VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

THỢ SĂN SUNAKHAVĀJIKA

Ví dụ khác được trích từ một câu chuyện xảy ra ở Tích Lan cổ xưa (Sri Lanka). Có một người thợ săn tên là Sunakhavājika: ông thường đi săn với những con chó. Con trai ông là một vị Tỳ kheo tên Soṇa, đã đắc A-la-hán. Suốt cuộc đời, ngài không thể nào làm cho cha mình sống theo Chánh Mạng. Nhưng khi cha ngài đã già, ngài khéo léo thuyết phục được ông xuất gia làm Tỳ kheo. Sau đó, khi vị Tỳ kheo già này nằm trên giường bệnh sắp chết, một thú tướng (gati-nimitta, điềm báo cảnh giới sẽ tái sanh) xuất hiện: những con chó to lớn và hung dữ vây quanh ông như thể muốn ăn thịt ông vậy. Vị Tỳ kheo già rất sợ hãi, và kêu la trong hoảng loạn. 

Biết chuyện, Tôn giả Soṇa bèn nhờ các vị sa-di đem đến những bông hoa để cúng dường Tượng Phật và rải quanh điện thờ cũng như Cây Bồ Đề. Sau đó ngài nhờ các vị khiêng giường của cha mình đến. Ngài nói với người cha rằng tất cả những bông hoa này đã được cúng dường đến Đức Phật nhân danh ông, và xin ông hãy đảnh lễ Đức Phật để cho tâm được an nghỉ. Người cha làm theo những gì đã được chỉ dẫn, và tâm ông lắng dịu. Lúc đó một thú tướng mới: các toà thiên cung, và những vườn hoa xinh đẹp trên thiên giới,…xuất hiện trong tâm ông. Theo cách đó, thiện nghiệp tôn kính Đức Phật (được các thiện nghiệp khác củng cố) đã cắt đứt bất thiện nghiệp săn bắn những chúng sanh vô tội trong rừng của ông.

Đến đây chúng ta sẽ bàn đến ba cách làm nhiệm vụ của đoạn nghiệp.

CẮT ĐỨT—KHÔNG TẠO RA QUẢ—NGĂN CẢN

Cách thứ nhất đoạn nghiệp có thể làm nhiệm vụ là chỉ cắt đứt nghiệp yếu hơn, không tạo ra quả, và ngăn nghiệp khác tạo ra quả của nó.

  • TÔN GIẢ MỤC-KIỀN-LIÊN

Một ví dụ trong trường hợp này là Tôn giả Mục-kiền-liên (Mahāmoggallāna). Trong một kiếp quá khứ, ngài đã đánh đập cha mẹ mình, với ý định giết chết họ. Trải qua nhiều kiếp sống, nghiệp bất thiện đó đã cho quả của nó: nó cũng tạo ra quả trong kiếp cuối cùng này của ngài. Suốt bảy ngày, nhóm cướp được mướn đã tìm đến chỗ ở của ngài để giết ngài. Nhưng, bằng năng lực thần thông, Tôn giả Mục-kiền-liên biết trước ý định của họ, và với thần thông ngài đã biến mất khỏi nơi trú ngụ bằng cách chui qua lỗ khoá. Tuy nhiên vào ngày thứ bảy, ngài không biến mất nữa: nghiệp giết cha giết mẹ đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp ngăn không cho ngài nhập thiền, và ngài cũng không thể vận dụng thần thông được nữa. Rồi một nghiệp giống vậy (nghiệp có tính đồng nhất) đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp để bọn cướp đánh chết ngài, cho tới khi xương của ngài dập nát hoàn toàn. Và chúng bỏ ngài ở đó. Nhưng ngài không chết. Đoạn nghiệp đã không cắt đứt năm uẩn và nghiệp tạo ra tái sanh hiện tại của ngài. Ngài nhập thiền trở lại, và vận dụng thần thông như trước. Dùng thần thông của mình, ngài có thể đi về gặp Đức Phật và thỉnh cầu Đức Phật cho phép nhập Vô Dư Niết-Bàn (Parinibbāna). Sau khi được Đức Phật cho phép ngài mới quay trở lại trú xứ và nhập Parinibbāna tại đó.

  • TÔN GIẢ CAKKHUPĀLA

Một ví dụ khác từ thời Đức Phật là chuyện vị Tỳ-kheo tên gọi Cakkhupāla. Ngài là một bậc A-la-hán. Thiện nghiệp ngài hoàn thành trong một kiếp qúa khứ đã tạo ra năm uẩn của ngài như một con người vào lúc tái sanh, cũng như trong thời bình nhật của kiếp cuối này. Chúng ta biết, sắc uẩn bao gồm năm căn: chúng là những yếu tố tịnh sắc qua đó mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi,… Một người có thể thấy, nghe, ngửi … được chính là nhờ thiện nghiệp quá khứ. Nhưng trong một kiếp quá khứ, như một thầy thuốc, Tôn-giả Cakkhupāla đã tạo một nghiệp rất bất thiện. Đó là, trong số những bệnh nhân của ngài có một người phụ nữ bị bệnh đau mắt không nhìn thấy gì. Người phụ nữ này đã hứa với ngài rằng nếu ngài chữa cho bà lành mắt, bà và con cái sẽ trở thành những nô tỳ làm việc cho ngài. Tuy nhiên khi mắt bà phục hồi, bà liền đổi ý, và giả bộ như đôi mắt còn tệ hơn trước. Để trả thù, người thầy thuốc đã đưa cho bà một thứ thuốc nhỏ mắt ý định làm cho bà mù hẳn. Khi người phụ nữ này tra thuốc vào mắt, bà đã bị mù hoàn toàn.

Sự việc đó xảy ra ở một trong những tiền kiếp của Tôn giả Cakkhupāla. Hiện tại, trong kiếp cuối cùng này, là một vị Tỳ kheo, ngài đã nguyện chỉ giữ ba oai nghi: đi, đứng và ngồi, trong mùa an cư. Ngài sẽ không đặt lưng xuống nằm suốt ba tháng: đây là một trong mười ba pháp khổ hạnh được Đức Phật cho phép. Sau một tháng thực hành hành đầu đà này, đôi mắt của Tôn giả Cakkhupāla bắt đầu làm phiền ngài. Và ngay cái đêm ngài đắc A-la-hán Thánh Quả, mắt ngài cũng bị mù. Sanh nghiệp bất thiện làm mù mắt người phụ nữ trong quá khứ giờ đây chín mùi và làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp cắt đứt nhãn căn của ngài. Nhưng nó không tạo ra quả riêng của nó, và cũng không ngăn cấm nghiệp khác tạo ra quả của nó. Như vậy không một thiện nghiệp nào có thể làm cho mắt của ngài thấy đường trở lại được.

CẮT ĐỨT, KHÔNG TẠO RA QUẢ, CHO PHÉP

Cách thứ hai đoạn nghiệp có thể làm nhiệm vụ là cắt đứt nghiệp yếu hơn, không tạo ra quả, nhưng cho phép nghiệp khác tạo ra quả của nó.

HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ

Đây, chúng ta có thể lấy trường hợp của Sāmāvatī, Hoàng Hậu của Vua Udena, làm ví dụ.515 Trong một kiếp quá khứ Sāmāvatī và những người bạn của cô từng là hầu thiếp trong hậu cung của đức vua xứ Bārāṇasī. Một hôm, sau khi tắm chung với đức vua trong một con sông nọ, họ cảm thấy lạnh, và đã châm lửa vào đám cỏ khô kế bên sông (để sưởi ấm). Khi đám cỏ cháy hết, họ phát hiện một vị Phật Độc Giác đang toạ thiền trong đó. Vì không có ý định đốt ngài nên đó không phải là một bất thiện nghiệp. Nhưng họ biết đức vua rất tôn kính vị Phật Độc Giác này, và ông có thể sẽ trừng phạt họ vì đã thiêu chết đức Phật Độc Giác. Do sợ như vậy nên Sāmāvatī và những bạn bè của cô đã gom góp cỏ khô, chất quanh người vị Phật Độc Giác, rồi đổ dầu lên đó và châm lửa đốt với ý định thủ tiêu mọi dấu vết của tội ác họ đã làm. Hành động đốt cháy vị Phật Độc Giác với ác ý này là một bất thiện nghiệp. Tuy nhiên Đức Phật Độc Giác thực sự đã nhập Diệt Thọ Tưởng Định (nirodha-samāpatti), một định chứng diệt tạm thời tâm và sắc do tâm tạo, và do đó không gì có thể làm hại được ngài. Mặc dù Đức Phật Độc Giác không chết, song do hành động này, Sāmāvatī và bạn bè của cô cũng đã hoàn thành nhiều bất thiện nghiệp, và họ đã cảm thọ quả trong kiếp kế.

Trong thời Đức Phật của chúng ta, một thiện nghiệp quá khứ đã cho họ tái sanh làm người. Và Sāmāvatī trở thành Hoàng Hậu của vua Udena, còn những người bạn của cô trước đây trở thành tỳ thiếp của vua. Họ cũng trở thành những Phật tử thuần thành, đã cúng dường rất nhiều tứ vật dụng đến Đức Phật và Chúng Tăng, đã học hỏi Giáo Pháp, và hành thiền chỉ cũng như thiền minh sát thành công. Do việc thực hành này Sāmāvatī trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu, và những nữ tỳ kia cũng chứng đắc những Thánh Quả khác. Nhưng một hôm, nghiệp hoả thiêu Đức Phật Độc Giác đã chín mùi như một đoạn nghiệp để cắt đứt mạng căn của họ: Hoàng Hậu và những tỳ nữ của bà bị thiêu chết trong chính cung điện của họ.[217] Quả riêng của đoạn nghiệp đó không phát sanh, nhưng cho phép những thiện nghiệp mà mỗi người trong họ đã hoàn thành trong thời Đức Phật của chúng ta tạo ra sự tái sanh trong cõi chư thiên hoặc Phạm Thiên tương ứng.

NĂM TRĂM VỊ TỲ-KHEO

Ví dụ khác là năm trăm vị Tỳ-kheo bị giết chết, hoặc do tự họ hoặc do người khác. Đức Phật biết rằng tất cả họ đều gánh chịu một nghiệp bất thiện chung: trong quá khứ xa xưa, họ từng là những người đi săn trong cùng một khu rừng. Dùng bẫy và khí giới, họ đã hành nghề săn bắn để nuôi mạng. Với tâm vui thích, họ đã giết không biết bao nhiêu muông thú trong suốt cuộc đời họ. Sau khi chết, nghiệp đó đã tạo ra tái sanh trong địa ngục. Rồi sau đó, một thiện nghiệp cho họ tái sanh làm người. Và, nhờ một người bạn tốt (thiện tri thức), họ được gặp Đức Phật và xuất gia làm Tỳ-kheo. Một số trong họ trở thành các bậc A-la-hán, một số thành Thánh Bất-lai, một số thành Thánh Nhất-lai, một số thành Thánh Nhập Lưu, trong khi một số vẫn còn là phàm nhân.

Một buổi sáng, khi Đức Phật dùng Phật Nhãn (Buddha-Cakkhupāla) quán sát thế gian, ngài thấy rằng trong hai tuần nữa năm trăm vị Tỳ-kheo này sẽ chết: hậu báo nghiệp ‘nuôi mạng bằng săn bắn’ sẽ cắt đứt thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người của họ. Đức Phật cũng thấy trước được việc ngăn không cho quả này sanh là điều bất khả. Và ngài thấy rằng các vị Thánh A-la-hán sẽ không còn tái sanh; các Bậc Thánh khác sẽ có được một sự tái sanh an vui; nhưng những vị vẫn còn là phàm nhân (puthu-jjana) sẽ chết với dục tham (chanda-rāga), với tâm dính mắc vào kiếp sống làm người của họ, và sẽ chết với sự sợ hãi: chính điều này sẽ tạo ra một sự tái sanh xấu. Tuy nhiên, nếu Ngài dạy cho họ hành thiền quán bất tịnh, họ sẽ loại trừ được sự dính mắc và sợ chết. Và với thiện nghiệp ấy, họ sẽ đạt được tái sanh trong thế giới chư thiên: Đức Phật thấy rằng Ngài chỉ giúp được họ tới mức ấy. Và theo cách đó, sự thọ giới làm Tỳ-kheo của họ ít ra vẫn có lợi ích cho họ. Vì thế Đức Phật dạy các vị lấy đề tài bất tịnh (quán ba mươi hai thân phần hay ba mươi hai thể trược: dva-ttiṁs-ākāra) làm đề tài thiền chính, và bằng nhiều cách, Ngài đã tán dương thiền này. 

Đức Phật cũng biết rằng trong hai tuần ấy, các vị Tỳ-kheo sẽ đến và báo cáo: ‘Hôm nay một vị Tỳ-kheo chết’, ‘Hôm nay hai vị Tỳ-kheo chết’…Dù biết nhưng Đức Phật không thể ngăn được điều đó, dù biết nhưng ngài không có ý định muốn nghe những điều ấy, và bảo vệ những người có thể chỉ trích ngài vì đã không ngăn chặn điều ấy, vì thế trong hai hai tuần lễ đó, Đức Phật đã đi vào tịnh cư. Và hai tuần sau, cả năm trăm vị Tỳ kheo đều chết.

Có một vị sa-môn được mọi người biết đến như Migalaṇḍika, sa môn giả dạng (samaṇa-kuttaka): sa-môn giả này sống nhờ đồ ăn tàn thực (đồ ăn dư) của các vị Tỳ kheo. Và những vị Tỳ kheo còn là phàm nhân ấy, đã nhờ vị sa-môn giả này giết hoặc nhờ một vị Tỳ kheo chưa giác ngộ khác giết mình, hoặc tự sát. Tại sao? Bởi vì mặc dù Đức Phật nói: đối với những vị chưa phải là Thánh A-la-hán, việc tự sát là có tội (sāvajja), song họ nghĩ điều đó là vô tội (anāvajja); và dù đó là bất thiện nghiệp họ nghĩ đó là thiện nghiệp. 

Ngay cả Migalaṇḍika, vị sa-môn giả cũng nghĩ việc (giết giùm) đó là thiện nghiệp. Vì sao? Đầu tiên ông giết một số vị Tỳ kheo bởi vì họ yêu cầu ông làm điều đó, và bởi vì các vị Tỳ kheo này nói với ông rằng sau khi họ chết ông có thể lấy hết những món vật dụng của họ. Và khi ông cảm thấy hối hận, một vị chư thiên đã bảo ông không nên hối hận, vì điều ông làm chỉ là đang làm ơn cho các vị Tỳ kheo mà thôi. Và vì ông tin vị chư thiên này, nên sau đó ông quay trở lại để giết thêm nhiều vị Tỳ kheo nữa, trong số đó có cả các bậc Thánh A-la-hán, những người không yêu cầu ông giết giùm. Đó là lý do vì sao cả năm trăm vị Tỳ kheo đều chết.

Khi tất cả các vị Tỳ-kheo này đã chết, Đức Phật quay trở lại. Và ngài hỏi Tôn-giả Ānanda tại saoTăng Chúng giảm bớt đi như vậy. Tôn-giả Ānanda bạch với Phật rằng chính vì các vị Tỳ-kheo này đã hành thiền quán bất tịnh. Ngài Ānanda cũng đề nghị Đức Phật nên dạy một đề tài thiền khác (để tránh việc tự sát như trên). Nhân đó Đức Phật bảo Ānanda tập trung hết các vị Tỳ-kheo lại, và ngài đã giải thích cũng như tán dương thiền niệm hơi thở (ān-āpāna-ssati).

Đây chúng ta cần phải rất thận trọng để hiểu câu chuyện này một cách đúng đắn. Vừa rồi chúng tôi có đề cập việc Tôn-giả Bāhiya Dārucīriya bị giết bởi một con bò, và Tôn-giả Mục-kiền-liên bị những tên cướp đánh chết như thế nào. Con bò và những tên cướp đó đã hoàn thành bất thiện nghiệp theo ý riêng của chúng. Nhưng nạn nhân chết là do bất thiện nghiệp quá khứ cắt đứt thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người của họ.

Quý vị hãy nhớ rằng nếu một người bị người khác tấn công, hay một người bị chết trong một tai nạn nào đó,…người ấy đang thọ lãnh quả của một nghiệp quá khứ của mình. Còn người tấn công hay tai nạn xảy ra,…chỉ đơn thuần là công cụ qua đó nghiệp bất thiện quá khứ (có cơ hội) cắt đứt thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người của họ mà thôi.

Điều này có lẽ khó hiểu, tuy nhiên hãy nhớ rằng theo Đức Phật, những vận hành của nghiệp không thể hiểu bằng lý luận đơn thuần được. Chỉ khi quý vị phân biệt những vận hành của duyên khởi lúc đó quý vị mới có thể hiểu được những vận hành của nghiệp một cách đúng đắn. Và cho tới lúc đó quý vị phải dựa vào đức tin: không hoài nghi những gì Đức Phật dạy.

Bằng cách này hay cách khác, các vị Tỳ-kheo chưa giác ngộ cũng phải chết trong hai tuần lễ ấy. Đó là vì nghiệp bất thiện quá khứ của họ. Tuy nhiên họ không chết như cách họ đã làm do nghiệp bất thiện quá khứ của họ. Mà họ chết (tự sát, hay nhờ người khác giết) do nhờm gớm đối với cuộc sống, một sự nhờm gớm được phát triển do hành thiền bất tịnh, và do họ không hiểu rằng những gì họ muốn làm đó là có tội.523 Tương tự, như chúng tôi vừa nói, Migalaṇḍika, vị sa-môn giả, không làm đúng như ông đã làm bởi vì nghiệp bất thiện quá khứ của các vị Tỳ kheo. Và Đức Phật cũng vậy, tất cả là vì nghiệp bất thiện quá khứ của các vị Tỳ kheo đó mà thôi. Ngài lánh mặt vì biết nghiệp quá khứ của các vị bằng cách này hay cách khác sẽ cắt đứt thiện nghiệp tái sanh làm người của các vị, và các vị sẽ chết, không ai có thể thay đổi được. Tuy nhiên ngài biết cách tốt nhất để các vị Tỳ kheo chưa giác ngộ này chết là làm sao để họ chết không có tâm tham ái đối với cuộc sống, và do nhờ thiện nghiệp này họ sẽ được tái sanh trong thế giới chư thiên.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *