VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

SẮC

Sắc bao gồm:

Bốn đại chủng hay tứ đại (mahā-bhūtā): địa đại, thuỷ đại, hoả đại, và phong đại.

Sắc y đại sanh (mahā-bhūtānaṁ upādāya-rūpaṁ – sắc phát sanh từ tứ đại): gồm hai mươi bốn loại sắc, như màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn, sắc ý vật, sắc tánh, và sắc thần kinh. 

SẮC QUÁ KHỨ, TƯƠNG LAI, HAY HIỆN TẠI

Khi dùng phàm bất cứ sắc nào (yaṁ kiñci rūpaṁ) Đức Phật muốn nói đến tất cả sắc không ngoại trừ. Khi dùng phàm bất cứ sắc, quá khứ, tương lai hay hiện tại (atīt-ānāgata-paccuppannaṁ), Ngài muốn nói sắc quá khứ, tương lai, hay hiện tại được thấy theo bốn cách:

Theo phạm vi (addhā), sắc xuất hiện trước thức tái sanh của kiếp này là sắc quá khứ (sắc của những kiếp sống quá khứ). Sắc sanh sau sự khởi sanh của tâm tử trong kiếp này là sắc tương lai (sắc của các kiếp sống tương lai). Và sắc sanh ở giữa (thức tái sanh và tử tâm) là sắc hiện tại (sắc trong thời bình nhật của kiếp này).

  • Theo tương tục (santati), sắc của một chuỗi các thế hệ tổng hợp sắc do thời tiết sanh hay vật thực sanh là hiện tại; của một chuỗi trước đó là quá khứ; và của một chuỗi tiếp theo là tương lai.801Sắc do tâm sanh của một tiến trình tâm hay một tiến trình chứng đắc sanh là hiện tại, của một tiến trình tâm trước là quá khứ, của một tiến trình tiếp theo sau là tương lai. Sắc do nghiệp sanh là quá khứ, tương lại, và hiện tại tuỳ theo sắc hỗ trợ nó.
  • Theo giai đoạn (samaya), sắc khởi lên như một tương tục trong một phút, suốt buổi sáng, buổi chiều, trong ngày,…là hiện tại. Sắc trước đó là quá khứ, và tiếp theo sau là tương lai.
  • Theo sát-na (khaṇa), sắc của (giai đoạn) sanh, trú, và diệt là hiện tại. Sắc trước đó là quá khứ, và tiếp sau đó là tương lai.

Đây, lẽ đương nhiên, để thực hành minh sát thì chỉ sắc quá khứ, hiện tại, và tương lai theo sát-na được áp dụng.Thấy được sắc đúng theo thực tại là chỉ thấy sắc chân đế: yếu tố riêng biệt của mỗi loại tổng hợp sắc khi nó sanh lên, an trú, và diệt. Điều đó có nghĩa rằng vị Thánh Đệ Tử phân biệt tính chất vô thường, khổ và vô ngã của sắc từ sát na này đến sát na khác trong kiếp sống hiện tại, trong những kiếp sống quá khứ đã được phân biệt, và trong những kiếp sống tương lai đã được phân biệt. Đối với sắc do thời tiết sanh, vật thực sanh, và tâm sanh theo từng sát na cũng thế, và trong những giai đoạn nhỏ hơn của hiện tại, quá khứ, và tương lai cũng theo cách tương tự.

SẮC BÊN TRONG HAY BÊN NGOÀI

Sắc bên trong hay bên ngoài (ajjhattaṁ vā bahidhā vā): đây, Đức Phật đang nói đến sắc của tự thân kể như bên trong, và sắc của người khác kể như bên ngoài. Cũng vậy, các nội xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, và thân xứ) là sắc bên trong, trong khi các đối tượng của chúng (các ngoại xứ: sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, và xúc xứ) là bên ngoài. Và ở đây cũng vậy, chúng ta cần nhớ rằng nhãn xứ không phải là cục thịt đặt trong hốc mắt, vì đó là một khái niệm. Theo thực tại, nó không hiện hữu. Người ta không thể hành minh sát trên những pháp không thực hiện hữu. Khi Đức Phật nói về nhãn (con mắt), nhãn giới, nhãn môn, và nhãn xứ, ngài muốn nói đến tịnh nhãn hay thần kinh nhãn (cakkhu-pasāda): yếu tố thứ mười của tổng hợp nhãn mười sắc: đó mới là con mắt thực sự hiện hữu. Đối với các xứ khác cũng tương tự.

SẮC THÔ HAY TẾ

Sắc thô hay tế (oḷārikaṁ vā sukhumaṁ vā): ở đây, Đức Phật đang nói về mười hai xứ thô: (nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, và xúc xứ). Chúng là thô bởi vì chúng tác động lẫn nhau: một cảnh sắc tác động trên con mắt (nhãn xứ), và nhãn thức phát sanh,…Các loại sắc còn lại (chẳng hạn như dưỡng chất, mạng căn, sắc ý vật, và sắc tánh) không có sự tác động, điều này có nghĩa là chúng được thấy như (sắc) vi tế.

SẮC HẠ LIỆT VÀ CAO THƯỢNG

Sắc hạ liệt và cao thượng (hīnaṁ vā paṇītaṁ vā): ở đây, Đức Phật đang nói về sắc của các chúng sanh hạ liệt hay cao thượng: sắc của một vị Phạm thiên cao thượng hơn sắc của một vị chư thiên dục giới; sắc của một con người hạ liệt hơn sắc của một vị chư thiên dục giới, nhưng cao thượng hơn sắc của ngạ quỷ, mà sắc này lại cao thượng hơn sắc của một con vật,…Điều này cũng áp dụng cho sắc bên ngoài trong những cảnh giới hay cõi sống của chúng. Và những vật chất mà người văn minh xem như khả ý và vô hại là cao thượng, trong khi những vật họ xem như không khả ý và kinh tởm là hạ liệt.806Tuy nhiên, dưới dạng thực hành minh sát thì sắc phát sanh do bất thiện nghiệp là sắc hạ liệt, trong khi sắc sanh do thiện nghiệp là sắc cao thượng.

SẮC XA HAY GẦN

Sắc xa hay gần (yaṁ dūre santike vā): ở đây, Đức Phật đang nói đến sắc dưới dạng hư không (okāsa). Như vậy, sắc của tự thân là gần, trong khi sắc ở bên ngoài trên nền tu viện là xa. Sắc trên nền tu viện là gần, trong khi sắc ở bên ngoài (tu viện) là xa. Sắc trong một xứ sở là gần, trong khi sắc bên ngoài xứ sở là xa,…

Điều đó đã kết thúc phần giải thích của chúng tôi về mười một loại sắc tạo thành sắc uẩn. Người hành thiền cần phải quán tất cả mười một loại sắc này là vô thường, khổ, và vô ngã. Kế tiếp, có mười một loại thọ tạo thành thọ uẩn.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *