VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

NGƯỜI KHÔNG NGẠO NGHỄ, KIÊU MẠN

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có ngạo nghễ, kiêu mạn. Đối với người đáng đảnh lễ, người này đảnh lễ; đối với người đáng đứng dậy, người này đứng dậy; đối với người đáng mời ngồi, người này mời ngồi; đối với người đáng nhường chỗ đi, người này nhường chỗ đi; đối với người đáng tôn trọng, người này tôn trọng; đối với người đáng cung kính, người này cung kính; đối với người đáng cúng dường, người này cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được thọ sanh cao quý.

Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến thọ sanh cao quý, đó là, không phải là người kgaọ nghễ, kiêu mạn. Đối với người đáng đảnh lễ, người này đảnh lễ; đối với người đáng đứng dậy, người này đứng dậy; đối với người đáng mời ngồi, người này mời ngồi; đối với người đáng nhường chỗ đi, người này nhường chỗ đi; đối với người đáng tôn trọng, người này tôn trọng; đối với người đáng cung kính, người này cung kính; đối với người đáng cúng dường, người này cúng dường.

TÔN GIẢ BHADDIYA THỌ SANH CAO QUÝ

Đây, Tôn-giả Bhaddiya là một ví dụ điển hình cho chúng ta thấy rằng việc đảnh lễ, cung kính, tôn trọng, cúng dường đối với những người đáng đảnh lễ…cúng dường đưa đến thọ sanh cao quý như thế nào. Ngài là con của Kāḷigodhā, một nữ nhân dòng họ Thích Ca cao quý: đó là lý do tại sao ngài còn được gọi là Kāḷigodhā-Putta-Bhaddiya (Bhaddiya con bà Kāḷigodhā). Đức Phật tuyên bố ngài là tối thắng trong số những vị Tỳ-kheo thuộc gia đình cao quý (uccā-kulika).739Ngài đã quyết định để nhận được danh hiệu này740 trong Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara.741Thời kỳ ấy ngài được thọ sanh trong một gia đình rất giàu có. Trong kiếp đó, ngài làm phước cúng dường đồ ăn và những vật dụng khác đến Đức Phật và Tăng Chúng, lúc nào ngài cũng giữ thái độ cung kính, tôn trọng, đảnh lễ đối với Đức Phật và Tăng Chúng. Ngài ghi nhớ những Lời Dạy của Đức Phật, học hỏi Pháp với sự thận trọng và tôn kính; luận bàn những đoạn khúc mắc trong Kinh Điển, Chú giải…; và thực hành minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Trong khoảng thời gian giữa Đức Phật Kassapa và Đức Phật Gotama có lần ngài sinh làm một gia chủ trong kinh thành Bārāṇasī.743Khi ngài nghe nói các vị Phật Độc Giác thường thọ thực trên bờ sông Hằng (Ganges), ngài đã cho làm bảy chỗ ngồi bằng đá, và đem đặt tại bờ sông ấy cho các vị ngồi. Theo cách đó, ngài đã cung kính, tôn trọng và đảnh lễ các vị Phật Độc Giác, và cúng dường chỗ ngồi cho các vị đáng có chỗ ngồi. Thực ra đó chỉ là một trong nhiều thiện nghiệp mà sau đó đã tạo một sự thọ sanh cao quý mà thôi.

Trong kiếp cuối, ngài sanh ra trong một gia đình cầm quyền của vương tộc Thích Ca (rājā) ở Kapilavatthu, nơi thọ sanh của Đức Phật. Chính Baddiya là người cai trị một lãnh địa của dòng họ Thích Ca. Lúc bấy giờ Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) là bạn thân của ngài. Khi Anuruddha xin phép mẹ để trở thành một vị Tỳ-kheo, mẹ ngài nói chỉ khi nào Bhaddiya cũng xuất gia Tỳ-kheo thì bà mới cho phép. Và ngài đã khéo léo thuyết phục Bhaddiya từ bỏ cuộc sống vương giả của mình trong bảy ngày. Kinh nói rằng Bhaddiya đã đạt đến quả vị A-la-hán cùng với tam minh (te-vijjā) ngay mùa hạ đầu tiên sau khi xuất gia.

Không lâu sau khi đắc A-la-hán, dưới một gốc cây ở nơi vắng vẻ, an trú trong lạc của Niết-Bàn, Tôn-giả Bhaddiya thường thốt lên lời này:

Ôi, hạnh phúc làm sao! Ôi, hạnh phúc làm sao! Các vị Tỳ-kheo bạn của ngài cho rằng ngài đang nghĩ về quá khứ khi còn là một hoàng tử sống trong cung điện, nên đã trình việc này lên Đức Phật. Nhưng trước mặt Đức Phật ngài giải thích rằng khi còn làm vua, ngài luôn luôn lo sợ và căng thẳng thần kinh, cho dù có lính canh bên trong và bên ngoài cung điện. Nhưng bây giờ, sau khi đã từ bỏ tất cả, ngài thoát khỏi mọi sợ hãi.

Do những thiện nghiệp tiền kiếp, Bhaddiya đã được làm vua trong năm trăm kiếp và nhận được địa vị nổi bật trong kiếp chót này. Mặc dù có những người khác thuộc tầng lớp quy tộc cao hơn, nhưng Đức Phật vẫn tuyên bố ngài là vị tối thắng trong số những Tỳ-kheo thọ sanh cao quý bởi vì người sanh ra ngài là một nữ nhân lãnh đạo dòng tộc Thích Ca, và bởi vì ngài đã từ bỏ địa vị làm vua của mình để đi xuất gia, và cũng vì ngài từng làm vua trong năm trăm kiếp liên tục.

Quý vị có muốn được thọ sanh cao quý không? Nếu muốn, quý vị phải cố gắng để là một người nam hay nữ không ngạo nghễ, kiêu mạn. Nếu quý vị muốn một thọ sanh cao quý:

  • Đối với những người đáng cung kính, quý vị phải cung kính.
  • Đối với những người đáng đứng dậy, quý vị phải đứng dậy.
  • Đối với những người đáng nhường chỗ ngồi, quý vị phải nhừng chỗ ngồi.
  • Đối với những người đáng nhường đường đi, quý vị phải nhường đường đi.
  • Đối với những người đáng kính trọng, tôn kính, và đảnh lễ, quý vị phải kính trọng, tôn kính và đảnh lễ.

Trước hết là những bậc tôn trưởng và cao quý hơn, như chư Phật Chánh Đẳng Giác, Phật Độc Giác, và các vị Thánh Đệ Tử (Ariya-Sāvaka). Và đối với một người cư sĩ, những bậc cao niên và nhân cách tốt hơn chúng ta, như mẹ, cha, các sa-môn, bà-la-môn, và trưởng tộc.

Hãy ghi nhớ đừng quên, ngạo nghễ và kiêu mạn là những phiền não. Phiền não không tạo ra thọ sanh cao quý, mà chỉ tạo ra thọ sanh hạ liệt. Những vận hành của nghiệp là thế. Và đó là lý do tại sao Đức Phật nói với thanh niên Subha:

Nghiệp phân loại các chúng sanh, đó là có (người) hạ liệt, (người) cao quý.

Bây giờ, chúng ta hãy nghe lời giải thích thứ mười ba của Đức Phật cho Subha:

KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI HAY HỎI

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn (samaṇa-brahmaṇa), không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Điều gì cần phải thực hành? Điều gì không cần phải thực hành? Điều gì, nếu tôi làm sẽ đem lại sự tổn hại và đau khổ lâu dài? Hay điều gì, nếu tôi làm sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy trở lại làm Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy trí tuệ yếu kém.

Này thanh niên, đây là con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, đó là, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn (samaṇa-brahmaṇa), không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Điều gì cần phải thực hành? Điều gì không cần phải thực hành? Điều gì, nếu tôi làm sẽ đem lại sự tổn hại và đau khổ lâu dài? Hay điều gì, nếu tôi làm sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài?’

Đây, không phải do không hỏi những câu hỏi về chánh hạnh mà một người tái sanh trong một sanh thú xấu. Mà họ tái sanh trong một sanh thú xấu vì họ cư xử xấu. Và họ cư xử xấu là vì thiếu trí, không biết được sự khác nhau giữa hạnh xấu và hạnh tốt, không biết được hậu quả của những hạnh xấu và hạnh tốt ấy. Họ không biết những điều này vì họ không hỏi. Do không hỏi, họ không biết làm thế nào để cư xử cho tốt, vì thế họ cư xử xấu, cư xử ngược lại với Pháp (Dhamma). Do cư xử ngược lại với Pháp, họ phạm những bất thiện nghiệp làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp bất thiện hay chướng nghiệp bất thiện, để cắt đứt và làm chướng ngại những quả đáng mong muốn của thiện nghiệp.

Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng lời giải thích thứ mười ba Đức Phật đưa ra cho thanh niên Subha thực sự bao gồm những tất cả những bất thiện nghiệp mà từ trước đến giờ chúng ta đã bàn luận: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu&bia,…nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô lỗ, nói chuyện nhảm nhí, vô ích, ý tham, ý sân, và chấp giữ tà kiến. Sở dĩ chúng ta làm tất cả những điều xấu này là vì thiếu trí, vì chúng ta không biết chúng là xấu, vì chúng ta không có niềm tin nơi những vận hành của nghiệp hay không có trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp.

Dĩ nhiên, ở đây, những ví dụ điển hình là tất cả những ví dụ mà từ trước đến giờ chúng ta đã bàn tới, đó là những ví dụ về những người làm những điều bất thiện, những điều được xem là có tội, những điều lẽ ra không nên làm, những điều mà do làm nó, đã đưa đến sự tổn hại và đau khổ lâu dài cho họ. Chúng ta đã bàn về sự đoản thọ của Tôn-giả Mục-kiền-liên: trong một kiếp quá khứ, ngài đã cố tình đánh đập cha mẹ của ngài đến chết. Do nghiệp đó ngài đã đi đến địa ngục trong một thời gian rất dài. Sau đó, ngài còn bị đánh cho đến chết trong nhiều kiếp sống, ngay cả trong kiếp cuối cùng (trở thành A-la -hán) của ngài. Kế tiếp, có ví dụ về dạ xoa (yakkha) Nanda: dạ -xoa này đã đánh vào đầu Tôn-giả Xá -lợi-phất. Do nghiệp đó, Nanda đã bị đất nuốt chửng và tái sanh trong địa ngục. Rồi ví dụ về căn bệnh khủng khiếp của Tôn-giả Pūtigattatissa: trong một kiếp quá khứ, ngài đã bẻ gẫy cánh và chân của nhiều con chim để ngăn không cho chúng chạy thoát đi. Do nghiệp đó, ngài đã đi đến địa ngục trong một thời gian lâu dài. Sau đó, ngài được tái sanh làm người, và trở thành một vị Tỳ-kheo. Nhưng ngài đã phát triển những ung nhọt ở khắp toàn thân, và xương của ngài bị phân rã ra rất hôi thối và đau đớn. Và sự xấu xí của Pañcapāpī: trong một kiếp quá khứ, cô đã ném cho Đức Phật Độc Giác một cái nhìn giận dữ. Do nghiệp đó, cô sanh ra rất xấu xí. Và sự xấu xí của Suppabuddha: trong một kiếp quá khứ, là con trai của một viên trưởng khố, ngài đã lăng mạ một vị Phật Độc Giác. Do nghiệp đó, ngài đã đi xuống địa ngục trong một thời gian rất lâu. Và trong Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ngài sanh làm người, nhưng là một người cùi rất xấu xí và khốn khổ. Rồi việc không có ảnh hưởng hay quyền thế nhỏ của Tôn-giả Losaka Tissa: trong một kiếp quá khứ, ngài đã không thể kiểm soát được thói ganh tỵ của mình đối với một vị A-la-hán, và ném bỏ thức ăn của vị A-la -hán ấy đi. Do nghệp đó, ngài đã đi đến địa ngục trong một thời gian dài. Và trong mỗi kiếp sau đó, ngài còn chịu đựng rất nhiều gian khổ, không bao giờ có đủ thức ăn để ăn. Ngay cả trong kiếp cuối cùng, khi ngài đã trở thành một vị Tỳ-kheo và một bậc thánh A-la-hán, ngài cũng chẳng bao giờ có đủ thức ăn để ăn. Chúng ta cũng đã bàn đến cha của thanh niên Subha, cảnh nghèo nàn của Bà-la-môn Todeyya giàu có. Ông là một con người keo kiệt, chẳng bao giờ bố thí cho ai một thứ gì. Do nghiệp đó, ông phải tái sanh làm chó. Hết kiếp làm chó, ông còn bị tái sanh trong địa ngục. Và sự thọ sanh thấp hèn của Tôn-giả Sunīta: trong một kiếp quá khứ, ngài cũng nói lời thô lỗ đối với một Đức Phật Độc Giác. Do nghiệp đó, ngài đã đi xuống địa ngục. Hết kiếp ở địa ngục, ngài cứ tái sanh đi tái sanh lại làm người trong giai cấp thấp hèn nhất, một người quét rác. Và sự thọ sinh thấp hèn của Tôn -giả Upāli nữa: trong một kiếp quá khứ, ngài cũng xỉ vả một vị Phật Độc Giác. Do nghiệp đó, khi ngài tái sanh lại làm người trong Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ngài phải sanh trong một gia đình người thợ cạo tóc. Tất cả những người đó đã làm những điều xấu do thiếu trí.

ĐỨC VUA SUPPABUDDHA THIẾU TRÍ

Chúng ta có thể lấy Suppabuddha, một đức Vua dòng họ Thích, làm ví dụ về sự thiếu trí. Ông là em của Hoàng Hậu Mahāmāyā, mẹ của Đức Phật và là cha của công chúa Yasodharā, vợ của Thái Tử Siddhatta. Ông cũng còn là cha của Devadatta.

Vua Suppabuddha thọ sanh trong một gia đình hoàng tộc. Như chúng ta vừa bàn luận ở trên, Đức Phật nói con đường đưa đến thọ sanh cao quý là không ngạo nghễ, kiêu mạn, và biết cung kính, tôn trọng, và đảnh lễ những người đáng được cung kính, tôn trọng và đảnh lễ. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng Vua Suppabuddha đã hoàn thành những thiện nghiệp như vậy trong quá khứ, và rằng một trong những nghiệp ấy đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra sự tái sanh trong hoàng tộc của ông ta. Nhưng vào cuối đời, sanh nghiệp thiện đó đã bị cắt đứt bởi một bất thiện nghiệp, và nghiệp này tạo ra tái sanh trong địa ngục. Như thế nào?

Vua Suppabuddha đã mang hai mối hiềm thù đối với Đức Phật. Một là vì con gái ông, Công chúa Yasodharā (Gia-du-đà-la), vợ của Thái-tử Siddhatta. Vì để thành Phật, Thái-tử Siddhatta đã bỏ vợ con, ra đi xuất gia. Mối hiềm thù khác mà Vua Suppabuddha nặng mang đối với Đức Phật là vì con trai ông, Devadatta (Đề-bà-đạt đa). Khi Đề-bà-đạt-đa khởi lên ước muốn làm người lãnh đạo Tăng Chúng, Đức Phật đã cách ly ông khỏi Tăng Chúng.

Vì thế, để tạo mối bất hoà, Vua Suppabuddha đã quyết định cản đường đi khất thực của Đức Phật. Trên con đường Đức Phật đã được mời để nhận thức ăn đặt bát, Vua Suppabuddha đã ngồi ở đó uống rượu. Khi Đức Phật và Tăng Chúng đi tới, các vị Tỳ-kheo nói với Suppabbuddha rằng Bậc Đạo Sư đã đến. Nhưng Suppabuddha không chịu nhường đường cho Đức Phật. Các vị Tỳ-kheo đã nói với ông nhiều lần, nhưng mỗi lần như vậy ông đều từ chối.

Tại sao Vua Suppabuddha lại phạm vào bất thiện nghiệp này? Bởi vì ông không biết việc làm đó là bất thiện. Tại sao ông không biết đó là bất thiện? Bởi vì ông không bao giờ đi đến một sa-môn hay Bà -la -môn nào để tìm hiểu xem điều gì là bất thiện và điều gì là thiện, điều gì là có tội và điều gì là không có tội, điều gì sẽ đem đến sự tổn hại và khổ đau cho ông và điều gì sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho ông. Vua Suppabuddha chưa bao giờ bỏ nỗ lực ra theo cách đó. Kết quả là ông thiếu trí. Do thiếu trí, ông đã từ chối nhường đường đi cho một vị Phật Chánh Đẳng Giác: ông đã từ chối cung kính, tôn trọng và đảnh lễ Đức Phật. Do thiếu trí, ông đã hoàn thành rất nhiều nghiệp bất thiện.

Đức Phật quay về. Và Suppabuddha cho người đến nghe ngóng xem Đức Phật đã nói gì. Trên đường về, Đức Phật mỉm cười. Và Tôn-giả Ānanda hỏi lý do tại sao ngài cười. Đức Phật giải thích rằng trong bảy ngày nữa, Suppabuddha sẽ bị đất nuốt ngay dưới chân cầu thang của ông. Người của Suppabuddha nghe được những gì Đức Phật nói, liền quay về báo cho Suppabuddha biết. Suppabuddha quyết định phen này sẽ chứng minh cho mọi người thấy là Đức Phật sai. Vì thế ông đã cho người mang hết những vật dụng cá nhân của ông lên tầng cao nhất của ngôi nhà, tầng thứ bảy. Sau đó ông cho lấy cầu thang đi, và khoá hết mọi cánh cửa lại. Ở mỗi tầng, ông đặt hai lính canh khoẻ mạnh đứng gác. Ông nói với họ rằng nếu ông có đi xuống, họ phải buộc ông quay lên.

Bảy ngày sau khi Suppabuddha cản đường đi khất thực của Đức Phật, con ngựa chiến của Suppabuddha sổng chuồng. Con ngựa này chỉ có Suppabuddha mới có thể kiềm chế được nó. Vì thế ông lao ra cửa. Tự động các cánh cửa mở, cầu thang trở về chỗ cũ của nó, và những người lính canh (thay vì đẩy lên) đã xô ông xuống cầu thang, từ tầng trên cùng xuống dưới đất. Và ngay tại dưới chân cầu thang, ông bị đất nuốt chửng, và tái sanh vào địa ngục A-tỳ (Avīci). Thiện nghiệp làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra sự tái sanh làm người của ông, và duy trì kiếp sống làm người của ông, đã bị cắt đứt bởi bất thiện nghiệp không nhường đường cho người đáng nhường đường của ông: trong trường hợp này là một vị Phật Chánh Đẳng Giác, bậc giới đức nhất trong tất cả chúng sanh. Nghiệp bất thiện đó đã tạo ra quả của nó, là tái sanh trong địa ngục A-tỳ.

Đây cũng vậy, chúng ta cần hiểu rằng việc tái sanh trong địa ngục của Vua Suppabuddha không phải là quả của bất cứ điều gì do Đức Phật làm:[254] Thực ra Đức Phật không mỉm cười vì ác ý; ngài không vui sướng gì khi thấy Suppabuddha phải chịu khổ. Đức Phật chỉ cười vì thấy rằng nghiệp Suppabuddha đã làm chắc chắn sẽ đem lại quả báo của nó, dù Suppabuddha có làm gì (để tự bảo vệ mình) chăng nữa. Và quả báo đến là do sức mạnh của bất thiện nghiệp mà Suppabuddha đã làm mà thôi.Vận hành của nghiệp là thế. Những vận hành như vậy của nghiệp là lý do khiến Đức Phật đã lập đi lập lại trong ‘Kinh Dây Trói Buộc Thứ Hai’:

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

Bây giờ chúng ta hãy nghe lời giải thích thứ mười bốn của Đức Phật cho thanh niên Subha.

LÀ NGƯỜI HAY HỎI

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn (samaṇa-brahmaṇa), thường hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện?

Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Điều gì cần phải thực hành? Điều gì không cần phải thực hành? Điều gì, nếu tôi làm sẽ đem lại sự tổn hại và đau khổ lâu dài? Hay điều gì, nếu tôi làm sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, nếu người ấy trở lại làm Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy rất trí tuệ.

Này thanh niên, đây là con đường đưa đến trí tuệ lớn, đó là, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn (samaṇa-brahmaṇa), có thưa hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Điều gì cần phải thực hành? Điều gì không cần phải thực hành? Điều gì, nếu tôi làm sẽ đem lại sự tổn hại và đau khổ lâu dài? Hay điều gì, nếu tôi làm sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài?’

Đây cũng vậy, một người tái sanh trong một sanh thú tốt đẹp (cõi trời, cõi người …) vì họ có hỏi về chánh hạnh. Mà một người tái sanh trong một sanh thú tốt đẹp vì họ hành xử đúng. Và họ hành xử đúng là nhờ có trí tuệ, biết được sự khác nhau giữa hạnh xấu và hạnh tốt, và biết những hậu quả của hạnh xấu và hạnh tốt ấy. Tất nhiên họ biết được những điều này là nhờ họ có hỏi về chúng. Theo đó, họ biết cách làm thế nào để cư xử cho tốt, hợp với Pháp (Dhamma), nhờ vậy họ hoàn thành những thiện nghiệp làm nhiệm vụ như sanh nghiệp thiện để tạo ra những kết quả mong muốn, hay làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp thiện, hoặc chướng nghiệp thiện, để cắt đứt và chống lại những kết quả không đáng mong muốn của bất thiện nghiệp.

Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng lời giải thích thứ mười bốn này của Đức Phật cho thanh niên Subha thực sự bao gồm những hành động thiện mà từ trước đến đây chúng ta đã bàn luận: không sát sanh đồng thời có lòng từ ái và bi mẫn đối với các chúng sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu & bia, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác, ăn nói một cách nhã nhặn, lễ độ, không nói chuyện nhảm nhí, vô ích, không tham, không nuôi dưỡng ác ý, và giữ vững Chánh Kiến. Sở dĩ chúng ta làm được những điều tốt này là vì chúng ta biết chúng là tốt, là vì chúng ta có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp hay nói khác hơn chúng ta có trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp.

Tất nhiên, trong trường hợp này những ví dụ điển hình là những ví dụ mà từ trước đến đây tôi đã nêu ra về người làm điều thiện, làm những điều không có tội, những điều nên làm, những điều mà do làm chúng sẽ đưa đến lợi ích và an lạc lâu dài cho họ: không sát sanh, không làm tổn hại đến các chúng sanh khác, không nóng giận và khó chịu, không ghen tỵ, thường hay bố thí, cúng dường, và không ngạo nghễ, kiêu mạn.

Chúng ta đã bàn về Tôn-giả Pañcasīla Samādāniya giới đức, và cậu bé Āyuvaḍḍhana Kumāra trường thọ. Chúng ta đã bàn về Tôn-giả Bakula: người không bao giờ bị bệnh, và nhập Vô Dư Niết Bàn khi ngài một trăm sáu mươi tuổi. Rồi chúng ta cũng bàn về Tôn-giả Tu-Bồ-Đề (Subhūti): ngài rất đẹp sắc, và tinh thông trong thiền tâm từ. Tôn-giả Mahākaccāna cũng rất đẹp người, và là một vị đệ tử tối thắng trong việc phân tích và giảng rộng Pháp đã được Đức Phật giải thích một cách vắn tắt. Chúng ta cũng đã bàn về Tôn-giả Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp): ngài là vị đệ tử tối thắng trong lãnh vực có đông đồ chúng. Và Tôn-giả Sīvali: ngài là vị đệ tử tối thắng trong lãnh vực thọ nhận của cúng dường. Tôn-giả Bhaddiya, vị đệ tử tối thắng về thọ sanh cao quý. Tất nhiên đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều người đã đạt được lợi ích và an vui qua muôn vàn kiếp sống: lúc họ tái sanh làm người, lúc như chư thiên. Và quan trọng hơn cả là được thực hành dưới các vị Phật quá khứ.

Việc thực hành của họ gồm những gì?

  • Giữ giới,
  • Thanh tịnh hành vi cư xử (hạnh),
  • Dựa trên giới, họ cúng dường đến các sa-môn và bà-la-môn, 
  • Học thuộc lòng những Lời Dạy của Đức Phật,
  • Học Pháp (Dhamma) một cách thấu đáo, với sự thận trọng và tôn kính Pháp,
  • Luận bàn những điểm khúc mắc, và những giải thích trong Kinh Điển,Chú giải,…
  • Thực hành thiền chỉ và thiền minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Việc thực hành này cũng là những gì được gọi là minh và hạnh (vijjā-caraṇa). Chúng ta đã bàn đế ở trước:

  • Hạnh (caraṇa) có mười lăm pháp: giữ giới, chế ngự các căn, tiết độ trong ăn uống, luôn luôn tỉnh thức, đức tin (bao gồm việc thực hành thường xuyên pháp bố thí – dāna), chánh niệm, tàm, quý, đa văn (cả về lý thuyết lẫn thực hành), tinh tấn, trí tuệ, và bốn bậc thiền sắc giới.
  • Minh (Vijjā) cũng là minh sát trí (vipassanā ñāṇa). Đó là, biết và thấy tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của danh và sắc chân đế, thuộc quá khứ, hiện tại, và vị lai, bên trong và bên ngoài, thô và tế, cao thượng và hạ liệt, xa và gần. Minh sát trí hiệp thế cao nhất là Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Như chúng ta đã bàn đến ở trên, thiền minh sát còn tạo ra tái sanh được kể trong nhóm hạnh (caraṇa), và thiền minh sát không còn tạo ra tái sanh được kể trong hóm minh (vijjā).

Tại sao những người này làm được tất cả những điều tốt ấy? Bởi vì có trí tuệ. Và trí tuệ đó xuất phát từ việc đã thường xuyên hỏi cho biết về sự khác nhau giữa hạnh tốt và hạnh xấu: tóm lại, trí tuệ xuất phát từ việc đã hỏi cho biết về những vận hành của nghiệp với đức tin và lòng kính trọng.

Đây là pháp hành tiêu chuẩn đòi hỏi phải có để chứng đắc tứ tuệ phân tích (paṭisambhidā).

Kết quả, dưới thời Đức Phật của chúng ta, những người này cũng đã thực hành, và đạt được lợi ích cao tột nhất, đó là A-la-hán Thánh Quả.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *