định trở thành một vị Tỳ-kheo tinh thông trong thiền tâm từ, và xuất sắc trong việc thọ nhận của cúng dường. Sự quyết định này dù cao thượng nhưng vẫn dựa trên vô minh và tham ái. Như thế nào?
  • Thân và tâm của chúng ta chỉ gồm có danh và sắc chân đế. Nếu chúng ta thấy được như vậy, quan kiến của chúng ta là đúng hay Chánh Kiến (sammā-diṭṭhi), đây là minh sát trí (vipassanā-ñāṇa) . Nhưng nếu chúng ta thấy danh và sắc này như một người đàn ông, đàn bà, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni, thì cái thấy đó là sai, là tà kiến (micchā-diṭṭhi), đi kèm theo bởi vô minh hay si (moha). Điều này có nghĩa rằng quan kiến của Nanda về một vị Tỳ-kheo tinh thông trong thiền tâm từ và xuất chúng trong việc thọ nhận của cúng dường là một sự thể hiện của vô minh hay si. Dựa vào quan kiến si mê ấy, ngài quyết định trở thành một vị Tỳ-kheo với những phẩm hạnh như vậy, đây là tham ái (taṇhā). Và ái của ngài được lập đi lập lại, chấp chặt vào kiếp sống của một vị Tỳ-kheo, là thủ (upādāna). Vô minh, ái và thủ được gọi là vòng phiền não (kilesa-vaṭṭa: phiền não luân), bởi vì chúng là những phiền não tạo ra vòng tái sanh luân hồi (saṁsāra). Nương vô minh, ái và thủ này Nanda đã hoàn thành những thiện nghiệp cao thượng, đó là cúng dường trái cây và bông hoa đến Đức Phật cũng như Tăng Chúng, phước điền vô  thượng  ở  thế  gian  (anuttaraṁ  puñña-kkhettaṁ lokassa). Những thiện nghiệp ấy gọi là hành (saṅkhāra). Các hành vốn vô thường, vì ngay khi sinh lên chúng liền diệt. Nhưng trong tương tục danh-sắc của một người, chúng vẫn còn lại như một tiềm lực: tiềm lực đó có thể tạo ra một kết quả bất cứ lúc nào. Trong phần nghiệp-duyên (kamma-paccaya uddesa) của Bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna), tiềm lực này được gọi là nghiệp (kamma). Trong khi các hành có chủ ý (saṅkhāra) và Nghiệp được gọi là vòng nghiệp hay nghiệp luân (kamma-vaṭṭa): nghiệp tạo ra vòng tái sanh (luân hồi).

Tất cả có năm nhân cho vòng tái sanh:

  1. Vô minh…..(avijjā)
  2. Ái…………(taṇhā)
  3. Thủ……….(upādāna)
  4. Hành ………(saṅkhāra)
  5. Hữu (nghiệp lực)…..(bhava)

Nguyên tắc này cũng được áp dụng khi chúng ta bàn về sự chín mùi của nghiệp.

Nghiệp cúng dường mạnh mẽ của Nanda còn được củng cố thêm bởi thiền tâm từ (mettā jhāna) đầy năng lực của ngài. Thiền tâm từ này trở nên mạnh mẽ và đầy năng lực như thế nào? Một lý do là khi hành thiền chỉ và thiền minh sát, ngài đã chú trọng việc phát triển thiền tâm từ. Dựa trên thiền này, ngài hành minh sát: theo đó minh sát trí của ngài trở nên rõ ràng, thâm sâu, mạnh mẽ và đầy năng lực.[246] Và ngược lại, nhờ minh sát trí mạnh mẽ của ngài, thiền tâm từ cũng trở nên vững chắc, mạnh mẽ, và đầy năng lực. Theo Paṭṭhāna (Bộ Duyên Hệ), thiền chỉ và thiền minh sát là những thân y duyên (upanissaya paccaya)671 mạnh mẽ hỗ tương lẫn nhau. Như thế nào? Ngài nhập thiền tâm từ. Xuất thiền ấy, ngài liền quán các hành của bậc thiền là vô thường, khổ, và vô ngã. Rồi ngài lại nhập thiền tâm từ, và xuất khỏi nó, và quán các hành của bậc thiền như vô thường, khổ và vô ngã như trước. Đây là phương thức được ngài thực hành thường xuyên. Do thực hành đi thực hành lại nhiều lần như vậy, thiền tâm từ và thiền minh sát của ngài trở nên vững chắc, mạnh mẽ và đầy năng lực. Hơn nữa, thiền tâm từ là đối nghịch trực tiếp của sân hận, và đây là lý do tại sao tâm ngài thường không có sân. Khi ngài hành thiền chỉ và thiền minh sát, không chỉ sân, mà những phiền não khác cũng bị đè nén lâu dài. Chúng cũng bị đè nén bằng năng lực thần thông của ngài. Nói chung hai loại pháp hành này làm cho tâm của ngài rất trong sạch, và nhờ sự trong sạch thù thắng ấy, chắc chắn quyết định của ngài trở thành một vị Tỳ kheo tinh thông thiền tâm từ và xuất chúng trong việc thọ nhận của cúng dường sẽ thành công. Cuối cùng, vì Nanda đã hành thiền chỉ và thiền minh sát trong khoảng một trăm ngàn năm, nên năng lực ý chí của ngài rất mạnh. Bất cứ ước nguyện nào ngài phát ra đều có thể trở thành sự thật nhờ sức mạnh ý chí này: sức mạnh ý chí là tư (cetanā), và tư chính là nghiệp.

Đức Phật Padumuttara thọ ký rằng Nanda sẽ trở thành một vị Tỳ kheo tinh thông thiền tâm từ và xuất chúng trong việc thọ nhận cúng dường trong Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta. Về sau Nanda tái sanh làm con của một người đàn ông giàu có tên Sumana, một nam cư sĩ (upāsaka) có tín tâm của Đức Phật, và là em của Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc), một đại hộ pháp của Đức Phật. Nanda kiếp đó được gọi là Subhūti (‘người có sắc đẹp’). Sắc đẹp của ngài là kết quả của thiện nghiệp tiền kiếp, không bị phiền não, nhất là sân chi phối.

Vào cái ngày trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍika), anh trai ngài, dâng cúng ngôi chùa Kỳ Viên (Jetavana) cho Đức Phật và Tăng Chúng, Subhūti lắng nghe bài pháp khích lệ của Đức Phật với sự chú tâm và tôn kính. Những lời dạy của Đức Phật đã làm cho niềm tin trong Pháp của ngài ngập tràn đến độ ngài muốn xuất gia. Là con trai của một người đệ tử tín tâm của Đức Phật, ngài đã rời bỏ căn nhà của người có đức tin ấy để sống đời không nhà. Sau khi xuất gia, ngài tinh thông hai Bộ Luật (Luật Tỳ kheo và Luật Tỳ kheo Ni). Và sau khi nhận đề mục thiền từ nơi Đức Phật, ngài đi vào rừng sống để hành thiền. Ở đó ngài phát triển minh sát và đắc A-la-hán Thánh Quả dựa trên thiền tâm từ. Là người dạy Pháp không phân biệt hay giới hạn, ngài được Đức Phật tuyên bố là vị Tỳ kheo đệ nhất (tối thắng) về hạnh sống trong trú xứ xa vắng và an tịnh (araṇa-vihārī), và xứng đáng thọ nhận cúng dường (dakkhiṇeyya) Thiền tâm từ mạnh mẽ và đầy năng lực này đã giúp cho ngài sống trong an tịnh và lánh xa khỏi các phiền não trong một thời gian dài.

Kinh điển Pāḷi nói rằng khi ngài đi khất thực trong làng, ngài thường nhập thiền tâm từ trước mỗi cửa nhà, điều này có nghĩa là mọi cúng dường cho ngài đều có phước thù thắng.

Một lần, trên bước đường du hoá, ngài đi đến thành Vương-Xá (Rājagaha). Và đức vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la), đã hứa xây cho ngài một nơi trú ngụ trong những tháng mưa. Nhưng đức Vua quên mất, Tôn-giả Subhūti phải hành thiền ngoài trời. Hậu quả là không có cơn mưa nào rơi trên vùng Rājagaha. Khi đức Vua khám phá ra lý do tại sao, ngài đã tức tốc cho xây dựng một thảo am. Ngay khi Tôn-giả Subhūti bước vào thảo am, và ngồi xuống đệm cỏ, trời mưa. Tâm của ngài đã được tịnh hoá với thiền tâm từ, và trí siêu thế đến độ ngay cả các vị chư thiên cũng giúp bảo vệ ngài không để cho mưa làm ướt. Vận hành của nghiệp là thế.

Chính vì điều này mà Đức Phật nói trong Kinh Dây Trói Buộc Thứ Hai’:

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *