VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP
NGHIỆP QUÁ KHỨ, QUẢ HIỆN TẠI
Vận hành thứ ba của nghiệp: nghiệp quá khứ có một quả hiện tại: ngay trong kiếp sống này. Đó là, trong kiếp trước, một người đã hoàn tất vô số kể những sanh báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) của tốc hành tâm thứ bảy của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy bây giờ gặp được điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng ngay trong kiếp này.
Cũng vậy, trong quá khứ, một người đã hoàn tất vô số kể những hậu báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) của năm tốc hành tâm giữa của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy bây giờ gặp được điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng ngay trong kiếp này.
Trong những trường hợp như vậy, nghiệp thuộc quá khứ, và đã hoàn thành xong nhiệm vụ; quả của nó trổ ở hiện tại và hoàn thành nhiệm vụ của nó. Như vậy, nghiệp đã có mặt và chấm dứt (diệt) trong quá khứ; quả của nó có mặt và chấm dứt trong hiện tại. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Đã có nghiệp, có quả của nghiệp.
NGHIỆP QUÁ KHỨ, KHÔNG CÓ QUẢ HIỆN TẠI
Vận hành thứ tư của nghiệp: nghiệp quá khứ không có quả hiện tại. Đó là, vào cuối của kiếp sống này, tất cả sanh báo nghiệp từ kiếp trước không gặp được những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng trong kiếp này trở thành vô hiệu nghiệp.404
Chẳng hạn, với việc tái sanh trong cõi nhân loại hoặc một cõi chư thiên nào đó trong kiếp này, tất cả sanh báo nghiệp từ kiếp trước vốn có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ nhưng đã không gặp những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả ấy, và trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối của kiếp này. Tuy nhiên, với sự chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo hay Nhất Lai Thánh Đạo, tất cả sanh báo nghiệp vốn có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ ngay kiếp này lập tức trở thành vô hiệu nghiệp. Cũng vậy, với sự tái sanh trong cõi sắc giới hoặc vô sắc giới trong kiếp này, tất cả sanh báo nghiệp từ kiếp trước vốn có thể tạo ra quả của chúng trong dục giới ngay kiếp này trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối kiếp sống này. Và với sự chứng đắc của Bất-Lai Thánh Đạo trong kiếp trước, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp vốn có thể tạo ra quả của chúng trong dục giới ngay kiếp này lập tức trở thành vô hiệu nghiệp.
Trong những trường hợp nêu trên, nghiệp thuộc về quá khứ, và đã hoàn thành xong nhiệm vụ; quả của nó đã vô hiệu lực, và kể như không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Như vậy nghiệp đã có mặt và chấm dứt hay diệt trong quá khứ; quả của nghiệp đã không có mặt. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: (Đã) có nghiệp, nhưng không có quả của nghiệp.
NGHIỆP QUÁ KHỨ, QUẢ TƯƠNG LAI
Vận hành thứ năm của nghiệp: nghiệp quá khứ không có quả tương lai. Đó là, trong các kiếp quá khứ, một người đã hoàn thành những hậu báo nghiệp thiện và hậu báo nghiệp bất thiện. Những nghiệp đó nếu gặp những điều kiện thoả đáng sẽ tạo ra quả của nó trong kiếp kế, hay một kiếp nào sau đó. Như vậy nghiệp ở quá khứ, và đã hoàn thành xong nhiệm vụ; quả của nó thì ở trong tương lai, song vẫn phải được cảm thọ, vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nghiệp đã có mặt và chấm dứt trong một kiếp quá khứ nào đó; quả của nó sẽ có mặt và chấm dứt trong tương lai. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: (Đã) có nghiệp, sẽ có quả của nghiệp.
NGHIỆP QUÁ KHỨ, KHÔNG CÓ QUẢ TƯƠNG LAI
Vận hành thứ sáu của nghiệp: nghiệp quá khứ không có quả tương lai. Đó là, với sự chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, hay Nhất Lai Thánh Đạo trong một kiếp quá khứ hay kiếp này, tất cả những hậu báo nghiệp mà trong tương lai lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ trở thành vô hiệu nghiệp. Với sự chứng đắc của Bất Lai Thánh Đạo trong một kiếp quá khứ hay kiếp này, tất cả những hậu báo nghiệp mà trong tương lai lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong cõi dục trở thành vô hiệu nghiệp. Và với sự chứng đắc của A-la-hán Thánh Đạo trong kiếp này, sẽ không còn đời sống tương lai nữa, có nghĩa là vào lúc Bát-Niết-Bàn ở cuối của kiếp sống này, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp sẽ tuyệt đối không còn hiệu lực.
Trong những trường hợp này, nghiệp thuộc về quá khứ, và đã hoàn thành xong nhiệm vụ; quả của nó đã trở thành vô hiệu lực, và kể như không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Như vậy, nghiệp có mặt và chấm dứt trong một kiếp quá khứ nào đó; quả của nó sẽ không bao giờ có mặt. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: (Đã) có nghiệp, sẽ không có quả của nghiệp.’
BỐN VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP HIỆN TẠI
Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) cũng mô tả bốn vận hành của nghiệp hiện tại (paccuppanna–kamma) như sau:
- Có nghiệp, có quả của nghiệp
- Có nghiệp, không có quả của nghiệp.
- Có nghiệp, sẽ có quả của nghiệp.
- Có nghiệp, sẽ không có quả của nghiệp.
Chúng ta sẽ cố gắng để thấy xem những vận hành này liên quan với sanh báo nghiệp, hiện báo nghiệp, và hậu báo nghiệp như thế nào.
NGHIỆP HIỆN TẠI, QUẢ HIỆN TẠI
Vận hành thứ nhất của nghiệp hiện tại: nghiệp hiện tại có một quả hiện tại (ngay trong kiếp này). Đó là, trong kiếp này, một người đã hoàn thành vô số những hiện báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) trong những tốc hành tâm thứ nhất của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy sẽ gặp được những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng trong kiếp này.
Chẳng hạn, những cảm thọ lạc, khổ, và trung tính khởi lên trước, trong và sau một nghiệp nào đó trong kiếp này có thể là quả của hiện báo nghiệp: ví dụ như những cảm thọ phát sanh liên hệ với một hành động bố thí (dāna), hay liên quan tới việc giữ giới, hành thiền, trong kiếp này. Ví dụ khác là sự sanh khởi của một Tâm Đạo (Magga–Citta) trong kiếp này: quả của tâm đạo ấy sẽ phát sanh ngay sát-na tâm kế như Tâm Quả (Phala–Citta) trong kiếp này.
Trong những trường hợp như vậy, nghiệp thuộc hiện tại, và làm xong nhiệm vụ của nó; quả cũng thuộc hiện tại, và hoàn thành nhiệm vụ của nó. Cả hai cùng có mặt và chấm dứt trong kiếp hiện tại. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Có nghiệp, có quả của nghiệp.
NGHIỆP HIỆN TẠI, KHÔNG CÓ QUẢ HIỆN TẠI
Vận hành thứ hai của nghiệp hiện tại: nghiệp hiện tại không có quả hiện tại. Vào cuối kiếp sống này, tất cả những hiện báo nghiệp nào không gặp được điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng trong kiếp này đều trở thành vô hiệu nghiệp.406
Ở đây, nghiệp thuộc hiện tại, và đã làm xong nhiệm vụ, quả của nó đã vô hiệu lực, và kể như không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nghiệp đã có mặt và chấm dứt trong kiếp này; quả của nó không bao giờ có mặt. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Có nghiệp, không có quả của nghiệp.
NGHIỆP HIỆN TẠI, QUẢ TƯƠNG LAI
Vận hành thứ ba của nghiệp hiện tại: nghiệp hiện tại có một quả trong tương lai. Trong kiếp sống này, một người đã hoàn thành vô số những sanh báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) trong các tốc hành tâm thứ bảy của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy khi gặp những điều kiện thoả đáng sẽ tạo ra quả của chúng trong kiếp sau, kế kiếp hiện tại.
Cũng vậy, trong kiếp sống này, một người đã hoàn thành vô số hậu báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) trong năm tốc hành tâm giữa của mỗi nghiệp.
Những nghiệp ấy khi gặp những điều kiện thoả đáng sẽ tạo ra quả của chúng trong một kiếp tương lai nào đó sau kiếp kế (tức từ kiếp thứ hai đổ đi).
Trong những trường hợp kể trên, nghiệp thuộc hiện tại, và làm xong nhiệm vụ của nó; quả nằm trong tương lai, chưa được trải nghiệm, chưa hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nghiệp có mặt và chấm dứt trong kiếp này; quả của nó sẽ có mặt và chấm dứt trong tương lai. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Có nghiệp, sẽ có quả của nghiệp.
NGHIỆP HIỆN TẠI, KHÔNG CÓ QUẢ TƯƠNG LAI
Vận hành thứ tư của nghiệp hiện tại: nghiệp hiện tại, không có quả tương lai. Cuối của kiếp sống kế, tất cả sanh báo nghiệp từ kiếp này không gặp được những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng trong kiếp kế đều trở thành vô hiệu nghiệp.
Chẳng hạn, với sự tái sanh trong cõi người hoặc trong cõi trời vào kiếp kế, tất cả các sanh báo nghiệp từ kiếp này lẽ ra đã có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ ở kiếp kế, sẽ trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối của kiếp sống kế. Tuy nhiên, với sự chứng đắc của Nhập Lưu Thánh Đạo hay Nhất Lai Thánh Đạo trong kiếp này, tất cả sanh báo nhiệp và hậu báo nghiệp lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ ở kiếp kế đã lập tức trở thành vô hiệu nghiệp. Cũng vậy, Với sự tái sanh trong cõi sắc hoặc vô sắc ở kiếp kế, tất cả sanh báo nghiệp từ kiếp này lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong cõi dục giới ở kiếp sau sẽ trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối của kiếp sống đó. Với sự chững đắc của Bất Lai Thánh Đạo trong kiếp này, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong cõi dục vào kiếp sau lập tức sẽ trở thành vô hiệu nghiệp. Cuối cùng, với sự chứng đắc của A-la-hán Thánh Đạo trong kiếp này, sẽ không còn đời sống tương lai: vào lúc Bát-Niết-Bàn của một người ở cuối kiếp sống này, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp sẽ tuyệt đối trở thành vô hiệu lực.
Trong những trường hợp vừa nêu, nghiệp thuộc hiện tại, và làm xong nhiệm vụ của nó; quả sẽ trở thành vô hiệu lực, và kể như sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nghiệp có mặt và chấm dứt trong kiếp này; quả của nó sẽ không bao giờ có mặt. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Có nghiệp, sẽ không có quả của nghiệp.
HAI VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP TƯƠNG LAI
Vô Ngại Giải Đạo cũng mô tả hai vận hành của nghiệp tương lai (anāgata–kamma):
- Sẽ có nghiệp, sẽ không có quả của nghiệp.
- Sẽ có nghiệp, sẽ có quả của nghiệp.
Chúng ta hãy cố gắng để thấy những vận hành này liên hệ với hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, và hậu báo nghiệp như thế nào. Vả lại, chúng ta sẽ bàn về nghiệp này chỉ trong trường hợp một người nào đó vẫn còn sống, và họ có thể là một phàm nhân, một Thánh Nhân, hay một bậc Thánh A-la-hán nhưng vẫn chưa nhập Vô Dư Niết Bàn (Parinibbāna) mà thôi.
NGHIỆP TƯƠNG LAI, QUẢ TƯƠNG LAI
Vận hành thứ nhất của nghiệp tương lai: nghiệp tương lai có một quả tương lai. Đó là, trừ phi một người đạt đến A-la-hán Thánh Quả, bằng không người ấy sẽ, trong tất cả những kiếp sống tương lai của mình, hoàn thành vô số hiện báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) trong những tốc hành tâm thứ nhất của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy khi gặp những điều kiện thoả đáng sẽ tạo ra quả của chúng trong cùng kiếp sống.
Chẳng hạn, những cảm thọ lạc, khổ hoặc trung tính sanh khởi liên hệ với một nghiệp nào đó trong một kiếp sống tương lai có thể là quả của một hiện báo nghiệp: ví dụ, những cảm thọ sanh liên hệ với một hành động bố thí trong tương lai, hay với việc giữ giới, hay tu thiền trong một kiếp sống tương lai. Ví dụ khác là sự sanh khởi của Tâm Đạo (Magga-Citta) trong một kiếp sống tương lai: quả của nó sẽ sanh khởi trong sát na tâm kế như Tâm Quả (Phala-Citta).
Cũng vậy, trừ phi một người đạt đến A-la-hán Thánh Quả, bằng không người ấy sẽ, trong tất cả những kiếp sống tương lai của họ, hoàn thành vô số những sanh báo nghiệp thiện và bất thiện: chúng là tư (cetanā) trong các tốc hành tâm thứ bảy của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy nếu gặp những điều kiện thoả đáng sẽ tạo ra quả của chúng trong kiếp kế, ngay sau kiếp này.
Hơn nữa, trừ phi một người đạt đến A-la-hán Thánh Quả, bằng không người ấy sẽ, trong những kiếp sống tương lai của mình, hoàn thành vô số những hậu báo nghiệp thiện hoặc bất thiện: chúng là tư (cetanā) trong năm tốc hành tâm giữa của mỗi nghiệp. Những nghiệp ấy nếu gặp điều kiện thoả đáng sẽ tạo ra quả của chúng trong một kiếp sống tương lai nào đó sau kiếp tương lai kế.
Trong những trường hợp nêu trên, nghiệp sẽ là ở trong tương lai, và sẽ hoàn thành nhiệm vụ của nó; quả sẽ là ở trong tương lai, chưa được trải nghiệm, và vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ của nó. Như vậy, nghiệp sẽ có mặt và chấm dứt trong tương lai; quả của nó sẽ có mặt và chấm dứt trong tương lai. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā- Magga) nói: Sẽ có nghiệp, sẽ có quả của nghiệp.
NGHIỆP TƯƠNG LAI, KHÔNG CÓ QUẢ TƯƠNG LAI
Vận hành thứ hai của nghiệp tương lai: nghiệp tương lai không có quả tương lai. Đó là, vào cuối của mỗi kiếp sống tương lai, tất cả những hiện báo nghiệp trong kiếp đó không gặp những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng sẽ trở thành vô hiệu nghiệp. tương tự như vậy, vào cuối của mỗi kiếp sống tương lai, tất cả những sanh báo nghiệp từ kiếp trước không gặp được những điều kiện thoả đáng để tạo ra quả của chúng sẽ trở thành vô hiệu nghiệp.
Chẳng hạn, với sự tái sanh trong nhân giới hoặc thiên giới ở một kiếp tương lai nào đó, tất cả sanh báo nghiệp từ kiếp trước lẽ ra có thể tạo ra qủa của chúng trong một cõi khổ sẽ trở thành vô hiệu nghiệp vào cuối của kiếp sống tương lai ấy. Tuy nhiên, với sự chứng đắc của Nhập Lưu Thánh Đạo, hay Nhất Lai Thánh Đạo trong một kiếp sống tương lai nào đó, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng trong một cõi khổ ở kiếp tương lai đó lập tức sẽ trở thành vô hiệu nghiệp. Cũng vậy, với sự chứng đắc của Bất Lai Thánh Đạo trong một kiếp sống tương lai, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp lẽ ra có thể tạo ra quả của chúng ở cõi dục trong tương lai, sẽ trở thành vô hiệu nghiệp. Cuối cùng, với sự chứng đắc của A-la-hán Thánh Đạo trong tương lai, sẽ không còn tương lai nữa, nghĩa là vào cuối của kiếp tương lai đó, khi người ấy Bát-Niết-bàn, tất cả sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp sẽ tuyệt đối vô hiệu lực.
Trong những trường hợp vừa nêu, nghiệp sẽ là ở trong tương lai, và sẽ hoàn thành nhiệm vụ của nó; quả sẽ vô hiệu lực, và kể như không hoàn thành nhiệm vụ của nó., Như vậy, nghiệp sẽ có mặt và chấm dứt trong tương lai; quả của nó sẽ không bao giờ có mặt. Như trong Vô Ngại Giải Đạo (PaIisambhidā-Magga) nói: Sẽ có nghiệp, sẽ không có quả của nghiệp.
Điều này đã kết luận phần luận bàn của chúng tôi về những vận hành của nghiệp quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngoài những ví dụ được nêu ra ở đây, chắc chắn quý vị cũng có thể nghĩ ra thêm được những ví dụ nữa về vận hành của nghiệp.
KẾT LUẬN
Khi chúng ta bàn luận thêm về nghiệp, xin quý vị vui lòng ghi nhớ nguyên tắc này trong tâm: rằng thiện nghiệp và bất thiện nghiệp đã được hoàn thành trong quá khứ, đã được hoàn thành trong hiện tại và (bao lâu chúng ta chưa phải là bậc Thánh A-la-hán) cũng sẽ được hoàn thành trong tương lai. Một thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào đó đã tạo ra quả thiện hay bất thiện của nó trong quá khứ; một thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào đó đã, đang và sẽ tạo ra quả thiện hay bất thiện của nó trong hiện tại; và một thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào đó sẽ tạo ra quả thiện hay bất thiện của nó trong tương lai. Cuối cùng, trong quá khứ một thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào đó đã vô hiệu lực, trong hiện tại một thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào đó trở thành vô hiệu lực, và trong tương lai, một thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào đó sẽ vô hiệu lực. Điều này cũng vậy đối với nghiệp hữu tội (s-āvajjan kamman) và nghiệp vô tội (anavajjan kamman); hắc nghiệp (kauhan kamman) và bạch nghiệp (sukkan kamman); nghiệp với lạc quả (sukhudrayan kamman) và nghiệp với khổ quả (dukkhudrayan kamman); nghiệp cho quả lạc (sukha-vipākan kamman), và nghiệp cho quả khổ (dukkha-vipākan kamman). Và cũng nên nhớ rằng, những vận hành của nghiệp này là cho tất cả mọi người. Chỉ các bậc Thánh A-la-hán là được miễn khỏi việc thành tựu nghiệp. Tuy nhiên chừng nào chưa Bát-Niết-Bàn, ngay cả các bậc Thánh A-la-hán cũng không được miễn trừ khỏi việc cảm thọ lạc và khổ do nghiệp quá khứ. Thậm chí vị A-la-hán ấy là Đức Phật, điều này vẫn sẽ xảy ra. 409
Đến đây kết thúc phần giải thích của chúng tôi về nghiệp bốn loại đầu tiên: hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp, và vô hiệu nghiệp.