VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

TRÍ HIỂU RÕ (TAM TƯỚNG)

Trí (biết) về tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của năm uẩn, là những gì chúng ta gọi là Trí Hiểu Rõ Tam Tướng (Sammasana-Ñāṇa– thường dịch là trí thẩm sát tam tướng, và Hán dịch Tư Duy Trí-思惟智,tuy nhiên nếu dịch đúng thì phải dịch là Trí Hiểu Rõ hay Trí Lĩnh Hội Tam Tướng): trí này chúng tôi đã nói ở một phần trước.Đó là trí hiểu rõ ba đặc tính của mọi nhóm:

  • Hiểu rõ tính chất vô thường, khổ và vô ngã của sáu nội xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ…, và ý xứ);
  • Hiểu rõ tính chất vô thường, khổ và vô ngã của sáu ngoại xứ (sắc xứ, thanh xứ,…, và pháp xứ);
  • Hiểu rõ tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của mười tám giới (nhãn giới, nhĩ-, tỷ-, thiệt-, thân-, và ý giới; sắc giới, thanh-, hương-, vị-, xúc-, và pháp giới; nhãn thức giới, nhĩ-, tỷ-, thiệt-, thân-, và ý thức giới);
  • Hiểu rõ tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của mười hai chi phần duyên sanh (vô minh, hành,thức, danh-sắc,…).

Người hành thiền sẽ quán đi quán lại ba đặc tính hay tam tướng của năm uẩn theo cách này càng nhiều càng tốt.

TRÍ QUÁN SỰ SANH & DIỆT

Khi minh sát trí của một người càng lúc càng trở nên thâm sâu hơn, lúc đó Trí Quán Sự Sanh&Diệt (Udaya-Bbay-Ānupassana Ñāṇa) sẽ khởi lên. Với trí này, người hành thiền biết và thấy được sự sanh và diệt theo nhân duyên và sát-na của năm uẩn ở từng sát na tâm từ thức tái sanh cho đến tâm tử của mỗi kiếp quá khứ họ đã phân biệt. Người hành thiền cũng biết được như vậy đối với kiếp hiện taị, và tất cả những kiếp tương lai họ phân biệt, cho đến thời điểm Bát-Niết-Bàn của họ. Theo cách này, người hành thiền biết và thấy được năm uẩn có bản chất vô thường, khổ, và vô ngã như thế nào. Và họ cũng biết tâm minh sát mà nhờ đó họ biết và thấy được điều này cũng có cùng bản chất như vậy. Ở khắp mọi nơi họ nhìn, trong toàn vũ trụ, họ chỉ thấy sự sanh và diệt của các uẩn: tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng. Một lần nữa, người hành thiền sẽ quán đi quán lại sự sanh và diệt của năm uẩn theo cách này càng nhiều lần càng tốt. Khi minh sát trí của hành giả trở nên sắc bén và rõ nét, lúc đó hành giả chỉ tập trung vào sự hoại diệt của năm uẩn thôi.

TRÍ QUÁN SỰ HOẠI DIỆT

Với Trí Quán Sự Hoại Diệt (Bhaṇg-Ānupassanā-Ñāṇa), người hành thiền không còn chú ý đến giai đoạn sanh của năm uẩn nữa, mà chỉ tập trung vào giai đoạn diệt của chúng.

Đây cũng vậy, người hành thiền thực hành đi thực hành lại sự quán này nhiều lần. Nhờ quán các uẩn theo cách này, người hành thiền có được trí hiểu biết mạnh mẽ hơn về cách tại sao các uẩn lại có tính chất vô thường, khổ và vô ngã như vậy. Ở khắp mọi nơi người ấy nhìn vào, trong toàn vũ trụ này, tất cả cái người ấy thấy chỉ là sự hoại diệt. Và người hành thiền cũng chú ý đến sự hoại diệt của tâm minh sát biết sự hoại diệt của năm uẩn nữa.

Khi người hành thiền quán đi quán lại nhiều lần năm uẩn theo cách này, minh sát trí của người ấy càng lúc càng trở nên mãnh liệt hơn, và cuối cùng năm uẩn xuất hiện thật đáng sợ đối với người ấy, bởi vì chúng luôn bể vỡ như món đồ gốm, và luôn phân tán như vi trần. Nếu quý vị quan sát bề mặt của một con sông trong cơn mưa lớn, quý vị sẽ thấy những bong bóng nước cứ liên tục xuất hiện rồi vỡ tan ra: năm uẩn lúc này cũng xuất hiện đối với người hành thiền như thế.Ở đây cũng vậy, người hành thiền quán sự hoại diệt của năm uẩn theo cách này, tới lui nhiều lần. Khi minh sát trí của họ càng lúc càng trở nên thâm sâu hơn, người hành thiền thấy năm uẩn liên tục hoại diệt trở lại, và cuối cùng trở nên nhàm chán (vỡ mộng) đối với năm uẩn.

THẤY NHƯ VẬY, NÀY CÁC TỲ KHEO

Sự nhàm chán hay yếm ly (厭離)đối với năm uẩn là giai đoạn kế được Đức Phật mô tả trong Kinh DâyTrói Buộc thứ hai:

Thấy như vậy, này các Tỳ-kheo, vị đa văn Thánh Đệ Tử (sutavā Ariya-Sāvako)

  • với chính sắc này đã được nhàm chán (rūpasmim-pi-nibbindati);
  • với chính thọ này đã được nhàm chán (vedanāya-pi-nibbindati);
  • với chính tưởng này đã được nhàm chán (saññāya-pi-nibbindati)
  • với chính hành  này  đã  được  nhàm  chán (saṅkhāresu-pi-nibbindati);
  • với chính thức  này  đã  được  nhàm  chán (viññāṇasmim-pi-nibbindati).

Khi vị đa văn Thánh Đệ Tử trở nên nhàm chán đối với năm uẩn, có nghĩa là vị ấy không còn thoả mãn với chúng. Vị ấy không còn thích thú trong năm uẩn, có nghĩa là năm uẩn, dù là của một con người, một vị chư thiên, một vị Phạm Thiên, cũng không làm cho vị ấy say mê nữa.Với sự sanh khởi của ý thức nhàm chán như vậy, tâm khuynh hướng về Niết-Bàn. Bây giờ chúng ta sẽ thấy xem điều này xảy ra như thế nào.

VỊ ĐA VĂN THÁNH ĐỆ TỬ NHÀM CHÁN

Sự nhàm chán đối với năm uẩn có ba phương diện:

  • Năm uẩn xuất hiện như đáng sợ hãi: đó là Trí Hiện Khởi Sự Đáng Sợ, hay Bố Uý Hiện Khởi Trí (Bhayat-Upaṭṭhāna-Ñāṇa).
  • Do năm uẩn là đáng sợ, người hành thiền nhận thức được chúng là nguy hiểm: đó là Trí Quán Sự Nguy Hiểm hay Quá Hoạn Tuỳ Quán Trí (Ādinav-Ānupassanā-Ñāṇa).
  • Do năm uẩn xuất hiện như đáng sợ hãi và nguy hiểm, người hành thiền trở nên nhàm chán đối với chúng: đó là Trí Quán Sự Nhàm Chán (Nibbid-Ānupassanā-Ñāṇa — Hán dịch: Yểm Ly Tuỳ Quán).

Năm uẩn quá khứ, tương lai, và hiện tại, của tất cả thế gian (tam giới), xuất hiện như đáng sợ hãi, bởi vì chúng chắc chắn phải tan hoại. Thánh Tịnh Đạo giải thích điều này với một ví dụ. Ví như ba đứa con của một người đàn bà nọ đã xúc phạm đức Vua, và vị này ra lệnh xử trảm chúng. Và người đàn bà đi đến nơi hành quyết. Khi họ đã chặt đầu đứa con trai lớn, và sắp chặt đầu đứa thứ hai. Chứng kiến đầu đứa lớn đã bị chặt, đầu đứa thứ hai sắp bị chặt, người mẹ mất hết hy vọng về đứa con út. Bà biết đầu nó cũng sẽ phải bị chặt mà thôi. Ở đây, đầu đứa con trai lớn đã bị chặt giống như người hành thiền thấy các uẩn quá khứ đã diệt. Đầu đứa con trai thứ đang bị chặt giống như người hành thiền thấy các uẩn hiện tại đang diệt. Và trí của người mẹ biết rằng đầu đứa con út cũng sẽ bị chặt giống như cái biết của người hành thiền rằng các uẩn tương lai rồi cũng sẽ diệt. Đó là lý do tại sao Trí Hiện Khởi Sự Đáng Sợ (Bhayat-Upaṭṭhāna-Ñāṇa) phát sanh.

Điều này không có nghĩa rằng sự sợ hãi và khiếp đảm khởi lên nơi người hành thiền: mà chỉ có trí (hiểu biết) về sự tan hoại của năm uẩn chắc chắn sẽ xảy ra mà thôi. Nếu một người nhìn thấy ba hố than hừng, chúng nhìn thật đáng ghê sợ: người ấy biết rằng bất kể rơi vào hố nào, người ta chắc chắn sẽ phải chịu khổ đau cùng cực cho đến chết. Nhưng tự thân trí đó sẽ không làm cho họ sợ. Cũng vậy, các uẩn quá khứ, tương lai, và hiện tại nhìn thật đáng sợ, nhưng người người hành thiền không vì lý do đó mà sợ. Bất cứ uẩn nào người hành thiền quán, uẩn đó đều xuất hiện thật đáng sợ, bởi vì họ thấy nó như bị bức bách bởi sự tan hoại. Năm uẩn xuất hiện như sự nguy hiểm cũng vì lý do đó.

Bất cứ chỗ nào người hành thiền nhìn vào, người ấy không tìm thấy có sự an toàn nào ở đó. Ba cõi hữu (dục hữu, sắc hữu, và vô sắc hữu) xuất hiện xuất hiện sự nguy hiểm, bốn đại chủng (đất, nước, lửa, và gió) xuất hiện sự nguy hiểm, sáu nội xứ (nhãn-, nhĩ-, tỷ-, thiệt-, thân-, và ý xứ) xuất hiện sự nguy hiểm, và sáu ngoại xứ (sắc-, thanh-, hương-, vị-xúc-, và pháp xứ) xuất hiện sự nguy hiểm. Các sanh thú xuất hiện sự nguy hiểm: bốc cháy với những gì Đức Phật gọi là mười một loại lửa.[267] Đó là, cõi địa ngục, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi A-tu-la, cõi người, cõi chư thiên dục giới, cõi Phạm Thiên, cõi Phạm Thiên vô sắc, dù cho thức tái sanh sanh khởi ở đâu, tất cả những sanh thú ấy xuất hiện đối với người hành thiền như đang bốc cháy, rực cháy, cháy đỏ với lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, già, chết, và lửa sầu, bi, khổ, ưu, và não. Các uẩn xuất hiện như các uẩn của sự nguy hiểm, không có bất cứ thứ gì thoả thích, không có bất cứ thứ gì chắc chắn. Đức Phật nói chúng xuất hiện như một cơn bệnh (roga), như một ung nhọt (gaṇḍa), như một mũi tên (salla), như bệnh tật (agha), như một tai hoạ (ābādha), như một mối nguy hiểm (ādīnava): chứ không có gì khác. Đó là lý do tại sao Trí Quán Sự Nguy Hiểm hay Quá Hoạn Tuỳ Quán Trí (Ādinav-Ānupassanā-Ñāṇa) khởi lên.

Bây giờ tôi sẽ hỏi quý vị một câu hỏi. Tất cả những điều nguy hiểm này là gì? Chúng ta có thể mô tả chúng chỉ như một điều duy nhất được không? Được, chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể nói rằng tất cả những điều này chỉ là những vận hành của nghiệp. Đó là, sự hoàn thành của nghiệp, và quả của nghiệp: danh-sắc quả. Thực sự đó là những gì bây giờ xuất hiện như sự nguy hiểm đối với người hành thiền.

SỰ NGUY HIỂM NẰM TRONG NHỮNG VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

Chúng ta sẽ làm gì khi chúng ta gặp nguy hiểm? Chúng ta tìm nơi an ổn, nơi trú ẩn, và nơi che chở để tránh khỏi sự nguy hiểm. Những vận hành của nghiệp giờ đây xuất hiện như đáng sợ hãi và đau khổ đối với người hành thiền. Bởi thế, họ thấy chúng như những mối nguy hiểm, và họ tìm sự an ổn (khema) và an lạc (sukha) như một nơi nào đó không có những vận hành của nghiệp. Và nơi duy nhất không có những vận hành của nghiệp là trong Trạng Thái Tịch Tịnh (Santi-Pada – Tịch Diệt Xứ 寂滅處), Niết-Bàn.

Trong ngôn ngữ thực tiễn, người hành thiền thấy cái gì là đáng sợ hãi và khổ, và cái gì là an ổn, an lạc, và Niết-bàn?

  • Sự sanh (uppāda) trong kiếp này do nghiệp quá khứ (purima-kamma) là đáng sợ hãi, và khổ, trong khi sự không-sanh (an-uppāda) trong kiếp này là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Sự chuyển khởi (pavatta) của những nghiệp quả này là đáng sợ hãi, và khổ, trong khi sự không-chuyển khởi (a-pavatta) của những nghiệp quả này là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Tướng (nimitta) của các hành là đáng sợ hãi, và khổ, trong khi vô tướng (animitta) là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Sự tích luỹ (āyūhana) nghiệp là đáng sợ hãi, và khổ, trong khi không tích luỹ (an-āyūhana) nghiệp là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Kiết sanh (paṭisandhi) vào kiếp sống kế là đáng sợ hãi và khổ, trong khi không kiết sanh (a-ppaṭisandhi) vào một kiếp sống tương lai là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Sanh thú (gati) của kiết sanh là đáng sợ hãi và khổ, trong khi không sanh thú (a-gati, không đi đến nơi tái sanh) là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Sự sanh thành (nibbatti-生成 sanh thành) của các uẩn là đáng sợ hãi và khổ, trong khi sự không sanh thành (anibbatti) của các uẩn là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.
  • Sự tái khởi (upapatti) của các quả nghiệp là đáng sợ hãi và khổ, trong khi sự không tái khởi (an-upapatti) của các quả nghiệp là an ổn, an lạc, và Niệt-bàn.
  •  Sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, và não là đáng sợ hãi và khổ, trong khi không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không bi, không khổ, không ưu, và không não, là an ổn, an lạc, và Niết-bàn.

Một khi sự sanh, trú, diệt của năm uẩn được thấy theo cách này như đáng sợ hãi và khổ đau, và sự không sanh, không trụ, và không diệt được thấy như an ổn, an lạc, và Niết-bàn, thì có nghĩa rằng người hành thiền đã thực sự nhàm chán đối với các hành, và tâm người ấy khuynh hướng về Niết-bàn một cách tự nhiên. Đó là lý do vì sao có sự sanh khởi của Trí Quán Sự Nhàm Chán hay Yểm Ly Trí (‘Nibbid-Ānupassanā-Ñāṇa’).

Tồi khi người hành thiền tiếp tục quán tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của năm uẩn quá khứ, tương lai, hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, hạ liệt hay cao thượng, xa hay gần, cuối cùng người hành thiền phát triển được trí xả đối với năm uẩn.

XẢ ĐỐI VỚI NĂM UẨN

Xả đối với năm uẩn có ba phương diện:

  • Khi ước muốn và khát khao từ bỏ năm uẩn phát sanh: đó là Dục Thoát Trí (Muñcitu-Kamyatā-Ñāṇa).
  • Với ước muốn giải thoát có sự tư duy được lập đi lập lại và càng lúc càng thâm sâu trên năm uẩn như rỗng không thường, rỗng không lạc, rỗng không ngã, và rỗng không tịnh: đó là Tư Duy Trí (Paṭisaṅkh-ānupassanā-Ñāṇa). Đó là những phương tiện cho giải thoát.
  • Với ước muốn giải thoát và tư duy càng lúc càng sâu trên sư rỗng không của năm uẩn, người hành thiền thấy rằng chúng đầy những khuyết điểm: đó là Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa). Ở giai đoạn này, người hành thiền không còn nhìn năm uẩn với thái độ thích thú hay sợ hãi, mà nhìn vào chúng với thái độ xả, điều này có nghĩa là cuối cùng người hành thiền đã dứt bỏ chúng.

Chúng tôi đã đề cập đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa) này rất nhiều lần. Tất cả các bậc A-la-hán mà chúng ta bàn đến trong tập sách này đều đạt đến A-la-hán Thánh Quả nhờ họ đã phát triển được trí hành xả này nhiều lần trong quá khứ, dưới các vị Phật trước. Nó là minh sát trí hiệp thế cao nhất. Nếu Ba-la-mật của một người đã chín mùi, bước kế tiếp sẽ là sự chứng đắc Niết-bàn thực sự, với Nhập Lưu trí.

BỐN ĐIÊN ĐẢO

Hiểu biết giai đoạn giác ngộ này là điều hết sức quan trọng. Tại sao? Bởi vì giai đoạn này đánh dấu một sự thay đổi lớn từ là kẻ vô văn phàm phu (as-sutavā puthu-jjana) trở thành một bậc Đa Văn Thánh Đệ Tử (sutavā-Ariya-Sāvako):

Quý vị hẳn còn nhớ Đức Phật nói về hai loại người này ngay phần mở đầu của cả hai bài kinh ‘Dây Trói Buộc’ rồi chứ.

Kẻ vô văn phàm phu vui thích với năm uẩn, xem chúng như thường, lạc, ngã, và tịnh. Do vô minh (avijjā), sự hiểu biết của kẻ vô văn phàm phu về thế gian (của năm uẩn) bị bóp méo, xuyên tạc bởi bốn tưởng điên đảo (saññā-vipallāsa), bốn tâm điên đảo (citta-vipallāsa), và bốn kiến điên đảo (diṭṭhi-vipallāsa).822 Những điên đảo ấy là:

  • Tưởng, tâm, và kiến cho rằng trong vô thường (anicca) có thường (nicca).
  • Tưởng, tâm, và kiến cho rằng trong khổ (dukkha) có lạc (sukha).
  • Tưởng, tâm, và kiến cho rằng trong vô ngã (an-atta) có ngã (atta). Ở một phần trước, chúng ta đã bàn về những phân tích của Đức Phật về hai mươi kiến chấp về tự ngã của kẻ vô văn phàm phu.
  • Tưởng, tâm và kiến cho rằng trong bất tịnh (asubha) có tịnh (subha).

Do đó, kẻ vô văn phàm phu đi tìm sự an ổn và an lạc trong tự thân họ (đó là năm uẩn bên trong), trong mẹ hay cha của họ, trong chồng, vợ, con trai, con gái, bè bạn, tài sản…của họ (năm uẩn bên ngoài). [272] Như vậy, kẻ vô văn phàm phu đã hiểu một cách điên đảo về thực tại làm cho Niết-bàn (trở thành) không đáng mong muốn: họ không muốn dừng lại.

QUÁN TÍNH CHẤT RỖNG KHÔNG

Tuy nhiên, ở giai đoạn cao hơn của thiền minh sát này, người hành thiền hướng đến việc thấy năm uẩn với Chánh Trí Tuệ (Samma-Ppaññā). Người hành thiền quán năm uẩn đúng theo thực tại (yathā-bhūta) như rỗng không (suñña).

Ở đây, khi nói ‘rỗng không’, Đức Phật không muốn nói rằng năm uẩn, mười hai xứ, …không thực hiện hữu; ngài không hàm ý rằng mọi thứ đều là ảo tưởng: đó là tà kiến.Thực sự những gì năm uẩn không có là thường hằng, vững bền, bất diệt, và không phải chịu thay đổi mà thôi. Điều đó có nghĩa là năm uẩn không có thường, không có lạc, không có ngã, và không có tịnh.

NĂM ẢNH DỤ VỀ SỰ RỖNG KHÔNG

Trong kinh ‘Pheṇa-Piṇḍ-Ūpama’, Đức Phật dùng năm ảnh dụ để giải thích cách vị Tỳ kheo quán tính chất rỗng không của năm uẩn. Trước tiên ngài giải thích rằng nếu một người nhìn thấy một đám bọt nước trôi trên sông Hằng, và xem xét nó một cách cẩn thận, họ sẽ thấy rằng nó chỉ là trống rỗng, không có thực chất. Và ngài so sánh nó với việc hành thiền minh sát trên sắc:

Cũng vậy, này các Tỳ -kheo, phàm có loại sắc gì thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, hạ liệt hay cao thượng, xa hay gần; nếu vị Tỳ-kheo thấy nó (passeyya), quán nó (nijjhāyeyya), và thẩm sát nó một cách cẩn thận (yoniso upaparikkheyya).

Do vị Tỳ -kheo nhìn chuyên chú sắc ấy, quán sắc ấy, và thẩm sát cẩn thận sắc ấy, nó sẽ hiện rõ chỉ là rỗng không, hiện rõ chỉ là trống rỗng , hiện rõ ra là không có thực chất. Làm sao, này các Tỳ-kheo, lại có thực chất trong sắc được?

Đó là cách Đức Phật dạy một người nên thực hành minh sát trên sắc uẩn. Rồi ngài mô tả việc nước mưa rơi trên mặt nước tạo ra những bong bóng. Nếu một người xem xét cẩn thận những bong bóng nước ấy, họ thấy rằng một bong bóng sanh, rồi vỡ tan, không có thực chất nào cả. Và ngài so sánh nó với việc hành thiền minh sát trên thọ uẩn:

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, phàm bất cứ loại thọ nào thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, hạ liệt hay cao thượng, xa hay gần; nếu vị Tỳ- kheo thấy nó, quán nó, và thẩm sát nó một cách cẩn thận. Do vị Tỳ-kheo nhìn chuyên chú sắc ấy, quán sắc ấy, và thẩm sát cẩn thận sắc ấy, nó sẽ hiện rõ chỉ là rỗng không, hiện rõ chỉ là trống rỗng , hiện rõ ra là không có thực chất. Làm sao, này các Tỳ-kheo, lại có thực chất trong thọ được?

Đó là cách Đức Phật dạy một người nên thực hành thiền minh sát (vipassanā-bhāvanā) trên thọ uẩn. Rồi ngài giải thích cách vị Tỳ kheo thực hành minh sát trên mười một loại tưởng: chúng xuất hiện như một ảo ảnh, rỗng không, trống rỗng, không có thực chất, đối với vị ấy. Và khi vị Tỳ kheo quán mười một loại hành, chúng hiện ra rỗng không như một thân cây chuối đối với vị ấy. Quý vị biết, cây chuối có một cái thân giả: nó chỉ gồm nhiều cuộn kết thành. Nếu người ta bóc hết những cuộn ấy ra, họ sẽ thấy không có gì bên trong cả. Cuối cùng, Đức Phật giải thích rằng khi vị Tỳ kheo thực hành thiền minh sát trên mười một loại thức, chúng hiện ra với vị ấy rỗng không như sự đánh lừa của một ảo thuật gia, một trò bịp bợm thuần tuý, không có thực chất. Đó là cách Đức Phật dạy một người nên thực hành thiền minh sát trên năm uẩn.

Giai đoạn này, minh sát trí của một người phát triển rất mạnh mẽ nhờ đã quán năm uẩn như đáng sợ hãi, và nguy hiểm, và trở nên nhàm chán đối với chúng.

RỖNG KHÔNG TỰ NGÃ VÀ NHỮNG GÌ THUỘC VỀ TỰ NGÃ

Kế tiếp, khi người hành thiền quán năm uẩn là rỗng không, họ hiểu được rằng chúng không có tự ngã (‘Cái này là tự ngã của tôi’) cũng như không có bất cứ thứ gì thuộc về tự ngã (‘Cái này là của tôi’).826Họ không thấy có cái ngã của mình (‘tự ngã của tôi’) ; họ không thấy có cái ngã thuộc người khác, chẳng hạn, mẹ ta (‘Tôi là con của mẹ tôi’), anh tôi (‘tôi là em của anh tôi’), hay một người bạn (‘Tôi là bạn của bạn tôi’). Họ không thấy người khác có cái ngã thuộc về họ, chẳng hạn, mẹ tôi (‘Đây là mẹ tôi’), anh ta (‘Đây là anh tôi’), hay một người bạn (‘Đây là bạn tôi’). Tương tự, họ không thấy có một tự ngã thuộc về bất cứ sở hữu nào, cũng như không có bất cứ sở hữu nào có một tự ngã.

Sau khi hiểu rõ tính rỗng không của tự ngã, rỗng không của ngã sở (sở hữu của tự ngã), rỗng không không có thực chất ,…này, người hành thiền mở rộng đến thế gian:

Đó là, sáu nội và ngoại xứ, năm uẩn, sáu loại thức, xúc, thọ, tưởng, tư, ái, tầm, sáu loại tứ, sáu giới, mười kasiṇa, ba mươi hai thân phần, mười tám giới, mười hai chi phần duyên sanh,…thuộc quá khứ, tương lai, và hiện tại.

NÀY MOGHARĀJA, HÃY NHÌN ĐỜI RỐNG KHÔNG

Khi một người nhìn đời hay thế gian theo cách này, Đức Phật nói diêm vương (Māra) không thể thấy họ được. Có lần Đức Phật đã giải thích điều này cho một du sĩ khổ hạnh tên là Mogharāja. Ông đã hỏi Đức Phật là ông nên nhìn đời như thế nào, để thoát khỏi thần chết. Đức Phật trả lời ông bằng một bài kệ.

Này Mô-gha-ra-ja,

Hãy nhìn đời trống không (suññato),

Luôn luôn giữ chánh niệm,

Nhổ lên ngã tùy kiến,

Như vậy vượt tử vong,

Ai nhìn đời như vậy,

Thần chết không thấy được.

Đời hay thế gian (loka) ở đây là năm thủ uẩn. Hãy nhìn đời rỗng không (Suññato) : có nghĩa là hãy nhìn năm thủ uẩn như không có thường, không có lạc, không có tự ngã, và không có tịnh.

Luôn luôn giữ chánh niệm có nghĩa là phải luôn luôn nhớ đến việc thấy bốn loại rỗng không này trong năm thủ uẩn. Nếu một người quán thế gian theo cách này, họ bỏ được ngã tuỳ kiến (attānu-diṭṭhi, hay thân kiến- sakkāya-diṭṭhi), và lúc đó họ có thể vượt qua (chạy nhanh hơn) thần chết. Ai nhìn thế gian như vậy, diêm vương không thấy được: diêm vương (Māra) không thể thấy được người nhìn thế gian theo cách này. 

Khi người hành thiền quán năm uẩn theo cách này nhiều lần, minh sát trí của vị ấy sẽ cải thiện, và dần dần vị ấy bỏ được hai thái độ: sợ hãi và thích thú đối với năm uẩn : thay vào đó, vị ấy nhìn chúng với thái độ xả. Vị ấy nhìn năm uẩn như không có ‘Tôi’, như không phải ‘của tôi’, như không phải ‘tự ngã’ của tôi. Để giải thích điều này, Đức Phật dùng ảnh dụ một người đàn ông đã ly dị vợ, và do đó dửng dưng với cô ta.

LY DỊ NĂM UẨN

Giả sử người đàn ông kia lấy được một cô vợ duyên dáng, đáng mơ ước, đáng yêu. Và giả sử anh ta yêu cô ta đến nỗi không thể chịu đựng được nếu không có cô ta dù chỉ trong thoáng chốc. Nếu anh ta thấy cô ta nói chuyện, cười đùa với một người đàn ông nào khác, anh ta sẽ cảm thấy lo âu, bất mãn, thậm chí đau khổ. Tại sao thế ? Bởi vì anh đã xem cô ta như ‘nàng là của tôi’, và hạnh phúc của anh ta tuỳ thuộc vào một mình cô ta vậy. 

Rồi sau đó anh ta khám phá ra rằng cô ta có nhiều khuyết điểm. Và anh sẽ ly dị cô ta. Một khi đã ly dị, anh sẽ không còn xem cô ta như ‘của tôi’ nữa. Và nếu bây giờ anh ta có thấy cô ta nói chuyện, cười đùa với một người đàn ông nào khác, anh ta sẽ không cảm thấy lo âu, bất mãn, mà hoàn toàn dửng dưng và lãnh đạm. Tại sao ? Bởi vì anh ta không còn xem cô ta như ‘nàng là của tôi’ nữa. Hạnh phúc của anh ta giờ đây không còn lệ thuộc vào cô ta nữa.

Theo cách tương tự, người hành thiền quán năm uẩn như vô thường, khổ, và vô ngã. Rồi, sau khi đã thấy rằng không có gì để xem như ‘Tôi’ hay ‘Của Tôi’ hay ‘Tự ngã’ của tôi, người hành thiền không còn thấy chúng như đáng sợ hãi hay thích thú nữa. Thay vào đó, người ấy trở nên dửng dưng, và nhìn vào chúng với thái độ xả. 

TÂM NGƯỜI ẤY RÚT LẠI, CO LẠI, DỘI LẠI

Khi một người biết và thấy theo cách này, tâm của họ rút lại, co lại, và dội lại với ba loại hữu (bhāva, dục hữu, sắc hữu, và vô sắc hữu). Ví như những giọt nước rút lại, co lại, và dội lại trên một lá sen hơi nghiêng thế nào, ở đây cũng vậy tâm một người rút lại, co lại, và dội lại không chỉ khỏi các cảnh giới địa ngục, súc sanh, và ngạ quỷ, mà còn khỏi cả nhân giới, mười một cõi trời dục giới, các cõi phạm thiên sắc giới, và vô sắc giới. Ví như chiếc lông chim hay một sợi gân quăng vào lửa, rút lại, co lại và dội lại như thế nào, tâm một người cũng vậy, rút lại, co lại, và dội lại khỏi bất cứ nơi đâu thức tái sanh có thể sanh. Theo cách này trong vị ấy khởi lên cái gọi là Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

THẤY NIẾT BÀN LÀ TỊNH LẠC

Giai đoạn này, nếu ba-la-mật của một người đã sẵn sàng chín mùi, tâm họ có thể rút lại, co lại, và dội lại khỏi năm uẩn, không còn chú ý tới năm uẩn nữa, và tiến tới trạng thái tịnh lạc, thấy Niết-bàn như sự tịnh lạc, lấy Niết-bàn làm đối tượng. Nếu không, người hành thiền phải quán đi quán lại năm uẩn là vô thường, khổ, và vô ngã nhiều lần: 831 thậm chí trong nhiều năm. Nhờ làm như vậy, cuối cùng ngũ căn của hành giả sẽ trở nên thành thục, và minh sát trí sẽ chỉ lấy Niết-bàn làm đối tượng, lúc đó Đạo Quả thứ nhất sẽ khởi lên.

Bây giờ chúng ta hãy bàn về những vận hành của Đạo và Quả.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *