VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

TÔN GIẢ MAHĀKOṬṬHIKA HAY HỎI

Đây, chúng ta sẽ lấy thêm một ví dụ nữa về người có được lợi ích cao tột nhất trong số đó: Tôn-giả Mahākoṭṭhika hay hỏi. Trong Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, ngài là một gia chủ giàu có. Một hôm, ngài nghe Đức Phật tuyên bố một vị Tỳ-kheo nọ là tối thắng trong lãnh vực tinh thông tứ tuệ phân tích (paṭisambhidā). Và ngài đã nguyện có được vinh dự tương tự như thế cho chính mình trong một Giáo Pháp của Đức Phật tương lai. Để hoàn thành mục đích ấy, ngài đã thỉnh Đức Phật và một trăm ngàn vị Tỳ-kheo đến nhà đặt bát trong bảy ngày. Cuối buổi lễ, ngài cúng dường mỗi vị một bộ tam y.

Hơn nữa, ngài còn ghi nhớ Lời Dạy của Đức Phật; học Pháp thấu đáo với sự thân trọng và tôn kính; bàn luận những điểm khúc mắc, và những giải thích trong Kinh Điển, các bản Chú Giải,…; và ngài đã hành thiền minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa). Vào thời đó thọ mạng của con người là một trăm ngàn tuổi. Như vậy trong một trăm ngàn năm, ngài đã hoàn thành những nghiệp thù thắng hay Ba-la-mật ấy. Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-Magga) giải thích rằng đây là cách thực hành của những người sẽ đắc A-la-hán Thánh Quả cùng với tứ tuệ phân tích. Và Tôn giả Mahākoṭṭhika được xem là tối thắng trong những vị A-la-hán như thế.

Trong kiếp cuối cùng, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu ở Sāvatthi. Lớn lên, ngài rất thiện xảo trong ba tập Vệ-đà (Vedas). Nhưng sau khi nghe một bài Pháp do Đức Phật thuyết, ngài liền xuất gia Tỳ-kheo. Sau đó ngài hành thiền, và chẳng bao lâu chứng đắc A-la-hán Thánh Quả cùng với tứ tuệ phân tích. Sau khi được hỏi những câu hỏi của Đức Phật và các bạn đồng phạm hạnh, ngài trở nên cực kỳ thiện xảo trong tứ tuệ phân tích. Đức Phật tuyên bố ngài là bậc tối thắng trong số những vị thiện xảo về tứ tuệ phân tích (catasso paṭisambhidā). Điều này chính yếu là do sự luận bàn có tính phân tích và hết sức thiện xảo của ngài về Pháp với Tôn giả Xá-lợi-phất trong ‘Mahā-Vedalla-Suttaṁ’ (‘Đại Kinh Phương Quảng’). Trong bài kinh này, Tôn giả Mahākoṭṭhika đã hỏi những câu hỏi cực kỳ thâm sâu: chẳng hạn, ngài hỏi về liệt tuệ và trí tuệ; ngài hỏi về trí tuệ và thức; ngài hỏi về thức, thọ, và tưởng; ngài hỏi về trí tuệ, thắng tri và liễu tri; và ngài hỏi về tại sao (một mặt) những loại giải thoát khác nhau có thể được thấy như khác nhau về ý nghĩa, và khác cả về tên gọi, và (một mặt) chúng lại được thấy như cùng một ý nghĩa, và khác tên gọi. Trong Kinh Điển Pāḷi chúng ta sẽ còn thấy nhiều trường hợp khác nữa, ở đây Tôn giả Mahākoṭṭhika bàn luận Pháp với Tôn giả Xá-lợi-phất: thường thì ngài sẽ hỏi những câu hỏi, nhưng cũng có lúc Tôn giả Xá-lợi-phất sẽ hỏi những câu hỏi. Cũng có những bài kinh ở đây Tôn giả Mahākoṭṭhika luận bàn Pháp với chính Đức Phật, hoặc một bài kinh Tôn giả Ānanda hỏi ngài những câu hỏi, và một bài kinh ngài bàn luận Abhidhamma (Vi-Diệu Pháp) với các vị Tỳ-kheo khác.

Tôn-giả Xá-lợi-phất, chỉ đứng thứ hai sau Đức Phật, rất kính mến Tôn-giả Mahākoṭṭhika. Ngài đã bộc lộ sự kính trọng này trong ba vần kệ: 

Bậc tịch tịnh, chế ngự,

Thuyết pháp, không cống cao,

Quét sạch các ác pháp,

Như gió quét lá cây.

Bậc tịch tịnh, chế ngự,

Thuyết pháp, không cống cao,

Đoạn trừ các ác pháp,

Như gió quét lá cây.

Bậc an tịnh, thoát triền.

Thanh tịnh và vô nhiễm,

Bậc giới đức, trí tuệ,

Bậc đã dứt khổ đau.

Quý vị có muốn được trí tuệ như vậy không? Nếu muốn, quý vị phải cố gắng làm như Tôn-giả Mahākoṭṭhika đã làm. Quý vị phải cố gắng để là một người nữ hay người nam thường thăm viếng các bậc sa-môn và Bà-la-môn:

  • Quý vị nên hỏi họ: ‘Thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện?
  • Quý vị nên hỏi họ: ‘Thế nào là có tội? Thế nào là không có tội?
  • Quý vị nên hỏi họ: ‘Điều gì nên hành? Điều gì không nên hành?
  • Quý vị nên hỏi họ: ‘Nghiệp gì đem lại sự tổn hại và khổ đau lâu dài cho tôi? Nghiệp gì đem lại đem lại sự lợi ích và an vui lâu dài cho tôi?’

Tại sao quý vị cần phải làm điều này? Bởi vì nếu quý vị không hiểu thế nào là điều thiện nên làm và thế nào là điều bất thiện nên tránh, quý vị sẽ không cố gắng để làm những điều thiện, và cố gắng để tránh những điều bất thiện. Có thể có những lần gặp điều thiện để làm, nhưng quý vị đã không làm, vì không hiểu rằng chúng là thiện, có đúng không? Và có thể có những lần gặp những điều bất thiện, nhưng quý vị lại làm đi làm lại nhiều lần, vì không hiểu rằng chúng là bất thiện. Nếu quý vị hiểu rằng làm điều đó là bất thiện, quý vị cũng không muốn tránh nó, đúng không? Vì thế, là một đệ tử Phật, điều quan trọng là phải hiểu thế nào là thiện, thế nào là bất thiện; thế nào là có tội, thế nào là không có tội; điều gì nên hành, và điều gì không nên hành,…[255] Như vậy, khi quý vị đã học hỏi để biết được sự khác nhau giữa thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, quý vị nên cố gắng để tuệ tri nó với minh sát trí (vipassanā ñāṇa) trực tiếp của mình. Điều này có nghĩa là:

  • Quý vị phải cố gắng tự chế mình để không tạo tác những nghiệp bất thiện bằng thân, khẩu, và ý.
  • Quý vị phải cố gắng tự chế mình để không làm những gì có tội, bằng thân, khẩu và ý.
  • Quý vị phải cố gắng tự chế mình để không thực hành những pháp không nên hành, bằng thân, Khẩu, và ý.

Thay vào đó, quý vị nên cố gắng làm những điều đem lại sự lợi ích và an vui lâu dài cho quý vị. Những điều ấy là gì? Đó chính là những thiện nghiệp.

  • Quý vị phải giữ giới và thanh tịnh hành vi cư xử (hạnh) của mình.
  • Dựa trên giới ấy, quý vị làm phước cúng dường đến các sa-môn, Bà-la-môn.
  • Quý vị phải học thuộc lòng những Lời Đức Phật dạy.
  • Quý vị phải học Pháp một cách thấu đáo, với sự thận trọng và tôn kính.
  • Quý vị phải luận bàn những điểm khúc mắc, và những giải thích trong Kinh Điển, các bản chú giải, …
  • Quý vị phải thực hành thiền chỉ và thiền minh sát cho đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Theo cách đó, trước tiên quý vị sẽ hiểu thiện và bất thiện bằng trí văn (văn tuệ, tuệ do học mà có), và rồi bằng minh sát trí (vipassanā ñāṇa) trực tiếp. Tiếp đến quý vị sẽ hiểu được rằng tất cả những điều này đều là thiện nghiệp; chúng tạo ra trí tuệ và hạnh phúc. Tất nhiên, chúng chỉ tạo ra trí tuệ và hạnh phúc thế gian. Nếu quý vị muốn có trí tuệ và hạnh phúc cao tột nhất, nếu quý vị muốn thành tựu hạnh phúc miên viễn, quý vị phải cố gắng để đắc A-la-hán Thánh Quả: đây là hạnh phúc cao tột nhất.

KẾT LUẬN

Bây giờ, chúng ta sẽ nghe Đức Phật tóm tắt lại mười bốn lời giải thích mà ngài đưa ra cho thanh niên Subha.

Thực sự là vậy, này thanh niên, thực hành đưa đến đoản thọ sẽ đưa đến đoản thọ.

  • thực hành đưa đến trường thọ sẽ đưa đến trường thọ.
  • thực hành đưa đến đa bệnh sẽ đưa đến đa bệnh.
  • thực hành đưa đến vô bệnh sẽ đưa đến vô bệnh.
  • thực hành đưa đến xấu sắc sẽ đưa đến xấu sắc.
  • thực hành đưa đến đẹp sắc sẽ đưa đến đẹp sắc.
  • thực hành đưa đến ít ảnh hưởng (quyền thế nhỏ) sẽ đưa đến ít ảnh hưởng.
  • thực hành đưa đến nhiều ảnh hưởng (quyền thế lớn) sẽ đưa đến nhiều ảnh hưởng.
  • thực hành đưa đến nghèo hèn sẽ đưa đến nghèo hèn.
  •  thực hành đưa đến giàu sang sẽ đưa đến giàu sang.
  • thực hành đưa đến thọ sanh hạ liệt sẽ đưa đến thọ sanh hạ liệt.
  • thực hành đưa đến thọ sanh cao quý sẽ đưa đến thọ sanh cao quý. 
  • thực hành đưa đến thiếu trí sẽ đưa đến thiếu trí.
  • thực hành đưa đến trí tuệ sẽ đưa đến trí tuệ.

Và Đức Phật đã lập lại lời giải thích tóm tắt của ngài về nghiệp:

Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa Nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.

Chúng tôi đã nêu ra những ví dụ về những kết quả của mười bốn cách hành xử này. Trong những ví dụ ấy, quý vị thấy có những vị Đại Trưởng Lão xuất chúng đã hoàn thành ba-la- mật trong những kiếp quá khứ của họ. Các vị đã hoàn thành những thiện nghiệp như thanh tịnh giới, bố thí hay cúng dường, học hỏi Kinh Điển, và tu tập thiền chỉ và thiền minh sát. Như chúng tôi đã giải thích nhiều lần, nhân của những thiện nghiệp này là vô minh, tham ái, và chấp thủ. Và do vô minh, tham ái và chấp thủ khác nhau (sai biệt), nên các thiện nghiệp cũng khác nhau. Với sự khác nhau của nghiệp thức (kamma-viññāṇa) hay nói khác hơn với sự khác nhau của thức phối hợp với tiềm lực nghiệp, có một sự khác nhau tương xứng trong cách người ta trải nghiệm (an vui): hoặc trong kiếp hiện tại này, hoặc trong một kiếp sau nào đó. Nguyên tắc của sự khác nhau này cũng áp dụng cho cách chín mùi của những bất thiện nghiệp.

Chúng tôi hy vọng rằng, sau khi nghe hết những câu chuyện này, quý vị có thể hiểu được con người chúng ta khác nhau là do sự sai biệt của nghiệp quá khứ như thế nào. Chúng tôi cũng hy vọng quý vị có thể hiểu được rằng sự khác nhau của nghiệp bắt nguồn từ sự sai biệt của vô minh, tham ái, và chấp thủ ra sao. 

Sự sai biệt của nghiệp bắt nguồn từ vô minh, tham ái và chấp thủ, tạo ra sự khác nhau của các chúng sanh, mà theo thực tại (yathā-bhūta) không gì khác ngoài năm uẩn.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *