VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP 

TÔN GIẢ SĪVALI

Một ví dụ điển hình của bố thí dẫn đến giàu sang là Tôn-giả Sīvali. Trong Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, ngài quyết định trở thành vị Tỳ kheo tối thắng trong lãnh vực thọ nhận tứ sự cúng dường, giống như Tôn-giả Sudassana, một trong những đệ tử tối thắng của Đức Phật Padumuttara. Để hoàn thành mục đích này, Sīvali đã đặt bát cúng dường Đức Phật và Tăng Chúng gồm một trăm ngàn vị Tỳ kheo, trong bảy ngày. Quả của nghiệp cúng dường này thực sự là rất lớn. Tại sao?

Vào thời đó, thọ mạng của con người là một trăm ngàn năm, phần lớn mọi người đều giữ giới, và thanh tịnh giới hạnh của mình. Và Sīvali hiểu rằng, do sự thanh tịnh của giới, ước nguyện của một người đức hạnh sẽ trở thành hiện thực. Để hoàn thành mục đích ấy, ngài đã cúng dường đến Đức Phật và Tăng Chúng; ghi nhớ những Lời Dạy của Đức Phật; học thông suốt Giáo Pháp, với sự thận trọng và tôn kính; bàn luận những đoạn gút mắc trong Kinh, Chú Giải,…; và thực hành thiền chỉ cũng như thiền minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā -Ñāṇa). Đây là tiêu chuẩn thực hành của những người mong muốn đắc chứng A-la-hán Thánh Qủa cùng với tứ tuệ phân tích (paṭisambhidā). Vì thế, nếu phân tích việc cúng dường kéo dài bảy ngày của Sīvali chúng ta thấy:

  • Cúng dương ấy được phối hợp với giới (sīla), định (samādhi), và tuệ (paññā).
  • Những người thọ nhận là Đức Phật và Tăng Chúng gồm một trăm ngàn vị Tỳ kheo: một phước điền vô thượng ở thế gian.
  • Những vật cúng dường có được một cách chân chánh.
  • Tâm của Sīvali hoan hỷ, trong sạch, và không cấu uế, trước khi cúng dường, trong khi cúng dường và sau khi cúng dường. Ngài không trông đợi đáp trả bất cứ điều gì từ Đức Phật và Tang Chúng. 
  • Do Sīvali đã thực hành thiền minh sát, ngài hiểu được pháp duyên sanh. Điều đó có nghĩa là ngaì có đức tin đầy đủ nơi nghiệp và quả của nghiệp, đó là tin rằng quả của nghiệp cúng dường này sẽ rất lớn.

Vì những lý do ấy, đức bố thí hay cúng dường của Sīvali lớn đến nỗi ước nguyện của ngài chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Do đó, Đức Phật Padumuttara đã thọ ký rằng, trong Giáo Pháp của Đức Phật Gotama, Sīvali sẽ trở thành vị Tỳ-kheo tối thắng trong lãnh vực thọ nhận của cúng dường.

Trong Giáo Pháp của Đức Phật Atthadassī, Sīvali là Vua Varuṇa. Khi Đức Phật nhập Bát -Niết-Bàn (Parinibbāna), Sīvali làm một cuộc đại thí đến cây Bồ-Đề, và về sau chết dưới cây ấy. Vào lúc chết, ngài được tái sanh trong cõi Hoá Lạc Thiên (Nimmānaratī). Ba mươi bốn lần ngài làm vua cõi người, với tên Subāhu.

Trong Giáo Pháp của Đức Phật Vipassī (Tỳ-bà-thi), Sīvali là một gia chủ sống gần Bandhumatī. Có lần, dân chúng tranh đua với nhà vua trong một lễ hội cúng dường hoành tráng nhất đến Đức Phật và Tăng Chúng gồm sáu mươi ngàn vị Tỳ-kheo. Trong lễ hội này, Sīvali đã cúng dường mật ong, bơ đặc, và đường đến tất cả người thọ nhận. Và ngài nói với Đức Phật: ‘Bạch Đức Thế Tôn, do phước báu này con không nguyện quả báo nào khác ngoại trừ rằng trong một Giáo Pháp của Đức Phật tương lai nào đó, con cũng sẽ trở thành vị Tỳ- kheo tối thắng trong lãnh vực tài lộc (giống như vị Tỳ-kheo đã được chỉ định là tối thắng của ngài).’

Đến thời Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ngài sanh trong gia tộc của một Licchavi Mahāli. Mẹ ngài là con gái của vua Kosiya, và được gọi là công chúa Suppavāsā. Được sanh trong một gia đình giàu có như vậy, là kết quả của một sanh nghiệp thiện mạnh mẽ thuộc một hậu báo nghiệp (aparāpariya-vedanīya-kamma). Nhưng thiện nghiệp ấy đã bị một nghiệp bất thiện làm mất tác dụng. Như thế nào? Sīvali đã trải qua bảy năm, bảy tháng trong bụng mẹ.716 Trước khi chào đời, mẹ ngài đã phải lâm bồn trong bảy ngày. Bà nghĩ chắc mình sắp sửa chết. Vì thế bà đã yêu cầu chồng đi đến đảnh lễ Đức Phật nhân danh bà. Đức Phật đọc lời chúc phúc:

Cầu mong cho công chúa Suppavāsā con gái vua Koliya được an vui, hạnh phúc; cầu mong cho công chúa sinh một bé trai khoẻ mạnh, được thoải mái.

Ngay khi Đức Phật vừa nói lên những lời này, Suppavāsā liền sanh một bé trai khoẻ mạnh, Sīvali. Sau đó, bà làm phước bảy ngày cúng dường đến Đức Phật và Tăng Chúng.

Do sự củng cố của hậu báo nghiệp thiện, Sīvali từ lúc sanh ra đã cực kỳ thông minh. Trong dịp trai tăng bảy ngày, Tôn -giả Xá-lợi-phất được nói chuyện với Sīvali, và với sự cho phép của người mẹ, Tôn-giả đã làm lễ xuất gia cho ngài. Đề tài thiền của Sīvali là nỗi thống khổ suốt bảy năm mà ngài phải chịu đựng trong bụng mẹ. Như vậy, vào lúc cạo đầu, khi lọn tóc thứ nhất rơi; Sīvali đã đắc Đạo Quả Nhập Lưu (Sot-Āpatti), khi lọn tóc thứ hai rơi; ngài đắc Đạo Quả thứ hai, Nhất Lai Thánh Đạo và Nhất Lai Thánh Quả (Sakad-Āgāmī), và Ngài đắc Đạo Quả thứ ba, Bất Lai Thánh Đạo, Bất Lai Thánh Quả (An-Āgāmi), khi lọn tóc thứ ba rơi.

Sau khi xuất gia, ngài rời xa gia đình và sống trong một ngôi tịnh thất. Tại đây, ngài cũng lại thiền quán trên nỗi thống khổ dài bảy năm trong bụng mẹ, và trở thành một bậc A-la-hán với tứ tuệ phân tích (paṭisambhidā).Tất nhiên, sự chứng đắc này là do Ba-la-mật của ngài: ngài đã hành thiền chỉ và thiền minh sát lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa) trong Giáo Pháp của các vị Phật trước.

Như chúng tôi vừa giải thích, Sīvali đã trải qua bảy năm trong bào thai người mẹ, và để sinh ngài ra người mẹ cũng phải mất bảy ngày lâm bồn: đó là nỗi thống khổ lớn đối với ngài và mẹ ngài. Điều này là do bất thiện nghiệp cho quả bất định trong quá khứ đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp.

Ngày xưa, khi đức Bồ-tát của chúng ta là vua xứ Ba-la-nại (Bārāṇasī), vua của nước Kosala đã gây chiến với ngài.720Vua nước Kosala giết được đức Bồ-tát, và chiếm lấy hoàng hậu. Nhưng con trai của đức Bồ-tát đã thoát được nhờ chui qua một ống cống. Sau đó, hoàng tử quay trở lại với một đội binh lớn để chiến đấu. Người mẹ, nghe được dự định của hoàng tử, gởi tin đến khuyên ngài nên phong toả kinh thành thay vì đánh. Sau bảy ngày, dân chúng trong kinh thành đã bắt được vua Kosala, cắt lấy đầu của ông, và đem nộp cho hoàng tử.

Vị hoàng tử đó, theo tương tục danh sắc, về sau được biết là Sīvali trong Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, và người mẹ lúc đó bây giờ là mẹ của ngài. ‘Nghiệp phong toả’ của họ là chướng nghiệp đã kéo dài thời gian ở trong bụng mẹ của Sīvali, và thời gian lâm bồn của người mẹ.

Đức Phật liên hệ lại câu chuyện này để giải thích cho các vị Tỳ-kheo biết lý do tại sao sự thai nghén của công chúa Suppavāsā phải kéo dài lâu đến như vậy. Vận hành của nghiệp là thế, và đây là lý do tại sao Đức Phật đã lập đi lập lại trong Kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ hai:

‘Do vậy, này các Tỷ- kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô.” 

Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh.’

Về sau, Tôn giả Sīvali được Đức Phật tuyên bố là vị Tỳ kheo tối thắng trong lãnh vực thọ nhận cúng dường. Có lần, khi Đức Phật và Tăng Chúng đi thăm Tôn giả Khadira-Vaniya Revata (Ly-bà-đa ở Rừng Keo’), người em út của Trưởng-lão Xá-lợi-phất, ngài đã đưa Tôn giả Sīvali đi theo, bởi vì đoạn đường đi rất gian khó, không dễ có được đồ ăn khất thực: nhưng (Đức Phật biết) với ‘trì nghiệp thiện bố thí’ của Tôn giả Sīvali, sẽ luôn luôn có đủ thức ăn cho mọi người.

Một lần khác, để thử phước của mình, Tôn giả Sīvali đã đi đến vùng núi Himalayas (Hy-ma-lay-ya) cùng với năm trăm vị Tỳ kheo. Các vị chư thiên đã cung cấp cho họ thật dồi dào. Ở ngọn núi Gandhamadana, có một vị chư thiên gọi là Nagadatta đã dâng cho các vị món cơm sữa trong bảy ngày. Việc luôn luôn có được vật thực của Sīvali này là quả của thiện nghiệp bố thí trong tiền kiếp của ngài, đây là trì nghiệp thiện được cảm thọ quả từ kiếp thứ hai đổ đi. Vận hành của nghiệp là vậy.

Bây giờ chúng ta sẽ nghe lời giải thích thứ mười một của Đức Phật cho thanh niên Subha:

NGƯỜI NGẠO NGHỄ, KIÊU MẠN

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không bị tái sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy được trở lại làm Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải sanh trong gia đình hạ liệt.

Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến thọ sanh gia đình hạ liệt, đó là ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.

Vậy, ai là người đáng được tôn trọng, đáng được tôn kính, và đảnh lễ? Đó là những bậc cao niên và có nhân cách hơn mình. Trước nhất, phải kể đến các vị Phật Chánh Đẳng Giác, Phật Độc Giác, và các vị Thánh Đệ Tử (Ariya-Sāvaka). Đối với một người tại gia, những người cao niên và nhân cách hơn bao gồm cha, mẹ của mình, các vị sa-môn, bà-la-môn, các vị trưởng tộc. 

NGƯỜI QUÉ TRÁC SUNĪTA

Một ví dụ điển hình của kiêu mạn đưa đến tái sanh địa ngục, và thọ sanh làm người hạ liệt là Tôn-giả Sunīta. Trong một kiếp quá khứ, có lần ông gặp một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) đang đi khất thực trong làng. Khi nhìn thấy Đức Phật, ông đã nói với sự khinh miệt và chỉ trích lối sống của ngài. Ông nói: ‘Ông có tay có chân giống như mọi người. Ông nên làm việc để kiếm sống như chúng tôi chứ!. Nếu ông không có nghề nghiệp gì, thì đi lượm rác và các đồ phế thải mà ăn.’

Sunīta chẳng những không đảnh lễ người đáng đảnh lễ, không kính trọng người đáng kính trọng, không cung kính người đáng đáng cung kính, mà còn nói lời khinh miệt đối với một vị Phật Độc Giác. Như vậy, ông đã hoàn thành rất nhiều bất thiện nghiệp. Một số nghiệp ấy đã làm nhiệm vụ như những sanh nghiệp, một số như những chướng nghiệp. Khi ông chết, một sanh nghiệp thuộc loại như vậy thực sự đã tạo ra tái sanh của ông trong địa ngục. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng trong cuộc lang thang vô định của tử sanh luân hồi, không cung kính, không đảnh lễ, không tôn trọng những người đáng kính trọng là điều rất nguy hiểm.

Cuối cùng, khi Sunīta thoát khỏi địa ngục, và lại được tái sanh như một con người, trong rất nhiều kiếp sống, ông đã phải tái sanh trong những gia đình thuộc giai cấp hạ liệt nhất: mỗi kiếp sinh ra, ông đều sinh vào một gia đình của người quét rác. ‘Nghiệp-khinh rẻ một vị Phật Độc Giác’ ấy đã làm nhiệm vụ như những chướng nghiệp, để đem sự bất hạnh vào mỗi kiếp sống làm người của ông. Mỗi kiếp như vậy, ông đã trải qua một cuộc sống khốn khổ của một người quét rác, nhặt nhạnh những thứ bỏ đi trong thùng rác. Và trong quá khứ ông đã đối xử với Đức Phật Độc Giác như thế nào, giờ đây người ta cũng nhìn ông với sự ghê tởm, và đối xử với ông với sự khinh miệt y như vậy. Ông phải cung kính, tôn trọng, và đảnh lễ mọi người, già cũng như trẻ, với thái độ hạ mình, nhẫn nại, bởi vì sự sống của ông lệ thuộc vào thiện chí và từ bi của họ.

Tuy nhiên, trong quá khứ Sunīta cũng đã hoàn thành đủ thiện nghiệp và Ba-la-mật để đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Khi những thiện nghiệp này chín mùi, một nghiệp trong đó đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh làm người của ông trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta.

Trong Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ông cũng lại sanh vào trong một gia đình người quét rác, ở Rājagaha. Và một lần nữa, người ta đã nhìn ông với thái độ ghê tởm, và đối xử với ông một cách khinh miệt. Tuy nhiên, một ngày nọ, Đức Phật thấy rằng Sunīta đã hoàn thành đủ Ba-la-mật để đạt đến A-la -hán Thánh Quả. Vì thế, vào lúc rạng đông, Đức Phật cùng với năm trăm vị Tỳ kheo cố tình đi qua chỗ Sunīta đang quét rác và dọn dẹp đường phố. Khi Sunīta nhìn thấy Đức Phật, trong lòng ông tràn ngập một niềm hoan hỷ và kính sợ. Không thể nào tránh đi đâu được, ông đứng dựa lưng vào tường, với đôi tay chắp lại trong thái độ cung kính.

Đức Phật tiến đến gần Sunīta và với giọng thân thiện, dịu dàng ngài hỏi xem ông có thích trở thành một vị Tỳ kheo không. Sunīta bộc lộ một niềm hoan hỷ cực độ, và Đức Phật cho ông xuất gia bằng những lời:

Hãy đến này Tỳ kheo! (Ehi bhikkhu! Thiện lai Tỳ kheo!)

Pháp đã được khéo thuyết giảng! hãy sống đời Phạm hạnh vì mục đích đoạn tận khổ đau!

Rồi Đức Phật đưa Tôn-giả Sunīta về chùa, và dạy cho ngài một đề mục thiền. Tôn-giả Sunīta đã phát triển tám thiền chứng, và năm thần thông (abhiññā): với thiền minh sát ngài đạt đến thần thông thứ sáu, lậu tận thông, tức A-la -hán thánh quả.726Sau đó, nhiều vị Phạm Thiên, cũng như chư thiên và con người đã đến đảnh lễ ngài, và ngài dạy cho họ kinh nghiệm chứng thiền và đạo quả của ngài. Vận hành của nghiệp là thế.

Những vận hành như vậy của nghiệp là lý do khiến Đức Phật nói trong ‘Kinh Kokālika’:

Khi con người đã sanh,

sanh với búa trong miệng,

kẻ ngu si nói bậy,

tự chặt đứt lấy thân.

THỢ CẠO TÓC UPĀLI

Một ví dụ điển hình khác về việc bất kính dẫn đến tái sanh hạ liệt là Trưởng lão Upāli. Trong Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, Upāli là một người Bà-la-môn rất giàu tên Sujāta. Ông sống tại Haṁsāvatī, nơi đây cũng là nơi thọ sanh của Đức Phật Padumuttara. Lần nọ, Đức Phật đi đến Haṁsāvatī thăm và dạy Pháp cho Ānanda, cha của ông, một người thuộc giai cấp quý tộc. Tại đây, Sujāta nhìn thấy sa môn Sunanda đứng cầm một cây lọng hoa che cho Đức Phật trong bảy ngày. Ông cũng được nghe Đức Phật tuyên bố rằng Sunanda này trong Giáo Pháp của Đức Phật Gotama, sẽ trở thành Tôn-giả Puṇṇa Mantāniputta nổi tiếng. Và Sujāta phát khởi một ước muốn được gặp Đức Phật Gotama tương lai. Rồi khi nghe Đức Phật Padumuttara tuyên bố vị Tỳ kheo Pātika là đệ nhất trong số những người tinh thông về giới luật (Vinaya-dhāra), Sujāta đã nguyện cho mình có được vinh dự này trong Giáo Pháp của Đức Phật Gotama.

Để thành tựu mục đích ấy, ông đã làm phước cúng dường đến Đức Phật và Tăng Chúng. Đặc biệt, ông đã cho xây một ngôi tự viện gọi là Sobhana, rất tốn kém. Ngoài làm phước cúng dường ra, Sujāta còn ghi nhớ những lời dạy của Đức Phật, học hỏi Pháp, với sự thận trọng và tôn kính; ông đã luận bàn những đoạn gút mắc trong kinh điển, chú giải,…; và thực hành thiền minh sát lến đến Hành Xả Trí Tuy nhiên, hai đại kiếp trước, Upāli lúc đó là con trai của nhà quý tộc với tên Sunanda, đã tạo một bất thiện nghiệp nghiêm trọng. Một hôm, đang cưỡi voi đi đến công viên, ông gặp Đức Phật Độc Giác Devala. Do kiêu hãnh về thọ sanh cao quý của mình, ông đã ăn nói một cách thô lỗ với Đức Phật Độc Giác này. Và ngay lập tức ông cảm thấy thân mình nóng như thiêu như đốt. Sau đó, ông cùng với đám tuỳ tùng đi đến gặp Đức Phật và xin sám hối. Chỉ khi đó cảm giác nóng bức trên thân ông mới dứt. Trong lần tái sanh cuối cùng của mình, ‘nghiệp thô lỗ’ này đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp, và sanh nghiệp thiện của ông chỉ có thể tạo ra một sự tái sanh hạ liệt trong xã hội loài người. Ông thọ sanh trong một gia đình người thợ cạo tóc ở Kapilavatthu, và làm công việc hớt tóc cho các hoàng tử dòng Thích Ca.

Khi Đức Phật rời Kapilavatthu và đến trú tại khu rừng Anupiya. Tại đó, nhiều thanh niên dòng họ Thích Ca đã đi đến xin xuất gia làm Tỳ-kheo. Trong số đó có sáu hoàng tử Thích Ca: Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimila, và Devadatta. Upāli cùng đi với các hoàng tử Thích Ca, nhưng họ để lại tất cả những vật có giá trị cho ngài, và bảo ngài quay trở về. Nhưng ngài nhận ra rằng nếu ngài quay trở về Kapilavatthu với những vật quý giá ấy, những người trong dòng họ Thích Ca có thể nghĩ ngài đã giết những hoàng tử kia (để tước đoạt tài sản). Vì thế ngài bỏ lại những vật ấy trong rừng, và gia nhập với các hoàng tử Thích ca để được trở thành Tỳ-kheo. Vào lúc xuất gia của họ, các vị hoàng tử thỉnh cầu Đức Phật cho Upāli được xuất gia trước, để làm giảm sự kiêu ngạo của họ.

Sau khi trở thành một vị Tỳ-kheo, một hôm Tôn-giả Upāli thỉnh cầu Đức Phật cho một đề tài thiền để ngài có thể đi vào trong rừng sống một mình. Nhưng Đức Phật từ chối không muốn để ngài đi. Đức Phật giải thích rằng ở trong rừng Upāli sẽ chỉ học được thiền, nhưng nếu ngài sống với Tăng Chúng gần bên Đức Phật, ngài cũng sẽ học được Pháp nữa. Vì thế Tôn-giả Upāli đã sống gần bên Đức Phật, hành thiền, và học Pháp. Đúng thời, ngài đắc A-la-hán Thánh Quả cùng với tứ tuệ phân tích (paṭisambhidā).735Và chíh Đức Phật đã dạy cho Upāli toàn bộ ‘Tạng Luật (Vinaya-Piṭika)’: Vinaya là những luật lệ dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni. Tôn-giả Upāli được xem là vị Tỳ-kheo đã đạt đến sự xuất chúng trong lĩnh vực luật, và được Đức Phật tuyên bố là tối thắng về luật. Tại cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, ở Rājagaha, Tôn-giả Ānanda đã trùng tuyên về Pháp (Dhamma), và Tôn -giả Upāli trùng tuyên về Luật.Tất cả những vấn đề liên quan đến luật đã được ngài giải quyết. Vận hành của nghiệp là như thế. Đó là lý do tại sao Đức Phật lại nói với thanh niên Subha, con trai của Todeyya:

Nghiệp phân biệt các chúng sanh, đó là có (người) hạ liệt, (người) cao quý.

Bây giờ chúng ta hãy nghe lời giải thích thứ mười hai của Đức Phật cho thanh niên Subha.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *